Kỹ năng mềm

Tối Đa Hóa Năng Lực Bản Thân

Lời giới thiệu

Bạn cũng không thể âm thầm chờ đợi một cố vấn hoàn hảo nào đó sẽ xuất hiện và chỉ cho bạn cách phát triển những kỹ năng thiết yếu của bản thân.

Và bạn càng không thể hy vọng vào một tương lai mơ mộng, nơi dựng sẵn những biển chỉ dẫn chi tiết và lập sẵn những kế hoạch khả thi.

Để giúp bạn mạnh mẽ tiến lên trong một thế giới cần rất nhiều can đảm này, Tối đa hóa năng lực bản thân sẽ tập trung vào phân tích bốn khía cạnh then chốt mà chúng tôi tin là vô cùng cần thiết cho một sự nghệp dài hạn thành công:

+ Nắm bắt và tạo ra những cơ hội mới,

+ Tích lũy kinh nghiệm theo thời gian

+ Tạo dựng quan hệ hợp tác, và

+ Học cách đương đầu với rủi ro.

Đó là những bí quyết căn bản để tạo dựng sự nghiệp với ngập tràn niềm hứng khởi, gặt hái thành công và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Bạn là một cá thể tự do, hãy tận dụng điều đó

Scott Belsky, nhà sáng lập Behance.

Khi nói đến sự nghiệp và kinh nghiệm làm việc của bản thân, chúng ta thường trở nên ích kỷ – một cách tích cực. Được trả lương thôi không đủ; chúng ta còn mong đợi được học hỏi thực sự trong công việc. Chúng ta muốn những kỹ năng của mình được tận dụng triệt để và thường không thoả mãn với “những việc dễ dàng”. Chúng ta muốn có thêm trách nhiệm khi sẵn sàng, thay vì chờ cho tới khi được “đặt trách nhiệm lên vai”. Chúng ta mong đợi được làm nhiều hơn những việc mình ưa thích, tự động xử lý những khó khăn và sự đơn điệu trong công việc của bản thân.

Chúng ta là những người đầy tham vọng nhưng thiếu kiên nhẫn. Bởi chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mà ở đó chúng ta được trao quyền để khơi gợi, tận dụng hết những tiềm năng của bản thân. Nhưng cơ hội và thành công không đến từ cảm giác về quyền hạn. Khả năng bạn nhận ra tiềm năng của bản thân sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng mài giũa các kỹ năng, chấp nhận đương đầu với những rủi ro vô cùng lớn và đặt cái tôi sang một bên để theo đuổi những gì lớn lao hơn.

Cho dù đó là công nghệ mới, mạng xã hội hay các công cụ kinh doanh đã từng một thời nằm ngoài tầm với, giờ đều sẽ nằm trong tay bạn. Chúng ta thực sự được trao quyền để làm việc theo cách của riêng mình và làm nhiều hơn với lượng thời gian ít hơn. Và kết quả là, chúng ta mong đợi nhiều hơn từ cấp trên cũng như từ chính bản thân. Khi có được nguồn lực và cơ hội xứng đáng được hưởng, chúng ta sẽ tạo ra tương lai.

Đây là cái tên dành cho chúng ta: Những cá thể tự do

Những cá thể tự do muốn gây dựng sự nghiệp bằng chính đôi tay của mình và khiến cả thế giới phải phục vụ họ. Họ biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn tự lực cánh sinh và vô cùng mạnh mẽ. Bạn sẽ thấy họ làm việc độc lập, trong những nhóm nhỏ hoặc những công ty lớn. Và khi thế giới thay đổi, những cá thể này sẽ định hình lại “công việc” như chúng ta đã biết. Rõ ràng, chúng ta có những kỳ vọng quá lớn.

Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta làm những việc mà về bản chất là đáng làm.

Nhưng chúng ta không tạo ra thành quả cho riêng mình mà muốn làm ảnh hưởng thiết thực và lâu dài đến thế giới xung quanh ta.

