Kỹ năng mềm

Vươn Lên Từ Thất Bại

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Brene Brown

Download sách Vươn Lên Từ Thất Bại ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Thất bại có đáng để lãng quên?

Nếu so sánh giữa thành công và thất bại, thì quả thực những câu chuyện thành công đang được chúng ta lan truyền nhiều hơn hẳn những lời tâm sự về những sai lầm, vấp ngã. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi xã hội ngày càng coi trọng năng lực và thành tích cao từ sớm. Chúng ta có khuynh hướng chôn sâu những sai lầm và thất bại của mình vào trong, xem chúng chẳng khác nào một “vết nhơ” mình gặp phải trong cuộc đời.

Nhưng liệu có thực là như vậy? Liệu thất bại có đáng phải nhận cái nhìn hằn học và đầy thành kiến của chúng ta khi nhớ về nó? Lẽ nào chúng ta không thể rút ra được gì từ nó? Thay vì “mạ vàng” thất bại và biến nó thành một kẻ thù cứ mãi đeo bám, sao ta không thử can đảm tiếp nhận những giá trị từ nó và trở lại mạnh mẽ hơn.

Tiếp nối thành công của cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại, trong đó động viên độc giả hãy dũng cảm phơi bày sự tổn thương của mình để mọi người thấu hiểu, tác giả Brené Brown lại tiếp tục cho ra mắt Vươn lên từ thất bại, cuốn sách dành cho những ai đã có chút thoái chí sau nhiều lần nỗ lực bất thành. Xuyên suốt cuốn sách, người đọc sẽ không còn cảm thấy thất bại như một gánh nặng hay một trải nghiệm tồi tệ mà họ muốn quên đi, mà chỉ là một câu chuyện hiện hữu đối với mỗi người, chờ đợi họ chấp nhận thất bại và phơi bày nó với người khác, tìm kiếm sự cảm thông. Chúng ta chỉ cần thực tâm cảm nhận, nhìn thấu sai lầm để nắm được chân lý, là có thể tạo nên một sự thay đổi lớn lao cho cuộc đời mình – một cuộc cách mạng.

Theo chia sẻ của Brené Brown, cuốn sách còn là lời phúc đáp của cô dành cho những độc giả trung thành, những người đã tìm được động lực để bắt đầu nhờ Sự liều lĩnh vĩ đại, nhưng không đủ sức vực dậy lần nữa: HÃY NỖ LỰC, THẤT BẠI RỒI LẠI CAN ĐẢM VƯƠN LÊN. Đây cũng chính là lời nhắn nhủ của Alpha Books dành cho quý độc giả đang trăn trở với mục tiêu trong đời mình.

Đôi nét về nghiên cứu và phương pháp kể chuyện

Hồi thập niên 1990, khi tôi bắt đầu theo học ngành công tác xã hội, ngành này đang chìm trong một cuộc tranh luận với các quan điểm đối lập về bản chất của tri thức và chân lý. Minh triết rút ra qua kinh nghiệm có giá trị hơn dữ liệu thu được từ nghiên cứu có đối chứng không? Nghiên cứu nào được phép đăng trên các tạp chí chuyên ngành, nghiên cứu nào thì nên gạt bỏ? Đó là một cuộc tranh luận thường dẫn đến xung đột gay gắt giữa các giáo sư.

Là nghiên cứu sinh tiến sĩ, chúng tôi thường bị buộc phải chọn phe. Các giáo sư dạy những môn nghiên cứu thì hướng dẫn chúng tôi chọn chứng cứ thay vì kinh nghiệm, lý trí thay vì đức tin, khoa học thay vì nghệ thuật và dữ liệu thay vì câu chuyện. Trớ trêu thay, cùng lúc ấy, các giáo sư hướng dẫn những môn phi nghiên cứu lại giảng rằng các học giả làm công tác xã hội nên thận trọng với những song đề sai lầm – tức những kiểu công thức “hoặc là thế này hoặc là thế kia”. Trên thực tế, chúng tôi biết rằng khi đối mặt với những nan đề thế-này-hoặc-thế-kia như vậy, câu hỏi trước nhất cần đặt ra là: Ai sẽ được lợi khi mọi người buộc phải lựa chọn?

