Kỹ năng mềm

Thiền Tâm Sơ Tâm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Shunryu Suzuki

Download sách Thiền Tâm Sơ Tâm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Thiền sư Shunryu Suzuki (1904 − 1971) là người nối tiếp theo dòng thiền của thiền sư Đạo Nguyên, vị đã mang thiền Tào Động (Soto) từ Trung Hoa vào Nhật Bản. Đối với các đệ tử của Thiền sư Suzuki thì quyển sách này cũng chính là Sơ tâm của ông. Và tâm ấy cũng là Thiền tâm, cũng là tâm của ngài Đạo Nguyên, của những vị Tổ từ ngàn đời trước truyền xuống, không gián đoạn từ đời đức Phật cho đến hôm nay. Và đối với tất cả chúng ta, thì quyển sách này cũng có thể được xem như là những lời chỉ dạy, lời hướng dẫn, nhắc nhở chân thành của một vị thiền sư cho học trò mình.

Đây không phải là một quyển sách về lý thuyết mà là về thực hành. Nó bao gồm những lời chỉ dẫn về phương pháp ngồi thiền, về sống thiền, về một thái độ và một sự hiểu biết cần thiết cho sự tu tập thiền quán. Quyển sách này được chia ra làm ba phần: thực tậpthái độ và sự hiểu biết chân chánh của một thiền sinh. Ta cũng có thể nói rằng ba phần ấy có liên quan đến thân, cảm xúc và tâm của hành giả.

Quyển sách này ghi lại những bài nói chuyện của Thiền sư Suzuki sau các khóa thiền, trong nhiều năm. Những bài nói chuyện của ông được các đệ tử thu âm và sau đó được chép ra và in thành sách. Bản tiếng Anh có tựa là Zen Mind, Beginner’s Mind, đến nay (1993) đã được tái bản đến lần thứ ba mươi.

Đây là những bài viết có một lối văn nói chuyện thân mật, vì học trò ông muốn giữ được cá tính cũng như tinh thần của ông, nên họ cố giữ lại nguyên văn y như lời ông nói. Những lời của ông tuy nghe có vẻ đơn sơ, tầm thường, ví dụ “Hãy uống trà đi”, nhưng nó cũng chuyên chở một chân lý sâu sắc trong ấy. Nhưng cũng một phần vì cố duy trì nguyên văn mà nhiều đoạn trong quyển sách này có vẻ như lặp đi lặp lại và cũng có lúc gần như tối nghĩa. Nhưng nếu theo dõi một cách cẩn trọng và trong tĩnh lặng, có thể bạn sẽ thấy được điều mà ông muốn trao truyền cho ta, điều ấy thoát ra ngoài văn tự.

Thiền sư Suzuki thuộc trường phái thiền Tào Động nên phương pháp tu học của ông rất chú trọng đến việc ngồi thiền, Zazen. Đối với ông ngồi thiền và giác ngộ chỉ là một. Trong quyển sách này, Thiền sư Suzuki sẽ dạy cho chúng ta thế nào là phương pháp tu tập và là một thiền sinh chúng ta cần phải có một thái độ nào, một sự hiểu biết nào. Đây là một quyển sách của những người muốn thực hành.

Trong những bài giảng của ông, có những đoạn dường như hơi tối nghĩa, nhưng bạn hãy tự hỏi vì sao ông lại nói điều ấy. Bạn hãy nhớ lời nhắn nhủ của ông, “Cho dù bạn đã học nhiều về thiền, bạn hãy đọc mỗi câu trong quyển sách này với một tâm tĩnh lặng. Đừng bao giờ nghĩ rằng ‘Tôi đã biết thiền là gì rồi’. Vì đây cũng là một bí quyết cho mọi nghệ thuật: luôn luôn làm một người mới bắt đầu”. Thiền sư Đạo Nguyên gọi đó là Sơ Tâm.

