Quà tặng cuộc sống

Đêm Tối Và Ánh Sáng

Dem toi va anh sang - Jorey Hayden1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jorey Hayden

Download sách Đêm Tối Và Ánh Sáng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Từ lúc trưởng thành, phần lớn thời gian làm việc của tôi đều dành cho những trẻ em bị rối loạn cảm xúc. Mùa thu năm thứ nhất đại học, tôi đã tình nguyện tham gia vào một chương trình dành cho trẻ em chưa đến tuổi đến trường bị rối loạn và khiếm khuyết về mặt tâm thần. Tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào những khía cạnh đa dạng của chứng rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ. Từ đó đến nay, tôi đã đạt được ba tấm bằng, dành ra mấy năm làm giáo viên trợ giảng, rồi làm giáo viên, rồi trở thành giáo viên hướng dẫn cho sinh viên đồng thời nghiên cứu về tâm thần. Tôi đã từng sống ở năm tiểu bang khác nhau, làm việc trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân, trường học công lập, phân khoa thần kinh biệt lập và những học viện của tiểu bang trong khi vẫn luôn theo đuổi một đáp án mơ hồ về những đứa trẻ ấy – một chiếc chìa khóa thần kỳ sẽ khiến chúng cởi mở hơn, giúp tôi có thể hiểu được chúng. Tuy vậy, tận trong sâu thẳm, tôi vẫn luôn biết rằng không hề có chiếc chìa khóa nào tồn tại, và đối với một số trẻ, ngay cả tình yêu cũng không bao giờ đủ. Thế nhưng niềm tin vĩnh hằng trong tâm khảm con người vượt qua tất cả những lý lẽ, vươn xa khỏi tầm với hạn hẹp của những tri thức thông thường.

Mọi người vẫn thường hỏi thăm tôi về công việc tôi đang làm. Và tôi thường nghe những câu hỏi đại loại như “Có chán lắm không?”, “Có thấy nản không khi ngày ngày phải đối mặt với tình trạng bạo hành, những cảnh thiếu thốn, tình trạng nghiện ngập, rượu chè, lạm dụng thể xác, sự thiếu quan tâm chăm sóc và cả kỳ thị chủng tộc?”. Một giáo viên từng hỏi tôi: “Cô có thấy nản lòng không khi phải làm việc cật lực mà chẳng nhận được gì?”. Một số người thân thì lại hỏi: “Cô có thấy nản lòng không khi biết rằng dù mình có cố gắng thế nào đi nữa thì những đứa trẻ đó cũng đã bị xã hội nhìn nhận là sẽ phải sống một cuộc đời – mà theo tiêu chuẩn của chúng ta – không bao giờ mang lại lợi ích và đóng góp cho xã hội, hay thậm chí chỉ là một cuộc sống bình thường? Có thấy nản lòng không?”.

Không. Hoàn toàn không. Chúng chỉ là những đứa trẻ, đôi lúc cũng khiến mình cảm thấy bực bội như bao đứa trẻ khác, nhưng chúng cũng có lòng trắc ẩn và sự tinh tế như mọi người. Vấn đề là dường như mọi người chỉ nhận thấy những cơn nổi loạn điên cuồng của chúng mà thôi, và thế là họ cứ cho rằng bọn trẻ chỉ biết có vậy.

Nhưng thật ra những đứa trẻ ấy đâu phải hoàn toàn như thế. Chúng rất can đảm. Nhưng không may, lòng dũng cảm của chúng lại bị những sự kiện bên ngoài khác làm cho lu mờ. Một số trẻ sống với những cơn ác mộng ám ảnh thường trực đến nỗi bất kỳ hành động nào của chúng cũng hàm chứa nỗi kinh hoàng mơ hồ. Có trẻ sống trong bạo lực và hoàn cảnh éo le không thể tả thành lời. Số khác bị đối xử còn thua cả súc vật. Một số sống không có tình thương, số khác sống không hy vọng. Nhưng chúng vẫn chịu đựng và chấp nhận, bởi chúng không còn cách nào khác.

