Quà tặng cuộc sống

Cà Phê Cùng Tony

Cà phê cùng Tony - Ebook PDF/PRC/EPUB1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tony Buổi Sáng

Download sách Cà Phê Cùng Tony ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Bạn đọc cảm nhận

Đây là cuốn sách nên đọc của các bạn trẻ. Nói các bạn trẻ là vì càng đọc sớm cuốn này càng tốt, chứ hẻm có nghĩa là hẻm trẻ là hem nên đọc. TonyBuoiSang thu hút nhiều người đọc bởi những bài viết hài hước và hữu ích trên trang facebook của mình, nên cuốn sách dễ dàng được sự đón nhận của nhiều người. Ngôn ngữ chân phương, đôi khi chèn tiếng quê vô nghe thiệt dễ thương, tự nhiên cũng thấy tiếng trên mọi miền đất nước của mình nó đáng yêu. Tinh thần cuốn sách giúp mọi người có cách nhìn tích cực, chủ động trong cuộc sống mà đc dẫn dắt từ những chuyện rất đời thường.

Cách viết của tác giả rất hài hước và sinh động, đọc vào không những cảm thấy rất thú vị mà còn ngẫm ra được rất nhiều bài học đáng giá. Tuy tác giả không khuyên nhủ, không bắt buộc người đọc phải làm những gì, phải làm như thế nào nhưng thông qua những mẩu chuyện của tác giả thì người đọc tự ngẫm ra và tự có những bài học, những suy nghĩ nên làm gì của riêng mình. Đây là một cuốn sách bổ ích dành cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ để có thể thay đổi bản thân sao cho thật tích cực.

Đọc Cà phê cùng Tony bạn sẽ cảm thấy đâu đó những hình ảnh rất quen thông qua những câu chuyện khá bình dị nhưng lại mới lạ, vui vẻ thông qua văn phong hài hước của tác giả nhưng cũng rất sâu sắc. Bản thân người đọc từ những câu chuyện ấy sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm , bài học cho bản thân như sự tự tin, chủ động học hỏi. Nếu bạn là một người trẻ thì khó có thể bỏ qua quyển sách Cà phê cùng Tony này.

Trích dẫn :

Chuyện Tony ở Harvard

Đại hạc Ha Vợt nhé, không phải Ha Vớt như 1 số người nói đâu nha. Ai nói Ha Vớt, Tony không có hài lòng. Chữ “Vợt” nghe nó có tính chất thể thao, còn Vớt nghe như đậu vớt, vớt vát, trục vớt….Vậy nên ngoài biệt danh Tony Tèo, Tony Phân, có thể nói thêm Tony Ha Vợt. Nghe cường tráng gì đâu.

Chuyện bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2007, giáo sư John Quelch, phó hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Business School ( HBS) có đến VN. Ông này là cây cao bóng cả về lĩnh vực thương hiệu. Ông thích thú với Nha Trang một cách đặc biệt ( chắc giống Yersin, vĩ nhân hay thích Nha Trang). Tony cũng có đi tắm bể hôm ấy. Thấy Tây đang bơi thì bu lại rèn luyện tiếng Anh. Tạt nước, lặn, cút, đắp lâu đài cát, búng tay tôm tép…. với ổng một hồi mới biết ổng là Prof John Quelch. Bon chen cuối cùng Tony cũng có 1 cái danh thiếp của ổng. Thế rồi quên béng mất, lúc đó VN đang sốt mọi thứ, từ đất đến vàng, chứng khoán, làm gì cũng có tiền. Vung tiền ôm hết, Tony trở nên hết sức giàu có. Nghĩ mình đã bước 1 chân vào giới thượng lưu, chuẩn bị mua siêu xe dzớt Hồ Ngạc Hòa rồi trên tay Cường Đô Loa. Sau đó đâu được hơn năm thì bong bóng xẹp, Tony bị vứt chỏng chơ ra ngoài xã hội, nghèo khổ, rách rưới, tuy gương mặt hãy vẫn còn thanh tú. Bất chấp suy thoái hay khủng hoảng, gương mặt anh ấy vẫn đẹp 1 cách rạng rỡ… Biệt thự, siêu xe…dần dần bán hết, đến cái nhà trọ cũ kỹ cũng bị bà chủ vứt đồ ra đường, đuổi đi. Trong đống đồ vứt đó, rơi ra cái danh thiếp của giáo sư John Quelch.

