Kỹ năng mềm

Sáng tạo: Khơi nguồn sức mạnh bên trong

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Osho

Download sách Sáng tạo: Khơi nguồn sức mạnh bên trong ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng PDF               Download

Định dạng PRC               Download

Định dạng EPUB            Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Sáng tạo là nổi dậy vĩ đại nhất trong sự tồn tại. Nếu bạn muốn sáng tạo bạn phải gạt bỏ mọi ước định; bằng không sáng tạo của bạn sẽ chẳng là gì ngoài việc sao chép, nó sẽ chỉ là bản sao thôi. Bạn có thể có tính sáng tạo chỉ nếu bạn là một cá nhân, bạn không thể sáng tạo như một phần của tâm lí đám đông. Tâm lí đám đông là phi sáng tạo; nó sống cuộc sống lê lết, nó không biết điệu vũ, không bài ca, không niềm vui; nó mang tính máy móc.

Người sáng tạo không thể đi theo con đường nhiều người lui tới. Người đó phải tìm ra con đường riêng của mình, người đó phải truy tìm trong rừng rậm cuộc đời. Người đó phải đi một mình; người đó phải là người rời bỏ khỏi tâm trí đám đông, khỏi tâm trí tập thể. Tâm trí tập thể là tâm trí thấp nhất trên thế giới – ngay cả cái gọi là những kẻ ngốc cũng còn cao siêu hơn tính ngu si tập thể. Nhưng tính tập thể có cách hối lộ riêng của nó: nó kính trọng mọi người, tôn vinh mọi người nếu họ cứ nhất quyết rằng con đường của tâm trí tập thể là con đường đúng duy nhất.

Trích dẫn :

 

Chính do sự cần thiết vô cùng mà trong quá khứ, mọi người sáng tạo thuộc đủ mọi loại – hoạ sĩ, vũ công, nhạc sĩ, nhà điêu khắc – phải từ bỏ sự kính trọng. Họ phải sống một loại cuộc sống không theo khuôn phép xã hội, cuộc sống của kẻ lang thang; đó là khả năng duy nhất cho họ có tính sáng tạo. Điều này không nên như vậy nữa trong tương lai. Nếu bạn hiểu tôi, nếu bạn cảm thấy điều tôi đang nói có chân lí trong đó, thế thì trong tương lai mọi người nên sống một cách cá nhân và sẽ không có nhu cầu về cuộc sống không theo khuôn phép xã hội. Cuộc sống không theo khuôn phép xã hội là sản phẩm phụ của cuộc sống cố định, chính thống, qui ước, đứng đắn.

Nỗ lực của tôi là phá huỷ tâm trí tập thể và làm cho từng cá nhân được tự do là chính bản thân mình. Thế thì không có vấn đề gì; thế thì bạn có thể sống tuỳ ý bạn muốn sống. Thực tế, nhân loại sẽ chỉ thực sự được sinh ra vào ngày cá nhân được kính trọng trong sự nổi dậy của mình. Nhân loại vẫn còn chưa được sinh ra, nó vẫn còn trong bụng mẹ. Điều bạn thấy như nhân loại chỉ là hiện tượng rất mánh khoé. Chừng nào chúng ta còn chưa đem tự do cá nhân tới cho từng người, tuyệt đối tự do cho từng người là chính bản thân mình, được tồn tại theo cách riêng của người đó… Và, tất nhiên, người đó cũng phải không can thiệp vào bất kì ai – đó là một phần của tự do. Không ai được can thiệp vào bất kì ai.

Nhưng trong quá khứ mọi người đều chõ mũi vào việc của mọi người khác – ngay cả vào những điều tuyệt đối riêng tư, chẳng có liên quan gì tới xã hội cả. Chẳng hạn, bạn yêu một người đàn bà – cái gì có đó mà dính tới xã hội? Đó thuần tuý là hiện tượng cá nhân, đó không phải là chuyện của bãi chợ. Nếu hai người đồng ý gần gũi nhau trong tình yêu, xã hội không nên bước vào đó. Nhưng xã hội vẫn bước vào nó với đủ mọi trang bị, theo cách trực tiếp, theo cách gián tiếp. Cảnh sát sẽ đứng giữa những người yêu, quan toà sẽ đứng giữa những người yêu. Và nếu điều đó mà không đủ thì xã hội tạo ra một siêu cảnh sát, Thượng đế, người sẽ chăm nom bạn.

