Kỹ năng mềm

Tây du @ ký

Print1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thành Quân Ức

Download sách Tây du @ ký ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Khắc họa nên bốn tính cách đặc trưng khác nhau mà đoàn người đi lấy Kinh chính là đại diện cho bốn kiểu tính cách ấy: sư phụ Đường Tăng cầu toàn, Tôn Ngộ Không mạnh mẽ, Trư Bát Giới vui vẻ, sôi nổi còn Sa Ngộ Tĩnh thì ôn hòa, điềm đạm. 81 kiếp nạn mà bốn thầy trò Đường Tăng phải trải qua, kỳ thực cũng chính là những khó khăn gian khổ mà mỗi chúng ta sẽ gặp phải trong cuộc sống và quá trình tạo dựng cơ nghiệp. Mọi khó khăn đều bắt nguồn từ tính cách và quan điểm của chúng ta. Sau mỗi khó khăn xảy ra, bạn sẽ phát hiện ra từng đặc điểm về tính cách, từ đó hình thành lý giải và phản ứng đối với các khó khăn. Quá trình chiến thắng khó khăn là quá trình chiến thắng bản thân, vượt qua chính mình và hòa vào với tập thể.

“Tây du @ ký” giúp độc giả cảm nhận những cách ứng xử của từng nhân vật, từng tính cách đặc trưng của bốn thầy trò Đường Tăng trong từng kiếp nạn. Đặc biệt, thông qua câu chuyện trưởng thành của Tôn Ngộ Không, chúng ta sẽ hiểu thêm về đạo lý làm người và cách hoàn thiện bản thân mình trong cuộc sống hiện đại. Cuốn sách là cẩm nang thiết thực, hữu ích với tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo.

Trước “Tây du @ ký”, tên tuổi của tác giả Thành Quân Ức đã nổi tiếng với tác phẩm “Tam quốc @ diễn nghĩa” – một cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất Trung Quốc năm 2003 – 2004.

Trích dẫn :

Tây du ký (phồn thể: 西遊記; giản thể: 西游记; bính âm: Xī Yóu Jì; Wade-Giles: Hsi Yu Chi), là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa, và được xem là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất cho thế hệ trẻ. Được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp còn tồn tại để biết tác giả của nó, nhưng tác phẩm này thường được cho là của học giả Ngô Thừa Ân. Tiểu thuyết thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) để lấy kinh.

Trong tiểu thuyết, Trần Huyền trang (玄奘) được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Theo ông là ba đệ tử – một khỉ đá tên Tôn Ngộ Không (孫悟空), một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng (豬悟能) và một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh (沙悟淨). Họ đều đồng ý giúp ông thỉnh kinh để chuộc tội. Con ngựa Huyền Trang cưỡi cũng là một hoàng tử của Long Vương (Bạch Long Mã).

Những chương đầu thuật lại những kì công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.

Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà thầy trò Đường Tam Tạng phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành đàn bà đẹp. Tôn Ngộ Không phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe, như Ngưu Ma Vương hay Thiết Phiến Công chúa…

Cuối cùng khi đã đến cửa Phật, thầy trò họ lại phải hối lộ mới nhận được kinh thật.

Lời nói đầu

“Dưới chân là đường đi lấy Kinh
Trên trời có đàn nhạn bay qua.”

Tôi thích đứng trên sân thượng bên ngoài phòng làm việc, hướng mắt lên bầu trời ngóng trông những chú chim nhạn bay qua, tôi thích thưởng ngoạn tư thế tung cánh bay của bầy chim nhạn. Lúc đó, tôi lại nhớ đến một bài thơ của nhà thơ Lưu Vũ Tích[1] đời Đường, bài thơ như sau:

“Tự cổ phùng thu đa tịch mịch,
Ngã ngôn thu nhật thắng xuân triêu.
Tình không nhất hạc bài vân thượng,
Tiện dẫn thi tình đáo bích tiêu.”

Dịch nghĩa:

“Xưa nay khi mùa thu đến thường lặng lẽ
Ta bảo rằng ngày thu đẹp hơn buổi sớm mùa xuân.
Trên bầu trời nắng ấm một cánh chim nhạn rẽ mây bay lên,
Làm cho ý thơ của ta lên tận mây xanh.”

