Kỹ năng mềm

Quản Lý Thời Gian – Richard Guare

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Richard Guare

Download sách Quản Lý Thời Gian – Richard Guare ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

BẠN CÓ MẤT TẬP TRUNG VÀ CĂNG THẲNG

Ginger lại một lần nữa gặp trục trặc. Cô không tài nào xoay đủ thời gian để hoàn tất bài diễn thuyết cô phải thực hiện ngày mai trước một vị khách hàng tiềm năng quan trọng trong lĩnh vực marketing. Giờ đã là 4h45’ chiều, và cô sẽ phải đi đón cậu con trai từ buổi tập bóng đá sau 15’ nữa. Cô cần phải trình bày bằng PowerPoint cho người giám sát của mình trước khi rời cơ quan, và có lẽ sẽ mất tới 45’ đồng hồ để thực hiện việc đó. Cô ghé qua văn phòng của người giám sát để thông báo tin tức không mấy vui vẻ này. “Kerry, tôi biết chị muốn nắm được tiến trình làm việc của tôi trước khi ra về, nhưng buổi tập bóng của Kevin kết thúc lúc 5h chiều, mà tôi thì không thể bắt thằng bé đợi được. Hay tôi gửi cho chị lúc 9h tối nhé?”. Kerry thậm chí còn chẳng buồn che giấu sự bất mãn của mình. “Ginger, sao cô lúc nào cũng vậy! Cô phải tìm ra cách nào đấy để kiểm soát thời gian tốt hơn đi nó không chỉ ảnh hưởng đến công việc của cô mà còn của cả tôi nữa. Tôi là người dậy rất sớm. 9h tối thì tôi đi ngủ đến nơi rồi!”

Ginger khẩn khoản xin lỗi, vội vã thu xếp đồ đạc rồi chạy ào khỏi văn phòng, đồng thời gọi di động cho Kevin nói với thằng bé rằng mình sẽ đến muộn vài phút. Vừa lái xe băng qua thành phố đến trường con, cô vừa điên cuồng nghĩ về những việc khác mình cần làm tối nay. Cả nhà sẽ làm gì trong bữa tối đây? Thế rồi cô sực nhớ ra rằng mình vẫn chưa lấy món thịt hầm khỏi ngăn đá để rã đông, và tự hỏi liệu cả nhà có thể thông cảm cho một bữa tối chữa cháy bằng thức ăn nhanh khác hay không.

Cô lái xe vào trường, bắt gặp Kevin đang lủi thủi một mình, là học sinh cuối cùng còn đứng chờ bố mẹ tới đón. Thằng bé lẳng ba-lô ra ghế sau rồi ngồi vào ghế trước. “Sao lúc nào con cũng là đứa cuối cùng được đón?” nó nóng nảy.

Ginger xin lỗi con rồi cố gắng thay đổi đề tài. “Con có bao nhiêu bài tập về nhà?” cô hỏi. Kevin nhún vai: “Con làm gần hết ở trường rồi,” cậu bé đáp “Mà cô Clark cho chúng con thêm một tuần để hoàn thành bài luận văn về điều tra xã hội cơ.” Ginger tự hỏi liệu có chính xác là như thế. Lần cuối cùng Kevin nói với cô về việc được gia hạn thời gian nộp bài, hoá ra lại là một lời bịa đặt bởi thằng bé không thể hoàn thành được bài tập được giao nhưng lại không muốn thừa nhận điều đó. Ginger nhăn mặt khi nhớ lại sự việc ấy, rồi lần thứ bao nhiêu không biết, cô nghĩ rằng đặc điểm di truyền này thật không chệch đi đâu được.

