Kỹ năng mềm

Sự Nghiệp Là Một Trò Chơi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nathan Bennett & Stephen A. Miles

Download sách Sự Nghiệp Là Một Trò Chơi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

GIỚI THIỆU

Với mỗi cơ hội việc làm tốt đẹp mà bạn tìm thấy, khả năng là sẽ có hàng trăm – thậm chí hàng nghìn – người cạnh tranh với bạn vì nó.

Nhưng bạn lại chẳng có cách nào hạ gục hết tất cả bọn họ.

Dave Barry,  “Những Bí Mật Tiền Bạc Của Dave Barry”

Bạn ý thức rõ ràng rằng mọi người đều phải cạnh tranh để có được việc làm. Công việc càng hấp dẫn thì sự cạnh tranh càng khốc liệt. Hầu hết mọi người đều hiểu rõ điều này. Nhưng lại có khá ít người nhận thấy rằng sự theo đuổi một công việc nào đó thực ra chỉ là một “nước đi” trong một trò chơi đa chiều mang tên “nghề nghiệp”. Cá nhân nào nhìn thấy được bản chất của của trò chơi sự nghiệp – lôi cuốn, phức tạp, đa tầng, thực tế, là một mê cung nhiều người chơi được mở ra trong thời gian thực – sẽ có thể phát triển thành người chơi giỏi hơn. Đó là những người sẽ có nhiều khả năng cạnh tranh thành công cho những vị trí công việc giúp họ đạt được các mục tiêu của mình.

Cho dù bạn có nhận ra được điều đó hay không thì bấy lâu nay bạn cũng đã thực hiện những nước đi trong nghề nghiệp. Các quyết định có nên học đại học hay không và học trường nào, ngành nào, liệu có nên tham gia hội sinh viên/hội nữ sinh, làm đội trưởng đội thể thao, hoạt động trong ban lãnh đạo sinh viên, nên chấp nhận và từ chối cơ hội thực tập/làm việc nào, và thậm chí là có nên đọc cuốn sách này hay không – mỗi một điều trên đây đều là những nước đi có thể ảnh hưởng đến cơ hội sự nghiệp của bạn sau này. Một vài nước đi trong số đó có thể là những động thái mà chúng ta gọi là  củng cố nghề nghiệp  – những nỗ lực gia tăng nhằm làm sắc bén thêm các phẩm chất và điểm nổi bật trong hồ sơ cá nhân của bạn. Một số nước đi khác lại có thể là định hình nghề nghiệp – đây là những bước chuyển lớn thành công tạo ra những sự đứt đoạn tích cực và giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển sự nghiệp. Nhưng vẫn còn đó những nước đi sai lầm để lại hậu quả tệ hại và có nguy cơ kéo lui hay chặn đứng sự nghiệp của bạn. Chúng tôi gọi những động thái này là  kết thúc nghề nghiệp  hay  giới hạn nghề nghiệp  – những nước đi có thể khiến bạn phải rời cuộc chơi hoặc đẩy bạn lui về điểm cân bằng. Bạn sẽ rơi vào trường hợp nào còn tùy thuộc vào ảnh hưởng của sai lầm lên công ty, danh tiếng bạn đã tạo dựng được, sức mạnh và ảnh hưởng của mạng lưới các quan hệ của bạn. Tất nhiên, các yếu tố mang tính bảo vệ này – danh tiếng và những mối quan hệ có tầm ảnh hưởng – được phát triển thông qua những bước đi thành công trước đây trong sự nghiệp.