Cuốn sách này chỉ nói về một đứa trẻ. Cuốn sách không dùng để kêu gọi lòng thương hại; cũng không có ý định ca ngợi một cô giáo. Cũng không chỉ trích những người sống thản nhiên không để tâm đến những gì xảy ra xung quanh. Thật ra, đây chỉ là một đáp án cho câu hỏi liệu người ta có chán ngán không khi cứ phải tiếp xúc và làm việc với các bệnh nhân tâm thần. Đây là một bài ca về nhân tâm, bởi đứa trẻ này cũng như con cái chúng ta, như tất cả chúng ta – Cô bé là một con người.

CHƯƠNG 1

Lẽ ra tôi phải biết.

Mẩu tin được đưa rất ngắn gọn, chỉ vài đoạn ngắn nằm lọt trong trang sáu, bên dưới mấy mẩu tranh hoạt hình. Mẩu tin viết về một bé gái sáu tuổi đã bắt cóc một đứa bé hàng xóm. Vào một buổi chiều tháng Mười một se lạnh, con bé bắt cóc một bé trai ba tuổi, cột vào gốc cây trong một sân chứa củi gần đó và thiêu cậu bé. Cậu bé đang phải nằm trong bệnh viện địa phương trong tình trạng rất nguy kịch, còn con bé đã bị đưa đi giám hộ.

Tôi đọc mẩu tin một cách bình thản như khi đọc các mục còn lại của tờ báo và cảm thấy cái thế- giới-chẳng-biết-đang-đi-về-đâu này thật đáng chán. Thế rồi một buổi chiều nọ, tôi chợt nhớ lại chuyện đó trong lúc đang rửa bát đĩa. Tôi tự hỏi không biết cảnh sát đã làm gì với đứa bé gái. Liệu người ta có thể tống một đứa bé sáu tuổi vào tù không? Thỉnh thoảng tôi lại hình dung ra khung cảnh tuyệt vọng đáng sợ của nó khi bơ vơ trong trại giam bẩn thỉu cũ kỹ của thành phố. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện đó một cách bâng quơ, hết sức tình cờ. Nhưng lẽ ra tôi phải biết.

Lẽ ra tôi phải biết rằng sẽ không một giáo viên nào muốn có một đứa bé sáu tuổi với lý lịch như vậy xuất hiện trong lớp của mình. Không một bậc phụ huynh nào lại muốn một đứa trẻ như thế cùng đến trường với con em mình. Không ai muốn buông tha cho đứa trẻ ấy. Lẽ ra tôi phải biết cuối cùng con bé sẽ đến với lớp học của tôi.

Tôi đang dạy một lớp mà trường tôi vẫn gọi một cách trìu mến là “lớp cá biệt”. Đó là năm cuối cùng trước khi chương trình hội nhập vào cộng đồng dành cho những trẻ em đặc biệt được khởi động, là năm cuối cùng để xóa bỏ những lớp học dành cho trẻ bất thường. Có những lớp dành riêng cho trẻ bị rối loạn cảm xúc, khiếm khuyết thân thể, rối loạn hành vi, thiểu năng trí tuệ, và cuối cùng là lớp tôi. Lớp tôi nhận tám đứa bé còn lại – tám đứa không thể phân loại được. Lớp tôi là nơi dừng chân cuối cùng của các em trước khi các em bị đưa vào viện. Đó là lớp học dành cho những sinh linh nhỏ bé bị chối bỏ.

Đầu năm ngoái, tôi từng dạy với tư cách là một giáo viên dự phòng, hỗ trợ những trẻ bị rối loạn cảm xúc và tìm hiểu những trẻ khuyết tật học nửa buổi trong các lớp bình thường. Tôi đã đến đây một thời gian và đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên tôi không hề ngạc nhiên khi một ngày tháng Năm, thầy Ed Somers, Trưởng ban Giáo dục đặc biệt, tìm đến tôi và hỏi tôi có muốn nhận dạy lớp cá biệt vào mùa thu tới không. Ông biết tôi đã có nhiều kinh nghiệm với những trẻ em bị rối loạn nghiêm trọng, rất yêu thích trẻ nhỏ, và cũng thích thử thách nữa. Ông mỉm cười gượng gạo sau khi nói ra điều đó vì biết sự tâng bốc ấy nghe rất giả tạo, nhưng ông đã tuyệt vọng đến nỗi bất chấp tất cả để thử đề nghị với tôi.