Chúng ta tập trung phát triển sự linh hoạt và đạt được hiệu quả cao nhất khi cảm thấy gắn bó chặt chẽ với công việc. Chúng ta cần tự do, dù cho đang đi làm thuê cho các công ty hay tự kinh doanh, để tiến hành những thử nghiệm, tham gia vào nhiều dự án cùng lúc và hiện thực hóa các ý tưởng.

Chúng ta thực thi các ý tưởng thường xuyên và do đó cũng thất bại thường xuyên. Về cơ bản, những vấp ngã sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng và hãy xem mỗi thất bại là một cơ hội học hỏi, một phần trong bài học thực tế dành cho bản thân.

Chúng ta không khoan nhượng trước những va chạm của bộ máy quan liêu, các mạng lưới cũ và những hoạt động kinh doanh lỗi thời. Chúng ta thường đặt câu hỏi về “thủ tục vận hành tiêu chuẩn” và đòi quyền lợi cho bản thân. Nhưng ngay cả khi điều đó là bất khả thi, chúng ta cũng không để cho hiện trạng chi phối, thay vào đó, chúng ta tìm ra những cách thức thông minh xoay quanh vấn đề đó.

Chúng ta mong đợi được trọng dụng hết mức và đánh giá một cách lạc quan, bất chấp chúng ta đang làm việc trong một công ty khởi nghiệp hay một tổ chức lớn. Khi đóng góp của chúng ta và việc học hỏi bão hòa, chúng ta rời đi. Nhưng khi thúc đẩy các nguồn lực của một công ty lớn để tác động đến thứ chúng ta quan tâm, chúng ta thường sẽ rất hào hứng! Chúng ta luôn muốn nỗ lực hết mình và tạo được ảnh hưởng lớn nhất có thể.

Chúng ta coi công nghệ nguồn mở, API – Giao diện lập trình ứng dụng và khối lượng kiến thức khổng lồ về Internet là kho vũ khí của riêng mình. Wikipedia, Quora và những cộng đồng mở cho các nhà thiết kế, những nhà phát triển và các nhà tư tưởng được chúng ta xây dựng và nhằm phục vụ chúng ta. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta tận dụng kiến thức tập hợp được để đưa ra quyết định tốt hơn cho bản thân và khách hàng của mình. Chúng ta cũng đóng góp vào các nguồn tài nguyên mở này với một tâm thức “đáp đền tiếp nối”.

Chúng ta tin rằng “networking” là sự sẻ chia. Mọi người nghe (và làm theo) chúng ta vì sự sáng suốt và năng lực quản lý của mình. Khi chia sẻ những thành quả cũng như những gì hấp dẫn mình, chúng ta đã thực sự tao ra một cộng đồng những người ủng hộ, họ mang lại cho chúng ta những phản hồi, sự khích lệ và đưa đường chỉ lối chúng ta đến với những cơ hội mới. Vì lý do này và nhiều lý do khác, chúng ta thường (dù không phải lúc nào cũng vậy) chọn lựa sự minh bạch thay vì sự riêng tư.

Chúng ta tin vào chế độ nhân tài và sức mạnh của các mạng lưới trực tuyến cũng như các cộng đồng chia sẻ nhằm nâng cao khả năng làm những điều chúng ta yêu thích và đạt được hiệu quả cao hơn nhờ làm tốt chúng. Chúng ta xem cạnh tranh như một động lực tích cực thay vì một mối đe dọa, bởi chúng ta muốn có các ý tưởng tuyệt vời – và thực hiện chúng tốt nhất có thể – để thành công.

Chúng ta dành hết nhiệt huyết sống để làm những gì chúng ta yêu thích. Chúng ta coi mình vừa là nghệ sỹ vừa là doanh nhân. Trong nhiều trường hợp, chúng ta tự cho mình là kế toán, đại diện marketing, giám đốc phát triển kinh doanh, chuyên viên đàm phán kiêm nhân viên bán hàng. Chúng ta dành nhiều năng lượng cần thiết để đầu tư vào bản thân như là các hoạt động kinh doanh – tận dụng những công cụ và kiến thức (hầu hết là miễn phí và trực tuyến) một cách tối ưu để vận hành bản thân như một doanh nghiệp hiện đại.

