Kỹ năng mềm

Sức Mạnh Của Điểm Dừng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Terry Hershey

Download sách Sức Mạnh Của Điểm Dừng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TÁC GIẢ

Nghệ thuật sống hài hòa theo dòng chảy của thời gian đôi khi chỉ đơn giản là biết tạm dừng.

– Thomas Moore

Chúng ta đang sống trong một thế giới thúc giục ta ngưỡng mộ, theo đuổi, sùng bái những thứ nhanh hơn, mới hơn và to lớn hơn. Bởi chúng ta khao khát tốc độ và coi năng suất là mục tiêu nên chúng trở thành những chuẩn mực để đánh giá hiệu quả công việc ta làm.

– Hôm nay anh đã hoàn thành việc gì?

– Anh đùa à? – Chúng ta trả lời. – Tôi là người quan trọng. Nhìn xem, không có một khoảng trống nào trên lịch của tôi đây này.

Có những thời điểm tôi cảm thấy sự bận rộn cũng là một phần thưởng. Thỉnh thoảng tôi lại tự nhủ, một chút kiệt sức cũng quý giá như một cái vỗ nhẹ khích lệ vào lưng.

Nhưng đây mới là sự thật đáng băn khoăn: một cuộc đời dựa trên tốc độ và năng suất thường khiến ta phải trả giá đắt. Tôi biết cái cảm giác đánh đổi cả cuộc hôn nhân của mình bởi vì tôi quá bận rộn, vất vả với công việc phụng sự. Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi có một sự nghiệp thành công, nổi bật trong nhà thờ. Tôi đã đánh bóng hình ảnh về tầm quan trọng của mình và nhận được những cái ôm hôn từ công chúng. Thật không may, vì sự bận rộn này mà tôi đã nói không với những người quan trọng nhất với tôi. Tôi đã sống một cuộc đời bị phân mảnh và tất nhiên càng không phải là một cuộc sống theo đúng lời dạy thiêng liêng. Tôi không muốn sống như vậy nữa!

Sau đây là một số câu hỏi trắc nghiệm dành cho bạn, hãy dũng cảm và thành thật với chính mình, bạn nhé!

– Có bao giờ bạn cảm thấy quá sức, mà những việc phải làm cứ ngày một nhiều thêm?

– Có khi nào bạn cảm thấy cuống vội, chỉ ao ước có một phép màu nào đó hô biến cho thời gian trôi chậm lại?

– Có bao giờ bạn ao ước có thêm 1 ngày nữa trong tuần?

– Trong lúc đang trò chuyện, đã bao giờ bạn nhận ra là “Thật sự mình không hiện hữu ở đây”?

– Có lúc nào bạn cảm thấy mình bị vây ép giữa quá nhiều nghĩa vụ?

– Bạn có cảm thấy thoải mái khi làm việc đến kiệt sức?

– Có khi nào bạn bị lôi kéo vào quá nhiều hướng đi đến nỗi bạn không còn cảm thấy là chính mình?

– Có lúc nào bạn đồng ý với một cam kết mà bạn biết rõ rằng tốt nhất nên trả lời “Không”?

– Đã bao giờ bạn cố cầu nguyện hay thực hành giữ tĩnh lặng nội tâm, nhưng chỉ thấy đầu óc mình ngụp lặn trong những lo lắng của ngày hôm qua?

– Đã bao giờ bạn trả lời câu hỏi “Bạn khỏe không?” bằng một trong các cách diễn đạt sau: “Cuộc đời tôi… quá điên cuồng, quá bận rộn, rất phức tạp, bế tắc và không thể kiểm soát, giá như tôi có thời gian để trả lời câu hỏi của bạn”?

– Đã bao giờ bạn muốn dừng lại đủ lâu để nhận ra điều thiêng liêng, diệu kỳ ẩn chứa trong những đám mây, trên gương mặt một người lạ, trong sự hỗn loạn, trong cái lay chạm của bạn bè, hoặc trong những sự việc bình thường mỗi ngày?

Nếu bạn đã từng có những cảm giác, ước mong và trăn trở như vậy, Sức mạnh của điểm dừng sẽ là quyển sách thích hợp dành cho bạn -Làm ít hơn để gặt hái được nhiều hơn.

