Kỹ năng mềm

Quản Trị Nghề Nghiệp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : BS. Nguyễn Ý Đức

Download sách Quản Trị Nghề Nghiệp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


HỌC CÁCH QUẢN TRỊ NGHỀ NGHIỆP

Phần đông mọi người đến với nghề rất ngẫu nhiên, vì vậy khả năng thành công hay thất bại là ngang nhau. Ngược lại, nếu bạn biết cách quản trị nghề nghiệp, bạn sẽ kiểm soát được việc mình làm, phấn đấu thăng tiến, khởi sự doanh nghiệp riêng hay làm thêm nghề khác.

Tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau ở khắp nơi trên thế giới về công việc và nghề nghiệp. Nhiều người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, nhiều người chỉ mới vào nghề. Nhưng bất chấp tuổi tác, nguồn gốc xuất thân hay những thành công trước đó, vấn đề đa số mọi người hay gặp phải đều là bối rối khi phải quyết định việc làm hay nghề nghiệp tương lai. Vấn đề thường là do chưa dành đủ thời gian suy nghĩ chọn nghề phù hợp, chưa xác định được mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài và chưa biết cách thực hiện mục tiêu để thành công.

Có người dù rất thành công cũng chưa biết hết những bí quyết nghề nghiệp. Tôi cũng từng giống như họ. Tôi đã phải tự suy nghĩ để tìm những bí quyết của riêng mình. Nhưng bạn thì khác, bạn sẽ tìm được 50 bí quyết để thành công trong cuốn sách này.

Các bí quyết được trình bày qua 7 chương để tiện theo dõi như sau:

■ Tự chủ. Khuyên bạn nên tĩnh tâm vài phút xem xét lại chính mình và xác định điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống.

■ Dám mơ ước. Cách đặt mục tiêu phù hợp với khát vọng và ước mơ của bạn.

■ Tiềm năng. Bí quyết giúp bạn nỗ lực và có được sự thăng tiến trong công việc.

■ Tự tiếp thị bản thân. Cách làm mọi người trong nghề biết đến bạn và đạt được mơ ước.

■ Giữ thăng bằng. Giúp bạn biết cách vượt qua căng thẳng.

■ Đổi nghề. Cho bạn những gợi ý để đổi nghề thành công.

■ Kinh doanh độc lập. Yếu tố mang lại thành công khi quyết định đổi từ công việc làm thuê sang thành lập doanh nghiệp riêng.

Nếu bạn theo đúng những bí quyết trong 7 chương này, bạn sẽ biết cách quản trị nghề nghiệp để có được thành công.

Một kế hoạch nghề nghiệp hợp lý giúp bạn có một sự nghiệp được quản trị tốt suốt đời.

ĐỌC THỬ

1TỰ CHỦ

Việc đầu tiên của quản trị nghề nghiệp là nhận biết chính mình. Đọc chương 1, bạn sẽ xác định được không chỉ sở trường mà còn cả động cơ nghề nghiệp của bản thân. Biết chính xác khả năng của mình là điều rất quan trọng khi đặt kế hoạch cho những giai đoạn sau.

1.1 Dám nghĩ, dám làm

Bạn chủ động chọn nghề hay để mọi việc tự đến với mình?

Trước đây cứ tốt nghiệp đại học hay trung học xong là coi như sẽ có việc làm ổn định cả đời. Nhưng hiện nay, thế giới đang thay đổi rất nhanh và không có gì bảo đảm rằng bạn sẽ có việc làm suốt đời, cũng chẳng có gì bảo đảm là công ty bạn đang làm sẽ tiếp tục hoạt động, hay ngành nghề bạn đang làm sẽ còn tồn tại trong thập niên sau. Trong thế giới vạn biến đó, để thành công bạn phải tự chủ thay đổi theo nó.

Giới doanh nhân thường tự tạo tiền đồ (tức là may mắn và tiền bạc). Họ không chờ tiền đồ tự đến, mà tự tạo theo ý mình. Điều này được diễn tả bằng phương trình:

Nguyên nhân => kết quả.