1 đêm mưa buồn lạnh lẽo, Tony bèn chong đèn lấy ipad gửi meo cho ổng, nói giờ con rảnh quá hà, cho con qua hạc với. Đâu lúc sau ổng trả lời, nói ừa, qua hạc đi. Mình nói hẻm có tiền. Ổng nói thôi qua hạc miễn phí đi, tiền bạc gì, mày khách sáo quá. Cái mình xách đít qua Ha Vợt hạc.

Khi vác mẹt qua bên đó hạc, thì mới thấy ủa trường này cũng đẹp và nổi tiếng. Chụp hình thôi là chụp hình. Tỷ lệ vô hạc trường HBS là cao nhứt trong hệ thống các trường Ha Vợt, nhưng cũng khoảng 14%. Bên Y hay Luật khó vô hơn. Các danh nhân từ cổ chí kim có nhiều, như ông cựu TT Bush, ông Obama, hay ông tổng thơ ký LHQ bây giờ, cái ông gì người Hàn Quốc quên tên òy. Rồi bảng vàng rồi đây sẽ có Tony Tèo…biết đâu được. Mình có hỏi ủa sao nhận tui vô rồi cấp hạc bổng tàn phần cho tui vậy, ngoài ngoại hình ra, tui có gì khác xuất sắc chăng? Mấy cô phòng đào tạo nói ai biết, thấy có thơ thầy hiệu phó nói nhận mày vô đi, tao tưởng mày bạn của Bạc Qua Qua hay con ông tổng thống cái đảo quốc nào đó chớ. Cuối cùng thì mới biết là 1 ngày có hàng ngàn thư gửi sang xin hạc, nhưng toàn gửi phòng đào tạo hay bộ phận tuyển sinh, chỉ có mỗi mình là gửi cho hiệu phó. Ổng rảnh quá, đọc thư xong reply luôn. Trong thư, thầy nói mày viết sai chính tả hết trơn nhưng tao đoán ý thì hiểu. Viết dễ thương lắm Tony à. Không biết mày ăn gì mà viết dễ thương quá.

Lúc qua, cô bé làm phòng giáo vụ hỏi mày muốn hạc cái gì. Mình nói đâu đưa menu cho tao lựa. Lựa tới lựa lui một hồi mới chọn được chương trình chuyên tu tại chức văn bằng 2. Nói sẵn tiện cho tao hạc luôn tiến sũy nha, vì tao đang lòm cái tiến sũy ở quê nhà nhưng hạc hẻm nổi vì mấy thầy bên đó đang cãi nhau, bữa bắt định lượng, bữa bắt định tính, hệ Liên Xô và hệ Âu Mỹ đối đầu nhau chan chát. “Làm sao có thể tốt cho cả hai?”. Chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được.

Lúc vào lớp, mình chẳng biết nói gì chỉ cười. Vì nghe có hiểu mẹ gì đâu. Lâu lâu đứng lên phát biểu cả lớp cười bò. Rồi bắt đầu mọi người hâm mộ, nói ủa mày dân châu Á sao ăn nói sáng tạo quá vậy, tao thấy tụi châu Á đứa nào cũng rất là stereotype. Thầy cô cũng bắt đầu hâm mộ, nói thằng này nói chiện nghe vui và dễ thương quá nè. Mỗi lần Tony nói là SV cả lớp im lặng, vì Tony nói là tao phát âm tiếng Anh theo 1 trường phái riêng, và có sở thích hay nuốt chữ, swallow words, nên tụi mày phải tập trung hết sức, tao không nói lại 2 lần như thi Tóp Phô đâu.

Rồi Tony cũng hay dọa nghỉ hạc. Ngày nào cũng mang kẹo dừa xuống phòng hành chính, ép ăn rồi chọc ghẹo mấy chị rồi nói bóng gió xa xôi chuyện nghỉ hạc để trở thành tỷ phú, giống Bill Gate và Mark Zuckerberg, cũng là cựu SV của trường nhưng hẻm có tốt nghiệp được. Nên mấy thầy sợ hãi, bữa nào vào lớp cũng lụm cụm đi điểm danh ( mấy thầy trường HBS già lắm), cứ thấy Tony ngồi 1 góc đang giũa móng tay, thì mới yên tâm giảng dạy. Mấy ổng nói, nếu cho mày nghỉ, thế giới có thể có thêm 1 tỷ phú nữa, nhưng HBS hết vui. Các bạn người Ecuador hay Chile gì đó cũng nói nếu Tony nghỉ hạc thì họ cũng bỏ hạc về nước. Cái thôi, mình hạc tiếp. Mình hay vì mọi người. Bữa nay thầy Michael Porter nói mới biết, cả trường xưa nay có hàng ngàn sinh viên bỏ hạc, nhưng chỉ có 2 tỷ phú, còn nhiêu đi móc bọc nylon hết rầu.

