Kỹ năng mềm

Tạm Biệt Cà Rốt Và Cây Gậy

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : TS. Paul L. Marciano

Download sách Tạm Biệt Cà Rốt Và Cây Gậy ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời mở đầu

Hơn 20 năm qua, tôi đã dành trọn cuộc đời mình để giúp các nhà lãnh đạo nâng cao nguồn nhân lực trong tổ chức của họ. Trong khoảng thời gian này, tôi đã nhận ra rằng các mối quan hệ, dù trên phương diện cá nhân hay công việc chuyên môn, đều chỉ hiệu quả khi giữa hai bên có sự tôn trọng lẫn nhau. Hiểu được khái niệm này và được hỗ trợ từ những nghiên cứu của riêng tôi cũng như các nghiên cứu trên khắp thế giới, tôi đã phát triển mô hình RESPECT để giúp các tổ chức xây dựng văn hóa tôn trọng cùng lực lượng lao động gắn kết cao với tổ chức. Mô hình này đã được nhiều tổ chức, bao gồm các công ty sản xuất, cơ sở y tế, doanh nghiệp buôn bán, công ty dược phẩm, công ty tư vấn, trường học và các cơ quan chính phủ có quy mô từ 20 đến 600 nghìn nhân viên hưởng ứng và đưa vào áp dụng trong tổ chức của họ. Sự áp dụng nhiệt tình và sự thành công của mô hình này là do tính đơn giản, sức mạnh, hiệu quả và sự ưa chuộng rộng khắp của nó. Mô hình hiệu quả là nhờ một mong ước mà loài người chúng ta đều khao khát: sự tôn trọng.

Ai sẽ hưởng lợi từ cuốn sách này?

Cuốn sách này dành cho các lãnh đạo luôn muốn gắn kết trái tim và khối óc của nhân viên. Các ví dụ và chiến lược cụ thể trong Tạm biệt cà rốt và cây gậy sẽ giúp các nhà quản lý, các cán bộ quản lý, lãnh đạo nhóm, các giám đốc điều hành, chủ doanh nghiệp nhỏ và các chuyên gia nhân sự gia tăng nguồn lực con người cho tổ chức họ. Cho dù bạn là quản lý của một thương hiệu mới hay đang là giám đốc điều hành của một công ty trong danh sách Fortune 500[2] thì mô hình RESPECT vẫn sẽ gia tăng hiệu quả lãnh đạo và năng suất cho nhân viên của bạn.

Bạn sẽ học được gì?

Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu về những điều cơ bản để tạo nên một lực lượng lao động gắn kết, cụ thể là:

  1. Tại sao các chương trình khen thưởng và công nhận truyền thống lại thất bại?
  2. Sự khác biệt giữa gắn kết và động lực;
  3. Tại sao việc gia tăng sự gắn kết của nhân viên lại tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của công ty?
  4. Tại sao hầu hết các phương pháp gia tăng sự gắn kết đều dựa trên những nghiên cứu không vững chắc?
  5. Làm thế nào đo lường sự gắn kết của nhân viên trong tổ chức của bạn?
  6. Mối liên hệ giữa sự tôn trọng và gắn kết;

Mô hình RESPECT:

– Sức mạnh của một “triết lý hành động”;

– Bảy yếu tố của RESPECT;

– Hiệu quả lãnh đạo hiện tại của bạn khi áp dụng mô hình RESPECT;

– Ví dụ cụ thể của RESPECT trong hành động;

– Những chiến lược có sẵn và những biện pháp tốt nhất để nuôi dưỡng một văn hóa RESPECT.

Bằng cách đọc và áp dụng các nguyên tắc, chiến lược trong cuốn sách này, bạn sẽ gia tăng đáng kể sự gắn kết, lòng trung thành và nỗ lực của nhân viên. Các nhân viên và tổ chức của bạn sẽ phát triển mạnh theo cách mà bạn thậm chí không thể tưởng tượng được. Hãy để mô hình RESPECT giúp bạn những điều mà nó đã làm cho rất nhiều người khác – giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng mà người khác luôn muốn đi theo.

