Kỹ năng mềm

Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Eugen Herrigel

Download sách Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Phần lớn chúng ta đều chưa hiểu Thiền và cũng chẳng biết về nghệ thuật bắn cung, nhưng tại sao tác phẩm Thiền trong nghệ thuật bắn cung này lại có thể hấp dẫn?

Có lẽ những ai đã đến với Thiền cũng đều công nhận như Herrigel, tác giả cuốn sách này, là một lúc nào đó ta sẽ gặp một bức tường không thể nhảy qua. Ðó là bức tường ngăn chặn mọi suy tư lý luận, mà chỉ có sự chứng thực của bản thân mới hy vọng mở được cánh cửa. Người đọc tác phẩm này sẽ cảm nhận Herrigel đã mở được cánh cửa đó bằng một con đường có ít người đi, con đường của nghệ thuật bắn cung.

Ðiều hấp dẫn là Herrigel cũng như mọi đại sư của các ngành nghệ thuật khác gần gũi với Thiền như kiếm đạo, hoa đạo, trà đạo, hội họa… đều thừa nhận là, các nghệ thuật đó chỉ là phương tiện để dẫn tới một chân trời, nơi đó “Thiền bắt đầu hít thở”. Tới mức thành tựu đó rồi thì người xạ thủ hay kiếm sĩ đã quên bản thân mình, thì cái hồn nhiên trong mỗi người chúng ta mà Suzuki gọi là “trực giác bát-nhã” sẽ thông qua kỹ năng thuần thục mà hành giả cung đạo hay kiếm đạo đã khổ công luyện tập mà tự vận hành. Tại chốn đó, nơi mà Suzuki gọi là satori thì đã vắng bóng tự ngã và lòng mong ước sở cầu, chỉ còn “nó” và cái dụng của “nó”, chúng xuất hiện trực tiếp và liên tục với nhau, giữa chúng không có một khoảng cách nào, dù nhỏ như “đường tơ kẽ tóc”.

Herrigel là một giáo sư triết học người Ðức, ông thành tựu được nghệ thuật bắn cung Nhật Bản sau sáu năm khổ luyện. Là một người phương Tây vốn quen phân tích lý luận, với tính cách của một người đã thành tựu một nghệ thuật của Thiền, Herrigel thuật lại cho ta một cách chân thành bước đường học tập đầy gai góc của mình. Người đọc tới đây đã đoán đúng, bắn cung là một hoạt động của tâm thức. Ðúng thế, Herrigel cần cả một năm chỉ để biết kéo cung “một cách tâm linh”, năm năm để biết quên đích bắn nằm ở đâu. Cuối cùng nhà triết học đó đã thành tựu và vì vậy tác phẩm của ông rất thú vị cho những người cũng quen lý luận. Nó mô tả lại những gì chờ đợi ta trên bước đường luyện tập tâm linh, đi từ một suy nghĩ thường tình đến một trạng thái mà Herrigel gọi là không biết “mình bắn đích hay đích bắn mình”. Tuy nó sẽ không mở giúp cánh cửa của bức tường nọ nhưng có lẽ nó sẽ đưa ta tới cửa.

Vì lẽ đó mà cuốn sách nhỏ này được nhiều người quí trọng. Nó đã được dịch ra 13 thứ tiếng, bản dịch Việt ngữ này dựa trên bản in lần thứ 38 của nguyên bản tiếng Ðức.

Cộng Hòa Liên Bang Ðức, tháng 3 năm 2001

Nguyễn Tường Bách

ĐỌC THỬ

THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

Thoạt nhìn, thật là một sự coi nhẹ quá mức khi đưa Thiền vào trong mối liên hệ với việc bắn cung nỏ, dù ta hiểu Thiền thế nào đi nữa. Ngay cả khi hào phóng thừa nhận bắn cung là một “nghệ thuật” đi nữa, ta cũng thấy khó mà cảm nhận trong nghệ thuật này có một cái gì khác ngoài kỹ năng thuần túy thể thao của nó. Thế nên người ta sẽ bất ngờ khi tìm hiểu về các khả năng đáng kinh ngạc của nghệ thuật bắn cung Nhật Bản. Nghệ thuật này có cái thuận lợi là dựa trên một truyền thống cổ xưa, không bao giờ bị đứt đoạn, trong cách sử dụng cung tên. Lý do là tại Viễn Ðông, cũng chỉ vài thế hệ gần đây thôi, loại vũ khí hiện đại mới bắt đầu lấn át các phương tiện chiến đấu cổ điển trong những lúc cần thiết. Ðồng thời, việc sử dụng các phương tiện cổ đó cũng không hề bị gián đoạn, vẫn tiếp tục lớn mạnh và lan rộng trong nhiều giới. Phải chăng vì thế mà ta có thể mong chờ một sự mô tả về môn bắn cung Nhật Bản, hy vọng nghe giải thích tại sao mà ngày nay nó đã trở thành một môn thể thao rộng khắp?

Không có gì sai lầm bằng sự dự đoán này. Cung đạo trong ý nghĩa thông thường – được tôn trọng như một nghệ thuật, một truyền thống tại Nhật Bản, nó không được người Nhật hiểu là một môn thể thao mà là một nghi thức tế lễ, mặc dù kỳ lạ thế nào đi nữa khi mới nghe qua. Và như thế, “nghệ thuật” bắn cung không đơn thuần là một kỹ xảo thể thao mà người ta có thể luyện tập, mà là một khả năng bắt nguồn từ công phu trau dồi tâm linh, với mục đích là bắn trúng trên phương diện tâm thức: Cơ bản là xạ thủ nhắm bắn chính mình và rất có thể đạt được kết quả là bắn trúng chính mình.

