Kỹ năng mềm

Tìm Đường Tuổi 20S

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Thị Thùy Trang

Download sách Tìm Đường Tuổi 20S ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TÌM ĐƯỜNG TUỔI 20S

Tuổi trẻ: là cảm thấy bối rối, hoang mang, không biết làm gì cho tương lai, chẳng biết chọn đường nào giữa muôn ngàn ngã rẽ.

Tuổi trẻ: là ngập tràn khát khao được bay cao, bay xa, ước mơ có được trải nghiệm mới mẻ, khác biệt, nhưng luôn bị những nỗi sợ vô hình cản bước.

Tuổi trẻ: là thấy xung quanh ai cũng thật tự tin, giỏi giang, thành đạt, còn mình vẫn phải đấu tranh với rất nhiều vấn đề tâm lý bên trong.

Nếu bạn đang cảm thấy mông lung, bối rối, đang phải đối mặt với những nỗi sợ vô hình của tuổi trẻ, yên tâm nhé, bạn hoàn toàn không đơn độc.

Năm 22 tuổi, tôi bắt đầu nếm mùi khủng hoảng tuổi trẻ. Tôi vẫn nhớ đó là những ngày đầu tháng Bảy, khi bạn bè bắt đầu có công việc ổn định, “ngon lành” tại các tập đoàn lớn, còn tôi cứ tự giam mình trong phòng, chẳng thiết gặp ai.

Thời điểm ấy, tôi nhận được tin mình bị tuột mất cơ hội làm cho một tập đoàn nước ngoài mà tôi vẫn mơ ước từ những ngày mới vào đại học. Đã rất hy vọng và mong chờ, nên khi thất bại, tôi hụt hẫng và chẳng biết phải làm gì tiếp.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mông lung, lạc lõng, thậm chí hoảng loạn, sợ hãi khi phải bước ra ngoài. Tôi chẳng muốn gặp bạn bè vì sợ những ánh mắt thương hại, hoặc cũng có thể đơn thuần vì sợ cảm giác mình bé nhỏ, kém cỏi so với người khác.

Vì thế tôi quyết định trốn tránh và giam mình trong khoảng không gian của riêng tôi. Nhưng trốn tránh thế giới ngoài kia thì dễ, trốn tránh thế giới bên trong mình lại chẳng đơn giản chút nào. Nhiều đêm tôi lặng lẽ khóc. Khóc nhòe mắt. Khóc để hy vọng tất cả những gì mình đang phải chịu đựng sẽ tự trôi theo những dòng nước mắt ấy. Nhưng càng khóc, tôi càng chỉ thấy vô vọng.

Tôi vẫn nhớ mình đã cố gắng tìm sự an ủi, giúp đỡ từ người lớn (những người hơn tôi ít nhất 20 năm về kinh nghiệm sống). Nhưng khi họ nghe đến chữ “khủng hoảng tuổi trẻ”, hay khi tôi thỏ thẻ nói rằng mình khóc chỉ vì không biết phải làm gì cho tương lai, có người cười ngặt nghẽo bảo tôi thật trẻ con, ai tinh tế hơn thì cố gắng lắng nghe xem tôi muốn nói gì, nhưng rồi có vẻ cũng không thật sự thông cảm. Phần nào vì họ đã quá xa giai đoạn tuổi trẻ, phần nào vì xã hội giờ đã rất khác thời họ sinh ra và lớn lên. Chỉ sau vài cuộc nói chuyện như thế, tôi không còn muốn tâm sự nữa. Tệ hơn, tôi cảm thấy mình thật kém cỏi khi bản thân có những vấn đề như vậy.

Ở phương Tây, có khái niệm “twentysomething” tôi tạm gọi là “tuổi 20s”, hướng tới các bạn trong nhóm từ 20 đến 29 tuổi. Những người ở nhóm tuổi này đủ lớn để có những suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống, nhưng chưa đủ trưởng thành để cố định tính cách và hiểu rõ về bản thân, họ vẫn loay hoay tìm lối đi trước những con đường đời phức tạp. Khủng hoảng tuổi trẻ thường xảy ra trong giai đoạn này, với các dấu hiệu như cảm giác lạc lõng, sợ hãi, cô đơn, bối rối.

