Quà tặng cuộc sống

Đi Tìm Lẽ Sống

di tim le song1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Viktor E. Frankl

Download sách Đi Tìm Lẽ Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Đi tìm lẽ sống của Viktor Frankl là một trong những quyển sách kinh điển của thời đại. Thông thường, nếu một quyển sách chỉ có một đoạn văn, một ý tưởng có sức mạnh thay đổi cuộc sống của một người, thì chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để chúng ta đọc đi đọc lại và dành cho nó một chỗ trên kệ sách của mình. Quyển sách này có nhiều đoạn văn như thế.

Trước hết, đây là quyển sách viết về sự sinh tồn. Giống như nhiều người Do Thái sinh sống tại Đức và Đông Âu khi ấy, vốn nghĩ rằng mình sẽ được an toàn trong những năm 1930, Frankl đã trải qua khoảng thời gian chịu nhiều nghiệt ngã trong trại tập trung và trại hủy diệt của Đức quốc xã. Điều kì diệu là ông đã sống sót, cụm từ “thép đã tôi thế đấy” có thể lột tả chính xác trường hợp này. Nhưng trong quyển sách này, tác giả ít đề cập đến những khó nhọc, đau thương, mất mát mà ông đã trải qua, thay vào đó ông viết về những nguồn sức mạnh đã giúp ông tồn tại. Nhiều lần trong quyển sách này, Frankl hay trích dẫn lời của Nietzche : “Người nào cólý dođể sống thì có thể tồn tại trongmọinghịch cảnh”. Ông chua xót kể về những tù nhân đã đầu hàng cuộc sống, mất hết hy vọng ở tương lai và chắc hẳn là những người đầu tiên sẽ chết. Ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Ngược lại, Frankl đã nuôi giữ hy vọng để giữ cho mình sống sót bằng cách nghĩ về người vợ của mình và trông chờ ngày gặp lại nàng. Ông còn mơ ước sau chiến tranh sẽ được thuyết giảng về các bài học tâm lý ông đã học được từ trại tập trung Auschwitz. Rõ ràng có nhiều tù nhân khao khát được sống đã chết, một số chết vì bệnh, một số chết vì bị hỏa thiêu. Trong tập sách này, Frankl tập trung lí giải nguyên nhân vì sao có những người đã sống sót trong trại tập trung của phát xít Đức hơn là đưa ra lời giải thích cho câu hỏi vì sao phần lớn trong số họ đã không bao giờ trở về nữa.

Những trải nghiệm kinh hoàng của tác giả trong trại tập trung Auschwitz đã củng cố một trong những quan điểm chính của ông: Cuộc sống không phải chỉ là tìm kiếm khoái lạc, như Freud tin tưởng, hoặc tìm kiếm quyền lực, như Alfred Adler giảng dạy, mà là đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Frankl đã viết rằng một người “có thể giữ vững lòng quả cảm, phẩm giá và sự bao dung, hoặc người ấy có thể quên mất phẩm giá của con người và tự đặt mình ngang hàng loài cầm thú trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt để sinh tồn”. Ông thừa nhận rằng chỉ có một số ít tù nhân của Đức quốc xã là có thể giữ được những phẩm chất ấy, nhưng “chỉ cần một ví dụ như thế cũng đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể đưa người ấy vượt lên số phận nghiệt ngã của mình”.

Frankl luôn trung thành với quan điểm: Những thế lực vượt quá khả năng kiểm soát của bạn có thể lấy đi mọi thứ mà bạn có, chỉ trừ một thứ, đó là sự tự do chọn lựa cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh. Tôi luôn áp dụng quan điểm này của Frankl trong suốt cuộc đời mình cũng như trong vô số tình huống tư vấn. Bạn không thể kiểm soát điều gì sẽ xảy ra trong đời mình, nhưng bạn luôn có thể kiểm soát cách đón nhận cũng như cách phản ứng trước mọi tình huống của cuộc sống.

