Kỹ năng mềm

Tôi Làm Việc, Tôi Hạnh Phúc

toi lam viec toi hanh phuc sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trí Quang đại sư

Download sách Tôi Làm Việc, Tôi Hạnh Phúc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TỪ GIỜ, TA HÃY LÀ

MỘT NGƯỜI HẠNH PHÚC

Nhắc tới hạnh phúc, người ta thường nghĩ nó gắn liền với sự giàu có nhất nhì một vùng, sự xuất sắc hơn người, tiếng tăm vang dậy xa gần; nói khác đi, đó chính là vinh, hoa, phú, quý.

Mọi chúng sinh đều theo đuổi vinh hoa phú quý. Vì nó, họ làm việc không quản ngày đêm. Thế nhưng, công việc lại mang đến biết bao phiền não: dù là một nông phu bận rộn việc cấy cày trồng trọt hay một nhà sáng lập khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, một công chức bôn ba từ cơ quan này sang cơ quan khác, tất cả đều phải đối mặt với muôn nỗi muộn sầu phát sinh trong lao động.

Để sinh tồn, con người phải làm việc, nhưng công việc luôn mang lại khổ đau; để cảm nhận sự ấm áp của tình người, con người phải chung sống với nhau, nhưng cuộc sống tập thể lại luôn song hành cùng mâu thuẫn; khát khao được người khác thấu hiểu và cảm thông, nhưng những gì nhận được chỉ là sự hiểu lầm và ánh mắt lạnh lùng.

Công sở là nơi mọi người cùng nhau làm việc, khó tránh khỏi nảy sinh vấn đề này hay vấn đề khác. Nếu phần lớn thời gian làm việc trong ngày bạn tự dày vò, dằn vặt mình thì hơn một nửa cuộc đời, bạn phải sống với nỗi đau triền miên không dứt.

Kết quả một cuộc điều tra trắc nghiệm cho thấy, “Vì cuộc sống mưu sinh” là đáp án được chọn nhiều nhất của câu hỏi “Mục đích của bạn khi đến công ty làm việc là gì?” Khó ai có thể đạt được cảnh giới “Tôi mong muốn được thể hiện mình và đúc rút nhiều bài học bổ ích qua cuộc sống ở công sở”. Có một thực tế là, càng làm việc lâu, con người càng mất đi lòng hăng say cống hiến, trong họ chỉ còn nỗi mệt mỏi vô cùng vô tận. “Đi làm vì cuộc sống mưu sinh”, tất nhiên đó là câu trả lời chính xác và thẳng thắn nhất, nhưng nếu chỉ dừng lại ở ý nghĩa ấy thì một ngày nào đó, bạn sẽ băn khoăn tự hỏi: “Rốt cuộc, mình sống trên đời là vì cái gì?”

Công việc nhiều khi khiến bạn bận rộn tới mức không còn đủ thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống. Nỗi lo lắng vì chưa thể thấy sự nghiệp tương lai, nỗi muộn phiền vì mối quan hệ giữa người với người, áp lực phải làm việc để được hưởng mức lương cao hơn và khát khao được đề bạt, nỗi dằn vặt vì không thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, sự khác biệt quá lớn giữa lý tưởng và hiện thực, tình cảnh tiến thoái lưỡng nan ở công ty, những khó khăn chưa thể tháo gỡ trong công việc, nỗi mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần do công việc nhiều và nặng… khiến con người chỉ muốn mau chóng thoát khỏi tình cảnh khó khăn ấy. Quá nhiều phiền não làm con người đánh mất tình yêu công việc, thậm chí vứt bỏ sự nghiệp; mâu thuẫn trong quan hệ xã hội khiến con người chọn cách xa rời tập thể; gánh nặng kinh tế làm con người không còn sức lực.