Người trẻ sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng này dưới những hình thức khác nhau. Có người giam mình cả tháng trong phòng như tôi. Có người chọn một công việc để làm nhưng luôn bất an lo lắng về tương lai. Có người nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, công việc này sang công việc khác, loay hoay tìm đường. Có người bên ngoài cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng trong lòng thì luôn nghi ngờ, tự ti, mặc cảm. Có người giỏi giang, nhiều tài nhưng vẫn phải vật lộn đấu tranh với mâu thuẫn nội tâm về các giá trị sống, hay phải chịu đựng những phán xét, chỉ trích từ bản thân mình…

Xã hội hiện đại và mở cửa hội nhập mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn hơn. Nhưng càng nhiều lựa chọn, chúng ta càng bối rối, lưỡng lự, đau đầu không biết đâu mới là con đường tốt nhất và đúng nhất để đi. Cái sức ép mệt mỏi nhất mà đa số chúng ta đều phải chịu lại đến từ bạn bè, thậm chí từ gia đình, họ hàng với những định kiến, ý niệm xã hội về tiền bạc, ổn định, thăng tiến…

Chúng ta vừa tìm đường lại vừa phải hứng chịu sức ép. Và chúng ta rơi vào khủng hoảng tuổi trẻ lúc nào không hay.

Người ta bảo rằng ai cũng cần những giai đoạn khó khăn, thử thách để lớn, cần vất vả, đau đớn để trưởng thành và thành công. Đúng là những người vượt qua được giai đoạn tối tăm trong cuộc đời để thành công quả thật rất đáng ngưỡng mộ. Nhưng rồi cũng không ít người cứ tắc mãi ở cái giai đoạn đó, không vượt qua nổi. Họ cô đơn, lạc lối, chẳng được ai đoái hoài. Hậu quả là họ phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề tâm lý, hoặc không thì cũng vật vờ, vô định, nhìn nhận cuộc sống một cách bi quan, tiêu cực.

Tôi đã và đang trải qua những ngày tháng nhiều sóng gió nhưng cũng đầy thử thách, thú vị của tuổi 20s. Có lúc tôi chìm vào bế tắc, lạc lối, mông lung. Rồi tôi lại được học hỏi, khai sáng và trưởng thành. Mỗi lần như vậy, tôi thường dành thời gian chiêm nghiệm để tự rút ra bài học cho bản thân và chia sẻ với các bạn trẻ cũng đang đi trên con đường như mình.

Tìm đường tuổi 20s là cuốn sách dành tặng những người trẻ bằng chính trải nghiệm thực tế của tôi từ những ngày còn tự ti, rụt rè, nhưng luôn nỗ lực vươn lên để hoàn thiện bản thân. Cuốn sách này cũng là những gì tôi đã học hỏi, quan sát được từ những người bạn, người thầy quanh mình.

Hy vọng rằng Tìm đường tuổi 20s sẽ là người bạn đồng hành thân thiết, tiếp thêm năng lượng và nguồn cảm hứng để người trẻ có thể tự tin, hạnh phúc trên con đường mình lựa chọn.

ĐỌC THỬ

#1 NGƯỜI TỰ TI CHUI RA KHỎI VỎ ỐC

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác thấy mình thật bé nhỏ, kém cỏi so với những người xung quanh? Nếu chưa, bạn hẳn phải có niềm tin vào bản thân rất mạnh mẽ. Tiếc là tôi lại không mạnh mẽ được như vậy.

Tôi đã từng rất tự ti và rụt rè, nhất là những ngày mới lên đại học. Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy được những người như tôi – cái đứa mà gặp ai cũng cúi đầu, lảng tránh, hoặc đơn thuần là ngồi im re một góc lớp những ngày đầu đi học.

