Quà tặng cuộc sống

Bài Học Từ Người Quét Rác

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Mạnh Hùng

Download sách Bài Học Từ Người Quét Rác ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI GIỚI THIỆU

Triết gia Đức F. Hegel nói: “Chẳng có gì trên thế gian này lại có thể đạt tới mà thiếu đi niềm đam mê”. Ở Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, tôi nhận thấy niềm đam mê ấy.

Tôi rất may mắn có một đồng nghiệp tuyệt vời như anh Nguyễn Mạnh Hùng. Với thời gian 12 năm làm việc ở FPT, kinh qua nhiều chức vụ và vị trí khác nhau, Nguyễn Mạnh Hùng luôn thể hiện năng lực, quyết tâm và tinh thần làm việc hết mình. 12 năm làm việc cùng nhau để chúng tôi hiểu nhau, để tôi hiểu về anh, nhất là niềm đam mê với sách, về khả năng lãnh đạo, về tài năng kinh doanh và sự cống hiến hết mình của anh.

12 năm là quá đủ để tôi và các đồng nghiệp tại tập đoàn FPT hiểu con người giản dị và chân thành của anh, hiểu cá tính và tinh thần học hỏi của anh. Điểm khác biệt của Nguyễn Mạnh Hùng là anh luôn hết mình và thành công. Anh thông thạo ba ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp. Tôi thường giới thiệu anh với đối tác nước ngoài rằng Tiến sỹ Hùng có thể biến cái không thể thành hiện thực.

Nguyễn Mạnh Hùng thích sẻ chia. Anh luôn nói với chúng tôi và bạn bè của mình về năm chữ S của anh: Sẻ chia, Sách, Sự nhiệt tình, Sức trẻ và Sự sáng tạo. Sứ mệnh của Nguyễn Mạnh Hùng là Sẻ chia. Niềm tự hào của anh là Sách và Sự nhiệt tình.

Anh cũng luôn tự hào về các đồng nghiệp và học trò của mình: họ có hai chữ S khác là Sức trẻ và Sự sáng tạo. Tôi cho rằng năm chữ S này có quan hệ mật thiết với nhau. Sách đem lại tri thức và khi người ta đã tích lũy được khối lượng tri thức nhất định, sẻ chia tri thức trở thành một nhu cầu tự thân, không cần ai phải bắt buộc. Tuy nhiên, sẻ chia tri thức cũng cần phải có sự nhiệt tình, niềm đam mê: con đường đến với tri thức gian nan thế nào thì con đường mang tri thức đến với người khác cũng gian truân không kém; nếu thiếu đi sự nhiệt tình, đam mê thì cho dù mục tiêu đặt ra là nhỏ hay lớn, bình thường hay cao đẹp, con người ta sẽ rất dễ đầu hàng trước khó khăn. Bên cạnh đó, sức trẻ và sự sáng tạo là các điều kiện đủ để tri thức được phát huy tối đa trong cuộc sống.

Chính vì năm chữ S này, Nguyễn Mạnh Hùng đã tham gia giảng cho hơn 20 khóa Khởi nghiệp do FPT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, và được đánh giá cao. Tôi rất vui khi được biết anh tham gia rất tích cực vào các khóa giảng về quản trị kinh doanh cho rất nhiều tập đoàn lớn, các doanh nghiệp, các hiệp hội. Giảng bài và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức đúc kết và học được là điều tôi rất quý ở anh.

Nguyễn Mạnh Hùng từ FPT đã chuyển sang một lĩnh vực mới – xuất bản sách. Tôi luôn theo dõi và cổ vũ những thành công của anh và Thái Hà Books. Tôi rất hân hạnh khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đầu tay của anh. Cuốn sách là tập hợp một số bài viết của anh đã đăng trên các báo và tạp chí lớn của Việt Nam trong mấy năm qua. Nội dung cuốn sách Bài học từ người quét rác không nằm ngoài tri thức và sẻ chia tri thức. Ở đây bạn đọc cũng có thể thấy được phác họa chân dung của Nguyễn Mạnh Hùng – những nét cá tính, những dấu mốc trong cuộc đời, những trăn trở, lo toan của một doanh nhân khi đứng trước những vấn đề xã hội. Như phụ đề của tên sách nêu rõ: Doanh nhân với tinh thần xã hội, tôi rất vui mừng khi thấy ở anh Hùng điều này.