■ Bạn ở phía nào trong phương trình nguyên nhân=> kết quả trên?Bạn là người chủ động tạo ra tình huống của mình hiện nay hay người khác đã làm điều đó giúp bạn? Bạn có dám tự mình chịu trách nhiệm về sự nghiệp của mình hay bạn chỉ thụ động chờ thời?

■ Hãy quyết định cho chính bạn. Dùng phương trình nguyên nhân Æ kết quả như một lời nhắc nhở rằng bạn phải chịu trách nhiệm cho những quyết định nghề nghiệp của bạn.

Dám làm, dám chịu mới đúng là tinh thần doanh nhân. Hàng ngày, doanh nhân tự chịu trách nhiệm làm cho nghề nghiệp thành công. Còn người làm công ăn lương lại chỉ quen thụ động. Họ cho rằng cứ đi làm đúng giờ là đủ để làm việc ăn lương đến 30 năm sau.

Trong tình thế nhiều thay đổi hiện nay điều đó rất bấp bênh. Mọi người đều cần phải “chủ động” trong nghề nghiệp.

“Khám phá lớn nhất của thế hệ tôi là con người có thể thay đổi cuộc đời họ bằng cách thay đổi thái độ tinh thần của chính họ.”

William James, nhà tâm lý

Một phút suy ngẫm: Hãy dành đôi phút tĩnh lặng và suy nghĩ về vị trí nghề nghiệp của bạn hiện nay. Làm sao để nghề nghiệp bạn đang làm được thành công mĩ mãn mỗi ngày. Chính bạn chịu trách nhiệm đó.

Bạn cần phải suy nghĩ như một doanh nhân nếu bạn muốn có những cơ hội việc làm tốt và thăng tiến.

1.2 Tự đánh giá bản thân

Điều đầu tiên giúp bạn đi đúng hướng trong nghề nghiệp là làm bản đánh giá bản thân. Đánh giá bản thân là đánh giá mặt nào bạn thực sự giỏi. Không những chỉ ở những kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà còn cả ở những khả năng tự nhiên và ưu điểm bản thân.

Cách hay nhất là bạn hãy làm một danh mục những vai trò hay công việc bạn đã từng làm trong quá khứ và phân tích lần lượt từng cái. Hãy nghĩ về những kỹ năng bạn đã sử dụng và những kiến thức bạn có. Hãy xác định những kỹ năng nào bạn thường sử dụng hơn so với những kỹ năng khác.

Kế tiếp, hãy xét rộng ra những lĩnh vực khác. Thang điểm đánh giá: Trên trung bình – tốt – trung bình – dưới trung bình. Hãy ghi lại những kết quả đó.

■ Giao tiếp. Ví dụ, khả năng tác động đến người khác, thuyết phục, hỗ trợ, thương lượng, bán hàng, giải khuây hay giảng dạy.

■ Ý tưởng. Như đột phá, tìm tòi, giàu tưởng tượng hay sáng tạo; tư duy trừu tượng tốt về những khả năng tương lai; tìm cách thay đổi hay cải tiến mọi việc tốt hơn.

■ Kỹ năng. Ví dụ, khéo tay, năng khiếu về máy móc thiết bị, sử dụng dụng cụ, kỹ năng thực hành.

■ Dữ liệu. Ví dụ, làm việc số liệu hay thông tin, diễn giải và trình bày dữ liệu, công nghệ thông tin, tổ chức và điều phối.

So sánh những kỹ năng bạn thường sử dụng trong quá khứ với danh mục những mặt nổi trội của bạn. Bạn cũng có thể làm một danh mục mới bằng cách kết hợp hai danh mục trên: những kỹ năng mạnh của bạn kết hợp những kỹ năng bạn đã có kinh nghiệm. Danh mục đó liệt kê đầy đủ những ưu điểm bạn có thể “chào bán” sau này khi đổi nghề.

Hãy suy nghĩ xem bạn có ưu điểm gì trong giao tiếp, ý tưởng, kỹ năng hay dữ liệu.

