Kỹ năng mềm

Từ Ghế Nhà Trường Đến Giảng Đường Đại Học

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lý Nhược Thần

Download sách Từ Ghế Nhà Trường Đến Giảng Đường Đại Học ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Trung thành với lý tưởng, đối diện với hiện thực

Khó khăn lắm mới sống sót qua cơn sóng thần cuồng bạo như muốn nhấn chìm tất cả mang tên “deadline” của đợt thi giữa kỳ. Tranh thủ khi bóng đêm u ám của đợt thi cuối kỳ vẫn chưa hoàn toàn bao phủ lấy tâm trí, tôi nghĩ mình cần phải nghỉ xả hơi đôi chút, thế là vội vội vàng vàng rủ mấy cô bạn thân đến phố ẩm thực để ăn uống, chơi bời một trận.

Bước ra khỏi nhà hàng sau khi đã cơm no rượu say, khung cảnh trước mắt bỗng thấp thoáng vài dáng áo đỏ lướt qua, nom trông thật quen mắt. Nhíu mày nhìn kỹ, thì ra là mấy cô bé cậu bé học dưới khóa tôi ở ngôi trường cũ 101 cách đó không xa đến đây để ăn cơm. Quần áo mà các em đang vận trên người chính là bộ đồng phục sọc trắng đỏ “thần thánh” mà hai năm trước khi tốt nghiệp, tôi đã từng gửi gắm bao ưu tư khắc khoải và những niềm vui trong sáng thuở học trò.

Mấy đứa con trai cõng trên lưng những chiếc cặp xách xệ xuống tận mông, khoác hờ trên mình bộ đồng phục mà hễ vừa bước ra khỏi cổng trường là y như rằng lại vội vội vàng vàng cởi phắt ra, để lộ chiếc áo T-shirt sặc sỡ bên trong, cùng nhau quàng vai bá cổ, cười nói ầm ĩ; chỏm tóc đuôi ngựa lắc lư trên lưng áo, mấy em gái đang xì xầm to nhỏ về chiếc cặp tóc mình mới mua và anh chàng đẹp trai cùng khóa vừa chuyển từ nơi khác tới, trông có vẻ vô cùng hào hứng.

Tôi thẫn thờ đứng đó, nhìn các em đi ngang qua rồi dần khuất phía xa xa. Trông thấy chúng, tôi như đang nhìn thấy chính mình của hai năm trước, bỗng có cảm giác được quay trở về với những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trong lòng dâng trào một xúc cảm khó tả, rất thân thiết, rất ấm áp, thậm chí là rất ngưỡng mộ. Trước nay, tôi chưa từng tự phụ rằng mình là “bề trên”, nhưng khi nhìn thấy chúng mới càng ngộ ra một điều – quãng thời gian trung học mà tôi từng bước qua chính là bóng hình đẹp nhất của tuổi thanh xuân.

Hẳn ai đó sẽ nói rằng: “Những tháng ngày đen tối hết thi cấp ba lại vắt chân lên cổ chuẩn bị thi đại học đấy, đẹp ở chỗ nào cơ chứ?”

Quả vậy, mỗi ngày cứ hơn 6 giờ sáng là phải dậy, qua 12 giờ là phải ngủ. Sáng buồn ngủ đến nỗi ngồi toilet mà còn ngủ gà ngủ gật, lúc đánh răng thì mí mắt như bị dính keo 502, chẳng thể mở nổi ra. Có một dạo, tôi cảm thấy lồng ngực bí bách khó chịu, cứ tưởng mình mắc bệnh tim, còn hoang tưởng rằng sẽ đẹp mặt biết mấy nếu một ngày chạy thể dục bỗng lăn quay ra ngất lịm trên sân tập. Thế là hớt hải bảo mẹ đưa đi khám và chụp điện tâm đồ, bác sỹ nói chỉ là do mệt mỏi thôi, nghỉ ngơi một chút là được. Đúng thế thật, vừa vào kỳ nghỉ là bệnh liền tự khỏi! Haiz… những tháng ngày đó thực sự là không dễ chịu chút nào.

Đúng vậy, ngày nào cũng học từ sáng đến tối, rồi cuối cùng ngay cả đề mới cũng không còn nữa, suốt ngày quanh quẩn ôn đi ôn lại từng đó môn của kỳ thi đại học, nhìn thấy thời khóa biểu là bất giác dâng trào cảm giác buồn nôn. Thầy cô nào cũng năm lần bảy lượt nhấn mạnh rằng môn của mình quan trọng đến mức nào, vừa kể lể bài tập giao của mình tinh túy, tinh hoa, tinh luyện ra sao, vừa vung tay phát đống bài thi ngút ngàn như tuyết rơi. Không, không phải là tuyết rơi, mà là tuyết lở mới đúng! Trong giờ xin ra ngoài đi toilet một cái trở về bàn học liền tức khắc bị đống bài thi vùi xác chôn thây, tin tôi đi, đây thực sự không phải là truyền thuyết.