Chúc Nguyễn Mạnh Hùng và Thái Hà Books thành công với sứ mệnh chia sẻ tri thức. Và trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến các độc giả.

Trương Gia Bình

Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn FPT

LỜI TỰA

Nếu cách đây vài năm, tôi không thể tưởng tượng mình lại có thể viết được cả gần trăm bài viết để đăng trên các báo và tạp chí tại Việt Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Nhịp cầu đầu tư, Doanh nhân Sài Gòn, Vietnamnet, VnExpress, Doanh nhân và Tiếp thị, Đất Việt,… Tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng có những bài viết của mình nhận được vài trăm lời bình, vài chục email của độc giả gửi đến. Niềm vui bất ngờ và khó tả. Rất nhiều bạn đọc nói rằng đã thay đổi tư duy sau khi đọc bài báo của tôi. Không ít cơ quan đã sao chụp bài viết của tôi dán lên bảng thông báo hay gửi đến cho từng nhân viên để đọc. Tôi cũng đã tìm được nhiều bạn bè, người thân quen cũ nhờ những bài viết này.

Có bốn cuốn sách tôi đang viết, viết từ những trải nghiệm của chính mình mà mãi chưa hài lòng. Chưa hài lòng vì thấy chưa hay, chưa toát lên đủ các ý muốn nói, chưa giãi bày hết những gì có trong lòng, các kinh nghiệm và kiến thức thu thập được trong mấy chục năm qua, nhất là trong hàng trăm chuyến đi nước ngoài đến 39 quốc gia. Cuối cùng, ý tưởng của nhiều bạn bè và học trò của tôi đã đến – xuất bản cuốn sách từ một số bài viết của tôi trên các báo. Ý tưởng đó ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp tại Thái Hà Books. Và cuối cùng cuốn sách đã ra đời.

Tôi biết rằng người đọc cuốn sách này là các doanh nhân đang vất vả ngày đêm vật lộn với sự nghiệp của mình, là những ai đang muốn có hạnh phúc và bình an, là những em sinh viên chuẩn bị hành trang vào đời, là những học trò yêu quý của tôi trên mọi miền đất nước. Sứ mệnh của đời tôi là Sẻ chia. Và cuốn sách này cũng là những sẻ chia chân thành nhất. Tôi biết và tin rằng nó sẽ giúp ích cho ai đó trong lúc khó khăn hay thất bại, cho những ai đó đang thiếu niềm tin hay chưa có hướng đi đúng cho mình, cho những ai đang muốn gục ngã hay đã ngã mà đang muốn đứng dậy, cho những ai muốn có tương lai tốt đẹp cho chính mình.

Chúng ta thành công bởi vì chúng ta có quyết tâm cao độ, có đam mê với công việc và yêu nghề. Chúng ta thành công bởi vì chúng ta biết lắng nghe và học hỏi từ tất cả những người xung quanh mình – không chỉ từ các triệu phú, tỷ phú, những chủ tịch và lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn và các cơ quan lớn, từ những giáo sư, tiến sỹ danh tiếng mà từ những người giản dị nhất quanh mình – những người bạn và đồng nghiệp, những người hàng xóm và những người ta tình cờ gặp được:bác nông dân, anh thợ máy… Thậm chí từ những người quét rác. Tất cả họ là những người thầy xuất sắc nhất.

Tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè, những học trò tuyệt vời của mình, đặc biệt là tất cả các Thaihabookers. Tôi biết ơn anh Trương Gia Bình và anh Đặng Đức Dũng – hai người bạn thân thiết và cũng là hai người thầy lớn của tôi đã viết lời giới thiệu và nhận xét về cuốn sách. Cuối cùng, tôi không thể không cám ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi tôi khôn lớn, hiện vẫn đang tần tảo ở quê lúa Thái Bình vẫn luôn lo lắng cho con cái tuy tất cả đều đã trưởng thành.

Cuốn sách ra đời đúng dịp Thái Hà Books tổ chức sinh nhật lần thứ ba 22/06. Chúng tôi vui và tự hào vì mấy chục thầy trò vì đam mê sách đã sát cánh bên nhau cống hiến cho tri thức, để đến nay Công ty đã lọt vào số 20% doanh nghiệp vẫn sống sót sau ba năm khởi nghiệp. Tôi cũng tin rằng mỗi chúng ta nếu biết học hỏi mỗi ngày, mỗi giờ sẽ có thể đi những bước rất xa và bền vững. Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của tất cả bạn đọc và hy vọng sẽ được đón nhận các nhận xét, góp ý.