Tình huống: Công việc đầu tiên Sally làm thuộc lĩnh vực bảo hiểm. Cô phải xử lý số liệu và thông tin cả ngày. Công việc nhàm chán khiến cô chán nản và thường bỏ lỡ những dịp thăng tiến. Sally trải qua 10 năm vô vọng với công việc đó. Rồi công ty cô làm gặp khó khăn và tinh giản biên chế cô. Sally nhân cơ hội đó nghiêm túc xem xét lại toàn bộ những kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Nhờ làm bản trắc nghiệm năng lực tinh thần, cô biết mình thích hợp với công việc giao tiếp. Hiện nay, cô làm việc cho một công ty nhỏ chuyên bán hàng trực tiếp. Cô cho biết “Kỹ năng tốt nhất của tôi là giao tiếp. Được làm đúng sở trường nên tôi rất hạnh phúc. Công việc thành công đến nỗi tôi đã được đề bạt chỉ sau một năm!”

1.3 Khám phá những STAR của bạn

Bạn đã từng đảm đương những công việc gì trong nghề? Bạn đã từng có những thành tích gì đáng tự hào? Thành tích là một cái gì đó bạn đã gặt hái kèm theo một kết quả tốt. Nếu bạn biết những gì giúp đạt thành tích trong quá khứ, thì bạn cũng sẽ biết cách để có được những thành quả khác tương tự như thế trong tương lai và tạo được một đỉnh cao cho nghề nghiệp của bạn.

Từ “thành quả” nghe có vẻ hơi quá vĩ đại đối với nhiều người. Chúng ta thường nghe người ta nói “Tôi chưa đạt được thành quả gì cả”, vì bản thân từ thành quả nghe có vẻ lớn lao, như trở thành Giám đốc Điều hành một công ty nào đó chẳng hạn. Nhưng thực ra, thành quả chính là những gì bạn đạt được trong công việc, nghề nghiệp hay trong đời sống cá nhân.

Thành quả đơn giản chỉ là một việc làm nào đó bạn đã làm có kết quả mỹ mãn. Cách đơn giản để nhớ nó là công thức STAR:

■ S = Situation (Tình huống). Tình huống nào đó bạn đã từng trải qua trong công việc. Hãy mô tả lại chi tiết tình huống đó ra giấy.

■ T = Task (Nhiệm vụ). Nhiệm vụ hay trách nhiệm bạn đã nhận lãnh trong tình huống đó?

■ A = Action (Hành động). Thành quả không mang tính thụ động. Bạn đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ? Tổ chức? Lãnh đạo? Điều hành? Tính toán? Thuyết phục?

■ R = Result (Kết quả). Bạn đã đạt được kết quả gì tích cực? Tiết kiệm chi phí? Giúp ích thiết thực cho con người? Hỗ trợ cho nhóm? Giúp cho việc khác hiệu quả hơn?

Qua những thành quả nghề nghiệp bạn đã đạt được hãy xác định những kỹ năng bạn có. Hãy lấy một thành quả bất kỳ và liệt kê ra những kỹ năng bạn đã sử dụng để có kết quả đó, chẳng hạn như kỹ năng thông tin, lãnh đạo, làm việc nhóm. Bạn sử dụng kỹ năng nào nhiều nhất?

Để tự đánh giá tốt, hãy làm riêng một danh mục cho từng thành quả trong mỗi lĩnh vực nghề nghiệp của bạn từ trước tới nay. Tổng hợp tất cả những danh mục đó bạn sẽ biết được đầy đủ những kỹ năng của mình. Nên nhớ là bạn luôn có thể chuyển các kỹ năng từ công việc này sang công việc khác.

Một phút suy ngẫm: Để hiểu những gì bạn trân quý qua những thành quả đạt được, hãy xem xét từng thành quả và tự hỏi xem thành quả đó có ý nghĩa gì quan trọng không. Nếu chúng không mang lại ý nghĩa gì quan trọng, hãy mạnh dạn thôi làm công việc đó. Hoặc nếu những thành quả quý giá bạn đã đạt được đều thuộc cuộc sống cá nhân bạn thì có lẽ là công việc bạn đang làm không phù hợp với bạn, bạn nên ngưng ngay công việc đó để tìm một công việc mới phù hợp hơn.

Áp dụng công thức STAR khi liệt kê những thành quả bạn đã đạt được sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về những kỹ năng mà bạn có.

