Kỹ năng mềm

Phút Cuối – Nhẹ Bước Lên Con Đường Mới

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Norine Dresser

Download sách Phút Cuối – Nhẹ Bước Lên Con Đường Mới ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu của Norine Dresser

“Mẹ có biết mẹ giống thổ dân Aztecs(1) lắm không?”, – con rể, Julio, hỏi tôi. Tôi kinh ngạc hỏi lại: “Ý con là sao?”. “Thì mẹ đắm mình trong các hiện vật của sự chết, giống hệt họ vậy đó”, – Julio thản nhiên giải thích. Tôi trầm ngâm một lúc và nhìn một vòng căn nhà với đầy các đồ vật liên quan đến cái chết: khẩu trang, quan tài, đầu lâu, ma cà rồng… Ngay cả chiếc ly uống cà phê yêu thích của tôi cũng mang logo của cửa hàng bán đồ kinh dị L.A County Coroner. Julio đã đúng, ngoại trừ việc tôi không uống máu tươi như thổ dân Aztecs và với cây ba toong này thì tôi không có cách nào để leo lên kim tự tháp của họ được.

Tôi không hề lớn lên với cảm giác thoải mái về cái chết hay được bao bọc bởi các vật dụng liên quan đến cái chết. Đây là sở thích chỉ xuất hiện sau này. Cha mẹ tôi chưa bao giờ nói về cái chết của chính mình và luôn cố gắng “cách ly” tôi khỏi những cái chết khác. Tôi thậm chí đã không tham dự đám tang của ông bà mình vì cả hai lần đó tôi đều đang mang thai, mà theo quan niệm của người Do Thái, nếu tôi có mặt ở đám tang thì đứa trẻ trong bụng có thể bị Diêm Vương đánh dấu (!). Và hậu quả là việc đến dự đám tang lần đầu tiên khi đã trưởng thành thật là đáng sợ.

Thái độ của tôi với cái chết lung lay sau khi, với tư cách là giáo sư đại học và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi đã tham dự lễ kỷ niệm truyền thống của người Mexico, Ngày Của Người Chết, được tổ chức vào ngày 2 tháng 11 hàng năm. Nghi lễ bắt đầu tại nghĩa trang Evergreen Cemetery ở East Los Angeles, theo sau là một đám rước dài trong trang phục hình bộ xương, ma cà rồng và hồn ma của những người nổi tiếng. Cuộc diễu hành kết thúc tại phòng triển lãm Self Help Graphics Art ở đại lộ Brooklyn, nơi đặt một bàn thờ khổng lồ với các cỗ quan tài thu nhỏ, những bộ xương, cùng kẹo bông hình đầu lâu với tên của người đã khuất được viết bằng đường nhiều màu sắc. Trên bàn chất đầy những chiếc bánh mì thơm phức được trang trí hình đầu lâu và xương chéo dành riêng cho Ngày Của Người Chết, những bó hoa vàng và di ảnh của những người mới qua đời. Trên chiếc bàn thứ hai là những cây nến đang cháy và các món ăn mà người chết đã được thưởng thức khi còn sống. Một buổi tiệc dành cho thị giác.

Điểm thu hút nhất chính là chiếc quan tài bằng bìa cứng có kích thước bằng quan tài thật đặt trên sàn nhà, với một sợi dây thắt nút ở phía cuối. Đám trẻ con ngập ngừng tiến lại gần và kéo sợi dây, khiến nắp chiếc quan tài mở ra – và một bộ xương bật dậy.

Tôi nghĩ cho trẻ chơi với các tạo tác của cái chết như vậy cũng hay. Nó khác xa ngày lễ Halloween, bởi nó chân thực hơn. Không chỉ vậy, vào ngày hôm trước – là Lễ Chư Thánh – người Mexico và người Mỹ gốc Mexico đi tảo mộ, dọn dẹp mộ chí và trang trí bằng các loại hoa có màu vàng. Những sự kiện hàng năm liên quan đến cái chết mà không hề mang lại nỗi buồn trực tiếp như thế đã khiến tôi có quan điểm lành mạnh về cái chết hơn so với cách tôi đã được nuôi dạy.