Sự tự ti, rụt rè, và trầm tính khiến cả năm nhất đại học, tôi không tham gia hoạt động gì bên ngoài. Chủ yếu tôi chỉ đến lớp rồi về nhà, thỉnh thoảng đi cà phê, trà đá với bạn bè. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình bé nhỏ, kém cỏi, không có cá tính, thiếu năng động, chỉ biết đến bài vở, học hành. Đi đâu tôi cũng cúi mặt, lẳng lặng, chẳng dám ngẩng cao đầu.

Mọi người nhìn thấy hình ảnh của tôi bây giờ chắc khó mà tin rằng tôi đã từng là một người như vậy. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác chán nản, uể oải, đầy mặc cảm, tự ti của những năm tháng ấy. Tôi cũng cố thay đổi, gắng tìm cơ hội này kia để thử sức. Nhưng chỉ cần một ai đó chỉ ra những khuyết điểm của tôi, hay hàm ý rằng tôi không đủ khả năng để tham gia cái này, cái kia, lập tức tôi có lý do để lại chui vào vỏ ốc của mình và cảm thấy bản thân thật tệ hại.

Không hiểu sao cái vỏ ốc ấy thần kỳ lắm. Nó như một tấm lá chắn, một chiếc áo giáp sắt để mình trốn tránh gạch đá bên ngoài. Cứ nằm trong đó là yên tâm không bị ai chê cười, không bị phán xét, đánh giá. Đó là nơi lý tưởng để yêu chiều cái tôi mong manh, dễ bị tổn thương nhất. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà một khi đã chui vào, người ta thường có thiên hướng cứ nằm yên mãi một góc, chẳng bao giờ muốn thoát ra để tiến về phía trước.

Ngày ấy, tôi nghĩ chỉ bản thân mình mới thích chui vào vỏ ốc vì sợ phải đối mặt với những thiếu sót, nhược điểm. Nhưng thực tế xung quanh tôi, không ít người trẻ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có thể bề ngoài họ vẫn tự tin, nổi bật, nhưng bên trong chứa chất những tự ti, mặc cảm về bản thân. Và cũng như tôi, nhiều người lựa chọn tạo ra vỏ ốc của riêng mình để chui vào, để trốn tránh giông bão bên ngoài.

Như cô em gái tôi quen dù nói tiếng Anh rất khá, nhưng chỉ vì một lần đứng phát biểu bị chê dùng từ không chuẩn mà em sợ, không dám nói trước đông người, không dám tham gia các cuộc thi hùng biện tiếng Anh của trường. Em sợ bị cả trăm người đến dự chương trình đánh giá. Em sợ bị quay video, đưa lên mạng xã hội và nếu mắc lỗi sẽ bị chỉ trích bởi cộng đồng “anh hùng bàn phím”. Em cũng bỏ qua không ít các cơ hội hấp dẫn khác cũng chỉ vì nghĩ rằng mình sẽ bị chê cười nếu mắc sai lầm. Em lựa chọn nằm yên trong vỏ ốc của mình để được thoải mái, yên bình nhất, mặc dù trong lòng vẫn áy náy, luyến tiếc vì không dám mạo hiểm để tiến xa.

Hay như cô bạn tôi cho rằng, khả năng giao tiếp của mình kém nên luôn tìm mọi cách né tránh các hoàn cảnh phải giao lưu, gặp gỡ người mới hay phải phát biểu trước đám đông. Đối với bạn tôi, sự mặc cảm đó quá lớn, lớn đến mức che lấp hết những thế mạnh khác cô có được như việc hiểu biết sâu rộng các vấn đề xã hội hay khả năng quan sát tuyệt vời. Ám ảnh rằng mình giao tiếp kém, cô cũng không bao giờ nghĩ mình hợp làm lãnh đạo, quản lý. Cô thà chấp nhận mình vô hình, không ai biết, còn hơn phải bước ra bên ngoài để bị phán xét, cười chê.