1.4 Khám phá 3P của bạn

Nếu bạn không thích công việc mình đang làm thì chẳng mong gì có được thành công. Có thể bạn vẫn làm việc bình thường nhưng bạn sẽ chẳng có niềm vui khi làm công việc đó. Ba “chất liệu” làm cho một nghề nghiệp vừa có niềm vui vừa có thành công là: Passions (đam mê), Purpose (mục đích) và Principles (nguyên tắc). Hãy tìm hiểu xem 3P của bạn là gì và hãy dùng chúng khi lập kế hoạch nghề nghiệp của bạn.

Passion: Đam mê là những cái bạn yêu thích, hứng thú và mang đến niềm vui cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Cách khám phá những đam mê của bạn:

■ Những hoạt động bạn cần phải thực hiện mỗi ngày để cảm thấy được thỏa mãn.

■ Những hoạt động bạn muốn có nhưng không nhất thiết phải có mỗi ngày.

■ Những hoạt động bạn không muốn thực hiện trong công việc của mình (vì nó hủy hoại sự đam mê, làm bạn mất hứng thú với nghề nghiệp).

Purpose: Mục đích là cảm giác thỏa mãn bạn có được trong nghề nghiệp đúng sở trường của bạn. Bạn biết mình đang làm một công việc đúng mục đích khi bạn cảm thấy “đang làm đúng với lương tâm”, và đúng “việc cần làm”. Hãy nghĩ xem điều gì thực sự mang lại ý nghĩa cho nghề nghiệp để khám phá mục đích của bạn.

Principle: Nguyên tắc là chữ P thứ 3. Đó chính là những tiêu chuẩn đạo đức bạn cần tuân thủ để hài lòng trong công việc. Ví dụ nếu bạn là người ăn chay nhưng buộc phải làm một công việc với thịt thì lúc đó là bạn chưa làm việc đúng với nguyên tắc của bạn. Khi bạn làm việc đúng với nguyên tắc, bạn sẽ cảm thấy hài lòng với công việc và thấy nó phù hợp với cách bạn muốn sống trọn đời.

“Bạn sẽ biết mình đang trên đường đến thành công chỉ khi bạn làm đúng công việc sở trường, chứ không phải làm vì đồng tiền.”

Oprah Winfrey

Một phút suy ngẫm: Đây chính là bản truy vấn nghề nghiệp bỏ túi. Hãy liệt kê toàn bộ những vai trò bạn đã trải qua trong nghề. Trong từng vai trò đó thì bạn sở trường nhất mặt nào? Hãy xem vị trí nào đáp ứng tốt nhất đam mê, mục đích và nguyên tắc của bạn và vị trí nào bạn thiếu hẳn 3P đó.

3P là Passion (đam mê), Purpose (mục đích) và Principle (nguyên tắc). Hãy khám phá 3P của bạn.

1.5 Làm bản đánh giá 360 độ

Bản đánh giá 360 độ là công cụ doanh nghiệp dùng để đánh giá một nhân viên. Nó là ý kiến phản hồi về người nhân viên trong công việc từ đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên, cấp dưới. Nó được gọi là bản đánh giá 360 độ vì nó đánh giá toàn diện về việc làm, ưu điểm và kỹ năng của bạn.

Bạn không phải chờ đến khi công ty cho bạn cơ hội làm việc đó. Hãy tự làm bản đánh giá 360 độ của riêng mình để hiểu cách người khác đánh giá bạn trong một tình huống công việc. Bản đánh giá 360 độ rất dễ làm và bạn có thể tự làm dù đang có việc làm hay không.

■ Chọn một vài người biết rõ bạn và thường quan hệ với bạn. Khoảng 10 người thì tốt, nhưng nếu không được 10 thì trên 5 là được.

■ Hãy hỏi ý kiến chân thành. Trước hết, hãy nói rõ mục đích bạn muốn xin ý kiến mọi người về bản thân bạn. Vấn đề là bạn phải yêu cầu họ chân tình và bạn phải cởi mở, không tự ái để họ có thể thẳng thắn cho biết ý kiến của họ.

■ Hãy khách quan. Cách tốt nhất để có được những lời khuyên khách quan và chân tình là hỏi mọi người xem liệu họ có ví dụ cụ thể nào về những gì bạn đã làm tốt cũng như những gì chưa tốt cần cải thiện hay không. Góp ý càng cụ thể thì bạn càng dễ áp dụng. Nếu chưa rõ điều gì, hãy hỏi lại nhưng phải cởi mở. Nên nhớ rằng những ý kiến đó là phản hồi, chứ không phải kiểm điểm.

