Kỹ năng mềm

Thiền Định Thiết Thực

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Brahma Kumaris

Download sách Thiền Định Thiết Thực ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Thiền Định Thiết Thực là cuốn sách dành cho những ai bắt đầu con đường khám phá vẻ đẹp và sức mạnh của thế giới nội tâm. Con người giờ đây càng ngày càng nhận ra rõ hơn nhu cầu phát triển sức mạnh tâm trí, bởi lúc nào chúng ta cũng phải nỗ lực tận cùng để theo kịp nhịp sống quay cuồng và phức tạp.

Người ta thường cho rằng thiền định là điều gì đó chỉ dành cho những người có nhiều thời gian, hay những người có cuộc sống “tách biệt, xa rời” khỏi “thế giới thực tại”. Sự thật không phải như vậy. Quyển sách này giới thiệu cơ bản về kỹ thuật thiền Raja Yoga – Thiền mở mắt – một phương pháp thực hành thiết thực, thích hợp cho những ai đang sống với bộn bề trách nhiệm, mối quan hệ, công việc và những thử thách hàng ngày.

Chín bài học trong cuốn sách vốn là chuỗi chín bài giảng tại học viện buổi tối ở Leeds, nước Anh. Bạn có thể một mình thực hành các hướng dẫn trong bài giảng cùng sự hỗ trợ từ đĩa CD Thiền định Thiết thực (có thể mua kèm với quyển sách này) để đạt được kết quả tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt hơn nhiều nếu trong quá trình luyện tập, bạn tham dự một khóa thiền miễn phí tại bất kỳ một trung tâm Raja Yoga nào. Không khí ở các trung tâm Raja Yoga và trải nghiệm của những người thực hành thiền định sẽ khắc sâu thêm trải nghiệm và hiểu biết mà bạn đúc kết được từ cuốn sách này. Bằng cách ứng dụng Thiền định trong cuộc sống thực tế, chúng ta không chỉ đạt được bình an thật sự trong tâm trí mà còn có được một thái độ sống tích cực và lành mạnh hơn.

– Brahma Kumaris

BÀI 1: Vì sao cần thiền định

Con người muốn đạt được nhiều điều khác nhau từ việc thiền định. Người thì muốn tìm đến bình an, người thì muốn có sự tự chủ, người lại hy vọng nâng cao sức mạnh nội tâm, và số khác lại mong muốn tĩnh lặng. Nhưng, trên tất cả các lý do cụ thể ấy, con người đều muốn có được Bình an, hay là Bình an Tâm trí. Thoạt nhìn có vẻ như không có gì khác biệt giữa hai khái niệm trên, nhưng xét về bản chất, chúng ta biết rằng chúng rất khác nhau. Trong khi Bình an chỉ đơn giản là sự trải nghiệm, thì Bình an Tâm trí lại là một lối sống.

Đôi khi, tất cả chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác bình an trong một khoảnh khắc nào đó, dù khoảnh khắc ấy trôi qua rất nhanh. Trải nghiệm cảm giác bình an là điều đơn giản đối với con người. Bình an là cái gì đó dễ dàng đạt được trong suốt quá trình thiền định, bởi lẽ Bình an chính là điều mà Thiền định cốt mang đến cho chúng ta. Tuy nhiên, vươn tới Bình an Tâm trí lại là sự trú ngụ vĩnh viễn trong bình an.

Trong cuộc sống hằng ngày, ta cần tự chủ đến mức có thể đạt được bất kỳ trải nghiệm nào ta muốn có và vào bất kỳ thời điểm nào. Nhưng để đạt tới Bình an Tâm trí, ta cần một cái gì đó nhiều hơn là các nguyên tắc thiền định. Giữa cuộc tranh cãi với người bán hàng vì số tiền thừa trả lại, ta không thể tự ngồi xuống và dành năm phút để lắng đọng vào nơi sâu kín lòng mình, để lấy lại chút bình an nội tâm vừa mới bị đánh mất sao? Trải nghiệm bình an có được trước hết là nhờ thiền định, một hình thức luyện tập mà ta cần trong cuộc sống thực tế, nhất là những khi ta không thể bình an. Nếu như ta không thể đưa được lợi ích của thiền định vào cuộc sống của mình, liệu nó có thực sự giúp ích được cho ta không?