Chu cha, vậy thôi, hạc, hạc
Hạc, hạc nữa, hạc mữa…..

ĐỌC THỬ

Mùi kiệu

Tony Buổi Sáng: Mùa thi, Tony mong ước nếu bạn có nhà cửa ở thành phố, hãy giúp các bạn thí sinh ở quê trọ vài ngày. Có thể tụi nó lóng ngóng, chưa quen với các tiện nghi thành phố, có thể làm bẩn nhà, vỡ ly chén..nhưng đừng thế mà từ chối nhé

Hôm nay đi ngang qua chợ Bà Chiểu, ngó thấy mấy chị tiểu thương bày củ kiệu ra bán. Mới thảng thốt chép miệng, mèn ơi, sắp tết rồi.

Dân miền Nam hay gọi tết nhứt, không biết chữ nhứt ở phía sau có phải là quan trọng nhứt hay không, nhưng lòng ai cũng chộn rộn khi nghĩ về nó. Giống như người tây phương với lễ giáng sinh và năm mới dương lịch vậy.

Nhớ ngày xưa còn ở với ba má, cứ cuối năm gần Tết là phụ má hong củ kiệu. Trời gần Tết hơi lạnh, nắng cũng yếu ớt nên má hay biểu mày nhổ giò cao nhòng vậy thì để mấy củ kiệu lên mái nhà coi, để dưới đất coi chừng chó hay gà đi ngang qua hất đổ hết.

Và trong tâm khảm tuổi thơ, mùi kiệu cay nồng chính là mùa giáp Tết. Ông già (cách gọi thân thương cha mẹ của ở quê Tony là ông già, bà già) người Cần Thơ nên hay kêu bà già làm mấy món miền Tây cho ổng nhâm nhi dịp Tết. Bà già cũng có mười mấy năm sống ở miền trong nên hiểu ý liền, nhứt là món ruột già heo khìa. Thấy có ngon lành gì đâu, nhiều lúc còn mùi thúi thúi nhưng ông già nhứt định khen ngon, ăn khí thế. Và củ kiệu cũng vậy, đắng nghét chứ có ngon lành gì, nhưng mà thiếu nó, không khí Tết không còn nguyên vẹn nữa.

Hồi cả nhà đùm nhau từ Sài Gòn về quê ngoại sống, rời xa đô hội, má nói mấy đứa bây giờ cũng phải ráng mà hòa nhập với dân ở đây. Vẫn một ngày đi học, một ngày lặn lội trên đồng. Nhưng má bắt cố gắng giữ giọng nói và cách ăn uống của dân miền trong, má nói rồi tụi bây cũng sẽ về lại Sài Gòn để phát triển, chứ ở miền Trung này, kiếm đồng tiền khó lắm. Về quê là một giai đoạn tạm thời, ẩn nhẫn để vụt bay. Nhưng trong khó khăn, phải giữ khí phách của kẻ sĩ…

Nhưng lúc mình thi đại học, tự nhiên má đổi quyết định đột ngột, bắt thi vào cao đẳng sư phạm Nha Trang ở gần nhà, xong về dạy học thế chỗ má trong trường, vì tao sắp hưu rồi. Lý do quan trọng hơn là vô trỏng, tiền đâu học. Có lẽ linh cảm rằng cho nó vào lại Sài Gòn ít còn cơ hội gặp nhau. Sự khó khăn về kinh tế và ích kỷ về tình cảm của người mẹ, đi ngược lại với những điều giáo huấn từ bé, rằng làm đàn ông con trai trên đời, phải kinh bang tế thế, lấy tài năng giúp đời, đừng suy nghĩ vụn vặt, ganh đua với con Năm thằng Mít trong làng, có giỏi thì ra ganh đua với tụi dân thành phố – ba má hay căn dặn mấy chị em như vậy.

Nhưng dưới áp lực khủng khiếp của mình, má cũng gạt nước mắt, đồng ý cho vô lại Sài Gòn để thi đại học. Còn 2 ngày nữa là thi rồi, mà không biết vô đó thì ở đâu. Má ngồi suy nghĩ một hồi, nói thôi mày đạp xe chở tao qua nhà cô C đi, cô có em gái tên Dung ở Sài Gòn. Rồi mình đạp xe chở má qua nhà cô C, bạn dạy chung trường. Mình đứng ở ngoài hàng rào, má vô nói gì đó một hồi, rồi ra, nói cô C không chịu, nói cô Dung khó tánh lắm, từ chối cho số điện thoại. Nên đạp xe chở má đi về, đầu óc miên man trên con đường làng quanh co thơm mùi rạ.

