Kỹ năng mềm

Tôi Tự Học

toi tu hoc1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Duy Cần

Download sách Tôi Tự Học ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook               Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Sách “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần đề cập đến khái niệm, mục đích của học vấn đối với con người đồng thời nêu lên một số phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. Tác giả cho rằng giá trị của học vấn nằm ở sự lĩnh hội và mở mang tri thức của con người chứ không đơn thuần thể hiện trên bằng cấp. Trong xã hội ngày nay, không ít người quên đi ý nghĩa đích thực của học vấn, biến việc học của mình thành công cụ để kiếm tiền nhưng thực ra nó chỉ là phương tiện để đưa con người đến thành công mà thôi. Bởi vì học không phải để lấy bằng mà học còn để “biết mình” và để “đối nhân xử thế”.

Cuốn sách này tuy đã được xuất bản từ rất lâu nhưng giá trị của sách vẫn còn nguyên vẹn. Những tư tưởng, chủ đề của sách vẫn phù hợp và có thể áp dụng trong đời sống hiện nay. Thiết nghĩ, cuốn sách này rất cần cho mọi đối tượng bạn đọc vì không có giới hạn nào cho việc truy tầm kiến thức, việc học là sự nghiệp lâu dài của mỗi con người. Đặc biệt, cuốn sách là một tài liệu quý để các bạn học sinh – sinh viên tham khảo, tổ chức lại việc học của mình một cách hợp lý và khoa học. Các bậc phụ huynh cũng cần tham khảo sách này để định hướng và tư vấn cho con em mình trong quá trình học tập.

Trích dẫn :

Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một Nhà Vua gọi các bậc trí giả trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các bậc bác học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho Nhà Vua. Nhà Vua đang bận vui chơi trong một yến tiệc nên không có ngày giờ đọc: “Nhiều quá! Làm sao đọc hết được? Suốt đời ta cũng không đọc hết. Các người hãy tuyển lại trong đống sách ấy những quyển nào hay nhất và cần thiết nhất thôi!”

Các nhà bác học mới ngày đêm tuyển chọn, còn được một mớ sách hay nhất, bèn đem chở đến Nhà Vua. Bấy giờ Nhà Vua đang mơ màng buồn ngủ, bèn bảo: “Vẫn còn nhiều quá! Các khanh cố gắng thêm lên, đọc lại thật kỹ các sách này và tóm tắt lại tinh hoa của nó, viết thành một quyển sách thôi, rồi ta sẽ đọc quyển ấy để thu thập sự hiểu biết của những bậc thông minh nhất thế giới từ cổ chí kim, có phải tiện hơn không?”

Các nhà bác học uyên thâm nhất, cặm cụi cả năm trường mới rút đặng tinh hoa vào một bộ sách duy nhất. Lòng mừng khấp khởi, vị cao niên nhất trong các nhà thông thái ôm bộ sách quý ấy vào đền. Nhà Vua cũng vẫn chê là còn dài dòng lắm:

“Khanh hãy cố gắng rút tất cả tinh hoa bộ sách này làm thành một câu thôi, như thế ta chỉ học lấy câu ấy để biết được tất cả cái biết của con người từ xưa đến nay, trong khắp thiên hạ.”

Nhà thông thái trở về, và sau một tháng trở vào đền, cầm theo câu tư tưởng tinh hoa của tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên một tấm lụa ngà: “Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thoả mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong.”

Nhà Vua đang bận sửa soạn ra quân tỏ vẻ giận dữ nói: “Điều ấy có gì mà phải nói. Ta đã biết dư rồi! Chúng anh toàn là bọn láo cá!.”

Câu chuyện này muốn nói gì thế? Theo Charles Baudoin, thì trong những ý kiến các trí giả xưa nay, ý kiến sau này của Alain có lẽ là đúng nhất: “Văn hoá là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được.”

Tôi cũng nhìn nhận lối nhận xét trên đây của Alain là đúng. Như thế, sao lại còn viết ra quyển “Tôi tự học” để làm gì?

Tự học là một nghệ thuật. Là nghệ thuật thì không thể truyền được. Trang Tử cũng có câu chuyện ngụ ngôn sau đây, gẫm rất là ý vị.

“Hoàn Công đọc sách ở trên lầu. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng đọc, bỏ tràng, đục, chạy lên thưa với Nhà Vua:

“Cả dám hỏi Nhà Vua học những câu gì thế?.”

Hoàn Công nói: “Ta đọc những câu của Thánh Nhân.”

– Thánh Nhân hiện còn sống không?

– Đã chết cả rồi?

– Thế thì những câu Nhà Vua đọc chỉ là những cặn bã của cổ nhân đấy thôi.

– À, anh thợ! Ta đang đọc sách, sao dám được nghị luận. Hễ nói có lý thì ta tha, bằng không có lý ta bắt tội.

