Quà tặng cuộc sống

Bàn Tay Cũng Là Hoa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thích Nhất Hạnh

Download sách Bàn Tay Cũng Là Hoa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Thế Lữ – Giây phút chạnh lòng

Bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ được viết năm 1936 để tặng cho Nhất Linh, tác giả tiểu thuyết Đoạn Tuyệt. Tôi nhớ bài thơ này được in vào đầu trang tiểu thuyết Đoạn Tuyệt.

Trong cuộc sống hàng ngày lâu lâu tâm mình hơi chùng xuống một chút, yếu đi một chút, mất đi một ít năng lượng, giây phút ấy gọi là giây phút chạnh lòng.

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Đó là lời của một người con gái nói với một người con trai trong giờ phút người con trai từ giã để lên đường phụng sự lý tưởng của mình. Chuyện xảy ra đã nhiều năm trước và hôm nay người con trai đang ngồi hồi tưởng lại.

Đất nước hồi đó còn nằm dưới sự đô hộ của người Pháp. Những người thanh niên Việt Nam lớn lên bắt đầu có ý thức rằng đất nước mình không phải là một đất nước độc lập cho nên tâm tư họ có những xao xuyến, thao thức: làm thế nào để giành lại độc lập cho đất nước mình, tự mình làm chủ lấy mình?

Trong khi đó guồng máy công an, cảnh sát dưới sự cai trị của người Pháp rất hùng hậu, vững mạnh. Họ tìm mọi cách để người Việt không có cơ hội đứng dậy giành lại chủ quyền. Nhưng những thanh niên tân học thấy rõ ràng rằng người dân của một nước mà không làm chủ được đất nước của mình là chuyện rất nhục nhã, không những đối với quốc dân trong giờ phút hiện tại mà còn đối với tổ tiên, tại vì tổ tiên của mình cũng đã từng tranh đấu để quốc gia có chủ quyền, có độc lập. Trung Quốc đã từng chiếm cứ đất nước Việt Nam đến một ngàn năm. Việt Nam trở thành lãnh thổ, một tỉnh của Trung Quốc. Việt Nam trong thời kỳ ấy hoàn toàn bị mất chủ quyền đối với người Trung Quốc.

Khi Thế Lữ viết bài này thì Việt Nam đã bị Pháp đô hộ gần một trăm năm. Thế Lữ cũng như một số các bạn đã từng có cơ hội đi sang Pháp du học, đậu bằng cử nhân khoa học. Vì vậy những người đó biết thế nào là một quốc gia có chủ quyền, nên khi về nước họ rất thao thức, muốn kết hợp bạn bè, tìm mọi cách để có cơ hội giành lại độc lập cho tổ quốc.

Người Pháp không cho phép ra những tờ báo hay in những cuốn sách và thành lập những tổ chức với mục đích gây ý thức cho quốc dân nhằm khôi phục lại nền độc lập. Nhưng các thanh niên đó đã tìm đủ mọi cách khéo léo để xuất bản những tờ báo, lập những nhà xuất bản sách để truyền bá gián tiếp những tư tưởng đó cho quốc dân. Họ chỉ cần một tờ báo thôi, một nhà xuất bản thôi, vậy mà trong vòng sáu năm, bảy năm họ đã gây được ý thức trong quốc dân và ảnh hưởng của họ đối với quốc dân rất lớn. Nhất Linh là một người đã từng bí mật tổ chức những đảng chính trị để hoạt động, đã từng bị người Pháp bắt bỏ vào tù và đã từng trốn qua Trung Quốc để lánh nạn nên những điều mà Nhất Linh nói, những điều Thế Lữ nói là những điều phát xuất từ kinh nghiệm của chính mình.

ĐỌC THỬ

Anh đi đường anh, tôi đường tôi.
Tình nghĩa tôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Người con gái nói với người con trai: Anh đi cứu nước đi, em sẽ ở nhà. Người con gái này tên là Loan và người con trai tên là Dũng. Loan sinh trưởng trong một gia đình phong kiến, có những lề thói không còn phù hợp với nếp sống mới nữa và nhất là tình trạng mẹ chồng nàng dâu đã làm Loan rất khổ sở. Loan là người đã từng được đi học trường Tây và đã học hết bằng trung học Pháp. Loan đã bị ảnh hưởng tư tưởng Tây phương về tình yêu tự do và không muốn bị ràng buộc vào đại gia đình. Nhưng vì hoàn cảnh, Loan bắt buộc phải lấy Thân mà không được lấy người mình yêu là Dũng. Tại vì Dũng có những tư tưởng cách mạng nguy hiểm nên cha mẹ Loan cấm không cho phép Loan yêu Dũng, lấy Dũng mà bắt Loan phải lấy Thân, một người con trai rất tầm thường.