Nếu bạn đưa câu hỏi “Ai được lợi?” vào cuộc tranh luận trong ngành công tác xã hội, câu trả lời thật rõ ràng: Các nhà nghiên cứu định lượng truyền thống sẽ được lợi nếu ngành này quyết định công việc họ đang thực hiện là con đường duy nhất để tìm ra chân lý. Ở trường tôi, truyền thống đã thắng thế và chúng tôi được đào tạo rất ít hoặc gần như không được đào tạo về các phương pháp định tính, vì vậy lựa chọn duy nhất cho khóa luận tốt nghiệp là làm nghiên cứu định lượng. Chỉ có đúng một cuốn giáo trình đề cập đến phương pháp nghiên cứu định tính và áo sách lại có màu hồng nhạt – màu vốn thường dùng cho sách nghiên cứu của “đám con gái”.

Cuộc tranh luận này trở nên cá nhân hơn khi tôi phải lòng phương pháp nghiên cứu định tính – cụ thể hơn là phương pháp nghiên cứu lý thuyết nền(1). Tôi đã đáp lại bằng cách tiếp tục theo đuổi nó và tìm kiếm một số giảng viên ủng hộ ở cả trong lẫn ngoài trường. Tôi chọn Barney Glaser, giảng viên Trường Y San Francisco, thuộc Đại học California, làm nhà phương pháp luận của mình. Cùng với Anselm Strauss, Glaser là cha đẻ của lý thuyết nền.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bài xã luận mà tôi đọc trong thập niên 1990 có tựa đề “Có nhiều con đường để biết”. Đây là bài viết của Ann Hartman, một biên tập viên có ảnh hưởng của một trong những tạp chí chuyên ngành uy tín nhất thời đó. Trong bài xã luận này, Hartman viết:

Người biên tập đứng trên lập trường rằng có nhiều chân lý và có nhiều cách để tìm ra những chân lý ấy. Mỗi phát kiến đều có đóng góp riêng cho kho tàng tri thức và mỗi con đường tìm biết lại giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn và bổ sung thêm cho thế giới quan của chúng ta một chiều kích mới… Chẳng hạn, những nghiên cứu trên quy mô lớn về các xu hướng kết hôn ngày nay trang bị những thông tin hữu ích về một định chế xã hội đang thay đổi chóng vánh. Thế nhưng, việc đi sâu tìm hiểu một cuộc hôn nhân, như cuộc hôn nhân trong vở kịch Who’s Afraid of Virginia Woolf?(2) (tạm dịch: Ai sợ Virginia Woolf?), lại cho chúng ta thấy đủ những điều phức tạp của một cuộc hôn nhân và đưa chúng ta đến với những kiến giải mới mẻ về nỗi đau cũng như niềm vui sướng, sự kỳ vọng cũng như sự thất vọng, tình thân cũng như nỗi cô đơn đến tột cùng trong các mối quan hệ. Cả phương pháp khoa học và phương pháp nghệ thuật đều mang đến cho chúng ta những con đường để biết. Và thực tế là, như Clifford Geertz… đã chỉ ra, những nhà tư tưởng có tư duy đổi mới trong nhiều lĩnh vực đang làm mờ đi lằn ranh phân chia các thể loại. Họ tìm thấy nghệ thuật trong khoa học, khoa học trong nghệ thuật và lý thuyết xã hội trong mọi sáng tạo và hoạt động của con người.

Trong vài năm đầu làm giảng viên và nghiên cứu viên trong biên chế, tôi đã cúi đầu trước nỗi sợ hãi và sự hiếm dùng [của phương pháp nghiên cứu định tính – ND] (tức cảm giác rằng phương pháp nghiên cứu mà tôi chọn là chưa đủ). Khi là nhà nghiên cứu định tính, tôi cảm thấy mình như một kẻ ngoài cuộc. Nên để cảm thấy an toàn hơn, tôi cố nhích lại gần nhất có thể với đám đông “nếu anh/chị không đo lường được nó, có nghĩa nó không tồn tại”. Quan điểm này vừa phục vụ cho nhu cầu chính trị, vừa giúp xoa dịu sự khó chịu ẩn sâu trong lòng tôi đối với những gì bất định. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ gạt bài xã luận kia khỏi tâm trí hay trái tim mình. Và hôm nay, tôi có thể tự hào gọi mình là một nhà nghiên cứu – kể chuyện (researcher-storyteller) bởi tôi tin rằng tri thức hữu ích nhất về hành vi con người phải dựa trên những trải nghiệm sống của chúng ta. Tôi vô cùng biết ơn Ann Hartman vì đã can đảm giữ vững lập trường này, biết ơn thầy Paul Raffoul, người đã đưa tôi một bản sao bài báo đó và biết ơn cô Susan Robbins, người đã dũng cảm chủ trì hội đồng phản biện khóa luận của tôi.