Ðiều này nghe ra thật là khó hiểu. Người ta sẽ nói, làm sao được, môn bắn cung, ngày xưa người ta luyện tập là vì chuyện chiến đấu sinh tử, bây giờ chưa chắc đã được xem là một môn thể thao rèn luyện thể chất, làm sao nó lại là công phu tâm linh được? Thế thì cung, tên và bia bắn để làm gì? Như thế thì phải chăng ta đã phủ nhận một nền nghệ thuật cổ của kẻ trượng phu cũng như ý nghĩa rõ rệt của môn bắn cung và thay vào đó bằng một cái gì mơ hồ, nếu không muốn nói là hoang tưởng?

Thế nhưng ta cần phải nghĩ rằng – kể từ lúc môn bắn cung hết dính liền với các cuộc chiến đấu đổ máu thì nay tinh thần kỳ đặc của môn này xuất hiện một cách thuyết phục hơn, ít bị phân tán hơn – tinh thần của nghệ thuật này thực ra không cần được diễn tả bằng cung tên, dù nó luôn luôn có liên quan với chúng. Nó cũng không có nghĩa là, kể từ khi cung tên không đóng vai trò gì trong vũ khí, phép bắn cung truyền thống trở thành một trò tiêu khiển giết thời gian, rồi đồng thời cũng bị xem thường. “Ðại pháp” của môn bắn cung phát biểu một cái gì khác hẳn. Theo đó thì môn bắn cung trước sau là một vấn đề sinh tử, đó là mức độ của người bắn chiến đấu với chính mình; và cách đấu tranh này không phải một lối thay thế miễn cưỡng mà chính là nền tảng căn cơ của tất cả các cuộc chiến đấu ngoại cảnh – thí dụ như chống lại một đối thủ bằng xương bằng thịt. Chỉ trong cuộc chiến đấu nội tâm của xạ thủ với chính mình thì nghệ thuật này mới cho thấy tự tính ẩn mật của nó, và vì thế các lời khai thị trong nghệ thuật đó không quên những gì cốt tủy, dù cho bây giờ chúng không còn nói đến khả năng áp dụng thực tế trong cuộc chiến đấu của các hiệp sĩ.

Vì thế, ngày nay ai hiến mình cho nghệ thuật này, người đó sẽ nhận hưởng được từ dòng phát triển lịch sử của nó một sự thuận lợi không thể chối cãi, đó là khỏi phải sa vào cách nghĩ tối tăm là ta chỉ thấu hiểu “đại pháp” đó bằng những áp dụng cụ thể. Vì rằng, tất cả các nhà đạo sư bắn cung của mọi thời đại đều nhất trí với nhau, cửa chỉ mở cho những ai có một trái tim thanh tịnh, vắng bóng những mưu toan nhỏ nhặt.

Vì thế nếu có ai hỏi, các nhà đạo sư bắn cung Nhật Bản nhìn và mô tả thế nào về người xạ thủ chiến đấu với chính mình, thì các câu trả lời của họ đều vang lên một cách bí ẩn. Vì đối với các vị đó thì sự chiến đấu của xạ thủ là nhắm vào chính mình – lại vừa không nhắm vào chính mình, rằng có thể anh ta bắn trúng chính mình – lại vừa không bắn trúng chính mình, như thế vừa là kẻ nhắm vừa là đích nhắm, vừa là kẻ bắn vừa là kẻ bị bắn. Hay nói như các vị đạo sư bắn cung vẫn thường nói: quan trọng nhất là, dù cho nằm ngay trong hành động của mình, xạ thủ vẫn là cái trung tâm bất động. Rồi thì cái vĩ đại nhất và chung kết nhất sẽ tự sinh ra: nghệ thuật trở thành phi nghệ thuật, hành động bắn biến thành cái không bắn, thành một hành động bắn vắng bóng cung và tên; thầy trở thành trò, đạo sư trở thành kẻ nhập môn, cái cuối cùng trở thành cái nguyên thủy và cái nguyên thủy trở thành cái viên mãn.

Người Ðông Á đã quen và thấu hiểu những công thức bí ẩn này. Ngược lại, rõ ràng là chúng làm chúng ta bí lối. Không còn cách nào khác hơn là phải tìm hiểu sâu hơn. Ðã từ lâu, đối với người phương Tây, điều sau đây không phải xa lạ, đó là dạng hình nội tại của các nền nghệ thuật Nhật Bản đều qui về một nguồn gốc chung, đó là đạo Phật. Ðiều này có giá trị với nghệ thuật cung đạo cũng như vẽ tranh mực tàu, cho nghệ thuật sân khấu cũng không kém khi so với trà đạo, với nghệ thuật cắm hoa cũng như kiếm đạo. Trước hết, phải nói là tất cả các nghệ thuật đó lấy một thái độ tâm linh làm điều tiên quyết và sự săn sóc bồi dưỡng cho thái độ đó tùy thuộc nơi cách thức riêng tư của riêng mình, và trong mức độ cao nhất thì đó chính là đặc thù của Phật giáo và là cái quyết định tự tính của con người tôn giáo. Dĩ nhiên ở đây ta không nói đạo Phật theo nghĩa chung. Không phải đạo Phật thuần lý mà người ta có thể học tập thông qua kinh điển mà ở châu Âu cũng được biết tới và có người quả quyết là mình hiểu ngộ. Ở đây ta nói đến Thiền tông của Phật giáo mà Nhật Bản gọi là “Zen”, trong đó sự suy luận không có vai trò, mà lại là một sự chứng thực trực tiếp về cái nguồn gốc của mọi sự mà tư duy không nắm bắt được. Thậm chí ngay sau khi có một chứng nghiệm rõ ràng và choáng ngợp như thế, người ta cũng chưa thấu hiểu và lý giải được: ta chỉ biết là mình không biết về nó. Ðể tới biến cố chứng thực quyết định đó, Thiền tông Phật giáo đề ra nhiều con đường, trong đó nhờ phương pháp tĩnh lặng nội tâm mà chúng dẫn đến nguồn gốc sâu xa nhất của tâm thức, đến một cái vô thủy vô chung không thể gọi tên. Và hơn thế nữa: ta cùng đồng nhất với nó. Và khi nhìn lại thuật bắn cung thì điều này có thể được xác định một cách hết sức tạm thời nhưng đáng làm ta suy nghĩ: các phép tập luyện mà chỉ nhờ chúng, kỹ năng bắn cung biến thành nghệ thuật và cuối cùng biến thành nghệ thuật phi nghệ thuật, đó là những phép tập luyện tâm linh. Và việc bắn cung không hề có nghĩa là một vận động ngoại cảnh với cây cung và mũi tên mà là một sự xếp đặt nội tại với chính bản thân mình. Cung cũng như tên chỉ là những cái cớ cho một biến cố khác, cái đó cũng vẫn có thể xảy ra nếu thiếu cung tên. Cung tên chỉ là con đường dẫn tới một cái đích, chúng không phải là cứu cánh, chúng chỉ sự trợ giúp cho bước nhảy quyết định cuối cùng.

