Quà tặng cuộc sống

Con đường lập thân

con-duong-lap-than1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả :  W.J.Ennever

Download sách Con đường lập thân ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Trọn bộ ebook :                

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TỰA

của người dịch

Năm 1948, tôi dạy tư cho bốn em nhỏ và chỉ kiếm được bốn trăm đồng một tháng mà đã bỏ ra năm trăm đồng để theo học một lớp hàm thụ của viện Pelman do W.J.Ennever thành lập ở Londres năm 1898, ba bốn chục năm trước lớp học Dale Carnegie. Viện đó có lẽ đi tiên phong trong phong trào dạy người lớn tự trao dồi khả năng cùng nhân cách (tiếng Anh gọi là self improvment), có nhiều chi nhánh ở các kinh đô Âu, Mỹ; nổi danh tới nỗi tên viện đã được ghi vào các tự điển lớn Anh ngữ.

Người ta gởi cho tôi mười hai tập nhỏ, mỗi tập năm sáu chục trang, bàn về một vấn đề luyện khả năng tinh thần và sau bài học có một số bài tập để làm trong một hay hai tuần, như vậy từ ba tới sáu tháng sẽ hết chương trình.

Bài học thì tôi đọc kĩ, còn bài tập thì tôi không làm hết vì có một số bài tôi cho là không cần phải làm. Ngay từ buổi đầu, tôi đã thích phương pháp giản dị, sáng sủa và thực tế của viện. Cái lợi nhất cho tôi là học xong, tôi lạc quan, tự tín, biết được khả năng tinh thần nào cần cho sự thành công, và tôi phải luyện thêm những khả năng nào, tóm lại là tôi biết rõ con đường của tôi hơn, và tự biết rõ tôi hơn.

Sau đó tôi tìm thêm những sách của chi nhánh Pelman tại Paris để học, những cuốn trong loại Tâm lí và kiến thức tổng quát như La logique dans la vie của M.Doralle, La culture dans la vie của Désiré Roustan, Mobilisation de l’énergie của Charies Baudcuin… và mười năm trước đây tôi kiếm được cuốn Your mind and how to use it của chính nhà sáng lập ra viện Pelman, ông W. J.Ennever.

Ông viết cuốn này khi về già, tóm tắt những cương lĩnh trong phương pháp Pelman và những kinh nghiệm của ông trong mấy chục năm điều khiển viện.

Bất kì cuốn nào trong loại Self Improvment dù của Anh hay của Pháp (Pháp gọi là Culture Humaine), thì cũng luôn luôn chú trọng vào thực tế và khuyên ta làm những bài tập vì sách loại đó không phải để đọc mà để học.

Nhưng trong bốn năm chục cuốn tôi đã tìm được từ trước tới nay, không có cuốn nào dắt dẫn ta kĩ lưỡng từng bước, khuyến khích ta, nhắc nhở ta, thúc giục ta gần như bắt buộc ta phải tự trao dồi như cuốn này.

Lối trình bày đã khác hẳn: mỗi phần, sau những đoạn lí thuyết, không khi nào nặng nề, là những câu hỏi để ta có dịp tự kiểm soát lại xem ta đã hiểu kĩ chưa, rồi tới một số bài tập mà tác giả chia ra cho ta làm sáu ngày trong một tuần, trừ chủ nhật. Sách có bảy phần, như vậy mỗi ngày chỉ cần từ nửa tới một giờ gắng sức thì hai tháng sẽ xong, và lúc đó, đúng như tác giả đã nói: ta có cảm tưởng đã đi được một quãng đường dài, mà cái ngày khởi hành (tức ngày bắt đầu đọc sách) có vẻ như đã xa lắc xa lơ. Sở dĩ vậy là vì mặc dầu sách chỉ có non hai trăm trang mà “chứa rất nhiều sự kiện và kinh nghiệm”, mở rộng tầm mắt cho ta thấy được “một vũ trụ mới”.

