Kỹ năng mềm

Trí Tuệ Xúc Cảm Ứng Dụng Trong Công Việc

Lời giới thiệu

Bí mật của thành công không phải là những gì mà bạn được dạy ở trường học. Vấn đề quan trọng nhất không phải là chỉ số IQ, không phải một bằng đại học quản trị kinh doanh, thậm chí không phải bí quyết kinh doanh hay nhiều năm kinh nghiệm. Yếu tố duy nhất và quan trọng nhất để đạt được thành công trong sự nghiệp đó là Trí Tuệ Xúc Cảm. Thực tế, trí tuệ xúc cảm là một tập hợp những kỹ năng mà bất cứ ai cũng có được và trong cuốn chỉ dẫn thiết thực này, Daniel Goleman đã nhận biết, giải thích về tầm quan trọng của trí tuệ xúc cảm, và chỉ ra cách thức để nuôi dưỡng, phát triển chúng.

90% các yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà lãnh đạo là trí tuệ xúc cảm. Theo Goleman, nó là thành phầm thiết yếu để đạt được và giữ nguyên vị trí đứng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, thậm chí trong cả lĩnh vực công nghệ cao. Và các tổ chức đã vận hành theo những phương pháp trí tuệ xúc cảm đều là những công ty sẽ luôn tồn tại và phát triển năng động trong thị trường cạnh tranh hiện tại – và trong tương lai.

Được nghiên cứu toàn diễn và được dẫn chứng bằng những minh hoạ thú vị về thành công, thất bại và những sự thay đổi mạnh mẽ trong lịch sử phát triển, Trí tuệ xúc cảm – ứng dụng trong công việc thực sự là một cuốn sách quản trị kinh doanh quan trọng nhất mà bạn nên đọc.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Cuối của thế kỷ XX, hàng loạt công trình khoa học nghiên cứu về cảm xúc đã ra đời. Nhờ có nhiều phương pháp đổi mới, như công nghệ mới về hình ảnh, chúng ta có thể thấy rõ bộ não họat động như thế nào, điều gì thật sự diễn ra khi chúng ta suy nghĩ, cảm nhận, tưởng tượng và mơ ước. Những thông tin thần kinh – sinh học này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn trung tâm não bộ có chức năng điều khiển xúc cảm gây ra sự giận dữ hay làm cho chúng ta khóc, kích động tính hiếu chiến hay làm cho chúng ta thánh thiện, hướng chúng ta trở nên tốt hơn hay xấu đi như thế nào. Phát hiện mới này sẽ mang đến phương thuốc mới cho cuộc khủng hoảng xúc cảm đang diễn ra hiện nay.

Trong một thời gian dài, vị trí của tình cảm trong đời sống tinh thần chưa được nghiên cứu. Ngày nay, khoa học đã đề cập tới những vấn đề xuất phát từ họat động tâm thần ở những khía cạnh phi lý nhất và dựng lên bản đồ trái tim con người với sự chuẩn xác nhất định.

Đây là sự phủ định với quan điểm cho rằng IQ (chỉ số thông minh) là do di truyền, không thể thay đổi và số phận cá nhân phần lớn đã được định trước. Vậy cái gì có thể giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống? Đâu là những nhân tố tác động? Ví dụ, một số cá nhân có IQ cao nhưng thất bại, trong khi những người có IQ khiêm tốn lại thành công. Tôi muốn khẳng định rằng sự khác nhau thường là ở năng lực mà ở đây chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc (emotinal intelligence) bao gồm: sự tự chủ, lòng nhiệt thành và kiên nhẫn cũng như khả năng và sự kích thích hành động. Người ta có thể giáo dục cho trẻ em những phẩm chất ấy và giúp chúng sử dụng tốt hơn tiềm năng trí tuệ do di truyền.