Trước sự kiện này thì không còn gì đáng mong hơn là có được một tác phẩm trình bày về Thiền tông như thế nào đó để ta có thể thấu hiểu sâu xa. Thực tế là không thiếu những tác phẩm này. Thí dụ như D.T.Suzuki trong tác phẩm Luận về Thiền tông Phật giáo[4] đã mang lại minh chứng là văn hóa Nhật Bản và Thiền liên hệ mật thiết với nhau, rằng nền nghệ thuật Nhật Bản, tâm thức võ sĩ đạo, quan niệm sống, các dạng hình đạo đức, thẩm mỹ, trong một chừng mức nhất định cả tư tưởng Nhật Bản, đều phải nhờ cậy nguồn suối của Thiền và vì thế cho những ai không quen thuộc với Thiền thì chúng không thể được hiểu một cách đầy đủ được.

Những tác phẩm quan trọng của Suzuki – gần đây đã được dịch ra Ðức ngữ[5] – cũng như những khảo cứu của các nhà nghiên cứu Nhật Bản khác đã gây nên một sự chú ý đáng có. Người ta phải thừa nhận rằng, Thiền tông Phật giáo được hình thành tại Ấn Ðộ, đã chuyển hóa mạnh mẽ và chín muồi tại Trung Quốc, cuối cùng được Nhật Bản tiếp thu và được chăm bón tới ngày hôm nay trong một dòng truyền thừa sinh động. Và cũng Thiền tông đó đã sinh ra nhiều thánh nhân bí ẩn trong dạng con người, mà sự tìm hiểu về cuộc đời các vị đó không bao giờ được gọi là đầy đủ.

Dù có nhiều người cố gắng giới thiệu về Thiền, người châu Âu chưa mấy ai có cái tri kiến về tự tính đích thực của Thiền. Hầu như có một cái gì ngăn cản không cho ta đi sâu, tâm trạng cảm biết của chúng ta chỉ đi vài bước là gặp phải cổng rào không vượt qua được. Trong bóng tối che phủ xung quanh, Thiền đối với ta như một câu đố kỳ lạ nhất, đó là câu đố của đời sống tinh thần Ðông Á đề ra: không giải được nhưng lại thu hút một cách không cưỡng lại nổi.

Lý do của cảm giác đau xót không thể tiếp cận đó hẳn phải nằm trong cách diễn đạt mà Thiền sử dụng đến nay. Ở đây người ta không cần ai lý giải cả, không có một thiền sư nào chịu khó mô tả chút ít về chứng nghiệm của ông, chứng nghiệm đã giải phóng và chuyển hóa ông, chịu khó mô tả về “sự thực” bất khả tư nghì, bất khả ngôn thuyết, mà xuất phát từ đó, bây giờ ông sống một cách tự tại. Ở đây Thiền đã gần như đồng nghĩa với tâm linh huyền bí thuần túy. Ai không tham gia được vào những chứng thực tâm linh thì kẻ đó đứng ngoài cuộc, dù cho anh ta có quay cuồng thế nào. Quy luật này là chung cho tất cả những gì thuộc phạm vi huyền bí đích thực, không hề cho ai ngoại lệ. Và dù cho có vô số sách vở được xem là thiêng liêng nói về Thiền, sự thể cũng như vậy thôi. Thực tế là những sách vở đó mang tính chất là chỉ hé mở ý nghĩa sinh động của chúng cho những ai đã chứng được cái kinh nghiệm cốt tủy nhất, và những sách vở đó chỉ thừa nhận những gì mà hành giả dù muốn dù không cũng đã từng có. Ngược lại, đối với kẻ chưa chứng nghiệm thì chúng câm lặng vì làm sao anh ta đọc được giữa những hàng chữ[6]. Ngoài ra, chúng không thể không làm tâm tư anh ta rối bời, dẫn đi lạc lối không phương cứu thoát, dù cho anh đã cẩn trọng tới với những sách vở đó và đã dâng hiến chính lòng mình. Thế nên Thiền, cũng như mọi lĩnh vực huyền bí khác, chỉ được hiểu ngộ bởi một con người mà bản thân nó cũng thuộc giới huyền bí, kẻ đó cũng không chịu làm những cách không chính đáng khác để đạt những điều mà chứng nghiệm huyền bí chưa cho thấy.