Tóm lại, công dụng của cuốn này bằng công dụng của cả chương trình hàm thụ Pelman tôi đã theo hai chục năm trước đây mà bây giờ có ai muốn học, chắc phải đóng từ ba tới năm ngàn đồng là ít.

Phương pháp của tác giả cũng đặc sắc nữa và hoàn bị hơn cả. Không như đa số các nhà khác chỉ nhấn mạnh vào một vài phương diện, một vài khả năng của tinh thần, ông chú trọng tới sự phát triển đồng thời và điều hòa mọi cơ năng của ta để tinh thần ta được quân bình, cho nên ông chỉ cho ta cách luyện cả tình cảm, trí tuệ và nghị lực, tức ba yếu tố căn bản tạo nên cá tính, tư cách con người mà từ hai ba ngàn năm trước, các đại triết gia của nhân loại đều đưa lên hàng đầu. Thích Ca và Khổng Tử, mặc dầu nhân sinh quan khác nhau mà đều đề cao ba cơ năng đó: Bi, Trí, Dũng của Thích Ca tức Nhân, Trí, Dũng của Khổng Tử; mà Bi với Nhân thuộc về Tình cảm, còn Dũng thuộc về Nghị lực.

Một điểm độc đáo nữa là tác giả cho sự tập trung tinh thần là điều kiện tiên quyết để luyện ba yếu tố Tình cảm, Trí tuệ và Nghị lực. Ông bảo có tập trung tinh thần thì ta mới thích vấn đề ta nghiên cứu, mới nhớ mau, nhìn thấy được hết các khía cạnh mà phán đoán ít lầm, mới nắm được cơ hội mà lợi dụng hoàn cảnh, tự gây được lòng tự tín, hơn nữa, mới nén được những cảm xúc hỗn loạn mà tự chủ được, tăng nghị lực lên được, nghĩa là lập được sự quân bình cho tinh thần, không để cho tình cảm thắng lí trí và nghị lực. Ông không nói ra, nhưng chúng ta hiểu rằng thuyết Tập trung tinh thần của ông gần như thuyết Tĩnh tâm của Tống Nho và thuyết Thiền định của đạo Phật. Vì chú trọng tới sự tập trung tinh thần như vậy nên tự điển Webster’s mới cho học thuyết Pelmanism của ông đồng nghĩa với Concentration (Tập trung).

Ông khuyên chúng ta một cách tập trung tinh thần rất hiệu nghiệm là nghiên cứu. Chịu thu thập hết tài liệu liên quan tới một vấn đề nào đó, tập trung hết tinh thần, xét hết các khía cạnh của nó thì trong một thời gian hoặc dăm sáu tháng, hoặc dăm sáu năm – tùy vấn đề – ai cũng có thể phát triển được những điều mới lạ, viết được một bài hoặc một cuốn, mà tự nhiên cá tính, lòng tự tín của mình tăng lên mạnh, diệt được mặc cảm tự ti nếu có. Lời khuyên đó xác đáng, tôi xin Độc giả đặc biệt chú ý tới.

Do kinh nghiệm, người ta biết rằng chỉ khoảng vài ba phần trăm theo được hết các lớp hàm thụ, còn thì bỏ dở nhưng ai đã theo được hết thì thế nào cuộc đời cũng thay đổi hẳn, không sớm thì muộn. Điều đó rất dễ hiểu: trong bất kì ngành nào, số người thành công không trên năm phần trăm.

Như tôi đã nói, cuốn này cũng như một loại bài giảng của một lớp hàm thụ. Vậy thì một trăm độc giả, chỉ có dăm ba vị áp dụng được đúng phương pháp của Ennever. Tôi xin có lời mừng trước vị nào ở trong số đó. Bước đầu chỉ cần hăng hái luyện tập trong hai tháng, rồi sau mọi sự sẽ dễ. Nếu trong hai tháng đó, bạn chịu chuyên cần như khi học thi Tú tài thì không có lí gì bạn không tấn bộ vì phương pháp toàn áp dụng những luật về “tinh thần” và đã chịu sự thử thách trên nửa thế kỉ nay rồi. Vậy vấn đề là bạn có coi trọng sự trao dồi khả năng cùng cá tính của bạn bằng một bằng cấp trung học hay không.