Ginger lái xe vào một nhà hàng KFC và mua bữa tối. Đây là việc bất đắc dĩ thôi, cô nghĩ, nhẹ nhõm hẳn khi thấy Kevin không phàn nàn gì. Khi họ về đến nơi, cô đưa túi đồ ăn cho Kevin và nhờ con mang nó vào nhà, còn mình thì vớ lấy túi đựng máy tính. Khi nhấc nó lên khỏi sàn xe băng ghế sau, cô sực nhận ra rằng nó nhẹ bỗng. Cô thầm chửi thề khi kéo khoá và hé mắt nhìn vào trong. Hẳn rồi, hai tập tài liệu cô cần cho công việc đêm nay thì vẫn ở đó, nhưng cái máy tính xách tay thì không. Giờ thì cô biết làm gì đây?

Vào đến nhà thì mắt cô cũng đã ngân ngấn nước. Chồng cô, người về nhà trước cô một chút, cũng chỉ vừa mới cởi áo khoác, nhìn cô. “Sao nào?” anh hỏi, và Ginger ngờ ngợ rằng ngày làm việc hôm nay của anh cũng căng thẳng chẳng kém gì cô.

Cô kể cho anh nghe chuyện đã xảy ra. “Vậy là giờ em sẽ phải lái xe quay trở lại cơ quan để lấy máy tính?” anh hỏi. “Chẳng phải gần đây em đã quên vô số thứ hay sao?”

“Ồ, còn anh thì là Quý Ông Hoàn Hảo chắc?” cô chì chiết. “Theo như em còn nhớ, thì chúng ta đã phải huỷ thẻ tín dụng bởi vì anh đánh mất nó trong chuyến công tác gần đây nhất của mình. Mà có thể anh cũng chẳng đánh mất nó đâu,” cô nói thêm “có khi nó đang ở đâu đó trong đáy chiếc va-li của anh mà anh chẳng bao giờ thèm sờ đến.”

Con gái họ, Kim, đi xuống nhà giữa lúc cuộc đấu khẩu đang diễn ra và con bé hiểu ngay vấn đề. “Mẹ! Mẹ quên mất là mẹ phải giúp con thực hiện dự án môn Giáo dục Công dân rồi đúng không ạ? Mẹ đã hứa tối nay con có thể thu âm một cuộc phỏng vấn với mẹ – và hạn chót nộp bài là thứ Sáu! Nếu con không thu âm ngay tối nay, con sẽ không thể hoàn thành đúng hạn được!”

Ginger rên rỉ. “Được rồi được rồi mọi người. Cùng vào bàn ăn tối thôi và chúng ta sẽ cố gắng giải quyết mọi việc.” Cô mở cánh cửa chạn bát và lấy bát đĩa ra. Chồng cô thì quay về phía ti-vi và bật kênh ESPN để theo dõi tin tức thể thao ngày hôm qua. “Phụ tôi xếp mâm bát thì anh chết à?” cô thầm nghĩ. Khi bày đến dao dĩa và khăn ăn, cô sực nhận ra rằng cuộc sống của cô đã diễn biến theo chiều hướng này khá lâu rồi. Hoặc là thời gian ban ngày không hề đủ cho cô làm tất cả những việc cần làm, hoặc là cô không biết cách sử dụng thời gian một cách hợp lý. Mọi mút thần kinh của cô trở nên hoảng loạn, và cô có cảm giác mình có thể gây gổ với bất cứ người nào chực chỉ trích mình. Cần phải thay đổi điều gì đó.

Những điều kể trên nghe có quen tai không?

Chúng ta đều có những ngày như thế. Rõ ràng bạn có thể cá nhân hoá tình huống này, cũng như bổ sung thêm vào danh sách những nguồn gây áp lực. Và có lẽ chúng ta đã kết luận rằng đây chính là cuộc sống thế kỷ 21, và chúng ta chẳng thể làm gì để cải thiện nó. Hãy cố gắng nuốt trôi nó, nhoẻn miệng cười và chịu đựng nó, mặc xác nó đấy, hít một hơi thật sâu, đếm đến 10, cho bản thân mình hoặc người khác những lời khuyên nhằm giúp chúng ta cảm thấy khá hơn. Nhưng không hiểu sao việc đó chẳng bao giờ có tác dụng.