Có một cảnh trong vở kịchIncident at Vichy (Sự cố tại Vichy) của Arthur Miller, trong đó, một người đàn ông trung lưu xuất hiện trước chính quyền Đức quốc xã, vốn đang chiếm đóng thị trấn của ông và trưng ra bằng cấp của mình: tấm bằng đại học, các lá thư tham khảo do những người có tiếng tăm viết, v.v. Tên lính Đức quốc xã hỏi ông: “Mày chỉ có thế thôi sao?”. Người đàn ông gật đầu. Tên lính quăng tất cả vào sọt rác và nói: “Tốt, giờ mày chẳng còn gì nữa”. Người đàn ông cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Frankl đã nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ mất đi tất cả nếu chúng ta vẫn còn được tự do lựa chọn cách phản ứng với sự việc.

Trải nghiệm tôn giáo của tôi đã cho tôi thấy chân lý trong quan điểm của Frankl. Tôi biết có nhiều doanh nhân thành công sau khi nghỉ hưu, đã mất hết mọi nhiệt huyết với cuộc sống. Với họ, dường như ý nghĩa cuộc sống chỉ xoay quanh hai chữ “công việc”. Vì vậy, khi không có việc làm nữa, họ cảm thấy cuộc sống trở nên vô vị. Mỗi ngày qua đi, họ lặng lẽ ngồi trong nhà băn khoăn thấy mình “không biết làm gì”. Tôi biết nhiều người đã trưởng thành từ khả năng chịu đựng phi thường của họ một khi họ có lòng tin rằng những tai họa, nghịch cảnh của họ đang chịu đựng không vô ích. Đa phần đối với mọi người, việc có một lý dođể sống khiến cho họ có thể chịu đượcMọihoàn cảnh, có thể đó là mong muốn được cùng mọi người trong gia đình gánh vác một trọng trách nào đó hoặc hy vọng các bác sĩ sẽ tìm ra phương thuốc điều trị căn bệnh của họ.

Tuy Frankl và tôi có những trải nghiệm không giống nhau song những gì chúng tôi rút ra được từ những bài học cuộc sống có nhiều điểm tương đồng. Những quan điểm trong tập sáchWhen bad Things Happen to Good People (Khi điều tồi tệ xảy ra với người tốt) có được sự tín nhiệm của độc giả bởi vì chúng được rút ra từ chính những trải nghiệm của tôi trong quá trình tìm hiểu căn bệnh dẫn đến cái chết của con trai mình. Trong khi đó, học thuyết về liệu pháp ý nghĩa của Frankl trình bày phương thức chữa trị vết thương cho tâm hồn bằng cách dẫn dắt nó đi tìm ý nghĩa cuộc sống, những trang viết được đúc kết từ trải nghiệm mà tác giả phải chịu ở Auschwitz đã lập tức nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của độc giả. Bạn không thể tiếp nhận toàn bộ giá trị sâu sắc của tập sách này nếu chỉ đọc phần sau mà bỏ qua nửa đầu của cuốn sách.

Một điểm rất có ý nghĩa nữa, là lời đề tựa cho ấn bản năm 1962, được viết bởi Gordon Allport – một nhà tâm lý học nổi tiếng, còn trong lần này, lời đề tựa được viết bởi một giáo sĩ. Đây là một quyển sách có bàn về những nội dung rất sâu sắc liên quan đến lĩnh vực tôn giáo. Nó thể hiện tư tưởng chủ đạo của tác giả là cuộc sống co ý nghĩa và chúng ta phải học cách nhìn cuộc sống theo hướng có ý nghĩa bất kể hoàn cảnh nào đi nữa. Tác phẩm cũng nhấn mạnh một điều: cuộc sống này có một ý nghĩa tối hậu. Và trong bản gốc, trước khi bổ sung phần tái bút, Frankl đã kết thúc quyển sách bằng những lời đậm chất tôn giáo nhất của thế kỉ hai mươi:

Chúng ta đã đến chỗ biết được Con người thực sự là gì.Rốt cuộc, con người là hữu thể đã tạo ra phòng hơi ngạt ở Auschwitz, nhưng cũng là hữu thể hiên ngang bước vào phòng hơi ngạt với kinh Lạy Cha hoặc câu kinh Shema Yisrael trên môi.