Vừa về, cả nhà ngồi suy nghĩ quan hệ với ai ở Sài Gòn, cái ba nói thôi vô hạ mình xin thằng H, là chú em cùng cha khác mẹ với ba, giờ làm tổng giám đốc 1 công ty cực lớn ở quận 4, xin nó ở vài bữa. Má nói chắc phải vậy thôi, rồi lấy hộp kem phấn ra trang điểm, nói thôi để má đưa đi. Rồi thấy vào ngồi đếm tiền với chị Hai, rồi chị Hai nói có vài trăm ngàn như vầy, không đủ ở khách sạn cho 2 mẹ con đâu nếu chú H từ chối. Mình ngồi nghe mà chết điếng trong lòng. Tự thấy sao con đường học hành của mình gian truân quá, bạn bè cùng lớp đã vào hết trong đó để chuẩn bị thi. Còn mình thì giờ này vẫn chưa biết có đi được hay không nữa. Mình buồn quá, lấy xe đạp đi ra thị trấn, lang thang, vô định.

Thế rồi như là 1 định mệnh của sự may mắn, bạn Th. học cùng lớp tình cờ gặp mình, bạn cũng chuẩn bị đi Sài Gòn,hay là mày đi cùng cho vui. Th rủ mình dù học 3 năm với nhau, 2 đứa chỉ giao tiếp bình thường chứ không thân lắm. Bạn Th nói anh ruột bạn ấy có người quen ở trỏng, có thể cho mình ở nhờ. Má đạp xe xuống nhà Th hỏi có thiệt không, rồi đồng ý cho đi. Tối đó lên xe vô SG, lúc xuống ngã ba bắt xe, tự nhiên má móc trong túi ra 5 phân vàng, nói nhẫn cưới gì đó, chưa bao giờ tiết lộ cho ai biết. Giờ thì đưa con đeo vô ngón út, đó tất cả gia tài của má lúc đó. “Cái này má đưa con cầm, có chuyện gì thì cứ bán rồi ra bến xe miền Đông bắt xe về liền nghen con. Làng mình năm nay chỉ có con học hết 12 thôi, thôi thì ráng thi cho tốt”, má cầm tay dặn dò. Xe chạy xa dần, mình vẫn thấy đôi tay khẳng khiu, đen nhẻm của má và mấy chị vẫy vẫy. Chiều dần tối, cây cối hai bên đường heo hắt, quắt queo trong cái nóng mùa hè.

Cả đêm trên xe không ngủ, lần đầu tiên vào xa mà, ra đi khỏi Sài Gòn hồi có mấy tuổi nên có nhớ gì đâu. Trong đầu mình tính toán lên nhiều phương án để tồn tại trong mấy ngày, nếu và thì. Tài sản là mấy cuốn tập cong queo nhét trong lưng. Theo Th đến nhà chị G, thấy nhà chị học sinh đến ở trọ đi thi đông quá, nên ngại, nói chị G thôi em đi qua nhà chú em ở. Cái mượn xe đạp của anh Tài để đi tìm chú H, cái ba lô bé xíu quảy sau lưng. Ghé nhà chú H theo địa chỉ trên 1 lá thư từ lâu lắm, bí mật ghi vô cuốn tập, ba má cũng không biết. Rồi mình gặp cô Út, em chú H, ngồi kể lể lý lịch một hồi , chỉ mong là họ nghĩ máu mủ ruột thịt mà cho ở vài hôm đi thi. Nhưng ông lánh mặt và kêu cô Út vào phòng, nói gì đó, rồi cô Út ra nói nhà cũng chật quá, thôi con đi tìm chỗ khác trọ đi. Lúc mình đạp xe rời khỏi con hẻm nhà chú đường Hoàng Diệu, thấy cô Út ra đứng đầu hẻm vẫy tay, nước mắt cô lăn dài, chắc cô cũng có chút tình máu mủ, chắc cũng thấy tội nghiệp 1 thằng cao nhòng đen nhẻm đang tìm đường mưu sinh ở thành phố.

