Kỹ năng mềm

Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại

Lời giới thiệu

Trong cuốn sách Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại này, Brene Brow sẽ giúp độc giả sẽ được biết đến một quan niệm mới: Tổn thương không phải là điểm yếu và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với nó. Mức độ làm chủ và gắn kết với sự tổn thương của bản thân sẽ quyết định độ sâu của lòng dũng cảm và sự rõ ràng trong mục tiêu của chúng ta.

Nếu dành cả đời để chờ đến khi chúng ta thật hoàn hảo hay bất khả chiến bại rồi mới bước vào trận địa, thì cuối cùng, chúng ta sẽ để vuột mất các mối quan hệ và những cơ hội có một không hai, chúng ta hoang phí thời gian quý giá và quay lưng lại với những tài năng mà trời phú cho chúng ta, những đóng góp mà chỉ chúng ta mới có thể tạo ra.

Hoàn hảo và bất khả chiến bại đều là những điều rất hấp dẫn nhưng chúng không thực sự tồn tại trong cuộc sống của con người. Chúng ta đều phải can đảm, vững bước đương đầu với khó khăn, dù đó là một mối quan hệ mới, một cuộc họp quan trọng, quá trình sáng tạo của bản thân, hay một cuộc trò chuyện khó khăn với người thân. Đừng đứng ngoài cuộc để đánh giá hay khuyên răn, chúng ta phải dám lộ diện và để người khác nhìn thấy mình. Đó là sự liều lĩnh vĩ đại dám dấn thân dù phải đối mặt tổn thương.

Và với cuốn sách thú vị Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại, tác giả sẽ cùng độc giả khám phá câu trả lời cho những câu hỏi sau:

• Thứ gì điều khiến nỗi sợ hãi bị tổn thương của chúng ta?

• Làm sao để bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương?

• Cái giá phải trả khi ta nhắm mắt và bỏ cuộc là gì?

• Làm sao để làm chủ và gắn kết với sự tổn thương, để từ đó ta bắt đầu thay đổi cách sống, cách yêu thương, cách làm cha mẹ và lãnh đạo?

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Cụm từ Sự liều lĩnh vĩ đại bắt nguồn từ bài diễn thuyết “Công dân trong nền Cộng hòa” của Theodore Roosevelt. Bài diễn thuyết, đôi khi được gọi bằng cái tên Người lính trên trận địa, được phát biểu tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp, vào ngày 23 tháng 4 năm 1910. Đoạn trích dưới đây đã khiến bài diễn thuyết trở nên nổi tiếng:

“Chẳng ai thèm đếm xỉa đến những kẻ chỉ trích; cũng như những kẻ chực chờ chứng minh kẻ mạnh cũng có lúc vấp ngã hoặc có những chiến công có thể lừng lẫy hơn.

Sự ghi công thuộc về người thực sự đứng trên trận địa, với bộ mặt trầy xước vì khói bụi, mồ hôi và máu; người gắng gỏi gồng mình, người mắc sai lầm, người mà hết lần này đến lần khác suýt chạm tay vào chiến thắng, bởi không có ai nỗ lực mà không mắc sai lầm hay vấp váp; nhưng đó mới là người thực sự gắng sức làm điều gì đó; người biết thế nào là nhiệt huyết cháy bỏng, hy sinh một cách vĩ đại; không từ nan vì một lý do xứng đáng; người mà trong trường hợp tốt nhất, cuối cùng cũng sẽ chạm tay được vào ánh hào quang của chiến công hiển hách và trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu thất bại, thì chí ít họ cũng thất bại khi đang liều lĩnh một cách vĩ đại…”

Lần đầu tiên đọc được đoạn trích này, tôi đã nghĩ. Đây chính là sự tổn thương. Tất cả những gì ta học được sau hàng thập kỷ nghiên cứu về sự tổn thương dạy ta chính xác bài học này. Tổn thương không phải là biết đến chiến thắng hay nếm mùi thất bại, mà là hiểu được sự cần thiết của cả hai; nó chính là sự dấn bước. Tổn thương không phải là điểm yếu và chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với những bất an, rủi ro và phơi bày cảm xúc hằng ngày. Lựa chọn duy nhất mà ta có được là câu hỏi về sự gắn kết. Mức độ sẵn sàng làm chủ và gắn kết với sự tổn thương của bản thân sẽ quyết định độ sâu của lòng dũng cảm và sự rõ ràng trong mục tiêu của chúng ta; cấp độ mà tại đó, chúng ta tự bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương chính là thước đo nỗi sợ hãi và sự mất kết nối của chính mình.