Người thợ mộc nói:

“Tôi xin cứ lấy việc tôi làm mà suy luận. Khi đẽo bánh xe, rộng, hẹp, vừa vặn, đúng mực thì thật là tự tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm, như đã có phép nhất định, chứ miệng tôi không thể nói ra được. Cái khéo ấy, tôi không thể dạy được cho con tôi, con tôi không thể học được của tôi. Bởi vậy, năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe.”

“Người xưa đã chết, thì cái hay của họ khó truyền lại được, tưởng cũng như đã chết cả rồi. Thế thì những câu nhà vua học, thực ra chỉ là những cặn bã của người xưa mà thôi.”

Thật có đúng như lời của Alain đã nói:

“Văn hoá là một cái gì không thể truyền, mà cũng không thể tóm tắt lại được.”

Văn hoá tuy không thể truyền được cái hay, nhưng có thể khêu gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay. Cũng như nguyên tắc dạy vẽ, tuy không truyền lại được cái thiên tài của họa sĩ, nhưng cũng giúp cho người người có thể có được những lề lối làm việc để thành một nhà hoạ sĩ chân tài.

Tác giả là người trước đây đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khoẻ, sau khi ra trường lại cảm thấy mình bơ vơ, ngơ ngác trước con đường học vấn mênh mông. Thú thật, ở trường tác giả không học được gì hơn là những ý thức thông thường, nhưng không tiêu hoá được bao nhiêu. Là vì chương trình quá nặng mà thời gian tiêu hoá rất ngắn. Cho nên ra trường được vài năm thì dường như đã quên gần hết những gì mình đã học. Sở dĩ sau này mà có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu cũng đều nhờ công phu tự học cả. Tác giả nhận thấy câu nói này của Gibbon rất đúng: “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy”. Đó là trường hợp của tác giả. Và, như Bác sĩ Gustave Le Bon đã nói, tác giả cũng đã “dùng phần thứ hai của đời mình để đả phá những ảo vọng, những sai lầm và những nếp suy tưởng hẹp hòi lạc hậu mà mình đã hấp thụ được trong khoảng đời thứ nhất” của mình ở nhà trường.

ĐỌC THỬ

Trước đây về vần đề này, tác giả đã có cho xuất bản hai quyển Óc sáng suốt và Thuật tư tưởng. Quyển Tôi tự học hôm nay chỉ để bổ túc hai quyển trước mà thôi. Bởi vậy, nếu các bạn đọc nhận thấy rằng đề cập đến vấn đề học hỏi mà bỏ qua vấn đề luyện trí nhớ, tập quan sát, luyện giác quan, cùng những phương pháp suy luận là một điều thiếu sót lớn, thì xin các bạn nên biết cho rằng những vấn đề ấy đã được bàn rất rộng trong hai quyển đã kể trên. Lắm khi cũng có một vài vấn đề đem ra bàn lại, dĩ nhiên là với nhiều tài liệu phong phú hơn, được bàn rộng về nhiều khía cạnh hơn.

Đây là một mớ nguyên tắc, không phải chỉ tự mình tìm ra, mà phần nhiều là của những bậc tiền bối cổ kim, đã giúp ích tác giả rất nhiều trong con đường học vấn. Những kinh nghiệm của tác giả trong thời gian tự học thường chỉ dùng để tán rộng và bình phẩm những nguyên tắc do các bậc đàn anh chỉ dẫn. Dĩ nhiên là khi biên chép lại, tác giả đã nhìn nhận rằng nó đã giúp được rất nhiều cho tác giả, và như thế cũng có nghĩa là rất có thể nó sẽ không giúp ích gì cho những ai khác có những thiên tư cùng năng khiếu khác mình. Vì vậy mới có tên làm tựa sách là Tôi tự học mà không dám đề là Tự học suông, như các sách cùng loại đã xuất bản. Như vậy, những thiếu sót, hoặc vụng về hoặc sai lạc đều là do những kinh nghiệm còn nhiều bỡ ngỡ của tác giả. Seignobos, Désiré Roustau, Marcel Prévost, Jean Guitton, Jules Payot, Gustave Rudler, là những học giả mà tác giả đã chịu nhiều ảnh hưởng nhất, không phải về tư tưởng, mà về phương pháp tự học.

Học là để cho đầu óc và tâm hồn càng ngày càng cao hơn, rộng hơn… Có cao, có rộng thì mới tránh được cái nạn thiên kiến, chấp nhất của những đầu óc hẹp hòi. “Óc hẹp hòi”, theo Charles Baudoin, “là những đầu óc không thưởng thức nổi những gì mình không ưa thích”. Ông lại nói: “Từ sự không có văn hoá đến lòng thiên chấp, chỉ có một bước mà thôi” (De l’inculture à l’intolérance, il n’y a qu’un pas). Thật có như vậy.