Đúng vậy, lỡ “cảm nắng” một bạn nào đó ở trong lớp, nhìn thấy cậu ấy là cảm thấy cuộc sống như tràn đầy màu sắc. Kết quả là thầy cô đe dọa, phụ huynh ngăn cấm, cùng với lời phán bất di bất dịch: “Mới tý tuổi đầu, yêu đương cái gì?”, kết hợp với đủ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, cuối cùng mầm tình vừa mới chớm nở lại bị phũ phàng dúi thẳng về với lòng đất.

Đúng vậy, “nhiệm vụ chính của học sinh là học tập, học tập và học tập, không được mảy may lơ là hay phân tâm!”, không được ra ngoài chơi, không được yêu đương, không được bla, bla… Ngoài học ra thì chẳng được làm gì cả, ngay cả mớ sách thư giãn, do bị coi là “chẳng giúp ích gì cho việc ôn luyện” cũng bị liệt vào danh sách đen.

Những tháng ngày như thế, “đẹp” cái nỗi gì cơ chứ?

Mỗi lần nghe đám hậu bối tuôn một tràng oán thán khổ não như vậy, tôi luôn kịp thời cảm khái, ra vẻ một kẻ đã từng trải. Khi đó không hề cảm thấy vậy, nhưng bây giờ hồi tưởng lại cảm giác cũng hoàn toàn khác biệt: Những ngày tháng cả lớp chui trong một cái phòng học, cùng nỗ lực vì một mục tiêu, cùng chiến đấu vì một ước mơ, điều đó thật đẹp đẽ biết bao! Cái cuộc sống đơn giản kiểu như “chỗ ngồi hoàn hảo là được ngồi cạnh một đứa học thật giỏi, một người mình thích, một đứa bạn thân và một tên hay làm trò cười” đó thật đẹp đẽ biết bao? Khoảng thời gian có thể thường xuyên về nhà, học mệt rồi thì có thể mở toang cửa đi ra trò chuyện với cha mẹ, ăn chút trái cây đã gọt sẵn, uống chút trà đã pha sẵn đó thật đẹp đẽ biết bao!

Chỉ khi mất đi một thứ gì đó, chúng ta mới biết trân trọng.

Chẳng phải thế sao? Cuộc đời trung học của tôi rất phong phú và đầy màu sắc. Kết giao với đủ thể loại bạn thân, ngoan ngoãn có, ù lỳ có, ham chơi nghịch ngợm có, và cũng nếm được mùi vị đắng cay mặn ngọt của tình yêu đầu đời. Trải qua những thời điểm up and down trong cuộc sống và học tập, cũng học được cách thưởng thức cuộc sống. Tóm lại một câu: tôi không hề bỏ lỡ bất kể điều gì, từ ăn uống chơi bời cho đến hò hẹn yêu đương, và không để lại bất cứ dư vị nào của sự luyến tiếc. Nhưng tôi vẫn nhớ như in năm đó, khi đến trường Đại học Bắc Kinh để tự học, câu mà tôi nói nhiều nhất là: “Sau này mà được học ở đây thì thật tốt biết bao!” Khi thốt ra câu đó, tôi vẫn là một cô nhóc chưa thể với tới bậc cửa của Đại học Bắc Kinh. Nhưng rốt cuộc, mười mấy năm đèn sách vất vả, hơn ba trăm ngày đêm không có cuối tuần cũng chẳng biết đến ngày nghỉ đã mang tới trái ngọt mà tôi hằng mong muốn. Mãi cho đến thời khắc nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Bắc Kinh, tôi mới cảm thấy rằng cuộc sống trung học của tôi đã được hồi viên mãn, bởi vì trong tuổi thanh xuân, tôi chưa từng phung phí thời gian theo đuổi lý tưởng của mình. Và tôi cũng biết, dám nghĩ, dám làm thì sẽ chắc chắn sẽ làm được!

Thế nhưng, tuổi thanh xuân sớm muộn rồi cũng sẽ mất đi, vậy thời trung học chúng ta nên trải qua như thế nào? Tuổi trẻ nên trải qua ra sao?