ĐỌC THỬ

Lời giới thiệu và câu chuyện bắt đầu

Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi một quyết định khủng khiếp hóa ra lại trở thành kinh nghiệm học tập quý giá – “trong cái rủi lại có cái may”. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi từng đảm nhiệm vai trò giám đốc nghiên cứu tại một công ty tư vấn nhỏ trong ba tháng. Chính trải nghiệm ngắn ngủi này đã giúp tôi định hình sâu sắc hiểu biết về động lực và sự gắn kết của nhân viên và là kiến thức để tôi tạo nên mô hình RESPECT sau này, mặc dù lúc đó tôi không hề nhận ra. Tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm với hy vọng điều đó sẽ làm bật lên vai trò quan trọng của sự tôn trọng trong việc duy trì sự gắn kết của nhân viên.

Người cuối cùng ngồi đó

Cũng giống như bất cứ ai, tôi đã cảm thấy rất phấn khích cùng với một chút lo lắng trong ngày đầu tiên đi làm. Tôi đến sớm 45 phút và phải đứng đợi ngoài văn phòng vì chưa có người mở cửa. 45 phút sau, Sherry, nhân viên lễ tân của công ty mới đến và mở cửa cho tôi vào. Cô ấy hỏi tôi có lịch họp với ai không. Có vẻ như tôi đã không tạo được ấn tượng gì với cô ấy vì cách đó hai tuần, chủ công ty là bà Mary và ông John đã giới thiệu với mọi người rằng tôi là giám đốc nghiên cứu mới. Tôi tự hào tuyên bố với Sherry: “Tôi làm việc ở đây!” rồi giới thiệu lại bản thân mình. Cô trả lời: “À, thì ra anh là người mới”, sau đó bình thản treo áo khoác, uống cà phê và bắt đầu chơi giải ô chữ ngay bàn làm việc.

Tôi đinh ninh rằng chỉ lát nữa thôi là Mary hay John sẽ có mặt để đưa tôi dạo quanh văn phòng, giới thiệu tôi với các nhân viên và thảo luận đầy đủ hơn về các mục tiêu và mong đợi cụ thể của họ. Tôi cứ ngồi đợi trên chiếc ghế đối diện bàn tiếp tân của Sherry, không biết phải làm gì và cũng không nhận được một chỉ đạo hay hỗ trợ nào từ cô ấy. Cuối cùng, sau 30 phút, tôi hỏi cô ấy có biết khi nào Mary hay John sẽ đến không. Cô ấy đáp: “Ồ, hôm nay họ không đến!” Sao cơ? Lẽ nào tôi lại tiếp tục phá hỏng ngày làm việc đầu tiên của mình. Với một chút bối rối xen lẫn sự xấu hổ, tôi mặc áo khoác vào và chuẩn bị rời văn phòng thì chuông điện thoại reo. Sherry đưa ống nghe cho tôi – đó là John. Ông xin lỗi vì phải dự một cuộc họp khẩn cấp và cam đoan với tôi rằng Sherry sẽ lo liệu cho tôi chu đáo. Tôi đưa điện thoại lại cho Sherry. Cô ấy cầm ống nghe, gật gật đầu rồi gác máy. Cô cầm một chiếc phong bì lớn trên bàn và đưa cho tôi: “Anh điền thông tin vào mẫu hồ sơ nhân viên mới này.”

Vì nghĩ rằng nếu có một mặt phẳng để ghi thì sẽ tốt hơn, nên tôi hỏi Sherry có chiếc bàn nào trống không. Cô đưa tôi đến một cái bàn trong góc và nói: “Anh chàng cuối cùng đã ngồi ở đó.” Bên trái chiếc bàn là một vài chậu cây cảnh héo rũ và TJ, người bạn cùng phòng mới của tôi. Anh ta nồng nhiệt giới thiệu bản thân mình và chào đón tôi đến công ty. Sau đó, anh ta đề nghị đưa tôi đi xung quanh và giới thiệu tôi với mọi người. Giờ thì có vẻ khá hơn rồi đấy! Khi chúng tôi dạo một vòng quanh văn phòng, những đồng nghiệp mới của tôi có vẻ như đang mải mê với các hoạt động khác nhau, như bàn luận về thể thao, cổ phiếu, lướt web và chơi xếp bài trực tuyến trên máy tính. Chỉ có người duy nhất có vẻ như đang làm việc là cô sinh viên thực tập Elaine.