Bây giờ thì người đã đi suốt con đường Thiền, người đã nhờ “ánh sáng chân lý” mà giác ngộ, kẻ đó sống một cuộc đời quá tự tại, không ai không thấy. Vì thế cũng phải lý thôi, nếu có ai xuất phát từ một nguồn gốc tâm linh tương tự với lòng thôi thúc cảm nhận, mà tìm đường vào, tiếp cận với cái năng lực vô danh đó, cái tạo tác vĩ đại đó. Kẻ đó có quyền mong chờ ai đó trong Thiền tông mô tả cho mình ít nhất là con đường dẫn đến đích. Và cũng kẻ tầm đạo chân thành đó mới được quyền mong ước, chứ lòng tò mò thôi thì chưa đủ để đòi hỏi. Không có nhà đạo học nào, tức là chẳng có vị thiền sư nào mà trong bước đầu dọ dẫm lại đạt được như ngày viên mãn. Ông đã vượt qua biết bao trở ngại, để lại đằng sau biết bao chặng đường để cuối cùng gõ được cánh cửa của chân lý! Trên đường đi ông đã bị giày vò biết bao lần với cảm giác trơ trụi, rằng mình đang tìm cái bất khả. Thế nhưng cái bất khả này một ngày nào đó trở thành khả dĩ, thậm chí là điều hiển nhiên. Khi đó chẳng lẽ không có chỗ cho niềm hy vọng là, một sự mô tả về con đường dài và chông gai đó ít nhất cũng làm ta tự đặt câu hỏi với mình: ngươi có dám đi chăng?

Thế nhưng những mô tả đó về con đường và các chặng hầu như hoàn toàn không có trong sách vở Thiền. Một mặt là vì, chính các thiền sư là người chống đối quyết liệt nhất việc hướng dẫn đời sống tâm linh cho một ai khác. Thế nhưng các vị đó là người biết rõ nhất từ chính kinh nghiệm của mình là, không ai đi được hết con đường này mà không có sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tụy của một vị đạo sư có kinh nghiệm. Mặt khác, điều quyết định không kém là, những chứng nghiệm, những thành quả, những bước đường của các thiền sư, bao lâu nó còn là “của mình” thì bấy lâu nó còn phải bị vượt qua, phải được chuyển hóa, cho tới lúc tất cả cái “của nó” bị hủy diệt. Vì chỉ lúc đó mới có cơ sở cho một chứng nghiệm về “sự thực tuyệt đối”, mới cho thiền sinh một cuộc sống xa rời tự ngã và cá thể. Hành giả sẽ sống nhưng trong đó không còn có một cá thể của hành giả đang sống.

Từ nơi đây ta sẽ hiểu, tại sao Thiền giả tránh nói về mình và con đường phát triển của mình. Không phải vì ông cho đó là hí luận thiếu khiêm tốn mà ông thấy điều đó đã phản lại tinh thần của Thiền. Ðối với ông, chỉ duy một việc mở miệng nói về Thiền thôi là một điều phải cân nhắc nghiêm túc. Ông sẽ cảnh báo nhớ tới chuyện của một trong các vị Thiền sư vĩ đại nhất, khi vị này nghe hỏi Thiền là gì, vị ấy giữ im lặng như không hề nghe câu hỏi đó. Nay, chẳng lẽ Thiền giả lại thấy phải nói về mình, về những gì ông đã vứt bỏ?

Trước sự kiện này thì thật là vô trách nhiệm nếu tôi lại tiếp tục đem ra những câu chuyện nghịch lý và lại mồm năm miệng mười lý giải, coi đó là xong việc của mình. Thế nên tôi theo đuổi ý định, hãy để cho cốt tủy của Thiền chiếu rọi theo cách của nó vào một trong những nghệ thuật mà nó có tác dụng lên. Hiển nhiên sự sáng tỏ này chưa phải là giác ngộ trong đúng như ý nghĩa cơ bản của từ này, nhưng ít nhất nó cũng cho thấy đôi chút những gì nằm sau tấm màn sương che phủ mắt nhìn, như ánh nhoáng từ xa báo hiệu tia chớp. Hiểu như thế thì nghệ thuật bắn cung là trường học vỡ lòng của Thiền và từ động tác tay chân mà ta thấy rõ những biến cố, bản thân những biến cố tự nó lại là bất khả tư nghì. Nói cụ thể là có thể mỗi con đường của các nghệ thuật đã nêu đều dẫn tới đạo lộ của Thiền.

Ðối với tôi thì có lẽ hiệu quả nhất là mô tả con đường mà một người học trò của nghệ thuật bắn cung phải trải qua. Nói chính xác hơn, ở đây tôi sẽ tìm cách trình bày giai đoạn sáu năm học hỏi với một trong những đại sư của Nhật về nghệ thuật này. Vì chính chứng nghiệm của riêng tôi cho phép tôi làm điều này. Thế nhưng để bạn đọc có thể hiểu được – vì ngưỡng cửa vỡ lòng đã chứa đựng lắm điều bí ẩn – tôi không có cách gì hơn là kể lại tất cả những chướng ngại mà tôi đã vượt qua, tất cả những gì đã kìm hãm mà tôi đã vứt bỏ trước khi bước vào được trong tinh thần của đại pháp. Sở dĩ tôi nói về mình vì không còn cách nào khác để đạt mục đích đó. Cũng vì lý do này mà tôi xin chỉ tự giới hạn trong những điểm chủ yếu nhất để cho sự trình bày được sắc sảo. Tôi sẽ cố tình không nói đến những bài học đã xảy ra trong khung cảnh nào, không kể lể lại những gì lắng đọng sâu xa trong ký ức, nhất là không vẽ lại hình ảnh của vị đạo sư, dù cho có lúc tôi rất muốn. Luôn luôn tôi chỉ muốn giới hạn trong nghệ thuật bắn cung, nó hiện ra đối với tôi như thế nào, học được nó khó ra sao, và tôi sẽ chỉ trình bày tới đó thôi, tới nơi mà những chân trời xa nhất bắt đầu hiện rõ mà sau đó là chỗ Thiền thở hơi thở của mình.