Vậy nên, trọng tâm của các bài tập thiền sẽ gồm hai phần:

– Một là, hướng dẫn phương pháp thiền hiệu quả và đơn giản – thiền Raja Yoga; trò chuyện và chia sẻ các ý tưởng: bằng cách nào có thể đào sâu thêm những trải nghiệm đã đạt được.

– Hai là, tìm ra nguyên nhân đằng sau mọi căng thẳng và nặng nề trong cuộc sống của bạn, và bằng sự hiểu biết, bạn sẽ bắt đầu thay đổi những nguyên nhân gốc rễ ấy, sử dụng sức mạnh đạt được qua thiền định. Các bài tập cũng giúp phân định rõ ràng cách chuyển hóa cảm giác bình an thành hành động trong trạng thái bình an, để cuối cùng từ sự Bình an đơn giản, bạn sẽ tới được Bình an Tâm trí.

Thiền định là gì?

Thiền định là một quá trình nhận biết sâu sắc hơn về bản thân : Tôi là ai? Và tôi phản ứng như thế nào với “thế giới bên ngoài”? Điều quan trọng hơn cả nằm ở chỗ: thiền định chính là “niềm vui khám phá bản thân” theo đúng nghĩa của từ này. Nhờ thiền định, ta khám phá ra một “con người” mới mẻ, khác hoàn toàn với “con người” luôn căng thẳng lo âu mà bấy lâu ta vẫn xem đó chính là con người thật của mình. Thiền định giúp ta nhận ra rằng bản chất thật sự của ta, “con người đích thực”, thật sự vô cùng tích cực và tốt đẹp. Và khi ấy, ta tìm thấy cả một đại dương an lạc hiển hiện trong mỗi bước đi.

Một câu chuyện rất hay của Ấn Độ kể về một vị hoàng hậu đánh rơi một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai quý giá. Buồn tiếc vô hạn, hoàng hậu tìm kiếm nó khắp nơi; và đúng vào lúc sắp sửa từ bỏ mọi hy vọng, nàng bỗng dừng lại và nhận ra chiếc vòng đang nằm ngay trên cổ mình. Và bình an cũng giống như vậy. Nếu ta cứ mãi tìm kiếm nó ở bên ngoài ta hoặc ở người khác, ta sẽ luôn luôn thất vọng. Nhưng nếu ta biết tìm kiếm bình an ở đâu và ra sao trong chính con người mình, ta sẽ thấy rõ: bình an vẫn luôn ở ngay trong ta.

Từ “Thiền định” được dùng để diễn tả khả năng kiểm soát tâm trí để đem lại lợi ích khác với sự trầm tư và suy tưởng để tụng niệm hoặc cầu nguyện. Bản thân từ “thiền định” bắt nguồn từ chữ

Latin “mederi”, nghĩa là “chữa lành”.

Thiền định có thể được nhìn nhận như một quá trình “chữa lành” – một cách chữa lành cảm xúc lẫn tinh thần, và ở một góc độ nào đó, cho cả thể chất. Định nghĩa đơn giản nhất về Thiền định là: sử dụng đúng sức mạnh của tâm trí và suy nghĩ tích cực. Phương pháp thiền này không hề loại bỏ suy nghĩ, ngưng suy nghĩ, mà sử dụng chúng một cách đúng đắn. Hầu hết mọi hình thức thiền định đều bao hàm hai phương pháp thực tập chính sau:

  • Tập trung sự chú ý, thường người ta hay lấy một bông hoa hoặc một ngọn nến làm tiêu điểm;
  • Nhắc đi nhắc lại một câu khẩu niệm nào đó.