Có vô số sách đưa ra những chỉ dẫn nghề nghiệp đã được xuất bản. Phần lớn các cuốn sách này hướng người đọc vào một quá trình tự phản ánh, từ đó khiến người đọc gia tăng ý thức về bản thân và chú ý đến những điều có ý nghĩa với họ trong công việc, công ty và sự nghiệp. Lúc này, những cá nhân đã hiểu rõ cái mình tìm kiếm lại tiếp tục tiến lên để thực hiện mỗi một việc mà mục đích của họ đề ra – tìm kiếm. Cuốn sách này hoàn toàn khác. Chúng tôi tin rằng bằng cách nhìn nhận sự nghiệp của bạn như một trò chơi và áp dụng các tư tưởng được phát triển bởi những học giả trong lĩnh vực lý thuyết trò chơi, bạn có thể phát triển nên một chiến lược chơi giúp nâng cao khả năng đạt đến những mục tiêu nghề nghiệp của mình. Theo một vài cách nào đó, cuốn sách này được thiết kế để bắt đầu phát huy tác dụng tại nơi mà việc quá trình tự phản ánh kết thúc – chúng tôi giả sử rằng bạn đã hiểu rõ nơi mình muốn đến. Nói theo một tựa đề sách best-seller bất hủ, trước hết bạn phải xác định được màu cho chiếc dù nhảy của mình  [1]  . Chúng tôi tiếp tục giả thiết rằng đích đến mong muốn của bạn chắc chắn sẽ làm tròn mắt người khác. Như lời trích dẫn của Dave Barry ở đầu chương đã hài hước chỉ ra, bạn cần phải hiểu làm cách nào để tự định vị bản thân nhằm cạnh tranh thành công cho đích nhắm phía trước. Với tất cả những điều được trình bày, chúng tôi tin rằng việc nắm rõ cách chuẩn bị để giành chiến thắng trong cuộc đua tranh nhằm đạt lấy những cơ hội hấp dẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự nghiệp của mỗi cá nhân. Chiến thắng trong một cuộc thi luôn được hỗ trợ bởi những hành động có chiến lược kỹ lưỡng. Một chiến lược tốt là một kế hoạch linh hoạt xây dựng trên các mục tiêu, tài nguyên, điểm mạnh, và điểm yếu của bạn cũng như của đối thủ. Dĩ nhiên chiến lược này cũng phải lưu ý tới các vấn đề điều kiện đấu trường, luật chơi và cấu trúc thời gian của trò chơi.

Trong những trang tiếp theo, chúng tôi trình bày làm thế nào lý thuyết trò chơi – một lý thuyết kinh tế trong đó phép ẩn dụ về một trò chơi được áp dụng nhằm mô hình hóa sự phụ thuộc và kết nối lẫn nhau giữa các bên tham gia gây ảnh hưởng thế nào đến việc đưa ra quyết định – có thể giúp bạn chủ động điểu khiển chiến lược nghề nghiệp của mình một cách tốt nhất. Lý thuyết trò chơi đã được áp dụng nhằm giải thích rất nhiều hiện tượng, trong đó bao gồm cả chiến lược kinh doanh và hình thành quyết định. Với những mục đích đã đề ra, đầu tiên chúng tôi sẽ trình bày cách mà lý thuyết trò chơi được dùng để giúp bạn học cách quản lý sự phụ thuộc và kết nối lẫn nhau giữa các đồng sự, các nhà quản lý và những người khác một cách hiệu quả và hỗ trợ cho những nỗ lực cá nhân của bạn trong công việc. Tiếp đến, chúng tôi trình bày cách bạn – lúc này đã hiểu về “trò chơi” – có thể trở thành một đấu thủ. Chìa khóa trong việc học cách chơi trò chơi sự nghiệp chính là một khái niệm mà chúng tôi từng gọi là  sự nhạy bén nghề nghiệp  – nói tóm lại, chúng tôi tin rằng những cá nhân tinh nhanh sẽ trở thành những người chơi vượt trội hơn.

Dĩ nhiên, việc gặt hái thành công trong sự nghiệp không đơn thuần chỉ là kết quả của hành động lập kế hoạch hay khả năng cá nhân. Những công cụ này không thay thế cho việc thể hiện năng lực trong suốt quá trình làm việc – thay vào đó, cái mà nó có thể làm là giúp thúc đẩy những gì bạn đang có. Chúng tôi nhất trí với Tổng thống Eisenhower ở quan điểm, cho dù kế hoạch có trở nên vô dụng thì việc lập kế hoạch vẫn là thiết yếu. Cái chúng tôi mong muốn cung cấp cho bạn là một cơ cấu mới và hữu dụng hơn để áp dụng cho bài tập lập kế hoạch kia. Tất nhiên để hiểu được giá trị của một kế hoạch trò chơi sự nghiệp – cũng như bất kỳ kế hoạch nào khác – các cá nhân phải thực thi trách nhiệm của mình và bảo đảm kết quả một cách trung thực. Trong khía cạnh này, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Samuel Goldwyn, người đã ôn lại những kinh nghiệm của mình với tư cách là một người nhập cư vào Hoa Kỳ bằng cách lưu ý rằng càng làm việc chăm chỉ, ông càng trở nên may mắn.