Trên mạng có một câu nói như sau: “Bạn không hẹn hò, không yêu đương, không ra ngoài chơi, không đi lượn lờ, không điên cuồng ngông dại, không làm loạn, không đuổi theo những vì sao, không yêu đơn phương, không thổ lộ, không uống rượu, không đàn đúm, không karaoke, vậy xin hỏi tuổi thanh xuân của bạn bị chó gặm rồi sao?”

Đừng vội thích thú, còn có một câu khác: “Bạn hẹn hò, yêu đương, ra ngoài chơi, đi lượn lờ, điên cuồng ngông dại, làm loạn, đuổi theo những vì sao, yêu đơn phương, thổ lộ, uống rượu, đàn đúm, karaoke, xin hỏi tuổi thanh xuân của bạn chó có muốn gặm không?”

Cả hai câu này tôi đều không đồng ý, bởi vì tuổi thanh xuân đẹp nhất là chơi hay, nhưng học cũng phải giỏi.

Tôi muốn hẹn hò, muốn yêu đương, muốn ra ngoài chơi, muốn đi lượn lờ, muốn điên cuồng ngông dại, muốn làm loạn, muốn đuổi theo những vì sao, muốn yêu đơn phương, muốn thổ lộ, muốn uống rượu, muốn đàn đúm, karaoke, nhưng tôi còn phải học! Còn phải phấn đấu!

Trong trái tim tôi, tuổi thanh xuân như vậy mới là trọn vẹn.

Còn bạn, bạn nghĩ sao?

ĐỌC THỬ

Chương 1. Học tập – Mọi con đường đều dẫn tới Roma

Lên núi tri thức cũng có thể “đi tắt đón đầu”

Thành tích tốt không nhất thiết là phải vượt qua cả một biển bài thi, nếu biết nắm bắt phương pháp kỳ diệu của sự “lười biếng”, sở hữu phương pháp học tập của riêng mình, nâng cao khả năng tiếp thu thì việc học tập một cách nhẹ nhàng hoàn toàn không đến mức diệu vợi đến vậy.

Trước nay, tôi chưa từng là một “học sinh ngoan”. Nhưng đó lại là điều mà tôi luôn lấy làm tự hào.

Khi đám “học sinh ngoan” trong mắt thầy cô, bạn bè và phụ huynh đang cần cù chăm chỉ, nghiêm túc phấn đấu, trong đầu không chút tạp niệm, “hai tai không nghe chuyện ngoài thềm, một dạ nghiền ngẫm sách thánh hiền”, tôi lại cười nói hỉ hả, chơi bời nghịch ngợm, mặt thì lúc nào cũng nhơn nhơn, cho dù không khí học tập xung quanh có căng thẳng thế nào, tôi cũng không hề lãng quên việc ăn uống chơi bời, chẳng muốn bỏ dù chỉ một chút công sức vào cái sự học chán ngắt, khô khốc kia. Học hành tẻ nhạt như vậy, phiền hà như vậy, ai mà thích cơ chứ?

Nhưng, “học sinh hư” bất trị ngang tàng là tôi đây cuối cùng lại luôn có được thành tích khả quan một cách kỳ lạ. Đây không phải do tôi thần thông quảng đại, tài năng xuất chúng, bí quyết chỉ xuất phát từ một đặc điểm của tôi: đó là lười.

Có đứa bạn học còn cảm thấy kỳ quái: “Ơ, tớ lười, cậu cũng lười, tại sao tớ càng lười thì điểm lại càng kém, còn cậu càng lười thì điểm lại càng cao nhỉ?” Không hề không hề! Lười kiểu này hoàn toàn khác với kiểu lười kia: lười của tôi không phải theo kiểu chẳng hề đụng tay làm bất cứ thứ gì, đình công một cách tiêu cực; mà theo kiểu “tìm lối tắt, kiếm cách nhanh” để tiết kiệm thời gian học tập.

Bản tính lười thì ai ai cũng có. Trong cuộc sống chúng ta đều thích lười biếng, cũng phổ biến như kiểu ngồi cáp treo lên núi hoặc là đi đường tắt vậy. Thế nên khi phải đối mặt với cái việc khổ ải mà tránh không được, né cũng không xong như học hành, tội gì mà không đi lối tắt, lười biếng một chút chứ?