Mình ra công viên Lê Văn Tám ngồi học bài rồi mệt quá, ngủ thiếp. Khoanh nem chua mang theo, định bụng là nếu chú H cho ở nhờ thì đem tặng, nhưng ổng đuổi đi nên thôi, nửa đêm đói qua tỉnh giấc lấy lột ngồi ăn một mình. Ánh đèn vàng heo hắt và cơn mưa tầm tả của Sài gòn tháng 7, lạnh cóng…

Hôm sau lên lấy số báo danh rồi thi môn Toán vào buổi chiều. Hết giờ thi, mình theo đứa bạn mới quen trong phòng thi về nhà nó tắm rửa, rồi qua nhà chị G, nói chuyện thi cử với Th, chị G mời ăn cơm nhưng ngại không dám ăn nhiều, chỉ ăn 1 chén. Xong cái lấy xe đạp đi, định qua công viên ngủ tiếp nhưng chị đoán được hay sao ấy, nên mới nói thôi đi đâu, ở lại đây rồi mai đi thi cho tốt. Lòng tốt của Th và gia đình chị G, mình thật sự mang ơn suốt đời, không biết nói sao nên lời nữa. Bữa thi cuối, mưa kinh khủng là mưa, ra khỏi điểm thi trường Lê Quý Đôn, nhìn các bạn khác có cha có mẹ đi theo tíu tít hỏi han đề thi khó hay dễ vậy con, thấy nước chảy dài trên má, không biết nước mắt hay nước mưa nữa. Rồi tất tả quảy ba lô chạy ra bến xe miền Đông để kịp chuyến xe về quê.

Rồi con cũng có tất cả, má à, hơn cả những gì mà ba má kỳ vọng. Cạnh tranh với dân thành phố – hồi đó là tất cả những gì mà ba má có thể nghĩ ra – nay đã không còn phù hợp nữa. Cái mà tụi con đang cạnh tranh là những Peter, Mary, Zhu Bin…trong một thế giới phẳng như thế này. Những con đường cao tốc, những tòa nhà xa hoa, những buổi tiệc ở khách sạn năm sao với đủ loại sơn hào hải vị nhưng làm sao có thể sánh được với con đường làng quanh co, lũy tre xanh đầy gió và mùi kiệu thơm nồng của quê ngoại. Nơi một thời con đã lớn lên.

Con nhớ.

(Giáp Tết 2008)

Cái chết của Chu Du

Đọc tam quốc diễn nghĩa, ai cũng biết đến chuyện Chu Du, vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết. Đó là cái chết vì đố kỵ, mang đậm màu sắc của văn hoá Trung Hoa. Các nước lân bang thì càng gần khoảng cách địa lý với Trung Quốc thì càng bị cái tính này nó lây lan, hẻm phải riêng VN mà bên Hàn, bên Nhật…cũng bị. Càng xa biên giới Việt Trung, càng thoát văn hoáTrung Hoa thì tính đố kỵ, ghen ghét người khác cũng bớt dần. Chẳng hạn như vùng Cà Mau, trong làng có ai có gì vui như đỗ đạt, trúng số, trúng lúa, thăng chức, thành công….thì cả làng bưng đồ đến, đổ bánh xèo, uống gụ, chung vui mừng rỡ một cách thật lòng. Còn nếu ngoài trung ngoài bắc, thì thành công phải giấu nhẹm đi, mới mong được bình yên. Bên kia sông Cầu có người đỗ tiến sĩ, thì thay vì chèo thuyền qua sông chung vui, nhiều người xã Đoài bên này ngồi chửi đổng, điên tiết vì không biết vì sao nó giỏi thế. Rồi tự an ủi AQ, rằng nó may mắn thôi chứ chả hay ho gì, hay có ai đó nâng đỡ nó. Tóc tai xoã rũ rượi, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong nó thất bại hay bị tai nạn bệnh tật ốm đau mà chết quách cho rồi, để hả lòng hả dạ. Thôi thì cũng thông cảm cho họ, văn hoá tiểu nông ăn sâu quá rồi, con gà thì tức nhau tiếng gáy, và cũng, vì chút Chu Du còn sót lại, cả ngàn năm Bắc thuộc còn gì…

Tony thích văn hoá miền Tây Nam Bộ, vì nó là vùng đất mới, chưa từng bị phong kiến Trung Hoa ra sức đồng hoá, nó gần với văn hoá Miên Thái, hảo sảng và phóng khoáng, bao dung và thiệt tình. Đau thật với nỗi đau người khác, vui thật với niềm vui của bạn bè, không giả tạo, ăn nói cho hay nhưng trong lòng nghĩ khác, chỉ muốn mình hơn, còn mong ai cũng te tua, nghèo khổ, dốt nát, xui xẻo, xấu xí…

