Kỹ năng mềm

Tiền Không Bao Giờ Là Đủ

tien khong bao gio la du sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Laura Vanderkam

Download sách Tiền Không Bao Giờ Là Đủ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Quyền năng của tiền bạc không nằm ở những con số, mà ở những gì nó mang lại

Hãy tưởng tượng vào một ngày đẹp trời, bạn vô tình nhặt được cây đèn thần và thần Đèn ban cho bạn một điều ước. Ngay lúc đó, chợt trong đầu bạn lóe lên ý nghĩ, “Nếu mình có tất cả tiền bạc, của cải trên thế gian thì sẽ ra sao nhỉ?”. Hẳn là ai cũng đều từng một lần mơ ước đến điều này. Tuy nhiên, dù điều này có trở thành sự thật đi chăng nữa, liệu bạn có nghĩ mình sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian?

Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và tầng lớp đều khát khao trở thành người hạnh phúc. Nhưng đa phần mọi người lại gần như dựa hoàn toàn vào tiền bạc – một yếu tố bên ngoài để quyết định mức độ hạnh phúc của họ mà không nhận ra rằng, chính những hành động và suy nghĩ đúng đắn, lạc quan kết hợp với cách sử dụng tiền bạc hợp lý của họ mới giúp họ có được những niềm vui trong cuộc sống. Nếu may mắn có một cuộc sống đầy đủ sung túc, bạn hãy suy nghĩ về việc nên làm gì để xây dựng một cuộc sống sao cho xứng đáng với vận may đó? Ngay cả những người có nhiều tiền hơn số tiền mà bạn mong muốn có được rốt cuộc vẫn phải lựa chọn.

Cuốn Tiền không bao giờ là đủ sẽ giúp bạn thay vì nhìn nhận tiền bạc như là một nguồn tài nguyên khan hiếm, thì coi đó là một công cụ có thể sử dụng một cách sáng tạo để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người mà bạn quan tâm.

Cuốn sách được chia thành 3 phần chính. Phần thứ nhất sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng về việc kiếm tiền như đừng tiết kiệm, quá chắt bóp chi li, mà thay vào đó hãy xem xét đến việc vận dụng tài năng của mình để kiếm được thêm nhiều tiền hơn. Phần thứ hai gợi ý vài hướng dẫn về cách tiêu tiền giúp bạn thêm hài lòng hơn với những gì mình đang có. Ngoài ra, phần ba sẽ là phần dành cho sự sẻ chia tiền bạc của mình với những người hoặc những việc khiến bạn cảm thấy hạnh phúc cũng như tận dụng được tối đa giá trị của đồng tiền.

Tiền không bao giờ là đủ được dựa trên các nghiên cứu về hạnh phúc cũng như những câu chuyện có thực của hàng chục con người, sẽ cung cấp những thông tin và suy nghĩ buộc chúng ta phải xem xét lại niềm tin, mục tiêu và giá trị mà chúng ta đang hướng đến.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả cuốn sách lý thú này!

Tháng 9 năm 2014
Công ty cổ phần sách Alpha

Bạn có nhiều tiền hơn bạn nghĩ

Một buổi chiều Chủ nhật, khi ngồi lướt qua mục lưu trữ các e-mail mà tôi đăng ký nhận, tôi chợt dừng mắt trước dòng tiêu đề thú vị trong mục làm cha mẹ: “Của từ trên trời rơi xuống”.

Với một tiêu đề như thế thì hẳn nhiên là tôi phải đọc tiếp rồi. Hóa ra là buổi sáng hôm đó, một thành viên lâu năm trong danh sách e-mail đó đã đăng tải một tin nhắn nói rằng một công ty công nghệ lớn vừa mua lại công ty nơi chồng cô làm việc. Để giữ chân và làm hài lòng các nhân viên chủ chốt trong quá trình chuyển giao, công ty thu mua giàu có này đã trao cho họ nhiều phần thưởng vật chất khác nhau, bao gồm tăng lương, quyền chọn mua chứng khoán và các khoản thưởng khác cho những người ở lại. Tuy không biết con số chính xác họ nhận được là bao nhiêu, nhưng cô tuyên bố rằng nhờ vào vận may trời cho này mà vợ chồng cô giờ đây đã có mặt trong hàng ngũ thượng lưu.