Phương pháp để dù lười biếng nhưng vẫn có thể đạt được thành tích tốt thực ra không hề phức tạp, chỉ cần luyện được hai tuyệt chiêu: “Thói quen học tập tích cực” và “Phương pháp học tập phù hợp với bản thân” là bạn cũng có thể giống tôi – học tập, chơi bời cả hai đều giỏi, đạt đến đẳng cấp “thần thánh” mà những kẻ bàng nhân thế tục phải tròn mắt ngưỡng mộ!

Còn nhớ hồi lên cấp ba, tôi là một trong những “của nợ” mà cả lớp bất đắc dĩ phải gánh theo. Nhìn những đứa gần như chẳng phải nhọc công tốn sức mà vẫn có thể nắm được kiến thức, thành tích thì lúc nào cũng cao chót vót, tôi chỉ có thể chua chát công nhận rằng “kẻ thông minh quả là khác với người thường…” Thế nhưng, sau một vài cơ hội tình cờ, tôi đã “chôm” được không ít những bí quyết thuộc hàng độc của đám học sinh ưu tú kia.

Tên A Bàng ngồi sau lưng tôi có cả một quyển sổ ghi chép tỉ mỉ những từ vựng dễ sai và những câu thành ngữ của môn Ngữ văn. Trước kỳ thi, khi cả lớp đều ôm từng tập đề cương dày cộp như bách khoa toàn thư, vò đầu bứt tai đánh vật với đống bài ôn tập, A Bàng lại chỉ lăm lăm trên tay một cuốn sổ nhỏ, nhưng cuối cùng lại đạt được thành tích rất tốt, thế mới lạ chứ!

Cả lớp trưởng Tiểu Dã nữa, trong giờ học Toán lúc nào cũng lúi húi làm việc riêng, tranh thủ lúc thầy giáo đang giảng những bài mà mình đã biết làm, nó lặng lẽ ngồi ngâm cứu những nội dung mà mình chưa biết hoặc làm bài tập. Kết quả sau khi tan học, nó cứ thảnh thơi đi đá bóng hoặc ra chơi game, mỗi bận thi vẫn đều đặn đạt được thành tích khiến ai cũng phải ngưỡng mộ đến phát ghen lên được!

Nhìn đám bạn ai nấy đều có “chiêu thức” của riêng mình, tôi tự thấy hổ thẹn vì chẳng thể sánh bằng. Thì ra thành tích tốt không nhất thiết là phải vượt qua cả một biển bài thi, nếu biết nắm bắt phương pháp kỳ diệu của sự “lười biếng”, sở hữu phương pháp học tập của riêng mình, nâng cao khả năng tiếp thu thì việc học tập một cách nhẹ nhàng hoàn toàn không đến mức diệu vợi đến vậy.

Lý thuyết không bằng hành động! Tôi nhanh chóng tối ưu hóa phương pháp học tập của mình, và bây giờ xin chia sẻ cùng các bạn. Những mẹo nhỏ này mặc dù chưa chắc đã thích hợp với tất cả mọi người, nhưng hy vọng ít nhiều có thể giúp ích hoặc mang tới những sự gợi mở cho các bạn:

Đầu tiên, phải có được một cuốn nhật ký độc nhất vô nhị của riêng mình. Thường ngày tôi hay thích sưu tập những món đồ nhỏ được bọc giấy đẹp đẽ, giấy thư, hình dán, giấy bọc… rồi nhét đầy cả một ngăn bàn sặc sỡ lòe loẹt, món nào cũng chẳng nỡ vứt bỏ. Lần này, tôi đã nắm bắt được tâm lý của mình, bèn mua một cuốn sổ ghi chép với họa tiết đơn giản tinh tươm bên ngoài và chất giấy tuyệt hảo bên trong, rồi viết ở bìa những mục tương ứng. Khi mang theo cuốn sổ mà mình vô cùng ưng ý, chẳng phải chúng ta sẽ luôn háo hức được viết lên đó hay sao? Ở trên lớp, tôi bắt đầu viết bài một cách rõ ràng hơn, nội dung cũng sắp xếp quy củ chỉnh tề hơn, cố gắng duy trì sự sạch đẹp của cuốn sổ, bởi tôi biết giá trị lớn nhất của việc chép bài là dùng để ôn tập, mà nếu như những thứ mình viết rối tung rối mù thì khi đọc cũng phát ngán, ghi xong một lượt đến lật lại xem cũng chẳng thèm nữa, vậy thì có dùng cuốn sổ đẹp đẽ đến mấy, rồi ghi chép tỉ mỉ đến mấy e cũng chỉ phí của giời, vừa tốn giấy vở, vừa phí bút mực.