Nguyễn Mạnh Hùng

ĐỌC THỬ

DOANH NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP

BẠN TRẺ KHỞI NGHIỆP1

1 Bài đăng trên Vnexpress ngày 18 tháng 1 năm 2010 với tựa đề Tuổi nào cũng có thể làm giàu.

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thấy khó tin khi nghe ai đó trở thành triệu phú đôla khi còn ở lứa tuổi “ô mai”, sống phụ thuộc vào cha mẹ. Câu hỏi ở đây là: Tuổi nào có thể khởi nghiệp? Khởi nghiệp như thế nào, dễ hay khó? Là người tham gia giảng nhiều chương trình khởi sự doanh nghiệp cũng như làm giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp, hơn ai hết tôi luôn trăn trở về vấn đề làm giàu của người Việt Nam.

Ở nước ngoài các, bạn trẻ khởi nghiệp từ rất sớm. Cuốn sách Trở thành triệu phú tuổi teen nêu ra nhiều tấm gương bạn trẻ sở hữu triệu đô khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Ryan Allis đặt bước chân đầu tiên trên con đường tiến đến tài sản trị giá một triệu đôla ở tuổi 11, khi cậu được chú mình cho một chiếc máy vi tính. Hai bạn Michael Simmons và Sheena Lindahl đã liên tục tạo ra cho mình những cơ hội thành công kể từ khi mới 16 tuổi. Cậu bé Farrah Gray đã khởi nghiệp từ khi sáu tuổi và 14 tuổi đã trở thành triệu phú tuổi teen. Giờ đây, ở tuổi thanh niên, cậu là một trong những triệu phú trẻ tuổi có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại Mỹ. Còn khi mới 12 tuổi, Ben Cathers đã biết mình muốn trở thành thương gia. Cậu nhận ra rằng sẽ chẳng ai nhận thuê cậu làm công việc văn phòng mà cậu mong đợi và cậu tự tạo ra cơ hội cho chính mình… Và còn rất nhiều tấm gương nữa.

Các tấm gương sáng của các bạn trẻ ở Mỹ, Anh, Pháp… khởi nghiệp khi tuổi đời còn rất trẻ khiến tôi suy nghĩ. Các bạn trẻ ấy đã làm được một việc mà biết bao người chúng ta đều mong muốn – gửi thông điệp đến người lớn: “Con sẽ giàu hơn cha”. Các em tuổi teen này đã trở thành người sở hữu triệu đô khi còn đang ở cái tuổi được gọi là “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thấy chuyện này thật khó tin, bởi vì ở Việt Nam phần lớn các bạn trẻ vẫn sống phụ thuộc vào cha mẹ. Cá biệt có em tốt nghiệp trung học, đại học vẫn phải xin tiền bố mẹ. Việc cha mẹ vẫn chu cấp tiền đều đặn khiến các em sống rất thụ động. Các em chưa biết định hướng cho mình, chưa có suy nghĩ độc lập trong cuộc sống và trong công việc.

Bản thân tôi cũng khởi nghiệp rất sớm và hiểu rằng nếu bạn thật sự muốn làm giàu, bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt: Cả về tư duy lẫn kiến thức, kinh nghiệm của chính mình lẫn học hỏi từ những người đi trước. Hãy tự hỏi mình xem mình có thực sự muốn khởi nghiệp, có muốn dấn thân vào con đường kiếm tiền không? Có dám chấp nhận rủi ro? Có sẵn sàng và đủ bản lĩnh để đối mặt với thất bại? Và điều rất quan trọng là phải hiểu rằng người làm chủ doanh nghiệp cần là tấm gương sáng trong mọi công việc. Bạn có phải là người chịu vất vả nhất, cực khổ nhất, ít hưởng thụ nhất hay không? Muốn khởi nghiệp cũng như muốn làm giàu, bạn phải thay đổi tâm thức trước khi trở thành doanh nhân. Bạn phải có tâm thức của một người khởi nghiệp, một người muốn làm giàu và sẵn sàng giàu có.

Tôi khuyên bất cứ ai có dự định khởi nghiệp hãy dành thời gian ít nhất là một tuần để tự trả lời ba câu hỏi: Tại sao ta quyết định khởi nghiệp? Khi giàu có ta sẽ làm gì không? Và ta có thật sự muốn khởi nghiệp? Chỉ sau khi trả lời rõ ràng và dứt khoát ba câu hỏi này mới nên bắt đầu lập nghiệp.