HAROLD S.KUSHNER

Trích dẫn

NHỮNG TRẢI NGHIỆM TRONG TRẠI TẬP TRUNG

Hầu hết các sự kiện được mô tả ở đây không xảy ra tại các trại tập trung lớn và nổi tiếng mà ở trong những trại tập trung nhỏ, nơi hầu hết các sự cách ly thực sự diễn ra. Câu chuyện này không phải nói về nỗi đau và cái chết của những anh hùng và liệt sĩ, cũng không nói về các Capo khét tiếng – những tù nhân được ủy quyền và nhận được nhiều đặc ân – hay về những tù nhân nổi tiếng. Vì vậy, nó không tập trung nhiều vào nỗi đau của những con người mạnh mẽ, mà nó tập trung vào những hy sinh, sự giày vò và cái chết của số đông những nạn nhân vô danh mà không một tài liệu nào ghi nhận. Họ chính là những người tù thông thường, những người không có dấu hiệu đặc biệt trên tay áo, và bị các Capo coi thường. Trong khi những tù nhân bình thường này không đủ ăn hoặc không có gì để ăn thì các Capo không bao giờ biết đói; thực ra cuộc sống của nhiều Capo trong trại còn tốt hơn cuộc sống bên ngoài của họ. Chính họ thường gây khó dễ với tù nhân hơn là các lính canh, và cũng chính họ đánh đập các tù nhân tàn bạo hơn lính SS (Đội bảo vệ của quân Phát xít). Dĩ nhiên những Capo này chỉ được chọn từ những người tù có tính cách phù hợp với yêu cầu công việc. Nếu họ không đáp ứng những gì đội ngũ lãnh đạo trông chờ thì ngay lập tức họ sẽ bị đào thải. Vì vậy, khi được chọn, họ sẽ nhanh chóng trở nên tàn nhẫn giống những tên lính SS và các trại trưởng. Càng độc ác và tàn bạo, các Capo càng được cấp trên đánh giá cao.

Những người bên ngoài thường có cái nhìn chưa đúng về cuộc sống trong trại – họ thường nhìn nhận về cuộc sống của các tù nhân bằng con mắt xót xa, thương cảm. Họ hoàn toàn không biết rõ về cuộc đấu tranh sinh tồn vô cùng khắc nghiệt giữa các tù nhân. Đây là một cuộc đấu tranh không ngơi nghỉ vì miếng ăn hàng ngày, vì sự sống còn, vì lợi ích của bản thân hay vì một người bạn tù.

Hãy lấy trường hợp vận chuyển tù nhân làm một ví dụ. Việc vận chuyển thường được thông báo chính thức để đưa một số tù nhân đến một trại khác; nhưng không khó để dự đoán rằng đích đến của những chuyến đi này có thể là phòng hơi ngạt. Một nhóm những tù nhân bị bệnh hoặc không còn khả năng làm việc sẽ được chọn ra để đưa đến một trại tập trung lớn hơn, nơi có trang bị phòng hơi ngạt và lò thiêu. Thông cáo tuyển chọn là dấu hiệu báo trước sẽ có một cuộc ẩu đả hỗn loạn giữa các tù nhân hoặc giữa các nhóm với nhau. Điều quan trọng là sau những trận quyết chiến sống còn này, tên của một vài tù nhân sẽ được loại ra khỏi danh sách các nạn nhân, mặc dù mọi người đều biết rõ rằng với mỗi một người được cứu thoát thì sẽ có một nạn nhân khác bị thế vào.