Thứ hai là ôn tập và chuẩn bị bài mới. Chúng ta thường rất dễ lờ đi hai công đoạn này, vì cho dù không ôn lại bài vở, chúng ta cũng có thể cóp nhặt ứng biến làm bài tập về nhà một cách đại khái; cho dù trước giờ lên lớp không chuẩn bị bài mới thì đến khi thầy giáo giảng, chúng ta cũng có thể ứng biến nghe hiểu một cách tương đối, chẳng thấy có ảnh hưởng gì quá tiêu cực. Lại cộng với việc ôn tập và chuẩn bị bài mới sẽ ngốn mất kha khá thời gian, xem ra là một việc tốn công vô ích, vì thế rất nhiều bạn đều phó mặc. Nhưng chỉ cần thử là sẽ thấy, thực ra chúng vô cùng hữu hiệu và rất đáng để thực hiện.

Sau một ngày lên lớp đầu đau mắt mỏi, não của chúng ta bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức, nhưng một số nội dung vẫn ù ù cạc cạc, một số thì gần như đã quên sạch, nên khi làm bài tập hiệu suất thường không được cao. Và ôn tập có thể giúp chúng ta củng cố kiến thức sau một ngày học tập, giúp chúng ta làm bài nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn, từ đó xác suất làm đúng cũng cao hơn.

Vậy còn đọc trước bài mới thì sao? Nó có thể giúp chúng ta làm quen với nội dung bài vở trước khi lên lớp. Trong quá trình này, có thể chúng ta sẽ phát hiện ra một số chỗ khó hiểu, vậy thì hôm sau có thể mang câu hỏi đó đến lớp để “thỉnh giáo” thầy cô. Và như vậy, ở trên lớp chúng ta có thể tiếp thu bài nhanh hơn những bạn chưa đọc trước bài mới, hiệu suất nghe giảng được nâng cao và cũng giúp chúng ta tận hưởng cảm giác “thế nhân đều say, mình ta tỉnh”.

Bên cạnh đó tôi nghĩ rằng, việc đọc trước bài mới và ôn tập có thể thay đổi linh hoạt tùy theo tình hình từng người và từng môn học. Yêu cầu ôn tập, đọc trước bài mới của mỗi môn là không giống nhau, ví dụ như khi đọc trước bài mới môn Ngữ văn, chúng ta thường phải đọc trước tác phẩm, rồi tìm hiểu phần chú thích, giải nghĩa; môn Toán thì phải hiểu được những công thức mà thầy giáo sẽ giảng, rồi thử làm những bài luyện tập; còn tiếng Anh thì phải đọc bài khóa và học thuộc từ mới. Với những môn mà chúng ta học không thật ổn thì càng cần phải làm tốt từng hạng mục công việc.

Giống như môn Toán, do tư duy tương đối chậm chạp nên khi lên lớp tôi thường không theo kịp lời thầy giáo giảng, không nắm vững khái niệm, rồi thí dụ nghe cũng không hiểu. Để tránh bị rơi rớt những kiến thức quan trọng, tôi sẽ luôn tranh thủ đọc trước bài mới, như vậy sẽ không phải tự ti, lo lắng vì không theo kịp bài giảng trên lớp. Đồng thời sau khi tan học tôi cũng sẽ tranh thủ ôn tập, giải quyết hết nhưng kiến thức và thí dụ mà mình không hiểu bằng cách hỏi các bạn hoặc hỏi trực tiếp thầy giáo, tuyệt đối không để hổng kiến thức. Hai công việc này thực sự giúp ích rất lớn cho tôi, khiến cho môn Toán dặt dẹo của tôi không bị tụt lại quá xa, và cũng giúp cho tôi có được nền tảng để “đi tắt đón đầu”.

Thứ ba, học tập một cách có trọng điểm. Đây cũng là con át chủ bài trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian.

Lên lớp 12, để đảm bảo chất lượng ôn tập, thầy cô thường giao bài tập nhiều chất ngất, học sinh khối xã hội còn đỡ hơn một chút, nhưng bài tập mà học sinh khối tự nhiên phải giải quyết thực sự nhiều đến mức khủng khiếp. Còn nhớ cứ mỗi lần có đợt nghỉ nào kéo dài 2-3 ngày, thầy giáo lại như thể ông già Noel, cười híp mắt nói với chúng tôi rằng: “Thầy có một món quà nhân dịp nghỉ lễ đấy nhé, các em phải đón nhận nồng nhiệt đấy…” Sau đó chẳng nói chẳng rằng, vung tay phát một đống bài tập ken đặc những chữ “tặng” cho chúng tôi.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button