Tony có khá nhiều bạn học. Và họ từng là những người bạn thật tốt. Nhiều lúc thời sinh viên, Tony đói xanh mặt, qua ký túc xá hay nhà trọ của bạn mượn 10 ngàn đồng mua cơm, bạn có 20 người, bạn chia một nửa. Rùi vui vẻ qua hết thời sinh viên chật vật khốn khó, với biết bao là tình. Ra trường, nhóm bạn bắt đầu chia rẽ, vì có ai đó khó chịu khi đứa khác tìm được việc làm ngon. Rùi rạn nứt khi bạn bè cùng nhà trọ ngày xưa mua nhà ở thành phố. Sự bực bội dâng đến đỉnh cao, mời đi tân gia là không đi, hay đi cũng qua nói vài câu xỉa xói móc méo cho nó xui xẻo chơi. Ngồi lầm bầm, kiểu mẹ tức muốn chết, mình vẫn còn nhà trọ mà nó đã chung cư cao cấp rùi. Rùi chấm dứt quan hệ, không rõ tại sao, chỉ thỉnh thoảng nghe qua bạn bè, những câu đại loại như ” giờ nó thành đạt quá rồi, đâu thèm nhìn mặt tao” nếu bạn bè có ai hỏi lâu này mày có gặp thằng A con B hem…

Khi facebook ra đời, âm thầm theo dõi ngày đêm. Thấy 1 anh bạn post tấm hình nhà mới, 2 đêm mất ngủ, ra sân đá thúng đụng nia, quánh mèo quánh chó. Thấy 1 cô bạn post status đi Mỹ du lịch với chồng con, nói cái con nhỏ này nó ăn trúng gì mà sao may mắn thế, liền mất ngủ 3 đêm, nhìn ông chồng nghèo của mình khinh khi ra mặt. Tất cả stt đều không bấm like, chỉ đọc. Rồi một ngày anh bạn post status mất việc, thì lòng vui mừng khôn xiết, lấy bia ra uống, lần đầu tiên bấm like. Rồi thấy cô bạn post status ly hôn, ôi trong lòng vui sướng biết bao, cho chừa, cái tội hôm bữa khoe đi Mỹ với chồng nha mậy, nhảy vô comment, ghi đại loại như ” sao vậy bạn ơi, có cần gì thì mình giúp” mà trong lòng thì ngược lại, hả hê, vui sướng, vừa tắm vừa hát vang. Đi nhậu lúc ngà ngà say, nghe bạn nói ” tôi vái ông bà cho ông bầu A rớt máy bay chết cho rồi, nhìn ông ấy sở hữu chiếc máy bay riêng mà ngứa mắt. Còn ông tỷ phú B, ông đó mà phá sản, tôi mở tiệc ăn mừng”. Phụ nữ thành đạt nào cũng bị gán câu ” ôi cái con đó tài năng gì, nó cặp với ông này ông kia mới được như vậy”. Những người hay nói vậy là những người có tính đố kỵ, phải lưu ý tránh xa. Lúc này, sự đố kỵ không còn bình thường nữa, nó đồng nghĩa với cái ác, cái vô lương và với suy nghĩ rẻ tiền ấy, họ đã đánh mất chính nhân cách của mình.

Cũng có mấy anh bạn cũ, suốt ngày nhắn tin hỏi trang Tony Buổi Sáng có mua like không? sao like tăng nhanh thế, bọn độc giả dở hơi thế nhỉ, nhảm thế mà vẫn đọc say sưa. Hay comment ở dưới mỗi bài viết của Tony những câu đại loại như ” bài này không có gì mới, đã đọc qua đâu đó rồi”. Thậm chí cũng có bạn rảnh rỗi, ngồi search cả buổi và còmment ” bài này ý theo đường link này nè, không phải sáng tạo gì đâu” hay ” chủ đề này Mr A viết hay hơn, các bạn qua đó đọc nhé, đường link là…”, hay ” Tony cạn đề tài rồi, hahaha, vui quá”. Thống kê trên page slight, 10 độc giả hay vào nhất là 10 anh bạn quen, kiên quyết không bấm like page, nói trang này quá nhảm, nhưng suốt ngày vô còmment kiểu sọc dưa. Lúc đầu Tony cũng khó chịu, mất hứng, nhưng sau này thì quen. Cái xứ mình nó thế, dù có học có hành, có chức vụ hay học vị học hàm, có tiền có bạc, có vợ đẹp con khôn, vẫn mang cái văn hoá Chu Du ấy trên người, tự mình làm khổ mình ghê gớm, nhiều người cũng nhận ra nhưng không dễ bỏ ngày một ngày hai.