Khi mới hình dung nên dự án này, đối tượng chủ yếu chúng tôi muốn nhắm đến là những người đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp – những người ở độ tuổi từ 25 đến hơn 30 một chút và bắt đầu tự hỏi bản thân đang ở đâu trên con đường sự nghiệp đúng đắn. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ việc tác giả thứ nhất của cuốn sách đã trải qua rất nhiều thời gian tại trường George Tech với những người ở trong chính hoàn cảnh đó. Như đã lưu ý bên trên, nhiều cuốn sách được viết ra nhằm giúp các cá nhân kiểm định vấn đề này. Và công việc của chúng tôi là trang bị cho những người này một chiến lược hành động để tìm ra câu trả lời. Khi bắt tay thực hiện, chúng tôi nhận ra những bài học chứa đựng trong phương pháp sử dụng lý thuyết trò chơi để quản lý nghề nghiệp hoàn toàn có thể ứng dụng cho mọi cá nhân ở mọi giai đoạn sự nghiệp. Đối với người chơi ở giai đoạn đầu, tất cả những gì họ cần là hình dung được giai đoạn kết thúc mà mình mong muốn. Một khi đã có được đích đến trong đầu, bạn sẽ có thể ngay lập tức áp dụng các công cụ và tư tưởng mà chúng tôi trình bày trong các chương tiếp theo nhằm vạch ra hướng đi tốt nhất. Theo định nghĩa, người chơi đến giai đoạn sau sẽ còn ít nước đi hơn trong trò chơi của mình. Do vậy, đưa ra được nước đi hợp lý nhất trở thành vấn đề tối quan trọng đối với họ. Chúng tôi tin rằng phương pháp chiến lược trò chơi mà mình cung cấp sẽ giúp người chơi thực hiện được điều đó. Mặc dù chúng tôi chú trọng vào các ví dụ về những nhân vật thành công trong kinh doanh, chúng tôi tự tin rằng những bài học ở đây đều sẽ hữu ích cho bất kỳ ai đang tìm kiếm cơ hội mà nhiều người khác cũng thèm muốn và ở đó kết quả chịu ảnh hưởng bởi các người chơi phụ thuộc lẫn nhau. Chẳng hạn, những người muốn giành được một cơ hội tình nguyện hấp dẫn cũng bị lôi kéo vào một phiên bản nào đó trong phạm vi tác dụng của trò chơi sự nghiệp này.

Cấu trúc của sách như sau. Chúng tôi dành năm chương đầu để phác họa và mô tả phương pháp áp dụng lý thuyết trò chơi trong quản lý nghề nghiệp. Chương 1 bắt đầu bằng việc trình bày những cơ sở chúng tôi đưa ra khi xem sự nghiệp như một trò chơi. Chương 2 cung cấp cho bạn các mô tả về những ý tưởng then chốt được phát triển trong lý thuyết trò chơi và giải thích cách chúng được áp dụng trong trò chơi sự nghiệp. Chương 3 nhằm giúp bạn hiểu những việc mình cần làm trước khi bắt đầu tham gia trò chơi sự nghiệp. Trong Chương 4, chúng tôi cung cấp một số các minh họa về những nước đi nghề nghiệp và cho thấy bằng cách nào lý thuyết trò chơi có thể giúp bạn quyết định đâu là nước đi đúng đắn. Như chúng tôi có lưu ý ở đầu chương này, di chuyển nhanh chóng trở thành đặc tính của trò chơi, do vậy bạn sẽ cần phải thực hiện một vài công việc để hiểu logic tương tự được áp dụng cho trò chơi sự nghiệp như thế nào. Chương 5 chú trọng vào một nước đi đặc biệt mà bằng kinh nghiệm chúng tôi nhận thấy rằng người ta thường thực hiện nó rất tồi – rời khỏi một vị trí nào đó. Chúng tôi tập trung vào nước đi này là bởi cách thức thực hiện nó sẽ tác động đến công ty mà bạn rời bỏ, cũng như danh tiếng của bạn sau này – cả người tuyển dụng trước đây và các lợi ích cá nhân trong tương lai khi sự chuyển tiếp được thực hiện khéo léo. Với nền tảng đó, trong Chương 6 chúng tôi giới thiệu khái niệm nhạy bén nghề nghiệp và đưa ra những gợi ý giúp bạn trở thành một người chơi tinh nhanh hơn.