Cô còn cho biết trước giờ hai vợ chồng đều sống giản dị − có lẽ còn trên giản dị một bậc; dịp mua sắm cuối tuần cả hai đi từ cửa hàng này tới cửa hàng nọ để so sánh giá cả. Giống như phần lớn những người suốt ngày đăm chiêu nghĩ ngợi làm sao để tiết kiệm được vài đồng, từ lâu cô cũng đã mường tượng ra cuộc sống của hai vợ chồng khi túi họ đã rủng rỉnh. Giờ thì điều đó đã trở thành hiện thực.

Vậy sử dụng số tiền đó như thế nào cho hiệu quả nhất? Cô viết: “Tài khoản tiết kiệm cho lũ trẻ học đại học sau này hiện vẫn còn quá ít, giờ chúng tôi có thể xử lý vấn đề đó rồi. Chúng tôi cũng đã có những kỳ nghỉ thú vị, vấn đề chúng tôi đang gặp phải chỉ là không có thời gian. Nhưng ngoài ra thì chúng tôi có thể làm được những gì với số tiền đó nữa?”

Mặc dù gửi tin nhắn trên vào cuối tuần, nhưng chẳng mấy chốc cô đã nhận được hàng tá e-mail phản hồi từ những thành viên khác, tất cả đều háo hức chia sẻ ý tưởng của mình. Một số tỏ ra thông thái (hãy nhờ chuyên gia hoạch định tài chính tư vấn), hoặc khác thường (mua vàng và két sắt), một số khuyên tiết kiệm cho tương lai và dự phòng những lúc khó khăn – một phiên bản dự phòng hậu cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Thế nhưng cặp vợ chồng tằn tiện này đã thanh toán xong các khoản nợ nần. Chi tiêu điều độ và tiết kiệm là những thói quen đã ăn sâu vào máu của họ, nên việc nhắc họ tiết kiệm có lẽ hơi thừa.

Và thế là cuộc trao đổi lại nhanh chóng xoay sang khía cạnh triết học. Thay vì nghĩ cách sử dụng món tiền đó, mọi người lại nghĩ về chuyện tiền sẽ cho phép cô làm gì. Nhiều năm qua, người phụ nữ này đã chia sẻ với các thành viên khác trong diễn đàn những nỗi bức xúc của cô trong công việc, nên một người gợi ý, biết đâu số tiền trời cho này lại là một cơ hội tốt để cô nghĩ lại về nghề nghiệp của mình. Một số khác khuyên cô phóng tay làm phúc, hỗ trợ cho những mục đích mà cô hằng quan tâm – đây là một ý tưởng cô tỏ ra thích thú, tuy rằng cô không nghĩ mình là một nhà hảo tâm. Một người khác chia sẻ câu chuyện đáng buồn của cha mẹ cô, những người đã tích cóp được rất nhiều tiền, nhưng không bao giờ tự cho phép mình chi tiêu. Khi họ qua đời, cô được thừa kế một gia tài tươm tất và vì không muốn đi theo vết xe đổ của bố mẹ, nên cô không tiếc tay chi tiền cho những chuyến du lịch hạng sang và những dự án từ thiện mà hẳn bố mẹ cô nếu còn sống cũng sẽ ủng hộ. Cô vui mừng vì có được những cơ hội đó, dù rằng vẫn cảm thấy buồn vì bố mẹ cô chưa từng có cơ hội được tận hưởng niềm vui mà khối tài sản khổng lồ của họ có thể mang lại. Suy cho cùng thì, dù ít tiền hay nhiều tiền, chẳng ai có thể giữ được chúng mãi.

Người phụ nữ mới giàu này nhận được rất nhiều lời khuyên, mẹo mực khác nhau và một lượng khổng lồ các câu trả lời đưa chúng ta đến với một sự thật không thể chối cãi: tiền là một thứ quyền lực. Tiền cũng là một thứ phức tạp. Càng nghĩ về nó, nó càng khiến ta phải nảy ra những câu hỏi như: “Làm thế nào để có tiền? Ta nên tiết kiệm hay chi tiêu? Nếu tiêu tiền, thì nên tiêu vào việc gì?” Mặc dù ai cũng có thể nói “tiền không mua được hạnh phúc” hay phủ nhận tầm quan trọng của nó trong cuộc sống, nhưng nó vẫn có ý nghĩa nào đó đối với chúng ta. Nếu không thế, thì tại sao lại có nhiều người từ bỏ thời gian cuối tuần đến thế để chia sẻ suy nghĩ của họ về chủ đề tiền bạc với một người phụ nữ mà hầu như họ chỉ quen biết qua một danh sách e-mail?