Nhưng theo tôi, Lưu Vũ Tích đã viết sai, phải là đàn chim nhạn chứ không phải là một cánh chim nhạn, nếu không làm sao có thể rẽ mây mà bay lên được?

Chim nhạn từ phương nam bay về là một quá trình cùng kết hợp bầy nhóm chung một chí hướng, khích lệ, động viên, giúp đỡ nhau thực hiện được mục đích chung. Bầy chim nhạn thường bay theo hình chữ “nhất” (一) hay chữ “nhân” (人), kiểu bay như vậy giúp mỗi con chim khi vỗ cánh bay sẽ tăng thêm sức mạnh cho các bạn mình ở phía sau. Như vậy, mỗi một thành viên trong bầy chim nhạn đều sẽ được tăng thêm 70% hiệu suất bay so với việc chỉ bay đơn lẻ, để từ đó chúng có thể giúp nhau bay đến mục tiêu một cách thuận lợi, hoàn thành được chuyến bay xa xôi muôn dặm.

Đáng tiếc thay, chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của chim nhạn, chúng ta không thể nào biết được những điều bí ẩn trong việc tổ chức tập thể của chúng. Nhưng điều may mắn là chúng ta còn có thể thông qua việc đọc hiểu Tây du ký để hiểu được quá trình trưởng thành của một tập thể khác.

Ngày ba tháng Chín năm thứ 13 niên hiệu Trinh Quán đời Đường, Đường Tăng đã bắt đầu hành trình đi lấy Kinh. Khi trời có một bầy nhạn bay đi thì dưới đất cũng có một đoàn đi lấy Kinh. Chim nhạn từ phương nam bay về, chúng bay về phía tây, mỗi năm khi mùa thu, đoàn lấy Kinh lại gặp bầy chim nhạn, cứ gặp mãi, gặp mãi cho đến khi họ lấy được chân Kinh.

ĐỌC THỬ

Phần 1

Ý nghĩa của cuộc sống chính là vượt lên khỏi cái chết

Chính bởi vì cái chết mà cuộc sống trở nên có giới hạn và đáng quý. Khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cái chết thì cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị. Mỗi lần suy nghĩ về cái chết là mỗi lần chúng ta đi trên con đường “Tây du” nho nhỏ của chính mình.
Thân thế của Tôn Ngộ Không

Khi đọc Tây du ký, chúng ta đều biết Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một hòn đá tiên. Với một cá tính thoải mái không bị gò bó, với sức mạnh không gì sánh nổi, và một tinh thần phản nghịch, ngang ngược, Tôn Ngộ Không đã khiến không biết bao nhiêu đệ tử sùng bái và tán dương! Mặc dù là người trưởng thành nhưng chúng ta cũng không thể lý giải vì sao mình lại thích Tôn Ngộ Không. Quả thật y đã trở thành một hình tượng nhân vật thần thoại kinh điển nhất Trung Quốc.

Thân thế của Tôn Ngộ Không vẫn luôn là một câu đố khiến mọi người khó lý giải. Tương truyền rằng y chính là sản vật linh thiêng của trời đất, y không chỉ là kẻ không cha không mẹ, mà khi sinh ra y đã biết chạy nhảy. Mỗi ngày con khỉ đó đều ăn cỏ cây hoa lá, uống nước suối, hái hoa trên núi, hái quả trên cây và làm bạn với bầy thú, quây quần với hổ báo, gần gũi với hươu nai, thân thiết với vượn khỉ; đêm thì nghỉ trên vách đá, ngày thì tung tăng trong động, trên núi. Có một hôm, y đã phát hiện ra một hang động ẩn sau một con thác, và từ đó được bầy khỉ tôn làm Mỹ hầu vương.