Ý tưởng về Thượng đế là ý tưởng về người chuyên nhìn lén, thậm chí không cho phép bạn được riêng tư trong buồng tắm, người cứ nhìn qua lỗ khoá, quan sát điều bạn đang làm. Điều này là xấu! Tất cả các tôn giáo của thế giới đều nói Thượng đế liên tục quan sát bạn – điều này là xấu, đây là cái loại Thượng đế gì vậy? Chẳng lẽ ông ấy không có việc gì khác ngoài việc quan sát mọi người, theo dõi mọi người sao? Dường như là do thám tối thượng!

Nhân loại cần mảnh đất mới – mảnh đất của tự do. Chủ nghĩa không khuôn phép xã hội là một phản ứng, một phản ứng cần thiết, nhưng nếu tầm nhìn của tôi thành công, sẽ không có chủ nghĩa không khuôn phép nữa bởi vì sẽ không có cái gọi là tâm trí tập thể cố gắng chi phối mọi người. Thế thì mọi người sẽ thấy thoải mái với chính mình. Tất nhiên, bạn phải không can thiệp vào bất kì ai – nhưng khi có liên quan tới cuộc sống của mình, bạn phải sống nó theo cách riêng của mình.

Chỉ thế thì mới có sáng tạo. Sáng tạo là hương thơm của tự do cá nhân.

Người sáng tạo là người có sáng suốt, người có thể thấy những điều mà không ai đã từng thấy trước đây, người có thể nghe những điều mà không ai đã từng nghe trước đây – thế thì có sáng tạo.

***

ĐỌC THỬ

Chuẩn bị vải vẽ

***

Một khi bệnh tật biến mất, mọi người đều trở thành người sáng tạo. Để điều đó được hiểu sâu sắc nhất có thể được: chỉ người ốm yếu mới mang tính huỷ hoại. Người mạnh khoẻ có tính sáng tạo. Tính sáng tạo là một loại hương thơm của mạnh khoẻ thực. Khi một người thực sự mạnh khoẻ và toàn thể, tính sáng tạo tới người đó một cách tự nhiên, niềm thôi thúc sáng tạo phát sinh.

Ba chữ C

Nhân loại bây giờ đã đi tới ngã tư đường. Chúng ta đã sống theo con người một chiều, chúng ta đã vét cạn nó. Bây giờ chúng ta cần con người giàu có hơn, ba chiều. Tôi gọi họ là ba C, cũng như ba R. C thứ nhất là tâm thức (consciousness), C thứ hai là từ bi (compassion), C thứ ba là sáng tạo (creativity).

Tâm thức là hiện hữu, từ bi là tình cảm, sáng tạo là hành động. Tầm nhìn của tôi về con người mới phải là cả ba điều này đồng thời. Tôi đang trao cho bạn thách thức lớn lao nhất đã từng được trao, nhiệm vụ khó khăn nhất cần được hoàn thành. Bạn phải mang tính thiền như Phật, đáng yêu như Krishna, sáng tạo như Michelangelo, Leonardo da Vinci. Bạn phải là tất cả những người đó cộng lại, đồng thời. Chỉ thế thì tính toàn bộ của bạn mới được hoàn thành; bằng không cái gì đó sẽ vẫn còn bị thiếu trong bạn. Và cái mà thiếu trong bạn sẽ làm bạn thiên lệch, không hoàn thành. Bạn có thể đạt tới chính đỉnh cao nếu bạn một chiều, nhưng bạn sẽ chỉ là một đỉnh cao thôi. Tôi muốn bạn trở thành toàn thể rặng Himalaya, không chỉ một đỉnh mà hết đỉnh nọ tới đỉnh kia.

