Kỹ năng mềm

Trí Tuệ Xúc Cảm

Lời giới thiệu

Đôi khi chúng ta đã đồng nhất trí tuệ với chỉ số IQ. Đó là cách hiểu phiến diện bởi chúng ta chỉ chú trọng tới trí tuệ lí trí mà quên mất rằng các xúc cảm cũng là một dạng trí tuệ vô cùng quan trọng để con người mang đầy đủ tính người cũng như có thể thành đạt trong cuộc sống. Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, ở nhiều nước phương Tây, người ta nói nhiều tới các xúc cảm của con người và sự giáo dục xúc cảm cho mọi người, đặc biệt là các lớp trẻ. Các nhà tâm lí học ngày càng đánh giá cao vai trò của cảm xúc và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người. Nghệ thuật kiểm soát cảm xúc và định hướng cho nó một cách đúng đắn được gọi là “Trí tuệ xúc cảm”.

Kể từ khi cuốn sách đầu tiên của Daniel Goleman “Trí tuệ xúc cảm” viết về vấn đề này năm 1995 thì trí tuệ xúc cảm trở thành một trong những thuật ngữ nóng bỏng nhất trong xã hội Mỹ, Daniel Goleman đã trình bày vấn đề này rất đầy đủ, rõ ràng và có sức thuyết phục. Đây là một tư liệu không thể bỏ qua khi chúng ta nói đến vấn đề giáo dục trí tuệ xúc cảm.

Trên cơ sở nghiên cứu về trí tuệ đột phá căn bản và hành vi, Goleman đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng khiến cho những người có chỉ số IQ cao đôi khi trở nên lúng túng trong công việc trong khi những người IQ thấp lại thực hiện tốt đến kinh ngạc. Những yếu tố này bao gồm cả sự tự ý thức, tự rèn luyện kỷ luật và sự thấu cảm, bổ sung một cách thức khác để trở nên thông minh hơn – ông gọi đó là “Trí tuệ xúc cảm”. Trong khi thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng cốt yếu của sự phát triển thì trí tuệ xúc cảm lại không được xác định chắc chắn ngay khi sinh ra. Nó có thể được nuôi dưỡng, tăng cường và phát triển trong suốt thời kỳ trưởng thành, với những lợi ích tức thì cho sức khỏe, các mối quan hệ và công việc của chúng ta.

Trí tuệ xúc cảm – Làm thế nào để biến những xúc cảm của bạn thành trí tuệ như là cẩm nang hướng dẫn trong chuyến du hành tới xứ sở của những xúc cảm nhằm làm sáng rõ hơn một số thời điểm gây rắc rối trong cuộc đời mỗi người và thế giới xung quanh chúng ta. Kết thúc chuyến du hành này, chúng ta sẽ hiểu tại sao trí tuệ có thể hòa hợp với xúc cảm và hòa hợp như thế nào. Sự hiểu biết ấy là rất có lợi, chỉ riêng việc quan sát thế giới tình cảm cũng đã có một hiệu ứng như trong vật lý lượng tử: nó làm biến đổi những gì được quan sát, mang tới một cách nhìn mới về một điều kỳ diệu có thể giúp chúng ta và cả con cháu chúng ta thay đổi được tương lai của mình.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

LỜI THÁCH ĐỐ CỦA ARISTOTE

Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ – đó là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, để giận đúng người, với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng và biểu lộ sự tức giận đúng cách – lại là điều không dễ.

– ARISTORE
Đạo đức học cho Nicomaque.

Vào một buổi chiều tháng Tám, ở thành phố New York, không khí ẩm ướt, nóng nực khiến người ta dễ nổi cáu. Tôi trở về khách sạn, khi lên xe buýt ở Đại lộ Madison, người lái xe da đen đứng tuổi mỉm cười nói với tôi: “Xin chào! Anh khoẻ chứ?” Đó là câu đón tiếp anh thường dành cho tất cả hành khách. Hành khách đều lúng túng giống tôi, nhưng phần lớn không đáp lại vì đã quá ủ ê.

Khi chiếc xe buýt len lỏi qua những chỗ tắc đường, thì một biến đổi từ từ đã xảy ra. Người lái xe vẫn thao thao, bình luận về đủ thứ chuyện: viện bảo tàng nọ đang có cuộc triển lãm tuyệt vời, rạp chiếu phim cuối phố đang chiếu một bộ phim mới,.. Sự thích thú của anh về vô số cơ hội do thành phố mở ra quả là có sức lôi cuốn. Khi rời xe, hành khách đều hết ủ ê, và khi người lái xe nói với theo: “Hẹn gặp lại nhé! Chúc một ngày tốt lành!” thì mọi người đều nở một nụ cười thân thiện.