Hai vợ chồng Loan có một đứa con nhưng chẳng may đứa bé đó chết và bà mẹ chồng nghĩ rằng vì Loan không thể sinh đẻ được nữa nên đã bắt ép Loan phải đồng ý cho Thân cưới một người vợ lẽ. Loan là một thiếu nữ được học trường Tây, cô mang trong mình tư tưởng tự do cá nhân của Tây phương mà phải sống trong khung cảnh gia đình phong kiến với những lề thói ép buộc như vậy thì rất là đau khổ, cho nên Loan thường hay nhớ tới người yêu xưa là Dũng. Còn Dũng thì thấy mình không còn có cơ duyên nào nữa để có thể cưới Loan nên quyết tâm đi kháng chiến, đi làm cách mạng.

Có một nguyên do thầm kín nữa là mẹ của Loan có mắc nợ mẹ của Thân nên phải hứa gả Loan cho Thân. Điều này Loan chỉ khám phá ra sau khi sự việc bị đổ vỡ. Trong một cuộc xung đột, khi Thân xông tới để đánh Loan thì tai nạn xảy ra. Thân vấp té vào lưỡi dao Loan đang cầm để rọc giấy, lưỡi dao đó đâm vào bụng Thân và Thân chết. Lúc ấy báo chí Hà Nội loan tin: Cô Loan giết chồng! Cô Loan giết chồng! Rốt cuộc nhờ một cặp vợ chồng người bạn vận động các luật sư giỏi để cãi cho Loan nên cuối cùng thì Loan được tha bổng vì đây là trường hợp tai nạn chứ không phải là tội cố ý giết chồng. Lúc đó Dũng đang hoạt động cho cách mạng, bí mật đi công tác về thành phố và đã nghe tin có buổi xử án như vậy.

Đêm đó là một đêm giao thừa, và người con trai không có gia đình đã bôn ba nhiều năm, sống rất vất vả, khó khăn, trong khi về công tác ở thành phố và được nghỉ ngơi một vài ngày trước khi tiếp tục lên đường thì nghe tin tòa xử trắng án cho Loan. Dũng nhớ tới ngày xưa khi hai người yêu nhau, và có ý muốn rằng bây giờ Loan được tự do rồi, thì mình sẽ tìm cách liên lạc với Loan để nối lại tình yêu ngày xưa. Dũng nhờ hai vợ chồng cô giáo Thảo liên lạc để dò xem ý của Loan như thế nào? Đây là những ý tưởng tới với Dũng khi Dũng nằm trên căn gác một mình lạnh lẽo chiều cuối năm và nhớ lại những điều ngày xưa Loan đã nói với Dũng lúc hai người chia tay nhau:

Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Lúc ấy giọng điệu Loan rất cứng cõi, mạnh mẽ để giúp Dũng phấn chấn lên đường, có thêm nghị lực mà hoàn thành công việc.

Nàng còn nói: Duyên của chúng ta không thuận lợi thì em đi lấy chồng, anh đi làm cách mạng. Tại sao phải vương vấn với nhau cho nó khổ? Anh cứ đi đi và em sẽ âm thầm yểm trợ.

Đã quyết không mong sum họp mãi.
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?

Tại sao phải bịn rịn, anh cứ đi, em không sao đâu!

Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu
Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

Nước non đang cần những người con trai như anh. Anh hãy đi đi. Chinh phu là những người con trai đi đánh trận, đi làm cách mạng đánh đuổi quân ngoại xâm.

Em có thương, có tiếc thật nhưng vì lý tưởng mà em đành để cho anh đi và em thúc đẩy cho anh đi, anh là con trai, anh không nên bịn rịn.

Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.

Hải hồ tức là sông biển, nơi người con trai có không gian thênh thang để tung hoành. Ý nói rằng tình là cái vướng víu, nếu anh có chí hướng cao cả, anh phải giật đứt sợi giây tình để anh có không gian thênh thang mà thực hiện chí hướng của người con trai.

Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,
Thân đã hiến cho đời gió bụi
Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

Anh đang đi trên con đường rất đẹp, con đường của cách mạng, con đường đem lại độc lập tự do cho đất nước. Anh đã có chí bình sinh, có tình yêu đối với tổ quốc, anh sẽ không sợ nắng mưa, khó khăn. Cuộc sống của anh đã hiến tặng cho lý tưởng phụng sự đất nước, tại sao anh còn bịn rịn?

Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

Người con gái đem chút duyên tơ, sự thông minh và thiện chí của mình để giúp người con trai ra đi, rất vững vàng. Nhưng sức người có hạn, cô chỉ nói được như thế trong mười hai câu thôi, đến câu thứ mười ba thì người con gái chùng xuống.

Rồi có khi nào ngắm bóng mây,
Chiều thu đưa lạnh gió heo may.
Dừng chân trên bến sông xa vắng,
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây.

Trong bốn câu này, tâm tình của Loan bắt đầu chùng xuống và tất cả những thiện chí được diễn tả trong mười hai câu trên do đó đã tan thành mây khói. Trên con đường anh đi, có khi nào anh dừng lại ngắm một bóng mây ở chân trời? Và một buổi chiều nào lành lạnh có gió heo may, đứng trên bờ sông xa vắng thì xin anh nhớ lại một chút là ngày xưa chúng ta đã từng yêu nhau.

Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây,

Như vậy là chết rồi!

Xin anh cứ tưởng, bạn anh tuy
Giam hãm thân trong cảnh nặng nề.
Vẫn để hồn theo người lận đận,
Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.

Anh nên nhớ bạn của anh tuy đang bị kẹt trong một hoàn cảnh nặng nề, khó thở, nhưng mà trái tim của người đó vẫn luôn luôn theo dõi bước chân anh và cầu nguyện anh đạt thành chí nguyện. Đó là những lời mà cô nàng đã nói nhiều năm về trước và bây giờ anh chàng nhớ lại. Anh cảm thấy cô độc, cảm thấy cuộc đời của người chinh phu lạnh lẽo, có những giây phút nhớ nhà, có những giây phút cần có sự ấm cúng, có những giây phút cần sự có mặt của một người thương. Giây phút đó là giây phút chạnh lòng.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.
Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
Buồn kia em giấu được ta đâu?

Chàng trai ngay từ lúc đó đã biết rằng tuy cô gái đang dùng những lời khẳng khái để động viên mình nhưng kỳ thực trái tim của nàng đang còn thổn thức lắm.

Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,

Là sự vuốt ve, là lòng tốt của người con gái.

Nhưng chính lòng em còn thổn thức

Anh biết rằng trái tim của em đang thổn thức, nỗi buồn ấy của em, làm sao giấu được anh?

Em đứng nương mình dưới gốc mai,
Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
Cười nâng tà áo đưa lên gió,
Em bảo: hoa kia khóc hộ người.

Khi hai người chia tay, họ đứng ở dưới một gốc mai. Loan vịn vào cành mai và có những hoa mai rơi rụng xuống. Hoa khóc chứ em đâu có khóc, Loan đã nói như vậy.

Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,
Thấy cả muôn đời hận biệt ly.

Hai người nói nói, cười cười nhưng tới giây phút biệt ly, người con trai phải đi thôi. Hai người không còn nói nữa, họ im lặng, họ im lặng trong chốc lát rồi người con trai bước đi. Giây phút đó là giây phút khó khăn nhất của cả hai người vì không có hy vọng gì để trong tương lai hai người có thể đoàn tụ với nhau được.

Anh đi đường anh, tôi đường tôi

Đất nước đang lâm nguy, lại thêm ảnh hưởng nặng nề của chế độ phong kiến, nên đã gây ra không biết bao nhiêu mất mác, chia ly đau thương. Ta có thể thấy, hai vấn đề lớn của đất nước vào những năm 30:

–  Vấn đề thứ nhất: đất nước không có chủ quyền.
–  Vấn đề thứ hai: xã hội đang bị chìm đắm, ràng buộc trong những lề lối phong kiến, xưa cũ.

Dân trí chưa mở và những tập tục phong kiến chưa thể tháo được là hai trở lực mà cả hai người đang phải chịu đựng. Người con trai ra đi hoạt động để thay đổi tình trạng, còn người con gái ở nhà có thể làm được gì hay chỉ tiếp tục làm nạn nhân cho những tập tục phong kiến của gia đình cô?