Dĩ nhiên, có nhiều lý do biện hộ cho tình trạng căng thẳng thần kinh của chúng ta. Cuộc sống hiện tại ngày càng trở nên phức tạp và khắt khe hơn so với thế hệ đi trước. Những ngành nghề con người đang làm ngày nay buộc họ phải làm việc nhanh hơn và vất vả hơn, và ngày càng có nhiều công việc đòi hỏi làm thêm giờ và làm việc ở nhà. Việc này có thể giúp chúng ta luôn dễ dàng có mặt khi con trẻ đi học về, nhưng nó cũng đồng thời xoá nhoà ranh giới giữa cuộc sống công sở và cuộc sống thường nhật theo cái cách khiến chúng ta cảm thấy ta không đủ thời giờ chết để mà phung phí, và chúng ta luôn luôn cố gắng kiêm nhiệm nhiều việc một lúc bất chấp những bằng chứng đáng tin cậy cho biết não bộ của chúng ta không đủ sức cho việc đó. Ngoài ra, công nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần can thiệp vào cuộc sống gia đình, nên cho dù cả nhà vẫn quây quần bên nhau, chúng ta vẫn cảm thấy bị chia tách bởi điện thoại thông minh, Facebook, tin nhắn và Twitter.

ĐỌC THỬ

Điều này sẽ đẩy chúng ta đến đâu? Có bao nhiêu điều dưới đây đúng với bạn hoặc với những người bạn đang chung sống và làm việc cùng?

– Quá nhiều việc phải giải quyết trong tám tiếng làm việc mỗi ngày.

– Cuộc sống gia đình – công việc xung đột với nhau, khi những yêu cầu của nửa này xâm phạm đến nửa kia.

– Không hài lòng với công việc, bởi vì làm tốt nó ta lại gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, để rồi lại cảm thấy ăn năn vì đã không chu toàn được cả hai nửa theo cách chúng ta kỳ vọng.

– Sự lôi cuốn của công nghệ và một thế giới kết nối mạng 24/7 nơi chúng ta không thể thoát ra – và lại sử dụng chính công nghệ đó để cố gắng trốn thoát!

– Xung đột giữa các cặp vợ chồng, bởi những áp lực công việc – gia đình mà họ đều phải chịu đựng đã xui khiến họ trách móc lẫn nhau vì đã không làm tốt phần việc của mình, dẫn đến tình trạng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt trong nhà.

– Xung đột giữa phụ huynh và con trẻ, bởi trẻ dường như không hề nhận ra rằng cả một tương lai đang chờ đón chúng ngoài kia, mà chúng chưa hề được chuẩn bị để đương đầu.

– Một lịch làm việc buộc chúng ta phải xoay như chong chóng với vô số yêu cầu về nhà cửa, gia đình và công việc, mà muốn làm tốt cần đến 36 tiếng mỗi ngày và một bảng biểu ba chiều mới hiểu hết.

Tất cả những điều trên là thách thức đối với chúng ta, bởi vì chúng ta đã sử dụng tối đa phần não bộ được thiết kế để kiểm soát tính phức tạp. Được gói gọn bên trong phần tiền trán của vỏ não (bộ phận não nằm ngay sau xương trán) là một loạt kỹ năng được gọi là kỹ năng điều hành được thiết kế nhằm giúp một người thực hiện các nhiệm vụ của cuộc sống thường nhật. Có thể bạn đã từng nghe về chúng. Cũng có thể bạn đã từng xem qua một cuốn sách khác của chúng tôi, như Thông minh nhưng Thiếu tập trung, nơi chúng tôi mô tả về những kỹ năng điều hành ở trẻ em, hoặc bạn có thể đã từng đọc những câu chuyện trên các tờ báo nổi tiếng và sự hiếu kỳ trong bạn đã được khơi gợi.