Tôi đã trả lời đồng ý, nhưng vẫn không khỏi e dè. Tuy vậy, thật tâm tôi vẫn khao khát được đứng lớp dạy những đứa trẻ của riêng mình. Tôi cũng muốn thoát khỏi vị hiệu trưởng hà khắc một cách vô tâm của mình. Ông là một người tốt bụng, nhưng quan điểm của chúng tôi rất khác nhau. Ông khó chịu trước trang phục hàng ngày của tôi, với lớp học bừa bộn của tôi, với cách bọn trẻ gọi tôi bằng tên(1). Đó chỉ là những chuyện vụn vặt, nhưng cũng như tất cả những điều vụn vặt khác, chúng dần dần trở thành những xung đột lớn. Tôi biết rằng nếu nhận lời dạy lớp này cho thầy Ed, tôi sẽ có thể mặc quần jeans, tha hồ bừa bộn và thân mật với bọn trẻ. Thế là tôi nhận lời, hoàn toàn tự tin mình sẽ có thể vượt qua mọi trở ngại.

Sự tự tin của tôi bị lung lay đáng kể chỉ trong thời gian từ sau khi ký hợp đồng đến hết ngày khai trường. Cú sốc đầu tiên là khi tôi biết mình sẽ được bố trí trở lại vào đúng ngôi trường cũ tôi từng dạy, với chính vị hiệu trưởng cũ. Giờ đây ông không chỉ phải lo ngại về tôi mà còn phải lo tám đứa trẻ lập dị. Ngay lập tức, chúng tôi được bố trí vào một căn phòng trong dãy nhà phụ, kế bên chẳng có gì khác ngoài phòng thể thao. Chúng tôi hoàn toàn biệt lập với toàn thể ngôi trường. Lớp học của tôi hẳn sẽ đủ rộng nếu bọn trẻ lớn hơn một chút và biết tự chủ hơn. Nhưng với tám đứa nhỏ và hai người lớn, thêm mười cái bàn học sinh, ba cái bàn, bốn kệ sách và hàng đống ghế, căn phòng chật chội đến ngột ngạt. Thế là cái bàn giáo viên, hai kệ sách và một tủ hồ sơ ra đi, chỉ chừa lại chín cái ghế nhỏ và toàn bộ số bàn học sinh. Chưa hết, căn phòng dài và hẹp mà chỉ có một cửa sổ ở cuối phòng. Vốn dĩ nó được thiết kế để làm phòng nghiên cứu và hội ý nên tường được ép ván và sàn có lót thảm. Tôi rất sẵn lòng đổi tất cả những phần hào nhoáng ấy lấy một căn phòng không cần thắp đèn suốt ngày hay một căn phòng lót vải sơn chống thấm, vốn chịu được nước đổ và vết ố tốt hơn.