Theo lời bàn trong sách thì Tôn Ngộ Không là người ở Hoa Quả Sơn thuộc nước Ngao Lai ở Đông Thắng Thần Châu. Thế nhưng, Đông Thắng Thần Châu nằm ở đâu? Phật Giáo cho rằng, trái đất là một quả cầu hình tròn dẹt, vận hành trong hư không. Trong đó, trên bề mặt các vì sao xoay quanh trái đất đều có các sinh mệnh tồn tại, đó được gọi là Tứ đại bộ châu, bao gồm: Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hạ Châu và Bắc Câu Lô Châu. Nam Thiệm Bộ Châu tức là địa cầu mà chúng ta ở. Trong ba nơi còn lại có sinh mệnh tồn tại thì loài người ở Đông Thắng Thần Châu và Tây Ngưu Hạ Châu có tuổi thọ gấp 2,5 lần tuổi thọ của con người trên địa cầu chúng ta; còn thọ mệnh của con người ở Bắc Câu Lô Châu thì gấp mười lần tuổi thọ của chúng ta. Phật Giáo cho rằng, Tứ đại bộ châu là một tiểu thế giới, còn cái gọi là “đại thiên thế giới” thì tổng cộng có tới 100 tỉ tiểu thiên thế giới, điều đó đủ cho thấy sự rộng lớn của vũ trụ. Tuy nhiên, cho đến nay, con người trên địa cầu của chúng ta vẫn chưa tìm ra được hình tích của ba nơi còn lại mà có con người sinh sống, nhưng tương truyền có một vị cao tăng là Mục Kiền Liên có thể bay khắp Tứ đại bộ châu trong một ngày đêm. Dựa theo truyền thuyết đó thì Tôn Ngộ Không phải là một người ngoài hành tinh.

Còn như núi mà Tôn Ngộ Không được mời đến đó thì có người khảo chứng và nói rằng, đó chính là núi Vân Đài ở Liên Vân tỉnh Giang Tô. Cách đây 300 năm trở về trước, bốn bề xung quanh Vân Đài sơn còn là biển cả mênh mông. Cơn địa chấn đầu tiên vào năm Khang Hy thứ bảy (năm 1668) đã khiến cho đường bờ biển dưới Vân Đài sơn nhanh chóng bị dịch chuyển ra hướng bắc tới 14km, lại thêm sự thay đổi của sông Hoàng Hà mà dần dần đã ứ đọng thành lục địa. Hiện nay, ở phía đông Vân Đài sơn vẫn còn nối liền với biển cả, từ góc độ địa lý nhìn nghiêng nó rất giống với nước Ngao Lai được miêu tả trong Tây du ký. Ấy thế nhưng, trong lịch sử của Vân Đài sơn rốt cuộc vẫn không có một nước nào gọi là nước Ngao Lai, mà Tây du ký cũng không phải là một bộ sử địa lý.

Vậy “nước Ngao Lai” có ý nghĩa gì đây? Ngao (傲) đồng âm với Ngao (敖), sách Quảng Nhã phần Thích ngôn có viết: “Ngao, vọng dã”. Nghĩa là ngông cuồng, vô căn cứ. Nói một cách nôm na thì “từ rất xa xưa trở về trước, trong vũ trụ mênh mông, tương truyền có một hành tinh tên là Đông Thắng Thần Châu. Trên hành tinh này có một nước Ngao Lai hư ảo…” Quê hương của Tôn Ngộ Không chính là một nơi huyền ảo hư vô như vậy.

Chính vì vậy mà theo cách nhìn của tôi thì Tây du ký giống với Kinh thánh ở chỗ đó thực ra là một bộ sách sử dụng những câu chuyện thần thoại, ngụ ngôn để giảng giải về đạo lý, dường như không cần thiết phải khảo chứng về tính lịch sử và địa lý trong đó. Giá trị của bộ sách là ở những triết lý nhân sinh được diễn giải trong tác phẩm.

“Hòn đá tiên” kết tinh khát vọng khám phá thế giới

Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung – bậc thầy về tâm lý học sau khi nghiên cứu về Tây du ký đã cho rằng, Hoa Quả Sơn tượng trưng cho thân thể của con người, tiên thạch tượng trưng cho bộ óc của con người, thác nước tượng trưng cho dòng ý thức, cái động ẩn trong thác nước tượng trưng cho khởi nguồn của ý thức. Vậy hóa ra, khối “đá tiên” nuôi dưỡng Tôn Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh đó rốt cuộc là bộ óc nằm trên cái cổ của con người chúng ta.