Chúng ta được sinh ra vì mục đích gì?

Bạn cần có một nơi trú ngụ trong tim, trong tâm trí hay trong ngôi nhà của bạn, nơi bạn có thể tìm đến mỗi ngày, nơi bạn không nợ ai và không ai nợ bạn – một không gian giúp cho những điều mới mẻ và tràn đầy hy vọng được thăng hoa.

– Joseph Campbell

Chúng ta được chào đón đến với cuộc sống này. Chúng ta được tạo ra để tận hưởng một cuộc sống thi vị.

Chúng ta được sinh ra chỉ để hiện hữu.

Nhưng một lúc nào đó, cuộc sống tước mất những khoảnh khắc thi vị ấy.

Tạm nghỉ, dựa theo nguyên tắc ngày Sabbath, sẽ giúp ta xua tan những khổ đau, phiền não. Sabbath có nghĩa là tạm dừng lại và nghỉ ngơi. Sabbath là nền tảng quan trọng trong đức tin của đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa.

Trên thực tế, việc thực hiện Sabbath, hay là tạm dừng để nghỉ ngơi, được tín đồ của mọi tôn giáo, thậm chí cả những người không theo tôn giáo, thực hiện.

Đó là bởi vì hầu hết các truyền thống tín ngưỡng đều nhận thức rằng con người không chỉ có một không gian (để) vận động mà còn có một không gian (để) hiện hữu. Trong không gian vận động, chúng ta làm việc, hướng đến tương lai, đạt được những thành tựu và tạo ra các giá trị vật chất. Còn trong không gian hiện hữu, chúng ta cầu nguyện, chiêm nghiệm nội tâm, tiếp xúc, nghỉ ngơi, khám phá, và nếu may mắn thì cả giấc ngủ cũng không vướng bận.

“Quyền năng của sự tạm nghỉ, tôi thích điều đó”, một người đàn ông nói với tôi như vậy sau cuộc hội thảo. “Vậy tôi phải làm gì?”.

Suy nghĩ máy móc của chúng ta trỗi dậy. Năm bước để dừng lại là gì? “Làm” Sabbath như thế nào? Cần kỹ thuật gì? Chúng ta nhận thấy cuộc sống thiếu cân bằng này cần được hỗ trợ điều chỉnh lại bằng các giải pháp mang tính công nghệ. Làm vậy chẳng khác nào cố gắng làm vơi nhẹ hoặc sửa lại tình thế của mình bằng việc sử dụng chính những công cụ, nguồn lực hoặc suy nghĩ đã đẩy ta vào tình thế đó.

Một lần nọ, tôi tìm thấy trong hiệu sách một cuốn có nhan đề Những câu chuyện một phút đọc trước khi đi ngủ. Nó dành cho các vị phụ huynh thường hay đầu tắt mặt tối, không có đủ thời gian dành cho đứa con thân yêu của mình!

Quyển sách này không chỉ đề cập những điều chúng ta cần làm, mà cả những điều chúng ta không nên làm. Liệu tôi có thể trở thành một người tốt hơn không phải bằng cách thêm vào mà là bớt đi?

Có 2 loại tạm dừng: Một loại mang tính thụ động, như: Tôi ngưng lại, tôi bỏ cuộc, tôi làm thinh…; còn loại kia mang tính chủ động, như: Tôi chú ý, tôi tỉnh táo, có ý thức trong lúc này, tôi có trách nhiệm với cuộc đời tôi đang sống…

Nhận thức của con người có sức mạnh vô cùng to lớn. Mỗi một lựa chọn ta đưa ra có thể tạo ra sự khác biệt trên thực tế. Việc lựa chọn tạm nghỉ sẽ mang đến cho ta…

Sức mạnh chú ý

Theo cách hiểu của người Do Thái, Sabbath là ngày tạm dừng, ngày nghỉ ngơi, là ngày chúng ta “ăn mừng” về thời gian chứ không phải về không gian. Trải qua sáu ngày trong không gian làm việc ngột ngạt, áp lực nên Sabbath là ngày cho phép ta điều chỉnh, hướng mình trở về với thực tại trải đầy những khoảnh khắc thiêng liêng.