Tiếp thu phản hồi mà không chống chế sẽ giúp bạn biết rõ những điểm yếu cũng như những điểm mạnh của bản thân mình.

“Cuộc đời thành công khi bạn sống trong tri thức và theo đuổi lý tưởng của mình, chứ không phải theo đuổi lý tưởng của người khác.”

Chin-Ning Chu, tác giả sách kinh doanh

Một phút suy ngẫm: Một câu hỏi rất hiệu quả để xin ý kiến của người khác về bạn là “Nếu có một việc tôi có thể làm để có cơ hội thăng tiến trong công việc thì theo bạn đó là gì?”

Hãy hỏi người thân về ưu, khuyết điểm của bạn và những gì bạn cần cải thiện thêm để được hiệu quả hơn trong công việc.

2DÁM ƯỚC MƠ

Thành công nghề nghiệp đôi khi do may mắn. Nhưng cũng như bất cứ hành trình nào trong đời sống, bạn sẽ không thể đến được nơi muốn đến nếu không có mục tiêu hay kế hoạch cụ thể. Bí quyết quản trị nghề nghiệp là trước tiên phải biết chính xác nghề nào phù hợp với bạn. Hãy lấy những gì bạn đã biết về chính mình – tức ưu điểm, cá tính, đam mê, nguyên tắc – để áp dụng vào viễn cảnh nghề nghiệp tương lai của bạn.

2.1 Nhìn xa trông rộng

Có được một viễn cảnh lâu dài trong nghề nghiệp sẽ giúp bạn có được những mục tiêu ngắn hạn, đặt kế hoạch nghề nghiệp lâu dài cũng như phản ứng tích cực đối với những thời cơ đến với bạn.

Một cuộc nghiên cứu trong thập niên 70 tại Hoa Kỳ đã phỏng vấn nhiều sinh viên về mục tiêu tương lai của họ. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ có tầm nhìn tương lai cho những năm sắp đến và số người viết được những viễn cảnh tương lai đó ra giấy rất ít. Sau nhiều năm, những nhà nghiên cứu thấy rằng những sinh viên mô tả được cụ thể mục tiêu cuộc đời họ thành đạt hơn toàn bộ những sinh viên còn lại.

Mục tiêu bắt đầu bằng khát vọng. Những thứ bạn muốn làm, muốn có trong nghề nghiệp của bạn là gì? Hãy thư giãn trước khi động não tìm ý tưởng.

■ Hãy động não và viết ra những chọn lựa nghề nghiệp bạn từng khao khát. Sau đó xếp chúng theo thứ tự khát khao của bạn.

■ Hãy nghĩ về những kỹ năng và kiến thức bạn thích sử dụng. Những ngành nào, nghề nào cần những kỹ năng đó?

■ Hãy mường tượng quang cảnh một ngày lý tưởng của bạn. Có những ai sẽ cùng tham gia? Bạn sẽ làm gì? Ngày đó bắt đầu ra sao? Bạn sẽ đi đâu?

■ Hãy thiết kế môi trường lý tưởng của bạn. Bạn sẽ ở vị trí nào? Bạn mong muốn có những ai ở xung quanh?

■ Cân nhắc thật kỹ hơn. Bạn cần làm gì để loại bỏ những thứ không thích và có thêm những thứ bạn muốn có trong đời?

Hãy đầu tư thời gian để ý tưởng được dồi dào. Hãy nghĩ xa hơn về tương lai. Bạn muốn nghề nghiệp thế nào sau 20 hay 30 năm nữa?

Đừng khắt khe với chính mình khi bạn lần đầu muốn làm việc này. Hãy nghĩ về tất cả mọi thứ bạn sẽ tự hào đạt được trong nghề. Những hạn chế, nếu có, cũng chỉ là những thứ bạn tự nghĩ. Đương nhiên bạn có lẽ không thể là nhà vô địch Olympic về môn lặn sâu ở tuổi 80, nhưng với những viễn cảnh mang tính khả thi thì khả năng đạt được là trong tầm tay bạn.

