Quà tặng cuộc sống

Cảm Xúc Cuộc Sống Từ Chiếc Xe Lăn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Daniel Gottlieb

Download sách Cảm Xúc Cuộc Sống Từ Chiếc Xe Lăn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Ngày 20 tháng 12 năm 1979 là một ngày mùa đông quang đãng, trời khô và lạnh giống như mọi ngày. Tôi – một nhà tâm lý học 33 tuổi – đang làm tốt công việc của mình với vai trò giám đốc một dự án cai nghiện ngoại trú. Tôi hạnh phúc với gia đình êm ấm bên người vợ xinh đẹp cùng hai cô con gái nhỏ vừa bước vào tiểu học. 7 giờ 30 phút sáng, sau khi hôn tạm biệt gia đình, tôi băng qua một bãi cỏ đã đóng băng để tiến về phía chiếc Doge Dart. Đến bây giờ, thậm chí tôi vẫn còn nghe được cả tiếng bước chân mình hôm ấy trên mặt băng. Sở dĩ tôi có thể nhớ được âm thanh này bởi đây là những bước chân cuối cùng trong đời tôi. Chỉ một giờ sau đó, khi đang lái xe trên đường Pennsylvania Turnpike, tôi nhìn lên trời và thấy một vật thể to màu đen lao về phía kính chắn gió xe mình. Điều tiếp theo tôi nhớ ra được là mình tỉnh dậy ở bệnh viện Ephrata và được thông báo là đã trở thành người tàn phế.

Tất nhiên, tôi trải qua cảm giác mà bất kỳ người nhạy cảm nào cũng trải qua sau một cơn chấn động mạnh, đó là cảm giác bàng hoàng, đau đớn, giận dữ và khiếp sợ. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra điều mình lo sợ và đau đớn nhất chính là cảm giác hoàn toàn bị chia cắt với mọi người xung quanh. Vài tuần sau, tôi bắt đầu đặt ra cho mình câu hỏi: “Thế nào là một con người thực thụ?”. Liệu tôi có còn là một con người thực thụ khi không thể theo đuổi những đam mê và niềm tin của mình; không thể mang hạnh phúc đến cho những người mình thương yêu; không thể sống thiếu sự giúp đỡ của y tá, thuốc men và phải trải qua cả phần đời còn lại trên chiếc xe lăn?

Để đương đầu với cảm giác đáng sợ rằng mình sẽ bị cô lập, tôi bắt đầu để ý đến những việc mà con người (bao gồm mọi người và tôi) đã làm – cách chúng ta hành động, phản ứng, cách phát triển cảm xúc cũng như sự giằng co giữa lý trí và cảm xúc. Lúc đó, tôi chỉ đơn thuần quan sát chứ không cố gắng phán xét hay phân tích gì cả. Tôi cần phải làm như vậy để hiểu được “Thế nào là một con người thực thụ?” và để tái cam đoan với bản thân rằng mình vẫn còn là một trong số họ. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết rằng dù tôi có là một trong số họ chăng nữa thì từ thời điểm này trở đi, tôi đã là một người khác với họ.

***

Khi nằm trên giường bệnh, tôi nhận thấy rằng hầu hết mọi người, thậm chí là các bác sĩ, đều có vẻ không thoải mái khi đến gần tôi. Điều này thể hiện qua âm điệu họ dùng khi trao đổi với tôi cũng như việc họ không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi khi trò chuyện. Họ lo lắng khi cố gắng trấn an tôi về cuộc đời sắp tới của tôi – cuộc đời của một người tàn phế.

Từ đó, tôi nhận ra một thực tế rằng con người thường lo lắng khi phải đối mặt với một vật hay một người không bình thường. Họ thể hiện những hành động khác lạ để chế ngự sự bất tiện và cảm giác lo lắng của mình. Một vài người cố pha trò để làm tôi cảm thấy vui hơn. Một số người khác lại cố thuyết phục tôi (và cả bản thân họ) rằng tình trạng này không quá tồi tệ như tôi nghĩ. Và một vài người (chẳng hạn như người bạn thân nhất của tôi) lại tránh mặt tôi hẳn. Nhưng tất cả họ đều đang thể hiện cùng một hành động: họ đang lo lắng nhưng lại cố không tỏ ra điều này. Đó là một hành động thường thấy ở con người.