Chuyện đó xảy ra cách đây gần 2O năm nhưng vẫn khắc sâu vào trí nhớ tôi. Khi hình dung lại cảm giác dễ chịu mà những hành khách nói trên có được, tôi hiểu rằng người lái xe ấy là tuýp người có thể làm yên lòng người khác. Anh có khả năng làm thay đổi sự bực bội, làm nguôi ngoai và tháo mở được phần nào tâm tình của mọi người.

Còn đây là những điều ngược lại mà báo chí đã đề cập tới:

– Ở một trường học, một đứa trẻ chín tuổi bôi sơn lên bàn học, lên các máy vi tính, máy in và phá hỏng một chiếc xe đỗ trong bãi xe nhà trường. Nguyên nhân vì nó bị bọn trẻ “lớn” hơn gọi là “nhóc con” và nó muốn làm cho bọn chúng phải nể phục.

– Ở Manhattan, một thiếu niên dùng súng lục tự động bắn 38 viên đạn vào đám đông làm tám người bị thương.

– Theo một báo cáo, thủ phạm của 57% số vụ giết trẻ em là bố mẹ đẻ hay bố mẹ ghẻ của chúng. Trong một nửa số trường hợp, họ khẳng định là “chỉ muốn trừng phạt đứa trẻ” do những “lỗi” nhẹ mà chúng gây ra như khóc lóc hay làm bẩn giường khiến họ không thể xem ti vi yên.

– Một thanh niên mới bị kết án vì đã gây ra cái chết của năm người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đốt nhà họ khi họ đang ngủ. Nguyên nhân là do hắn bị mất việc nên đã uống rượu và trút giận lên người nước ngoài.

Hàng ngày, những tin tức loại đó cho thấy sự suy đồi đạo đức và tình trạng bất ổn của xã hội. Nhưng đó chỉ là sự phản chiếu chung về nỗi ám ảnh rằng tất cả chúng ta đã mất sự kiểm soát với xúc cảm của mình. Không ai thoát được những cơn giận bùng phát và mỗi người trong chúng ta sớm hay muộn cũng phải trải qua trạng thái này.

Cuốn sách này đem lại ý nghĩa cho những gì tưởng như vô lý. Là một nhà tâm lý học theo sát những tiến bộ do khoa học đem lại trong sự hiểu biết cái phi lý, tôi thấy nổi lên hai xu hướng trái ngược: xu hướng ghi nhận trạng thái ngày càng tồi tệ của cuộc sống cảm xúc và xu hướng đưa ra những phương thuốc mang theo niềm hy vọng.

PHẦN I. BỘ NÃO XÚC CẢM

Chương 1. Các Xúc Cảm Dùng Để Làm Gì?

Với trái tim, người ta có thể nhìn thấy những cái cốt yếu mà đôi mắt không thể nhìn thấy được.

– Antoine de Saint – Exupery

Hãy suy ngẫm về kết cục bi thảm của Gary và Mary Jane Chauncey – bố mẹ của Andrea, đứa trẻ 11 tuổi bị chứng bệnh bại liệt. Trên một nhánh sông thuộc bang Louisiana, chuyến tàu hỏa có cả gia đình Chauncey đã bị trượt bánh và rơi xuống sông. Nghĩ tới con gái mình trước hết, bố mẹ Andrea cố cứu cho được cô bé khi nước đã ngập đầy toa tàu. Tuy trao được đứa con cho nhân viên cứu hộ qua ô cửa sổ, nhưng cả hai đều bị chết đuối.

Sự hy sinh của bố mẹ Andrea là một hành động anh hùng và những trường hợp như vậy có rất nhiều trong cuộc sống. Xét theo quan điểm tiến hóa, sự hy sinh này nhằm bảo đảm cho “thành công sinh sản”, bảo đảm sự truyền thụ gen cho thế hệ tiếp theo. Nhưng với những bậc cha mẹ, họ làm vậy chỉ vì lòng yêu thương. Hành vi ấy minh họa cho chức năng và sức mạnh của các xúc cảm, chứng minh cho vai trò của tình yêu vị tha và của tất cả những xúc cảm khác trong đời sống con người. Chúng cho thấy chúng ta phải nhờ tới quyền năng của những xúc cảm ấy để sống còn ra sao. Chỉ có một tình yêu thương sâu sắc cũng như duy nhất mong muốn cứu bằng được đứa con mới có thể đưa con người tới chỗ vượt qua bản năng tồn tại của mình. Xét về mặt trí tuệ, sự quên mình của bố mẹ dường như phi lý, nhưng xét về lý lẽ trái tim, thì đó là thái độ duy nhất có thể có.