Với tư cách là một phần của những nghiên cứu cho cuốn sách, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với một số nhân vật. Hai nhân vật được chọn vốn được biết đến như là những nhà lãnh đạo thấu suốt trong việc hiểu rõ các vần đề nghề nghiệp. Tammy Erickson đã viết rất nhiều về sự khác nhau trong cách làm việc giữa các thế hệ. Bà đã cung cấp những phân tích tuyệt vời về cách mà thế hệ X, thế hệ Y và hàng triệu người trong số đó định hình và tham gia trò chơi sự nghiệp. Nắm được cách thức mà các thành viên của mỗi nhóm tiếp cận trò chơi sẽ giúp bạn sẵn sàng chơi cùng họ với tư cách là quản lý, là đồng nghiệp hay đối thủ cạnh tranh cho một vị trí công việc nào đó. Keith Wyche, chủ tịch điều hành của Pitney Bowes, được công nhận rộng rãi với tư cách là người chỉ dẫn cho các nhóm thiểu số tại nơi làm việc, đồng thời là tác cuốn  “Chỉ Tốt Thôi Chưa Đủ”  , một tác phẩm nhằm giúp các nhóm thiểu số tìm ra chìa khóa dẫn đến thành công trong nghề nghiệp. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông đã nói thêm về sự khác biệt trong cách các nhóm thiểu số tham gia trò chơi sự nghiệp, cũng như cách mà họ cần thay đổi lối chơi của mình.

Phần lớn các cuộc phỏng vấn được ghi lại trong cuốn sách này được tiến hành với những người đang có sự nghiệp xuất sắc. Chúng tôi hy vọng những cuộc trò chuyện này sẽ làm sáng tỏ đôi chút về cách thức những người khác tham gia trò chơi, cũng như cách sử dụng lý thuyết trò chơi để phân tích những nước đi của người khác – và rằng chúng cũng sẽ giúp bạn chuẩn bị cho những nước đi của riêng mình. Chúng tôi đã cố gắng chọn lựa các cá nhân điển hình ở nhiều giai đoạn sự nghiệp, trong nhiều ngành nghề khác nhau. Ví dụ, Ursula Burns (Xerox) và Charles Begey (GE) đã có một sự nghiệp lâu dài và thành đạt trong những công ty lớn. Pasha Federenko và Bryan Bell lại đang ở vào những giai đoạn đầu tiên trong trò chơi sự nghiệp của mình, cả hai đều chỉ mới vừa đảm nhận các vị trí tại Bain & Company khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn. Chris Klaus, nhà sáng lập của Internet Security Systems, đã rất thành công trong tư cách một nhà doanh nghiệp. Marius Kloppers (BHP Billiton) đã có sự thăng tiến rất nhanh đến vị trí điều hành cấp cao của một trong những công ty lớn nhất thế giới. Bill Perez (William Wrigley, Jr. Company) đã trải qua phần lớn sự nghiệp của mình ở các vị trí lãnh đạo trong những công ty gia đình. Cuối cùng, Liz McCartney (đạt danh hiệu  Anh Hùng Của Năm  do đài CNN bình chọn năm 2008) là một ví dụ tiêu biểu của nhà doanh nghiệp xã hội – bà đã rời bỏ công việc ở thủ đô Washington để chuyển đến khu vực New Orleans nhằm hỗ trợ cho chiến dịch tái thiết sau bão Katrina. Sau mỗi bài phỏng vấn, chúng tôi đưa ra một số ví dụ cụ thể về cách – mặc dù chủ đề có thể không được đặt theo chính xác như thế – mà các nguyên lý của lý thuyết trò chơi hiện diện trong những quyết định nghề nghiệp của họ. Chúng tôi khuyến khích bạn xem xét kỹ lưỡng cách mà phương pháp lý thuyết trò chơi, cho dù chỉ ngầm thể hiện, đã trợ giúp cho mỗi cá nhân – và cách mà chúng có thể giúp ích cho bạn khi đưa ra những quyết định nghề nghiệp của riêng mình.

Hãy cùng chúng tôi hy vọng rằng những tư liệu được cung cấp trong mỗi chương cùng với các bài học rút ra từ các cuộc phỏng vấn sẽ hữu ích khi bạn tiếp tục tiến hành những nước đi trong trò chơi sự nghiệp của mình.