Nếu dành cả đời để chờ đến khi chúng ta thật hoàn hảo hay bất khả chiến bại rồi mới bước vào trận địa, thì cuối cùng, chúng ta sẽ để vuột mất các mối quan hệ và những cơ hội có một không hai, chúng ta hoang phí thời gian quý giá và quay lưng lại với những tài năng mà trời phú cho chúng ta, những đóng góp mà chỉ chúng ta mới có thể tạo ra.

Hoàn hảo và bất khả chiến bại đều là những điều rất hấp dẫn nhưng chúng không thực sự tồn tại trong cuộc sống của con người. Chúng ta đều phải can đảm, vững bước đương đầu với khó khăn, dù đó là một mối quan hệ mới, một cuộc họp quan trọng, quá trình sáng tạo của bản thân, hay một cuộc trò chuyện khó khăn với người thân. Đừng đứng ngoài cuộc để đánh giá hay khuyên răn, chúng ta phải dám lộ diện và để người khác nhìn thấy mình. Đó là sự tổn thương. Đó là sự liều lĩnh vĩ đại.

Hãy cùng tôi khám phá câu trả lời cho những câu hỏi sau:

Thứ gì điều khiển nỗi sợ bị tổn thương của chúng ta?

Làm sao để bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương?

Cái giá phải trả khi ta nhắm mắt và bỏ cuộc là gì?

Làm sao để làm chủ và gắn kết với sự tổn thương để từ đó ta bắt đầu thay đổi cách sống, cách yêu thương, cách làm cha mẹ và lãnh đạo?

Mở đầu. NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA TÔI TRÊN TRẬN ĐỊA

Tôi nhìn thẳng vào bà và nói, “Tôi ghét cay ghét đắng việc bị tổn thương”. Trong hình dung của tôi, bà là một nhà trị liệu – tôi chắc chắn bà đã từng gặp những ca phức tạp hơn. Hơn nữa, nếu bà càng sớm biết mình đang phải đối phó với điều gì, chúng tôi càng nhanh chóng kết thúc được quá trình điều trị này. “Tôi ghét sự bất an. Tôi ghét việc mình không biết một điều gì đó. Tôi không chịu nổi việc mở lòng để rồi bị đau đớn hay thất vọng. Tổn thương thật phức tạp và thật đau đớn. Bà hiểu ý tôi chứ?”

Diana gật gù. “Tổn thương là một xúc cảm tinh tế.” Rồi bà ngước lên và thoáng mỉm cười, như thể bà đang vẽ ra một điều gì đó đẹp đẽ. Tôi khá bối rối bởi khó lòng tưởng tượng nổi bà đang hình dung ra điều gì. Bất chợt tôi thấy lo lắng cho sức khỏe của cả bà và tôi.

“Đó là cảm giác đau khổ, chứ không phải tinh tế,” tôi nhắc lại. “Nếu nghiên cứu của tôi không liên hệ gì giữa việc bị tổn thương với việc sống một cuộc đời Toàn Tâm, tôi đã chẳng ở đây. Tôi ghét cảm giác này.”

“Cảm giác đó như thế nào?”

“Như thể tôi thoát khỏi thân xác mình. Kiểu như tôi cần sửa chữa mọi thứ đang diễn ra để chúng tốt hơn.”

“Khi nào thì chị cảm thấy bị tổn thương nhất?”