Tony có anh bạn, tên X. Rất thân vì lúc cơ hàn, cần gì cũng giúp. Nhưng tính ganh đua đố kỵ cũng lớn. Không phủ nhận tính ganh đua cũng có mặt tích cực, đó là việc giúp mình có động lực để không thua kém bạn bè. Việc thấy Tony nói 2 ngoại ngữ lưu loát khiến anh lao vào học như điên, 5h sáng đã ngồi dậy học từ mới, tối nào cũng đến 2 trung tâm để luyện, thậm chí mời cả giáo viên tiếng Hoa tới nhà để dạy, nên anh cũng nói được ngoại ngữ khá tốt. Có lần cô giáo yêu cầu đọc cuốn Tư Duy Lại Tương Lai và nộp bài cảm nghĩ, Tony lùng nhà sách mấy bữa hẻm có, mới qua nhà anh, mượn đi photo. Anh trả lời, gì chứ sách tuyệt đối không cho mượn, khiến Tony không nộp được bài. Năm 2006, Tony mua ô tô đi lại, biết tính anh nên không nói, thế là 1 bữa anh chạy qua nhà, khoe với Tony là đã mua được chiếc Civic, có đi đâu không tôi đưa đi ngồi ô tô cho mát. Tony nói là tôi cũng mua rồi, cả mấy tháng rồi. Anh giận dữ quày quả đi về, nói thằng này cái gì cũng hơn mình, có tức điên không. Hôm tài xế mình bị ốm, mới gọi điện qua nói bạn ơi cho tôi mượn tài xế bạn 1 hôm nhé, có khách nước ngoài qua nhưng tôi không biết lái. Anh trả lời ” thế thì đi taxi, tài xế của tôi hôm nay rảnh nhưng tôi không cho phép lái xe của người khác bao giờ”. Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người, vì không làm được nghiệp lớn.

Nên nếu có chơi với thể loại này, phải cẩn thận và giấu mọi thứ mình có như mèo giấu ” hàng hoá Tony đang kinh doanh”, vì họ thấy họ sẽ tức tối rất tội nghiệp, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nặng thì hộc máu chết như Chu tiên sinh ấy chứ chẳng phải đùa. Bạn Nam nói, 2 vợ chồng nó nghe nói bạn X tới nhà là phát hoảng. Vì X tới, sẽ đảo mắt nhìn quanh, hỏi thăm, nếu thấy nhà Nam có mua sắm cái gì mới, X về giận, phát bệnh. Nên nghe tin X đến thăm, vợ chồng nó dọn dẹp bắt mệt. Phải gửi xe hơi đi chỗ khác, giấu cái tivi xịn vào phòng, quần áo pyjama bóng loáng phải cất, phải lập tức mặc áo cụt quần què vào, gia nhân giúp việc tài xế…phải lập tức ra khỏi nhà, đi lánh mặt, núp ngoài bờ rào biệt thự, khi nào X về mới được vô. Thằng Nam phải lập tức nhảy xuống lau nhà, con vợ phải ngồi nhặt rau, vú móm lòng thòng, tóc rối bù, vợ chồng giả bộ chì chiết nhau chuyện tiền bạc, con cái nó phải vọc đất vọc cát, mũi miệng phải lem nhem. Đang ăn tôm cua thì phải cất ngay, lôi rau muống nước mắm ra. Gương mặt phải teo tóp hốc hác, không được phúng phính trắng hồng, X nó không thích, nó giận…..

Lại nói về Tony. Từ khi lên chức hãng trưởng hãng Phượng Tím, Tony cũng bị không biết bao nhiêu bạn cũ từ mặt. Nói nó đi xe hơi 7 tỷ, nên tao đâu dám tới gần. Nhiều buổi cà phê, Tony hẻm biết nói chuyện sao. Toàn những câu như nghe nói dạo này nghe nói mày giàu lắm phải không, mình mà ừ một cái, thì tức khắc quy vào tội chảnh choẹ, mà nói không thì sẽ kết luận là xạo mày, đừng có giấu. Có một nhóm ngồi nhậu với nhau, bàn về Tony, nói chắc ai đó cho nó tiền chứ sao tự nhiên giàu vậy, nghe nói nó có ba nuôi tỷ phú Hàn Quốc, sure là ông đó cho tiền nó. Cái gọi điện hỏi có đúng vậy hem Tony, mình đang mướt mồ hôi trong kho kiểm hàng, nghe hỏi sợ quá nói ừ ừ, bạn nói vậy hả, có còn ông nào giới thiệu tao, tao cũng muốn có ba nuôi. Tony bèn viết bài hướng dẫn bạn đi Dubai, hội chợ du thuyền mà tìm. Ba nuôi mẹ nuôi vì phải vào chốn giàu có mới tìm được. Nhiều người cứ nói người khác thì đang đố kỵ với mình, còn bản thân thì lại vô tư hẻm biết.