Nhất Linh sinh vào năm 1905 và viết cuốn tiểu thuyết này lúc 31 tuổi. Cuốn sách có tựa là “Đoạn Tuyệt”, muốn đoạn tuyệt với tất cả những cái gì cổ hủ, phong kiến của xã hội, của gia đình, nó đã trói buộc tự do của con người. Thế Lữ đã viết bài thơ “Giây Phút Chạnh Lòng” này để tặng cho Nhất Linh cũng vào năm đó, tức là năm 1936.

Hồi đó họ chỉ là một nhóm nhỏ có khoảng sáu bảy người gọi là “Tự Lực Văn Đoàn”. Họ sinh ra vào đầu thế kỷ hai mươi, khoảng năm 1905, 1906 và 1907. Họ có cơ duyên được đi học và được ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ của Tây phương nên họ quyết định phải làm một cái gì cho đất nước. Một mặt họ muốn tổ chức những hội kín để vận động quần chúng đi tới chuyện lật đổ chánh quyền Pháp, một mặt họ biết rằng mật thám Pháp có khắp nơi, trong đó có rất nhiều người Việt đi theo Pháp để làm tay sai, để do thám họ vì vậy công việc của họ rất khó khăn. Biết bao nhiêu người đã bị bắt, bị ở tù, bị xử tử vì đã muốn đứng dậy để làm cách mạng đánh đuổi Pháp.

Năm 1932, có một tờ báo sắp chết tên là Phong Hóa, nhóm văn sĩ ấy xin lại giấy phép của tờ báo đó và với tài năng của mình, họ làm cho tờ báo đó trở thành một tờ báo rất nổi tiếng trong quốc dân. Họ viết những truyện ngắn, những truyện dài, họ làm những bài thơ, họ viết những bài khảo luận đánh động vào tâm trí của giới trẻ và tức khắc rất nhiều thanh niên trong toàn quốc đã trở thành độc giả của báo Phong Hóa (Bộ mới 1932, số 13).

Nhất Linh tên thật Nguyễn Tường Tam có người em trai tên là Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu Tứ Ly. Tứ ly là giờ xấu nhất trong ngày (người ta thường kiêng làm những chuyện quan trọng vào giờ này), và Tứ Ly đã thật sự là một cây bút châm biếm tài tình. Tất cả những gì cổ hủ, lỗi thời, tất cả những gì lố bịch, ông ta đều dùng ngòi bút để châm biếm và cây bút Tứ Ly đã làm cho chính quyền, nhất là chánh quyền Pháp, rất sợ hãi và đến năm 1936 chính quyền Pháp bắt buộc phải đóng cửa tờ Phong Hóa.

Chưa chịu thua, nhóm Tự lực văn đoàn đã tìm cách cho ra đời một tờ báo khác với tên gọi “Ngày Nay”. Kỳ này, Nguyễn Tường Long bỏ bút hiệu Tứ Ly, lấy bút hiệu mới là Hoàng Đạo –Hoàng đạo là giờ tốt nhất trong ngày. Với những bài khảo luận, truyện ngắn, truyện dài, họ giúp mở dân trí, và chỉ trong vòng bảy tám năm, họ đã giúp thay đổi được suy nghĩ của cả một thế hệ thanh niên trong nước. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh ấy và đã bị ảnh hưởng tư tưởng và văn chương của Tự Lực Văn Đoàn khá nhiều.

Một người con trai lớn lên trong không khí, trong hoàn cảnh ấy, rõ ràng chỉ có hai cách lựa chọn: một là vâng lời cha mẹ đi cưới vợ và sống trong môi trường cũ ; hai là bỏ nhà đi làm cách mạng. Một là làm như Loan, lập gia đình, sanh ra vài ba đứa con, cho nó đi học rồi chịu đựng tất cả những tập tục cổ hủ; hai là làm Dũng, cương quyết bỏ ra đi làm cách mạng. Nếu không có nhân duyên trở thành người xuất gia, chắc tôi cũng đã đi vào một trong hai con đường ấy, và hôm nay, tôi đã không ngồi đây.

Thời đó ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn rất lớn, thơ của Thế Lữ, của Xuân Diệu và tiểu thuyết của Khái Hưng, của Nhất Linh ảnh hưởng đến tuổi trẻ rất nhiều. Thơ của Nguyễn Bính, những câu thơ rất đơn giản cũng đã ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Xin đọc lại vài câu để xem có thầy cô nào nhớ nhà không?

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông

Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Tôi đọc những dòng này hồi mười mấy tuổi mà tới bây giờ vẫn còn thuộc.

Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông

Lớn lên, đêm giao thừa nào, tôi cũng ưa ngồi một mình, đốt đèn bạch lạp, và đọc thơ, chỉ vì chịu ảnh hưởng vỏn vẹn hai câu thơ của Nguyễn Bính. Và khi trở thành một ông thầy tu trẻ, tôi vẫn còn thói quen đó, cũng tìm ba ngọn bạch lạp, cũng đem thơ của thi sĩ mình yêu thích ra đọc. Bây giờ, tôi bỏ cái tật ấy rồi, đêm giao thừa ngồi chơi với đệ tử thôi.

Ngày xưa có cái mốt là những người trí thức văn nghệ sĩ tới giờ giao thừa là phải đốt nến, đốt trầm lên để đọc thơ, nhất là nến bạch lạp (đèn cầy trắng) và thơ phải in trên giấy thật tốt tức là giấy bản trắng. Đọc thơ Đường in trên giấy lụa dưới ánh sáng của bạch lạp là một hình ảnh đẹp. Hồi đó chưa có đèn điện, mà thắp đèn dầu mờ mờ thì đọc thơ không được rõ lắm. Vì vậy thắp lên một ngọn bạch lạp, thắp lên hai ngọn bạch lạp, hoặc thắp lên ba ngọn bạch lạp để đủ ánh sáng mà đọc thơ.

Cách đây mấy hôm, tôi thấy có một vị trên xóm Thượng đọc tiểu thuyết của Minh Đức Hoài Trinh, tôi nói thôi đừng có đọc cái này. Tại vì tôi biết hơn ai hết, mình đọc cái gì thì sẽ thường chịu ảnh hưởng cái đó. Vì vậy phải rất cẩn thận với nội dung văn nghệ mà mình tiêu thụ. Trong luật nói rằng, vị sa di, sa di ni muốn đọc sách gì thì phải hỏi y chỉ sư, điều này rất đúng. Vì nếu rủi mình đọc lỡ những cuốn có chất độc, thì nó hại mình lâu lắm.

Hồi còn làm học tăng tại Phật học đường Báo Quốc, tất cả các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi đều không được đọc. Có mấy chú học tăng “ăn gian”, làm một thư viện bí mật, mua những cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, đem giấu lên trên một cây nhãn, nếu chú nào muốn đọc thì chỉ cần ra leo lên cây nhãn mà đọc, ở dưới dù các thầy cứ đi ngang qua mà không biết rằng trên đầu mình học tăng đang đọc tiểu thuyết. Mình tưởng như vậy là mình khôn ranh lắm, mình qua mặt được mấy thầy, ai dè làm như vậy là tự đầu độc mình. Dầu đã là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni rồi, mình cũng phải cẩn thận lắm mới được, chỉ nên đọc những cuốn sách nào, và thưởng thức những tác phẩm văn nghệ nào mà không đem lại độc hại cho trái tim của mình mà thôi.

Năm 1935 Hội Phật Giáo Bắc Kỳ xuất bản một tạp chí Phật học tên là tờ Đuốc Tuệ. Sự kiện của tờ Đuốc Tuệ, đã cứu được tôi. Nếu chỉ có Tự Lực Văn Đoàn thì một là tôi làm Loan và hai là làm Dũng. Nhưng nhờ có Đuốc Tuệ nên tôi đã làm Phùng Xuân. Tuy đã là Phùng Xuân rồi nhưng Loan, Dũng vẫn cứ đi bám lấy tôi. Tại vì những hạt giống mình đã gieo trước đó vẫn tiếp tục đi theo mình. Nhưng hạt giống của Đuốc Tuệ rất mạnh nên nó có thể ôm được cả hai hạt giống kia mà không sao cả. Tờ Đuốc Tuệ có những bài viết về Nhân Gian Phật Giáo, tức là về đề tài Phật Giáo Đi Vào Cuộc Đời. Và mầm móng về ước nguyện đem đạo Phật nhập thế trong tôi đã có từ đó.

Tờ Đuốc Tuệ có nhiều bài viết nói đến các thiền sư Việt Nam trong quá khứ và hạnh nguyện của các ngài trong việc giúp dân, giúp nước. Điều này giúp tôi thấy được, đạo phật có thể đóng một vai trò rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước và cứu độ con người. Con đường phục vụ đất nước theo tinh thần đạo phật nhập thế đã mở ra cho tôi một chân trời mới rất rộng lớn.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button