Con người một chiều đã thất bại. Nó đã không có khả năng tạo ra một trái đất đẹp, nó đã không có khả năng tạo ra thiên đường trên trái đất. Nó đã thất bại, hoàn toàn thất bại! Nó đã tạo ra vài người tuyệt vời nhưng nó đã không thể biến đổi được cả nhân loại, nó đã không thể nâng tâm thức của toàn thể nhân loại lên. Chỉ vài cá nhân đây đó mới trở nên chứng ngộ. Điều đó sẽ không ích gì thêm nữa. Chúng ta cần nhiều người chứng ngộ, và được chứng ngộ theo con đường ba chiều.

Đó là định nghĩa của tôi về con người mới.

Phật không phải là nhà thơ – nhưng nhân loại mới, những người sẽ trở thành phật bây giờ, sẽ là các nhà thơ. Khi tôi nói “nhà thơ” tôi không ngụ ý rằng bạn phải viết thơ – mà bạn phải mang tính thơ ca. Cuộc sống của bạn phải mang tính thơ ca, cách tiếp cận của bạn phải mang tính thơ ca.

Logic khô khan, thơ ca sống động. Logic không thể nhảy múa được; nhảy múa là không thể được cho logic. Nhìn logic nhảy múa sẽ giống như Mahatma Gandhi nhảy múa! Điều đó trông sẽ rất buồn cười. Thơ ca có thể nhảy múa; thơ ca là điệu vũ của trái tim bạn. Logic không thể yêu được – nó có thể nói về tình yêu nhưng nó lại không thể yêu; tình yêu dường như phi logic. Chỉ thơ ca mới có thể yêu, chỉ thơ ca mới có thể lấy bước nhảy vào trong ngược đời của tình yêu.

Logic lạnh lẽo, rất lạnh; nó là tốt khi có liên quan tới toán học nhưng nó lại không tốt khi có liên quan tới nhân loại. Nếu nhân loại trở nên quá logic thế thì nhân loại biến mất; thế thì chỉ có các con số, không có con người – các con số thay thế được.

Thơ ca, tình yêu và cảm động cho bạn chiều sâu, sự nồng ấm Bạn trở nên nhân bản nhiều hơn. Phật là siêu nhân, về điều đó không có hoài nghi, nhưng ông ấy lại mất chiều nhân bản. Ông ấy siêu phàm. Ông ấy có cái đẹp của việc mang tính siêu phàm, nhưng ông ấy không có cái đẹp mà Zorba người Hi Lạp có. Zorba trần tục thế. Tôi muốn bạn là cả hai – Zorba Phật. Người ta phải mang tính thiền nhưng không chống lại cảm động. Người ta phải mang tính thiền nhưng tràn đầy cảm động, tràn đầy tình yêu. Và người ta phải có tính sáng tạo. Nếu tình yêu của bạn chỉ là cảm xúc và nó không được chuyển dịch thành hành động, điều đó sẽ không có tác động tới số đông nhân loại. Bạn phải làm cho nó thành thực tại, bạn phải vật chất hoá nó.

Đây là ba chiều của bạn: hiện hữu, cảm động, hành động. Hành động chứa tính sáng tạo, tất cả các loại sáng tạo – âm nhạc, thơ ca, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, khoa học, công nghệ. Cảm động chứa tất cả những cái thẩm mĩ – tình yêu, cái đẹp. Còn hiện hữu chứa thiền, nhận biết, tâm thức.

Thảnh thơi trong hành động

Trước hết, bản chất của hoạt động và dòng chảy ngầm của nó cần phải được hiểu; bằng không thì không thể có thảnh thơi được. Cho dù bạn muốn thảnh thơi, điều đó vẫn là không thể được nếu bạn không quan sát, theo dõi, nhận ra bản chất của hoạt động của mình, bởi vì hoạt động không phải là hiện tượng đơn giản. Nhiều người muốn thảnh thơi đấy, nhưng họ không thể thảnh thơi được. Thảnh thơi giống như việc nở hoa: bạn không thể ép buộc nó được. Bạn phải hiểu toàn thể hiện tượng này – tại sao bạn lại hoạt động thế, tại sao lại nhiều bận bịu với hoạt động thế, tại sao bạn lại bị ám ảnh bởi nó.