Lát sau, tôi quay về bàn làm việc và hoàn thành các mẫu khai. Tôi đưa nó lại cho Sherry và hỏi xem John có bảo tôi nên làm gì tiếp theo không. Cô ấy bảo không. Vì vậy, tôi hỏi TJ có cần tôi giúp gì không. Anh mỉm cười và nói không. Khi đi quanh văn phòng hỏi mọi người xem có cần giúp gì không, tôi cũng nhận được nhiều ánh mắt ngơ ngác và những cái lắc đầu từ chối. Tôi về chỗ ngồi và tự nhủ: “Mình được đưa vào bộ phim hoạt hình Dilbert[3] hay sao vậy?”

Không muốn ngồi mãi một chỗ, tôi tìm một số dụng cụ vệ sinh và bắt đầu lau chùi bàn ghế và các kệ sách với quyết tâm làm việc gì đó có ích. Rồi tôi ngắt bỏ những chiếc lá héo trên cây, tưới nước và dời chúng đến gần một cửa sổ đầy nắng. Xong xuôi, tôi nhìn đồng hồ và cảm thấy chán nản: “Mới 10 giờ 30 thôi à? Mình phải làm gì cho hết ngày đây?” Tôi nhớ trên bàn có vài hộp bút chì nên lấy chúng ra chuốt. Sau khi chuốt xong, tôi cẩn thận bỏ vào hộp rồi đặt lại lên bàn. Đó là một trong những trải nghiệm hiệu quả nhất và thỏa mãn nhất của tôi khi làm việc tại đây.

TJ theo dõi tôi “làm việc” trong lúc đang nói chuyện với bạn gái qua điện thoại. Khi anh cúp máy, tôi bảo anh ta rằng tôi chán quá. Anh ta đề nghị tôi nên tự học để làm quen. Thương hại tôi, TJ đưa một xấp tài liệu và bảo: “Anh có thể đọc các báo cáo này để tìm lỗi chính tả nếu anh muốn.” Sau đó, anh ta với lấy cái áo khoác và nói rằng phải chạy ra ngoài. “Chạy” có vẻ là một ý tưởng tốt.

Gần cuối giờ trưa, Sherry đến phòng làm việc của tôi. Cô ấy nói muốn cho tôi xem một thứ. Cô đưa tôi đến cửa trước, chỉ vào một tấm bảng từ nhỏ ghi tên của tất cả mọi người ở bên trái với hai cột “Vào” và “Ra”. Tên tôi được thêm vào dưới cùng danh sách và có một vòng tròn nam châm nhỏ cho thấy tôi đang “Vào”. Vòng tròn của tất cả những người khác là “Ra”. Mặc dù tôi quả thực có mang theo bữa trưa, nhưng tôi không được di chuyển vòng tròn từ “Vào” sang “Ra”. Sherry giải thích là mọi người phải thay phiên trực điện thoại trong thời gian cô nghỉ trưa và lúc đó tôi là người duy nhất còn đang “Vào”, nên hôm nay tôi phải nhận trách nhiệm này. Nói xong, cô ấy mặc áo khoác và bước ra ngoài.

Tôi ngồi cầu nguyện cho điện thoại đừng reo. Mary gọi đầu tiên. Chúng tôi nói chuyện trong một phút, sau đó bà ấy yêu cầu tôi chuyển đường dây qua hộp thư thoại của TJ. Tất nhiên, tôi không biết làm việc đó như thế nào cả và gác máy. Tôi cũng không biết phải giúp gì khi có một khách hàng gọi đến yêu cầu xếp lịch đánh giá nhân viên của ông ấy. “Vâng”, tôi bảo ông ta: “Tôi là nhân viên mới.” Sau đó, tôi xin lỗi rồi lại gác máy. Tôi tiếp tục ngồi đó và bắt đầu nghĩ có phải mình đã quyết định sai lầm hay không. Tôi trải qua sáu năm học tập tại Đại học Yale và bây giờ ngồi đây trực điện thoại. Tôi đã tốt nghiệp một trong những ngôi trường uy tín nhất nước Mỹ và giờ ngồi đây chuốt bút chì. Tôi cảm thấy buồn nôn và bắt đầu nghĩ đến chuyện ra khỏi nơi này mà không một lời từ biệt. Dĩ nhiên, trước đó chắc chắn tôi sẽ đẩy vòng tròn nam châm của tôi sang cột “Ra”.