Khi đồng hành cùng cuốn sách này, bạn sẽ thấy rằng tôi không tin đức tin và lý trí căn bản đã là kẻ thù của nhau. Tôi tin rằng chính mong muốn đạt đến sự chắc chắn và nhu cầu phải “đúng” của chúng ta là những điều dẫn đến song đề sai lầm này. Tôi không tin một nhà thần học sẽ gạt phăng vẻ đẹp của khoa học và cũng chẳng tin một nhà khoa học lại không có lòng tin vào sức mạnh của huyền năng.

Nhờ niềm tin này, giờ đây tôi đã tìm được tri thức và chân lý từ đủ các nguồn khác nhau. Trong cuốn sách này, bạn sẽ bắt gặp trích dẫn từ những phát biểu của các học giả lẫn lời bài hát của các nhạc sĩ – ca sĩ. Tôi cũng sẽ trích dẫn cả các nghiên cứu lẫn các bộ phim. Tôi sẽ chia sẻ lá thư của một người thầy đã giúp tôi hiểu thế nào là khổ đau, cũng như một bài viết về nỗi hoài nhớ của một nhà xã hội học. Tôi sẽ không biến nhóm nhạc rock Crosby, Stills & Nash thành các học giả, nhưng tôi cũng không loại bỏ năng lực của các nghệ sĩ trong việc nắm bắt những điều đích thực trong tinh thần con người.

Tôi cũng sẽ không vờ như tôi là chuyên gia về mọi chủ đề quan trọng trong công trình nghiên cứu phục vụ cho cuốn sách này. Thay vào đó, tôi sẽ chia sẻ công trình của các nhà nghiên cứu và chuyên gia khác. Họ là tác giả của những công trình nắm bắt một cách chính xác những gì nổi bật trong dữ liệu của tôi. Tôi nóng lòng muốn giới thiệu với các bạn một số nhà tư tưởng và nghệ sĩ như thế, những người đã dành trọn sự nghiệp của mình để khám phá các cơ chế hoạt động nội tại như cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của con người.

Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng muốn được hiện diện và được thấu hiểu trong cuộc đời này. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều vật lộn chiến đấu và có lúc gục ngã; và chúng ta sẽ biết là một con người vừa khổ đau vừa can đảm có nghĩa là thế nào.

Tôi thật lòng cảm kích các bạn sẽ cùng tôi thực hiện hành trình này. Nói như Rumi, nhà thơ lớn người Ba Tư: “Tất cả chúng ta đang cùng nhau về nhà.”

Để biết thêm thông tin về phương pháp luận và các nghiên cứu hiện tại của tôi, bạn có thể ghé thăm trang web: brenebrown.com.

ĐỌC THỬ

Chương 1 Đặc điểm vật lý của sự yếu đuối

Khi nói về hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của con người, câu cách ngôn sau: “Càng học nhiều bao nhiêu, ta càng biết ít bấy nhiêu” thật đúng. Tôi đã học cách từ bỏ việc nắm bắt cho bằng được sự chắc chắn và ghim chặt nó lên tường. Thế nhưng, thỉnh thoảng tôi lại muốn vờ như sự đích xác đó đã nằm trong tầm tay. Steve, chồng tôi, luôn biết tôi đang khóc thương cho sự thất bại của nhà-nghiên-cứu-trẻ trong tôi khi nhốt mình trong phòng làm việc, nghe đi nghe lại bài hát My Oh My của David Gray. Đoạn lời mà tôi thích nhất là đoạn sau đây:

Chuyện quái gì đang diễn ra trong đầu tôi thế này?

Biết không, tôi đã từng tin chắc đến thế.

Biết không, tôi đã từng quả quyết đến thế.