Lập kế hoạch kinh doanh là bước thứ hai rất quan trọng dành cho bất cứ ai muốn khởi nghiệp. Hiện nay rất nhiều sách hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh. Viết kế hoạch kinh doanh là việc làm cần thiết. Nó giúp bạn tránh lãng phí thời gian và tiền bạc, tránh tối đa những rủi ro cũng như đưa ra lịch trình cho những việc cần làm khi khởi nghiệp. Phần lớn những kế hoạch kinh doanh hiện nay khá rườm rà, không có trọng tâm, ít mang tính khả thi. Do dài dòng, không thoát ý nên các nhà phản biện, cố vấn, nhà đầu tư nhiều khi không đủ thời gian để đọc hết và vì thế rất dễ đánh giá thấp những kế hoạch đó. Tôi chỉ thích những cách viết ngắn gọn kiểu như “Kế hoạch kinh doanh trên một trang giấy”.

Tôi luôn tin rằng nếu bạn không lập kế hoạch kinh doanh tức là bạn đã chuẩn bị kế hoạch cho việc thất bại.

Về kế hoạch kinh doanh, tôi sẽ viết trong một bài chuyên biệt. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến việc người khởi nghiệp phải làm rõ quy trình từ ý tưởng đến dự án và hình thành doanh nghiệp. Ngay việc để có ý tưởng kinh doanh cũng cần phải biết cách và có phương pháp tạo lập ý tưởng. Khâu chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về ngành nghề mà mình định kinh doanh cũng rất quan trọng. Mỗi bạn khởi nghiệp cần chuẩn bị hành trang đầy đủ từ sách, báo cho tới kinh nghiệm của những người đi trước. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn nên nghiên cứu kỹ các trường hợp thất bại. Có đến 80% doanh nghiệp phải đóng cửa trước khi công ty hoạt động được ba năm.

Nhiều bạn trẻ muốn và lập doanh nghiệp ngay. Điều này cũng tốt vì nó thể hiện sự đam mê, quyết tâm của các bạn. Và trong thực tế, có khá nhiều bạn trẻ đã thành công với quyết định táo bạo, dám nghĩ dám làm của họ. Tuy nhiên, có không ít các bạn phải chịu thất bại thảm hại. Thực tế, thất bại cũng không hề gì, miễn là bạn vẫn còn đam mê và quyết tâm để đi tiếp, và biết rút kinh nghiệm từ những thất bại đó. Tôi luôn khuyên những ai khởi nghiệp chuẩn bị kỹ trước khi bắt đầu. Thậm chí, nếu có thể, trước hết hãy trải qua giai đoạn tập sự kinh doanh. Có thể chọn cách đi làm thuê để tích lũy tài chính, kiến thức, quan hệ, kinh nghiệm trước khi bắt đầu lập doanh nghiệp riêng của mình. Sau khi tập làm, “học việc” và thu lượm được một số kinh nghiệm nhất định, thậm chí trở thành chuyên gia thì cơ hội thành công của bạn sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong bài viết này tôi không có ý định bàn và khuyên về việc lựa chọn hình thức pháp lý, về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, về vốn khởi sự… tôi chỉ muốn đưa ra một vài lời khuyên từ chính kinh nghiệm của mình.

Đam mê. Hãy bắt đầu với những gì mình thích, hãy khởi nghiệp với sản phẩm và dịch vụ mà mình thật sự say mê. Nếu sự nghiệp bạn xây dựng chính là đam mê của bạn thì cơ hội thành công sẽ rất cao. Khi khởi nghiệp, bạn và các đồng nghiệp sẽ rất vất vả và có thể phải làm việc ngày đêm. Nếu không yêu công việc, điều này sẽ trở thành thảm họa. Bạn phải thực sự yêu thích công việc và doanh nghiệp của mình. Hãy hiểu và thấm nhuần sâu sắc điều này. Nhiều doanh nghiệp đã “chết” vì người chủ chỉ thích tiền, thích giàu mà không yêu sản phẩm và dịch vụ của mình, không yêu thích công việc đang làm, không yêu nghề.