“Khi tôi sợ hãi.” Tôi ngước nhìn khi Diana đáp lại bằng cách ngừng trong giây lát rồi lại gật gù theo kiểu của các bác sĩ tâm lý khi họ muốn người đối diện tiếp tục chia sẻ. “Khi tôi căng thẳng và không chắc mọi việc sẽ diễn tiến ra sao, khi tôi có một cuộc tranh luận gay gắt, khi tôi thử một thứ gì mới hoặc một việc khiến tôi cảm thấy không thoải mái, hoặc khi tôi phải chịu những lời chỉ trích và phán xét. Khi nghĩ đến tình yêu mà tôi dành cho lũ trẻ và cho chồng tôi, và nghĩ cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu có điều gì không hay xảy ra với họ. Khi nhìn thấy những người mà tôi quan tâm phải sống một cách chật vật mà tôi không thể giúp đỡ. Tất cả những gì tôi có thể làm là ở bên cạnh họ.”

“Tôi hiểu.”

“Tôi còn cảm thấy bị tổn thương ngay cả khi mọi việc đang vô cùng tốt đẹp. Tôi thực sự muốn nghĩ đó là một cảm xúc tinh tế, nhưng ngay lúc này, tôi chỉ cảm thấy đau khổ. Liệu con người có thể thay đổi được điều đó?”

“Có, tôi tin là họ có thể.”

“Chị có thể cho tôi bài tập về nhà hay cái gì đại loại như vậy? Tôi có nên xem lại dữ liệu không?”

“Tôi sẽ không đưa cho chị dữ liệu hay bài tập nào cả. Cũng không có bài kiểm tra hay điểm số nào hết. Chị hãy bớt cả nghĩ và cảm nhận nhiều hơn.”

“Liệu tôi có thể cảm nhận sự tinh tế mà không thực sự bị tổn thương không?”

“Không.”

“Quỷ tha ma bắt.”

Nếu bạn chưa từng biết gì về tôi qua những cuốn sách khác của tôi, trang blog cá nhân hay các video trên website TED, thì hãy để tôi tóm tắt đôi dòng về bản thân. Là thế hệ thứ năm trong một gia đình sinh trưởng ở Texas, phương châm sống của gia đình tôi là “ruột-không-để-ngoài-da”, vì thế tôi ghét cay ghét đắng sự bất an và bộc lộ cảm xúc một cách thành thực (và bản năng). Ở trường trung học, khi chúng tôi bắt đầu phải đương đầu với những tổn thương, tôi lại xây dựng và mài giũa những kỹ năng tránh thương tổn cho bản thân.

Qua thời gian, tôi thử đủ thứ, từ làm “cô gái ngoan” với thói quen “hài hòa – hoàn hảo – hài lòng”, đến trở thành thi sĩ nổi loạn, từ nhân viên tham vọng, cho đến cô nàng tiệc tùng vô độ. Thoạt đầu, dường như tất cả đều hợp lý, nếu không muốn nói là dễ đoán, khi trải qua các giai đoạn phát triển như vậy, nhưng với tôi, có một điều gì đó còn hơn thế. Mỗi một giai đoạn tôi đều mặc cho mình một bộ giáp sắt khác nhau, để giữ cho bản thân không dấn thân quá sâu và dễ bị tổn thương. Mỗi chiến lược được xây dựng đều có chung một tôn chỉ: Giữ khoảng cách an toàn đối với mọi người và luôn dự phòng phương án rút lui.

Bên cạnh nỗi sợ bị tổn thương, tôi cũng được thừa hưởng từ gia đình một trái tim giàu tình thương và sẵn lòng cảm thông. Khi gần 30 tuổi, tôi từ bỏ vị trí quản lý ở tập đoàn AT&T, làm bồi bàn và đứng quầy bar, rồi trở lại trường học để trở thành một nhà công tác xã hội. Cũng như rất nhiều người lựa chọn theo đuổi công việc công tác xã hội, tôi thích ý tưởng cải thiện con người và hệ thống. Tuy nhiên, sau khi nhận bằng cử nhân (ngành Công tác Xã hội – BSW) và hoàn thành khóa học cao học (Thạc sĩ Công tác Xã hội – MSW), tôi nhận ra rằng công tác xã hội không liên quan gì đến việc thay đổi. Nó đã là và chỉ là sự thích nghi hoàn cảnh và “dấn thân vào cuộc sống”. Hoạt động xã hội hoàn toàn là sự dấn thân vào những khó khăn, tối tăm và bất ổn, từ đó mở ra một không gian cảm thông, để ai cũng có thể tìm thấy cho mình một con đường. Nói một cách ngắn gọn, nó rất hỗn loạn.