Sức mạnh tập trung

Bức ảnh Gandhi ngồi cùng chiếc guồng quay sợi là hình ảnh thể hiện trọng tâm tư tưởng san bằng mọi

khác biệt xã hội của ông. Guồng quay sợi đã luôn nhắc nhở Gandhi về bản thân và những điều thiết thực trong cuộc sống. Khi quay bánh xe, ông kháng cự lại mọi thế lực xung quanh, những thế lực đang cố tình bóp méo những hiểu biết của ông về bản thân mình.

Sức mạnh để giữ bình tâm trong khoảnh khắc hiện tại

Khi ta cảm thấy căng thẳng vì bị giục giã, đó là lúc ta đưa ra quyết định phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Ta bị điều khiển, chi phối bởi nhu cầu phải vội vã để gây ấn tượng, song nó chỉ khiến ta rơi vào trạng thái điên cuồng, quẫn trí.

Còn khi ta nói: “Không, việc này có thể gác sang một bên để giải quyết sau”, ta biết mình còn có những giá trị khác ngoài những thứ bề ngoài kia. Ta được phép hiện hữu, được phép nắm lấy hiện tại thiêng liêng này.

Sức mạnh lắng nghe

Một cậu bé có lần nói với mẹ: “Mẹ ơi, nghe con này, nhưng lần này mẹ hãy nghe bằng mắt nhé!”. Bản chất của lắng nghe chính là hiện diện. Khi vội vã, ta không thể có cái nhìn toàn diện về sự vật, hiện tượng xung quanh. Lúc đó ta chỉ bó hẹp sự tập trung của mình vào những gì ta muốn nhìn và muốn nghe. Việc tạm dừng giúp ta dừng lại để nhìn, nghe, hoặc nhận ra sự vật đúng với bản chất vốn có chứ không phải theo cách ta mong nó là như vậy.

Sức mạnh để nhìn, nghe, nếm, chạm và ngửi – thưởng thức trọn vẹn cuộc sống

Với tôi, sự màu nhiệm của nhà thờ không thể hiện nhiều qua những linh ảnh, tiếng nói vang vọng từ không trung hay năng lực chữa lành đột nhiên đến với ta từ cõi xa xăm nào, mà là ở chính nhận thức thanh cao, đẹp đẽ của ta. Vì vậy những gì mắt ta nhìn thấy, tai ta nghe được trong mỗi khoảnh khắc đều luôn là về chính chúng ta.

– Willa Cather

Sức mạnh để nhận biết và trân quý nét độc đáo của bản thân

Mỗi người chúng ta là đứa con đặc biệt, độc đáo của Đấng Tạo hóa. Khi nhân dạng bản thân tôi bắt nguồn từ nhận thức đó, tôi không còn định nghĩa mình bằng những thứ mình đạt được, những thứ mình tiêu thụ, tôi tiến nhanh đến mức nào, tôi bận rộn ra sao, hay tôi kiếm được bao nhiêu. Tôi sống cuộc sống này chứ không phải cuộc sống nào khác. Tôi sống với thái độ chấp nhận, chứ không sống để được người khác chấp nhận. Đây chính là sự gợi nhắc thiêng liêng, rằng chúng ta sống theo kiểu từ nội tâm hướng ra bên ngoài, từ nơi mà Thomas Kelly gọi là “trung tâm thánh thiện”… nơi tràn đầy “sức mạnh, bình an, thanh thản, hòa hợp và tự tin”.

Chúng ta cần cẩn thận để không tiêu pha cả những khoảnh khắc tạm dừng của mình, không xem trải nghiệm như một món hàng có thể trao đổi, mua bán, hoặc xem việc tạm dừng như là thứ cần được đong đo tính toán. Đừng giống như người đàn ông nọ nhắn nhủ với bác sĩ rằng: “Tôi muốn học cách nghỉ ngơi thư giãn, nhưng phải là sự nghỉ ngơi thoải mái hơn, nhanh hơn bất cứ sự nghỉ ngơi nào của người khác trước đây”.