Một lý do khiến chúng ta phải suy nghĩ về chuyện tiền bạc là vì nó là phương tiện giúp chúng ta dễ dàng so sánh mình với những người khác, mà con người thì vốn sẵn tính xét nét so bì. Khoa học hiện đại chỉ ra rằng chúng ta thậm chí bị “lập trình” khuất phục trước các biểu tượng về tài sản và địa vị (thực tế hoặc giả tưởng). Một số nhà nghiên cứu người Hà Lan từng thực hiện một cuộc thử nghiệm tại một khu trung tâm mua sắm; trong cuộc thử nghiệm này, một phụ nữ có vai trò nhờ người đi qua trả lời các câu hỏi trong một bản điều tra. Khi người phụ nữ này quàng chiếc khăn để lộ rõ thương hiệu Tommy Hilfiger, thì người đi mua sắm tỏ ra sẵn lòng tham gia cuộc điều tra hơn so với khi cô cũng quàng chiếc khăn tương tự nhưng không có logo nhãn mác nào cả. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu mời tình nguyện viên xem một đoạn video quay cảnh một người đàn ông đang phỏng vấn xin việc. Khi người đàn ông này mặc quần áo có logo nhà thiết kế, người xem đánh giá anh là người phù hợp hơn với công việc và họ đề xuất mức lương cao hơn cho anh so với khi anh không mặc trang phục có logo. Thậm chí trong một thử nghiệm khác cũng của nhóm nghiên cứu này, trong đó một số phụ nữ phải tới gõ cửa từng nhà để quyên tiền từ thiện. Kết quả cho thấy, mọi người quyên số tiền lớn gấp hai khi những phụ nữ này mặc trang phục có logo của nhà thiết kế so với khi họ mặc những trang phục được sản xuất đại trà…

ĐỌC THỬ

Số tiền mua chiếc nhẫn đó có thể mua được gì?

Cuối tháng 12 năm 2009, một thanh niên gửi e-mail cho tôi đưa ra một yêu cầu kỳ lạ. Anh chàng muốn ngỏ lời cầu hôn với bạn gái trước bức điêu khắc hình chữ LOVE (tình yêu) đặt ở trung tâm Manhattan và nảy ra ý tưởng thuê các ca sĩ trong dàn hợp xướng mà tôi đang quản lý khi đó hát tụng ca cô gái. Khi chúng tôi viết thư qua lại để bàn về bài hát, đội hình dàn hợp xướng và hẹn gặp uống cà phê để tôi có thể nhận ra anh ta, chúng tôi tiến tới đề cập chuyện cưới xin và một chuyện thường tình nảy sinh, đó là những khoản chi phí khổng lồ dành cho chúng. Vài tuần sau khi chúng tôi bắt đầu liên hệ với nhau, anh chàng đã lựa được một chiếc nhẫn kim cương đáng yêu cho cô dâu tương lai của mình. Anh chàng tâm sự với tôi rằng việc bỏ số tiền dành dụm suốt 2 năm trời để mua lấy một món nữ trang thì quả là kỳ quặc, song đó là vì một mục đích tốt đẹp.