Ngoài những khả năng đó, còn có đòi hỏi về mặt đạo đức. Chúng ta sống trong một thời đại mà tổ chức xã hội có vẻ có xu hướng ngày càng lỏng lẻo, thói vị kỷ, bạo lực và vô tâm dường như đang phá huỷ cuộc sống của chúng ta. Vậy thái độ đạo đức chúng ta cần có là gì? Đó là sự kiềm chế và lòng trắc ẩn.

Hành trình của chúng ta

Cuốn sách này giải thích một số thời điểm gây rắc rối trong cuộc đời mỗi người và thế giới xung quanh ta. Nó giúp ta hiểu tại sao trí tuệ có thể hòa hợp với xúc cảm và sự hòa hợp đó diễn ra như thế nào.

Hãy bắt đầu bằng việc xem xét những phát hiện mới nhất về cấu trúc bộ não để giải thích trạng thái bối rối của con người, khi tình cảm lấn át lý trí. Mối tương tác giữa cấu trúc bộ não quy định thái độ giận dữ và sự sợ hãi, đam mê và vui mừng cho phép chúng ta hiểu được cách lập lại những thói quen tâm lý từng làm thất bại những ý đồ tốt của chúng ta. Các dữ kiện thần kinh-logic cho phép chúng ta thấy được khả năng làm biến đổi các thói quen tâm lý của con em mình.

Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ xem thần kinh-logic được thể hiện như thế nào qua hành vi − cái mà chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc: chẳng hạn, có thể làm chủ xung lực tình cảm, hiểu rõ tình cảm của người khác, kết nối những mối liên hệ hòa hợp với người khác. Theo cách nói của Aristote, đó là khả năng hiếm có để “tức giận đúng người với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng”.

Quan niệm mới về “trí tuệ” đem lại vai trò hàng đầu cho những xúc cảm. Trong phần thứ ba, chúng ta sẽ thấy tại sao năng lực này được coi là có vai trò quyết định trong việc giữ mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh, hay thiếu nó sẽ ngăn cản sự tiến thân của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu những xúc cảm tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như thế nào và sự cân bằng tâm lý góp phần duy trì sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta ra sao.

Di sản di truyền quy định tính khí chúng ta nhưng tính khí không đồng nghĩa với số phận. Phần thứ tư chỉ ra những bài học tâm lý học được từ thời thơ ấu ở nhà hay trường học sẽ uốn nắn tinh thần của chúng ta và cho phép chúng ta tìm thấy cơ sở của trí tuệ xúc cảm. Nói cách khác, đây là những thời kỳ then chốt để rèn luyện thói quen tâm lý chi phối cuộc sống của chúng ta sau này.

Phần thứ năm chỉ ra mối nguy hiểm đối với những ai không làm chủ được xúc cảm trong sự phát triển của mình. Nói cách khác, những nhược điểm về trí tuệ xúc cảm làm tăng thêm mối nguy hiểm như thế nào. Phần này cũng giải thích việc rèn luyện những thói quen tâm lý và xã hội cho trẻ là hết sức cần thiết.

Những số liệu đáng lo ngại nhất được lấy từ một nghiên cứu quy mô lớn về các bậc cha mẹ và con cái cho thấy, ngày nay, trẻ em dễ bị rối loạn về tâm lý hơn dễ cô đơn và suy sụp hơn, vô kỷ luật và dễ nổi giận hơn, cáu kỉnh và lo lắng hơn, dễ bốc đồng và dễ gây hấn hơn.

Vấn đề là phải tìm hiểu cách chúng ta chuẩn bị cho trẻ vào đời như thế nào. Hiện nay, việc giáo dục tâm lý cho giới trẻ thường phó mặc cho tự nhiên. Theo tôi, giải pháp là nhà trường cần giáo dục nhân cách cho học sinh về mặt trí tuệ cũng như tình cảm. Kết thúc cuộc du hành, chúng ta đến thăm những ngôi trường đang khuyến khích sự phát triển trí tuệ xúc cảm. Đến ngày nào đó, giáo dục sẽ hướng tới việc trau dồi những khả năng cốt yếu của con người, như ý thức về bản thân, làm chủ bản thân, đồng cảm, tôn trọng người khác, biết giải quyết những xung đột và có ý thức hợp tác.