***
Tôi phải giải thích tại sao mình lại muốn tiếp xúc với Thiền và lại muốn học nghệ thuật bắn cung để đạt mục đích đó. Từ thời sinh viên, hầu như bị một khuynh hướng bí ẩn thôi thúc, tôi đã quan tâm đến đạo học huyền bí mặc dù thời gian không có nhiều cho việc đó. Với tất cả cố gắng, tôi càng lúc càng thâm hiểu, rằng mình chỉ là người từ bên ngoài mà tới với các kinh sách đạo học. Dù tôi cũng biết phân loại, đưa các hiện tượng huyền bí vào trong một tập hợp, nhưng lại không có cách nào nhảy lên khỏi bức tường để vào với tập hợp đó. Phải nói thêm là trong nhiều kinh sách đạo học, tôi cũng không tìm ra được những gì mình muốn tìm. Tôi dần dần thất vọng và mất hứng thú, cuối cùng đến một cái nhìn là, chỉ có những kẻ thật sự sống viễn ly mới hiểu thế nào là “viễn ly”, và điều này thì chỉ dành cho những kẻ quên mình trong thiền định, những kẻ đã đánh mất tự ngã, những kẻ đã “hợp nhất” với Thượng đế. Tôi cũng tới với ý nghĩ, không có và không thể có một con đường nào khác dẫn tới đạo học ngoài việc tự mình thực chứng, tự mình chịu khổ ải và thấy rằng, nếu thiếu cái tiên quyết này thì mọi ngôn từ nói về nó đều trống rỗng. Nhưng, làm thế nào để trở thành hành giả đạo học? Làm thế nào để đạt được tình trạng viễn ly đích thực, chứ không phải tưởng chừng như viễn ly? Có một con đường nào dẫn đến đó chăng cho kẻ tầm đạo, kẻ đã bị thời gian hàng trăm năm chia cắt với các đạo sư vĩ đại? Nhất là cho con người hiện đại, kẻ lớn lên trong một điều kiện hoàn toàn khác? Ðối với những câu hỏi đó, tôi không tìm đâu ra một câu trả lời tương đối thỏa đáng, dù có khi nghe thấy những mô tả có từng bước thứ tự, hứa hẹn đưa ta đến đích. Nếu đi con đường đó ta sẽ thiếu những lời khai thị chỉ dẫn chính xác và có hệ thống, thay hẳn cho một vị thầy trên một đoạn đường. Nhưng giả sử nếu có những lời khai thị đó đi nữa, thì liệu chúng đã đủ chưa? Không phải chúng chỉ có cái chức năng lớn nhất là đánh thức, làm ta sẵn sàng tiếp nhận, phương pháp hay nhất phải chăng cũng không nhất thiết là luôn luôn mang lại sự thực chứng huyền bí cho một con người? Dù tôi có làm cách nào đi nữa, cuối cùng mình chỉ đứng trước một cánh cửa đóng im ỉm, rồi tôi cũng không nhịn được nên cứ lay động nó hoài. Lòng hoài vọng vẫn còn đó và một khi nó mệt mỏi muốn nghỉ thì tâm tôi lại nhớ đến lòng hoài vọng đó.

Về sau tôi trở thành giảng viên đại học. Một ngày nọ, tôi nhận được lời mời giảng dạy tại Ðại học Hoàng gia Tohoku về môn lịch sử triết học. Tôi vui mừng có dịp được làm quen với đất nước và con người Nhật Bản. Thêm một điều nữa làm tôi sung sướng là được đến với đạo Phật cũng như với phép Thiền định và nền đạo học của tôn giáo đó. Vì tôi đã nghe nói từ lâu, nơi đó có một truyền thống được bảo tồn chu đáo, một sự chăm sóc sinh động của Thiền mà trong đó nghệ thuật giáo hóa đã kéo dài hàng trăm năm và quan trọng nhất là có nhiều vị Thiền sư với những kinh nghiệm đáng khâm phục trong việc hướng dẫn tâm linh.

Chưa làm quen bao nhiêu với môi trường mới, tôi đã vội thực hiện ý định của mình. Trước hết tôi gặp phải nhiều lời khuyên ngược lại. Họ nói với tôi, từ xưa tới nay chưa có người Âu nào nghiêm túc tìm hiểu Thiền và bản thân Thiền cũng từ bỏ cả những dấu vết nhỏ nhặt nhất của “Pháp” và vì thế đừng mong nó sẽ thỏa mãn mình trên phương diện “lý thuyết”. Tôi phải mất nhiều thì giờ để giải thích tại sao mình muốn đến với Thiền chính ở chỗ không vì lý luận hàn lâm. Nghe thế người ta lại khuyên tôi, đối với người Âu thì thật là vô vọng nếu muốn đi vào một lĩnh vực rõ là xa lạ nhất của đời sống tinh thần miền Ðông Á – trừ phi người đó chịu học một môn nghệ thuật Nhật Bản có liên hệ đến Thiền.

Tôi không hề ngán sợ khi nghĩ mình phải trải qua một lớp vỡ lòng. Tôi sẵn sàng nhượng bộ tất cả chỉ với một hy vọng, từng bước được đến gần Thiền và một con đường đi vòng khổ nhọc đối với tôi vẫn hơn là không có đường nào. Thế thì tôi nên hiến mình cho nghệ thuật nào phù hợp với mục đích này? Vợ tôi thì không cần suy nghĩ lâu, nàng quyết định theo nghệ thuật cắm hoa và vẽ tranh mực tàu, còn tôi thì nghệ thuật bắn cung xem ra thích hợp hơn vì – về sau mới biết là mình đoán sai – tôi có nhiều kinh nghiệm bắn súng, có lẽ chúng sẽ giúp tôi nhiều.

Một trong những đồng nghiệp của tôi là giáo sư luật Sozo Komachiya, ông đã theo học nghệ thuật bắn cung từ hai mươi năm nay và được xem là người thông thạo nhất về môn này ở đại học. Tôi xin ông hãy giới thiệu với thầy của ông, vị đại sư nổi tiếng Kenzo Awa thu nhận tôi làm học trò. Mới đầu vị thầy từ chối lời thỉnh cầu của tôi với lý do, ông đã tin nghe, lỡ dạy cho một người nước ngoài và thu lượm kết quả không tốt. Ông không chịu nhượng bộ thêm một lần nữa, không muốn làm phiền ai với tinh thần đặc thù của nghệ thuật này. Chỉ đến khi tôi khẩn cầu, ông là một vị đạo sư coi trọng bộ môn của mình, hãy đối xử với tôi như người học trò non trẻ nhất, vì tôi đến với nghệ thuật này không phải vì chuyện đùa, mà vì “đại pháp”, ông mới nhận tôi làm học trò, đồng thời nhận cả vợ tôi luôn. Tại Nhật, từ xưa đến nay, thường phái nữ cũng được dạy cho bộ môn này và ngoài ra vợ của ông cũng như hai nàng con gái cũng luyện tập thường xuyên.