Khi tiếp xúc với những con người này, tôi nhận ra rằng sự lo lắng dường như đã làm trái tim họ khép cửa. Quả thật, sự lo lắng thường có khuynh hướng khép cửa trái tim, tâm trí và thậm chí là cả đôi mắt chúng ta. Chúng ta thường rất khổ sở khi cảm thấy lo âu và tìm mọi cách để loại bỏ cảm giác khó chịu đó. Khi nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, tôi hiểu rằng lo lắng là một trạng thái cảm xúc rất dễ lây lan. Khi trò chuyện với một người đang lo lắng, trong tôi thường xuất hiện hai trạng thái: một là khó chịu với những điều họ đang nói; hai là gật gù nhưng lại không thực sự lắng nghe. Và mọi người càng cố gắng để tôi “cảm thấy khá hơn” thì tôi lại càng cảm thấy cô đơn, hiểu lầm và sợ hãi.

Khoảng sáu tuần sau tai nạn, khi ngồi ở phòng phục hồi chức năng và nhìn bức tường bê tông màu xanh ô liu xỉn tối, tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Tôi lẩm bẩm: “Ai có thể nghĩ rằng mình sẽ đến một nơi như thế này để chết cơ chứ?”.

Lúc đó, một bác sĩ vật lý trị liệu ngồi xuống bên cạnh tôi và an ủi: “Không! Dan, anh không đến đây để chết. Anh đến đây để được sống”. Tất nhiên, điều cô ấy nói là không đúng. Nhưng tôi cũng đã sai. Tôi biết rằng mình phải đương đầu với cái chết trước khi đối mặt với cuộc sống. Khi nghe cô ấy nói như vậy, tôi thậm chí còn cảm thấy bị tách biệt và cô đơn nhiều hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng có nhiều người không hề lo lắng khi ở bên tôi, họ luôn hỏi han và lắng nghe tôi. Họ trò chuyện với tôi về bản thân họ. Tôi hiểu rằng mục đích duy nhất của họ là được ở cạnh tôi. Họ không cần phải cố tỏ ra bất cứ điều gì. Khi ở gần những người này, tôi cảm thấy an tâm, thoải mái và ít cô đơn hơn.

Nhưng vẫn còn một dạng người khác nữa, đó là những người cảm thấy lo lắng cho tôi nhưng họ hiểu được cảm giác này của mình nên đã chia sẻ nó với tôi. Bằng cách nào đó, họ đã tỏ ra thoải mái với chính bản thân họ ngay cả khi lo lắng. Những người này mang đến cho tôi cảm giác được an ủi. Và phải nói thêm một điều nữa: Khi mọi người kể với tôi về những lo lắng và đau khổ mà họ đã trải qua khi nghe tin tôi bị tai nạn, tôi đã cảm nhận ở họ tình yêu và lòng trắc ẩn lớn lao. Nhiều lần, tôi đã ôm họ vào lòng khi họ nức nở về điều bất hạnh đã xảy đến với tôi.

Khi đối mặt với những biến cố không mong đợi của cuộc sống, con người thường có nhiều cách phản ứng khác nhau. Và những phản ứng này cũng được xử trí bằng nhiều cách khác nhau. Khi mọi người xung quanh tôi lo lắng, tôi cảm thấy lo lắng. Khi họ mở lòng và khuyến khích tôi, tôi cảm thấy an toàn. Khi họ đau khổ, tôi khích lệ họ và cả hai đều cảm thấy được an ủi.

Trong những ngày đầu sống cuộc đời của một người tàn tật, tôi học được rằng cảm xúc là thứ dễ lây lan; kể cả những cảm xúc mà ta không hề cảm nhận được.

VỀ TÁC GIẢ DANIEL GOTTLIEB

Daniel Gottlieb là một nhà tâm lý học thực hành, một bác sĩ điều trị tâm lý gia đình đồng thời là chuyên gia sức khỏe tâm thần nổi tiếng ở Mỹ. Bên cạnh đó, ông còn là một người dẫn chương trình trò chuyện trực tuyến, một nhà báo, nhà diễn thuyết và là một tác giả.