Trong quá trình vật lộn để định hình ý tưởng xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực công tác xã hội sao cho khả thi, tôi chú ý đến tuyên bố của một trong số các giáo sư hướng dẫn nghiên cứu của mình: “Cái gì không thể đo lường được, thì cái đó không tồn tại”. Ông giải thích rằng, không giống như những môn học khác trong chương trình, nghiên cứu hoàn toàn là công việc về dự đoán và kiểm soát. Tôi đã bị choáng. Nghĩa là thay vì gắn kết và duy trì, tôi sẽ dành toàn bộ sự nghiệp của mình để phán đoán và kiểm soát ư? Tôi đã tìm ra sứ mệnh của đời mình.

Điều chắc chắn nhất mà tôi học được từ quá trình theo đuổi chương trình cử nhân, thạc sĩ và rồi tiến sĩ chính là đây: Kết nối chính là lý do khiến chúng ta có mặt ở đây. Con người có bản năng kết nối với những người khác, nó mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta. Nếu thiếu vắng sự kết nối, thế giới này sẽ chỉ còn lại sự đau đớn. Tôi muốn phát triển nghiên cứu để giải thích kết cấu của kết nối.

Nghiên cứu về kết nối nghe có vẻ là một ý tưởng đơn giản, nhưng trước khi biết tới nó, tôi đã nhen nhóm ý tưởng này nhờ hai người tham gia vào nghiên cứu của mình, những người khi được đề nghị kể về những mối quan hệ quan trọng của mình, cũng như các trải nghiệm liên quan đến kết nối, họ chỉ kể những chuyện thất tình, phản trắc và tủi hổ – nỗi sợ hãi không xứng đáng là kết nối thật sự. Loài người có xu hướng định nghĩa mọi thứ bằng một cách sai lệch. Điều này đặc biệt đúng đối với những trải nghiệm cảm xúc.

Sau đó, tôi tình cờ trở thành một nhà nghiên cứu về sự hổ thẹn và cảm thông, dành 6 năm để phát triển một giả thuyết giải thích hiện tượng hổ thẹn và cơ chế hoạt động của nó, cũng như chúng ta đã học cách nuôi dưỡng sự can đảm khi phải đối mặt với suy nghĩ rằng chúng ta không đủ – không đủ xứng đáng để được yêu thương và được che chở ra sao. Đến năm 2006, tôi tiếp tục nhận ra để hiểu kỹ hơn về cảm giác hổ thẹn, tôi buộc phải hiểu được mặt còn lại của vấn đề: “Những người thích ứng tốt nhất với sự hổ thẹn, những người tin tưởng vào giá trị xứng đáng của bản thân – tôi gọi họ là những người Toàn Tâm (Wholehearted) – có những điểm chung gì?”

Tôi đã chờ đợi câu trả lời: “Họ đều là những nhà nghiên cứu về sự hổ thẹn. Để trở thành những người Toàn Tâm, bạn sẽ phải am hiểu về hổ thẹn.” Nhưng tôi đã nhầm. Thấu hiểu về sự hổ thẹn chỉ là một phần làm nên sự Toàn Tâm, một cách gắn kết với thế giới từ góc độ giá trị. Trong The gifts of imperfection (tạm dịch: Món quà của sự bất toàn), tôi đã định nghĩa 10 “tín hiệu” mà những người Toàn Tâm cần cù nuôi dưỡng và nỗ lực để biết bỏ qua những điều sau đây:

  1. Nuôi dưỡng sự Xác tín: Bỏ qua những gì người khác nghĩ
  2. Nuôi dưỡng tình Yêu thương Bản thân: Bỏ qua sự hoàn hảo
  3. Nuôi dưỡng Tinh thần Thích ứng: Bỏ qua kiểu phớt lờ và bất lực
  4. Nuôi dưỡng Ơn huệ và Niềm vui: Bỏ qua sai lầm và nỗi sợ bóng tối
  5. Nuôi dưỡng Trực giác và Tin tưởng vào Công bằng: Bỏ qua nhu cầu về sự chắc chắn
  6. Nuôi dưỡng sự Sáng tạo: Bỏ qua sự so sánh
  7. Nuôi dưỡng Vui chơi và Nghỉ ngơi: Bỏ qua sự kiệt quệ bằng trạng thái điển hình và hiệu quả như là giá trị của bản thân
  8. Nuôi dưỡng sự Bình yên và Tĩnh lặng: Bỏ qua lo lắng bằng phong cách sống
  9. Nuôi dưỡng Ý nghĩa Công việc: Bỏ qua sự nghi ngờ bản thân và suy nghĩ “Đáng lẽ ra…”
  10. Nuôi dưỡng Nụ cười, Bản nhạc, Điệu nhảy: Bỏ qua việc phải tỏ ra sành điệu và “Luôn trong tầm kiểm soát”

Khi phân tích dữ liệu, tôi nhận ra rằng mình chỉ đạt được hai trong tổng số 10 tiêu chí để biến cuộc sống cá nhân trở thành cuộc sống Toàn Tâm. Đối với cá nhân tôi, phát hiện này thực sự kinh khủng. Điều này xảy ra vài tuần trước sinh nhật lần thứ 41 của tôi và nó đã làm sáng tỏ phần đời còn lại của tôi. Hóa ra, việc giải quyết các vấn đề này một cách khoa học không giống như sống và yêu bằng cả trái tim.

Tôi đã viết khá chi tiết trong cuốn sách Món quà của sự bất toàn về ý nghĩa của một người Toàn Tâm và về sự thức tỉnh tinh thần sau khi nhận ra điều này. Những gì tôi muốn làm ở đây là chia sẻ định nghĩa về cuộc sống Toàn Tâm và 5 chủ đề quan trọng nhất nổi lên từ những dữ liệu mà tôi thu thập được, mà nhờ đó, dẫn tôi đến với những ý tưởng táo bạo được chia sẻ trong cuốn sách này. Nó sẽ gợi ý cho bạn về những gì bạn sẽ đọc tiếp theo:

Sống Toàn Tâm là liều lĩnh dấn thân vào cuộc đời với tâm niệm rằng ta xứng đáng. Nghĩa là nuôi dưỡng lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự kết nối, để mỗi sáng thức dậy với suy nghĩ, Dù hôm nay mình làm được bao nhiêu việc và còn rất nhiều việc chưa hoàn thành, mình vẫn cảm thấy đủ. Và mỗi tối khi lên giường, ta nghĩ, Phải, mình không hoàn hảo và dễ tổn thương, đôi khi mình sợ hãi, nhưng điều đó không thay đổi sự thật là mình cũng can đảm và xứng đáng được yêu thương, che chở.

Định nghĩa này được xây dựng dựa trên những ý tưởng cơ bản sau:

  1. Yêu thương và ràng buộc là nhu cầu không thể chối bỏ của tất cả mọi người. Bản năng của chúng ta là tìm kiếm sự kết nối – nó là mục đích và ý nghĩa của cuộc sống này. Kết cục của việc thiếu đi tình yêu thương, nơi thuộc về và sự kết nối sẽ luôn là sự đau đớn.
  2. Nếu muốn phân chia rạch ròi những người mà tôi đã phỏng vấn thành hai nhóm – nhóm những người cảm nhận sâu sắc về tình yêu và nơi mình thuộc về; và nhóm người đang loay hoay tìm kiếm – bạn sẽ chỉ có một tiêu chí để phân định hai nhóm này. Đó là những người cảm thấy đáng được yêu, biết yêu thương và trải nghiệm cảm giác thuộc về ai đó đơn giản chỉ bởi họ có niềm tin là họ xứng đáng được nhận những điều ấy. Họ không cần phải có cuộc sống sung túc hay dễ dàng hơn. Họ cũng gặp rắc rối và cũng đã từng tuyệt vọng, vỡ nợ, ly hôn, nhưng họ tôi luyện được những kỹ năng cho phép họ giữ vững niềm tin rằng, họ xứng đáng được yêu thương, có một nơi để thuộc về, thậm chí là tận hưởng niềm vui.
  3. Niềm tin mạnh mẽ vào giá trị của bản thân không phải tự dưng mà có – nó được nuôi dưỡng mỗi ngày nhờ luyện tập, khi ta thấu hiểu rằng mỗi tín hiệu là một lựa chọn của chính mình.
  4. Mối bận tâm chính của những người Toàn Tâm, dù họ là đàn ông hay phụ nữ, là sống một cuộc đời được xây dựng bằng lòng can đảm, tình yêu thương và sự kết nối.
  5. Những người Toàn Tâm coi tổn thương như một chất kích thích sự can đảm, lòng yêu thương và sự kết nối. Trên thực tế, việc sẵn lòng đón nhận tổn thương là phẩm chất, duy nhất xuất hiện ở tất cả những người mà tôi gọi là người Toàn Tâm. Họ ghi nhận những gì họ đạt được – từ thành công trong sự nghiệp, hôn nhân đến những khoảnh khắc làm cha mẹ đáng tự hào nhất – đều là kết quả của khả năng chấp nhận tổn thương.