“Tương lai bạn nhìn thấy được chính là cái mà bạn sẽ có”.

Robert G. Allen, tác giả cuốn sách “One Minute Millionnaire”

Một phút suy ngẫm: Hãy dựa vào quá khứ để tìm hướng đi cho tương lai. Hãy nhớ lại từ 3 đến 5 lần thành công nhất của bạn từ trước đến nay và viết ra giấy. Hãy mô tả những gì bạn đã làm để có được thành công đó và những gì khiến bạn cảm thấy thành công. Bạn có thể thêm vào tương lai những mơ ước gì?

Hãy tự tạo cho mình một viễn cảnh và viễn cảnh đó sẽ là kim chỉ nam dẫn dắt bạn trong suốt tiến trình sự nghiệp.

2.2 SMART

Dựa trên viễn cảnh nghề nghiệp cụ thể đã có, hãy chia tách nó thành nhiều mục tiêu nhỏ. Công thức SMART (thông minh) sau đây sẽ giúp bạn vạch ra những mục tiêu ngắn hạn.

Những mục tiêu nhỏ là những cột mốc của mục tiêu lớn trong viễn cảnh nhiều năm sắp tới. Mục tiêu nhỏ sẽ làm cho những mục tiêu lớn đó khả thi. Những mục tiêu theo công thức SMART là:

■ S = Specific (cụ thể): Cái bạn đặc biệt muốn có. Càng chi tiết càng tốt. Bạn muốn nó ở đâu, khi nào, thế nào, với ai?

■ M = Measurable (đo đếm được): Làm sao bạn biết khi nào bạn đạt được mục tiêu đề ra? Bằng chứng cho thành công của bạn là gì?

■ A = Achievable (tính khả thi): Bạn cần những hành động gì để đạt được những mục tiêu này? Đầu tư thêm thời gian? Cần thêm tài nguyên?

■ R = Realistic (thực tế): Điều gì làm cho những mục tiêu đó khả thi và có thể thành công ? Bạn có cần thay đổi điều gì không ?

■ T = Timed (đặt thời hạn): Nếu bạn xác định rõ thời điểm cụ thể cho từng mục tiêu, bạn sẽ càng tập trung hơn trong hành động.

Hãy tính toán khi nào bạn có thể đạt được những kết quả đó: 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 10 năm, 20 năm?

Hãy chọn ra bốn mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay. Hãy viết ra lý do tại sao bạn nhất thiết phải đạt bằng được những mục tiêu đó. Hãy cụ thể, súc tích và lạc quan. Hãy cho biết lý do tại sao bạn phải đạt được những kết quả đó.

Những mục tiêu đó sẽ giúp bạn làm được những gì? Hãy suy nghĩ về mục đích của chúng. Nếu đạt được những mục tiêu đó thì bạn sẽ được hay mất những gì? Bạn cần nỗ lực để hành động trong thời gian dài. Bạn có sẵn lòng hy sinh để đạt được những mục tiêu đó không ?

Hãy nhớ rằng mục tiêu cần phải thiết thực và hấp dẫn, nếu không bạn sẽ sớm bỏ cuộc.

“Đừng cho rằng mình là người kiến tạo sự nghiệp mà hãy nghĩ rằng mình là người thợ điêu khắc.”

B. C. Forbes

Một phút suy ngẫm: Tốt nhất khi bắt đầu đặt mục tiêu cho mình, bạn hãy tự hỏi “Tại sao mình lại không thể có nó ngay lúc này?” Nếu khao khát muốn có nó ngay, bạn cần phải làm hay phải thay đổi điều gì? Câu hỏi trên sẽ cho bạn nhiều gợi ý hữu ích.

Nhớ rằng những mục tiêu đặt ra phải đúng công thức SMART, tức là Specific (cụ thể), Measurable (đo đếm được), Achievable (khả thi), Realistic (thực tế), và Timed (có thời hạn).

2.3 Dấn bước

Một kế hoạch dù vĩ đại đến mấy thì cũng chưa trở thành hiện thực nếu bạn không dấn bước. Bạn cần phải làm gì hôm nay, tuần này, tháng này, năm nay để có được kết quả? Hành trình dù dài đến mấy đều khởi sự từ một bước duy nhất.

