Kỹ năng mềm

Săn Sóc Sự Học Của Con Em

Lời giới thiệu

Trong lời tựa của Học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm.Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi.Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên số học sinh tăng lên rất mau.Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này.Vậy săn sóc sự học của trẻ là một bổn phận của phụ huynh và là một nghệ thuật cần biết một chút ít về tâm lý và môn sư phạm.Sách tuy mỏng mà có thể đem hạnh phúc về gia đình. Mỗi lần vào gia đình nào mà thấy dưới ánh đèn, một đầu hoa râm và một đầu xanh cùng cúi trên một trang sách, thì không cần xét điều gì khác nữa”.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Khả năng của dân tộc Việt Nam thật là đáng kính! Từ đầu thế kỉ đến nay, khắp thế giới, chưa nước nào chịu nạn chiến tranh lâu như nước ta, non chín năm trời rồi, nếu kể cả từ hồi quân đội Nhật Bản đổ bộ lên Hải Phòng thì là trên mười hai năm.

Điều làm cho ta tự hào nhất là trong những hoàn cảnh như vậy mà sự học vẫn phát triển, đều đều và mạnh mẽ. Trường học dựng lên nhiều. Khắp nước tiếng học vang lên. Hồi tiền chiến, cả nước may lắm được độ mười lăm trường Trung học, bây giờ có tới trên trăm rưỡi. Riêng tỉnh Long Xuyên, một miền hẻo lánh ở Hậu Giang có bốn trường Trung học, một công và ba tư. Còn trường Tiểu học thì vô số; nội một con đường nhỏ ở Tân Định (Sài Gòn) là đường Monceaux dài khoảng trăm thước, ta đã đếm được bốn trường. Dân số trong miền chiếm đóng chỉ bằng nửa dân so toàn quốc mà số học sinh ban Tiểu học tăng lên gấp năm, ban Trung học tăng lên gấp mười. Chúng ta quả là một dân tộc hiếu học và tiền đồ của quốc gia phải chói lọi ở phương Đông này.

Sự học mạnh tiến như vậy là do nhiều nguyên nhân. Hồi trước người ta hạn chế sự giáo dục, không mở thêm trường, đặt ra những kỳ thi gắt gao để lựa học sinh, không khuyến khích sự mở trường tư; bây giờ thì ngược lại, nên số học sinh tăng lên rất mau.

Hồi trước, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ ngay từ ban Tiểu học nên chỉ có một số học sinh thông minh đôi chút mới theo nổi; bây giờ Việt ngữ thay thế Pháp ngữ thì trẻ nào, miễn là không có bệnh tật và được học đều đều, cũng có thể theo hết ban Trung học đệ nhất cấp.

Sau cùng, chính các bực phụ huynh học sinh cũng trọng sự học của con em hơn trước. Trong mấy năm nay, chúng ta thấy biết bao gia tài tưởng ngồi ăn suốt đời cha và đời con cũng không hết, mà ngờ đâu, khói lửa chiến tranh chỉ mới tạt qua một lần, đã tan ra tro bụi! Như vậy thì để của cho con mà làm gì? Có dư bao nhiêu, dùng hết vào sự học của trẻ bấy nhiêu là yêu chúng đấy.

Rồi chúng ta lại nghĩ xa hơn: nước Việt Nam độc lập sẽ thiếu rất nhiều cán bộ trong mọi ngành hoạt động, ta phải đào luyện con em để chúng lãnh nổi nhiệm vụ giữ gìn non sông và kiến thiết quốc gia sau này.

Nghĩ vậy nên nhiều vị nhịn ăn nhịn tiêu cho con em ăn học. Tôi biết một vị ở Lục tỉnh bỏ ra ba phần năm số lương để nuôi ba người con ăn học ở Sài Gòn; một vị khác, ngày ngày bận chiếc áo vá vai, vá lưng, đạp chiếc xe máy cũ, đi hớt tóc dạo trong những xóm lao động mà tháng nào cũng vậy, mỗi mùng 1 mùng 2 đã đem đủ 600$ lại đóng tiền học cho hai người con ở ban Trung học một tư thục nọ. Chưa bao giờ người cha Việt Nam hi sinh cho con bằng lúc này.