Nhớ hai từ: một là “hành động,” từ kia là “hoạt động.” Hành động không phải là hoạt động; hoạt động không phải là hành động. Bản chất của chúng đối lập hẳn nhau. Hành động là khi tình huống yêu cầu điều đó và bạn hành động, bạn đáp ứng. Hoạt động là khi tình huống không thành vấn đề, nó không phải là đáp ứng; bạn bất ổn bên trong tới mức tình huống chỉ là cái cớ để hoạt động diễn ra.

Hành động bắt nguồn từ tâm trí im lặng – nó là điều đẹp nhất trên thế giới. Hoạt động bắt nguồn từ tâm trí bất ổn – nó là cái xấu nhất. Hành động là khi có liên quan; hoạt động là khi không có liên quan. Hành động là từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, tự phát; hoạt động bị chất nặng bởi quá khứ. Nó không phải là đáp ứng với khoảnh khắc hiện tại, thay vì thế, nó đổ cái bất ổn của bạn ra, cái bạn đã mang từ quá khứ, vào hiện tại. Hành động có tính sáng tạo. Hoạt động rất mang tính phá hoại – nó phá huỷ bạn, nó phá huỷ người khác.

Cố thấy phân biệt tinh tế này. Chẳng hạn, bạn đang đói rồi bạn ăn – đây là hành động. Nhưng bạn không đói, bạn không cảm thấy đói chút nào. Vậy mà bạn cứ ăn – đây là hoạt động. Việc ăn này là một loại bạo hành: bạn phá huỷ thức ăn, bạn nghiến răng và phá huỷ thức ăn; điều đó làm nhẹ bớt chút ít cái bất ổn bên trong của bạn. Bạn ăn không phải bởi vì đói, bạn đơn giản ăn bởi vì một nhu cầu bên trong, một thôi thúc mang tính bạo hành.

Trong thế giới con vật bạo hành được liên kết với mồm và cẳng, móng vuốt và răng; hai thứ này là những thứ bạo hành trong vương quốc loài vật. Trong khi bạn ăn, cả hai được nối với nhau; bằng tay bạn lấy thức ăn, và bằng mồm bạn ăn nó – bạo hành được làm nhẹ đi. Nhưng nếu không có đói, đấy không phải là hành động, đấy là bệnh tật. Hoạt động này là sự ám ảnh. Tất nhiên bạn không thể cứ ăn như thế này bởi vì thế thì bạn sẽ ních đầy mình, cho nên mọi người đã nghĩ ra các thủ đoạn: họ sẽ nhai thuốc lá hay kẹo gôm, họ sẽ hút thuốc lá. Đây là những thức ăn giả, không có giá trị nuôi dưỡng gì trong chúng cả, nhưng chúng có tác dụng tốt khi có liên quan tới bạo hành.

Một người ngồi và nhai kẹo gôm, người đó đang làm gì vậy? Người đó đang giết ai đó. Trong tâm trí, nếu người đó trở nên nhận biết, người đó có thể có tưởng tượng về việc sát hại, giết người – và người đó nhai kẹo gôm, một hoạt động rất hồn nhiên trong bản thân nó. Bạn chẳng làm hại ai cả – nhưng rất nguy hiểm cho bạn, bởi vì bạn dường như hoàn toàn vô ý thức về điều mình đang làm. Một người hút thuốc, người đó đang làm gì? Theo một đằng thì rất hồn nhiên, chỉ hít khói vào thở khói ra, hít vào và thở ra – một  loại pranayama ốm yếu, một loại thiền siêu việt thế tục. Người đó đang tạo ra một hình tượng trưng: người đó hít khói vào, thở khói ra, hít nó vào, thở nó ra – một hình tượng trưng được tạo ra, một vòng tròn. Qua việc hút thuốc lá người đó đang làm một loại tụng niệm, tụng niệm có nhịp độ. Điều đó làm dịu đi; cái bất ổn bên trong của người đó được làm giảm nhẹ đi một chút.