Cũng mấy lần đi nhậu, bạn nhậu nói mày biết doanh nhân thành đạt ABC không, nó dở ẹt à, lúc học chung với tao, rớt lên trượt xuống, ngu lắm mày ạ. Chuyện quá khứ là quá khứ. Lúc nhỏ người ta có thể học kém, nhưng sau này, cả quá trình tự đào tạo của họ, mình đâu có biết. Để có được số tiền đó, người ta đã phải thức khuya dậy sớm thế nào, bạc tóc tính toán ra sao, chết bao nhiêu nơ ron thần kinh …và sẵn sàng chịu n cái rủi ro. Để có được giải thưởng nào đó, người ta đã phải hy sinh những thú vui cá nhân, đã phải dùi mài kinh sử tập luyện quần quật thế nào, mình đâu có biết. Chỉ thấy thành quả và thay vì mình cũng cố gắng đạt được, lại sinh ra lòng ghen ghét.

Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời, có những con người, tạo hoá cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn VN ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai, nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ. Vì không công nhận tài năng của nhau nên khi đồng nghiệp được quốc tế công nhận, họ gần như hoá điên. Phần lớn nhà văn Trung Quốc cho rằng Mạc Ngôn bỏ tiền ra mua giải Nobel, cô lập ông sau khi ông nhận giải. Mấy nhà văn lão thành của Trung Quốc vội lên học viện ngôn ngữ Bắc Kinh nhờ dịch hết các tác phẩm của mình sang tiếng Anh, rùi đem qua nước ngoài chào hàng, nhưng tụi Tây vứt hết vào sọt rác vì đọc hẻm hiểu. Các nhà văn trẻ TQ còn thành lập hiệp hội anti- Mạc Ngôn, cũng hoạt động ì xèo, thậm chí gửi đơn thưa kiện kêu rút lại giải Nobel của ông ấy. Giống cách đây mấy tháng nước ta cũng có vài cuốn sách best seller và lập tức xuất hiện 1 nhóm người anti, kiện tụng khí thế, rùi cũng ra sách nội dung tương tự để cạnh tranh. Trí tuệ thay vì đi làm cái gì đó hay ho cho đời, lại suốt ngày đả phá người khác, thiệt uổng. Ngày GS Ngô Bảo Châu nhận giải Field, thì cũng là ngày bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ Hà Nội nhận cả chục bệnh nhân vào khám, cũng toàn các bạn cũng từng đoạt giải quốc tế quốc gia, nhưng vì tức tối mà sinh ra tâm bệnh, ngồi bứt tóc móc mắt, xé quần xé áo…trong thật thảm thương.

Hôm bữa họp lớp, có mặt anh bạn X. Anh lại xách mé, nghe nói Tony dạo này đi nước ngoài như đi chợ ấy nhỉ. Tony chỉnh ngay, riêng cái này là không đúng. Anh vui mừng lắm, nói thế không có tiền đi đâu à, làm ăn không được à, sắp phá sản rồi à, nói thật đi để bạn bè lo cho. Mọi người há hốc mồm nhìn. Tony mới từ từ giải thích. Năm vừa rồi, Tony đi nước ngoài 20 lần, trong khi đi chợ có 1 lần, so sánh vậy là khập khiễng. Cái anh hỏi, ủa vậy giờ phải nói sao, Tony nói là lần sau phải nói ” dạo này Tony đi nước ngoài như đi siêu thị ấy nhỉ”…

Vì Tony, cũng hay đi siêu thuỵ….

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

One Comment

  1. Quyển sách là những kinh những kinh nghiệm sống bổ ích của người đi trước gửi gắm cho thế hệ trẻ. Giọng văn dí dòm, chân tình. Rất nể phục. Mong rằng dượng Tony sớm có thêm những quyển sách mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button