Quà tặng cuộc sống

Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thích Nhất Hạnh

Download sách Chỉ Nam Thiền Tập Dành Cho Người Trẻ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời đầu sách

Sách Chỉ Nam Thiền Tập này là để dành cho những người trẻ. Sách được lấy từ trang nhà Làng Mai xuống. Có thể sách còn dài hơn, nhưng chúng tôi, ban biên tập trang nhà Làng Mai muốn in những gì đã có để cống hiến ngay cho bạn trẻ. Thầy chúng tôi viết Chỉ Nam Thiền Tập cho người trẻ, viết từ từ. Thầy không dùng máy vi tính để viết. Thầy luôn luôn viết tay. Có những chữ không rõ tôi phải đoán. Mỗi khi Thầy viết được vài chương Thầy đưa cho tôi để đánh máy và đưa lên trang nhà. Người trẻ viết thơ về Làng Mai rất nhiều chia sẻ những khó khăn buồn vui của mình, và Thầy chúng tôi căn cứ trên những thao thức ấy để viết sách Chỉ Nam Thiền Tập cho sát với căn cơ người trẻ. Có một lần ngồi trên võng cạnh bờ suối nội viện Phương Khê, Thầy hỏi tôi: các con muốn Thầy viết tiếp gì cho Chỉ Nam Thiền Tập? Ngồi dưới đất bên chân Thầy, tôi thưa: nhiều người trẻ thấy như mất hướng, lạc lõng không biết đi về đâu. Xin Thầy chỉ cho một con đường. Sau đó Thầy đã viết mấy chương về nhà thương gia Cấp Cô Độc và cho thấy ông Cấp Cô Độc có một con đường lý tưởng, một con đường tâm linh, và điều này mang đến cho ông và gia đình ông rất nhiều hạnh phúc.

Trang nhà Làng Mai do một số các sư chú sư cô trẻ tuổi phụ trách, điều này cắt nghĩa tại sao trang nhà Làng Mai có vẻ trẻ trung, bồng bột và có khi hơi náo nhiệt. Chúng tôi có tất cả sáu người: sư cô Uyên Nghiêm, sư cô Bội Nghiêm, tôi (Kỳ Nghiêm) và các sư chú Pháp Cầu, Pháp Tuyên, Pháp Hoạt. Các thầy và các sư cô lớn ở Làng Mai cho phép chúng tôi tự ý điều hành trang nhà, các vị chỉ đứng phía sau làm cố vấn mà thôi. Có điều gì khó phải giải quyết, chúng tôi cầu cứu tới liệt vị. Được niềm tin cậy của các anh chị lớn, chúng tôi rất có hạnh phúc trong khi làm trang nhà Làng Mai. Có khi chúng tôi dại dột làm những lỗi lầm khá lớn, nhưng các thầy và các sư cô không bao giờ la rầy quở mắng, mà chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo thôi.

Trang nhà có mục Bạn Trẻ. Thầy chúng tôi luôn luôn muốn giữ liên lạc ưu ái với bạn trẻ. Thầy muốn bạn trẻ viết thơ về chia sẻ và hứa sẽ chuyện trò với bạn trẻ, như thầy đã từng làm trong hơn nửa thế kỷ qua. Thầy viết:

“Mỗi khi đi thiền hành về, tôi thường có ý viết để nói chuyện với những người bạn trẻ. Ngày xưa tôi đã từng là người trẻ tuổi. Tôi đã có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Tôi biết hôm nay, anh (hay chị cũng thế) cũng đang có những thao thức, những khổ đau, những tìm kiếm. Có rất nhiều đề tài để mình nói chuyện với nhau. Nhưng tôi muốn anh đề nghị đề tài. Đề tài lấy từ những thao thức, khổ đau và tìm kiếm của chính mình.

Bạn đang có khó khăn với bố mẹ trong việc truyền thông? Bạn đang bị người yêu giận hờn? Bạn có những giây phút mệt mỏi, chán chường? Bạn chưa được một ai thực sự ngồi lắng nghe bạn? Bạn đi học, nhưng học không vô? Bạn đang đi tìm một phương pháp giúp cho tâm hồn an ổn lại?

Các bạn viết điện thư về đi. Các thầy và các sư cô phụ trách trang nhà Làng Mai sẽ góp lại và chuyện trò cùng tôi. Tôi sẽ tùy theo ý kiến các bạn mà mở ra những cuộc đàm luận đối thoại. Từ năm sáu chục năm nay, tôi chưa từng đánh mất liên lạc với tuổi trẻ. Tôi đã viết nhiều cho người trẻ đọc.