“Mantra” – câu khẩu niệm nghĩa là một nhóm từ, một từ hoặc một âm thanh có tính chất thiêng liêng được nhắc lại nhiều lần, theo kiểu nói nhỏ, nói thầm hoặc chỉ hiện ra trong ý nghĩ. Về mặt từ nguyên, “man” nghĩa là “tâm trí”, và “tra” nghĩa là “giải thoát”. Vì vậy, “mantra” có thể hiểu như một cái gì đó nhằm “giải thoát tâm trí”. Thiền Raja Yoga cũng cần đến sự tập trung, nhưng không hướng vào một đối tượng cụ thể hữu hình nào. Đối tượng tập trung chính là “nội tâm” của ta. Khi tập thiền, ta vẫn có thể mở mắt một cách tự nhiên, thoải mái và nhẹ nhàng nhìn hướng vào một điểm phía trước mặt. Thay vì thì thầm câu khẩu niệm, chúng ta hãy sử dụng tâm trí của mình theo một cách tự nhiên, đừng cố chặn đứng dòng suy nghĩ của mình lại. Chính dòng chảy suy nghĩ tích cực ấy được hình thành từ sự hiểu biết sâu sắc bản thân mình. Nó là chiếc chìa khóa để mở ra một kho báu vô tận là những trải nghiệm bình an có sẵn ngay bên trong ta.

Thực hành thiền định

Ngồi trong một tư thế thoải mái, lưng thẳng. Bạn cũng có thể ngồi theo cách khác: khoanh chân trên một tấm nệm nhỏ đặt ngay trên sàn nhà. Hoặc giản tiện hơn, bạn cứ ngồi trên một chiếc ghế. Chọn nơi yên tĩnh để mọi tiếng ồn và hình ảnh bên ngoài không khuấy động được bạn. Sau đó, hãy bật một bài nhạc không lời êm dịu. Trên nền nhạc ấy, bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn trong một không gian thanh thoát, nhẹ nhàng. Đặt cuốn sách này trước mặt, đọc thầm những lời sau đây một cách chậm rãi. Hãy trải nghiệm và mường tượng theo những lời dẫn này trong tâm trí, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc những điều đang được mô tả…

LỜI DẪN THIỀN

Tôi hình dung rằng không có gì tồn tại bên ngoài căn phòng này…

Tôi cảm thấy tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài và tự do khám phá nội tâm mình…

Tôi hướng sự chú ý vào bên trong, tập trung năng lượng suy nghĩ của mình vào chính giữa trán…

Tôi cảm thấy mình đang tách biệt dần với cơ thể cũng như với sự vật xung quanh…

Tôi nhận rõ sự tĩnh lặng xung quanh tôi và trong chính tôi…

Một cảm giác bình an bắt đầu lan tỏa khắp tôi… Làn sóng bình an ấy nhẹ nhàng quấn lấy tôi, gột sạch những âu lo và nặng nề ra khỏi tâm trí…

Tôi tập trung cảm nhận niềm bình an sâu sắc… Chỉ có bình an thôi…

Tôi… đang… bình an…

Bình an là trạng thái thật sự của tôi…

Tâm trí tôi trở nên tĩnh lặng và rõ ràng…

Tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng… khi được quay trở về trạng thái bình an vốn có của mình…

Tôi ngồi trong tĩnh lặng một lúc để tận hưởng cảm giác êm dịu và an lành này…

Hãy luyện tập theo cách lặp lại những lời trên, hoặc tự nghĩ ra những ý nghĩ tương tự như thế cho riêng mình, thực hành khoảng 10 phút, ít nhất là hai lần một ngày. Khoảng thời gian tốt nhất để thực hành bài tập thiền này là vào buổi sáng sau khi đã tắm rửa xong, trước lúc bạn bắt đầu công việc bận rộn một ngày mới. Buổi chiều tối cũng là thời gian luyện tập lý tưởng, khi mọi lo toan náo động trong một ngày đã kết thúc. Suốt cả ngày, trong mọi hành động, bạn hãy luôn tự nhủ: “Bình an là bản chất thật sự của tôi”.

Khi thực hành phương pháp thiền định này, những suy nghĩ tích cực và bình an như thế sẽ lớn lên trong tâm trí bạn ngày một dễ dàng hơn, và Bình an Tâm trí sẽ được bồi đắp tự nhiên theo thời gian.