Đồng sự. Nên khởi nghiệp cùng với một người bạn, một người cùng chí hướng. Cần có người hiểu bạn, chia sẻ với bạn, đồng cam cộng khổ với bạn, biết hy sinh trong lúc khó khăn. Người cùng khởi nghiệp rất quan trọng. Hai người có nghĩa là có gấp đôi trí tuệ, sức mạnh và thành tựu.

Cố vấn/thầy. Người “thầy” có kinh nghiệm, những chuyên gia nhiệt tình và có phương pháp sẽ giúp bạn rất nhiều; nhất là những lúc gặp khó khăn, sự hỗ trợ của họ là vô giá. Bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa này ngay trong năm đầu tiên khởi nghiệp. Không phải ngẫu nhiên nhiều doanh nghiệp luôn có quân sư, cố vấn, thậm chí phải trả chi phí khá cao cho những vị cố vấn này.

Xây dựng quan hệ. Các mối quan hệ sẽ giúp bạn tự tin, có chỗ dựa và nhất là có khách hàng. Muốn kinh doanh tốt phải có nhiều khách hàng và khách hàng “ruột”. Hiện nay, nhiều doanh nhân tham gia những hội thảo, diễn đàn, các chương trình giao lưu, gặp gỡ… tại đây, họ không chỉ nhận được kiến thức và kinh nghiệm quý báu mà còn tranh thủ cơ hội xây dựng mạng lưới quan hệ. Nhiều người đặt mục tiêu thứ hai – networking lên trên khi tham gia hội thảo. Có cả những bạn sinh viên nhận thấy điều này và đã biết xây dựng “kho dữ liệu” các mối quan hệ ngay từ những năm đầu trên giảng đường đại học.

Dòng tiền/Nguồn vốn. Người khởi nghiệp không chỉ chuẩn bị đủ vốn cho lập nghiệp mà cần xây dựng kế hoạch dòng tiền. Cần bao nhiêu tiền? Huy động ở đâu? Khi nào? Làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất? Cũng nên nói thêm rằng cần hết sức tiết kiệm khi khởi nghiệp. Bạn sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí khi mua thiết bị văn phòng, đồ dùng cũ. Cá nhân người viết bài này nhiều lần tìm mua các vật dụng cho văn phòng từ những nơi chuyên kinh doanh đồ cũ. Nhiều bàn ghế, tủ, bảng gần như mới nguyên nhưng giá chỉ còn một nửa. Cũng không nên quên việc tính đến các nhà đầu tư tiềm năng và những nguồn có thể vay được. Ở Việt Nam, khi bắt đầu khởi nghiệp, vay vốn ngân hàng rất khó nhưng bạn vẫn nên bạn nghĩ đến phương án này.

Chuyên nghiệp. Hãy tạo thói quen làm việc chuyên nghiệp ngay từ ban đầu. Đừng vì doanh nghiệp của mình mới mở, còn nhỏ mà làm việc không bài bản. Nhiều bạn khởi nghiệp theo kiểu gia đình. Điều này ảnh hưởng đến cách điều hành, phân công công việc, kiểm soát và quản lý. Công việc, vị trí của từng cá nhân phải rõ ràng. Nhiều bạn khởi nghiệp bằng cách xây dựng bộ máy khung, tuyển nhân sự cho bộ khung đó và phát triển nhân sự cho phù hợp với khung. Có những bạn khác lại chọn người năng lực trước và bố trí vào đâu tính sau. Họ không quan tâm đến bộ máy khung của doanh nghiệp. Mỗi người có cách đi riêng. Cá nhân tôi thích phải chuyên nghiệp ngay từ đầu. Những việc tưởng chừng nhỏ như chọn số điện thoại, phương án tạo hòm thư email, cách bài trí văn phòng, in danh thiếp, sắp xếp chỗ ngồi, các quy định trong công ty từ ban đầu… rất quan trọng.

Tầm nhìn/sứ mệnh. Cuối cùng, các doanh nhân tương lai cần suy nghĩ nghiêm túc và tạo ra tầm nhìn, sứ mệnh cho doanh nghiệp. Nếu những điều này làm tốt ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp lớn nhanh, đi xa. Muốn phát triển bền vững, không thể không lưu ý đến văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, logo, cờ, đồng phục công ty… phải được nghĩ đến càng sớm càng tốt.