Chương I. Tạo ra cơ hội

Xác định và tận dụng những cơ hội mới trong sự nghiệp.

Tư vấn nghề nghiệp theo cách truyền thống là một cách tiếp cận thụ động trong quá trình xin việc: Chọn một danh sách công việc, ứng tuyển, chờ hồi âm. Trúng tuyển, thể hiện bản thân, chờ được cất nhắc. Bắt đầu lại, tái lặp, ì trệ. Nhưng kiểu thái độ “há miệng chờ sung” đó sẽ rất khó đưa bạn đến được với thành công.

Với các nguồn lực của thế kỷ XXI trong tay, chúng ta có thể và nên trở thành những người tham gia chủ động vào quá trình định hình tương lai của bản thân. Chúng ta phải tìm ra các cơ hội chiến lược bằng tài xoay xở và khả năng thích ứng của một doanh nhân khởi nghiệp, đồng thời phải tạo ra những cơ hội cho chính chúng ta bằng cách không ngừng phát triển các kỹ năng của bản thân – mài sắc năng lực của mình trong công việc.

Chúng ta cần quan sát thị trường đồng thời gắn liền những lợi ích và khả năng của bản thân với nhu cầu của mọi người. Những cũng đừng quên đề phòng những điều không mong đợi xảy đến – không bám quá chặt vào những kế hoạch mà để tuột mất những cơ may.

Thành công hay sự vĩ đại không đến từ cách tiếp cận “dựa dẫm” liên quan đến việc lập kế hoạch sự nghiệp. Hãy đón đầu cơ hội – và nó sẽ nằm trong tầm với của bạn.

Hãy chuyên tâm vào công việc của bạn trước khi dành thời gian cho đam mê

— Cal Newport

“Hãy làm theo đam mê của bạn” không phải là một lời khuyên hay. Tôi đã đi đến kết luận này sau khi dành hẳn một năm để nghiên cứu một câu hỏi cơ bản: Điều gì khiến mọi người yêu thích những gì họ làm để kiếm sống? Nghiên cứu này đã nêu bật lên hai điều chống lại ý tưởng “làm theo đam mê”. Đầu tiên, nó chỉ ra rằng rất ít người có đam mê phù hợp với công việc họ làm sau đó. Vì vậy, việc bảo họ “làm theo đam mê” là một công thức dẫn đến lo lắng và thất bại.

Thứ hai, ngay cả khi mọi người cảm thấy chắc chắn về một chủ đề cụ thể nào đó, thì hàng thập kỷ nghiên cứu về sự thỏa mãn trong công việc cũng đã chúng ta biết rằng bạn cần nhiều hơn một đam mê từ trước để biến công việc của bạn thành thứ bạn yêu thích. Ví dụ, rất nhiều những người đam mê làm bánh, đã suy sụp trước áp lực của việc cố gắng vận hành một tiệm bánh nhỏ, cũng như những người đam mê chụp ảnh nghiệp dư đã mất đi sự hứng thú với nghệ thuật khi phải cố gắng lưu lại ảnh tư liệu cho một đám cưới lớn.

Nếu muốn “kết liễu” đam mê trong công việc, bạn cần có một chiến lược phức tạp hơn việc chỉ đơn thuần cố gắng khám phá một vài yếu tố vốn có trong bạn. Trong phần này, tôi muốn khai thác một chiến lược như vậy – một chiến lược xuất hiện thường xuyên khi tôi nghiên cứu về đời sống của những người tạo dựng được sự nghiệp đầy hấp dẫn. Hãy lấy một câu chuyện về cuộc đời của một nhân vật nổi tiếng để làm nghiên cứu tình huống của chúng ta.