Dĩ nhiên, kết hôn với tình yêu của đời mình là một nỗ lực đáng thực hiện. Tuy vậy, khi tôi cùng các thành viên dàn hợp xướng đứng hát bên góc phố lạnh lẽo ấy và cùng reo hò khi thấy cô nàng tình nhân của anh ta chấp nhận lời cầu hôn, tôi không khỏi suy tư về nửa thứ hai trong lời tuyên ngôn của anh chàng. Bạn thử nghĩ mà xem, thật là kỳ quặc khi bỏ ra một món tiền tiết kiệm lớn như vậy để mua về một viên đá. Một viên đá lấp lánh, hẳn rồi và là viên đá mà bạn hy vọng rằng người chủ nhân cuối cùng của nó sẽ đeo nó trong suốt phần đời còn lại. Nhưng nếu xét ở khía cạnh rằng phần lớn trong chúng ta đều phải vật lộn để tiết kiệm trong một thời gian dài như thế cho một điều gì đó, ta vẫn thấy thật kỳ lạ là mình lại không suy nghĩ nhiều hơn về việc tại sao chúng ta lại dành ra quá nhiều tiền như vậy để mua một lượng nhỏ carbon nén – cái mà ngành công nghiệp đám cưới đã tuyên bố rằng hơn 80% cặp vợ chồng ở Mỹ đang làm. Theo số liệu thống kê từ bản khảo sát thường niên mang tên Những Đám Cưới Thực Thụ của TheKnot.com, thì trong năm 2010, trung bình một cặp vợ chồng dành ra 5.392 đô-la để mua nhẫn đính hôn.

Vậy thì tại sao chúng ta lại mua kim cương? Vì chúng ta đang cùng nghiền ngẫm về chủ đề tiền bạc, cuộc sống và hạnh phúc, nên tôi cho rằng ta cũng nên tìm hiểu cái logic đằng sau hành vi mua sắm gần như phổ quát này, đồng thời tìm hiểu xem nó nói lên điều gì về các quyết định tiền bạc thường nhật của chúng ta. Phần thú vị nhất của toàn bộ phương trình này là con số 5.000 đô-la mà các cặp vợ chồng dành mua nhẫn cưới, mà thực ra phải là con số 20.000 đô-la có lẻ mà mỗi cặp vợ chồng phải đầu tư vào việc tổ chức đám cưới nữa, lại được chi tiêu trước khi cuộc hôn nhân bắt đầu, khi mà mối quan hệ giữa hai người vẫn còn lấp lánh lung linh như viên đá đeo trên tay cô dâu. Thật chẳng may, vài năm sau lễ cưới, con người thì vẫn vậy, mà cái ánh sáng lấp lánh kia sẽ bị lu mờ đi đôi phần. Vài chục năm trôi qua, con cái, công việc và những công việc lặt vặt không tên sẽ hợp sức lại để rút dần rút mòn cái tài khoản cảm xúc của cặp đôi. Tới khi đó, họ lại bắt đầu mơ mộng về tất cả những gì họ muốn làm để thổi niềm đam mê và vui thích sống lại trong cuộc hôn nhân của mình, giá như họ có tiền (và thời gian).

Điều mà chúng ta quên mất trong tất cả đống lộn xộn này là tiền là thứ hoàn toàn có thể trao đổi được. Ta có thể dễ dàng dùng nó cho việc này hay việc khác. Nhưng rất ít cặp đôi suy nghĩ về điều này khi họ đang lên kế hoạch chuẩn bị cho đám cưới sẽ đưa họ vào cuộc sống lứa đôi, mà họ chỉ nghĩ về nó vào những tháng ngày mệt mỏi sau đó – mà những ngày tháng đó tất yếu sẽ đến – rằng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua nhẫn cưới và những chiếc bánh cưới được làm tỉ mẩn có thể được đầu tư một cách có chiến lược hơn trong việc giúp họ có được đời sống lứa đôi tròn vẹn sau này. Chiến lược hơn như thế nào? Tức là, số tiền mua chiếc nhẫn đó có thể mua được những gì?