Nhiều bạn khởi nghiệp đã tìm đọc những cuốn sách của các tác giả là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Họ không sai. Tuy nhiên, tôi khuyên bạn cũng nên tìm hiểu và học từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ những doanh nhân mới nổi, từ những người gần gũi với bạn. Do khoảng cách giữa họ và bạn không quá xa nên bạn học được nhiều điều bổ ích và thiết thực hơn.

Và cuối cùng, bạn đừng nghĩ rằng mình chỉ học kinh doanh từ các giáo sư, tiến sĩ, từ những người nổi tiếng. Hãy học kinh doanh từ bất cứ ai xung quanh mình: cha mẹ, anh chị em mình, và bạn bè. Học từ bác bán hủ tiếu đầu ngõ. Học từ anh xe ôm vất vả. Học từ chị bán rau, dưa cà. “Học” từ họ cả cái xấu, cái dở. Để tránh. Riêng việc tránh được những thất bại, những điểm không tốt của người khác cũng giúp ích cho bạn rất nhiều.

(Vnexpress.net, 18/01/2010)

LÀM GIÀU, AI BẢO KHÔNG KHÓ?

Thế giới có biết bao tỷ phú từng chật vật với con đường khởi nghiệp, thất bại ê chề và có lúc trắng tay. Nhiều doanh nhân không có đêm ngon giấc và có lúc họ gần như phát điên. Như vậy, ai bảo làm giàu là không khó?

Nếu coi ý kiến “làm giàu không khó” là lời khích lệ, là sự động viên, là cách để những người muốn làm giàu không bị nhụt chí thì tôi hoàn toàn đồng ý. Cần khuyến khích, cổ vũ các bạn trẻ và những ai chưa giàu có làm giàu một cách chính đáng. Còn chuyện để trở nên giàu có, thực sự giàu có bằng chính trí tuệ, công sức của mình thì tôi thấy không hề dễ. Thậm chí là rất khó.

Tôi có đọc và nghiên cứu tiểu sử của nhiều tỷ phú trên thế giới thì thấy rằng phần nhiều họ có xuất phát điểm không thuận lợi. Có nhiều người trong số họ khởi nghiệp khá vất vả. Họ trải qua nhiều thất bại. Họ đồng hành cùng biết bao thử thách. Không ít lần, họ trở thành người trắng tay. Họ ngày đêm trăn trở với sự nghiệp, với việc làm giàu của mình. Và khi họ trở nên giàu có, họ thật sự trân trọng những đồng tiền họ kiếm được, họ biết rằng làm giàu là quá khó. Các doanh nhân Việt Nam cũng vậy.

Những người giàu Việt Nam cũng rất cực nhọc để làm ra đồng tiền. Và, họ hiểu rằng làm giàu không hề dễ.

Tôi không bao giờ quên những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được khi học lớp Bốn. Ông bà nội tôi ở quê nuôi lợn. Vào thời đó, người ta dùng phân chuồng để bón ruộng, mà phân chuồng hình thành từ rơm, rạ, cỏ và phân lợn (hoặc phân trâu, bò…). Sau khi được những chú lợn quần nát để rồi rơm, rạ, cỏ ngấm cùng những gì lợn thải ra trong nửa năm trời, người nông dân có phân chuồng để bón ruộng. Một năm cấy hai vụ lúa, tức một năm cần hai mẻ phân chuồng. Tôi đã nhận ra cơ hội này và đã “dành” được “hợp đồng” đầu đời của mình. Tôi đi cắt cỏ bán lại cho chính ông bà nội mình. Mỗi gánh cỏ được một hào. Đống cỏ cao ngất trước cửa chuồng lợn nhà ông bà nội tôi là kết quả của “hợp đồng” đáng nhớ này. Cũng nhờ sức lao động, sự cần cù, chăm chỉ và khả năng “đàm phán” với ông bà nội, tôi có đến cả chục đồng khi còn bé xíu để có thể có đủ tiền mua bút mực, giấy vở, dụng cụ học tập và sách… mặc dù nhà tôi nghèo kiết xác – như người làng vẫn nói.

Tôi cũng không quên giai đoạn từ lớp Bốn đến lớp Bảy đi cắt cỏ nuôi trâu và thực hiện “hợp đồng” với ông bà nội cùng “dụng cụ hành nghề” là đôi quang gánh phải buộc lên rất cao vì người tôi quá thấp để có thể sử dụng được đôi quang và chiếc đòn gánh của người lớn! Tôi cũng chẳng bao giờ quên được những lần bị gió bão thổi bay xuống ruộng hay bờ đê vì người tôi quá bé không đủ sức chống chọi với gió bão.