Bill McKibben là một nhà báo về môi trường. Anh trở nên nổi tiếng từ khi cho ra mắt cuốn sách của mình vào năm 1989, The End of Nature (tạm dịch: Hồi kết của tự nhiên), một trong những cuốn sách nổi tiếng đầu tiên về sự biến đổi khí hậu. Từ đó, anh đã viết hàng chục cuốn sách và trở thành một nhà hoạt động môi trường được nhiều người biết đến. Nếu tham dự một buổi nói chuyện hoặc đọc một bài phỏng vấn của McKibben, bạn sẽ được gặp một người thực sự đam mê với công việc của mình. Nhưng bằng cách nào mà anh có thể đạt được thành công như ngày nay?

Chúng tôi biết được câu chuyện của McKibben khi anh đến Harvard với tư cách một sinh viên năm cuối và đăng ký làm việc cho tờ báo sinh viên, The Harvard Crimson. Đến khi tốt nghiệp, anh đã là biên tập viên của tờ báo này. Việc này đã đưa anh vào tầm ngắm của William Shawn, tổng biên tập tờ New Yorker.

Vào năm 1987, 5 năm sau khi đến làm việc tại New Yorker, McKibben đã có một bước ngoặt. Anh thôi việc ở đây và chuyển đến một nhà gỗ nhỏ tại Adirondacks. Sống cô lập giữa một vùng hoang dã, McKibben đã tập trung viết The End of Nature, cuốn sách ngay lập tức trở thành một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực báo chí về môi trường, đặt nền tảng cho một cuộc sống đầy đam mê của anh ngày nay.

Câu chuyện của McKibben tập trung vào hai bài học mà trong nghiên cứu của tôi đã từng cho là rất quan trọng đối với việc hiểu rõ về cách mọi người tạo dựng sự nghiệp mà họ yêu thích.

Bài học thứ nhất: Những gì bạn làm để kiếm sống không quan trọng như bạn tưởng

McKibben đã tạo dựng một sự nghiệp như một nhà văn mà anh yêu thích. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu về trường hợp của anh, tôi cho rằng có rất nhiều con đường sự nghiệp mà anh có thể đi theo với niềm đam mê ấy. Hai điều có vẻ thực sự rất có ý nghĩa với McKibben là sự tự chủ (ví dụ, kiểm soát công việc, thời gian làm việc và nơi sinh sống, v.v…) và ít nhiều ảnh hưởng đến thế giới. Do đó, bất kỳ công việc nào có thể cung cấp cho anh sự tự chủ và tầm ảnh hưởng đó sẽ tạo nên đam mê. Ví dụ, một người có thể tưởng tượng ra một “thế giới khác”, nơi chúng ta thấy một McKibben với niềm hạnh phúc tương tự, là người đứng đầu một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hoặc một giáo sư xã hội học được kính trọng.

Mô hình này rất phổ biến ở những người yêu thích những gì họ làm. Sự hài lòng của họ không xuất phát từ những chi tiết trong công việc mà thay vào đó, từ một tập hợp những đặc điểm phong cách sống quan trọng mà họ đạt được trong sự nghiệp. Những đặc điểm mong muốn này khác nhau tùy theo mỗi người – ví dụ, vài người có thể mong muốn có được sự tôn trọng và trọng vọng, trong khi những người khác khao khát sự linh hoạt trong lịch trình của họ và sự đơn giản – nhưng điều chủ chốt ở đây là những đặc điểm này tổng quát hơn bất cứ vị trí cụ thể nào. Để gây dựng một sự nghiệp, thì câu hỏi đúng đắn không phải là “Tôi đam mê làm công việc nào nhất?” mà thay vào đó là, “Phong cách sống và làm việc nào sẽ nuôi dưỡng đam mê của tôi?”