Nhưng sau khoảng thời gian dừng lại, nghỉ ngơi và điều chỉnh, con người vẫn sẽ chọn công việc, chọn cách kết giao với những người mới và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt. Tuy đã nỗ lực giải quyết vấn đề nhưng họ chẳng những không thể giải quyết vấn đề mà còn rơi vào vòng quay đau khổ không dứt của nhân gian, để rồi cuối cùng lại cảm thấy mệt mỏi, chán chường, nản lòng và tuyệt vọng: “Chẳng nhẽ đây là tất cả ý nghĩa của cuộc sống sao?”

Chúng ta hãy cùng đi tìm nguyên nhân bên trong của tình trạng ấy. Mỗi khi đối diện với khó khăn, mâu thuẫn và đau khổ, bạn đừng vội oán trời trách người, mà trước tiên hãy xét hỏi lại bản thân mình. Bạn sẽ thấy rằng, trăm nỗi lòng đau khổ không phải do người khác mang đến mà là do chính bạn tự tạo mà thôi. Khi đã tìm được căn nguyên, bạn sẽ biết phải giải quyết sao cho thuận lợi.

Nếu phủ định mối liên hệ giữa cuộc sống nơi công sở với niềm hạnh phúc của bản thân mỗi người, chúng ta không thể có được cuộc sống hạnh phúc. Nếu bạn cho rằng làm việc chỉ vì mục đích kiếm tiền và dùng số tiền ấy để kiếm tìm hạnh phúc và tự do thì hạnh phúc và tự do – hai chữ ấy sẽ ngày càng rời xa bạn. Hãy vứt bỏ quan niệm “Hi sinh hôm nay cho ngày mai” để nỗ lực làm việc hơn nữa và cảm nhận niềm vui sướng hạnh phúc trong từng phút giây của hiện tại.

Tôi thực lòng mong cuốn sách này có thể giúp các bạn độc giả tiến một bước lớn trên con đường hướng tới hạnh phúc.

Xuân 2009

Đại sư Pomnyun Sunim

ĐỌC THỬ

Chương 1:

TÔI THỰC SỰ HI VỌNG CÓ THỂ VUI VẺ LÀM VIỆC

Điều chỉnh tâm thái, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc nơi công sở
Bạch Đại sư, con muốn hỏi:

Con làm việc ở cơ quan mình đã 10 năm mà vẫn chưa có thành tựu nào đáng kể. Vì công việc ổn định, nhiều người ngưỡng mộ nên con gắng kiên trì tiếp tục. Con không giỏi giao tiếp, kết quả công việc chỉ ở mức bình thường khiến con ngày càng thiếu tự tin. Mỗi lần nghĩ đến sẽ tiếp tục công việc như thế này mãi, con lại vô cùng lo lắng. Thưa thầy, con biết phải làm sao bây giờ ạ?

Đối diện trực tiếp với đau khổ
Phần đông những người tham gia một cuộc điều tra trắc nghiệm đều chọn câu trả lời “Vì cuộc sống mưu sinh” cho câu hỏi “Mục đích của bạn khi đến công ty làm việc là gì?” Chúng ta đi làm “vì cuộc sống mưu sinh” là sự thật không ai có thể tranh cãi, và đó cũng là câu trả lời thẳng thắn, chân thật nhất. Cũng bởi cuộc sống mưu sinh, chúng ta mới dành phần lớn thời gian đời mình để làm việc.

Rất hiếm người chọn câu trả lời “Tôi mong muốn được thể hiện mình và đúc rút nhiều bài học bổ ích qua cuộc sống ở công sở”. Thực trạng chung của hầu hết người đi làm là tuy vất vả, mệt mỏi nhưng vẫn phải vùi đầu vào công việc.

Thực ra, nếu cuộc sống công sở có đôi ba phần thú vị thì dẫu vất vả, mệt mỏi chúng ta vẫn có thể chịu đựng được. Làm việc vì cuộc sống mưu sinh vốn đã cực nhọc, vậy mà cả ngày chúng ta luôn phải nơm nớp lo âu, lấm lét quan sát vẻ mặt của người khác để hành động. Sự đấu tranh công khai và ngấm ngầm giữa đồng nghiệp với nhau khiến chúng ta chẳng thể nào ứng phó được, thêm vào đó phải cẩn thận đề phòng, bởi biết đâu một ngày nào đó, sẽ có người mới đạp mình để tiến lên. Sống trong tình cảnh ấy, làm sao chúng ta dám mong kết bạn với đồng nghiệp?