Sài gòn ngày 01-02-1969

NGUYỄN HIẾN LÊ

ĐỌC THỬ

Nghị lực

Một trong ba nhu cầu căn bản kể trên là nghị lực. Khi mà bạn chưa quyết định, chưa cụ thể hóa quyết định của bạn bằng hành động thì bạn không thể đạt một kết quả nào được, cố tiến sĩ James Ward, giáo sư triết học ở đại học đường Cambridge bảo rằng một người tài năng trung bình thôi mà có nhiều nghị lực, tập trung hoạt động vào một mục tiêu thì lên được những nấc thang danh vọng cao hơn là một người đại tài mà thiếu đức kiên nhẫn. Lời đó chẳng phải là mới mẻ sâu sắc gì, nhưng nó vẫn là quan trọng, và riêng phần tôi, sau bốn chục năm nhận xét các người trong mọi giới, tôi hoàn toàn đồng ý kiến của ông.

Chỉ một phút chán nản thất vọng là cơ hồ như đủ tiêu diệt nghị lực và sự quân bình về tinh thần của vô số bạn trẻ. Một sự thất bại có thể làm cho một số bạn trẻ sinh ra gần như tuyệt vọng. Nhưng tôi đã biết cả ngàn bạn trẻ thắng được sự thất vọng – một cách dễ dàng, vui vẻ nữa.

Những bạn đó biết cách làm việc và chờ thời.

Sự tập trung giúp cho tinh thần có có hội tốt

Rồi tới sự tập trung tinh thần. Có người tưởng rằng năng lực này khác với nghị lực. Như vậy là lầm. Thực ra sự tập trung chỉ là Nghị lực cộng với lòng Ham thích, có ham thích thì mới dễ chú ý vào một việc được.

Sự tập trung làm cho những khả năng hoàn toàn thuộc về trí tuệ có cơ hội thích nghi được với công việc. Làm sao có thể tìm thấy được tất cả những cái cần phải thấy trong một sự kiện hoặc một ý nghĩ, nếu không xét kỹ mọi khía cạnh của nó?

Tinh thần con người là một toàn thể. Và nguyên tắc trong cuốn này là nghiên cứu tinh thần như một toàn thể (gồm tình cảm, trí tuệ, ý chí) để đạt một mục đích nhất định, William James bảo: “Điều quan trọng trong đời sống là toàn thể tinh thần phải làm việc cùng một lúc”.

Ký tính của bạn cải thiện lên

Ký tính là khả năng tinh thần làm cho ta rầu rĩ nhất. Nó mà tốt thì giúp ta được vô số kì công; nhưng nếu nó tệ hại, chẳng hạn khi nó hoàn toàn mất hẳn thì thật là nhục nhã về tinh thần, như khi phải thú nhận rằng: “Tôi quên mất tên tôi rồi, tôi không biết tôi là ai, ở đâu tới nữa”.

Nhưng ở đây tôi hãy chỉ nhấn mạnh cho bạn thấy rằng muốn nhớ một cái gì thì trước hết trí óc bạn phải tập trung vào nó để nó gây một ấn tượng trong óc bạn đã.

Làm sao bạn có thể nhớ một bài báo nếu không tập trung tinh thần vào nó? Sự kiện, ý niệm, con số, hình ảnh, tên người, tên vật, tất cả những cái đó phải gây được một ấn tượng tạm đủ rồi bạn mới có thể nhớ lại nó được. Nếu chỉ lơ đảng nhìn qua rồi nhìn sang cái khác như con bướm bay lượn từ hoa này sang hoa khác thì làm sao có thể nhớ cho được?

Lòng tự tín mạnh lên

“Lòng tự tín” ở đây có nghĩa là mình cảm thấy làm nổi công việc của mình. Bạn có thể nhận rằng chưa nhìn thấy con đường đưa tới mục đích, nhưng bạn tự nhủ: “mình sẽ vạch con đường đi”. Bạn tin chắc ở chính bạn.