ĐỌC THỬ

Luật tiểu bang quy định rằng tôi phải có một trợ tá làm việc toàn thời gian vì số trẻ em bị rối loạn nghiêm trọng tôi phải chăm sóc đã đạt đến mức tối đa. Tôi đã rất hy vọng được cộng tác với một trong hai cô trợ tá rất thạo việc mà năm trước tôi đã cùng làm việc; nhưng không, tôi chỉ nhận được một người mới vào nghề. Ở chỗ chúng tôi, vốn nằm khá gần với bệnh viện tiểu bang, trại giam tiểu bang và một khu trại rộng lớn của dân nhập cư, danh sách những người nhận trợ cấp xã hội luôn dài dằng dặc. Hệ quả là những công việc chân tay thường được dành cho những người thất nghiệp trong danh sách của Ủy ban Xã hội. Mặc dù tôi không nghĩ vị trí trợ tá của mình là một công việc chân tay, nhưng ủy ban trợ cấp lại nghĩ vậy và ngay ngày khai giảng, tôi tiếp nhận một anh chàng cao to, bặm trợn mang hai dòng máu Mexico-Mỹ, nói tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn tiếng Anh. Anton hai mươi chín tuổi và chưa tốt nghiệp trung học. Anh thú nhận anh chưa bao giờ làm công việc tiếp xúc với trẻ nhỏ và cũng không đặc biệt yêu thích việc đó. Rồi anh giải thích – nhưng cô biết đấy, cô phải nhận công việc họ giao cho, nếu không cô sẽ mất phúc lợi. Anh vừa thả thân hình to lớn xuống một chiếc ghế nhỏ xíu dành cho trẻ mẫu giáo, vừa nói rằng nếu công việc này diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là lần đầu tiên anh ở lại phương Bắc suốt mùa đông thay vì theo những công nhân nhập cư khác di chuyển xuống California. Vậy là chúng tôi có hai người. Sau đó, khi năm học bắt đầu, tôi tìm được thêm một học sinh trung học mười bốn tuổi đồng ý dành hai tiếng mỗi ngày để đến hỗ trợ tôi. Với bấy nhiêu thứ, tôi đón lũ trẻ.

Tôi không có kỳ vọng đặc biệt nào đối với tám đứa nhỏ này. Kinh nghiệm trong nghề đã khiến tôi không còn quá ngây thơ. Từ lâu tôi đã học được rằng ngay cả khi tôi sửng sốt hay thậm chí bị sốc thì cách tự vệ tốt nhất là không thể hiện điều đó ra ngoài. Như vậy an toàn hơn.

Đứa đầu tiên đến lớp vào buổi sáng tháng Tám ấy là Peter. Peter là một cậu bé tám tuổi có mái tóc đen bù xù như rễ tre, vóc người to khỏe hoàn toàn trái ngược với hệ thần kinh bất ổn khiến cậu bé bị co giật nghiêm trọng và thường xuyên có những hành vi bạo lực. Peter hùng hổ lao vào phòng, luôn miệng la hét và chửi rủa. Thằng bé ghét trường học, ghét tôi, ghét lớp học này và có lẽ nó sẽ không ở lại căn phòng bẩn thỉu này lâu, và tôi cũng sẽ không thể giữ nó.

Kế đến là Tyler, đứa khiến tôi giật mình khi biết đó là một bé gái. Con bé có mái tóc xoăn sẫm màu, khẽ nép vào sau lưng mẹ, đầu cúi gằm. Tyler cũng tám tuổi và đã hai lần tự sát. Lần vừa rồi, số thuốc chống ẩm mà con bé uống vào đã hủy mất một phần thực quản của nó. Lúc này con bé đang phải mang một ống dẫn nhân tạo ở cổ và rất nhiều vết sẹo do phẫu thuật còn ửng đỏ như một bằng chứng hùng hồn về thành tích của mình.

Max và Freddie đều la hét khi bị lôi vào lớp. Max là một bé trai sáu tuổi tóc vàng mạnh khỏe, mắc chứng tự kỷ bẩm sinh. Thằng bé la khóc và vừa kêu quàng quạc, vừa vỗ tay lượn vòng khắp phòng. Mẹ cậu cho biết cậu luôn phản ứng hết sức bất ngờ và kỳ lạ trước những thay đổi. Bà nhìn tôi mệt mỏi, nhưng sự nhẹ nhõm khi được giải thoát khỏi thằng con quái gở trong vài giờ thể hiện rất rõ qua ánh mắt bà. Freddie bảy tuổi và nặng hơn 40kg. Quần áo cậu bé bó sát người, để lộ những ngấn mỡ. Khi được thả xuống sàn, cậu bé bắt đầu bớt khóc, bớt la hét, trên thực tế là ngồi một đống bất động. Một báo cáo cho biết cậu bé cũng bị tự kỷ. Một báo cáo khác thừa nhận không rõ nguyên nhân.