Lính canh tâm lý

Một người bạn của tôi khi đi dạo nhìn thấy một cô gái lao mình xuống dòng nước. Không cần biết lý do, anh nhảy xuống nước và cứu sống cô gái.

Cái gì đã thúc đẩy bạn tôi nhảy xuống nước? Câu trả lời nằm trong hoạt động của hạnh nhân.

Trong một phát hiện, LeDoux đã chỉ ra cấu trúc não nào cho phép hạnh nhân làm tên lính canh tâm lý của bộ não. Ông đã mô tả hành trình của những tín hiệu giác quan. Tín hiệu thứ nhất từ mắt hay tai đến đồi não, rồi qua một sợi liên bào, đến hạnh nhân. Tín hiệu thứ hai được phát đi từ đồi não tới vỏ não mới, bộ não suy nghĩ. Sự chia đôi này cho phép hạnh nhân bắt đầu phản ứng trước vỏ não mới, nơi xử lý thông tin tổng hợp trước khi đạt tới tri giác đầy đủ và lựa chọn phản ứng thích hợp nhất.

Những nghiên cứu của LeDoux mang tính cách mạng vì chúng là những nghiên cứu đầu tiên làm sáng rõ vai trò của hành trình nơ-ron đi tắt trong vỏ não mới. Sự tồn tại của mạch này giải thích phần lớn việc các xúc cảm đã thắng lý trí như thế nào.

Quan niệm chính thống cho rằng, để phát ra những phản ứng xúc cảm của nó, hạnh nhân phải phụ thuộc vào những tín hiệu do vỏ não mới phát đi. Nhưng LeDoux đã phát hiện ra một bó nơ-ron nhỏ hơn dẫn tới vỏ não mới trực tiếp nối liền với hạnh nhân. Hạnh nhân được các giác quan cung cấp thông tin trực tiếp và phát ra phản ứng trước khi những thông tin này được vỏ não mới ghi nhận đầy đủ thông qua một con đường hẹp hơn và ngắn hơn.

Bằng những nghiên cứu về sự sợ hãi ở động vật, LeDoux xem xét quan niệm đã có về các xúc cảm. Trong một thí nghiêm, ông đã phá huỷ vỏ não thính giác của những con chuột trước khi đặt chúng trước một tín hiệu âm thanh có bộ phóng điện kèm theo. Các con chuột nhanh chóng học được việc sợ cú sốc điện sau khi có tín hiệu âm thanh ấy. Rõ ràng là tín hiệu âm thanh đã mượn được đường đi nhanh chóng giữa tai và hạnh nhân qua đồi não, tránh con đường phía trên. Tóm lại, chuột học đọc một phản ứng xúc cảm mà không có sự can thiệp của vỏ não mới. Hạnh nhân tiếp nhận các tín hiệu, nhớ lại thông tin và chỉ huy hoàn toàn độc lập phản ứng sợ hãi.

LeDoux phát biểu rằng: “Về mặt giải phẫu, hệ thống chi phối các xúc cảm có thể hành động độc lập với vỏ não mới. Một số phản ứng và ký ức xúc cảm có thể hình thành mà không cần chút can thiệp nào của ý thức và nhận thức.” Hạnh nhân lưu trữ cả một tổ hợp những ký ức và những phản ứng mà chúng ta lấy ra từ đó nhưng hoàn toàn không có ý thức về điều này.

Những nghiên cứu khác đã chứng tỏ rằng trong một phần nghìn giây đầu tiên của tri giác, chúng ta không những biết được đó là cái gì, mà còn biết được nó có làm chúng ta thích thú hay không. “Cái vô thức nhận thức” không chỉ bằng lòng với việc nhận ra điều gì đó, mà còn đưa ra ý kiến về nó. Những xúc cảm của chúng ta có một thế giới riêng, một thế giới có những ý tưởng riêng, hoàn toàn độc lập với ý tưởng của đầu óc lý trí.