ĐỌC THỬ

 SỰ NGHIỆP CỦA BẠN NHƯ MỘT TRÒ CHƠI

Trong bộ phim  A Beautiful Mind  (Một Tâm Hồn Đẹp), Russell Crowe vào vai John Nash, người mở đầu cho lý thuyết trò chơi. Trong phim có một cảnh diễn tả cô đọng bản chất của lý thuyết trò chơi và ứng dụng của nó trong việc đưa ra quyết định. Trong cảnh phim đó, Nash cùng các bạn học đang ở trong một quán bar và trông thấy một nhóm năm cô gái bước vào – một tóc vàng và bốn tóc nâu. Nhóm các cô gái – đặc biệt là cô tóc vàng – nhanh chóng thu hút sự chú ý của Nash và các bạn. Ngay lập tức, mỗi người trong nhóm vạch ra nước đi tiếp theo nhằm thu phục được nàng tóc vàng. Trong hoàn cảnh đó, Nash đã ngộ ra một điều: Nếu mỗi người cố gắng tối đa hóa lợi ích của mình (mà trong trường hợp này là việc chiếm được cảm tình của cô gái tóc vàng), chắc chắn họ sẽ xung đột lợi ích với nhau và rốt cuộc, sẽ chẳng có ai “chiến thắng”. Anh tiên đoán rằng, nếu tất cả cùng thất bại trong việc cưa đổ nàng tóc vàng thì lúc đó sẽ trở nên quá muộn để họ quay sang các cô tóc nâu – không ai trong số những cô gái này lại muốn là “sự lựa chọn thứ hai”. Tình huống tiến thoái lưỡng nan này khiến Nash đưa ra nhận xét rằng quan điểm kinh điển của Oliver Williamson – rằng thông qua việc mỗi cá nhân cố gắng đạt được lợi ích tối đa cho bản thân thì lợi ích tối đa cho cả nhóm cũng sẽ được thỏa mãn – là không phù hợp trong hoàn cảnh này. Nếu mỗi người bạn học của Nash đều hành động dựa trên lợi ích tối đa của mình, tất cả bọn họ đều sẽ thất bại.

Thay vào đó, Nash hiểu được rằng trong tình huống này, hành động tốt nhất của mỗi cá nhân phụ thuộc vào hành động phỏng đoán mà mỗi người chơi khác có thể thực hiện. Hiểu được điều này, hướng hành động tốt nhất cho mỗi cá nhân là nhớ lại động lực – thể hiện trong tựa đề một bộ phim sản xuất năm 1953 – rằng “các quý ông đều thích những nàng tóc vàng”. Biết được rằng những người bạn của mình có nhiều khả năng sẽ theo đuổi nàng tóc vàng trước tiên, chiến lược hữu hiệu hơn là bạn sẽ theo đuổi một trong những nàng tóc nâu còn lại. Bằng cách đó, bạn có thể tối đa hóa cơ hội giành được sự chú ý của một người trong nhóm các cô gái. Điểm mấu chốt ở đây chính là sự nhận biết được rằng, trong nhiều tình huống, hành động tốt nhất của mỗi cá nhân thường phụ thuộc vào hành động phỏng đoán của những người chơi còn lại. Chỉ cần hiểu được điều căn bản của lý thuyết trò chơi đã có thể giúp một sinh viên tìm ra cách giành được một cuộc hẹn, chúng tôi tin rằng nó cũng có thể giúp bạn định hướng bản thân để có được sự nghiệp thành công.

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI TRONG VĂN HÓA CỦA CHÚNG TA

Lý thuyết trò chơi tiếp tục là một chủ đề được nhiều người quan tâm; năm 2005, giải Nobel một lần nữa được trao cho một học giả nghiên cứu về lý thuyết trò chơi  [1]  . Nó đã được sử dụng như là một phương thức mới để tìm hiểu nhiều hiện tượng bao gồm logistics  [2]  , đầu tư  [3]  , marketing  [4]  , sự tiến hóa của loài người  [5]  , và cả chủ nghĩa khủng bố  [6]  . Trong văn hóa đại chúng, các chiến lược gia đã sử dụng lý thuyết trò chơi để vạch ra chiến lược giành thắng lợi trong rất nhiều chương trình truyền hình thực tế (chẳng hạn các chương trình  The Weakest Link  ,  Survivor  , hay  The Apprentice  ). Các chương trình này đều có chung một vài đặc điểm nổi bật. Trước hết, người chơi đi tiếp vào vòng trong – hoặc bị loại – chủ yếu dựa trên sự bầu chọn của những thí sinh khác. Thứ hai, thành công của các vòng chơi đầu phụ thuộc vào sự góp sức của tất cả các thí sinh. Trong những cuộc thi như vậy, chiến lược giành chiến thắng liên quan đến việc tìm ra sự cân bằng mong manh giữa những nước đi khiến người khác kết luận rằng bạn quá yếu để có thể góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của nhóm và những nước đi tiết lộ bạn quá mạnh khiến thí sinh khác xem bạn là đối thủ tiềm tàng ở vòng chung kết. Những người không giữ được sự cân bằng này và những người lộ vẻ như những “kẻ ăn theo” trong các vòng chơi đầu sẽ không thể trụ lại bởi những người khác sẽ cho rằng họ không thể giúp cho toàn đội giành chiến thắng trong các vòng này. Còn những người tung ra quá nhiều sức và để lộ sức mạnh bản thân quá sớm cũng rất có khả năng bị loại do sự liên minh tạm thời của những người chơi khác.

Cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi ví dụ về ứng dụng của lý thuyết trò chơi cũng thể hiện trong những môn thể thao cạnh tranh. Chẳng hạn, khái niệm “hiểm họa tinh thần” được minh họa bởi xu hướng các vận động viên trong Giải Bóng Chày Nhà Nghề Mỹ dễ bị đập bởi các cú ném bóng hơn là các đồng nghiệp trong Giải Quốc Gia. Trong Giải Nhà Nghề Mỹ, luật chơi không yêu cầu vận động viên ném bóng lần lượt cầm chày. Hệ quả là, các tay ném bóng không quan tâm đến việc bị trả đũa khi họ ném bóng “vào” thay vì ném “cho” cầu thủ đánh bóng. Bất kỳ ai từng xem phát sóng bóng bầu dục trên truyền hình đều đã từng nghe tới câu bình luận hết sức phổ biến của các nhà phân tích “có bản sắc” rằng đội bóng “phải chạy để chuyền bóng” hoặc “phải chuyền bóng để chạy”. Nhiều người không biết rằng những nhà bình luận này cũng đang sử dụng khái niệm “động lực hỗn hợp” của lý thuyết trò chơi khi tường thuật các lối chơi.

Thực hiện những bước đi có thể bị bắt bài trong một trò chơi nhiều người tham gia hầu như không bao giờ là một chiến lược thành công. Nếu đối thủ nắm được xu hướng chơi của bạn thì việc xây dựng phương thức trả đũa là khá dễ dàng. Khi các hậu vệ của đội bóng nhận thấy đội mình chuyền bóng khó khăn, họ sẽ “dồn” các cầu thủ về phía trước vạch để ngăn cản đường chạy của đối phương. Tương tự, khi có động thái hoặc tình huống mở ra cho các tiền đạo vượt lên, các hậu vệ sẽ biết cách điều chỉnh. Khi đó, hành động tốt nhất của tiền đạo trước hết là phải tránh rơi vào những tình huống, chẳng hạn như di chuyển quá xa, khiến tư thế của bạn tiết lộ lối chơi, và trên hết là phải tránh những chiêu quen thuộc có thể bị bắt bài.

Tất cả chúng ta cũng đều tham gia những trò chơi nào đó trong cuộc sống. Do vậy, lý thuyết trò chơi có thể giúp chúng ta hiểu được rất nhiều các hành động thường nhật quen thuộc với mọi người. Thí dụ, trước khi rời sở làm về nhà, bạn có thể lên mạng kiểm tra tình hình giao thông trên quãng đường về. Khi nghe thấy có một tai nạn trên con đường thường đi, bạn bắt đầu vạch ra một chiến lược sử dụng những con đường khác. Những người lái xe khác cùng đi chung đường với bạn cũng lập tức vạch ra các chiến lược của riêng họ. Nếu bạn có thể tiên liệu và tránh các lựa chọn trùng với họ, đường về nhà của bạn sẽ trở nên vô cùng dễ chịu. Nếu mỗi người đều chọn cùng một giải pháp thay thế, hậu quả là bạn cũng sẽ bị mắc kẹt chẳng khác nào những tài xế trên con đường cũ. Từ đây bắt đầu trò chơi tiên đoán suy nghĩ của đối thủ  –  cũng như nỗ lực đồng thời của họ nhằm đoán được ý nghĩ của bạn  –  và mỗi người trong các bạn đều cố gắng “thông minh hơn” người khác.

Những minh họa trên đây cho thấy tính hữu dụng và dễ dàng tiếp cận của chiến lược trò chơi trong việc hiểu rõ quá trình đưa ra quyết định trong các tình huống có nhiều người chơi phụ thuộc lẫn nhau. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi trong tác phẩm này cung cấp cho bạn hiểu biết sâu hơn về những khái niệm căn bản đằng sau lý thuyết trò chơi. Lý thuyết trò chơi mang đến cho bạn nhiều cách nhìn nhận nghề nghiệp của mình, từ đó bạn học được cách tiên liệu hành động của người khác và chiếu theo đó mà lên kế hoạch hành động của bản thân. Yếu tố thứ hai của cuốn sách này là sự chú trọng vào một khả năng cá nhân then chốt – một khái niệm mới mà chúng tôi gọi là sự  nhạy bén nghề nghiệp  .