Có một lượng tù nhân nhất định trên mỗi lượt vận chuyển, nhưng ở đây số lượng không phải là vấn đề bởi vì mỗi tù nhân chẳng còn lại gì ngoài một con số. Lúc nhập trại, tất cả giấy tờ cũng như những vật sở hữu của họ đều đã bị tịch thu (ít ra đây là cách thức ở Auschwitz). Vì vậy, mỗi tù nhân có cơ hội để nói đại một cái tên hoặc một nghề nghiệp nào đó; và vì nhiều lý do nhiều người đã làm thế. Những người phụ trách trại chỉ quan tâm đến các số tù. Những con số này thường được xăm lên da của tù nhân, khâu lên một nơi nào đó trên quần hoặc áo khoác của họ. Bất cứ lính canh nào muốn hoạnh họe tù nhân thì chỉ cần liếc nhìn con số ấy (ánh nhìn đó thật đáng sợ); hắn chẳng bao giờ cần hỏi tên của người tù ấy làm gì.

Trở về với cuộc vận chuyển, ở đây không có thời gian lẫn nhu cầu xem xét các vấn đề về đạo lý. Mỗi người chỉ có một suy nghĩ trong đầu: cố gắng sống sót vì gia đình đang chờ mình ở nhà, và cứu các bạn mình. Vì vậy, người đó sẽ không do dự khi tìm cách dàn xếp cho một tù nhân khác – một “con số” khác – thế chỗ mình trên chuyến vận chuyển đó.

Như tôi đã đề cập trước đó, quy trình chọn ra các Capo là một quy trình tiêu cực; chỉ những tù nhân hung bạo nhất mới được chọn để làm những công việc này (mặc dù cũng có những ngoại lệ thú vị). Nhưng ngoài việc tuyển chọn các Capo được lực lượng SS tiến hành, còn có một loại quá trình tự tuyển chọn luôn diễn ra giữa các tù nhân. Nhìn chung, chỉ còn những tù nhân như thế mới có thể sống sót, những người sau nhiều năm lê lết từ trại này sang trại khác, đã đánh mất mọi cảm thức lương tâm trong cuộc chiến sống còn. Họ sẵn sàng sử dụng bất cứ cách thức nào, trung thực hay không, thậm chí tàn bạo, trộm cướp và phản bội bạn bè của họ để giữ lại mạng sống cho mình. Những người được trở về nhờ vào sự may mắn hoặc một phép màu nào đó hay vì lý do gì đi nữa như chúng tôi đều biết rằng: những điều tốt đẹp nhất trong chúng tôi đã không bao giờ trở lại.

Đã có nhiều trình thuật về những dữ kiện xảy ra trong các trại tập trung. Ở đây, các sự việc chỉ có ý nghĩa nếu chúng là một phần trải nghiệm của con người. Khảo luận sau đây sẽ cố gắng miêu tả bản chất đích thực của các trải nghiệm ấy. Đối với những bạn tù của tôi, tôi sẽ cố gắng khắc họa những trải nghiệm của họ theo cách hiểu hiện nay. Và với những người chưa từng ở trại, những miêu tả của tôi có thể giúp họ hiểu và hiểu rõ hơn những trải nghiệm của rất ít tù nhân sống sót và đang gặp khó khăn với cuộc sống hiện tại. Thông thường, họ không muốn nói về những trải nghiệm ấy. Họ không cần một lời giải thích nào, cũng như những người khác sẽ không thể hiểu được cảm nhận của họ khi ấy cũng như bây giờ..

ĐỌC THỬ

Người tù thường mơ thấy gì nhiều nhất? Đó là bánh mì, bánh ngọt, thuốc lá và những buổi tắm nước nóng. Sự thiếu thốn những nhu cầu đơn giản này đã khiến tù nhân tìm kiếm sự thỏa mãn trong những giấc mơ. Những giấc mơ này có làm được gì tốt đẹp hay không lại là một chuyện đáng sợ khác; kẻ mơ mộng rồi cũng phải thức dậy với cuộc sống thực tế trong trại, cùng với sự trái ngược khủng khiếp giữa đời thực và mộng ảo.