Còn Sarah năm nay bảy tuổi, và tôi đã biết con bé từ ba năm trước. Tôi đã chăm sóc Sarah từ năm nó học mẫu giáo. Sarah là nạn nhân của nạn lạm dụng thể xác. Con bé tỏ ra ương bướng và nóng nảy. Năm học trước, khi được đưa vào lớp Một đặc biệt ở một ngôi trường khác, nó đã im lặng suốt năm học. Con bé tuyệt đối không trò chuyện với bất kỳ ai ngoài mẹ và chị gái. Chúng tôi mỉm cười khi gặp lại nhau, cả hai đều cảm thấy may mắn được gặp lại gương mặt quen thuộc.

Một phụ nữ trung niên ăn mặc tinh tươm đưa một đứa nhỏ xinh xắn như búp bê vào. Trông cô bé xinh như những hình ảnh trên trang bìa tạp chí thời trang trẻ em, mái tóc vàng óng được chải chuốt cẩn thận, chiếc đầm xinh xắn sạch sẽ tươm tất. Con bé tên Susannah Joy, sáu tuổi và đây là lần đầu tiên bé đến trường. Tim tôi thắt lại. Được xếp vào lớp tôi khi lần đầu đặt chân đến trường không phải là một dấu hiệu tốt. Các bác sĩ nói với gia đình rằng bé Susannah sẽ không bao giờ cư xử như người bình thường, con bé bị tâm thần phân liệt từ nhỏ. Con bé có những ảo giác hết sức rõ ràng cả về thị giác và thính giác. Nó ủ rủ suốt ngày, hầu như chỉ ngồi đong đưa tới lui. Con bé hiếm khi lên tiếng và ngay cả khi nói thì những gì nó nói cũng chẳng mấy khi có ý nghĩa. Ánh mắt bà mẹ như thể van nài tôi thực hiện một nghi thức thần bí cần thiết nào đó để đưa con bà trở lại bình thường. Tim tôi nhói đau khi bắt gặp ánh mắt đau thương ấy. Nó thể hiện nỗi niềm không muốn tin vào sự thật. Tôi hiểu rõ nỗi đau đớn và xót xa đang chờ đón cha mẹ bé khi họ hiểu ra rằng không ai trong chúng tôi có được phép mầu để giúp Susannah của họ.

Cuối cùng là William và Guillermo. Cả hai đều chín tuổi. William là một cậu bé cao gầy, xanh xao bị ám ảnh bởi nỗi sợ nước và bóng tối và xe ô tô và máy hút bụi và cả bụi dưới gầm giường. Để tự bảo vệ mình, William tập trung vào những nghi thức tỉ mỉ, lúc nào cũng cẩn thận phủi thân thể mình hay lầm bầm những câu thần chú. Guillermo là dân nhập cư gốc Mexico – một cộng đồng đông đảo cư dân làm việc trên những cánh đồng nước Mỹ. Cậu bé khá nóng tính nhưng chưa đến mức không thể kiểm soát. Không may, cậu lại bị khiếm thị nữa. Lúc đầu tôi rất bối rối khi cậu được đưa vào lớp tôi, nhưng họ nói với tôi rằng lớp dành cho trẻ khiếm thị không thể đối phó với những hành vi hung hăng của cậu. Ôi, tôi nghĩ thầm, thế thì tôi cũng có khác gì; tôi cũng không biết cách đối phó với tình trạng khiếm thị của thằng bé.