Một khi đã đặt ra cho mình những mục tiêu, thì bí quyết là hành động càng nhanh càng tốt. Hãy xác định những bước đầu tiên của bạn.

1. Hãy tự hỏi, khoảng cách giữa tình huống thực tại và mục tiêu bạn muốn đạt được là gì? Bạn có cần phải được đào tạo thêm, ép mình theo kỷ cương, hay học thêm gì không ? Bạn cần phải làm gì trước cho từng mục tiêu đó?

2. Bây giờ hãy quyết định làm ngay một hành động nhỏ nhất có thể để đưa bạn vào sâu trong kế hoạch. Nộp đơn nhập học? Gọi bạn bè hỏi thêm thông tin? Viết lý lịch xin việc?

Khi bạn bắt tay vào thực hiện giấc mơ nghề nghiệp, dẫu kế hoạch đó chưa thực hoàn chỉnh hay một vài bước thực hiện về sau còn chưa rõ cũng không thành vấn đề. V ì sau này bạn vẫn có thể thêm vào những bước thực hiện đó khi bạn đã tiến bước trong nghề. Cái quan trọng là phải cam kết khởi sự đúng hướng. Nếu cần thiết, bạn vẫn có thể sửa đổi lại những mốc hành trình về sau.

“Khát vọng mạnh mẽ và bén rễ sâu là điểm khởi đầu của mọi thành tựu.”

Napoleon Hill, tác giả cuốn sách “Think and Grow Rich”

Hãy nghĩ về bước đi đầu tiên mà bạn cần làm ngay cho từng mục tiêu.

Tình huống: Ben đã quyết định đề ra mục tiêu 10 năm cho nghề nghiệp của mình. Việc đầu tiên anh làm là viết chi tiết những cái anh muốn đạt được về bằng cấp, chức danh và học vị. Anh cũng lập danh mục những kỹ năng, thái độ và lòng tin cần có để đạt được những gì mình muốn. Sau đó, anh lập danh mục những hành vi từng khiến anh thất bại trong quá khứ và cách khắc phục. Vì công việc mới anh muốn làm lại thuộc lĩnh vực khác, nên anh xin sếp cho làm thêm việc ở một phòng khác để phát triển những kỹ năng mới. Nhờ thế anh có thêm kinh nghiệm quý giá phù hợp với mục tiêu lâu dài của mình.

2.4 Cam kết 100%

Không ai có thể xúc tiến một việc bằng cách thụ động. Những mục tiêu đặt ra dù đẹp cũng sẽ chẳng ích lợi gì nếu bạn không có biện pháp thực hiện. Nếu có làm mà chỉ làm một phần thôi rồi bỏ ngang thì cũng chẳng đi đến đâu. Càng dành nhiều thời gian tìm hiểu rõ cái bạn muốn càng khiến bạn dốc sức 100% vào việc theo đuổi mục tiêu mà mình mơ ước.

Việc thăng tiến nghề nghiệp đôi khi đòi hỏi bạn phải hy sinh vài tiện nghi hiện tại. Lý do là vì bạn cần trải nghiệm những công việc mới để có thêm kinh nghiệm mới và thành công mới trong đời.

■ Thái độ dốc sức tuyệt đối. Hãy chuẩn bị để trở nên linh hoạt, chấp nhận rủi ro và dấn thân trọn vẹn.

■ Ý chí đổi mới. Dốc sức cho mục tiêu đòi hỏi tinh thần năng nổ học hỏi. Tinh thần dám chịu trách nhiệm trong công việc, làm khuya dậy sớm,… sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu bạn muốn.

Hãy xác định những gì cần làm để đạt được mục tiêu. Nếu bạn còn ngại khó, bạn có thể cũng đạt được một thành quả nào đó nhưng chắc chắn không phải là cái bạn dự tính lúc đầu. Và, nếu vậy, bạn vẫn chưa thể quản trị được nghề nghiệp và lại trở về với vế “kết quả” của phương trình nguyên nhân > kết quả.