Tôi sẽ không bao giờ quên được việc mình đã bị đánh thức giữa đêm bởi tiếng ú ớ của người bạn tù nằm bên, rõ ràng anh ấy đang trong cơn ác mộng. Bởi luôn thấy thương cảm cho những người đang phải chịu đựng những cơn ác mộng hay mê sảng nên tôi đã muốn đánh thức người đàn ông tội nghiệp đó dậy. Tôi đưa tay định lay anh ấy dậy nhưng bỗng nhiên tôi rụt tay lại, lo sợ điều mình sắp làm. Vào lúc đó, tôi nhận thức rõ một sự thật rằng không có giấc mơ nào, cho dù có ghê sợ đến mấy, lại đáng sợ bằng thực tế ở trại, vốn đang vây bủa chúng tôi; vậy mà tôi lại định đưa anh ấy trở lại với thực tế còn khủng khiếp hơn cả cơn ác mộng kia.

Bởi vì thiếu ăn trầm trọng nên không có gì khó hiểu khi sự thèm ăn luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong tâm trí của những người tù. Hãy quan sát các tù nhân khi họ được làm việc gần nhau và không bị giám sát chặt chẽ. Ngay lập tức, họ sẽ bàn về thức ăn. Một người sẽ hỏi người đang làm việc bên cạnh mình về món ăn yêu thích của người đó. Và rồi họ sẽ trao đổi công thức và lên thực đơn trong ngày khi được trả tự do và trở về nhà. Họ cứ tiếp tục tưởng tượng mọi việc thật chi tiết và câu chuyện chỉ kết thúc khi nhận được lời cảnh báo được truyền từ trên xuống, thông thường lời cảnh báo này được truyền dưới dạng mật khẩu đặc biệt hoặc một con số với hàm ý: “Lính canh đang đến”.

Tôi luôn xem những cuộc bàn tán về thức ăn giữa các bạn tù là nguy hiểm. Dù rằng việc kích thích cơ thể bằng hình ảnh các món ngon thật chi tiết và hấp dẫn đã phần nào đó giúp các tù nhân giải tỏa tâm lý tạm thời, nhưng nó là một ảo giác, mà nếu xét về mặt tâm lý thì ảo giác chắc chắn là có hại.

Trong suốt thời gian ở tù sau này, khẩu phần ăn mỗi ngày của chúng tôi chỉ còn là nước xúp – được phân phát một lần trong ngày kèm với một mẩu bánh mì. Ngoài bữa ăn đó, chúng tôi còn có một “bữa ăn bổ sung” trong ngày: hôm thì một mẩu bơ vụn hoặc một lát xúc xích, hôm là một miếng pho-mát, có khi lại là một chút mật ong hoặc một thìa mứt. Về dinh dưỡng, chế độ ăn này chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cơ thể, nhất là khi các tù nhân phải lao động chân tay nặng nhọc không ngơi nghỉ, phơi mình trong tiết trời lạnh buốt không đủ quần áo che người. Những người bị bệnh được “chăm sóc đặc biệt” – tức là những người được phép nằm ở trong lều trại mà không cần phải rời trại để đi làm việc – thậm chí còn bị đối xử tệ hơn.

Khi những lớp mỡ dưới da biến mất, trông chúng tôi chẳng khác nào những bộ xương khô, có khác chăng là được khoác thêm lớp da và bộ quần áo cũ rách. Cơ thể chúng tôi bị bào mòn theo từng ngày. Nó sử dụng chính nguồn dưỡng chất đã tích lũy để duy trì sự tồn tại của chính nó. Sau nhiều lần quan sát, mỗi một người trong chúng tôi có thể dự đoán khá chính xác ai sẽ là người ra đi tiếp theo và khi nào. “Anh ấy không còn sống được lâu đâu” hoặc “Tiếp theo sẽ là anh ấy”, chúng tôi thì thầm trong lúc bắt chấy rận cho nhau. Mỗi một ngày qua đi, đến chiều tối, chúng tôi quan sát chính cơ thể trần truồng của mình và có cùng suy nghĩ: Cơ thể của tôi thực sự chỉ còn là một cái xác. Tôi còn gì là tôi nữa? Tôi vẫn là tôi bên dưới lớp da bọc xương này, là một thành viên thuộc đám đông đằng sau hàng rào kẽm gai, tụ tập trong những lều trại chật hẹp. Tôi là một phần của đám người mà mỗi ngày ai ai cũng nhận ra rằng một phần nào đó của cơ thể bắt đầu mục rã.