Ngoài Learning from the Heart, ông còn có nhiều quyển sách đúc kết kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu và tư vấn của một nhà tâm lý, bao gồm: Voices in the Family: A Therapist Talks about Listening, Openness, and Healing; Voices of Conflict; Voices of Healing; đặc biệt là Letters to Sam – một tác phẩm đề cập đến những bài học về tình yêu, sự mất mát cùng những món quà trong cuộc sống thông qua các bức thư dành tặng cho Sam – cháu trai của ông. Cuốn sách này đã được dịch ra 11 thứ tiếng và First News đã xuất bản bằng tiếng Việt năm 2008 với tựa Thông điệp cuộc sống.

Daniel Gottlieb từng là khách mời của đài CNN và chương trình trò chuyện trực tuyến Fresh Air của Terry Gross. Tính đến năm 2009, ông đã có 22 năm phụ trách chương trình phát thanh “Voices in the Family” từng giành được giải thưởng trên sóng WHYY-FM của đài phát thanh NPR – Philadelphia. Ông còn là người giữ chuyên mục nổi tiếng “Inside Out” trên tờ Philadelphia Inquirer.

Độc giả có thể liên lạc và tìm hiểu thêm về tác giả Daniel Gottlieb qua website:

www.drdangottlieb.com

ĐỌC THỬ

BÀI HỌC VỀ TÌNH YÊU

Tình yêu chữa lành mọi vết thương của con người

– kể cả người cho đi và người nhận về.

– Kart Menninger

Tôi còn nhớ trong bộ phim Divine Secrets of the Ya-Ya Sisterhood có một cảnh quay về cuộc dạo chơi của hai cha con nhân vật chính. Cô con gái (do diễn viên Sandra Bullock thủ vai) đã không ngừng đặt cho cha mình (do diễn viên James Garner thủ vai) những câu hỏi liên quan đến tình yêu, trong đó có câu: “Cha! Trong cuộc đời mình, cha đã được yêu thương đủ chưa?”.

Những câu hỏi của cô gái đã thể hiện ước vọng của cô về tình yêu. Trong bộ phim này, người mẹ của cô gái được miêu tả là một nhân vật có nhiều cảm xúc thái quá và chỉ biết quan tâm đến bản thân. Mặc dù đã kết hôn và có một đứa con nhưng bà lại không yêu thương con gái mình đúng mực. Kết quả là cô gái đã mang trong lòng nỗi tổn thương to lớn. Câu hỏi đầy cay đắng cô đặt ra cho người cha của mình chính là kết quả của một trái tim thiếu tình thương yêu.

Qua các tình tiết trong phim, tôi nhận ra người cha cũng là người không được yêu thương đầy đủ. Nhưng ngay trong bối cảnh đó, rõ ràng ông đang rất hạnh phúc vì được đi dạo với cô con gái mà ông hết mực yêu thương. Ở đây, tôi cho rằng câu hỏi của cô con gái là không đúng bởi vấn đề không phải người cha có được yêu thương đủ không. Câu hỏi trên nên sửa lại là: “Cha, trong cuộc đời mình cha có yêu thương mọi người đủ không?”.

Tôi nghĩ rằng ban nhạc The Beatles đã sai khi hát rằng: “Tình yêu là tất cả những gì bạn cần” và Andrew Lloyd Webber đã đúng khi nói: “Tình yêu làm thay đổi tất cả”. Bất kể được cho đi hay nhận về, hứa hẹn hay phản bội thì tình yêu vẫn luôn có khả năng làm thay đổi tất cả. Và không điều gì có thể sâu sắc hơn một tình yêu vô tư, chân thành và vị tha.