Chúng được gọi là kỹ năng điều hành, bởi chúng là những kỹ năng cần thiết khi thi hành các nhiệm vụ.

Chúng là một nhóm bao gồm nhiều nhân tố khác nhau như vỡ tình huống, duy trì sự tập trung, lập kế hoạch, tổ chức, quản lý thời gian, điều tiết cảm xúc, kiểm soát bốc đồng và một số yếu tố khác (xem bảng) nhưng tất cả đều có một điểm chung là, những kỹ năng đó vận hành tốt bao nhiêu, thì chúng ta sẽ vừa có thể thực hiện tốt những đầu việc trong cuộc sống thường nhật, lại vừa phát triển tốt một kế hoạch để đạt được những mục tiêu mong muốn bấy nhiêu. Ngược lại, kỹ năng càng yếu thì chúng ta càng có xu hướng phải vật lộn với đủ thể loại yêu cầu bị đặt lên đôi vai bởi công việc, nhà cửa và cuộc sống gia đình hàng ngày.

Ginger rõ ràng phải vật lộn với rất nhiều nhược điểm trong kỹ năng điều hành, bao gồm ghi nhớ công việc, kiểm soát thời gian và kiềm chế cảm xúc. Chồng cô có vẻ cũng có những điểm yếu của riêng mình, như óc tổ chức và siêu nhận thức (loại kỹ năng cho phép bạn hình dung ra những viễn cảnh lớn lao hơn, như khả năng bạn có thể hỗ trợ khi giúp vợ sắp bát đĩa). Và Kevin, cũng giống như mẹ cậu, dường như có kỹ năng kiểm soát thời gian kém và có lẽ là kỹ năng lập kế hoạch thuộc loại yếu. Riêng chị gái cậu có thể giỏi hơn trong một số kỹ năng vừa kể trên, nhưng vẫn cảm thấy tuyệt vọng bởi mọi người xung quanh cô bé đều phải vất vả vật lộn với những kỹ năng mà cô bé có thể sở hữu một cách tự nhiên và dễ dàng.

Điều mà thế kỷ 21 đã làm chính là đặt ra những đòi hỏi mới lên chức năng điều hành của chúng ta, điều mà trước đây chưa từng xảy ra, sự phức tạp mà chúng ta bị yêu cầu phải thực hiện, những điều chúng ta phải nhớ để sống sót qua được một ngày, những nghĩa vụ và bổn phận đang cùng lúc xâu xé chúng ta theo nhiều hướng đã vượt quá khả năng kiểm soát bình thường của thuỳ não. Chúng ta cười nói, tuyên bố chúng ta có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, và rằng đó chính là cách chúng ta sống hàng ngày, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên thực tế não bộ không thể đảm đương được một lúc nhiều nhiệm vụ, và những nỗ lực của chúng ta đã kìm hãm tính hiệu quả của công việc, cũng như gia tăng khả năng sơ suất và thiếu sót. Vậy thì, thật là kém may mắn, đây không phải câu trả lời.

Vậy thì đâu mới là câu trả lời? Chúng tôi cho rằng việc thấu hiểu về kỹ năng điều hành, biết cách sử dụng và cải thiện chúng là chìa khoá để có thể xoay xở dễ dàng hơn, thậm chí thành công trong cuộc sống hiện đại.

BẢNG 12 NHÂN TỐ

– Kiểm soát phản ứng

– Ghi nhớ công việc

– Điều tiết cảm xúc

– Triển khai công việc

– Duy trì tập trung

– Lập kế hoạch/chọn phương án ưu tiên

– Tổ chức

– Quản lý thời gian

– Tính linh hoạt

– Siêu nhận thức

– Bền bỉ hướng tới mục tiêu

– Chịu đựng căng thẳng

Cuốn sách này sẽ giúp bạn:

Nếu bạn có xu hướng…

– Hay chần chừ;

– Chưa xong việc này đã nhảy sang làm việc khác;

– Gặp khó khăn với việc giữ gìn vệ sinh chỗ làm và nhà cửa gọn gàng ngăn nắp;

– Quên không thực hiện những điều đã hứa

– Đi muộn kinh niên;

– Mất bình tĩnh khi mọi người không cư xử như cách bạn trông đợi;

– Cố gắng để tìm ra một phương án dự phòng khi mọi việc không xảy ra theo cách bạn trông đợi;

– Vẫn lề mề lãng phí thời gian trong khi vẫn biết rằng còn rất nhiều việc phải làm;

… vậy thì đúng, cuốn sách này là dành cho bạn.