Thiếu lòng tin đó thì sẽ rụt rè và đau khổ. Có lòng tin đó thì đời bạn biến đổi hẳn.

Mọi năng lực tinh thần phải cùng hoạt động với nhau

Còn nhiều yếu tố khác cần thiết cho sự trao dồi tinh thần, tôi sẽ nhắc tới trong các phần sau.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tất cả những năng lực tinh thần đó phải cùng nảy nở; nghĩa là bạn không nên chú ý riêng tới những vấn đề khó khăn, khô khan hoặc tới công việc làm ăn, mà bỏ rơi các khu vực khác.

Darwin đã lầm lẫn như vậy. Ông đã thẳng thắn thú nhận một cách dễ thương rằng ông chú hết tinh thần vào sự nghiên cứu các sự kiện để tìm ra các luật (về sự tiến hóa của vạn vật, sự đảo thải tự nhiên) đến nỗi mất cái thú thưởng thức thi ca và nghệ thuật.

Trong một bức thư cho một bạn thán, ông bảo rằng nếu có thể làm lại cuộc đời thì ông sẽ dẹp công trình nghiên cứu khô khan nghiêm khắc của ông đi để có thể đọc thơ và nghe âm nhạc ít nhất là một lần mỗi tuần. Ông nhận rằng mất cái thú thưởng thức những cái đó là mất hạnh phúc ở đời.

Các bộ óc quá chuyên môn

Vậy mà hầu hết các bậc thiên tài đều mắc tật đó. Họ có tài đặc biệt về một ngành nào đó như âm nhạc, triết học, khoa học hoặc nghệ thuật, rồi họ chuyên về ngành đó tới nỗi bỏ bê các khả năng khác. Do đó mà có câu đầy ý nghĩa này: “có tài thì có tật kì quặc”. Họ siêu việt về một điểm nào đó, ngoài ra họ rất tầm thường.

Ai cũng cần hết sức tránh sự thiếu quân bình đó, không phải vì mình không phải là một thiên tài mà vì luyện tinh thần một cách đầy đủ, không thiên lệch thì mới mau có kết quả.

Con người biết tiến tới

Điều kiện thứ tư của thời hiện đại là có những kiến thức hợp thời, không lạc hậu và biết nhìn về tương lai.

Ý nghĩa câu trên rất minh bạch. Chưa thời nào mà câu “Biết được tức là làm được” lại đúng như ngày nay. Các nhà bác học đầu tiên đã có ý phát minh máy vô tuyên truyền hình bây giờ được thưởng công rồi đấy.

Trong ngành hoạt động nào cũng vậy. Thời nào cũng có sự tấn bộ, phát triển, biến đổi; mà tân kiến thức là cái chìa khóa của ba cái đó. Nhưng cái ngày nay cho là mới thì ngày mai có thể đã hóa cũ, vô dụng. Cái hiện tại luôn luôn biến chuyển, nó không khi nào đứng yên một chỗ.

Biết chờ đợi, trông mong là có tinh thần tấn bộ, là biết nhìn về tương lai. Nhưng như vậy không nhất định là không nên có một tinh thần bảo thủ lành mạnh biết giữ cái gì đáng giữ, duy trì cái phần tốt nhất của những kinh nghiệm thời trước. Chúng ta chỉ cần nhận rằng những sự thay đổi lớn hay nhỏ đều không thể tránh được, và một người có tinh thần sẵn sàng chấp nhận nó thì dễ thành công hơn những người không sẵn sàng chấp nhận hoặc bướng bỉnh không chịu chấp nhận.

Kinh nghiệm cho ta thấy rằng óc thực tế của nhân loại có thể tóm tắt trong câu này: “Được báo trước, tức là được chuẩn bị trước rồi”. Nhưng chính ta phải tự báo trước cho ta. Chúng ta phải dò xét đoán trước cái tương lai ở ngay trước mắt, rút ra những kết luận rồi bắt đầu chuẩn bị liền. Tướng Wavell đã hành động như vậy mà thắng được chiến tranh Bắc Phi năm 1940.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button