Vì có được bộ óc như vậy mà mỗi đứa trẻ sinh ra đã có ý thức, đã biết ăn biết uống. Mặc dù mỗi người trong chúng ta đều là do cha mẹ sinh ra, và chúng ta cũng sẽ làm cha mẹ, nhưng chúng ta vẫn không thể nào giải thích được hiện tượng cuộc sống như vậy, chúng ta chỉ có thể gọi hiện tượng đó là “bản năng”. Chúng ta không biết “bản năng” rốt cuộc là từ đâu mà đến, nó giống như sự ly kỳ về thân thế của Tôn Ngộ Không.

Khi bộ óc của chúng ta vỡ tung ra giống như khối đá tiên kia thì Tôn Ngộ Không nhảy ra từ trong bộ óc của chúng ta, và tâm chúng ta trong tích tắc cũng yên tĩnh trở lại. Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không hóa ra chỉ là một chú “tim vượn” như trong câu thành ngữ “tâm viên ý mã” của người Trung Quốc. “Hoa Quả Sơn là phúc địa, động Thủy Liêm là động trời”, kỳ thực ra cũng chính là trái tim của chúng ta. Từ góc độ tâm lý học thì những lời giảng giải trong Tây du ký chính là những lời giảng giải về việc kiềm chế bản thân thông qua ý niệm của một cá nhân để từ đó tìm kiếm chân lý của nhân sinh, nhằm tạo nên sự nghiệp và cuộc sống viên mãn.

Đúng như vậy, mỗi cá nhân chúng ta đều có tiềm – ý thức, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được tiềm – ý thức của mình để theo đuổi thành công. Có nhiều người cảm thấy khiếp sợ trước dòng thác chảy ầm ầm, họ đứng ở đó mà không dám tin vào kỳ tích phía sau con thác đó, chính vì thế mà họ không tìm được vườn tâm hồn của chính mình.

Bây giờ, chúng ta hãy học tập Tôn Ngộ Không, thẳng thắn, thành thật đối diện với chính mình, dũng cảm tìm ra cái “động Thủy Liêm” thuộc về cuộc sống của chính mình, giống như Tôn Ngộ Không, làm một Mỹ hầu vương với cá tính thoải mái và đầy sức mạnh. Nếu bạn có thể đối mặt với tâm hồn và khống chế được tình cảm của mình, thì bạn có thể hoàn thành được bất kỳ sự việc nào, và cuối cùng bạn có thể đạt được cuộc sống hạnh phúc mà bạn hằng mong ước.

Sự sống và cái chết

Khi chúng ta bắt đầu khám phá bản thân mình, khi chúng ta tìm được cái “động” của chính mình thì đó cũng là lúc chúng ta tìm được tâm hồn vui vẻ. Khi đó cuộc sống của chúng ta sẽ giống như cuộc sống của con khỉ trong động Thủy Liêm: luôn vui vẻ không ưu tư lo nghĩ. Chỉ khi phát hiện ra một vấn đề nghiêm túc khác bên ngoài, đó chính là vấn đề của triết học – cái chết thì con người mới trở nên lo lắng. Câu chuyện về Tôn Ngộ Không cũng bắt đầu như vậy. Khi đó y vẫn còn chưa được gọi là Tôn Ngộ Không, y chỉ giống như một đứa trẻ thơ ngây còn ham chơi, còn chưa biết gì về chính mình.

Một hôm, Mỹ hầu vương đang vui vẻ yến tiệc cùng bầy khỉ thì bỗng nhiên y như có điều suy tư, vẻ mặt buồn rầu, nước mắt giàn giụa. Cả bầy khỉ thấy vậy vội vàng hỏi:

– Đại vương cớ gì mà buồn rầu như vậy?

Hầu vương đáp:

– Bây giờ tuy ta vui vẻ như vậy, nhưng ta lại thấy có điều phải lo lắng, bởi vậy nên trong lòng cảm thấy buồn phiền.