Thế là tôi bắt đầu bài học nghiêm túc và khắc khổ, may thay với sự có mặt của Komachiya, ông là người đã kiên trì bênh vực cho chúng tôi, hầu như bảo lãnh cho, đồng thời đóng vai trò thông dịch. Song song tôi có thêm dịp được nghe chỉ giáo về môn cắm hoa và hội họa dành cho vợ tôi. Nhờ đó mà sự so sánh, bổ túc qua lại giữa hai thứ làm tôi có thêm cơ sở rộng rãi để lĩnh hội.

***
Con đường của nghệ thuật phi nghệ thuật là không đơn giản, đó là điều mà chúng tôi cần biết ngay trong buổi học đầu tiên. Trước hết vị thầy chỉ cho tôi xem chiếc cung Nhật Bản, giải thích cách cấu tạo cũng như vật liệu để chế tạo nó, tre và sức căng phi thường của nó. Ðối với ông, điều quan trọng hơn nhiều là nhấn mạnh về dạng hình quí phái sang trọng của chiếc cung dài gần hai mét, đó là dạng lúc chiếc cung đã được căng bức, sẵn sàng được sử dụng. Dạng hình đó xuất hiện càng sắc sảo khi dây cung càng căng thẳng. Khi dây đã kéo tới mức mà cung cho phép thì cây cung tự đồng hóa chính mình trong cái “toàn thể”, vị đạo sư giải thích thêm, và chính vì thế mà phải học cách kéo dây, giương cung cho đúng. Xong, ông lấy chiếc cung quí nhất và cứng nhất trong số các cung, với một thái độ hết sức trân trọng, buông thử dây cung chỉ được kéo nhẹ vài lần. Từ dây cung phát ra một âm thanh, nghe qua như tiếng của một cú đấm mạnh hòa lẫn với tiếng rung trầm, tiếng mà ta không thể quên sau khi nghe một vài lần; nó rất kỳ lạ, nó bám vào lòng hầu như không cưỡng nổi. Từ xa xưa người ta đã cho rằng thanh âm này có sức mạnh đuổi tà ma và tôi có thể hiểu niềm tin này bám rễ sâu sắc trong lòng người Nhật. Sau động tác thể nhập quan trọng này của sự thanh lọc và điểm đạo, vị thầy yêu cầu chúng tôi hãy quan sát ông một cách kỹ lưỡng. Ông đặt lên cung một mũi tên rồi giương cung xa tới mức mà tôi đâm sợ liệu cây cung còn giữ nổi cái toàn thể trong mình được không, cuối cùng mũi tên thoát ra và bay đi. Những điều này diễn ra không những rất đẹp mà còn rất nhẹ nhàng. Sau đó ông khuyên dạy: Ông hãy làm như thế, nhưng hãy để ý, bắn cung không phải để tập luyện cơ bắp. Khi kéo dây cung, ông không được lấy hết sức mạnh của thân người mình mà phải học sao chỉ để cho hai bàn tay làm việc, trong lúc bắp thịt của cánh tay và vai vẫn không vận sức, để chúng không tham gia. Chỉ khi ông làm được như vậy thì ông mới hội đủ một trong những điều kiện, trong đó hành động giương cung và bắn tên mới trở thành “tâm linh” được. Sau khi nói thế, ông nắm lấy hai bàn tay tôi, chầm chậm đưa tay theo các giai đoạn của sự vận động, phải vận hành như thế nào, để tôi quen dần với cảm giác giương cung.

Ngay lúc mới thử với một chiếc cung tập không cứng lắm tôi đã thấy phải vận sức, thậm chí vận sức cả người mới giương được nó. Ngoài ra, cung Nhật không giống loại cung thể thao châu Âu mà người ta chỉ cần nâng ngang vai và tì người vào đó. Còn cung Nhật, sau khi lắp tên vào thì hầu như ta phải đưa thẳng hai cánh tay lên cao, nên cả hai bàn tay của người bắn nằm quá trên đầu. Không làm sao khác hơn là ta phải căng đều hai cánh tay qua trái và qua mặt ra xa nhau dần và càng xa nhau chúng lại thấp xuống, vẽ một đường cong. Như thế cho tới lúc tay trái cầm cung, lúc cánh tay đã thẳng thì nằm ngang tầm mắt. Còn tay mặt kéo dây cung, cánh tay hơi co, kéo tới trên vai mặt, cuối cùng để cho chiếc tên dài gần một mét chỉ ló đầu ra khỏi đầu cung một chút, mức căng của cung phải là như vậy. Và người bắn phải giữ tư thế này một lúc trước khi được phép buông tên. Sức mạnh được dùng cho việc giương cung kỳ lạ này cũng như cho việc giữ tư thế làm cho tôi, chỉ sau giây lát, hai bàn tay run lên, hơi thở càng lúc càng nặng nề. Cả tuần sau đó điều này cũng không thay đổi. Việc giương cung vẫn là một động tác hết sức khó khăn và dù tôi hăng say tập luyện, nó vẫn không thành “tâm linh” được. May mắn thay, tôi chợt có một ý nghĩ, có lẽ phải có một cái mẹo nào đó mà vị thầy vì lý do nào đó chưa chỉ cho tôi và tôi đem hết tham vọng tự mình khám phá ra nó.