Với 5.392 đô-la bạn có thể mua được rất nhiều thứ, nhưng tôi thích câu hỏi này bởi nó nhấn mạnh đến ý tưởng về chi phí cơ hội và ý nghĩa của việc sử dụng các nguồn lực của mình một cách thông minh. Đây là một quan điểm đang ngày càng trở nên thịnh hành khi mà trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế đang từng bước thoát ra khỏi tình trạng trì trệ. Dĩ nhiên, các chuyên gia đã tán tụng quá mức tình trạng tỉnh táo mới – như họ vẫn thường làm vậy. Một trong những sở thích của tôi là lục lọi trong đống tạp chí tài chính cũ, những câu trích dẫn đánh giá sai hoàn toàn bản chất con người. Ta hãy đọc những dòng thâm thúy sau đây trong tạp chí Money, trích từ một bài viết xuất bản khoảng một năm sau Ngày Thứ Sáu Đen Tối năm 1987: “Giai đoạn chi tiêu vung vãi, chủ nghĩa yêu bản thân thái quá và cái ý tưởng rằng ta có thể đầu cơ vào cổ phiếu mà không chịu bất kỳ rủi ro nào – tất cả đã qua rồi.” Đương nhiên là thế, nếu cái mà người viết cho rằng “tất cả đã qua rồi” nghĩa là “qua cho tới giai đoạn Nasdaq phình to như quả bong bóng trong giai đoạn 1997-1999.” Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn còn điều gì đó đáng khai thác trong cái khát vọng hậu Đại Suy Thoái này đối với việc điều chỉnh tiền bạc cho khớp với các giá trị của chúng ta. Ngay cả khi ví tiền của chúng ta lại được đổ đầy, thì cũng nên biết rằng chúng ta đang coi trọng từng đồng. Đê mê với niềm hạnh phúc buổi đầu, ít cặp đôi nào nghĩ tới khía cạnh thực tế của việc liệu tất cả số tiền dành để chi trả cho đám cưới kia có thể mua lại cho họ những gì và có quá nhiều lý do thuộc về tình cảm ở đây khiến chúng ta không nỡ đặt ra câu hỏi đối với khoản chi phí vốn đã ăn sâu bén rễ vào nền văn hóa của chúng ta, giống như kiểu dừng tổ chức ngày Quốc khánh lại vậy. Nhưng làm như vậy sẽ đem lại một thí nghiệm tưởng tượng khá thú vị − trong đó chúng ta nghĩ đến tất cả các quyết định của mình về tiền bạc – và mang lại những bằng chứng cho thấy có lẽ cách sử dụng tiền của chúng ta thiên về lựa chọn hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ.

NỀN KINH TẾ HÀO NHOÁNG RẺ TIỀN

Trong suốt giai đoạn chuẩn bị cho đám cưới, ít cô dâu nào bỏ ra vài phút để suy tư về chuyện từ đâu mà những chiếc nhẫn kim cương lại trở nên phổ biến đến thế. Câu trả lời hóa ra lại là một câu chuyện hay ho về việc thay đổi các chuẩn mực xã hội và chủ nghĩa cơ hội trắng trợn. Nhẫn đính hôn đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng dường như nỗi ám ảnh về nhẫn kim cương có nguồn gốc từ thập niên 1930. Năm 1990, trong một bài báo viết cho Tạp chí Luật, Kinh tế học & Tổ chức, giáo sư luật Margaret Brinig có nói rằng nhẫn trở nên phổ biến khi nhà nước bãi bỏ luật cho phép phụ nữ khởi kiện đối tượng “vi phạm lời hứa hôn”. Tuy “ăn cơm trước kẻng” vẫn là một hành vi cấm kỵ trong những năm sau Thế chiến I, nhưng đâu đó vẫn còn những “vùng xám” và gần như một nửa số phụ nữ bị mất trinh trong thời kỳ đính hôn. Brinig viết: “Chuyện này cũng tốt thôi. [Nhưng đối với phụ nữ], nếu hôn lễ không thành thì cô sẽ không còn có cơ hội được dâng tấm thân trinh trắng cho người mới và như thế cô sẽ bị tổn thất về ‘giá trị’”. Một gã láu cá muốn ăn nằm với những cô gái tử tế có thể “cầu hôn” rồi sau đó bỏ rơi những vị hôn thê của mình. Có lẽ để phòng trừ mối nguy hại này, nhiều bang đã ra luật cho phép phụ nữ khởi kiện hành vi vi phạm lời hứa hôn, từ đó ngăn những hành vi này ở nam giới, hay chí ít là cũng khiến họ phải đối mặt với những hậu quả đắt giá cho những trò lả lơi ong bướm của mình.