Bài học thứ hai: Kỹ năng có trước đam mê

McKibben có được sự tự chủ và tầm ảnh hưởng trong sự nghiệp của anh chỉ sau khi anh trở thành một tay viết giỏi. Ví dụ, khi đến Harvard lần đầu tiên, anh ấy không phải là một nhà báo giỏi. Những bài viết đầu tiên của anh ấy, có thể được tìm thấy trong kho lưu trữ của Crimson, cho thấy xu hướng viết quá lên của một “lính mới” – ví dụ như một bài báo năm 1979 về trận đấu mở màn cho mùa giải bóng rổ Celtics đã mô tả sân đấu như là một “hầm rượu cổ lỗ” và ám chỉ các số áo đồng phục lỗi thời của đội như là “một danh sách các thánh, với các áo số màu xanh Kelly mà họ đã từng mặc, lủng lẳng từ các cửa mái.”

Những gì mà các đồng nghiệp của McKibben nhớ nhất về anh không phải là một tài năng bẩm sinh về nghề nghiệp, mà hơn thế là nỗ lực của anh trong việc cải thiện nó. Ở Crimson, người ta truyền tai nhau rằng vào một đêm khi McKibben quay trở lại văn phòng muộn sau một cuộc họp hội đồng thành phố Cambridge, anh chỉ cần vẻn vẹn 35 phút để hoàn tất bài cho số báo ngày hôm sau. Anh đã cá cược với đồng nghiệp của mình một chai Scot rằng anh có thể hoàn thành 3 câu chuyện trước thời hạn. Và anh đã có được chai rượu đó.

Mọi người khẳng định rằng, McKibben đã viết hơn 400 bài báo với tư cách là một phóng viên sinh viên. Sau đó, anh đã dành 5 năm làm việc cho New Yorker, tờ báo đã xuất bản 47 số báo trong một năm. Trong thời gian đó, anh đã hướng đến một cuộc sống tự chủ và có sức ảnh hưởng – chuyển đến sống trên núi để viết The End of Nature – anh đã phát triển rất nhiều các kỹ năng về công việc để hỗ trợ cho sự thay đổi này. Nếu từng cố gắng dành hoàn toàn thời gian để viết sách từ khi mới ra trường, chắc chắn anh sẽ thất bại.

Mô hình này rất phổ biến trong cuộc sống của những người không còn yêu thích công việc của họ. Như đã miêu tả trong bài học thứ nhất, nghề nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn chỉ khi chúng sở hữu những đặc điểm chung mà bạn tìm kiếm. Tuy nhiên, những đặc điểm này rất hiếm và có giá trị – ví dụ, không ai sẽ trao cho bạn sự tự chủ hay tầm ảnh hưởng chỉ đơn thuần vì bạn muốn có chúng. Kinh tế học cơ bản cho chúng ta biết rằng nếu muốn một thứ khan hiếm và có giá trị, bạn cần phải đổi lại bằng một thứ khan hiếm và giá trị khác – trong công việc, chúng là các kỹ năng của bạn. Đó là lý do việc phát triển các kỹ năng một cách hệ thống (như McKibben đã viết hơn 500 bài báo trong giai đoạn 1979-1987) gần như luôn xuất hiện trước đam mê.

Giờ hãy ghép những mảnh ghép lại với nhau. Mục đích có được cảm hứng đam mê với nghề là lẽ đương nhiên. Nhưng đi theo đam mê – chỉ chọn lựa con đường sự nghiệp bởi bạn có sẵn đam mê với nó – là một chiến lược tồi để đạt được mục đích này. Có người từng cho rằng bạn có sẵn đam mê để theo đuổi một công việc thực tế và việc hòa hợp với công việc với sự quan tâm mạnh sẽ của bản thân rất có tác dụng trong việc tạo ra sự hài lòng về lâu dài trong công việc. Cả hai giả định này đều sai lầm.