Thế đấy, vậy là chúng tôi có mười người, và nếu thêm cả Whitney, cô học trò cấp hai tình nguyện đến giúp, chúng tôi có tất cả mười một người. Khi tôi lướt qua đám trẻ con hỗn tạp và nhìn lại nhóm giáo viên cũng hỗn tạp không kém, tôi cảm thấy tuyệt vọng não nề. Làm sao chúng tôi có thể trở thành một lớp học được? Làm sao tôi có thể dạy chúng làm toán hay đạt được những kỳ công khác chỉ trong chín tháng? Ba đứa không biết đi vệ sinh đúng chỗ, hai đứa phải đối mặt với tai biến. Ba đứa không biết nói, một đứa không thèm nói. Hai đứa không thể giữ yên lặng. Một đứa không thấy đường. Rõ ràng đây là một thử thách vượt hơn cả dự đoán của tôi.

Nhưng chúng tôi cũng cố thu xếp. Anton học cách thay tã lót. Whitney học cách tẩy sạch nước tiểu trên thảm. Còn tôi học chữ nổi Braille(2). Còn thầy hiệu trưởng Collins học được một điều: không nên ghé qua dãy nhà phụ. Thầy Ed Somers cũng học được cách lánh mặt. Chúng tôi đã trở thành một lớp học như thế đấy.

Đến kỳ nghỉ Giáng sinh, chúng tôi đã rất gắn bó với nhau và tôi bắt đầu hào hứng đón chờ từng ngày mới. Sarah bắt đầu trò chuyện thường xuyên hơn, Max học đánh vần, Tyler thỉnh thoảng mỉm cười, Peter không còn đột nhiên nổi nóng thường xuyên như trước, William đã có thể đi ngang qua tất cả những công tắc đèn trong hội trường để đến phòng ăn mà không tự yểm bùa để bảo vệ mình nữa, còn Guillermo đã hăm hở học chữ Braille. Vậy còn Susannah Joy và Freddie thì sao? À, chúng tôi vẫn đang phải nỗ lực với chúng.

Tôi đã đọc mẩu tin đăng trên báo hồi cuối tháng Mười một và đã quên bẵng đi. Nhưng lẽ ra tôi không nên quên. Lẽ ra tôi phải biết rằng không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ thành mười hai người.

Ngay khi trường học mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Giáng sinh, thầy Ed Somers xuất hiện trong lớp tôi. Ông đến rất sớm, gương mặt hiền lành lộ vẻ áy náy khiến tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra mình sắp gặp rắc rối. Đó là một nét mặt gắn liền với những chuyện như không tìm được người hướng dẫn đặc biệt cho riêng Guillermo, hay một báo cáo vô vọng khác từ vị bác sĩ mới nhất mà cha mẹ Susannah đã tìm đến. Ed muốn mọi việc khác đi, tôi hoàn toàn tin điều đó, và đó cũng chính là nguyên nhân khiến tôi không thể nổi nóng với ông được.

Ông lên tiếng:

– Lớp cô sắp nhận thêm một em nữa. – Gương mặt ông thể hiện rõ sự ngập ngừng.

Tôi nhìn ông chằm chằm một lúc lâu, bối rối không hiểu. Tôi đã nhận số học sinh tối đa mà tiểu bang cho phép và không hề lường trước sẽ đón nhận thêm một học sinh nữa.

– Thầy Ed, tôi đã có tám đứa rồi!

– Tôi biết, Torey ạ. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Chúng tôi không có chỗ nào khác cho con bé. Lớp của cô là lựa chọn duy nhất của chúng tôi.

Tôi vẫn lẩm bẩm:

– Nhưng tôi đã có tám đứa rồi. Tôi chỉ có thể lo được bấy nhiêu thôi.

Trông thầy Ed rất đau khổ. Ông là một người vạm vỡ, cao lớn và cơ bắp rắn chắc như một cầu thủ bóng bầu dục nhưng đã điểm thêm những nét mềm mại của tuổi trung niên. Tóc ông đã rụng gần hết, số còn lại được ông cẩn thận chải ngược lên mái đầu bóng láng. Nhưng trên tất cả, thầy Ed rất tốt bụng, và đó là lý do tôi không khỏi mềm lòng khi nhìn ông phải khổ tâm đến thế.

Tôi ngập ngừng hỏi:

– Đứa bé này có gì đặc biệt vậy?