Và có lẽ ngay khi mới học lớp Bảy, tôi đã có số tiền vài chục đồng, tương đương với cả vài chục đôla hiện nay. Những đồng tiền ấy đã giúp tôi không phải xin tiền cha mẹ. Tôi thậm chí đã biết và có cơ hội trợ giúp cha mẹ mình trong miếng cơm, chén nước mỗi ngày. Cũng từ khi đó đến tận bây giờ, tôi không phải xin tiền bố mẹ nữa.

Một trăm đôla đầu tiên tôi tự mình kiếm được khi học dự bị tiếng Nga (chuẩn bị trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học) tại khoa Dự bị trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov. Khu ký túc xá chúng tôi ở khi đó là phố Svernhika, số nhà 19. Hồi đó, các bạn sinh viên nước ngoài, nhất là sinh viên da đen bán đôla Mỹ lấy rúp Nga để tiêu với tỉ lệ ba rúp ăn một đôla. Còn nếu ai có nhu cầu mua lại sẽ mua với giá ba rúp ba lấy một đôla. Lãi suất 10%. Quay vòng càng nhanh, lãi càng nhiều. Vốn không phải bỏ ra thì càng tốt hơn. Nhưng kiếm những đồng đôla đầu tiên đó cũng không dễ. Công việc này làm tổn hại nơ-ron thần kinh. Mất thời gian. Rủi ro. Thế là tôi đã sở hữu 1.000 đô la đầu tiên như vậy.

Lúc đó, 1.000 đôla tương đương với quãng 3.000 rúp. Đây là con số rất lớn đối với những ai là sinh viên năm thứ nhất. Số tiền này cũng là rất lớn đối với tất cả mọi người vì học bổng một tháng chỉ có 80 rúp, một chiếc bàn là chỉ có bảy rúp, một dây may xo để làm bếp điện chỉ có 25 xu, một cốc nước có ga chỉ từ một đến ba xu mà thôi.

Từ mốc 1.000 đôla lên mốc 10.000 đôla là cả một câu chuyện

Kiếm tiền và làm giàu ai đó tưởng dễ nhưng không hẳn như vậy. Người kinh doanh phải tính toán và lo đủ thứ. Phải tính được các rủi ro. Phải tự lên kế hoạch kinh doanh chi tiết. Phải có tư duy tổng thể, quản lý được tiền, quay vòng đồng tiền nhanh nhất. Thế nhưng vào thời đó, có ai trong chúng tôi được học về quản trị kinh doanh, về bán hàng, về kiếm tiền đâu. Bao cấp mà. Nhất là lũ sinh viên ngu ngơ từ vùng quê nghèo xuất ngoại như chúng tôi.

Một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời là tôi đã phải chứng kiến nỗi buồn tê tái: Mất 17.000 đôla trong khi tổng tài sản chỉ có 13.000. Tôi đã hầu như mất trí. Tôi đã hầu như phát điên. Tôi đã thất vọng và cảm thấy chán nản vô cùng. Tôi thấy cô đơn và bất lực. Và khi đó, tôi mới thấu hiểu ý nghĩa của hai từ cô đơn và bất lực. Số tiền mất mát quá lớn. Lớn quá mức tưởng tượng của một thanh niên thời đó.

Nhưng tôi lại rút ra một bài học cho mình: Đó là tư duy làm giàu là quan trọng nhất. Muốn giàu thì phải có tư duy làm giàu. Nếu đã có tư duy làm giàu thì dù có trắng tay cũng có thể bắt đầu lại từ đầu và kiếm lại được nhanh chóng hơn và không quá khó khăn. Tư duy làm giàu là mấu chốt, là bắt đầu của mọi bắt đầu. Sau này có cơ hội đi Mỹ, đi Anh, Australia và nhiều nước khác, tôi có mua được nhiều sách dạy làm giàu bằng đủ các thứ tiếng. Một trong những cuốn đáng đọc nhất là cuốn Think and grow rich của Napoleon Hill. Ở đó, tôi tìm thấy nhiều điểm giống tư duy của tôi ngày xưa. Cuốn sách trở thành cẩm nang, sách gối đầu giường của tôi ngay từ khi mua được. Đi đâu cũng thường mang theo. Để đọc. Để ngẫm. Để ứng dụng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button