Và không chỉ có phần lời bài hát; cả cái cách Gray nhấn nhá từ def.in.ite (quả quyết) nữa. Đôi khi, tôi nghe như thể anh đang giễu nhại sự ngạo mạn trong niềm tin rằng chúng ta có thể biết mọi điều, đôi khi nó lại nghe như thể anh đang thất vọng vô cùng tận. Bất luận thế nào, việc hát theo anh luôn làm tôi thấy khá hơn. Âm nhạc luôn làm tôi cảm thấy bớt đơn độc hơn trong đống rối bời.

Mặc dù chẳng có điều gì là tuyệt đối chắc chắn trong lĩnh vực làm việc của tôi, nhưng vẫn có những chân lý về những trải nghiệm chung tạo được sự cộng hưởng sâu sắc với những gì chúng ta biết và tin tưởng. Chẳng hạn, câu nói của Roosevelt, câu nói giúp đưa đẩy tôi nghiên cứu về sự yếu đuối và liều lĩnh, đã mở ra cho tôi ba chân lý sau:

Tôi muốn ở trên võ đài. Tôi muốn sống can đảm với cuộc đời mình. Và khi chúng ta chọn sống liều lĩnh hết mình, chúng ta sẽ có lúc gặp thất bại. Chúng ta có thể chọn sống dũng cảm hoặc sống an nhàn, nhưng không thể chọn cả hai. Chúng ta không thể chọn cả hai cùng lúc được.

Sự yếu đuối không liên quan đến chuyện thắng thua; nó là sự dũng cảm thể hiện mình và để người khác nhìn thấu khi chúng ta chẳng có chút quyền kiểm soát nào đối với kết quả. Yếu đuối không phải là yếu kém; nó là thước đo tuyệt vời nhất để đánh giá lòng dũng cảm.

Những vị trí rẻ tiền trên võ đài luôn dành cho những người chưa bao giờ dám mạo hiểm bước lên sàn đấu. Họ chỉ ném ra những lời phê bình, khinh thị xấu xí từ khoảng cách an toàn. Vấn đề là khi chúng ta ngừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ và ngừng cảm nhận nỗi đau do sự ác độc gây ra, chúng ta mất đi khả năng kết nối. Nhưng khi để những gì người khác nghĩ hạn định mình, chúng ta lại mất đi sự dũng cảm để trở nên yếu đuối. Vì vậy, chúng ta cần chắt lọc những ý kiến mà mỗi người đưa vào cuộc sống của mình. Đối với tôi, nếu bạn không ở trên võ đài và nếm mùi đo ván, tôi sẽ không quan tâm đến phản hồi của bạn.

Tôi không coi những điều này là “quy tắc”, nhưng chắc chắn chúng đã trở thành nguyên tắc dẫn đường chỉ lối cho tôi. Tôi cũng tin rằng có một số nguyên lý cơ bản về sống can đảm, mạo hiểm để trở nên yếu đuối và vượt qua nghịch cảnh, những nguyên lý mà việc hiểu rõ chúng sẽ rất hữu dụng trước khi chúng ta bắt đầu. Tôi coi chúng là các quy luật cơ bản của thế giới cảm xúc vật lý: Chúng là chân lý giản dị nhưng đầy uy lực, giúp chúng ta hiểu tại sao lòng dũng cảm vừa hiếm có lại vừa có khả năng chuyển hóa. Dưới đây là những quy tắc khi bạn tham gia vào tiến trình vươn lên mạnh mẽ.

  1. Nếu can đảm thường xuyên ở mức độ vừa đủ, chúng ta sẽ vấp ngã; đây là đặc điểm vật lý của sự yếu đuối

Khi chúng ta quyết tâm thể hiện mình và mạo hiểm để bản thân vấp ngã, thực chất là chúng ta đang mong được vấp ngã. Nói “Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại” không phải là liều lĩnh. Liều lĩnh là dám nói: “Tôi biết rồi tôi sẽ vấp ngã, nhưng tôi vẫn theo tới cùng.” May mắn có thể ưu ái những con người táo bạo, nhưng thất bại cũng vậy.