Nếu bạn đang nói với một người, bao giờ cũng nhớ – điều đó gần như một trăm phần trăm chính xác – nếu người đó bắt đầu tìm điếu thuốc, điều đó nghĩa là người đó chán rồi, bạn nên rời bỏ người đó bây giờ. Người đó đã muốn tống khứ bạn ra; điều đó không thể làm được, điều đó sẽ quá bất lịch sự. Người đó đi tìm điếu thuốc; người đó đang nói, “Bây giờ chấm dứt đi ông nội! Tớ ngán lắm rồi.” Trong thế giới loài vật, người đó sẽ nhảy lên bạn, nhưng người đó không thể làm thế được – người đó là con người, văn minh. Người đó nhảy lên điếu thuốc lá, người đó bắt đầu hút thuốc. Bây giờ người đó không lo nghĩ về bạn, bây giờ người đó tự khép mình vào việc tụng niệm riêng của mình về thuốc lá. Điều đó làm giảm nhẹ.

Nhưng hoạt động này chỉ ra rằng bạn bị ám ảnh. Bạn không thể vẫn còn là bản thân mình; bạn không thể vẫn còn im lặng được, bạn không thể vẫn còn bất hoạt được. Qua hoạt động bạn cứ ném cái điên khùng, cái điên rồ của mình ra.

Hành động là đẹp, hành động tới từ đáp ứng tự phát. Cuộc sống cần đáp ứng, mọi khoảnh khắc bạn phải hành động, nhưng hành động tới từ khoảnh khắc hiện tại. Bạn đói và bạn kiếm thức ăn, bạn khát và bạn đi tới giếng. Bạn cảm thấy buồn ngủ và bạn đi ngủ. Chính từ tình huống toàn bộ mà bạn hành động. Hành động là tự phát và toàn bộ.

Hoạt động chưa bao giờ tự phát, nó tới từ quá khứ. Bạn có thể đã tích luỹ điều đó trong nhiều năm, và thế rồi nó bùng nổ trong hiện tại – điều đó không liên quan. Nhưng tâm trí tinh ranh; tâm trí bao giờ cũng tìm ra cách hợp lí hoá cho hoạt động. Tâm trí bao giờ cũng cố chứng tỏ rằng đây không phải là hoạt động, đây là hành động; điều đó là cần thiết. Bỗng nhiên bạn nổi nóng thành cơn giận dữ. Mọi người khác trở nên nhận biết rằng điều đó là không cần thiết, tình huống này chưa bao giờ đòi hỏi điều đó, nó đơn giản không liên can – chỉ mỗi bạn không thể thấy được. Mọi người đều cảm thấy, “Bạn đang làm gì vậy? Không có nhu cầu cho điều đó. Sao bạn giận thế?” Nhưng bạn sẽ tìm ra cách hợp lí hoá, bạn sẽ hợp lí hoá rằng điều đó là cần thiết.

Những cách hợp lí hoá này giúp bạn vẫn còn vô ý thức về cái điên khùng của mình. Đây là những điều mà George Gurdjieff hay gọi là “vật đệm.” Bạn tạo ra vật đệm hợp lí hoá quanh mình để cho bạn không đi tới nhận ra tình huống đang là gì. Vật đệm được dùng trong tàu hoả – giữa hai ngăn, vật đệm được dùng để cho nếu bất ngờ có sự dừng lại thì sẽ không có quá nhiều va chạm cho hành khách. Vật đệm sẽ hấp thu va chạm. Hoạt động của bạn liên tục chẳng liên quan, nhưng vật đệm làm hợp lí hoá, không cho phép bạn nhìn ra tình huống. Vật đệm che mắt bạn, và kiểu hoạt động này cứ tiếp tục.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button