ĐỌC THỬ

LỜI MỞ: SƠ TÂM

N

gười ta cho rằng tu thiền là khó, nhưng họ thường không hiểu rõ lý do vì sao. Thiền không khó vì nó bắt ta phải ngồi tréo chân trong tư thế kiết già, hay vì nó đòi hỏi ta phải đạt đến sự giác ngộ. Nhưng khó là vì chúng ta không thể giữ cho tâm mình được thanh tịnh và sự tu tập của mình được trong lành theo đúng như bản chất của nó. Sau khi được lập nên ở Trung Hoa, thiền đã được phát triển qua nhiều lối khác nhau. Nhưng cũng trong thời gian ấy, thiền càng lúc càng bị pha trộn làm mất đi sự trong sáng của nó. Nhưng tôi không muốn bàn về thiền Trung Hoa hay về lịch sử Thiền tông. Ở đây, tôi chỉ muốn giúp cho sự tu tập thiền của bạn được trở lại thuần túy như xưa.

Ở Nhật Bản, chúng tôi có chữ shoshin, có nghĩa là Sơ tâm, “tâm của một người mới bắt đầu”. Mục đích của sự tu tập là làm sao giữ được mãi cái sơ tâm ấy của mình. Ví dụ như khi bạn mới tụng Bát Nhã Tâm Kinh lần đầu tiên. Lần tụng đó chắc là thú vị lắm. Nhưng nếu bạn tụng thêm hai lần, ba lần, bốn lần, hay nhiều hơn nữa thì sao? Bạn sẽ dễ dàng đánh mất đi cái thái độ cởi mở đầu tiên của bạn đối với bản kinh ấy. Việc tu thiền cũng thế. Trong thời gian đầu, bạn vẫn còn giữ được cái sơ tâm, nhưng sau khi tiếp tục hành thiền trong một, hai, ba năm hay lâu hơn nữa, mặc dù có thể bạn có vài tiến bộ, nhưng cũng có thể bạn đã đánh mất đi sự rộng mở vô biên của cái sơ tâm buổi ban đầu.

Đối với một thiền sinh, điều quan trọng nhất là đừng có một tâm phân biệt (dualistic). Cái sơ tâm của chúng ta hàm chứa hết tất cả mọi sự vật. Tự nó luôn luôn đầy đủ và giàu có. Ta đừng bao giờ để mất đi trạng thái luôn tự túc và đầy đủ ấy của tâm mình. Đó không phải là một tâm hẹp hòi, nhỏ nhen, mà đây chính là một cái tâm rỗng không và sẵn sàng. Nếu tâm của bạn rỗng không thì tự nhiên nó sẽ sẵn sàng cho mọi việc. Nó lúc nào cũng sẽ rộng mở và đón nhận được tất cả. Trong tâm của người mới bắt đầu, sơ tâm, rất nhiều điều có thể xảy ra, nhưng trong tâm của một nhà chuyên môn thì việc ấy rất là hiếm hoi.

Nếu ta phân biệt nhiều quá, thì ta đang tự giới hạn mình đấy. Khi ta đòi hỏi và tham lam, có nghĩa là lúc ấy tâm ta đang túng thiếu. Nếu ta đánh mất đi cái bản tâm đã tự đầy đủ của mình, ta sẽ phạm vào hết mọi giới luật. Vì khi tâm ta đòi hỏi, muốn được việc này hay việc nọ, ta sẽ chiều theo nó, và cuối cùng phạm vào những giới luật như: không nói dối, không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm… Vì vậy, chỉ cần gìn giữ được cái tâm ban sơ ấy thì mọi giới luật tự nó sẽ được giữ gìn.

Với một sơ tâm, ta không hề có ý nghĩ, “Tôi đã đạt được một cái gì đó”. Mọi tư tưởng tự kỷ đều sẽ làm giới hạn cái tâm rộng lớn của ta. Chỉ khi nào chúng ta buông bỏ hết những ý niệm về thành đạt, về một cái “Tôi”, chừng ấy ta mới thật sự là những người mới bắt đầu tu tập. Và chỉ chừng đó ta mới thật sự tiếp nhận được những điều mới lạ. Sơ tâm cũng chính là tâm từ. Khi tâm ta có sự từ ái, nó sẽ trở nên rộng lớn, vô giới hạn. Thiền sư Đạo Nguyên, vị Sơ tổ của dòng thiền chúng tôi, luôn luôn nhấn mạnh vào việc tiếp xúc lại cái bản tâm nguyên thủy vô biên ấy của mình. Được như vậy chúng ta mới có thể sống thực với chính mình, có tình thương đối với mọi loài, và mới có thể thực sự tu tập.