Sau đó, tới năm 1935, một nhà lập pháp bang Indiana hậu thuẫn cho một đạo luật bãi bỏ tư cách khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại khi bị hủy hôn ước. Các tổ chức pháp quyền khác cũng làm theo như vậy và điều này đặt ra một câu hỏi: nếu phụ nữ không được quyền khởi kiện, thì cô ấy có thể làm gì để tự vệ? Một giải pháp là yêu cầu vị hôn phu tương lai phải giao nộp một khoản tiền lớn khi đính hôn. Điều này sẽ khiến cho bất cứ chàng rể tiềm năng nào cũng phải suy nghĩ chín chắn trước khi quyến rũ một người phụ nữ với ý định ám muội. Và cách hiệu quả nhất để làm điều này là người nam giới phải đưa tiền cho người trong mộng của mình. Tiền có thể được dùng làm bất kỳ việc gì và do đó, phương pháp này ít ra cũng giúp cho người phụ nữ có thể làm được điều gì đó hữu ích với nó, chẳng hạn như đi học hay kinh doanh. Nhưng những con người thanh lịch lại luôn cho rằng tiền mặt là một thứ thô lậu trong những tình huống phù hợp, vì thế mà phương thức này không được phổ biến lắm.

Nhưng may thay, trong khi các cô dâu tìm kiếm thứ gì đó đắt đỏ mà tôn kính để bảo lãnh cho danh dự của mình, thì ngành công nghiệp sản xuất kim cương lại đang vật lộn với nguồn cung đá quý dư thừa và họ cần tìm một lối ra cho chúng. Nhận thấy cơ hội này, công ty DeBeers đã thực hiện một trong những chiến dịch marketing đầu tiên trên toàn nước Mỹ nhằm đẩy mạnh doanh số bán kim cương. Hãng quảng cáo đã thuê các minh tinh Hollywood đeo những chiếc nhẫn thật nổi bật và chẳng bao lâu sau cảnh cầu hôn trong các bộ phim đều thấy có hình ảnh những viên kim cương. Chỉ trong vòng ba thập kỷ mà chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương đã bén rễ lành trong nền văn hóa, gần như được tất cả mọi người chấp nhận và nhanh chóng trở thành đối tượng của tình trạng lạm phát tràn lan khi mà “hai tháng lương” trở thành mức thuế suất được đề nghị cho các chàng rể; và ở một số nơi, nhẫn đính hôn có kim cương dưới 1 carat – gần với mức trung bình hiện nay – sẽ trở thành nguyên nhân gây ra những lời đồn đại thì thầm bình luận về năng lực tài chính của người đàn ông. Bởi con người mặc nhiên khuất phục trước những biểu trưng của vị thế, nên những người nam giới như anh bạn trẻ mà tôi đề cập đến ở đầu chương hiện đang phải chịu áp lực rất lớn là phải bỏ ra một khoản tiền đáng kể để mua nhẫn nhằm thể hiện sự quan tâm tới vị hôn thê của mình.

Dĩ nhiên, chiếc nhẫn mới chỉ là khoản mua lớn đầu tiên trong cuộc hôn phối, đằng sau nó là một danh sách miên man về các khoản phải chi khác. Bất kỳ thương gia nào cũng biết rằng một khi một khách hàng mua một khoản đắt tiền, thì tức là cánh cửa xả lũ đã mở rồi. Tại sao lại không mua những tấm thảm đẹp đẽ khi mà anh đã mua cái ô tô? Với niềm đam mê theo đuổi sự xa hoa, đằng sau là những chiếc nhẫn kim cương đắt tiền, chúng ta dễ dàng tìm ra được lời biện hộ cho những khoản mua khác mà có lẽ ở các thời điểm khác trong cuộc sống, chúng ta chẳng bao giờ dám đối đãi bản thân như thế. Quay trở lại mùa xuân hè năm 2004, khi tôi đang lên kế hoạch cho đám cưới của mình, tôi đã gom góp cả một bộ sưu tập các tạp chí Martha Stewart Weddings và các cuốn sách hướng dẫn cách chuẩn bị đám cưới. Tôi dành hàng giờ để cân nhắc về những câu hỏi như liệu có cần in thiếp cưới, ghi tên và ngày cưới lên đó không. Nên để khách mừng thổi bóng bay hay vẫy pháo hoa, hay ném hoa giấy? Những năm tháng qua vẫn chưa thể làm thay đổi cái quan điểm của ngành công nghệ đám cưới rằng những tiểu tiết nhỏ nhặt và chắc chắn là rất đắt đỏ này cần có sự lưu tâm đặc biệt của các cô dâu. Gần đây, tôi có dịp ghé vào cửa hàng đồ cưới của The Knot và sau khi đi qua những gian trưng bày những hạng mục truyền thống như váy cưới, tôi chợt gặp những hạng mục gây tò mò chẳng hạn như “Đồ trang trí trên bàn tiệc có hình kim cương”, được quảng cáo là “được cắt khéo léo và lấp lánh”, từ đó “làm tăng thêm không khí huyền ảo sang trọng cho phong cách tiệc cưới của bạn”, hay “mang lại không gian kỳ diệu cho bữa tiệc đính hôn.” Phần lớn các sản phẩm này đều có thể được tùy chỉnh theo yêu cầu. Chẳng hạn, bạn có thể có một “khung đựng đĩa hình vuông và đĩa được thiết kế thanh lịch theo yêu cầu” (đặt trên các bàn ăn để đánh dấu số bàn) với giá 64 đô-la và 100 thỏi socola hiệu Hershey’s Kisses thiết kế riêng với giá 19,99 đô-la – tức gấp khoảng 4 lần so với giá các thỏi socola Kisses bán đại trà trong các cửa hàng bách hóa.