Tôi đã viết về sự tổn thương trong những cuốn sách trước của mình; thực tế, tôi dành hẳn một chương về đề tài này trong luận văn của mình. Ngay từ những ngày đầu tiên nghiên cứu, việc chấp nhận tổn thương đã nổi lên như một đề mục quan trọng. Tôi cũng thấu hiểu mối quan hệ giữa tổn thương và các loại cảm giác khác mà tôi đã nghiên cứu. Nhưng trong những cuốn sách trước, tôi giả định rằng các mối quan hệ giữa tổn thương và những loại cảm xúc khác như sự hổ thẹn, giá trị xứng đáng chỉ là ngẫu nhiên. Chỉ sau 12 năm đào sâu nghiên cứu đề tài này, cuối cùng tôi đã hiểu được vai trò của tổn thương trong cuộc sống của chúng ta. Tổn thương là tâm điểm, là trung tâm của mọi trải nghiệm mang ý nghĩa.

Điều này đã khiến tôi khó xử. Một mặt, làm sao bạn có thể nói về tầm quan trọng của việc bị tổn thương một cách trung thực và đầy đủ ý nghĩa mà không để bị tổn thương? Mặt khác, với tư cách một nhà nghiên cứu, làm sao bạn có thể bị tổn thương mà không hy sinh sự riêng tư cá nhân? Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng việc phơi bày xúc cảm tạo ra sự xấu hổ cho các nhà nghiên cứu và các học giả. Ngay từ những ngày đầu vào nghề, chúng tôi đã được dạy rằng lạnh lùng và xa cách sẽ tạo nên uy thế. Nếu bạn quá cởi mở, người ta sẽ đặt câu hỏi về uy tín của bạn. Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, bị người đời nhận xét là tự cao thường hàm nghĩa chê trách, nhưng trên tháp ngà, chúng tôi được dạy rằng tự cao tự đại đồng nghĩa với việc mặc áo giáp sắt bảo vệ.

Làm sao tôi dám mạo hiểm để bị tổn thương và kể những câu chuyện về hành trình rối rắm của mình trong quá trình nghiên cứu mà không bị đánh giá là mong manh dễ vỡ? Thế vậy còn bộ giáp sắt nghề nghiệp của tôi thì sao?

Giây phút “liều lĩnh vĩ đại” mà Theodore Roosevelt, từng thúc giục người khác, đã tới với tôi vào tháng Sáu năm 2010, khi tôi được mời tới nói chuyện tại TEDxHouston(1). Các nhà tổ chức TED và TEDx cùng mời đến “những nhà tư tưởng và những nhân vật đáng kinh ngạc nhất thế giới” và thử thách đặt ra cho họ là trình bày một bài nói chuyện về cuộc đời mình trong thời gian tối đa là 18 phút.