Ví dụ dễ hiểu nhất của loại tình yêu này chính là cảm giác của các bậc cha mẹ khi chào đón đứa con mình chào đời. Lúc đó, trái tim họ mở ra trọn vẹn và gần như mọi cảm giác thương yêu đều sống dậy. Vào khoảnh khắc đặc biệt đó, hầu hết các bậc cha mẹ đều trang trọng hứa với lòng mình sẽ mãi mãi yêu thương và che chở cho đứa trẻ bé bỏng mình đang bế trên tay.

Chính lời tự hứa này đã dẫn đến nhiều rắc rối về sau. Cái ước vọng tự nhiên được bảo vệ con đã khiến những nỗi lo lắng trong ta lớn dần. Chúng ta luôn cảnh giác cao độ với những nguy hiểm tiềm tàng quanh con mình và thậm chí là lo lắng đến từng bước đi của chúng mà không hiểu rằng, mọi sự chẳng qua chỉ là sự thích ứng. Để sống sót, mọi đứa trẻ đều phải tự thích ứng với môi trường xung quanh. Chúng ta lo lắng bởi vì chúng ta thương yêu con cái. Nhưng nỗi lo lắng sẽ khiến ta không thể cảm nhận được tình yêu của mình. Và như vậy – khi các con lớn lên, những nỗi lo lắng trong ta cũng lớn lên, trong khi khả năng cảm nhận một tình yêu chân thành và tha thiết ngày càng nhỏ đi. Tình yêu vẫn ở đó, nhưng ta không thể cảm nhận nó dễ dàng như trước.

Rất khó để giữ mãi một tình yêu vô tư mà không vụ lợi. Không ít lần ta lo lắng khi nghĩ về người ta yêu, rằng họ có yêu thương ta nhiều như ta yêu họ không hoặc họ có hạnh phúc với tình yêu của ta không. Khi ấy, ta tin rằng những nỗi lo lắng của mình cũng chỉ nhằm “chăm sóc người mình yêu” và “vì hạnh phúc của họ”. Nhưng khi ta cố gắng thay đổi người mình yêu “vì lợi ích của chính họ” thì đó không phải là tình yêu. Đó là sự lo lắng. Và chính sự lo lắng này đã khiến chúng ta muốn thay đổi mọi thứ để cảm thấy tốt hơn. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người cố gắng thay đổi người mà họ yêu thương để có lại được cảm giác thân thương của tình yêu hoặc sự an tâm.

Phải nói rằng có rất nhiều cách mô tả tình yêu cũng như có rất nhiều người đã thử mô tả nó. Tiến sĩ Stephen Post, chủ tịch dự án nghiên cứu về sự vô hạn của tình yêu ở Đại học Case Western Reserve, đã tìm cách mô tả về một tình yêu vị tha. Theo ông, đây là thứ tình yêu dành cho tất cả mọi người và không có ngoại lệ, với sự chân thành và dâng hiến vĩnh cửu. Đây còn là hành động sẻ chia không toan tính của một tâm hồn cao thượng. Đôi khi, tình yêu vị tha còn là một trạng thái của sự tồn tại. Quả thật, có nhiều thời điểm, tôi bỗng cho rằng tình yêu không phải là một trạng thái tâm lý bởi vì ngay lúc ấy, tôi không hề cảm thấy yêu thương ai hay bất kỳ điều gì. Lúc đó, tôi nhận ra rằng sự tồn tại của mình cũng là một dạng hiện hữu của tình yêu.

Tất nhiên cảm giác này không tồn tại lâu dài trong mỗi chúng ta. Tôi nghĩ rằng nó chỉ có thể tồn tại trong thời điểm chúng ta trải nghiệm nó mà thôi.

Một buổi sớm mùa xuân cách đây không lâu, tôi nhận được điện thoại từ con gái Ali. Trước đó, con bé đã bị đau cổ suốt nhiều tuần liền. Ali gọi điện để thông báo với tôi rằng giờ đây, cơn đau đã nặng hơn và lan xuống cánh tay. Khi tiến hành chụp MRI(1), các bác sĩ kết luận con bé bị thoát vị đĩa đệm đốt xương sống số 5 và số 6. Tôi thật sự sợ hãi bởi tủy sống của tôi cũng bị chấn thương ở ngay giữa đốt sống số 5 và số 6. Ali còn bảo với tôi rằng bác sĩ đề nghị nó nên giải phẫu ngay trong vài ngày tới.