Những tiểu tiết đó không mấy quan trọng. Thế nhưng chúng ta đều bỏ tiền tiêu cho những thứ tương tự như những vật trang trí trên bàn tiệc cưới kể trên – hoặc thậm chí cho những thứ còn vô nghĩa hơn. Trong trường hợp của tôi là những khoản phí nộp chậm cho T-Mobile. Nhưng hiệu quả cuối cùng của tất cả những việc như đặt thỏi socola được thiết kế riêng hay không là chính đám cưới, chứ không phải hôn lễ, mới trở thành điểm chính. Và cả quá trình này bỗng trở thành nỗi băn khoăn liệu bạn có để khăn lụa trên ghế không, thay vì sự nguyện ước cống hiến cho nhau và chung thủy với người bạn đời.

Chúng ta hồ hởi tới dự đám cưới và nền văn hóa của chúng ta không ngăn trở kiểu tư duy này cả. Khi một cặp đôi tuyên bố đã đính hôn, điều đầu tiên mọi người muốn làm là trầm trồ ngắm chiếc nhẫn kim cương của cô dâu, dù rằng theo tập tục hiện đại, thật kỳ quặc khi nghĩ rằng người đàn ông nên đưa một số vốn cho người phụ nữ để bảo đảm rằng cô ấy sẽ không bị “hủy hoại” bởi việc quan hệ tình dục trong thời kỳ đính hôn. Trước thời điểm diễn ra đám cưới của Hoàng tử Williams và Kate Middleton vào tháng 4 năm 2011, giới báo chí sục sôi như lên đồng, nhiều tờ còn dành hẳn toàn bộ hai trang giữa để bàn về chiếc xe ngựa mà công nương sẽ ngồi khi tới nhà thờ − và hầu như không bài báo nào đề cập tới chuyện cặp vợ chồng hoàng gia này định nuôi dạy con cái ra sao, hay họ sẽ làm gì sau đám cưới. Chúng ta tới đám cưới bởi, theo hình dung thông thường, lễ cưới là sự tích tụ của hàng thập kỷ mơ ước. Đối với cô dâu, đó chính là ngày của cô ấy. Cô ấy cần phải là một công chúa – lại một lý do khác nữa giải thích cho việc tại sao chúng ta lại bị ám ảnh đến thế vào những đám cưới hoàng tộc, vốn có những nàng công chúa thực sự. Đó là sự tưởng tượng của một đứa trẻ và vì thế chúng ta có xu hướng nghĩ về đám cưới giống như tư duy của một đứa trẻ lên 4. Tức là, “sau khi tìm được người trong mộng, chúng ta lúc nào cũng hướng đi về phía mặt trời lặn,” Alisa Bowman, tác giả cuốn Project: Happily Ever After (tạm dịch: Dự án: Bên nhau trọn đời), một cuốn hồi ký về cuộc hôn nhân của bà, viết. Trong các câu truyện cổ tích, phần đám cưới thường ở ngay trước chữ “Hết truyện”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button