Chỉ sau lần tham dự Ngày Của Người Chết đầu tiên, tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về cái chết. Tôi nói chuyện với chồng mình về chủ đề này thường xuyên hơn, thậm chí còn mua phần đất chôn cho mình trước cả chục năm. Để tiết kiệm ngân sách, chúng tôi chọn phần mộ có hai tầng và thường trêu nhau: “Ai sẽ được nằm trên nhỉ?”.

Tôi cũng không quá bảo vệ các con khỏi những điều liên quan đến cái chết. Chết là một phần của sự sống, và tôi nghĩ mình đã khá giác ngộ điều này, đặc biệt là sau khi trở thành một người gần như là chuyên gia trong mảng phong tục về cái chết của các nền văn hóa. Tuy nhiên, quan điểm của tôi đã bị thử thách khi Harold, người chồng đầu gối tay ấp suốt 50 năm qua, ốm nặng. Việc chăm sóc anh theo chương trình chăm sóc bệnh nhân hấp hối, nhìn anh ngày một yếu dần trong suốt một năm, quả đã khiến tôi chao đảo. Dù vậy, việc sống sát bên cái chết trong mọi sinh hoạt hàng ngày đã củng cố niềm tin mà tôi được mở mang sau lần tham gia Ngày Của Người Chết đó.

Một thời gian ngắn sau khi Harold qua đời, tôi gặp Fredda Wasserman, một chuyên gia về nỗi đau mất mát. Chúng tôi ngay lập tức trở nên ăn ý, từ tính cách đến quan điểm về cái chết và thời gian hấp hối, và trên hết là sứ mệnh chung: xua tan những huyền thoại vây quanh cái chết và nói cho những người khác hiểu về tầm quan trọng của việc chuẩn bị tinh thần cho cuộc hành trình không tránh khỏi.

Chúng tôi cùng bắt tay viết quyển sách này với mục tiêu chung là giúp bạn và những người khác đối mặt thách thức khi buộc phải nói lời vĩnh biệt với người mà bạn yêu thương. Chúng tôi tin chắc rằng mình sẽ thành công.

NORINE DRESSER

Lời giới thiệu của Fredda Wasserman

Là một bác sĩ tâm lý và chuyên gia nghiên cứu về cái chết, khách hàng của tôi là những người phát hiện mình mắc căn bệnh có thể làm thay đổi cả cuộc đời. Công việc của tôi là đồng hành với họ trong suốt quá trình chạy chữa, chúc mừng khi họ khỏi bệnh, ở bên họ khi họ qua đời và giúp gia đình, bạn bè họ vượt qua nỗi đau mất mát. Tôi biết ơn bệnh nhân và khách hàng – những người đã cho phép tôi đi cùng trên những chặng đường cuối của cuộc đời. Ý nghĩa sâu sắc của những khoảng thời gian đó chính là nguồn cảm hứng để tôi trở thành đồng tác giả của cuốn “Phút cuối”.

Tôi cho rằng sự thoải mái của mình với việc kết thúc cuộc sống và với cả cái chết đều bắt nguồn từ tấm lòng từ bi phi thường và nhận thức sâu sắc của mẹ rằng cái chết chính là một phần của sự sống. Bà nói với tôi về cái chết và nỗi đau mất mát cũng nhẹ nhàng như khi bà giải đáp những thắc mắc của tôi về việc em bé ra đời như thế nào (tôi chính là đứa trẻ đầu tiên trong khu nhà biết được sự thật này!). Mẹ cùng tôi đến thăm nhà bạn bè và họ hàng có em bé chào đời, dự đám tang và gọi điện chia buồn – như những biểu hiện của thái độ trân trọng trước sự bắt đầu và kết thúc của một cuộc đời.

Mục tiêu trong suốt sự nghiệp của tôi là đem những khái niệm cái chết, người hấp hối và nỗi đau mất người thân ra khỏi không gian kín bưng, chật chội. Công việc chăm sóc dài hạn bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS đã củng cố niềm đam mê và cam kết của tôi. Là giám đốc điều hành Trung tâm Xoa dịu Nỗi đau Ngôi Nhà Của Chúng Ta, tôi đã có cơ hội đồng hành với hàng trăm người gặp nỗi đau mất mát, và mỗi người trong số họ lại thuyết phục và củng cố niềm tin của tôi vào khả năng tự chữa lành vết thương lòng của mỗi người.