Ngày ấy, tôi tin mình là một đứa kém cỏi, không có cá tính, thế mạnh gì nổi bật. Và cũng như không ít những người trẻ gặp phải các rào cản tâm lý về sự tự ti, tôi xây được một vỏ ốc cực kỳ vững chắc, an toàn cho bản thân.

Sau này nhìn lại, tôi mới nhận thấy thực ra tất cả những suy nghĩ, niềm tin đó đều do một góc nhìn hạn hẹp, không phải cái nhìn bao quát, khách quan. Hóa ra tất cả vấn đề tôi đang đối mặt không phải vì tôi là một đứa kém cỏi, tầm thường, mà nằm ở chính những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Thường khi ta đã tin vào một điều gì đó, ta sẽ có xu hướng đi tìm những bằng chứng cũng như xác nhận của người khác để củng cố niềm tin của mình.

Bước đầu tiên để người trẻ tự ti chui ra được khỏi vỏ ốc là phải thách thức được chính những niềm tin, suy nghĩ tiêu cực đó. Nhưng chao ôi, nói thì dễ, làm được không đơn giản chút nào. Cũng không dễ gì để mình nhận ra bản chất của vấn đề lại nằm trong thẳm sâu niềm tin và suy nghĩ của mình về bản thân.

Có lẽ niềm tin của tôi ngày ấy về sự kém cỏi của mình khó mà thay đổi nếu tôi không thử một lần “vô tình” thách thức nó.

Ứng tuyển thực tập sinh Đại sứ quán Hoa Kỳ

Cuối năm nhất đại học, tôi được biết một thông tin rất hấp dẫn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tuyển thực tập sinh.

Ngày ấy, nghĩ đến việc ứng tuyển thôi, tôi đã phì cười tự nhủ: “Mình làm sao đủ khả năng mà được chọn”. Tuy vậy, trong sâu thẳm, tôi lại hứng khởi kỳ lạ.

Tôi tiếp xúc với âm nhạc và phim ảnh Mỹ từ những ngày còn học cấp hai. Thời ấy internet vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Tôi vẫn nhớ mỗi khi có dịp lên mạng, tôi luôn mang theo quyển sổ để chép lại lời của các bài hát. Về nhà, tôi khoái chí mở băng nghe lại và nhẩm hát theo. Ông anh tôi lúc đấy đang học đại học ở Hà Nội, thi thoảng về lại mang theo mấy đĩa phim Mỹ cho tuổi teen. Tôi thích lắm. Vì không có nhiều đĩa phim như vậy ở quê, nên tôi xem đi xem lại những Freaky Friday, Mean Girls… đến mức thuộc lời thoại của các nhân vật trong phim. Có lẽ vì thế khả năng nghe tiếng Anh của tôi khá tốt, dù chẳng có điều kiện theo học tại các trung tâm ngoại ngữ như các bạn ở Hà Nội.

Vì tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ bé, tôi luôn khao khát một ngày nào đó sẽ được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia, đặc biệt là được du học Mỹ. Tôi thích sự cởi mở, sáng tạo, thoải mái trong nền văn hóa đa dạng, đa chiều của họ. Tại đất nước ấy, người ta đến từ khắp các châu lục, quốc gia, mang theo những màu sắc riêng, tiếng nói riêng, để rồi tất cả tạo nên một nền văn hóa rất thú vị, hấp dẫn như một đĩa salad đủ màu sắc, mùi vị.

Khao khát là thế, mơ mộng là thế, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể sang Mỹ học. Tôi thấy mình vẫn còn kém cỏi, nhỏ bé lắm. Nhà tôi lại chẳng có điều kiện tài chính để cho tôi du học tự túc. Nếu thật sự muốn đi, tôi chỉ còn nước tìm học bổng toàn phần. Mà học bổng toàn phần thì cơ hội thành công cho tôi chắc không quá 1%.

Có lẽ cũng vì thế mà đối với tôi ngày ấy, việc được thực tập tại Đại sứ quán Mỹ là một cơ hội tuyệt vời đáng mơ ước. Nếu không được sang Mỹ học, ít ra việc được làm ở môi trường này cũng cho tôi cảm giác gần hơn với thế giới rộng lớn ngoài kia.