Quyết chí với dự định, tôi tiếp tục tập luyện. Vị đạo sư chăm chú theo dõi tôi, nhẹ nhàng giúp cải thiện tư thế cứng nhắc của tôi, khen ngợi quyết tâm, chê bai cách dụng sức của tôi, nhưng để tôi được tùy nghi. Ông chỉ phản ứng bằng cách nói câu tiếng Ðức “gelockert”[7]mà trong thời gian qua ông đã học được, khi thấy tôi giương cung, luôn luôn gọi đúng ngay chỗ tôi sơ sót, nhưng không hề mất kiên nhẫn và sự lễ độ. Thế nhưng có ngày chính tôi mất kiên nhẫn và đành thú nhận với ông là tôi không thể giương cung được lấy một lần theo cách ông dạy.

“Ông không thể giương cung”, vị đạo sư giảng giải, “vì ông thở không đúng. Sau khi hít vào, ông hãy nén hơi thở xuống dưới, làm sao cho thành bụng ông căng lên và giữ yên như thế một lúc. Sau đó ông thở ra càng chậm, càng đều càng tốt, sau khi nghỉ một chút, hít nhanh khí vào lại – hít thở như thế đều đều mà sau một thời gian ông sẽ tìm thấy một nhịp điệu. Nếu làm đúng, ông sẽ thấy việc bắn cung càng ngày càng dễ. Vì với cách thở này, ông sẽ khám phá nguồn gốc của mọi sức mạnh tâm linh, không những thế mà còn đạt được một điều là nguồn suối này sẽ tuôn chảy phong phú hơn, càng dễ thẩm thấu vào các cơ của ông hơn nếu ông để chúng thư giãn”. Rồi để chứng minh, ông giương chiếc cung cứng mạnh của mình và bảo tôi đến sau lưng ông và ấn thử các cơ bắp tại cánh tay. Quả nhiên chúng căng rất ít, hầu như không phải dụng công.

Tôi tập luyện phép thở mới, trước hết không có cung tên, cho đến lúc thuần thục. Sự xa lạ khó chịu ban đầu sớm tan đi. Vị đạo sư rất coi trọng việc thở ra chậm rãi, nhẹ nhàng và đều đặn; ông bắt tôi kiểm soát nó bằng cách lúc thở phát ra thành một thứ tiếng trầm. Khi hơi thở và thứ tiếng đó ngưng hẳn, tôi mới được hít vào. Ông từng nói, hơi hít vào có chức năng hình thành định hình, giai đoạn giữ hơi là khi mọi sự diễn biến chân chính và hơi thở ra là sự thành tựu và chấm dứt, trong đó tất cả mọi chướng ngại đã được hóa giải. Thế nhưng lúc ấy chúng tôi chưa hiểu những gì ông nói.

Ngay sau đó vị đạo sư cho thấy mối liên hệ giữa hít thở và thuật bắn cung, rõ là tập luyện hít thở không phải chỉ để hít thở. Quá trình nhất quán của phép giương cung và bắn tên được chia ra nhiều giai đoạn: cầm cung, lắp tên, đưa cung lên, kéo dây và giữ tư thế trong độ căng cao nhất và cuối cùng là buông tên. Mỗi giai đoạn đó đều bắt đầu bằng hít khí vào, được thực hiện bằng quá trình ép khí và chấm dứt bằng hơi thở ra. Tất cả đều diễn ra một cách tự nhiên. Hơi thở vận hành điều hòa, nó không những chỉ làm mốc cho những động tác, tư thế mà còn hòa quyện với nhau một cách có nhịp điệu, trong đó mỗi người một khác, tùy theo trình độ chế ngự hơi thở của mình. Vì thế, mặc dù quá trình được chia làm nhiều giai đoạn, tất cả đều diễn ra như một biến cố, hoàn toàn sống từ mình và trong mình, nhất thiết không thể so sánh với một bài tập luyện thể dục thể thao, quá trình này cho phép tự do thêm bớt các công đoạn mà không mất đi tính chất và ý nghĩa của nó.

Tôi không thể nhớ lại ngày hôm đó mà không nghĩ tới sự khó khăn ban đầu lúc kiểm soát hơi thở. Thật ra thì khi đó tôi thở đúng cách, thế nhưng khi chú tâm cho cơ bắp tại cánh tay và vai được thư giãn lúc căng dây cung, thì cơ bắp chân càng phải cứng hẳn lên, hầu như tôi cần một chỗ đứng chắc chắn, như chàng Antaeus[8], tất cả sức lực đều phải hút từ lòng đất. Thấy thế, vị đạo sư không còn cách nào hơn là can thiệp nhanh như chớp bằng cách bóp mạnh thật đau vào một cơ bắp chân. Khi tôi nói lời xin lỗi ông, lẽ ra tôi phải cố gắng thư giãn, ông trả lời: “Ðó chính là tại vì ông cố nghĩ đến nó. Ông hãy chỉ nghĩ đến hơi thở thôi, làm như không có việc gì khác để làm ngoài việc thở!”. Dĩ nhiên tôi cần một thời gian lâu mới làm được những gì vị thầy đòi hỏi. Thế nhưng tôi làm được. Tôi học cách buông rơi mình trong hơi thở, đến nỗi có lúc có cảm giác, không tự mình thở mà là mình được thở. Tôi phải nói thế dù nghe rất lạ tai. Và dù tôi suy tư hàng giờ, dù thâm tâm tôi phản đối cái hình dung kỳ quặc đó, tôi cũng không còn nghi ngờ là hơi thở tự nó giữ được, như vị đạo sư đã nói. Rồi thì, khi này khi khác, với thời gian càng xảy ra thường xuyên, tôi kéo được dây cung mà thân thể hoàn toàn thư giãn, giữ được tư thế căng dây tới cuối, mà không diễn tả được tại sao. Sự khác biệt quá rõ, quá thuyết phục giữa những lần kéo dây thành công và những lần thất bại cuối cùng làm tôi hiểu, khi nói kéo dây một cách “tâm linh” là nói điều gì.