Các nhà sinh học xã hội đã chỉ ra: những xúc cảm giúp chúng ta đương đầu với những cảnh ngộ và nhiệm vụ quan trọng mà đôi khi chỉ mình trí tuệ không thể quyết định nổi như những mối nguy hiểm, những mất mát đau đớn, sự kiên nhẫn bất chấp thất vọng. Mỗi xúc cảm chuẩn bị cho chúng ta hành động theo một cách nào đó. Nó chỉ cho chúng ta cách chấp nhận thách thức để sinh tồn.

Khi đam mê chi phối lý trí

Để trêu đùa bố mẹ, Matilda Crabtree, 14 tuổi, quyết định làm bố mẹ sợ khi về nhà muộn sau buổi tối chơi ở nhà bạn.

Nhưng, thật bi thảm, Bobby Crabtree và vợ tưởng rằng Matilda ngủ lại ở nhà bạn. Nghe thấy tiếng động, Crabtree liền cầm khẩu súng lục và đi lên buồng của Matilda. Khi Matilda nhảy phóc ra từ nơi ẩn nấp và kêu to lên, ông liền bắn một phát trúng cổ con. Matilda chết 12 giờ sau đó.

Di sản tâm lý do sự tiến hóa để lại có sự sợ hãi, yếu tố bảo vệ chúng ta khi gặp nguy hiểm. Chính nó đã đẩy Boby Crabtree tới chỗ bắn vào con gái mình trước khi nhận ra cô bé. Theo các chuyên gia, những phản ứng tự động thuộc loại này đã được ghi vào hệ thần kinh chúng ta. Trong thời gian dài, những phản ứng này đã giúp chúng ta sống sót. Điều quan trọng hơn, chúng đáp ứng nhiệm vụ cơ bản của sự tiến hóa: truyền cho con cháu biết gìn giữ sự sống.

Nếu xúc cảm từng là kẻ hướng đạo trong quá trình tiến hóa lâu dài của con người, thì trong xã hội hiện đại biến đổi không ngừng như hiện nay, sự tiến hóa chậm chạp của xúc cảm lại không theo được nhịp độ ấy. Về mặt sinh học mà nói, chúng ta đã thừa hưởng những vòng mạch nơ-ron cho các xúc cảm hoạt động hoàn hảo trong 50 nghìn thế hệ, chứ không phải chỉ trong 500 thế hệ. Phải mất sức mạnh của sự tiến hóa một triệu năm để nhào nặn đời sống xúc cảm của chúng ta. Hàng nghìn năm qua, dù dân số tăng từ năm triệu lên năm tỷ người nhưng vẫn không để lại bất cứ dấu vết nào của yếu tố sinh học điều khiển đời sõng xúc cảm của chúng ta.

Cách chúng ta đánh giá những cuộc gặp gỡ và phản ứng với chúng không chỉ bị quy định bởi sự xét đoán lý trí hay bởi quá khứ cá nhân mà còn bởi quá khứ của tổ tiên chúng ta. Tóm lại, chúng ta thường đứng trước những lựa chọn do xã hội hậu hiện đại đặt ra với một bộ sưu tập tâm lý có từ thời cổ xưa. Trên thực tế, trạng thái đáng buồn ấy là trung tâm của chủ đề này.

Tại sao chúng ta hành động?

Vào những ngày đâu xuân, khi đi qua đèo ở vùng Rocheuses, một cơn bão tuyết khiến ập đến khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi liền đạp phanh, nỗi kinh hoàng xâm chiếm và tim tôi đập liên hồi.

Nỗi kinh hoàng nhường chỗ ngay cho sự sợ hãi. Tôi dừng xe bên đường chờ cơn bão đi qua. Nửa giờ sau, tuyết ngừng rơi, tôi lại lên đường, nhưng đi được chừng 100 mét, tôi lại phải dừng: những nhân viên cứu thương đang cấp cứu một người lái xe vừa đâm vào chiếc xe khác. Nếu trước đó tôi tiếp tục đi trong cơn bão, biết đâu tôi đã đâm phải hai chiếc xe kia.