Sự đấu tranh công khai và ngấm ngầm giữa đồng nghiệp với nhau, nỗi lo lắng bị hất cẳng luôn thường trực, áp lực nặng nề của công việc… Tại sao chúng ta phải chịu đựng tất cả những điều đau khổ đó? Chẳng phải vì chúng ta muốn có địa vị cao hơn và kiếm nhiều tiền hơn hay sao?

Số tiền vất vả làm ra đó chúng ta dùng vào việc gì? Mặc đồ hiệu, thưởng thức của ngon vật lạ, trang điểm lộng lẫy, sắm nhà mua xe… Bao mồ hôi nước mắt chỉ để đổi lại những vật ngoài thân, cuộc sống như thế phỏng có ý nghĩa gì?

“Con người sống trên đời là vì cái gì?”, câu hỏi này chúng ta vẫn chưa trả lời được. Sống ở trên đời không phải bởi một lý do đặc biệt nào, chỉ cần có thể “sống” là được. Vậy, đâu là cách sống tốt nhất? Tất nhiên, ai cũng mong được sống một cuộc đời hạnh phúc, không bị đau khổ bủa vây.

Nhưng cuộc sống thực tế của chúng ta thì sao? Vì một tương lai hạnh phúc, chúng ta lựa chọn con đường học tập gian khổ, chọn kết hôn sống đời chồng vợ, sinh con đẻ cái, đi làm cho một tổ chức nào đó hoặc tự mình lập nghiệp… Vậy mà, học tập thì vất vả, hôn nhân thì bất hòa, con trẻ luôn gây bao điều rắc rối, cuộc sống công sở không như ý muốn, con đường lập nghiệp thì gập ghềnh trắc trở…

Con người lựa chọn kết hôn sống đời vợ chồng vì tin rằng, hai người cùng chung sống tất sẽ hạnh phúc hơn một người cô độc, để rồi sau đó phải chịu bao ấm ức, tức bực của cuộc sống gia đình và lại nghĩ, sống một mình có lẽ sung sướng hơn. Liệu độc thân có khiến con người hạnh phúc?

Cuộc sống công sở cũng giống như vậy. Người chưa có việc làm thì mải miết chạy đôn chạy đáo tìm việc, người có việc làm lại chán ghét cuộc sống công sở, chỉ hận đã dấn thân quá sâu vào bể khổ nên không thể rút chân ra được; người không tìm được việc thì cả ngày sầu não, người có công việc lại đau khổ khôn nguôi. Thực ra, trong mắt người khác, công việc của chúng ta tốt xấu ra sao không quan trọng, nếu con cảm thấy thật sự mệt mỏi, hãy dứt khoát từ bỏ nó. Chúng ta làm việc là để mong tìm một cuộc sống hạnh phúc, nếu nó làm con đau khổ thì đừng nên vương vấn làm gì.

Ví như bác sĩ và luật sư là hai nghề hái ra tiền mà ai ai cũng thèm muốn, thế nhưng có người vẫn không tha thiết. Một công việc có gì quá quan trọng? Liệu nó có đáng để con níu kéo và chịu đựng nỗi đau khổ dày vò? Quả thực không đáng! Nếu công việc là ngọn nguồn bất hạnh của con thì từ bỏ nó có gì là khó? “Từ bỏ một công việc tốt như thế, thật là ngu ngốc”, con đừng nên bận tâm tới những câu nói của người ngoài cuộc đó, mà nên rút lui trong yên lặng và làm việc mình yêu thích.