Trái lại, câu chuyện của Bill McKibben đã làm nổi bật lên một chiến lược chi tiết hơn cho việc trau dồi niềm đam mê – một chiến lược được thực thi bởi rất nhiều người đã có được những sự nghiệp hấp dẫn. Nó cho chúng ta biết rằng chúng ta nên bắt đầu bằng cách phát triển một cách có hệ thống các kỹ năng hiếm có và đáng giá. Một khi đã gây ấn tượng được với thị trường, chúng ta có thể sử dụng những kỹ năng này như cầu nối đưa sự nghiệp của chúng ta hướng tới những đặc điểm phong cách sống phổ biến (tự chủ, linh hoạt, tạo ảnh hưởng, phát triển, v.v…) hòa hợp với mình.

Chiến lược này kém hấp dẫn hơn ý tưởng cho rằng chọn một công việc hoàn hảo có thể cung cấp cho bạn niềm vui tức thời và lâu dài trong công việc. Nhưng nó có được một lợi thế riêng biệt thực sự rất hiệu quả.

Hãy làm theo một cách khác: Đừng làm theo đam mê, hãy nuôi dưỡng nó.

CAL NEWPORT là một nhà văn kiêm giáo sư tại Đại học Georgetown. Cuốn sách của ông So Good They Can’t Ignore You (tạm dịch: Quá tốt để họ có thể phớt lờ bạn) cho rằng “làm theo đam mê” là một lời khuyên tồi. Tìm hiểu thêm về Cal và các bài viết của ông tại blog, Study Hacks.

→ calnewport.com/blog

***

“Người nghệ sỹ sẽ không là gì nếu không có trong tay món quà tài năng thiên phú,

nhưng món quà đó sẽ là vô ích nếu thiếu lao động.”

— ÉÉmile Zola

Khai thác lại bản năng kinh doanh trong bạn

— Ben Casnocha

Muhammad Yunus, người đoạt giải Nobel Hòa bình và là nhà tiên phong về tài chính vi mô, cho rằng, “Tất cả mọi người đều là doanh nhân. Từ thuở sơ khai, chúng ta đều đã tự làm chủ… tìm thức ăn và tự chăm sóc bản thân. Đó là khi lịch sử loài người bắt đầu. Khi nền văn minh xuất hiện, chúng ta ngăn cản nó. Chúng ta trở thành “người lao động” bởi họ gắn chúng ta với cái mác, ‘người lao động’. Chúng ta quên mất rằng mình là doanh nhân.”

Tất cả mọi người đều là doanh nhân không phải bởi chúng ta cần khởi dựng các công ty, mà bởi mong muốn tạo dựng, tìm tòi và thích nghi là một phần trong con người mỗi chúng ta. Như Yunus đã nói, những phẩm chất này là bản chất của tinh thần doanh nhân. Để thích ứng với những thách thức trong thế giới ngày nay, bạn cần tái khám phá những bản năng kinh doanh này.

Một trong những cách tốt nhất để thực hiện điều này đó là coi bản thân bạn như một doanh nhân đang đứng mũi chịu sào con tàu cuộc sống và phát triển một công ty khởi nghiệp: sự nghiệp của bạn. Khi khởi dựng một công ty, bạn đưa ra các quyết định với nguồn thông tin nghèo nàn, thời gian và môi trường tài nguyên hạn chế. Không có một sự đảm bảo hay nơi trú ẩn an toàn nào; việc đối phó với rủi ro là tất yếu. Sự cạnh tranh và thị trường đang không ngừng thay đổi. Những thực tế này – tất cả những điều mà các doanh nhân phải đối mặt khi khởi nghiệp và phát triển công ty – là những điều chúng ta đều phải đối mặt khi tạo dựng một sự nghiệp trong bất cứ một ngành nghề nào. Thông tin hạn chế. Các nguồn lực hạn hẹp. Sự cạnh tranh khốc liệt.

Trở thành một nhà lãnh đạo sự nghiệp của bản thân là chuyện không đơn giản; nó đòi hỏi một tư duy đặc biệt và một tập hợp các kỹ năng cụ thể.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button