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI TRONG NGHỀ NGHIỆP

Tại sao chúng tôi lại cho rằng lý thuyết trò chơi sẽ là một công cụ hữu ích cho bạn trong vấn đề nghề nghiệp? Như đã lưu ý ở trên, lý thuyết trò chơi đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người như là một công cụ đắc dụng để phân tích các tình huống kinh doanh. Trong hầu hết các trường hợp, những ứng dụng của lý thuyết trò chơi liên quan tới chiến lược kinh doanh đều tập trung vào các yếu tố như chiến lược định giá, xâm nhập thị trường và hành động chiến lược. Lý thuyết này chưa được ứng dụng thấu đáo trong việc tìm hiểu các quyết định nghề nghiệp mặc dù có một vài con số thống kê đã dẫn tới vấn đề này. Gary Kasparov, người trở thành nhà vô định cờ vua thế giới trẻ tuổi nhất vào năm 1985 và kể từ đó bắt đầu viết sách và hoạt động tích cực trong lĩnh vực chính trị. Gần đây ông xuất bản một cuốn sách có tựa đề  Cuộc Sống Hệt Như Một Ván Cờ: Những Nước Đi Đúng Đắn Từ Bàn Cờ Đến Phòng Giám Đốc  . Như tựa đề cuốn sách đã ngụ ý, Kasparov cảm thấy những bài học ông rút ra khi điều khiển các quân cờ cũng có thể áp dụng trong thế giới kinh doanh. Cũng như đúc kết của Kasparov về đánh cờ, bạn không thể chiến thắng trong sự nghiệp mà không có sự can đảm về thể chất và tâm lý, tính táo bạo và quyết tâm. Kasparov cũng phát biểu về vấn đề nhạy bén với lưu ý rằng để giành chiến trong những ván cờ bạn không những cần có trí tuệ, mà còn cần sự táo bạo cũng như sẵn lòng làm bất kỳ điều gì nhằm uy hiếp đối phương.

Một lý do khác khiến chúng ta cần tìm hiểu sâu về chủ đề này liên quan đến tình trạng khá đình trệ của sách vở viết về quản lý sự nghiệp hiện nay. Cụm từ “lời khuyên nghề nghiệp” cho ra tới gần 14.000 kết quả gợi ý trên trang Amazon.com  [7]  .  Lựa chọn số một là tác phẩm có tựa đề  Kết Đôi Nghề Nghiệp: Kết Nối Bản Thân Bạn Với Điều Bạn Muốn Làm  của Shoya Zichy và Ann Bidou. Bản thân tựa đề có vẻ đã thể hiện rõ tiền đề trung tâm của tác giả. Công cụ tìm kiếm của Amazon gợi ý một tựa đề thứ hai – một tác phẩm hiện diện trên mọi kệ sách có tựa đề  Dù Nhảy Của Bạn Màu Gì?  của Richard Nelson Bolles. Những lời khuyên trong các cuốn sách này giống một cách kinh ngạc với những lời từng được nói năm mươi năm trước. Vào năm 1959, một bài báo trong tờ  Kinh Doanh Quốc Gia  đã đưa ra một lời khuyên nghề nghiệp như sau: xem xét sở thích, khả năng, tính cách cũng như “những vấn đề thực tiễn hằng ngày” của bạn và ghép cái bạn giỏi với điều bạn muốn từ một công việc nào đó  [8]  . Có vẻ như phương pháp nghệ thuật của việc thấu hiểu nguyên lý thành công trong sự nghiệp không có mấy thay đổi. Theo quan điểm của mình, giống như khi John Nash lưu ý rằng quan điểm của Oliver William về quá trình đưa ra quyết định của mỗi cá nhân cần được xem xét lại, chúng tôi cũng cho rằng các tư tưởng về quản lý sự nghiệp cũng cần phải thay đổi. Theo chúng tôi, những phân tích mà lý thuyết trò chơi cung cấp cho các cá nhân về phương pháp quản lý sự nghiệp của mình một cách có chiến lược đã chứa đựng những sửa đổi phù hợp.