Tín hiệu nhìn trước tiên được truyền từ võng mạc tới đồi não, ở đó nó được dịch ra theo ngôn ngữ não và được đưa tới vỏ não nhìn. Ở đó nó được phân tích để có câu trả lời thích hợp. Nếu câu trả lời ấy là về xúc cảm, thì một tín hiệu sẽ đi tới hạnh nhân để kích thích các trung tâm xúc cảm. Nhưng một phần nhỏ của tín hiệu ban đầu trực tiếp chuyển từ đồi đến hạnh nhân, cho phép trả lời nhanh hơn nhưng kém chính xác hơn. Hạnh nhân, do đó, có thể phát ra câu trả lời xúc cảm trước khi trung tâm vỏ não hiểu được cái gì đang diễn ra.

Chuyên gia về trí nhớ xúc cảm

Những công trình mà LeDoux và những người khác nghiên cứu đã chỉ ra: cá ngựa có chức năng cung cấp trí nhớ cụ thể về bối cảnh của các sự kiện, mà không có nó thì không thể có ý nghĩa cảm xúc.

Nếu cá ngựa nhớ lại những sự kiện thô nguyên thì hạnh nhân nhớ lại mùi vị xúc cảm gắn với những sự kiện ấy. Nếu Chúng ta tránh được tai nạn trên đường, thì cá ngựa có thể nhớ được hoàn cảnh đặc biệt của tai nạn: nơi xảy ra tai nạn, những người cùng đi hoặc nhãn hiệu của chiếc xe. Nhưng, mỗi lần như vậy, thì chính hạnh nhân phát ra sự lo ngại kịch phát. “Cá ngựa cho phép bạn nhận ra cô bạn hàng xóm của bạn. Nhưng hạnh nhân đã nhắc thêm rằng cô bạn ấy nhìn thật ác cảm”.

Bộ não nhờ vào phương pháp đơn giản nhưng tài tình để đem lại sức mạnh đặc biệt cho ký ức xúc cảm: các hệ thống báo động hóa học thần kinh chuẩn bị cho cơ thể phản ứng trong những tình huống nguy hiểm đã in dấu ấn lên trí nhớ. Trong trường hợp stress, lo âu hay hưng phấn, dây thần kinh nối liền bộ não với tuyến thượng thận ra lệnh tiết ra những hoóc-môn epinephrine và norepinephrine. Chúng lan tỏa trong cơ thể, đánh thức bộ tiếp nhận dọc theo dây thần kinh phế vị; nó cho phép bộ não điều tiết sự vận hành của tim, truyền những tín hiệu do epinephrine và norepinephrine phát đi theo hướng ngược lại. Những tín hiệu này đi tới hạnh nhân, và hạnh nhân báo cho các vùng não khác nhớ lại những gì đang diễn ra.

Rõ ràng sự hưng phấn của hạnh nhân có hiệu quả là in vào trí nhớ những thời điểm xúc cảm với sức mạnh khác thường. Chính vì thế, người ta nhớ rất rõ nơi hẹn hò đầu tiên với người yêu hay nhớ rõ mình đang làm gì khi biết tin một người thân qua đời. Hạnh nhân càng được kích thích, dấu ấn càng sâu sắc. Trên thực tế, bộ não có hai hệ thống nhớ, một cho những sự kiện thông thường và một cho những sự kiện đầy xúc cảm. Hệ thống thứ hai đặc trưng cho sự tiến hóa, vì nó cho phép động vật giữ được ký ức sống động về những gì nguy hiểm hay thích thú. Nhưng ký ức có xúc cảm mạnh cũng có thể là cố vấn tồi tức thời.