  1. Khi đã vấp ngã vì can đảm, chúng ta chẳng bao giờ có thể trở lại vị trí cũ

Chúng ta có thể vươn lên từ những thất bại, những sai sót và những cú vấp ngã, nhưng chúng ta chẳng bao giờ có thể quay trở lại vị trí mà chúng ta đã đứng trước khi sống can đảm hay trước khi ngã xuống. Lòng dũng cảm làm thay đổi cơ cấu cảm xúc của chúng ta. Thay đổi này thường đưa đến cảm giác mất mát sâu sắc. Trong suốt tiến trình vươn lên, đôi khi chúng ta thấy mình vương vấn nhớ mong cái chốn đã không còn tồn tại. Chúng ta muốn quay trở lại khoảnh khắc trước khi thượng đài, nhưng nơi đó đã chẳng còn để quay lại. Mọi sự càng thêm khó khăn khi giờ đây chúng ta đã đạt đến một cấp độ nhận thức mới về thế nào là can đảm. Chúng ta không thể vờ vịt về nó nữa. Giờ đây, chúng ta biết khi nào chúng ta đang hiện diện và khi nào thì chúng ta đang ẩn mình, khi nào thì chúng ta đang sống với các giá trị của bản thân và khi nào không. Nhận thức mới này cũng có thể tiếp thêm sức mạnh – nó có thể nhen lại ý thức về mục đích của chúng ta và nhắc chúng ta nhớ đến cam kết sống hết lòng của mình. Việc căng người giữa mong muốn trở lại khoảnh khắc trước khi mạo hiểm rồi vấp ngã và sự thôi thúc tiến tới cấp độ dũng cảm cao hơn nữa là một phần không thể thiếu trong tiến trình vươn lên mạnh mẽ.

  1. Hành trình này không thuộc về ai ngoài bạn; tuy nhiên, chẳng có ai thành công mà lại đi một mình

Từ những buổi đầu, con người luôn tìm được cách đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, nhưng chẳng có con đường nào có sẵn trước mắt cả. Tất cả chúng ta đều phải tìm đường đi riêng cho mình, vừa khám phá những trải nghiệm chung nhất vừa phải dò dẫm trong đơn độc khiến chúng ta cảm thấy như thể chúng ta là người đầu tiên đặt chân lên những vùng đất chưa ai biết tới. Và để tăng thêm phần phức tạp, thay vì được hưởng cảm giác an toàn ở những con đường có nhiều người qua lại hay một người bạn đồng hành, chúng ta phải học cách – trong những khoảnh khắc ngắn ngủi – dựa vào những người bạn đường để được bảo vệ, hỗ trợ hay thỉnh thoảng chỉ là để có một người đồng hành. Đối với những người sợ đi một mình, việc đương đầu với sự đơn độc cố hữu trong tiến trình này sẽ là một thách thức dễ gây nản lòng. Trong khi đó, đối với những người thích tách mình ra khỏi thế giới và phục hồi một mình, yêu cầu kết nối – hỏi xin và nhận sự giúp đỡ – lại trở thành thách thức.

  1. Chúng ta được sinh ra để đón nhận các câu chuyện

Trong một nền văn hóa khan hiếm và cầu toàn, có một lý do vô cùng đơn giản cho việc tại sao chúng ta lại muốn nắm giữ, tích hợp và chia sẻ các câu chuyện về quá trình đấu tranh của mình. Chúng ta làm thế là vì chúng ta cảm thấy mình được sống thật nhất khi kết nối với người khác và can đảm kể ra các câu chuyện của mình – đó là cơ chế sinh học của chúng ta. Hiện nay, ý tưởng kể chuyện xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi. Nó là nền tảng cho mọi thứ, từ những phong trào sáng tạo đến các chiến lược marketing. Nhưng quan điểm cho rằng chúng ta “được sinh ra để đón nhận các câu chuyện” không đơn thuần là một câu nói để gây ấn tượng. Nhà kinh tế học thần kinh Paul Zak đã phát hiện ra rằng khi nghe một câu chuyện – một câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc, bộ não của chúng ta giải phóng cortisol và oxytocin. Những hóa chất thần kinh này kích hoạt khả năng độc đáo chỉ có ở con người là kết nối, thấu cảm và tạo dựng ý nghĩa. Vì vậy, theo đúng nghĩa đen, khả năng nghe và kể chuyện đã nằm sẵn trong mã ADN của chúng ta.