Một khi nghề nghiệp được xem như một trò chơi với nhiều người chơi cạnh tranh giành lấy các cơ hội, thì hẳn nhiên câu hỏi tiếp theo sẽ là: làm thế nào để trở thành một người chơi giỏi hơn. Chúng tôi cho rằng vấn đề mấu chốt trong phát triển năng lực cá nhân với tư cách một đấu thủ trong trò chơi sự nghiệp chính là sự nhạy bén nghề nghiệp. Các cá nhân nhạy bén nghề nghiệp có trí thông minh cảm xúc cao, hiểu biết khôn khéo về chính trị, thoải mái đối mặt với những rủi ro và nguy cơ, và từ đó thể hiện mức độ thành công cao mỗi khi chuyển đổi từ vị trí này sang vị trí khác theo thời gian. Những người chơi tuyệt vời thường khiêm tốn và hầu hết đều tối thiểu hóa vai trò của bản thân trong sự thành công. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, lời giải thích phổ biến nhất mà các nhà điều hành thường đưa ra nhằm lý giải cho thành công của họ là họ đã may mắn ở đúng nơi vào đúng thời điểm. Dĩ nhiên, theo những gì triết gia La Mã Seneca đã quan sát từ xa xưa, “may mắn là thứ diễn ra khi sự chuẩn bị gặp gỡ với cơ hội.” Các nhà điều hành nhạy bén nắm được cách hướng  đến  điểm giao nhau giữa sự chuẩn bị sẵn sàng và cơ hội. Một cố gắng có toan tính sẽ có thể dẫn đến việc những người không xứng đáng rơi vào được giao điểm đó, do vậy sẽ là công bằng khi mong muốn rằng hầu hết các cơ hội đến với mỗi người đều bắt nguồn từ năng lực được chứng minh. Những người khác miêu tả sự thăng tiến của mình như là kết quả của sự “nâng đỡ” vô hình từ người chỉ dẫn. Một giám đốc từng nói với chúng tôi: “Một số người không ngừng vạch kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Tôi không biết họ có gien này từ đâu, nhưng có vẻ như họ cứ luôn vạch chiến lược từ lúc cơ hàn cho đến khi trở thành chủ tịch hội đồng quản trị hay CEO.”

Trong phần còn lại của cuốn sách, mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là giúp các bạn hiểu được trò chơi sự nghiệp; mục tiêu thứ hai là giúp bạn phát triển kỹ năng chơi. Các thuật ngữ, khái niệm và công cụ của lý thuyết trò chơi sẽ giúp bạn nhìn nhận sự nghiệp như một trò chơi được đặc trưng bởi những người chơi tương tác, phụ thuộc lẫn nhau và vụ lợi. Trò chơi có các luật lệ riêng; tất cả người chơi đều có động lực và lựa chọn của mình. Mức lương ưng ý, công việc thú vị, cơ hội thăng tiến, và đồng nghiệp cá tính nằm trong số những giải thưởng bù trừ đối kháng thường được người chơi tranh giành. Lý thuyết trò chơi giúp chúng ta định hình trò chơi sự nghiệp – nắm được luật chơi, ranh giới, và các phương thức chiến thắng. Sau đó, sự nhạy bén nghề nghiệp – một đặc trưng mà các cá nhân có thể phát triển – được giải thích như là khả năng then chốt để trở thành người chơi giỏi. Mỗi yếu tố đều cần thiết, nhưng không có cái nào tự thân nó đã là đầy đủ để giành chiến thắng trong trò chơi sự nghiệp.

Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn các khái niệm lý thuyết trò chơi, chúng sẽ nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả bậc nhất của mình trong việc giúp bạn quản lý nghề nghiệp. Tuy nhiên, trước hết bạn sẽ đọc thấy các cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Charlene Begley, Bryan Bell, và Ursula Burns. Charlene Begley là phó chủ tịch cao cấp của General Electric kiêm chủ tịch và CEO của GE Enterprise Solutions. Bà đã có một sự nghiệp lâu dài và thành công tại GE và đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về các chủ đề, bao gồm cách GE lợi dụng quy mô của mình để phát triển nghề nghiệp và cách bạn có thể thu hút người chỉ dẫn đi theo mục tiêu của mình. Tại thời điểm tiến hành cuộc trò chuyện, Bryan Bell đang hoàn thành chương trình Tiến sĩ về công nghệ sinh học và vừa nhận vị trí cố vấn quản lý tại Bain & Company. Bell đã đưa ra một số phân tích thấu đáo về những nước đi nghề nghiệp thuở ban đầu – về các quyết định chọn trường, ngành học và công việc đầu tiên. Bài phỏng vấn cuối cùng trong chương này là với Ursula Burns, CEO của tập đoàn Xerox. Cũng như Charlene Begley, bà đã làm việc rất lâu cho một công ty và đã chia sẻ một vài phân tích về những yếu tố của Xerox đã giúp bà có thể ở lại và phát triển bản thân – cũng như những gì bà đã làm để tiếp tục gặt hái cơ hội. Chia sẻ của các nhân vật trên đã cung cấp những đầu mối hữu hiệu để đánh giá khả năng có thể cống hiến lâu dài cho một nhà tuyển dụng tiềm năng nào đó.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button