Viết quyển sách này đã trở thành công việc của tình yêu thương. Từ tận đáy lòng, tôi xin cảm ơn đồng tác giả Norine Dresser, đồng thời cảm ơn những người đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của họ hay giới thiệu cho chúng tôi những người bạn có câu chuyện cuộc đời muốn kể.

FREDDA WASSERMAN

ĐỌC THỬ

Hành trình không thể tránh…

Quyển sách Phút cuối sẽ giúp bạn vượt qua trải nghiệm có thể được xem là đau đớn nhất trong đời. Nếu người thân của bạn đang ốm nặng hay sắp chết, bạn sẽ tìm được ở đây những gợi ý để làm theo sự mách bảo của bản năng và con tim khi phải nói lời vĩnh biệt. Trong trường hợp chính bạn là người sắp từ giã cõi đời, bạn sẽ hiểu thấu đáo điều gì đang đợi mình ở phía trước. Hoặc khi người thân của bạn đã qua đời, bạn sẽ tìm ra cách để vượt qua đau buồn. Nếu bạn phải an ủi người đang gặp nỗi đau mất mát, bạn sẽ tìm thấy lời khuyên khi ở bên cạnh người đó trong khoảng thời gian quan trọng này. Nếu bạn là người chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, khả năng đồng cảm của bạn sẽ càng được nâng cao. Nếu bạn chỉ là một độc giả bình thường, bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với chương cuối quyển sách cuộc đời mình bằng tình yêu và chân giá trị.

Mỗi chương đều bắt đầu bằng một câu chuyện hài hước. Chúng tôi đưa vào đây những mẩu chuyện vui vui vì nụ cười và nước mắt luôn gắn chặt với nhau. Như nhà soạn kịch George Bernard Shaw đã từng viết trong vở Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của vị bác sĩ:“Cuộc sống vẫn không chấm dứt những câu chuyện khôi hài khi có ai đó qua đời, cũng không phát sinh những vấn đề nghiêm trọng khi có ai đó cười đùa”.

Mặc dù quyển sách này bao gồm những câu chuyện có thật trong cuộc sống, nhưng một vài ví dụ minh họa lại là tập hợp câu chuyện của nhiều cá nhân và gia đình. Để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người, nội dung chuyện đã được hư cấu phần nào và tên nhân vật cũng thay đổi, ngoại trừ Fredda, Norine, Harold và những người được nêu đầy đủ họ tên.

Con voi trong phòng

Giấc mơ lặp đi lặp lại của diễn viên hài Art Buchwald khi ông đang cận kề cái chết:

Tôi bước vào phòng chờ ở sân bay Dulles. Loa phát thanh liên tục thông báo: “Thiên đường ở ngay lối ra cuối. Máy bay sẽ quá cảnh ở Dallas, Chicago và Albuquerque. Mời quý khách ra cửa lên máy bay”. Tôi bước đến quầy làm thủ tục và hỏi: “Tôi có được tích điểm dặm bay không?”.

Người nhân viên đã trả lời tôi: “Ồ, việc này không cần thiết, vì ông sẽ không bao giờ quay lại đâu”.

– Trích trong Quá sớm để nói lời từ biệt của Art Buchwald

Mở quyển sách này ra đã là một hành động dũng cảm. Nhiều khả năng bạn đọc những trang sách này là do bạn hay người thân yêu của bạn đang hấp hối hoặc vừa qua đời.

Mặc dù sinh-lão-bệnh-tử là lẽ tự nhiên, nhưng mọi người rất ngại đề cập đến vấn đề này và những suy nghĩ về cái chết thường chỉ được giữ trong lòng. Ngay cả khi bạn nhận ra rằng những người khác cũng có cùng nỗi băn khoăn, trăn trở và cảm giác sợ hãi về cái chết như bạn, bạn cũng không thể nêu ra chủ đề này mà chỉ có thể giữ những chia sẻ hay kỷ niệm quý giá cho riêng mình. Do đó, đầu đề của chương này sẽ là Con voi trong phòng. Cái chết được ví như con voi trong căn phòng nhỏ. Tất cả mọi người đều nhận ra sự hiện diện của nó, nhưng vẫn cố di chuyển xung quanh nó, giả vờ như không nhận ra nó và từ chối đề cập đến nó. Nhưng rồi bạn cũng hiểu rằng phủ nhận sự hiện diện của con voi là điều gần như không thể.