  1. Sáng tạo bao lấy kiến thức để biến nó trở thành thực tiễn

Qua đôi bàn tay mình, chúng ta chuyển những gì học được từ khối óc sang trái tim. Chúng ta sinh ra đã là những người tạo lập và sáng tạo là hành động tích hợp tối thượng – đó là cách chúng ta gói ghém và đưa kinh nghiệm vào cuộc sống. Trong suốt sự nghiệp của mình, câu hỏi mà tôi nhận được nhiều hơn cả là “Làm sao tôi có thể tiếp nhận những điều tôi đang học hỏi về bản thân và thực sự thay đổi cách tôi sống?” Sau 18 năm giảng dạy các học viên cao học ngành công tác xã hội; phát triển, triển khai và đánh giá hai chương trình học trong tám năm qua; hướng dẫn hơn 70 nghìn học viên qua các khóa học trực tuyến và phỏng vấn hàng trăm người làm công việc sáng tạo, tôi tin rằng sáng tạo là cơ chế cho phép kiến thức được ngấm vào cuộc sống và trở thành thực tiễn. Bộ tộc Asaro ở Indonesia và Papua New Guinea có một câu nói rất hay như sau: “Tri thức chỉ là lời đồn cho đến khi nó ngấm vào từng thớ thịt.” Những gì chúng ta hiểu và học được về việc vươn lên mạnh mẽ chỉ là lời đồn cho đến khi chúng ta sống với nó và tích hợp nó thông qua một hình thức sáng tạo nào đó để những kiến thức đó trở thành một phần của chúng ta.

  1. Vươn lên mạnh mẽ là một tiến trình không đổi bất kể bạn đang dò dẫm vượt qua chông gai của cuộc sống cá nhân hay sự nghiệp

Tôi đã dành thời gian như nhau để nghiên cứu cuộc sống cá nhân và cuộc sống sự nghiệp và trong khi hầu hết chúng ta nghiêng theo niềm tin rằng chúng ta có thể có kiểu vươn lên mạnh mẽ khi ở nhà và kiểu vươn lên mạnh mẽ khi đi làm, song thực tế thì không phải như vậy. Bất kể bạn là ai, một chàng trai đang phải đương đầu với cú sốc tình cảm, một cặp đôi đã nghỉ hưu đang cố gắng vật lộn với nỗi thất vọng, hay một nhà quản lý cố gắng đứng dậy trở lại sau một dự án thất bại, việc vươn lên là không đổi. Chúng ta không có một phương thức đơn điệu nào trong công việc để cứu chữa những lần vấp ngã. Chúng ta vẫn cần đào sâu vào những mảng vấn đề như cảm giác oán giận, thương tiếc và tha thứ. Như nhà khoa học thần kinh Antonio Damasio đã nhắc cho chúng ta nhớ, con người không phải là cỗ máy suy nghĩ hay cỗ máy cảm xúc, mà là những cỗ máy cảm xúc biết suy nghĩ. Chỉ vì bạn đang đứng ở văn phòng, trong lớp hay trong studio không có nghĩa là bạn có thể gạt bỏ cảm xúc ra khỏi tiến trình vươn lên. Bạn không làm được việc đó. Bạn nhớ những con người quả cảm đáng gờm mà tôi nói đến ở phần giới thiệu chứ? Thêm một điểm chung nữa ở họ là họ không cố tránh né cảm xúc – họ là những cỗ máy cảm xúc biết tư duy và thấu hiểu được cảm xúc của chính mình cũng như cảm xúc của những người mà họ thương yêu, nuôi dạy và dẫn dắt. Những nhà lãnh đạo kiên cường và có tinh thần đổi mới cao nhất mà tôi có duyên được làm việc cùng trong suốt sự nghiệp của mình có ba điểm chung: Thứ nhất, họ công nhận vai trò trung tâm của mối quan hệ và câu chuyện trong văn hóa và chiến lược, đồng thời luôn giữ sự tò mò đối với cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của mình. Thứ hai, họ hiểu và giữ được sự tò mò về cách thức cảm xúc, suy nghĩ và hành vi kết nối với nhau nơi những người mà họ dẫn dắt và những yếu tố này ảnh hưởng đến cảm nhận và các mối quan hệ như thế nào. Thứ ba, họ có khả năng và sẵn lòng dấn mình vào vùng khó chịu và yếu đuối.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button