Nếu tôi đi dạy xa, các thầy các sư cô Làng Mai sẽ thay tôi nói chuyện với các bạn.”

Các bạn trẻ viết thư về rất nhiều, và chúng tôi cũng mời nhiều thầy và nhiều sư cô lớn giúp chúng tôi trả lời những thắc mắc ấy của bạn trẻ. Thầy tuy ít trả lời trực tiếp, nhưng thầy đã đọc tất cả các lá thư ấy, và căn cứ trên đó, đã viết Chỉ Nam Thiền tập. Thầy cũng thường tham khảo ý kiến chúng tôi để viết cho thích hợp với căn cơ của người trẻ.

Ngày xưa, trong những năm 60 Thầy đã viết Nói Với Tuổi Hai Mươi. Sau đó hai mươi năm, Thầy đã viết Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, (nói chuyện với thằng Cu và con Hĩm) cũng là để nói với người trẻ. Sau đó, Thầy lại viết Nói Với Người Xuất Gia Trẻ, Hạnh Phúc – Mộng và Thực, rồi đến Tuổi Trẻ, Tình Yêu và Lý Tưởng (2005). Bây giờ đây Chỉ Nam Thiền Tập cũng là viết cho người trẻ. Thầy thường nói: trong cuộc đời của tôi, tôi chưa bao giờ đánh mất liên lạc với người trẻ. Và Thầy viết để chia sẻ kinh nghiệm và sự thực tập của Thầy với người trẻ. Thầy viết cho tuổi trẻ rất đơn giản, rất thực tế. Chỉ Nam Thiền Tập không phải là một cuốn sách giải trí. Nó là kim chỉ nam cho người trẻ, giúp người trẻ sống vui tươi, hạnh phúc, biết cách tháo gỡ phiền muộn, thoát ra ngoài những tình trạng hệ lụy, tái lập được truyền thông và thương yêu. Tôi nghĩ các bạn trẻ không nên đọc ngấu nghiến sách này, mà chỉ nên đọc mỗi lần một chương, suy nghĩ cho chí chắn, và tìm cách áp dụng vào đời sống, trong vòng một vài tháng bạn đã có thể thay đổi được cả cuộc đời của bạn.

ĐỌC THỬ

01. Phục hồi sự sống

Thiền tập có công năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa, đối trị với sự căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, đem lại được niềm vui sống và giúp phục hồi được truyền thông giữa ta với những người khác. Ta có thể thiền tập một mình hay với một đoàn thể. Thực tập trong một đoàn thể giúp ta có cơ hội thừa hưởng được năng lượng tập thể. Năng lượng này nâng đỡ ta, bảo hộ ta, giúp cho ta làm được dễ dàng hơn những gì mà một mình ta thấy khó làm. Những phép thực tập đưa ra trong cuốn chỉ nam này có thể đem lại cho ta những kết quả tốt đẹp trong một thời gian không dài, và nếu ta theo đúng những chỉ dẫn trong sách, ta sẽ an tâm không sợ bất cứ một biến chứng nào.

02. Có mặt cho ta

Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại, ngay tại nơi ta đang có mặt. Trong đời sống hàng ngày, tâm ta thường hoặc bị chìm đắm trong quá khứ, hoặc rong ruổi về tương lai, hoặc đang vướng mắc trong những toan tính, lo âu trong hiện tại, vì vậy tâm và thân không có mặt cho nhau. Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm, để giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại, ý thức được sự có mặt của ta, và những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong các lĩnh vực thân ta, tâm ta và hoàn cảnh ta.

03. Bạn có đang thật sự sống?

Có mặt trong giây phút hiện tại có nghĩa là đang thực sự sống, và đang tiếp xúc với sự sống trong ta và chung quanh ta. Nếu tâm ta hoặc bị lôi kéo hoặc bởi quá khứ, hoặc bởi tương lai, hoặc bởi những toan tính lo âu hoặc hờn giận thì ta không thực sự đang sống đời sống của ta. Nhà văn Pháp Albert Camus có nói tới những kẻ “sống như một người chết (vivre comme un mort)” (trong tiểu thuyết L’Étranger), là như vậy. Sống có nghĩa là có mặt để tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và chung quanh ta.