“Từ bỏ công việc hiện tại có làm mình thật sự hạnh phúc?” Đó là điều con nên suy nghĩ kĩ càng. Bởi dù con có rẽ sang một lối đi khác, biết đâu con lại bước vào con đường đau khổ thứ hai trong cuộc đời? Bi đát hơn, con không thể tìm được điểm dừng chân mới, biến thành một kẻ thất nghiệp lêu lổng, chẳng phải con sẽ càng u uất hơn sao? Bởi thế, con cần nhận thức rõ ràng về bản thân mình. Dù con chuyển sang một công việc mới hay xin thôi việc để rong chơi thì cuộc sống của con vẫn không thể khá hơn hiện tại. Do đó, vứt bỏ công việc đang làm không phải là lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Thực ra, chúng ta không nên quan tâm nhiều tới việc “Có nên bỏ việc hay không” mà cần cố gắng nắm chắc vị trí hiện có của mình, đồng thời nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc ở công sở. Điều chúng ta cần nhìn lại không phải là công việc đang làm mà là nhận thức sai lầm trong nội tâm của chúng ta rằng “công việc khiến ta đau khổ”.

Lặng lẽ xin thôi việc rồi mới truy tìm nguồn gây sầu não, rất có thể con sẽ hối hận vì quyết định nông nổi của mình. Thôi việc, dĩ nhiên là một biện pháp để thoát khỏi bể khổ, nhưng tuyệt đối không phải là thượng sách. Bởi ít lâu sau khi vứt bỏ công việc, xa rời đồng nghiệp trong trạng thái lưỡng lự khó quyết, con sẽ thấy mình hối hận không nguôi.

Bởi thế, thầy khuyên con hãy nhẫn nhịn chịu đựng gánh nặng công việc thêm một thời gian nữa và bắt đầu tu tâm dưỡng tính. Con thử vừa làm việc vừa tu hành xem tâm hồn mình có bình yên hơn không. Còn như xin thôi việc, chờ khi những đợt sóng trong lòng con hoàn toàn dịu lại, con hãy nghĩ đến, lúc đó cũng chưa hẳn đã muộn. Như thế, dù quyết định cuối cùng của con là thôi việc, con sẽ không phải hối hận.

Cũng với đạo lý ấy, khi con người bị vướng vào đau khổ của cuộc sống gia đình, nặng nề và u uất tới mức muốn ly hôn, thì trước tiên hãy đóng cửa phòng, ngồi yên một chỗ và suy nghĩ thật chín chắn. Con cần hiểu rằng, căn nguyên nỗi đau của con không phải là do con còn độc thân hay đã thành gia thất mà là do sự vô tri trong lòng con.

Khi con người tĩnh tâm và suy nghĩ sâu sắc sẽ thấy lòng mình giống như một tấm gương sáng đầy trí khôn, có thể chọn cho mình một con đường không phải hối tiếc. Dù có sa chân vào “nấm mồ” hôn nhân, con cũng sẽ cố gắng để làm cho cuộc sống của hai người trở nên hòa hợp, yêu thương khiến người người ngưỡng mộ. Có điều, khi mơ hồ trong cõi mịt mù của câu hỏi “Làm hay không làm?”, con người luôn muốn trao quyền quyết định cho người khác. “Làm hay không làm?”, đó là lựa chọn của riêng bản thân con.

Trong lúc mông lung mất phương hướng, con người thường làm những việc khiến mình phải hối hận về sau. Vì thế, thầy khuyên con cũng như tất cả mọi người, hãy thật bình tĩnh và suy đi tính lại trước khi quyết định, bởi đó là cách để chúng sinh có được tự do và hạnh phúc.

Rút cục, chúng ta nên đi con đường nào? Thật khó đoán định câu trả lời giữa dòng đời bon chen, đấu đá lẫn nhau với biết bao toan tính không tầm thường. Hãy gạt bỏ câu hỏi đó sang một bên để nhìn lại mình nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn, tới khi lòng mình giống như một tấm gương sáng với dòng nước đã ngừng chảy trôi trước mắt, câu trả lời sẽ tự hiện lên mà con không phải vất vả mất công kiếm tìm.