Ngày ấy, tôi cũng không ngờ rằng khao khát lớn lao được bước ra thế giới chính là động lực để tôi quyết định thử sức, bất chấp những suy nghĩ tiêu cực về bản thân vẫn đang quay cuồng trong đầu.

Tôi vội vàng chia sẻ với một cô bạn về ý định của mình. Nhưng ngay sau đó tôi ước mình đã không làm như vậy. Vì vừa nghe tôi thỏ thẻ ý định của mình, cô bạn đã ủng hộ bằng… một gáo nước lạnh.

“Toàn siêu cao thủ mới vào được chỗ đấy thôi. Làm việc ở Đại sứ quán Hoa Kỳ chắc chắn sẽ yêu cầu tiếng Anh giao tiếp cao lắm. Thôi đừng mất công mày ạ.”

Đó không phải là người duy nhất dội gáo nước lạnh vào nhiệt huyết của tôi. Ngày ấy hầu như mỗi lần tôi thấy mình có cơ hội nào, tôi đều được nhận những gáo nước lạnh như vậy. Những lúc đó, tôi luôn hoang mang, rối bời lắm.

Khi mình đã có nhận định tiêu cực về bản thân, xác nhận của người khác càng giúp nhận định ấy trở nên khủng khiếp.

Tất nhiên lúc đầu khi nghe những lời nhận xét ấy, tôi bức xúc, tủi thân lắm. Tại sao những người xung quanh lại không tin vào năng lực của tôi như vậy? Nhưng rồi tôi cũng hiểu được rằng chính vì họ đã ở bên mình một thời gian dài và rất hiểu các vấn đề của mình. Họ sợ tôi sẽ bị tổn thương nếu thất bại. Hoặc không, cũng chỉ đơn thuần họ chia sẻ từ trải nghiệm và quan sát của họ về tôi. Họ khó mà tin được rằng tôi có thể làm được điều gì khác.

Có thể họ không sai. Những gì họ thấy ở tôi trong quá khứ làm họ suy nghĩ một cách đương nhiên như vậy. Nhưng nếu cứ để mình bị định nghĩa bởi những ngày tháng tự ti, lúc nào tôi mới có thế tiến lên? Và chẳng lẽ chỉ vì những nhận định của người khác mà tôi đứng lại, lùi bước, thở than trước những chướng ngại cuộc sống? Liệu rằng sau mỗi lần lùi bước, những thái độ tiêu cực, góc nhìn bi quan có dần dần đi vào trong tôi và trở thành chính tôi?

Bạn sẽ làm gì nếu có một ước mơ, và người ta cho bạn biết một sự thật đơn giản là nên từ bỏ ước mơ ấy?

Tôi vẫn nhớ sau khi nghe câu nói của cô bạn, toàn thân tôi co lại, như tìm mọi cách để mình trở nên bé nhỏ nhất, để được thoải mái chui lại vào vỏ ốc của riêng mình. Ừ đúng, tiếng Anh của tôi chưa đủ tốt, thành tích hoạt động chưa có gì nhiều, sao dám mơ làm việc tại Đại sứ quán Mỹ. Tôi thiếu quá nhiều yếu tố để làm được một điều gì đó lớn hơn. Mà đến chính tôi còn chẳng tin mình làm được, thì ai dám tin tôi?

Vào thời điểm đấy, trong tôi, cái cảm giác khao khát vươn lên, mong muốn thoát khỏi những bức bối, trì trệ lại bừng lên dữ dội. Tôi vẫn cảm nhận rõ cuộc đấu tranh nội tâm rõ rệt: một bên chấp nhận mình kém cỏi, muốn nằm yên trong vỏ ốc an toàn, một bên là ngọn lửa sức sống muốn vươn lên, muốn khác biệt, muốn bước ra thế giới. Tôi khao khát một tuổi trẻ thú vị đầy trải nghiệm, khao khát được bay cao, bay xa, khao khát khám phá những giới hạn của mình.