ĐỌC THỬ

BÀI 2: Ta là ai?

Câu hỏi đơn giản này xem ra thật dễ trả lời. Tuy nhiên, khi bắt đầu nghĩ về nó, ta nhận ra rằng cho người khác biết được tên tuổi hay mô tả hình dáng bề ngoài của mình thì không hề thể hiện hết được vô vàn những suy nghĩ, xúc cảm, hành động và ứng xử … – những gì đã làm nên toàn bộ con người ta và cuộc đời ta. Ngay cả việc diễn đạt cho người khác biết “Ta làm gì?” cũng sẽ làm chúng ta lúng túng, vì mỗi ngày ta có thể khoác lên người bao nhiêu là “vai diễn” khác nhau. Chúng ta bắt đầu một ngày bằng vai trò của người vợ hoặc người chồng. Đến nơi làm việc, ta có thể là thư ký, trợ lý hay giáo viên. Buổi chiều ta đi gặp bạn bè và vui cười thoải mái trong buổi tiệc tối. Trong các “vai diễn” ấy, vai diễn nào thực sự là chính ta?

Trong mỗi phần vai ta đóng, một khía cạnh khác nhau trong tính cách của ta được bộc lộ. Đôi khi, ta cảm thấy dường như mình bị rơi vào tình thế phải đóng nhiều vai diễn xa lạ và trái ngược nhau đến nỗi ta không còn nhận biết Ta là ai. Khi gặp thủ trưởng của mình trong một bữa tiệc, hay khi cha mẹ và bạn bè ta đến thăm cùng một lúc, ta trở nên bối rối vì không biết phải ứng xử thế nào cho phải. Cái khó không chỉ là việc chọn cho mình một phương thức giao tiếp đặc biệt trước các đối tượng như vậy, mà còn ở chỗ: ngay cả trong tâm trí mình, ta cũng đã giới hạn họ trong những vai trò chính mà ta quen thuộc nhất. Ta chỉ có thể quan hệ với người được gọi là “thủ trưởng”, hoặc “cha mẹ”, chứ không đơn giản xem họ như những con người khác. Thế nhưng, ta hoàn toàn hiểu rằng con người thật sự của mình không thể bị định vị vào bất kỳ vai diễn nào. Ta nghĩ ra sao về chính mình? Thực sự, ta là ai?

Điều chúng ta tìm kiếm chính là một cái gì đó vĩnh hằng, an lành và bền vững. Ta thức dậy vào buổi sáng, nhìn vào gương, và nhận ra khuôn mặt mình không khác gì ngày hôm qua. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng đó chỉ là ảo ảnh, bởi vì cơ thể chúng ta đang bị suy yếu dần theo năm tháng, nó không phải là bền vững và vĩnh hằng. Trong thiền Raja Yoga, thay vì chăm chú vào cơ thể hữu hình, ta hãy quan tâm đến những suy nghĩ, nhận thức hay ý thức và nhận biết nó, bởi lẽ mọi suy nghĩ của ta luôn ở đó, cho dù ta bao nhiêu tuổi. Việc ta nghĩ gì có thể thay đổi, nhưng khả năng suy nghĩ thì không bao giờ thay đổi cả.

Trước hết, ta là một thực thể tồn tại có suy nghĩ, biết trải nghiệm. Suy nghĩ không phải là một thứ vật chất mà ta có thể cảm nhận được bằng các giác quan. Ta không thể nhìn thấy, ngửi hoặc nắm được suy nghĩ. Tế bào thần kinh và các hoạt động của nó không làm ra được suy nghĩ. Chúng ta là những thực thể thuộc về tinh thần, phi vật chất. Thực thể tinh thần ấy có thể được gọi bằng nhiều tên khác nhau như “tâm hồn”(1), “năng lượng sống” hay “linh hồn”.