Giờ làm việc buổi chiều ngày hôm đó càng nặng nề hơn. Bốn tiếng làm việc trôi qua chậm hơn bất cứ bốn giờ đồng hồ nào trong cuộc đời tôi. Tôi ngồi tại bàn làm việc và nghĩ về nhân vật George trong một tập phim Seinfeld[4]. George cũng tìm được một công việc mới nhưng không được giao bất cứ việc gì để làm, nên suốt cả ngày hôm đó anh ta chỉ ngồi chuốt bút chì rồi ném chúng như những chiếc phi tiêu lên trần nhà xơ ép. Tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ rằng sẽ không ai để ý đến mình. Tôi nhìn những cái cây đang chết héo và nhận ra đây không phải là môi trường để cây cối lẫn con người có thể phát triển được. Đúng 5 giờ chiều, tôi đẩy vòng tròn của tôi sang cột “Ra” và về nhà. Tối hôm đó, tôi chỉ ngủ được rất ít vì cứ mải suy nghĩ “Mình nên làm gì?” và “Chắc chắn mọi việc sẽ trở nên tốt hơn sau khi mình gặp John.”

Ngày hôm sau, tôi là người đầu tiên có mặt tại công ty vào lúc 8 giờ 30 phút và tiếp tục đứng chờ Sherry đến mở khóa vào lúc đồng hồ chỉ 8 giờ 59 phút. Khi nhìn thấy tôi, cô có vẻ ngạc nhiên và nói: “Anh đã trở lại.” Tôi nhận thấy có vẻ như lời khen tặng đó vượt quá những gì tôi đáng được nhận. Tôi đánh dấu “Vào” trên bảng từ.

Việc đầu tiên của tôi trong buổi sáng là thăm mấy chậu cây và mọi người trong văn phòng. Mấy chậu cây có vẻ như giàu sức sống hơn so với ngày hôm qua. Nhưng các đồng nghiệp của tôi thì vẫn như vậy. Vì có mang theo máy tính xách tay, nên tôi mở máy tính để trả lời email và đọc tin tức. Khi John “Vào” lúc 10 giờ 30, tôi cảm thấy nhẹ nhõm kỳ lạ. Ông chào đón tôi rất nhiệt tình và chúc mừng tôi đã tìm được bàn làm việc. Tôi giật mình khi nhận ra các tiêu chuẩn ở đây thậm chí còn thấp hơn tôi tưởng. Ông bảo tôi rằng ông có một ý tưởng tuyệt vời và sẽ dẫn tôi đi mua sắm văn phòng phẩm cho bàn làm việc. Tôi quả quyết với ông là tôi có rất nhiều bút chì đã được chuốt nhọn.

Một giờ sau, chúng tôi quay lại và mang theo vài túi dụng cụ – tôi biết chắc tất cả đều có sẵn trong kho. John đề nghị tôi sắp xếp bàn làm việc rồi đi gặp ông ấy. Tôi nôn nóng muốn thực sự bắt tay vào công việc đến mức để nguyên các thứ trong túi rồi nhét vào ngăn bàn. Năm phút sau, tôi đứng trước cửa phòng làm việc của John. Lúc này, ông đang nói chuyện qua điện thoại với một ai đó nhưng ra hiệu cho tôi bước vào và ngồi xuống. Tôi ngồi và chờ đợi. Tôi cầm một cuốn sách trên bàn cà phê của ông và bắt đầu đọc. Ông liên tục đưa ngón tay ra dấu: “Một phút nữa thôi.” 30 phút sau, ông kết thúc cuộc gọi và nói: “Đến giờ ăn trưa rồi. Đi nào, tôi mời anh nhé!” Tôi mỉm cười với Sherry khi bước ngang tấm bảng và đánh dấu “Ra” ngay tên của mình.

Trong bữa trưa, tôi có đủ thời gian để chuyển đề tài từ đội bóng rổ đại học sang một số định hướng liên quan đến “công việc” của tôi. (Hóa ra đó là cuộc nói chuyện tập trung nhất và nhiều thông tin nhất trong nhiệm kỳ ngắn của tôi ở đây). Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất của tôi là kiểm tra các công cụ đánh giá, sản phẩm kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Nó được quảng cáo là một công cụ đánh giá hành vi cá nhân có thể dự đoán hiệu suất làm việc của nhân viên và đang được nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 sử dụng cho mục đích tuyển dụng, thăng chức và thay người.