Cho nên vấn đề khó khăn nhất là làm sao lúc nào chúng ta cũng giữ được cái sơ tâm ấy của mình. Bạn không cần gì phải có một sự hiểu biết sâu xa về thiền. Dù cho bạn đã đọc nhiều về văn học Thiền, bạn hãy đọc mỗi câu trong quyển sách này với một tâm mới mẻ. Đừng bao giờ cho rằng “Tôi đã biết thiền là gì”. Vì đây cũng là một bí quyết cho mọi nghệ thuật: luôn luôn làm một người mới bắt đầu. Hãy thật cẩn thận ở điểm này. Nếu bạn bắt đầu thực hành thiền, bạn sẽ cảm nhận và trân quý cái sơ tâm của bạn. Tinh yếu của sự hành thiền là ngay ở đấy.

Phần mộtTHỰC TẬP

TƯ THẾ

Bây giờ tôi muốn bàn về tư thế ngồi thiền. Khi bạn ngồi trong tư thế kiết già, bàn chân trái của bạn đặt lên trên đùi bên phải, và bàn chân phải của bạn đặt lên trên đùi bên trái. Khi bạn ngồi xếp chân như thế, thì mặc dù bạn có chân phải và chân trái, nhưng lúc này chúng ta đã trở thành một. Tư thế này biểu hiện sự đồng nhất của một nhị nguyên: không hai, mà cũng không một. Đây là một giáo lý tối quan trọng: không hai mà cũng không một. Thân và tâm của ta, chúng không hai mà cũng không phải là một. Nếu bạn cho rằng thân và tâm của bạn là hai, điều ấy không đúng; nếu bạn cho rằng chúng là một, thì cũng sai. Thân và tâm của ta vừa là hai mà cũng vừa là một. Thường thường thì chúng ta hay quan niệm rằng, hễ cái gì không phải là một thì nó sẽ là nhiều hơn một; nếu nó không ít thì phải là nhiều. Nhưng trong kinh nghiệm thực tại, thì sự sống của ta không những là đa số mà cũng vừa là đơn số nữa. Mỗi người chúng ta vừa bị lệ thuộc mà cũng vừa hoàn toàn là độc lập.

Sau chừng vài chục năm chúng ta ai rồi cũng sẽ chết. Nếu chúng ta cho rằng sự sống chấm dứt ở đấy, thì đó là một nhận thức hết sức sai lầm. Nhưng một mặt khác, nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ chết, thì điều ấy cũng không đúng. Chúng ta chết và chúng ta cũng không chết. Hiểu được như vậy mới là chánh kiến. Có người cho rằng tâm ta và linh hồn ta trường tồn mãi mãi, chỉ có cái xác thân này mới chết đi mà thôi. Nhưng sự thật không đúng hẳn như vậy, vì cả thân và tâm đều có cái chung cuộc của nó. Nhưng cũng trong cùng lúc ấy, chúng lại hoàn toàn là bất diệt. Mặc dù chúng ta gọi thân và tâm, thật ra chúng chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Thấy được như vậy là chánh kiến. Thế cho nên khi ta ngồi trong tư thế kiết già, nó biểu lộ được chân lý ấy. Khi tôi đặt bàn chân trái lên trên phía bên phải của thân, và chân phải lên trên phía bên trái của thân, tôi không còn phân biệt nữa. Vì bên nào cũng đều có thể là trái hay phải.

Điều quan trọng nhất trong tư thế ngồi thiền là giữ cho xương sống mình được ngay thẳng. Tai và vai của ta phải cùng nằm trên một đường thẳng. Giữ cho hai vai được thoải mái, và hơi đẩy lên hướng trần nhà với phía sau đầu của mình. Cằm nên đưa vào phía trong người. Khi cằm của bạn bị ngước lên, tư thế ngồi thiền của bạn sẽ không được vững vàng; có thể lúc ấy bạn đang mơ màng về một chuyện gì. Bạn cũng có thể làm cho tư thế ngồi thiền của mình được vững vàng hơn bằng cách hơi đè nhẹ hoành cách mạc (diaphragm), lớp bắp thịt mỏng nằm giữa buồng ngực và bụng, xuống phía bụng dưới của mình. Tư thế này sẽ giúp cho bạn giữ được một sự quân bình cho thân và tâm. Khi mới tập ngồi như vầy, có thể bạn sẽ cảm thấy khó thở một cách bình thường, nhưng khi quen rồi, thì hơi thở của bạn sẽ trở nên tự nhiên và sâu.