Vì vậy, hãy trải nghiệm khoảnh khắc tạm dừng mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Bạn sẽ tìm thấy hình ảnh mới mẻ về bản thân hoặc khám phá lại chính mình, con người bấy lâu nay bị lẩn khuất giữa những ồn ào, huyên náo và tất bật của cuộc sống. Bạn sẽ nhận thấy ở mình một con người chú tâm hơn, hiện hữu nhiều hơn và tràn trề năng lượng sống – một con người sống trọn vẹn, thật sự.

Sử dụng cuốn sách này như thế nào?

Tôi là người làm vườn, vì vậy tôi liên hệ nhiều tới chuyện làm vườn và thiên nhiên nói chung. Vì thế nội dung sách được sắp xếp theo trình tự các mùa, bắt đầu với Thu sớm và kết thúc với Hè muộn. Dù là mùa đông hay mùa xuân, phần sớm và muộn trong các mùa luôn khác nhau, để lại trong ta những suy nghĩ và cảm nhận khác nhau về sự vật.

Những câu chuyện trong các chương này đều nhằm giúp bạn thực hành Tạm dừng – một tiến trình thuộc về nội tâm, không xảy ra cùng lúc mà thường đi qua các giai đoạn. Vì vậy trong mỗi một mùa, các câu chuyện được sắp xếp theo một dòng chảy, như một chu trình thông thường của nội tâm.

Nhận ra Nhu cầu, Khát vọng của bản thân

Tìm đến Nơi trú ẩn bình yên

Khám phá Điều bình dị thiêng liêng

Thỏa nguyện

Lựa chọn để Trở thành

Tận hưởng sự Tự do, Hoan hỉ

Xin lưu ý rằng các câu chuyện trong mỗi mùa không tuân theo quy trình này một cách cứng nhắc. Nhiều khi một câu chuyện có thể đề cập đến Điều bình dị thiêng liêng, nhưng cũng có lúc nhắc đến việc lựa chọn để Trở thành. Nếu bạn muốn trải nghiệm sự Tự do, hãy tìm đọc câu chuyện cuối cùng của mùa, trong mục Tự do/Hoan hỉ.

Tôi chia các câu chuyện theo mùa bởi vì rất nhiều người thích tuân theo trình tự các mùa trong năm. Và tôi cũng phân loại các câu chuyện theo kiểu tâm trạng hay các giai đoạn nội tâm. Hãy chọn và sử dụng chúng theo cách bạn thấy phù hợp. Cuốn sách này là của bạn, nó giúp bạn tạm nghỉ bất kể bạn đang ở mùa nào hay đang mang tâm trạng nào.

– Terry Hershey

ĐỌC THỬ

HÃY ĐỂ TÂM HỒN BẮT KỊP THỂ XÁC
Sự xao lãng khiến ta đánh mất sự đồng hành với chính mình 24 giờ mỗi ngày.

– Pascal

Một du khách người Mỹ lên kế hoạch cho chuyến đi thám hiểm dài ngày ở châu Phi. Vốn là một người cứng nhắc, tủn mủn, anh ta thận trọng mang theo bản đồ, vạch ra thời gian biểu và lịch trình rõ ràng. Anh thuê một vài người thuộc bộ lạc địa phương tham gia hành trình để mang vác đống hành lý cồng kềnh và những thứ “cần thiết” của anh.

Buổi sáng đầu tiên, họ tỉnh dậy rất sớm, đi rất nhanh và đi được khá xa. Buổi sáng thứ hai, thứ ba cũng vậy, nên anh chàng người Mỹ kia có vẻ hài lòng. Nhưng đến buổi sáng thứ tư, những người bản địa không chịu đi nữa. Họ chỉ ngồi dưới gốc cây. Anh ta tức giận quát tháo: “Thật lãng phí thời gian. Ai có thể nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra ở đây không?”.

Người phiên dịch trả lời: “Họ đang chờ tâm hồn bắt kịp với thể xác”.

Trong cuốn sách The Solace of Open Spaces, Gretel Ehrlich đề cập đến ý tưởng không gian tĩnh lặng có thể chữa lành, mang lại sự tỉnh táo, sáng suốt. Tĩnh lặng không phải là sự trống rỗng, mà là sự tràn đầy. Nó cho phép tâm trí suy nghĩ hiệu quả, không cần đưa ra lý lẽ bào chữa nào. Nó cho phép chúng ta phục hồi lại những phần nội tâm đã bị phân mảnh trong suốt một tuần qua.