Những báo động nơ-ron lỗi thời

Một điểm yếu của báo động nơ-ron là thường xuyên bị lỗi thời. Hạnh nhân rà soát những kinh nghiệm và so sánh sự kiện hiện tại với những sự kiện đã qua. Nó tiến hành công việc này bằng liên tưởng: khi yếu tố then chốt của hoàn cảnh hiện có giống với yếu tố trong quá khứ, thì nó đồng nhất ngay tức khắc hai hoàn cảnh này. Điều đó giải thích sự thiếu chính xác của hệ thống – nó đi vào hành động trước khi có sự xác nhận đầy đủ. Nó ra lệnh cho chúng ta phản ứng với hoàn cảnh hiện tại theo những ý nghĩa, xúc cảm rút ra từ hoàn cảnh thường mơ hồ giống với hoàn cảnh đó. Nhưng tiếc thay, những ký ức xúc cảm gây báo động ấy thường kéo theo phản ứng hoàn toàn không thích hợp.

Chẳng hạn, một nữ y tá quân đội bị tâm thần vì ám ảnh những vết thương khủng khiếp mà cô đã chữa chạy cho thương binh ở chiến trường. Cô cảm thấy ghê sợ và hốt hoảng khi mở ra cái tủ mà con mình giấu vào trong đó một tấm vải bẩn, như một phản ứng do mùi hôi thối gây ra.

Sự thiếu chính xác của bộ não xúc cảm càng trầm trọng hơn do ký ức có xúc cảm mạnh từ những năm đầu đời và gắn với mối liên hệ giữa đứa trẻ và môi trường sống. Điều này đặc biệt đúng với những sự kiện gây chấn thương tinh thần, như sự trừng phạt hay cách đối xử tệ hại. Trong thời thơ ấu, cấu trúc của bộ não, nhất là cá ngựa (lưu giữ những ký ức xúc cảm trung tính) và vỏ não mới (nơi trú ngụ của tư duy lý trí) còn chưa phát triển đầy đủ. Về trí nhớ, hạnh nhân và cá ngựa hoạt động phối hợp với nhau; mỗi thứ cất giữ và độc lập tìm thấy thông tin riêng. Trong khi cá ngựa tìm kiếm và tách thông tin ra, thì hạnh nhân xác định xem nó có mang một xúc cảm nào không.

Theo LeDoux, vai trò của hạnh nhân trong thời thơ ấu xác nhận nguyên lý cơ sở của phân tâm học: bản chất mối quan hệ giữa đứa trẻ với những người thân để lại dấu ấn rất sâu sắc. Sở dĩ những bài học đầu đời có sức mạnh như thế, vì chúng được in vào hạnh nhân dưới hình thức sơ đồ hướng dẫn vào lúc đời sống xúc cảm còn rất thô sơ, khi đứa trẻ chưa thể nói lên những kinh nghiệm của mình.

Những tình cảm bền vững và sướt mướt

Khoảng 3 giờ sáng, một vật to lọt qua trần nhà tôi và rơi xuống đất, kéo theo những vật để trên tầng nóc xuống. Tôi nhảy ra khỏi giường và vội chạy ra khỏi phòng, khiếp sợ vì nghĩ trần nhà sẽ rơi xuống đầu. Khi đã nấp cẩn thận, nhìn quanh, tôi nhận ra chỉ là chồng hộp ở góc tường bị đổ. Chẳng có gì rơi từ tầng nóc xuống vì làm gì có tầng nóc. Nếu đúng là trần sập thì tôi cũng không thoát.

Hạnh nhân phát huy hiệu quả khi gặp tình thế nguy hiểm, trong khi vỏ não mới chưa kịp hiểu được cái gì đang xảy ra. Con đường ngắn nhất nối liền thị giác và thính giác với hạnh nhân đóng vai trò hàng đầu: nó cho phép chúng ta hành động ngay lập tức. Nhưng vòng mạch này chỉ truyền đi một phần thông điệp của các giác quan, còn phần chính thì dùng con đường của vỏ não mới. Cái mà hạnh nhân nhận được là tín hiệu thô sơ, vừa đủ để báo động. Như LeDoux nhấn mạnh: “Không cần thiết phải nhận ra một điều gì thật chính xác mới biết nó là nguy hiểm.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button