Cuối cùng, tôi quyết định sẽ nỗ lực chống lại những định kiến, suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Tôi sẽ bất chấp hết để ứng tuyển làm thực tập sinh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Tôi vẫn nhớ thời điểm đưa ra quyết định, người tôi run lên, nhưng toàn thân bừng bừng sức sống.

Nếu bạn đang trải qua giai đoạn còn nhiều hoài nghi về bản thân, hay đơn thuần vẫn bị nhiều cảm xúc tiêu cực chi phối khiến bạn không đủ dũng cảm để nắm lấy cơ hội, hãy thử nhắm mắt lại và tự đặt ngược cho mình câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu mình dám tiến lên? Mình sẽ cần nỗ lực những gì để vượt lên chính mình và nắm lấy những cơ hội đó?” Khi đã nghĩ đến hành động, nghĩ đến giải pháp, bạn sẽ bước vào một tâm thế khác: sẵn sàng hơn, mạnh mẽ hơn.

Hình như đó là một điểm mấu chốt, dù có vẻ nhỏ bé: Bạn có đủ khao khát nơi chính mình hay không, cái khao khát được tiến lên và bước trên con đường mà mình chọn, khao khát thực hiện ước mơ, khao khát sống có nghĩa. Đó là một điểm then chốt khi ta sẵn sàng chấp nhận bản thân và tiến bước, thay vì quỵ ngã trước những cảm giác tự ti vốn là hậu quả của những lời nhận xét muốn đẩy mình lùi lại.

Tâm thế hành động giúp tôi có được những cảm xúc và năng lượng rất tích cực. Khao khát có được cơ hội thực tập tại Đại sứ quán Mỹ khiến tôi dành cả tuần vật lộn với hồ sơ ứng tuyển.

Tôi không có hoạt động, thành tích gì nổi bật, nhưng bù lại tôi có nhiều ý tưởng và biết cách triển khai thành các kế hoạch rõ ràng. Vì vậy, tôi dành thời gian nghiên cứu, lắng nghe, tìm hiểu về nhu cầu của Đại sứ quán Mỹ và đưa thêm các đề xuất, ý tưởng của mình vào để thể hiện khả năng đóng góp cho tổ chức một cách tốt nhất. Suy cho cùng người ta tuyển mình vào cũng để mình cống hiến được nhiều giá trị nhất cho tổ chức. Việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ càng sẽ giúp mình tìm ra điểm phù hợp giữa nhu cầu của họ và giá trị mà mình mang lại. Mình có thể không phải người giỏi nhất, nhưng phải là người phù hợp nhất.

Từ cảm giác sợ hãi và tự ti, tôi thấy mình như trở nên một con người khác: nhiệt huyết hơn, năng động hơn, sôi nổi hơn.

Tiếng Anh giao tiếp của tôi ngày ấy chưa tốt, vẫn bị nuốt âm và chưa tự nhiên lắm. Không sao, tôi sẵn sàng chuẩn bị kỹ càng và luyện tập thật nhiều để có được một bài nói ấn tượng. Do không có điều kiện đi học ở các trung tâm tiếng Anh, từ bé tôi đã rèn cho mình khả năng tự học. Tôi tin rằng kể cả khi đã tham gia các lớp học, việc tự học, tự rèn luyện vẫn là một kỹ năng cần thiết giúp mình học nhanh và hiệu quả nhất.

Ngày ấy, để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh, tôi lên internet tìm hiểu về những gì cần chuẩn bị, cần lưu ý trong một buổi phỏng vấn. Ấn tượng đầu tiên là điểm rất quan trọng, nó quyết định thái độ và cảm tình nhà tuyển dụng dành cho mình trong cả quá trình đánh giá. Ấn tượng đầu tiên đến từ trang phục, đầu tóc, ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói… Tôi đứng hàng giờ trước gương để tập nói, tập bắt tay, chào hỏi sao cho tự nhiên và gây được ấn tượng tốt nhất. Tôi cũng nghiên cứu các câu hỏi thường gặp phải và luyện tập thật kỹ càng cách trả lời. Để nói tiếng Anh tự nhiên hơn, tối nào tôi cũng xem phim Mỹ và bắt chước các cách nói của các diễn viên nữ giọng gần với tôi nhất. Có lẽ đây là một trong những thế mạnh của tôi trong việc sáng tạo cách học, tìm hiểu mày mò những tri thức mới, hay hoàn thiện một kỹ năng nào đó.