(Đọc tới đây xin bạn ngồi thẳng lên, và để ý tới thế ngồi thẳng của bạn. Bạn hãy mỉm cười để chứng tỏ là bạn đang có ý thức về cái lưng đang ngồi thẳng của bạn. Rồi bạn thở vào một hơi chầm chậm, và duy trì ý thức ấy. Thở ra, bạn cũng duy trì ý thức ấy (bạn đang ngồi thẳng) và mỉm cười trong suốt thời gian của hơi thở ra). Nếu bạn thấy làm như thế là dễ chịu, bạn có thể tiếp tục thêm một phút nữa, duy trì lưng thẳng, ý thức nụ cười và hơi thở.)

04. Bây giờ và ở đây

Cái khả năng nhận biết cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đạo Bụt gọi là chánh niệm, gọi tắt là niệm. (Tiếng Phạn là Smrti, tiếng Pali là Sati, tiếng Anh là Mindfulness, tiếng Pháp là Pleine conscience). Đó là năng lượng đưa tâm trở về lại với thân để thân và tâm hợp nhất (thân tâm nhất như), để thân tâm được thiết lập trong giây phút hiện tại. Ta có thể sử dụng hơi thở, bước chân hay nụ cười để làm phát hiện năng lượng ấy, ý thức ấy. Chánh niệm chính là ý thức ấy. Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì (conscience est toujours conscience de quelquechose), chánh niệm cũng thế. Khi ta để ý tới hơi thở của ta, thì đó là chánh niệm về hơi thở, và hơi thở ấy được gọi là hơi thở có chánh niệm. Khi ta có ý thức về từng bước chân chúng ta đặt trên mặt đất, thì đó là chánh niệm về bước chân, và bước chân ấy được gọi là bước chân có chánh niệm. Vì thế thực tập hơi thở có chánh niệm hoặc bước chân có chánh niệm là chế tác năng lượng chánh niệm, và duy trì năng lượng chánh niệm. Chánh niệm còn được duy trì thì tâm còn có mặt với thân, và ta (hành giả, người thực tập) đang có mặt trong giây phút hiện tại và có thể xúc tiếp với những gì đang có mặt trong hiện tại.

(Đọc tới đây, bạn có thể ngồi thẳng lại và thực tập vài hơi thở chánh niệm: tôi đang thở vào, và tôi biết là tôi đang thở vào; tôi đang thở ra, và tôi biết tôi đang thở ra. Hoặc: tôi đang thở vào và tôi ý thức được đây là hơi thở vào của tôi, tôi đang thở ra và tôi ý thức được đây là hơi thở ra của tôi. Bạn thở cho tự nhiên, đừng cố gắng gò ép, thở như thế nào mà bạn cảm thấy dễ chịu trong khi thở. Bạn có thể thực tập: tôi đang thở vào, và thấy trong người khỏe khoắn, tôi đang thở ra và thấy trong người nhẹ nhàng. Bạn thực tập một hoặc hai phút. Thấy khỏe thấy nhẹ thì bạn mỉm cười để nhận diện sự có mặt của cảm giác khỏe và nhẹ ấy.)

05. An Ban Thủ Ý

Có một kinh gọi là kinh Quán Niệm Hơi Thở, dạy về cách chế tác và duy trì chánh niệm bằng hơi thở. (Thời Bụt còn tại thế, tất cả các thầy và các sư cô đều học thuộc kinh này. Kinh này tiếng Phạn là Anapanasmrti sutra, tiếng Hán Việt là An Ban Thủ Ý. An Ban là hơi thở vào ra, Thủ Ý là duy trì chánh niệm).

Chánh niệm do hơi thở chế tác và duy trì có công năng làm lắng dịu hình hài, cảm giác, cảm xúc, đem lại sự buông thư và thảnh thơi cho thân và cho tâm. Chánh niệm lại có công năng nhận diện các tâm hành, nuôi dưỡng những tâm hành tốt như niềm tin yêu, sự tha thứ, lòng bao dung, và chuyển hoá những tâm hành xấu như sự bực bội, lòng ganh ghét, sự giận hờn, v.v…Chánh niệm còn nuôi lớn được sự chú tâm (định lực) giúp chúng ta nhìn sâu vào thực tại và khám phá ra được tính bất sanh bất diệt, không tới không đi, không có không không, không một không khác. Thấy được bản chất của thực tại rồi thì ta được giải thoát, vượt thoát sợ hãi, nghi ngờ, giận hờn và tuyệt vọng. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một châu báu trong nền văn học Phật giáo.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button