Tuy nhiên, ta phải thành thực nhận rằng phẩm chưa được bằng lượng: học sinh có đông mà sức học thì kém. Bằng cấp Tiểu học bây giờ không có giá trị bằng bằng cấp Sơ học hồi 1930, và học lực một cậu tú hồi này không hơn học lực một học sinh đệ nhị hồi trước.

Điều ấy cũng dễ hiếu: chúng ta không có đủ nhà giáo chuyên môn, sách giáo khoa còn thiếu, lớp học thì quá đông, chương trình lại thay đổi hoài và nhiều nơi, sự tuyển lựa học sinh không được kỹ lưỡng…

Phải diệt những nguyên nhân đó, rồi trình độ chung của học sinh mới tiến lên được. Công việc ấy chưa thể thực hiện gấp mà cũng không thuộc quyền của phụ huynh học sinh; nên chúng ta chỉ có cách là săn sóc sự học của con em tại nhà để phụ lực với nhà trường, cho trẻ mau tấn tới.

Nhiều vị phụ huynh hiểu như vậy, dạy thêm hoặc mướn thầy dạy thêm mỗi ngày vài giờ cho trẻ. Nếu trẻ đã lớn thì cho chúng học một lớp tối; những lớp này, trong các đô thị lớn, mọc lên càng ngày càng nhiều.

Song săn sóc phải có phương pháp thì mới khỏi hại cho trẻ. Chẳng hạn, bắt trẻ học nhiều quá thì chúng đã chẳng tấn tới mà còn thêm đần độn; giảng lại bài nhà trường cho chúng mà không biết cách thì chúng đã chẳng hiểu mà còn thêm rối óc; hoặc muốn cho trẻ được điểm tốt mà làm cả bài cho chúng thì chỉ là dạy chúng ỷ lại, không chịu suy nghĩ, gắng sức; cho học tư mà không lựa trường thì có khi là khuyến khích chúng nhập bọn với tụi cao bồi; mua sách cho trẻ đọc mà không biết lựa tức là vô tình đầu độc chúng; trẻ vì bệnh tật mà học thụt lùi, lại cho là chúng làm biếng, rầy la, quát tháo thì chỉ làm cho chúng chán nản, buồn tủi và sinh ra oán cha, anh…

Vậy săn sóc sự học của trẻ là một bổn phận của phụ huynh và là một nghệ thuật cần biết một chút ít về tâm lý và môn sư phạm.

Vì thấy từ trước tới nay chưa có ai giúp độc giả hiểu nghệ thuật đó và làm trọn nhiệm vụ đó, nên chúng tôi soạn cuốn này, đem kinh nghiệm của một người cha và một nhà giáo ra góp ý kiến với chư vị.

Chúng tôi ráng viết cho thật giản dị để những bực phụ huynh ít học cũng có thể hiểu và áp dụng ngay được. Những đoạn nào hơi có tính cách chuyên môn, khó hiểu thì chúng tôi cho in chữ nghiêng để độc giả dễ nhận. Những đoạn ấy, hiểu được thì càng hay, không cũng không hại.