Như vậy, tâm hồn là một hình thức sống duy nhất không thể bị hủy diệt. Nó nhỏ đến mức không thể bị phân chia được nữa. Nó cũng không thể nào cân, đo được. Ta – một tâm hồn, một ngôi sao tinh tế, một điểm sáng năng lượng có ý thức. Hình dáng tinh tế này là nguồn gốc của mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Ta làm gì, hay nói gì, chính là “Ta – tâm hồn” đang thể hiện mọi hành động ấy qua cơ thể của ta. Tâm hồn giống như người lái xe, và cơ thể là chiếc xe. Để hoàn toàn làm chủ chuyến đi, người lái phải ngồi ở nơi mà anh ta điều khiển tốt nhất và thu thập toàn bộ thông tin cần thiết để quyết định cho chuyến đi của mình. Mỗi một suy nghĩ sẽ tạo ra xung động kích thích bộ não để dẫn đến lời nói và hành động. Vì vậy, tâm hồn nằm ở giữa trán, nơi rất gần bộ não. Kiến thức Raja Yoga này sẽ hướng dẫn ta tập trung chú ý khi thiền định.

Ta là một tâm hồn, và tất cả những mảnh “căn cước” khác như giáo viên, sinh viên, đàn ông, đàn bà, cha, mẹ, bạn bè, người thân, v.v. – đơn giản chỉ là những “vai diễn” khác nhau mà Ta – tâm hồn khoác vào. Một diễn viên giỏi có thể đóng bất kỳ vai diễn nào với tất cả nỗ lực lớn nhất của mình, nhưng không bao giờ họ nghĩ: “Ta là Hamlet”, “Ta là Cleopatra”. Họ biết rằng mình đang hóa thân vào các vai diễn, nhưng rồi cuối vở diễn, họ sẽ lại trút bỏ trang phục và trở lại con người thực sự của mình. Vậy nên, ở bất kỳ vai trò nào mà tâm hồn của chúng ta đòi hỏi được trở thành, ta phải hiểu rằng ta thực sự là một tâm hồn – một thực thể sống thiêng liêng và vĩnh cửu. Cơ thể của ta thực chất chỉ là một chiếc áo khoác phù du. Tâm hồn mới là thiên phú, an lành và sống động. Bằng thiền định, chúng ta nhận ra sự tồn tại của mình chính là tâm hồn. Ý nghĩ này dẫn đến một trải nghiệm bình an và tích cực. Và ta gọi đó là “ý thức tâm hồn”. Như thế, ta không chỉ trải nghiệm những cảm giác bình an, mãn nguyện… ấy trong khi thiền định mà còn thể hiện ra thành hành động. Khi ta nhận thức rõ ràng hơn về “con người nào đó” đang điều khiển mọi hoạt động, gần như ta đã nắm chắc mọi diễn biến của tư tưởng, cảm xúc, lời nói và hành động của mình. Và khi mỗi một hành động được thực hiện với ý thức rằng ta là một thực thể bình an, niềm khao khát vươn đến Bình an Tâm trí sẽ đến một cách tự nhiên.

Trong khi thiền định, ta tập trung suy nghĩ về bản chất nguyên thủy của mình. Ta để cho những suy nghĩ về tâm hồn và các phẩm chất thánh thiện của tâm hồn tràn ngập trong tâm trí. Lúc đầu, đừng quan tâm đến việc dòng suy nghĩ trỗi dậy ào ạt ra sao, miễn là chúng vẫn di chuyển theo cách chúng ta đã định. Nếu suy nghĩ của ta đột nhiên lang thang sang hướng nào khác, hãy nhẹ nhàng mang chúng quay trở lại tư tưởng bình an. Khi ta gắn mình vào những trải nghiệm nghĩ suy đầy an lạc, tốc độ suy nghĩ sẽ chậm dần và chúng ta sẽ được đắm chìm trong trạng thái bình an. Ví như khi ăn một món ăn nào đó, hãy ăn chậm rãi, đón nhận từng miếng một với tất cả hương vị và chất liệu; cũng như thế, ta sẽ có được trải nghiệm quý giá chứa đựng trong mỗi suy nghĩ tích cực dấy lên trong ta. Khi ta cảm

nghiệm sâu sắc “Tôi là một tâm hồn bình an”, trải nghiệm ấy sẽ đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, và sẽ trở thành lối sống – Bình an Tâm trí.