Như đề cập ở trên, ý nghĩ về thức ăn và các món khoái khẩu đã ăn sâu vào trong nhận thức của người tù. Mỗi khi có thời gian rảnh là họ nghĩ ngay đến thức ăn, đây là điều không thể tránh khỏi. Mọi người sẽ thông cảm với chúng tôi khi biết rằng ngay cả những người cứng cỏi nhất trong chúng tôi cũng ao ước đến ngày có đủ thức ăn, không phải chỉ vì cơ thể chúng tôi thèm khát thức ăn, mà còn vì biết rằng những chuỗi ngày sống không ra sống này – sự thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu của con người khiến chúng tôi không thể nghĩ gì khác ngoài thức ăn – cuối cùng cũng chấm dứt.

Những người chưa từng trải qua hoàn cảnh như vậy thì khó mà hiểu được những cuộc đấu tranh tinh thần dữ dội mà một người đang trong cơn đói phải trải qua. Họ khó mà hiểu được nỗi thống khổ của việc phải đứng đào xới hàng giờ liền trong một cái hào, mòn mỏi chờ đợi âm thanh duy nhất phát ra từ chiếc còi thông báo 9 giờ 30 hay 10 giờ sáng – khoảng thời gian nửa tiếng được nghỉ để ăn trưa – lúc này, các tù nhân sẽ được tự do bên khẩu phần ăn của mình (miễn là bánh mì vẫn còn). Các bạn cũng khó mà hiểu được sự khổ sở của những người tù khi họ liên tục hỏi người quản đốc – nếu người đó không phải là người quá khắt khe – rằng mấy giờ rồi; và khẽ chạm vào mẩu bánh mì trong túi áo, trước tiên mân mê nó bằng những ngón tay tê cóng, sau đó mới bẻ một mẩu nhỏ cho vào miệng, và cuối cùng, với một chút ý chí cuối cùng, bỏ mẩu bánh vào túi trở lại, và tự hứa rằng phải để dành đến chiều.

Dù là vô thức hoặc có ý thức đi nữa thì chúng tôi cũng không ngừng đấu tranh để tìm ra cách sử dụng hợp lý nhất phần bánh mì ít ỏi vốn chỉ còn được phát duy nhất một lần vào lúc cuối ngày. Có hai phương án để xử lý vấn đề này. Một là sẽ ăn hết phần bánh mì đó ngay lập tức. Điều này có hai thuận lợi, thứ nhất là sẽ thỏa mãn ngay cơn đói tức thời trong một lúc, ít nhất một lần trong ngày, và thứ hai là sẽ không phải lo lắng bị mất trộm. Cách giải quyết của nhóm thứ hai là chia nhỏ phần bánh mì đó thành nhiều phần cho nhiều lần sử dụng, và nhóm này cũng có những lý lẽ riêng của họ. Tôi cuối cùng cũng nhập bọn với nhóm thứ hai.

Thời điểm kinh khủng nhất trong 24 giờ ở trại là thời điểm thức dậy lúc trời vẫn còn tối, ba tiếng còi inh ỏi lôi chúng tôi dậy từ giấc ngủ mỏi mệt, ai cũng chưa kịp tỉnh hẳn. Chúng tôi bắt đầu vật vã với đôi giày ướt, cố nhét đôi chân đau nhức và sưng phồng do bị phù vào trong. Có những tiếng rên rỉ, kêu than quen thuộc về những phiền phức lặt vặt, chẳng hạn như việc lấy dây kẽm thay cho dây giày bị đứt. Một sáng nọ, tôi nghe một người mà tôi biết là rất ngoan cường và tự trọng khóc nấc lên như một đứa trẻ bởi ông buộc phải đi chân trần trên tuyết do không thể mang vừa đôi giày của mình. Trong thời khắc kinh khủng đó, tôi tìm thấy một chút an ủi; tôi lấy ra mẩu bánh mì từ trong túi và khoan khoái nhai trệu trạo.