– Đây chính là đứa nhỏ đã thiêu cậu bé hàng xóm hồi tháng Mười một. Họ đuổi con bé khỏi trường và thu xếp để đưa nó đến bệnh viện tiểu bang. Nhưng ở đó lại chưa có khoa nhi. Cho nên con bé đã ở nhà một tháng nay và gặp đủ thứ rắc rối. Bây giờ các nhân viên xã hội lại hỏi tại sao chúng ta không làm gì cho con bé.

Tôi hỏi:

– Họ không thể để con bé ở nhà sao?

Nhiều học trò của tôi từng phải học tại gia, tức là được một giáo viên đến nhà dạy khi trẻ không thể đến trường vì một lý do nào đó. Thông thường, một đứa trẻ bị rối loạn nghiêm trọng sẽ được xử lý theo cách này cho đến khi họ tìm được một nơi phù hợp cho trẻ.

Thầy Ed cúi mặt chau mày:

– Không ai muốn dạy đứa bé.

Tôi thốt lên ngạc nhiên:

– Nó chỉ sáu tuổi thôi mà! Họ sợ một đứa bé sáu tuổi ư?

Ông nhún vai. Thật lạ là sự im lặng của ông khiến tôi hiểu về trường hợp này nhiều hơn bất kỳ lời nói nào.

– Nhưng tôi đang phải xoay xở với tám đứa rồi, đó là số lượng tối đa rồi còn gì?

– Vậy cô hãy chọn một đứa để chuyển đi. Torey, chúng ta phải đưa đứa trẻ này đến đây. Chỉ là tạm thời thôi. Cho đến khi bệnh viện tiểu bang mở ra một khoa phù hợp. Nhưng bây giờ chúng ta phải đưa nó đến đây. Đây là nơi duy nhất có thể thu xếp được cho con bé. Đây là nơi duy nhất thích hợp với nó.

– Ý thầy là chỉ mình tôi đủ ngu ngốc để nhận nó!

– Cô có thể chọn đứa nào cô muốn chuyển đi.

– Khi nào con bé đến?

– Ngày 8.

Ngay lúc đó bọn trẻ đến lớp và tôi phải chuẩn bị cho ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ. Thầy Ed cũng cảm thấy tôi cần quay lại với công việc, nên ông gật đầu chào và quay đi. Ông biết rằng nếu cho tôi thời gian, tôi sẽ chấp nhận lời yêu cầu của ông. Thầy Ed biết rằng dù rất gan góc nhưng tôi cũng rất dễ bị thuyết phục.

Sau khi cho Anton biết tin, tôi quay sang đám trẻ. Suốt ngày hôm đó, tôi luôn tự hỏi nên chuyển đứa nào đi. Guillermo là lựa chọn rõ ràng nhất, đơn giản vì tôi không đủ khả năng dạy cậu bé nhất. Nhưng còn Freddie và Susannah Joy thì sao? Không đứa nào có tiến bộ đáng kể cả. Ai cũng có thể kéo tai chúng đi vòng quanh và lột quần chúng. Hay có lẽ là Tyler. Giờ đây con bé không còn khuynh hướng tự sát nữa, nó rất ít khi nhắc đến việc tự sát, và con bé cũng thôi không còn vẽ những bức tranh bằng màu đen nữa. Chỉ cần một giáo viên khéo xoay xở một chút cũng có thể lo được cho con bé khá tốt. Tôi nhìn từng đứa một, băn khoăn không biết chúng sẽ đi về đâu và sẽ ra sao. Và lớp học của chúng tôi sẽ ra sao nếu thiếu chúng. Từ trong sâu thẳm, tôi biết rằng không đứa nào chịu nổi sự khắc nghiệt của bất kỳ một lớp học nào nếu chúng không thể coi nơi đó là nơi ẩn náu của mình. Chưa đứa nào sẵn sàng cho việc đó. Mà tôi cũng chưa sẵn sàng đưa chúng đi, hay từ bỏ chúng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button