Ngồi yên là một nỗ lực tinh thần.

Ngồi yên là cách thực hành Sabbath, có nghĩa là…

buông rời, rũ bỏ

dừng lại

nghỉ ngơi

dành thời gian để khơi thông dòng tư tưởng,

cảm xúc

tương giao với Tạo hóa.

The power of pause

Thực hành tạm nghỉ

Tìm cho mình một không gian riêng để thực hành tĩnh lặng (nếu ở ngoài vườn thì rất tuyệt!). Đến đó ngồi ít nhất một lần mỗi ngày để dừng lại, buông bỏ hết tất cả, để cho “tâm hồn bắt kịp thể xác”.

ĐẦU ĐÔNG

SỢ HÃI & NHẢY MÚA

Xem mình nhảy múa là cách lắng nghe tiếng nói trái tim mình.

– Ngạn ngữ Hopi(1)

Vào những năm 1930 khi Gillian còn là một đứa trẻ, các giáo viên của cô bé lo lắng về khả năng tiếp thu, học hỏi của cô. Cô bé là một trong những học sinh kém tập trung và ít chịu ngồi yên. ADHD(2) khi đó chưa được coi là một triệu chứng y học, vì thế Gillian bị gán cho biệt hiệu là “khó bảo”. Bố mẹ cô bé vô cùng buồn khổ vì chuyện này.

(1) Hopi là một tộc người Da đỏ sống trong vùng bảo tồn ở bang Arizona, Mỹ.

(2) ADHD là từ viết tắt của Attention Deficit Hyperactivity Disorder – Chứng rối loạn không tập trung & hiếu động ở trẻ.

Một chuyên viên tham vấn tâm lý học đường sắp xếp cuộc gặp với Gillian và bố mẹ cô bé để trao đổi về các giải pháp. Suốt buổi gặp, Gillian nhấp nhỏm ngồi trên đôi tay mình, trông cô bé như đang gò ép mình theo khuôn phép, cố gắng hành xử sao cho tự nhiên và ngoan ngoãn. Cuối cùng chuyên gia tâm lý đề nghị gặp riêng bố mẹ Gillian bên ngoài văn phòng. Trước khi ra khỏi phòng, ông ta bật đài lên. Âm nhạc tràn ngập căn phòng. Từ ngoài cửa, vị chuyên gia đề nghị bố mẹ Gillian quan sát con gái họ. Không còn ngồi yên nữa, Gillian bắt đầu di chuyển khắp phòng theo tiếng nhạc – tự do, không buồn phiền, đầy sung sướng.

– Ông bà thấy đấy. – Chuyên viên tâm lý nói với cha mẹ Gillian. – Con gái ông bà không bị bệnh. Cô bé là một vũ công.

Câu chuyện này có thể đã đi theo hướng khác nếu Gillian bị kết luận là mắc bệnh và được chữa trị. Thay vào đó cô bé được tự do sống đúng theo bản năng của mình. Và kết quả là sau này Gillian trở thành một vũ công tài ba trên sân khấu, trên phim ảnh và là biên đạo múa xuất sắc cho các vở diễn kinh điển như Cats (Những chú mèo) và The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát). Gillian bé bỏng, “khó bảo” ngày nào đã trở thành Gillian Lynne vĩ đại.

Xét về khía cạnh nội tâm, mỗi chúng ta đều là vũ công. Đó là phần con người trong ta ứng đáp, tương tác một cách thoải mái, nhịp nhàng theo giai điệu của cuộc sống phong phú này. Nhưng trên đường đời, ta dần đánh mất khả năng ấy. Ta chọn cách sống phòng thủ, khép kín. Những nỗi sợ hãi của bản thân hay của người khác áp đặt lên ta, hạn chế khả năng vốn có của ta, thậm chí chèn lấp cả con người đích thực của ta cùng những năng khiếu mà ta có thể cống hiến cho đời.

Nhảy múa có nghĩa là cởi mở tấm lòng đón lấy cuộc sống với thái độ không dè dặt, không sợ hãi. Giống như khi đứa trẻ bốn tuổi được hỏi:

Cháu có biết hát không? – Nếu cháu không biết lời, cháu sẽ tự tạo ra lời.