Sự thiếu ăn là mối quan tâm hàng đầu của các tù nhân, đó cũng là lý do của sự thiếu vắng yếu tố tình dục ở đây. Ngoài những tác động từ cú sốc ban đầu, suy dinh dưỡng có lẽ là lời giải thích duy nhất cho điều mà nhà tâm lý sẽ quan sát được trong các trại toàn đàn ông này: đó là, khác với những trại nam có kỷ luật nghiêm khắc khác, tỷ dụ như trại lính, thì ở đây hầu như không xảy ra các lệch lạc về tình dục. Ngay cả trong những giấc mơ, người tù dường như cũng không quan tâm đến tình dục, mặc dù các cảm xúc tuyệt vọng, cao đẹp hoặc các cảm giác hưng phấn vẫn thể hiện rõ ràng trong những giấc mơ.

Với phần lớn tù nhân, mọi nỗ lực của họ được dùng để chống chọi với cái đói, cái rét và để tập trung giữ lại phần da thịt còn lại đã khiến họ không còn quan tâm đến những việc không phục vụ cho các mục đích ấy, và điều này giải thích sự thiếu thốn tình cảm hoàn toàn của người tù. Trên đường vận chuyển từ Auschwitz đến trại Dachau, tôi đã có cơ hội nhìn lại mái nhà xưa yêu dấu của mình. Chuyến xe lửa chở chúng tôi – khoảng 2.000 tù nhân – đi ngang qua Vienna. Vào khoảng giữa đêm, chúng tôi đi ngang qua một trong những trạm xe lửa ở thủ đô. Tàu sẽ đi ngang qua con đường có ngôi nhà đã gắn bó với tôi từ thuở lọt lòng cho đến lúc tôi bị bắt.

Trong khoang tàu chở 50 người chúng tôi có hai lỗ thông hơi nhỏ. Chỉ có đủ chỗ cho một nhóm ngồi xổm trên sàn, còn những người khác phải đứng hàng giờ liền, chen chúc quanh cái lỗ thông hơi. Tôi kiễng chân nhìn qua đầu những người khác qua chấn song cửa sổ và bắt gặp một cái nhìn kỳ lạ của thị trấn quê nhà. Chúng tôi cảm thấy mình đang đi đến gần cái chết hơn bao giờ hết bởi vì chúng tôi nghĩ rằng chuyến xe đang đi đến trại ở Mauthausen và rằng chúng tôi chỉ còn một hoặc hai tuần để sống. Tôi có cảm giác kỳ lạ rằng mình đang nhìn những con đường, quảng trường và các ngôi nhà thời thơ ấu qua đôi mắt của một người đã chết, đang trở về từ một thế giới khác và nhìn xuống thành phố ma.

Sau nhiều giờ trì hoãn, xe lửa rời khỏi trạm. Và rồi xuất hiện một con đường – con đường của tôi! Những thanh niên đã ở tù nhiều năm xem chuyến đi là một sự kiện tuyệt vời, họ nhìn chăm chú thông qua cái lỗ thông hơi. Tôi khẩn khoản xin họ cho tôi đứng trước lỗ thông hơi một lúc thôi. Tôi cố giải thích việc nhìn thấy hình ảnh đó có ý nghĩa với tôi như thế nào. Nhưng lời khẩn nài của tôi đã bị từ chối một cách thẳng thừng với giọng điệu đầy chế nhạo: “Ông đã sống ở đây nhiều năm rồi sao? Vậy thì ông đã ngắm nhìn đủ rồi!”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button