Bạch Đại sư, con muốn hỏi:

Con là phận nhi nữ thường tình, đã trải qua bao thăng trầm của hơn 20 năm làm việc. Hồi nhỏ, con thông minh sáng dạ, luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Con đã đi hết đời học sinh trong tiếng vỗ tay tán thưởng của bao người. Vậy mà, sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, con lại bị cấp trên và đồng nghiệp khinh khi, ghét bỏ. Tính tình con, tuy không thể nói là cởi mở, khoáng đạt nhưng cũng đâu đến nỗi khắt khe cay nghiệt. Đồng nghiệp cũng thừa nhận, thi thoảng con có hơi cố chấp, song về cơ bản là một người trung thực, thẳng thắn. Từ xưa tới nay, con luôn tích cực và chăm chỉ làm việc, chẳng bao giờ biếng nhác.

Con thật không hiểu tại sao mình lại bị đối xử lạnh nhạt như vậy? Lẽ nào do kiếp trước con đã làm quá nhiều điều ác nên kiếp này phải gánh tội? Nếu xét về tuổi tác thì bây giờ lẽ ra con đang ở thời hoàng kim với một địa vị cao và ổn định, danh giá vẻ vang. Đáng buồn thay, sự thật lại quá phũ phàng! Gian truân hơn 20 năm rồi mà con vẫn hai bàn tay trắng, chẳng chút thành tựu. Giờ đây, lửa nhiệt tình của con đã nguội lạnh, chán nản và mệt mỏi, con chỉ muốn xa rời nơi đau thương này. Cuộc đời giống như một biểu thức vô định, khiến con người không biết phải tôi luyện ra sao. Có lẽ, nợ con phải trả trong kiếp này quá nhiều, nên không thể không tiếp tục dốc lòng tu tâm dưỡng tính chăng?

Oán hận sao bằng tỏ lòng biết ơn

Nếu khả năng của con có mười phần thì con cần biết cách điều chỉnh độ lửa, chỉ nên thể hiện ra bên ngoài tám phần thôi. Đó là kế hay để con người có được một cuộc sống hài lòng thỏa ý. Thử nghĩ xem, nếu con chỉ thể hiện năm phần mười năng lực của mình thì chắc chắn rằng, sẽ chẳng kẻ tiểu nhân nào đố kị với con cả. Thời gian đầu có thể mọi người không để ý tới con, nhìn con bằng ánh mắt thờ ơ lãnh đạm, nhưng lâu dần, thái độ điềm tĩnh thản nhiên, vững vàng như núi Thái Sơn cùng tấm lòng chân thành, cách cư xử lễ phép của con với mọi người sẽ làm họ cảm động và sẵn lòng rút ngắn khoảng cách với con. Như thế, mối quan hệ của con với đồng nghiệp đã tiến thêm một bước. Nhưng nếu năng lực của con có mười phần, mà con lại gồng mình phát huy tới mười hai hay mười lăm phần, một thời gian ngắn sau, năng lực thực sự của con sẽ được kiểm chứng sau những cạnh tranh khốc liệt nơi công sở. Khi đó, con bị giáng chức vì năng lực không đủ, phải làm công việc bàn giấy rảnh rang và nhàm chán.

Thầy tin rằng, con là một người cực kỳ căm ghét chuyện ngấm ngầm, công khai đấu đá, lừa gạt lẫn nhau ở cơ quan nên luôn bị dằn vặt bởi nỗi niềm “Kiếp trước không biết mình đã gây nghiệp gì mà kiếp này phải rơi vào lò lửa ấy? Mình còn phải chịu đựng bao nhiêu nỗi dày vò ở nơi bể khổ vô biên này nữa mới trả được hết nợ?” Thầy chỉ có thể nói rằng, có suy nghĩ ấy nghĩa là con ở trong phúc mà không biết phúc. Bởi lẽ, công việc hiện giờ của con cũng là một ân phúc mà ông trời ban tặng, con nên vui vẻ đón nhận với tâm niệm: “Nhờ phúc đức của tổ tiên nên mình mới được hưởng ân sủng và hậu đãi nhiều như thế”. Hãy thay đổi suy nghĩ và tâm thái của mình con ạ!