Cháu biết chơi nhạc không? – Chỉ cần một cái hộp giấy và cái que là chơi được thôi.

Cháu biết nhảy không? – Hãy xem đây!

Nhưng nếu hỏi người lớn những câu tương tự:

Anh biết hát chứ? – Chỉ trong nhà tắm thôi, sau đó là “tắt đài”.

Anh biết chơi nhạc không? – Hồi đó thì có.

Anh nhảy được chứ? – Với điều kiện là không có ai cười.

Tiếng nhạc rộn ràng từ một ban nhạc Latin đang chơi điệu salsa. Mới tập tành làm quen với sàn nhảy nên tôi nhận thức rõ nỗi sợ hãi của mình, biết rằng bước di chuyển chân trái có thể làm tôi trông như thằng ngốc. Nhưng khi nhìn sang những người khác, tôi thực sự bị mê hoặc. Họ thả hồn theo tiếng nhạc, cơ thể họ uốn éo thật uyển chuyển. Người phụ nữ dạy tôi nói với giọng đều đều: “Đừng nhăn nhó. Anh đang nhăn nhó đấy.” – quả thực tôi thường chau mày lại mỗi khi tập trung. Phải thừa nhận là trông tôi chẳng giống như đang khiêu vũ chút nào, mà là chú ý đếm các bước chân. Tôi đã không để cho tinh thần mình hoàn toàn thư thái; chỉ đơn thuần là mở lòng ra để xúc cảm từ trái tim dẫn dắt tôi di chuyển.

Tôi học được hai bài học từ câu chuyện của Gillian:

Một là, ta không phải là những biệt hiệu, những nhãn mác mà mọi người gán ghép như “khó tính”, “khó bảo” hay “kỳ cục”. Nhịp bước theo giai điệu (tiếng nói) của Tạo hóa, Cội nguồn Ân phúc chính là lựa chọn vượt qua nỗi sợ hãi.

Chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách đáp lại tình yêu thương của Tạo hóa. Cha mẹ và chuyên gia tham vấn tâm lý của Gillian thể hiện tình yêu thương đối với cô bằng cách để cho cô được lựa chọn, để rồi trở thành con người sinh ra vốn như thế. Trong khoảnh khắc tĩnh tại của giây phút tạm dừng, chúng ta nghe thấy lời nhắn nhủ đầy yêu thương của Đấng Tạo hóa và cảm nhận được sự tự do, giải thoát. Nhảy múa là sự tương tác, giao hòa với tình yêu đó, làm trái tim nội tâm ta đập lên những nhịp đầy sức sống và không sợ hãi.

Theo như Robert Capon đã từng nói: “Nỗi sợ khiến con người phải sống như học trò bị dạy sai cách chơi đàn. Vì quá lo lắng về những sai sót có thể mắc phải nên chúng ta không chú ý nghe nhạc mà chỉ cố đánh cho đúng nốt”.

Hai là, ta không nghe thấy tiếng nói ân phúc, hay lời mời “khiêu vũ” của Tạo hóa khi cuộc đời ta tràn ngập những ồn ào, vội vã; khi ta phí hoài thời gian, công sức, không ngừng lo sợ tiếng đời.

Điều này cho tôi thêm một lý do thích đáng để tạm nghỉ và để cho giai điệu thiêng liêng của cuộc đời mời gọi mình.

Lời truyền cảm

Nhảy múa, khi bạn cởi mở

Nhảy múa, nếu bạn xé bỏ vết băng

Nhảy múa giữa cuộc chiến đấu

Tinh thần nhảy múa tràn dâng trong máu bạn

Nhảy múa, khi bạn hoàn toàn tự do.

– Dancing with Joy, Rumi

Thực hành tạm nghỉ

Hãy mở loại nhạc bạn thực sự yêu thích và nghe một lát. Kể tên những điều khiến bạn sợ hãi trong lúc âm nhạc đang dìu dắt bạn. Sau đó, hãy để tâm tới âm nhạc và hình dung nỗi sợ hãi đang được thả bay theo những âm thanh tuyệt đẹp đó.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button