Hai bàn tay bạn nên bắt Vũ trụ ấn (cosmic mudra). Đặt bàn tay trái lên trên bàn tay phải, những khớp xương của các ngón giữa ngang bằng nhau, đầu hai ngón tay cái chạm nhẹ vào nhau, như là bạn đang giữ một tờ giấy ở giữa. Bàn tay bạn làm thành một hình bầu dục thật đẹp. Bạn hãy bắt Vũ trụ ấn một cách trân trọng, như là bạn đang giữ một cái gì thật quý báu trong hai bàn tay. Bàn tay nên để dựa vào người, với hai ngón cái để cao chừng ngang rốn. Hai cánh tay buông thả, tự nhiên, hơi cách người một chút, như là ở dưới mỗi cánh tay bạn đang cẩn thận kẹp nhẹ một quả trứng, khéo léo không làm chúng vỡ.

Thân bạn không nên để nghiêng qua một bên, ngả tới trước hay về phía sau. Bạn hãy ngồi thẳng người lên như là bạn đang chống đỡ cả bầu trời trên đầu mình. Những điều này không phải chỉ là cho hình thức. Nó hàm chứa cái yếu chỉ của đạo Phật. Đây cũng là một sự biểu lộ hoàn toàn cho cái Phật tánh của bạn. Nếu bạn muốn hiểu đạo Phật một cách thâm sâu, bạn nên thực tập theo phương cách này. Những hình thức ấy không phải là một phương tiện giúp ta đạt đến một trạng thái an tịnh nào khác. Ngồi trong tư thế đó, tự nó đã là cứu cánh của sự tu tập rồi.

Khi bạn có được một thế ngồi vững chãi, tự nhiên bạn sẽ có được một tâm tĩnh lặng. Ta đâu cần gì phải dụng công để đạt đến một trạng thái đặc biệt nào khác nữa. Một khi bạn cố gắng để đạt một điều gì, tâm của bạn sẽ bắt đầu phiêu lưu đi ngàn dặm. Và khi bạn không có một mục tiêu nào để đạt đến, thì thân và tâm bạn sẽ có mặt ngay ở đây, trong giờ phút này. Một thiền sư có nói, “Phùng Phật sát Phật”. Hãy giết vị Phật ấy đi, nếu ngài hiện diện ở một nơi nào khác bên ngoài bạn. Giết vị Phật bên ngoài, để ta tiếp nhận lại được cái Phật tánh của chính mình.

Làm một việc gì tức là ta tự biểu lộ cái bản tánh của mình. Chúng ta đâu phải sống cho một ai khác. Chúng ta sống là vì mình. Đây là giáo lý căn bản biểu hiện trong tất cả mọi sự vật mà ta quan sát. Cũng như lúc ngồi thiền, hay khi đứng trong thiền đường, chúng ta cũng phải theo một số quy luật. Mục đích của những giới luật này không phải là để đồng hóa tất cả mọi người, nhưng là giúp cho mỗi người chúng ta biểu lộ được tự tính của mình một cách tự nhiên.

Ví dụ như là mỗi người chúng ta, ai cũng có một lối đứng khác nhau, nên thế đứng của ta phải được cân xứng với thân hình của mình. Khi bạn đứng, hai gót chân của bạn nên cách xa nhau khoảng chừng bằng một nắm tay, hai ngón chân cái thẳng hàng với hai bên ngực của mình. Cũng như trong tư thế ngồi thiền, bạn nên dụng một chút sức mạnh xuống phía bụng dưới. Trong vị thế này, hai bàn tay cũng phải biểu lộ được con người của bạn. Bàn tay trái nắm lại để sát vào ngực, những ngón tay khác ôm vòng ngón tay cái, bàn tay phải đặt lên trên. Ngón tay cái chỉ xuống đất và cánh tay trước để song song với sàn nhà. Hãy tưởng tượng như là bạn đang ôm một trụ nhà tròn và to trong vòng tay của mình. Trong tư thế ấy ta không thể ngả nghiêng về một phía nào được hết.