Mary và John mua công cụ này cách đây vài năm từ một nhà tâm lý học. Mặc dù nhà tâm lý này không hề cung cấp cho họ một tài liệu hướng dẫn nào, nhưng ông ta vẫn cam đoan nó là một công cụ đúng đắn và đáng tin cậy. Tôi kiểm tra thử rồi đọc báo cáo do máy tính “xuất” ra (computer-generated report) và ngay lập tức cảm thấy đó là một công cụ rất tệ. Với các dữ liệu thô của hàng nghìn báo cáo đã hoàn thành, tôi không mất nhiều thời gian để xác nhận nghi ngờ của mình. Công cụ này thất bại ngay từ những phép kiểm tra cơ bản nhất về độ tin cậy và tính xác thực. Trên thực tế, một số thang đo và cách thức nó sử dụng không có chút ý nghĩa nào cả. Nếu tôi vẫn còn dạy môn thống kê và lập khảo sát thì đây sẽ là một ví dụ lý tưởng về những điều không nên làm. Báo cáo, vốn được tạo ra và sử dụng để ra quyết định về sự nghiệp của một người, thực sự chỉ chính xác ngang với một lời tiên đoán.

Tôi đã thẳng thắn trình bày phát hiện của tôi với Mary và John, đồng thời khuyên họ nên ngừng sử dụng công cụ này ngay lập tức, hay nói đơn giản là họ đã bị lừa. John và Mary chỉ lắng nghe, không bình luận một câu nào rồi yêu cầu tôi ra ngoài. Sau vài phút, Mary gọi tôi vào và nói: “Tôi nghĩ rằng việc rút lại công cụ này sẽ gây bối rối cho các khách hàng của chúng ta.” Tôi không nói nên lời. Mary hỏi tôi có thể chỉnh sửa nó được không – bà thích ý tưởng này vì sau đó họ có thể quảng cáo nó là một phiên bản mới được cải tiến. Tôi nói mình có thể tạo ra một công cụ đánh giá trông có vẻ giống nhưng phần lớn trương mục hiện tại thì phải bỏ đi. Tôi cũng bảo bà ấy rằng quy trình phát triển và xác thực sẽ phải mất vài tháng.

Tôi bỏ ra sáu tuần tiếp theo để tiến hành kiểm tra, chỉnh sửa, rồi kiểm tra lại các thứ một lần nữa. Sau khoảng một tá phiên bản khác nhau, tôi gặp John và Mary để cho họ biết chúng tôi đã sẵn sàng bắt đầu nghiên cứu thí điểm. Trong một phần kế hoạch nghiên cứu, họ sẽ tiến hành khảo sát 400 nhân viên từ các khách hàng lớn nhất của công ty. Mary khen ngợi tôi đã hoàn thành công việc và thông báo kế hoạch đã thay đổi: sẽ không có nghiên cứu thí điểm nào cả. Bà tin tưởng tôi và công cụ mới. Ngay lúc đó, một nhân viên tiếp thị đang viết một thông cáo báo chí công bố một phiên bản công cụ đánh giá “mới và được cải thiện”. Tôi không thốt nên lời và bước ra ngoài.

Tôi gửi email cho John và Mary từ nhà và xin lỗi vì sự ra đi đột ngột của mình. Tôi nhắc nhở họ về tầm quan trọng của việc theo sát kế hoạch nghiên cứu và yêu cầu họ xem xét lại quyết định này. Không có phản hồi nào.

Sáng hôm sau, tôi đi làm sớm và viết đơn xin nghỉ việc. Ngay khi John đến, tôi hỏi ông và Mary có cân nhắc lại không. Ông nói rằng họ thực sự đánh giá cao công việc của tôi và hài lòng với công cụ đó. Tôi bảo ông rằng tôi rất vui vì họ hài lòng, nhưng điều đó không thể thay thế cho các nghiên cứu thực nghiệm, rồi tôi đưa cho ông lá đơn xin thôi việc. Tôi về bàn làm việc, dọn dẹp đồ đạc, tưới cây, chúc mọi người may mắn rồi đẩy vòng tròn của mình sang cột “Ra”.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button