Cả bầy khỉ liền cười nói:

– Đại vương thật chẳng biết thế nào là đủ! Chúng ta ở núi tiên đất phúc này, ngày ngày vui vẻ yến tiệc, ngay đến cả kỳ lân là vua trong loài thú, phượng hoàng là vương của loài chim mà cũng đâu có xá gì với chúng ta. Chúng ta cũng đâu có giống với xã hội loài người kia phải chịu sự bó buộc của pháp luật. Chúng ta tự do tự tại, vui vẻ tiêu dao, vậy cớ gì mà ngài còn chuốc lấy ưu phiền?

Hầu vương lại nói:

– Hôm nay tuy chúng ta sống vui vẻ, tự do tự tại, nhưng còn có Diêm Vương quản lý, chẳng biết đến lúc nào ông ấy sẽ bắt chúng ta đi nữa?

Cả bầy khỉ nghe hầu vương nói như vậy thì con nào con nấy cũng buồn rầu, tất cả đều vì cái vô thường của nhân sinh, vì sợ hãi cái chết mà cảm thấy buồn thương.

Giống với bầy khỉ đó, cái chết cũng khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, bởi vì cái chết sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên ngắn ngủi. Đối mặt trước cái chết thì sinh mệnh trở nên mong manh, yếu đuối làm sao.

Thế nhưng, chính bởi vì cái chết khiến cho cuộc sống trở nên ngắn ngủi nên nó mới làm cho cuộc sống trở nên đáng quý như vậy. Thậm chí chúng ta có thể coi cái gọi là nhân sinh là quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Khi chúng ta bắt đầu nghĩ đến cái chết là cuộc sống của chúng ta cũng bắt đầu trở nên có giá trị. Đối với mỗi lần suy nghĩ về cái chết là mỗi lần chúng ta đi trên con đường nhỏ bé về phía Tây.

Câu chuyện về Tây du ký bắt đầu từ đó.

Câu chuyện về người bộ hành

Trước khi kể về Tây du ký, tôi xin kể về một câu chuyện ngụ ngôn trong Phật thí dụ kinh:

Đó là một buổi chiều hoàng hôn lặng lẽ của mùa thu, trên cánh đồng hoang dã mênh mông, vô tận, có một vị lữ khách lảo đảo bước đi trên đường. Bỗng nhiên, lữ khách phát hiện ra một đường trắng trong bụi cỏ um tùm, từng mảng trắng tản mác lung tung. Cuối xuống nhìn kỹ thì hóa ra đó là xương người.

Vậy số xương đó rốt cuộc là từ đâu mà có? Đang suy nghĩ, bỗng nhiên lữ khách nghe thấy tiếng gầm gừ từ phía trước. Trong chốc lát, một con hổ hung dữ, cuồng bạo lao tới. Trong giây lát, người lữ khách đã hiểu ra nguyên do của số xương đó và lập tức co chân bỏ chạy.

Trong lúc tâm thần hoảng loạn, lữ khách đã đánh mất phương hướng và cuối cùng chạy tới một vách núi cheo leo. Khi ấy, lữ khách đã phát hiện ra một cây thông mọc trên vách núi đó, mà trong túi của ông còn có một đoạn dây thừng, không chút do dự ông liền buộc đoạn dây thừng vào cây thông rồi nhanh chóng men theo đoạn dây mà bò xuống, thoát khỏi nanh vuốt của hổ dữ.

Con hổ dữ đứng trên vách núi gầm rú. Nguy hiểm quá! May mà có cây thông này, may mà mang theo dây thừng, nếu không đã bỏ mạng ở đây rồi. Lữ khách vạn phần vui sướng ôm lấy ngực mình. Ấy thế nhưng, khi ông vừa nhìn xuống dưới chân mình thì ông không khỏi một lần nữa kêu lên hoảng sợ. Hóa ra, dưới chân ông ta là biển cả mênh mông sóng gầm dữ dội! Lữ khách giật mình lạnh toát mồ hôi.

Nhưng điều đáng sợ hơn là, ngay chỗ đoạn dây buộc vào cây thông đó có hai con chuột một đen, một trắng đang thi nhau gặm đoạn dây. Lữ khách ra sức lắc lư đoạn dây thừng để đuổi hai con chuột đó đi. Ấy thế nhưng, ông đã tuyệt vọng vì hai con chuột không hề sợ hãi. Trong khi đó, do sự đong đưa của ông mà chạc cây đó đã có hiện tượng sắp gãy.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button