Một khi bạn đã nắm được bản chất của những kỹ năng điều hành – cả danh sách các kỹ năng được bao gồm trong phạm vi này lẫn cái cách mà cả điểm mạnh lẫn điểm yếu gây ảnh hưởng lên khả năng làm việc mỗi ngày của chúng ta – bạn sẽ bắt đầu thấu hiểu rõ hơn về cách thức vận hành chúng, cùng với lý do tại sao bạn lại có thể thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm này tốt hơn nghĩa vụ và trách nhiệm khác. Và chỉ cần bạn dừng lại đôi chút để cân nhắc sơ lược về các kỹ năng điều hành của những người sống và làm việc xung quanh bạn thôi, thì hành vi của họ cũng sẽ đột nhiên trở nên dễ hiểu hơn nhiều.

Hy vọng mà chúng tôi nhắm tới cho quý vị độc giả của cuốn sách này là bạn sẽ đạt được hai điều cụ thể. Trước hết, chúng tôi mong sẽ cung cấp cho các bạn công cụ và chiến lược nhằm cải thiện bất cứ kỹ năng điều hành nào còn yếu kém mà bạn đang muốn nâng cao. Những nghiên cứu gần đây về não bộ khẳng định với chúng ta rằng tính dẻo của não (khả năng thay đổi theo thời gian và qua quá trình tập luyện hướng tới những mục tiêu cụ thể của não bộ) sẽ tiếp diễn liên tục trong suốt cuộc đời của chúng ta chứ không kết thúc vào một thời điểm nhất định nào của thời thơ ấu như ban đầu người ta vẫn nghĩ. Tin xấu là sẽ cần gấp bội nỗ lực và sự rèn luyện bền bỉ để thay đổi bộ não của người lớn, hơn là mục tiêu tương tự ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Tin tốt là nếu như bạn muốn nâng cao kỹ năng điều hành, các nhà tâm lý và nghiên cứu khác đã phát minh ra các chiến lược đã được chứng minh hiệu quả giúp thực hiện điều đó. Một số phần trong những nghiên cứu kiểu này tương đối phức tạp và rối rắm (khiến cho việc đọc trở nên nhàm chán, thật sự là thế). Kế hoạch của chúng tôi là nhằm cô đọng lại những nghiên cứu ấy thành những quy trình thực tiễn hơn để bạn có thể dùng và áp dụng nó vào cuộc sống của mình.

Thứ hai, chúng tôi mong bạn bao dung hơn với những kỹ năng điều hành chưa tốt của chính mình và những người xung quanh, cũng như biết đề cao ưu điểm của mình và những người mình cùng chung sống và làm việc, như vợ, chồng, con cái và đồng nghiệp, và cách những ưu điểm ấy có thể sử dụng để bù đắp cho nhược điểm. Lý tưởng nhất là sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ không chỉ biết sử dụng thế mạnh của bản thân để chế ngự những điểm chưa tốt, mà còn có khả năng thấu hiểu những thế mạnh của người khác để khắc phục nhược điểm của mình. (Vẫn phải thừa nhận, việc này chỉ đạt kết quả tối ưu khi bạn sử dụng sở trường của mình để giúp mọi người xung quanh khắc chế những nhược điểm của chính họ, bởi vì mọi việc giống như một con đường hai chiều hơn là sự hưởng lợi một chiều).

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button