Chúng tôi lại ráng viết cho vắn tắt, bỏ phần lý thuyết vu vơ để độc giả khỏi chán. Nếu khảo cứu tỉ mỉ về lý thuyết thì nhiều chương trong cuốn này có thể soạn thành những bộ sách hàng ngàn trang được. Chúng tôi vẫn biết phần đông độc giả đều bận bịu như một bạn đồng nghiệp nọ của chúng tôi; đưa cho anh một cuốn về tân giáo dục dày độ bốn trăm trang, anh xua tay và lắc đầu lia lịa: “Không có thì giờ, không có thì giờ”, nên tự hạn chế, không viết quá trăm rưỡi trang. Song chúng tôi chắc vẫn có một số độc giả chưa được thỏa mãn khi đọc hết cuốn này và muốn tìm hiểu thêm, nên chúng tôi sẽ kể tên những tác phẩm quan trọng để chư vị đó đỡ mất công tìm kiếm.

Tóm lại, chúng tôi chỉ muốn, trong cuốn này, hướng dẫn chư vị một cách thiết thực trong sự săn sóc sự học của trẻ, tuyệt nhiên không có ý nghiên cứu về giáo dục.

Sách tuy mỏng mà có thể đem hạnh phúc vào gia đình chư vị đấy. Mỗi lần vào gia đình nào mà thấy dưới ánh đèn, một đầu hoa râm và một đầu xanh cùng cúi trên một trang sách, thì không cần xét điều gì khác nữa, tôi chắc chắn rằng gia đình ấy đương vui vẻ và sẽ thịnh vượng.

Sài Gòn, 8-5-1954

***

Vâng, đúng vậy; trẻ nào cũng có thể học giỏi được. Tôi nói: có thể học giỏi được, chứ không nói học cũng giỏi hết. Và muốn vậy chỉ cần mỗi một điều:

Phụ huynh phải săn sóc sự học của con em.

Tất nhiên là phải biết cách săn sóc, nếu không chỉ tai hại cho trẻ như trong bài tựa tôi đã nói.

2

Có bạn sẽ bảo tôi:

– Bảy giờ tối ở sở mới về mà còn ôm theo một chồng hồ sơ để làm tới mười hai giờ khuya. Thì giờ đâu mà dạy con?

– Thưa bạn, chắc bạn là một tỉnh trưởng hoặc một đổng lý văn phòng. Bạn hi sinh cho quốc dân : đáng quí lắm! Nhưng bạn thử tổ chức lại công việc trong sở xem có thể tiết kiệm về công việc này được năm phút, công việc kia được mười phút không? Có thể nào huấn luyện những người giúp việc rồi giao bớt trách nhiệm cho họ được không? Nếu không được thì bạn là người rất đáng kính hoặc đáng thương; bạn đã hi sinh thân bạn và cả tương lai của con bạn cho công việc của bạn vậy.

Bạn khác nói:

– Tính tôi Trương Phi lắm. Chỉ dạy năm phút là tôi la, tôi cú, tôi hét, tôi đập. Mệt cho mình mà tội cho trẻ.

Vâng. Tính tình của tôi cũng vậy, dễ quạu lắm.

Nhưng từ khi đọc những sách về tâm lý, về giáo dục để hiểu trẻ thì tôi sinh ra hiền từ vì nhận rằng chính người lớn chúng ta mới ngu xuẩn và đầy tội lỗi, chứ trẻ thì hầu hết là ngây thơ và dễ thương.

Một bạn thứ ba thú thật:

– Tôi được học ít lắm ông ạ, chỉ biết đọc biết viết thôi, như vậy làm sao săn sóc sự học của trẻ được?

– Sao lại không? Giảng một bài toán cho các em lớp nhất lớp nhì thì không được, nhưng coi sổ nhà trường gởi về, bạn vẫn có thể biết được trẻ giỏi môn nào, dở môn nào; và sau khi đọc cuốn này bạn có thể biết cách học của trẻ có hợp lý không, nên sửa đổi ra sao… Nếu bạn lại chịu khó cùng học với trẻ thì bạn có thể giảng bài cho chúng được lắm chứ, vì người lớn chúng ta mau hiểu và hiểu rõ hơn chúng. Như vậy gia đình được vui vẻ mà bạn lại biết thêm ít nhiều thường thức cần thiết cho mỗi công dân ở thời buổi này.