Hôm đó, nỗi sợ hãi có lẽ đã cứu sống tôi: trạng thái nội tâm đã buộc tôi dừng xe và chú tâm tới mối nguy hiểm ngay trước mắt.

Về căn bản, mọi xúc cảm xuất phát từ sự kích thích hành động; đó là phản ứng tức thì vì bản năng sinh tồn. Việc xúc cảm thúc đẩy hành động đặc biệt rõ ràng ở loài vật hay trẻ em.

Mỗi xúc cảm của chúng ta đóng một vai trò riêng biệt, như những dấu ấn sinh học đặc trưng. Những điều diễn ra bên trong thân thể và bộ não cho thấy một xúc cảm chuẩn bị cho thân thể một kiểu phản ứng khác nhau:

– Sự giận dữ làm máu dồn tới bàn tay, khiến người ta đoạt lấy một thứ vũ khí hay đánh kẻ thù, và những hoóc-môn như adrenaline tiết ra rất mạnh để giải thoát năng lượng cần thiết cho một hành động quyết liệt.

– Sự sợ hãi đưa máu tới các cơ chỉ huy sự vận động của thân thể, như cơ bắp chân chuẩn bị bỏ chạy, làm cho mặt tái đi do máu bị dồn đến nơi khác. Thân thể bị tê liệt trong một khoảnh khắc. Trung tâm xúc cảm của bộ não tiết ra những hoóc-môn đặt cơ thể tập trung vào mối đe dọa trước mắt.

– Sự vui sướng được đặc trưng bằng hoạt động tăng lên của trung tâm não nhằm ức chế những tình cảm tiêu cực và làm năng lượng hiện có tăng lên, cũng như làm chậm lại hoạt động của trung tâm gây lo lắng. Trạng thái này đem lại cho cơ thể sự thư giãn. Cá nhân thực hiện vội vàng và phấn khởi hơn những nhiệm vụ đặt ra cho mình, đồng thời đặt ra nhiều nhiệm vụ khác nhau hơn.

– Tình yêu, sự âu yếm và sự thỏa mãn tình dục gây ra kích thích đối giao cảm. Phản xạ này là một tập hợp phản ứng của thân thể tạo ra trạng thái yên tĩnh, đồng cảm và hợp tác.

– Sự ngạc nhiên làm lông mày nhướn lên, tầm nhìn mở rộng, lượng ánh sáng lọt tới võng mạc tăng lên. Do đó, cá nhân nắm bắt được nhiều thông tin hơn về một sự kiện, đánh giá hoàn cảnh đúng hơn và nghĩ được kế hoạch hành động tốt hơn.

– Sự căm ghét luôn gây ra bực mình. Biểu hiện trên mặt là môi trên trễ xuống ở hai cạnh còn mũi thì hơi nhăn lại, như phản ánh ý muốn bịt mũi trước một mùi khó chịu hay nhè ra thứ thức ăn độc hại.

– Sự buồn rầu giúp người ta chịu đựng tổn thất đau đớn làm năng lượng suy sút và giảm niềm hứng khởi đối với mọi hoạt động của cuộc sống. Nó gần với sự suy sụp, làm cho quá trình trao đổi chất chậm lại. Việc thu mình lại để phục hồi hậu quả và khi trở lại năng lượng sẽ phát ra một sự khởi đầu mới. Khi buồn rầu, con người dễ bị tổn thương và cần ở gần nơi cư trú của mình để được an toàn.

Các nguyên nhân sinh học của hành động cũng chịu sự chi phối của văn hóa. Chẳng hạn, cái chết của người thân luôn gây ra sự buồn rầu. Nhưng cách thể hiện nỗi buồn giữa đám đông hay nơi riêng tư phụ thuộc vào từng nền văn hóa.

Các phản ứng xúc cảm đã hình thành từ xa xưa, khi điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Tỷ lệ tử vong rất cao và tuổi thọ không vượt quá 30. Người ta dễ bị làm mồi cho ác thú, nghèo đói và thiên tai. Với sự xuất hiện của kinh tế nông nghiệp và các hình thái xã hội đầu tiên, tình hình đã thay đổi và những yếu tố từng kìm hãm sự gia tăng dân số đã dần dần bị gạt bỏ.

Xúc cảm của chúng ta do đó cũng trở nên không thích hợp nữa. Một cơn giận xưa kia có thể là lợi thế quyết định sự sống còn, ngày nay mọi việc đã khác, chẳng hạn một đứa trẻ 13 tuổi giữ súng sẽ chỉ mang lại những hậu quả tai hại khi chúng nổi giận.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button