Ðó chính là cái lõi của vấn đề: không có một cái mẹo kỹ năng nào cả như tôi đã ra công tìm một cách vô vọng mà chỉ là việc hít thở đã mở đường cho những khả năng mới mẻ và giải phóng sức mạnh. Tôi nói điều này với sự suy nghĩ cẩn trọng. Tôi biết rõ, ai ở trong những trường hợp như thế này, dễ tê liệt trước ảnh hưởng to lớn và bị kinh nghiệm của chính mình trói buộc, người đó dễ quá phấn chấn vì tất cả đều quá lạ lùng. Ở đây, với tất cả sự chừng mực, sự thành công đạt được nhờ phép vận dụng hơi thở đã nói quá rõ: với thời gian, tôi đã có thể căng cánh cung cứng của thầy một cách thư giãn.

Trong một cuộc nói chuyện lâu, có lần tôi hỏi ông Komachiya, tại sao mới đầu thầy cứ để cho tôi tìm tòi vô vọng cách căng cây cung một cách “tâm linh”, tại sao ông không chỉ ngay phép vận dụng hơi thở. Ông đáp: “Một vị đại sư cũng là một nhà sư phạm giỏi, tại xứ chúng tôi luôn luôn là như thế. Nếu vị thầy bắt đầu ngay với bài học vận dụng hơi thở, ông sẽ không làm sao thuyết phục anh phải biết quí cái then chốt nhất. Anh phải gian khổ với sự mò mẫm của mình, anh phải chịu cảnh chìm tàu, anh mới sẵn sàng vớ lấy cái phao mà ông ném cho anh. Anh hãy tin tôi đi, tôi biết từ kinh nghiệm của chính mình, vị thầy biết rõ anh và từng người học trò của ông hơn chúng ta tự biết mình. Ông đọc được tư duy của người học trò nhiều hơn họ tưởng”.

***
Sau một năm mà biết giương cung một cách “tâm linh”, tức là không có chút dụng công cố gắng, điều đó thực ra cũng chưa có gì ghê gớm. Thế nhưng tôi cũng thấy mừng và bắt đầu hiểu ngộ, tại sao người ta gọi phép tự vệ là “nhu đạo”. Ðó là thuật triệt hạ đối thủ bằng cách biết nhẹ nhàng né tránh và không dụng sức gì cả mà biến sự tấn công dũng mãnh của họ trở thành lực chống lại chính họ. Ðó chính là hình ảnh uyên nguyên của nước từ ngàn xưa truyền lại, nước luôn luôn biết né tránh nhưng không bao giờ khuất phục. Thế nên Lão Tử mới nói một câu có ý nghĩa sâu xa, sống phải đạo là nên như nước, biết hợp theo những gì đáng phù hợp. Thêm vào đó là một câu lưu truyền trong trường phái của thầy tôi: mới đầu ai mà thấy dễ thì về sau sẽ thấy khó. Còn tôi thì bước đầu thấy thật là khó. Trước tất cả những gì mình gặp phải, trước những khó khăn thử thách mà mình đã dự kiến, lúc ấy làm sao tôi yên lòng được?

Bây giờ là tới lượt động tác buông tên. Tới nay chúng tôi chỉ được phép giương cung mà không cần biết điều gì sẽ xảy ra. Việc buông tên, dù là một phần của phép tập, nó cũng chỉ nằm bên lề. Và mũi tên đi về đâu lại càng không quan trọng. Chỉ cần nó cắm vào đích làm bằng rơm bện là đủ. Bắn trúng nó cũng chẳng khó khăn gì vì đích chỉ nằm xa nhất là khoảng hai mét.

Tới nay thì mỗi khi buông tên là tôi không chịu đựng nổi nữa việc giữ cung mãi trong sức căng cao nhất. Ðó là lúc tôi thấy mình phải buông, khi hai cánh tay không giữ nổi tư thế giương ra xa nhau. Thật ra thì sức căng của dây không làm đau những ngón tay. Chiếc găng tay da mà ngón tay cái của găng được bọc thêm một lớp đệm làm cho dây cung không cứa ngón tay, cho nên không phải vì thế mà không giương cung được lâu. Khi giương cung thì ngón tay cái (của bàn tay phải) nằm dưới mũi tên, móc quanh dây cung, còn ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn giữ phía trên, nắm chặt và giữ vững mũi tên. Buông tên có nghĩa là những ngón tay xung quanh ngón cái mở ra, cho nó được hở. Sức căng bức của dây cung giải phóng chiếc tên, dây cung rung nhẹ, mũi tên vọt đi. Tới nay, mỗi lần buông tên, không lần nào mà tôi không thấy một sự co giật, đó là một sự rung động toàn thân người cảm được và thấy được, kể cả cánh cung và mũi tên. Dĩ nhiên là như vậy tôi không thể bắn một phát tên trơn tru và chính xác được. Nó phải lắc lư thôi.

Ngày nọ, vị thầy nói với tôi khi thấy tôi đã biết giương cung đúng cách, một cách thư giãn, không còn điều gì đáng nói nữa: “Tới nay tất cả những gì ông học là chỉ để chuẩn bị việc buông tên. Vì thế chúng ta đang đứng trước một việc làm mới, hết sức khó khăn và đồng thời cũng chính là một cấp bậc mới của nghệ thuật bắn cung”. Sau khi nói lời này, ông cầm cung của mình, lắp tên, giương cung và buông tên. Bây giờ, sau khi được chỉ dẫn, tôi mới nắm được hết, không gì thoát khỏi mắt tôi. Ðó là, tay phải của vị thầy đột nhiên mở ra, được giải phóng khỏi sức căng, bị giật lui nhanh chóng nhưng không gây lên cơ thể ông một chút rung động nào cả. Cánh tay phải trước khi buông tên co lại, sau đó thì bung ra, nhưng lại duỗi ra một cách nhẹ nhàng. Sự giật lui không tránh khỏi được đón lại một cách mềm dẻo hài hòa.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button