3

Vậy, tôi xin nhắc lại, ai cũng có thể săn sóc sự học của trẻ, ít nhất là tới hết ban Tiểu học. Nếu không săn sóc là không thương chúng.

Các bạn mỉm cười:

– Ông đừng nói quá chứ. Tôi mà không thương con tôi ư? Này, ông Lê, ông biết không…

– Thưa tôi biết, tôi biết các bạn yêu con lắm. Cục máu của mình mà! Nhưng có nhiều cách yêu. Và tôi ngờ rằng lối yêu con của các bạn cũng như lối yêu hoa của tôi.

Tôi vẫn tự hào là rất yêu hoa và vẫn thường ngâm câu: Hoa thị mỹ nhân, thư thị hữu (Hoa là người đẹp, sách là bạn thân). Tôi yêu nhất là hồng; mấy năm trước, trên bàn viết của tôi không ngày nào thiếu thứ hoa hậu đó, nhưng đêm nào cũng phải xách đèn ra vườn bắt hàng trăm con rầy, bắt đi bắt lại hai ba lần thì xin thú thực là tôi không đủ kiên tâm. Một lần, vào thăm một vườn hồng ở gần cầu máy Long Xuyên, tôi thấy chủ nhân tóc râu bạc phơ, đội chiếc nón lá, cặm cụi dưới ánh nắng tỉa cành này, tưới gốc khác, thay phân, bắt sâu, làm giàn, lên luống tôi phải bái phục và nhận rằng lòng yêu hoa của tôi không sao sánh được với lòng yêu hoa của cụ. Cụ có trên ba chục gốc hồng mà gốc nào cũng tươi tốt, lá không bị rầy ăn lỗ chỗ. Các bạn yêu con có được như cụ già đó yêu hoa không?

Nếu được thì tôi chắc chắn là bận việc đến đâu, bạn cũng kiếm được thì giờ dạy trẻ và nóng tính đến đâu, bạn cũng hóa ra kiên nhẫn.

4

Và một khi được săn sóc kỹ lưỡng, có phương pháp thì chỉ trừ một vài em vì bệnh tật mà hóa đần độn, còn trẻ nào cũng đủ sức theo ban Tiểu học một cách dễ dàng, nghĩa là có thể thành một trò giỏi được.

Tôi đã nghiệm, tại ban Tiểu học, em nào được người nhà săn sóc đến sự học thì dù gia đình nghèo hèn, bẩm tính trì độn cũng đứng vào hạng khá trong lớp. Nếu bỏ mặc các em đó trong vài tháng đương ngồi hạng 5, hạng 6, các em thụt xuống hạng 30-40 ngay.

Trường hợp đó chính là trường hợp của tôi hồi nhỏ. Ba tôi rất chú trọng đến sự học của chúng tôi; năm tám tuổi, tôi vào học lớp dự bị trường Yên Phụ, đứng hạng trung bình trong lớp. Chẳng may ít tháng sau ba tôi mất, mẹ tôi bận buôn bán và không biết chữ, bỏ mặc tôi, tôi hóa lêu lổng, suốt ngày đánh bi, đá cầu, học mỗi ngày một thụt lùi, đến nỗi có lần suýt bị đuổi và rút cục tôi phải ngồi ở lớp ấy hai năm rưỡi mới được lên lớp Sơ đẳng. Phí biết bao thời giờ!

Càng lên cao, số học sinh theo nổi chương trình càng ít, nên ta thấy ở ban Tiểu học nhiều em luôn luôn đứng đầu lớp mà lên ban Trung học thì mỗi năm một xuống hạng. Tuy nhiên, nếu biết phương pháp dạy và săn sóc thì trong mỗi lớp ban Trung học ít gì cũng có ba phần tư học sinh theo nổi chương trình, chứ không đến nỗi tệ như bây giờ : may lắm chỉ được một phần tư.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button