Đây là cách tiếp cận thiền định rất khác so với việc đọc câu khẩu niệm hoặc tập trung vào một ngọn nến hay điều hòa nhịp thở. Trong Raja Yoga, cùng với việc ngồi thiền, chúng ta hãy duy trì trạng thái ý thức tâm hồn hoàn toàn bình an từng phút từng giây cho mỗi hành động.

Nuôi dưỡng ý thức tâm hồn theo phương thức như vậy, ta có thể tiếp tục hành trình hướng về Bình an Tâm trí lâu dài. Người ta có thể chỉ cần dùng một câu khẩu niệm chuyên cho việc ngồi thiền. Song, với Raja Yoga, ta chuyển mọi tư tưởng thiền định vào chính đời sống hằng ngày của mình. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để làm cho thiền định trở nên thiết thực. Khi chúng ta làm bất cứ điều gì, hãy trải nghiệm ta là tâm hồn, và đóng trọn vai diễn của mình thông qua cơ thể hiện hữu này. Ý thức chúng ta trở nên tách rời khỏi cơ thể. Khi ta nhìn thấy người nào đó, cái nhìn của ta sẽ không bị giới hạn bởi tên tuổi, thân thể, chủng tộc, văn hóa, giới tính hoặc tuổi tác của họ, và với một cái nhìn bình đẳng, ta biết người ấy cũng là một tâm hồn giống như ta, nhưng lại đang diễn phần vai khác. Điều này sẽ giúp ta phát huy lòng vị tha, sự nhẫn nại, tình yêu thương và đức nhân từ – những phẩm chất mà chúng ta rất cần để duy trì bình an liên tục.

Hiểu biết và trải nghiệm những tính cách tốt đẹp thực sự của mình, bạn sẽ lấy lại niềm tự tin, lòng tự trọng, không bao giờ còn bị xô đẩy và bị lôi kéo bởi những kỳ vọng của người khác. Bằng cách duy trì ý thức tâm hồn, chắc chắn bạn sẽ ở trong trạng thái bình an thật sự. Tất nhiên, để đạt được điều ấy, bạn cần có thời gian và nỗ lực thực hành kiên trì. Nhưng phần thưởng cho sự thực hành bền bỉ ấy là chính niềm vui sống và những ích lợi sâu xa hơn ngày càng được nhân lên không ngừng.

Thực hành thiền định

Khi bạn ngồi thiền, hãy chọn nơi thanh vắng; một căn phòng ít khi lui tới cũng là một nơi thực hành lý tưởng. Nếu không tìm được một chỗ như thế, bạn cũng có thể ngồi gần những vật dụng quen thuộc để chúng không làm bạn mất tập trung. Hãy ngồi ở nơi dành riêng cho việc thiền định. Một sự chuẩn bị tinh thần chu đáo sẽ giúp bạn tập trung hơn. Khi mới bắt đầu, bạn chỉ cần thực hành trong khoảng 10 hoặc 15 phút. Dần dà, với trải nghiệm thiền định sâu hơn, bạn có thể kéo dài thời gian thêm nữa. Một chút ánh sáng dịu và nhẹ nhàng cũng rất tốt. Hãy dùng băng, đĩa có lời dẫn thiền của trung tâm Raja Yoga để luyện cho tâm trí bạn trở nên tập trung hơn.

Sau khi thiền xong, hãy nán lại một chút để suy ngẫm lại những điều bạn vừa trải nghiệm; nhận thấy trạng thái của mình đã thay đổi như thế nào. Toàn bộ quá trình ấy sẽ khắc sâu những trải nghiệm của bạn, giúp bạn đánh giá được lợi ích đạt được qua thiền định. Thêm một gợi ý rất tốt nữa dành cho bạn: không nên chỉ thiền định khi nào bạn thích. Biết đâu những bước tiến quan trọng nhất lại đến với bạn vào chính thời điểm mà bạn không thích hoặc không cần thiền định. Thực ra, đấy là lúc bạn cần đến thiền định nhất.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button