Dĩ nhiên bạn có thể thay đổi mục tiêu. V ì thế, khi đang thực hiện mục tiêu thăng tiến, thành lập công ty mới hay tái đào tạo cho mình một công việc mới mà bạn còn lấn cấn “Công việc này chưa thực sự phù hợp với mình”, thì lúc đó hãy đặt lại một mục tiêu mới khác phù hợp hơn. Nhưng nếu bạn thực sự muốn mục tiêu đó, bạn cần phải toàn tâm, toàn ý với nó, không phải 99% hay thậm chí 99,95% mà phải là 100% con tim, khối óc và công sức. Chỉ có như vậy mới đảm bảo thành công.

Nên nhớ là chỉ có mục tiêu đúng mới là phần thưởng xứng với kỳ vọng của bạn.

“Nếu người ta có thói quen đề ra mục tiêu và đạt cho được mục tiêu thì thành công coi như đã đạt được một nửa”.

Og Mandino, tác giả cuốn sách “The Greatest Salesman in the World”

Một phút suy ngẫm: Hãy nhớ “Thất bại là mẹ thành công”. Nếu bạn luôn cố gắng, thì dù sai lầm cũng không sao. Khi bạn chưa đạt kết quả mong muốn, hãy rút lấy kinh nghiệm đó để có quyết định tốt hơn ở lần sau và chính nó sẽ đưa bạn đến với mục tiêu.

Chỉ có cam kết 100% mới giúp bạn chủ động đạt được những mục tiêu ý nghĩa.

2.5 Tìm thần tượng

Người có mục tiêu hoàn toàn giống bạn thì không có, nhưng người có mục tiêu tương tự như bạn hay người bạn xem như thần tượng của mình thì có rất nhiều. Cho dù không biết họ, nhưng những gì họ đã làm vẫn có thể là nguồn cảm hứng cho bạn.

Hiện nay bạn đã có được những tài nguyên gì? Để đạt được kết quả đề ra, bạn có cần thêm những tài nguyên khác không ? Có thể bạn đã có kiến thức nhưng còn thiếu kỹ năng.

Giả sử, mục tiêu bạn đề ra là tiếp tục được thăng tiến. Vậy trong những lần thăng tiến trước, bạn đã sử dụng những kỹ năng gì? Xây dựng mạng lưới quan hệ? Thương lượng ? Với kinh nghiệm đã có, bạn sẽ có mốc tham khảo để đánh giá việc gì có hiệu quả, việc gì chưa. Nếu hành động tương tự, bạn có thể sẽ đạt được kết quả tương tự.

Nhưng nếu bạn chưa từng thành công trong nghề nghiệp trước đây thì làm sao bạn biết được mình cần kỹ năng gì cho lần này? Bạn có thể hoặc khởi sự từ vạch xuất phát, hoặc học hỏi kinh nghiệm từ những thần tượng mà bạn chọn.

1. Bạn có quen biết ai thành công từng vươn lên đến vị trí bạn muốn? Mối quan hệ của bạn có đủ thân để hỏi họ kinh nghiệm không ? Nếu họ là cấp trên của bạn trong công ty, bạn có thể nhờ họ tư vấn hay hướng dẫn không ?

2. Thử hình dung xem bạn cần những tài nguyên gì để đạt được mục tiêu? Hãy nghĩ đến thần tượng của bạn. Họ có những tài nguyên gì để thực hiện được thành quả mong muốn? Có điểm tương đồng nào bạn thấy có thể tận dụng không ?

3. Nếu bạn chưa tìm được ai trong thực tế cuộc sống làm thần tượng noi theo, hãy nhìn ra xung quanh. Bạn có biết người nào mà báo đài từng nói đến, ở trong nước hay ngoài nước, mà bạn có thể noi gương, cạnh tranh hay học hỏi không ? Hãy thử tưởng tượng xem họ sẽ khuyên bạn phải làm điều gì kế tiếp?

Một phút suy ngẫm: Hãy viết tên một người mà bạn cảm phục trong nghề của bạn. Hãy nghĩ đến những niềm tin của họ về công việc. Quan niệm nghề nghiệp của bạn có khác với họ không? Bạn lĩnh hội được gì từ những niềm tin đó? Trong những niềm tin đó, điều gì có khả năng làm bạn thành công?

Hãy học hỏi thần tượng mà bạn quen biết hay từ cuộc sống xung quanh.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button