“Tạ ơn Phật Tổ, con tài hèn đức mọn mà lại được hưởng hồng ân, có được một công việc tốt như vậy, thật là một niềm vinh hạnh lớn lao! Các bạn con phải bôn ba khắp nơi, mòn gót giày mà vẫn không có kết quả, tới giờ vẫn phải ngồi nhàn ở nhà. Còn con có một công việc để làm, được hòa mình vào xã hội tươi vui khiến con hứng khởi vô cùng. Bao người phải vất vả làm việc ngày đêm mà chẳng được thù lao, còn con, hàng tháng lĩnh lương đều đặn, không khi nào bị chậm. Và con vẫn làm việc mà không bị đuổi, lòng con cảm kích biết bao trước ân sủng của Phật Tổ”.

Con hãy cầu nguyện với trái tim chân thành và tha thiết nhất, hãy vui vẻ làm việc và tích cực giúp đỡ mọi người trong cơ quan.

Cảm giác “bị khinh khi” là do sự tự ti nằm trong sâu thẳm lòng con tạo thành, không phải là người khác ghét con mà là con tự ghét bản thân mình. Ở cơ quan, chỉ cần con biết tôn trọng cấp trên, quan tâm tới đồng nghiệp, giúp đỡ người dưới, sống với một trái tim vui vẻ và lạc quan, trước mắt con sẽ là một thế giới hoàn toàn khác lạ, con sẽ tìm thấy vẻ đẹp của cuộc sống mà trước nay con chưa cảm nhận bao giờ. Và kỳ tích cũng theo đó mà tới với con thôi.

Cũng như khi đã lấy chồng, con cần biết giữ cho mình tâm trạng mừng vui, hớn hở và trong sáng để trở thành người vợ dịu dàng, người mẹ hiền thương con hết mực. Một gia đình hạnh phúc sẽ giúp con ghi thêm nhiều điểm tốt ở nơi làm việc.

Cuộc sống như thế ở gần ngay trước mắt con, hoàn toàn có thể sờ với được. Tại sao mọi người luôn nghĩ rằng, cuộc sống tuyệt diệu giống như hoa trong gương, trăng dưới đáy nước, chỉ có thể đứng từ xa nhìn ngắm mà chẳng thể nào lấy được? Giả dụ, một ngày nào đó, Nữ thần may mắn nhẹ chớp hàng mi ban tặng một cơ hội thăng chức đáng mơ ước thì con cũng đừng vội vã tranh giành, mà hãy học cách nhường nó cho người khác. Nếu con đã nhường nhưng cấp trên vẫn quyết định dành cho con phần thưởng đó, con hãy khiêm tốn và lễ phép tiếp nhận chức vụ mới, hãy thể hiện cho người người thấy rõ: “Cấp trên đã tín nhiệm và coi trọng tôi như vậy, tôi sẽ gắng mang hết sức lực để làm việc, không phụ lòng mong đợi của mọi người”. Như thế, con có thể trút bỏ gánh nặng tư tưởng và tiếp nhận chức vụ mới cao hơn trong tâm thái khoan khoái, nhẹ nhàng.

Nhường cho người khác trước khi được bổ nhiệm chức vụ mới, thì dẫu người thăng chức cuối cùng vẫn là con, con cũng không bị đồng nghiệp đố kị và ghét hận. Mọi người không ai có thể phản cảm với thái độ thản nhiên của con, tất cả đều hòa nhã và cảm thấy vui sướng khi tiếp chuyện với con, còn gì tuyệt vời hơn thế? Nếu tĩnh tâm tu hành, con sẽ cảm nhận được cuộc sống thảnh thơi đó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button