Đúng thực là các giám tuyển của TEDxHouston không giống bất cứ các nhà tổ chức sự kiện nào mà tôi từng biết. Hầu hết các nhà tổ chức khi mời một nhà nghiên cứu về hổ thẹn-và-tổn thương đến nói chuyện, họ thường có đôi chút căng thẳng và điều này thúc ép một vài người trong số họ đòi được xem trước đề cương hay dàn ý của bài nói chuyện. Khi tôi hỏi những người ở TEDx muốn tôi nói về điều gì, họ trả lời: “Chúng tôi yêu công việc hiện tại của chị. Hãy nói về bất cứ điều gì chị cảm thấy thú vị – hãy cứ làm việc của mình. Chúng tôi rất vui lòng được dành thời gian chia sẻ cùng chị.” Thực tình, tôi không chắc lý do họ quyết định để tôi cứ làm việc của mình, bởi trước đó, tôi còn không thực sự ý thức được mình đang nắm trong tay điều gì.

Tôi vừa thích lại vừa không thích sự tự do trong lời mời này. Tôi cảm thấy căng thẳng và cân nhắc giữa việc dấn thân vào một tình thế không thoải mái hay tìm nơi ẩn náu ở sự lường trước và kiểm soát – những “người bạn cũ” của tôi. Cuối cùng, tôi quyết định dấn bước. Thành thực là, tôi còn không biết mình dấn thân vào cái gì nữa.

Quyết định liều lĩnh mạo hiểm của tôi không bắt nguồn từ sự tự tin hay niềm tin với nghiên cứu của mình. Tôi cũng biết mình không phải là một nhà nghiên cứu xoàng, và tôi tin những kết luận mà tôi đề xuất là xác thực và đáng tin cậy. Tổn thương có thể dẫn tôi đi tới bất cứ nơi nào tôi muốn hoặc bất cứ nơi nào tôi cần phải đến. Tôi cũng tự thuyết phục bản thân rằng cũng chẳng có vấn đề gì to tát: Chỉ là Houston thôi mà. Trong trường hợp xấu nhất, thì cũng chỉ có 500 khán giả cộng thêm một số người xem truyền trực tiếp nghĩ mình “đầu đất” mà thôi.

Buổi sáng hôm sau buổi nói chuyện, tôi tỉnh dậy với tàn dư của cảm giác bị tổn thương tệ nhất trong đời. Bạn hãy thử tưởng tượng khi bạn thức dậy và cảm thấy mọi thứ đều ổn, rồi đột nhiên ký ức ùa về, tuôn chảy khắp cơ thể và bạn chỉ muốn vùi mình trong chăn. Mình đã làm gì thế này? 500 người đã thực sự nghĩ mình bị điên, điều này thật kinh khủng. Mình đã quên không nhắc đến hai ý quan trọng. Hình như có một slide mình viết từ suy sụp nhằm củng cố cho câu chuyện, nhưng đáng ra mình không nên cho từ này lên đầu. Mình phải rời khỏi thành phố này ngay.

Nhưng không có chỗ nào để trốn chạy. 6 tháng sau buổi nói chuyện, tôi nhận được một e-mail chúc mừng từ các giám tuyển của TEDxHouston vì bài nói chuyện của tôi được chọn đăng trên trang web chính thức của TED. Tôi biết đó là một tín hiệu tốt, một sự khích lệ, nhưng tôi vẫn vô cùng lo sợ. Đầu tiên, tôi đã chắc mẩm “chỉ có” 500 người nghĩ tôi bị điên. Thứ hai, trong nền văn hóa đầy rẫy chỉ trích và giễu cợt, tôi luôn nghĩ rằng sự nghiệp của tôi sẽ an toàn hơn nếu ẩn nấp dưới tầm ngắm của dư luận. Khi nhớ lại, tôi không chắc liệu mình có nên trả lời e-mail rằng việc một đoạn video nói về sự tổn thương và tầm quan trọng của việc bộc lộ bản thân khiến tôi cảm thấy bị tổn thương và bị bóc mẽ.

Ngày nay, bài nói chuyện đó đã trở thành một trong những video được xem nhiều nhất trên TED.com, với hơn 5 triệu lượt truy cập và được dịch ra hơn 38 thứ tiếng. Tôi chưa bao giờ xem lại nó. Tôi mừng là mình đã thực hiện nó, nhưng nó vẫn khiến tôi cảm thấy thực sự không thoải mái.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button