Điều quan trọng nhất là ta phải làm chủ được cơ thể. Nếu thân ta nghiêng ngả, ta sẽ đánh mất mình. Tâm ta lúc ấy sẽ phiêu bạt đây đó, thân ở một nơi còn tâm ở một nẻo. Tu tập không phải là như vậy! Lúc nào ta cũng phải có mặt trong giờ phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Chìa khóa của sự tu tập là chỗ đó. Ta phải làm chủ được thân và tâm của mình. Mọi sự việc phải có mặt đúng nơi và đúng cách. Được như vậy rồi thì không còn gì là vấn đề nữa. Giả sử như chiếc máy vi âm mà tôi đang sử dụng đây, nếu nó có mặt ở một nơi nào khác thì đâu còn công dụng gì nữa! Một khi bạn giữ cho thân và tâm được ngay ngắn rồi thì mọi sự việc khác chung quanh bạn tự nhiên cũng sẽ được yên ổn, an vui theo mà thôi.

Nhưng thường thì, một cách vô ý thức, chúng ta lại hay đi thay đổi những việc bên ngoài, thay vì là chính mình, chúng ta cố gắng sắp xếp lại những việc chung quanh ta. Nhưng bạn biết không, ta không thể nào sắp xếp lại bất cứ một sự việc nào, nếu như ngay chính ta không có trật tự. Bạn là “ông chủ”. Khi ông chủ ngủ mê, mọi người sẽ ngủ mê. Khi ông chủ hành xử đúng, mọi người sẽ hành xử theo đúng cách và đúng thời. Và mọi việc sẽ được yên ổn. Tinh yếu của đạo Phật nằm ở đó.

Thế nên bạn lúc nào cũng hãy giữ cho thân của mình được ngay thẳng. Không phải chỉ trong khi ngồi thiền mà còn trong mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày. Trong khi lái xe, trong lúc đọc sách đều cũng vậy. Bạn thử đi! Nếu bạn ngồi đọc sách mà thân thể ngả nghiêng, sẽ dễ sinh ra buồn ngủ lắm! Giữ cho thân thể được ngay thẳng là một giáo lý quan trọng trong nhà thiền. Những giáo lý ghi trong sách vở chưa phải là chân giáo lý đâu. Văn tự là thực phẩm cho trí óc. Lẽ dĩ nhiên trí óc của ta cũng cần được nuôi dưỡng, nhưng vấn đề quan trọng là phải biết trở về với chính mình bằng chính sự thực tập.

Ngày xưa đức Phật đã không thể nào chấp nhận được những tôn giáo có mặt trong thời đại của ngài cũng là vì lý do ấy. Đức Phật đã theo học với nhiều bậc thầy, nhưng ngài không hài lòng với đường lối tu tập của họ. Ngài không tìm được câu trả lời trong lối tu khổ hạnh hay qua những lý thuyết viển vông, xa vời thực tại. Ngài không ham mê vào những thế giới siêu hình, huyễn hoặc, mà chỉ muốn sống với thân và tâm của mình trong giờ phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Và khi đức Phật khám phá lại được chính mình, ngài hiểu rằng bất cứ một sự vật gì hiện hữu cũng đều có Phật tánh như ngài. Đó là sự giác ngộ của ngài. Giác ngộ không phải là một trạng thái tâm thức siêu việt nào, hay là một cảm giác an lạc nào đó. Khi bạn ngồi yên đó trong tư thế ngay thẳng, thì tâm thức bạn trong chính giây phút đó, tự nó, là giác ngộ rồi. Nếu bạn không hài lòng với tâm của mình khi ngồi thiền, có nghĩa là tâm bạn vẫn còn đi lang thang đâu đó. Thân và tâm của ta không nên nghiêng ngả hay lang thang trong khi ngồi. Trong tư thế này ta không còn cần phải bàn đến chuyện giác ngộ làm gì nữa. Vì bạn đang có nó rồi. Đạo Phật chỉ có bao nhiêu đó thôi.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button