Người có văn hoá cao là người mà tâm hồn thật cao rộng, dung nạp được tất cả mọi ý kiến dị đồng, không có những thành kiến hay tư tưởng một chiều, bao giờ cũng nhìn thấy tất cả mọi bề mặt và bề trái của sự đời. Bởi vậy, muốn có được một tâm hồn cao rộng ít ra phải có một nền học thức rộng đủ mọi mặt, kiêm cả Đông Tây Kim Cổ. Kẻ nào tin tưởng một cách quả quyết rằng chỉ có mình nắm được chân lý tuyệt đối, là không thể có lòng khoan dung rộng rãi. Nhất là không thể là một nhà tâm lý sâu sắc được.

Học rộng sẽ giúp ta đi từ “tuyệt đối luận” qua “tương đối luận”, biết vượt lên trên những lập trường eo hẹp hạn định của một hệ thống tư tưởng hạp với mình để thông cảm với những hệ thống tư tưởng khác không hạp với lòng ưa thích của mình. Người học thức rộng là người biết thưởng thức tất cả mọi hình thức văn hoá bất luận Đông Tây hay Kim Cổ.

Đầu óc hẹp hòi, hay suy nghĩ có một chiều, nên dễ sanh ra cuồng tín. Cuồng tín là tai hoạ ghê tởm nhất của thời đại, bất cứ là thời đại nào. Trừ bớt nó được chút nào, may ra chỉ có Văn hoá. Như vậy, phải chăng Văn hoá là phương tiện tranh đấu duy nhất để đem lại Tình Thương và Hoà Bình cho nhân loại. Đó là mục tiêu cao nhất của Văn Hoá: làm cho con người hoàn thành sứ mạng của Con Người.

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN

Sài thành 22 tháng 5 năm 1960

CHƯƠNG THỨ NHẤT. THỬ TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA

A. THẾ NÀO LÀ NGƯỜI HỌC THỨC?

Lễ Ký có nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý”. Có người dịch như vầy: “Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường…”

Nhưng thế nào là “người có học”?

Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra.

Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc… Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả.

Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi… Sự tình ấy không phải lỗi gì nơi những người ấy, họ là nạn nhân của chế độ nhà trường ngày nay, mà tôi sẽ bàn đến ở một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những bằng cấp nói trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lý thuyết, nhưng về phần thực tế… họ đâu có hơn gì một con “Vẹt”. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và Hành cần phải hiệp nhứt mới được gọi là người “có học thức”.

Người xưa có ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…” Học mà không tiêu hoá, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu… Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói… Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc. Georges Duhamel có nói: “Đừng sợ máy móc của bên ngoài… hãy sợ máy móc của cõi lòng…”(42). Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hoá đã đến ngày cùng tận rồi… mà tinh thần loài người rồi cũng đến lúc diệt vong: có xác mà không hồn… Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội ngày nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc “học thức nửa mùa” ấy gây nên?

Thế thì, học và học thức không thể lầm lẫn với nhau được. Ta cần phải để ý phân biệt hai lẽ ấy.

Thật vậy, có những sự hiểu biết chỉ bám ngoài da mà không thể ăn sâu vào tâm khảm của ta. Nó chỉ là một nước sơn bóng nhoáng và chỉ là một lớp sơn thôi… Cái học của ta không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn ta cả. Trái lại, cũng có nhiều thứ hiểu biết liên lạc với ký ức ta, với tư tưởng ta, với tình cảm dục vọng ta, nó hoà hợp với cái người tinh thần của ta không khác nào khí huyết tinh tuỷ đối với thân thể của ta vậy. Giữa những sự hiểu biết ấy và ta, có một thức tác động và phản động, xung đột nhau, hoà hợp nhau để thay đổi nhau và thay đổi luôn cả cái người của ta nữa…

Tôi muốn nói: giữa ta và những điều ta học hỏi phải có một sự tiêu hoá, hay muốn nói theo Kinh Dịch, phải có một việc thần hoá (thần nhi hoá chi) mới được.

Vậy, ta phải dành chữ “học thức” cho những bộ óc thông minh biết đồng hoá với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau.

Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo cấp bằng của họ, những cấp bằng ấy phần nhiều là những cấp bằng trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai hoạ cho loài người hiện thời.

Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết.

“Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” – Biết, thì biết là mình biết, không biết thì biết là mình không biết, ấy mới là thật biết. Học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ không phải thuộc “lượng”.

Cái học mà đã được đồng hoá rồi thì không còn nói là cái học bên ngoài nữa. Cỏ mà bị chiên ăn rồi, không còn là cỏ nữa. Dâu mà bị tằm ăn, không còn gọi là dâu nữa.

Học, cũng như ăn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button