Tôi cố gắng an ủi Ali. Tôi nói với con bé về nỗi lo lắng của mình và hỏi nó liệu có thể đợi thêm vài ngày để tôi tìm giải pháp khác không. Dù tin tưởng các bác sĩ nhưng con bé vẫn đồng ý chờ đợi. Tôi liên hệ với những người bạn bác sĩ của mình và thậm chí còn nhờ họ tham khảo ý kiến của các bác sĩ thần kinh khác. Trong vòng 2 ngày, một vài giải pháp khác đã được đưa ra nhưng đa phần họ đều tán thành quyết định của bác sĩ riêng của Ali. Con bé cần được phẫu thuật ngay lập tức.

Khi nghe thông báo của tôi, Ali bảo rằng nó sẽ gọi cho bác sĩ để tiến hành phẫu thuật ngay ngày hôm sau. Trong lúc nói chuyện, Ali hỏi tôi liệu con bé có nên chuẩn bị “di chúc” không. Tôi thuận miệng trả lời rằng vậy cũng tốt. Sau đó, tôi không bận tâm đến việc này nữa bởi tôi phải nhanh chóng sắp xếp công việc để sáng sớm hôm sau đến được bên con trong bệnh viện ở New York.

Ngày hôm sau, tôi gặp Ali ở bệnh viện. Bạn trai của con bé – Geoffrey – đang ngồi bên cạnh. Trông con bé rất sợ hãi. Khi bác sĩ ra hiệu vào phòng phẫu thuật, Ali bắt đầu òa khóc. Geoffrey và tôi cố gắng ở bên cạnh con bé cho đến khi nó được đưa vào phòng trong. Lúc này, tôi cũng không buồn để tâm đến cảm xúc của mình bởi vì việc lo lắng cho Ali đã chi phối hoàn toàn tâm trí tôi. Hai giờ sau, bác sĩ bước ra và thông báo rằng ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Thế nhưng, khi đón nhận tin tức đó, tôi lại không hề cảm thấy nhẹ nhõm như mong đợi. Thay vào đó, tôi chỉ cảm thấy yên tĩnh và buồn ngủ.

Vài giờ sau, tôi vào thăm Ali và thấy con bé đang ngồi trên giường, tay nắm chặt tay Geoffrey. Nhưng một lần nữa, cảnh tượng ấm áp hơn cả sự mong đợi ấy vẫn không thể khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Sáng hôm sau, Ali đã khỏe khoắn trở lại và sẵn sàng xuất viện. Khi hai cha con tôi ngồi tại sảnh để chờ Geoffrey lái xe đến, Ali nhìn tôi và nói:

– Con đã rất lo sợ khi nghĩ mình có thể sẽ chết ở đây, cha ạ. Còn cha, cha có sợ không?

Tôi nói với Ali điều mà mình tin là chân thật nhất khi đó:

– Cha không sợ con sẽ chết. Cha chỉ lo đôi tay con sẽ không còn hoạt động được nữa thôi.

Một vài phút sau, chúng tôi hôn tạm biệt nhau. Ali lên xe của Geoffrey còn tôi trở lại xe của mình; mỗi người đi về một hướng.

Suốt đoạn đường về nhà, tôi nghĩ mãi về cuộc trò chuyện cuối cùng của hai cha con ở sảnh bệnh viện. Bỗng nhiên lúc này, tôi cảm thấy hết sức xúc động. Rồi tôi nhớ lại 48 giờ trước đó, lúc tôi và Ali nói chuyện qua điện thoại về việc “sẵn sàng” của con bé. Lúc đó, tâm trí tôi đã không nghĩ đến việc mất con gái nhưng rõ ràng là tôi có lo sợ điều này. Có thể là do cảm giác này quá lớn nên tôi đã không nhận ra ngay tức thời. Nhưng chắc chắn một điều là đến lúc tôi ngồi trên xe trở về nhà, cảm giác lo sợ ấy vẫn còn trong tôi.