Internet quả thật rất tuyệt vời. Tôi như có cả một nguồn tri thức lớn lao trong thế giới nhỏ của riêng mình để thỏa sức tìm hiểu, khám phá, học hỏi. Nghĩ lại những ngày tháng ấy, tôi càng tin rằng sự chuẩn bị kỹ càng và niềm khao khát mạnh mẽ đạt được mục tiêu là tiền đề cực kỳ quan trọng cho những thành công của mình. Dù xuất phát điểm của chúng ta ở đâu, thì khao khát và nỗ lực không ngừng chính là chìa khóa để mở nhưng cánh cửa cuộc đời, để tiến về phía trước – chìa khóa ấy là chính mình, trong những ngọn lửa nhiệt thành nhất của tâm trí.

Điều kỳ lạ là dù thời gian đó tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, cố gắng rất nhiều, nhưng tôi chẳng thấy áp lực, căng thẳng gì. Tôi thấy thích thú. Những gì người khác hay chính con người hoài nghi trong tôi nói về tôi không còn quá quan trọng. Đây là cuộc sống của tôi, tôi sẽ sống cho nó, sẽ xứng đáng với nó.

Dù thành công hay thất bại, cũng hãy tiến lên, vì đó là cuộc sống của mình, của chính mình.

Buổi phỏng vấn “định mệnh” cuối cùng cũng đến. Nhưng rồi có vẻ những suy nghĩ tiêu cực vẫn không tha cho tôi: 15 phút trước cuộc phỏng vấn tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, tôi rơi vào cơn hoảng loạn. Toàn thân tôi run lẩy bẩy và đầu óc tràn ngập những suy nghĩ lo lắng. Liệu người ta có phì cười khi nghe mình nói tiếng Anh? Liệu mình có nói điều gì ngớ ngẩn? Sao các bạn khác trông tự tin, hoành tráng thế? Hình như họ khiến tôi thêm lo lắng và bất an bằng sự tự tin của họ vậy.

Hoảng quá, tôi vội nhắm mắt lại. Một cách bản năng, tôi lắc đầu như để xua đi những suy nghĩ tiêu cực. Tôi tưởng tượng lại hình ảnh mình luyện tập trước gương và thấy mình có thể tự tin và thú vị thế nào. Tôi nói tiếng Anh cũng hấp dẫn đấy chứ! Hãy cho thế giới biết đến phiên bản tuyệt vời của mình, những gì mình vẫn che giấu suốt thời gian qua. Tôi phì cười với suy nghĩ của mình. Tự nhiên tất cả những lo lắng tan biến hết. Tôi đứng dậy, tự tin bước vào phòng phỏng vấn.

Một tuần sau tôi biết tin mình được chọn làm thực tập sinh tại Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Tôi nhận thấy hóa ra một vài trải nghiệm hay vài câu nói của người khác về tôi không đủ để chứng minh những định kiến tiêu cực của tôi về chính mình là đúng. Suy nghĩ quyết định cảm xúc, cảm xúc thôi thúc hành động. Khi dám thách thức lại suy nghĩ tiêu cực của mình, ta sẽ thấy mình làm được nhiều điều hơn mình nghĩ, mình nhiều tiềm năng để bay cao bay xa hơn mình tưởng.

Và đây chính là dấu mốc khiến tôi nhận ra sức mạnh của mình khi dám thách thức lại những niềm tin tiêu cực về bản thân.

Tôi bắt đầu bước ra khỏi vỏ ốc của mình từ ngày ấy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button