Trở về nhà, cảm xúc của tôi càng trở nên phức tạp. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết cảm giác hoảng loạn, sợ hãi và bất lực của mình. Và tôi ghét những cảm giác này. Dù đã cố gắng hết sức để tránh nghĩ đến chúng nhưng cuối cùng, tôi đành phải chấp nhận việc chúng đang từng bước len lỏi vào tâm trí của mình. Hậu quả tất yếu là những cơn đau, cả về thể chất lẫn tinh thần, bắt đầu hành hạ tôi. Bản năng mách bảo tôi rằng tôi phải làm bất cứ điều gì để xua tan nỗi đau này. Tối hôm đó, tôi không thể ngủ ngon và những ngày tiếp theo của tôi trôi qua thật khó khăn. Thực lòng mà nói, dù không thích thú nỗi đau mình đang từng ngày trải qua nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì đã có nó.

Vài tuần sau đó, tôi mời Kim – một người bạn thân của tôi – đến nhà nhân dịp lễ Vượt qua(2). Ali và Geoffrey cùng chú chó tật nguyền của con bé – Marley, cũng đến. Đây là lần đầu tiên tôi gặp lại Ali kể từ sau ca phẫu thuật và cảm giác của tôi lúc này cũng chỉ là hơi xúc động. Dù vẫn chưa hoàn toàn bình phục nhưng trông con bé vẫn tràn đầy năng lượng. Cha mẹ của Geoffrey cũng có mặt. Cả gia đình con gái lớn của tôi, Debbie và chồng con bé – Pat cùng con trai – Sam cũng đến. Ở tuổi lên 7 – tuổi mà tôi đã vô cùng yêu thích bóng chày – thì Sam chỉ mới học cách chơi. Sau bữa tối, Sam, Pat cùng cha con Geoffrey ra ngoài sân chơi bóng trong khi những người còn lại ngồi ở hiên nhà theo dõi trận đấu. Sam là người đánh bóng. Pat đứng sau và đỡ bóng. Geoffrey ném bóng và cha của Geoffrey là người thủ bóng.

Từ hiên nhà, chúng tôi có thể nghe Pat nói với Sam:

– Sam, làm điệu bộ “cầu thủ” nào!

Thằng bé bèn làm một điệu bộ nhăn nhó rất nghiêm trọng. Thấy vậy, tôi hét lớn:

– Sam, đó không giống khuôn mặt một vận động viên. Giống như là cháu đang ị vậy.

Tất cả cười ồ; sau đó bốn người tiếp tục trận đấu trong khi chúng tôi – những người ngồi lại ở hiên nhà – bắt đầu trò chuyện rôm rả.

Đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi có thể cảm nhận được đầy đủ nhất sự trọn vẹn của hạnh phúc. Thế nhưng ngay lúc đó, tôi cũng biết rằng khoảnh khắc ấy thật mong manh. Vì rồi tất cả sẽ đổi thay nếu một ngày Ali trở bệnh, Debbie lại bị chứng đau lưng hành hạ hay như cái ngày tôi thấy vật thể đen tai họa trên bầu trời bay về phía mình, hoặc có thể ngày mai tôi thức dậy với một cơn sốt…

Và bởi vì tôi nhận thức được sự mong manh của cuộc sống nên khoảnh khắc sum họp đó thật tuyệt vời biết bao. Trên hết, tôi thật biết ơn khoảnh khắc này bởi nó đã giúp tôi cảm nhận được tình yêu thương thật sự.

Càng cho đi nhiều, chúng ta càng cảm nhận được sự hiện hữu của tình yêu. Tình yêu hiển hiện trong mọi cảm xúc – trong nỗi lo lắng, khao khát, hy vọng và cả sự oán giận. Tình yêu luôn là thứ tình cảm đặc biệt nhất, chân thành và không vụ lợi. Tình yêu sẽ đến khi khao khát chiếm hữu trong ta mất đi, khi ta không còn cần hoặc muốn quá nhiều. Và trên hết, đó là khi ta biết chấp nhận rằng những gì ta yêu thương sẽ không bao giờ là vĩnh cửu nhưng nó sẽ vĩnh cửu trong mỗi khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button