Vậy cảm giác của bạn như thế nào khi người bạn thương yêu đang cận kề cái chết? Bạn sẽ cởi mở đề cập đến cái chết hay chỉ dám đi men bên ngoài chủ đề này? Liệu người bạn yêu thương có cố tình đánh lừa bạn, thậm chí lảng tránh nói về cái chết và luôn nói rằng họ thấy rất khỏe, mặc dù tình trạng của người đó rõ ràng là ngày một xấu đi? Bạn có sẵn sàng chấp nhận sự thật và nói lời từ biệt một cách thanh thản? Khi đau khổ, bạn có sẵn sàng chia sẻ điều đó với người khác hay âm thầm giữ chặt trong lòng vì cho rằng không ai trên thế giới này có thể hiểu được nỗi đau ấy? Bạn bày tỏ lời chia buồn đến thân quyến của người chết như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào những gì bạn tiếp nhận từ gia đình, cộng đồng, tôn giáo và cả những trải nghiệm sống của mỗi con người.

Khi đọc quyển sách này tức là chính bạn đang tham gia cuộc hành trình của cảm xúc với nước mắt, nụ cười, niềm vui và cả cảm giác đau buồn, sợ hãi, giận dữ, luyến tiếc. Bạn hãy ghi lại cảm xúc của mình khi mở những trang sách đầu tiên: nó đủ sức lôi cuốn, thôi thúc bạn nghiên cứu sâu hơn hay không thể bắt bạn tiếp tục đọc thêm dù chỉ một từ. Cho dù phản ứng ban đầu của bạn thế nào thì việc hiểu thêm về những giây phút cuối của cuộc đời vẫn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và chuẩn bị tốt hơn cho thời khắc phải nói lời từ biệt với những người bạn yêu thương.

QUAN NIỆM VỀ CÁI CHẾT CỦA CÁ NHÂN VÀ CỦA TỪNG NỀN VĂN HÓA

Ricardo luôn trốn tránh tang lễ

Ông bà Arellano có ba cậu con trai đã trưởng thành, trong đó người con giữa, Ricardo, là khác biệt hẳn so với các anh em và cả cha mẹ mình. Anh ấy có cái nhìn cứng nhắc trong mọi việc. Ví dụ, Ricardo tuyên bố “không tang lễ”, nghĩa là anh ấy từ chối tham gia tất cả các buổi tang lễ, kể cả đám tang của ông bà, vốn là những người anh ấy rất gần gũi, thân thiết. Không ai thuyết phục được anh ấy, và cha mẹ đành chỉ biết nhún vai và chấp nhận thực tế rằng anh ấy cũng sẽ không tham dự tang lễ của chính họ.

Leo không bao giờ muốn đầu hàng số phận

Tatiana đã có một khoảng thời gian khó khăn khi Leo được chẩn đoán ung thư suy thận. Leo kiên cường đấu tranh với căn bệnh của mình, tham gia mọi liệu pháp chữa trị, kể cả những liệu pháp thử nghiệm. Ông ấy đã chống chọi bệnh tật suốt bốn năm ròng rã.

Khi bệnh bước vào giai đoạn cuối, bác sĩ đề nghị chuyển ông đến bệnh viện dành cho những người sắp từ giã cõi đời. Leo không chấp nhận phương án này. Với ông, vào bệnh viện dành cho những người sắp chết nghĩa là đầu hàng số phận. Leo thậm chí từ chối ký vào bản Yêu Cầu Chăm Sóc Sức Khỏe Đặc Biệt. Ông ấy không muốn nói về cái chết. Leo muốn suy nghĩ tích cực và không muốn bỏ qua một tia hy vọng sống nào. Nhưng gia đình Leo rất cần gói dịch vụ chăm sóc người bệnh sắp qua đời, và họ đã in hợp đồng này với cỡ chữ lớn để Leo có thể đọc được dễ dàng. Ông ấy đọc đi đọc lại bản hợp đồng này nhiều lần trước khi miễn cưỡng ký vào.

Leo đã chống chọi với cái chết đến tận những giây cuối cùng của cuộc đời khi ông cố nắm chặt lấy thanh xà ông vẫn vịn vào mỗi khi muốn trở mình. Trong thời khắc đó chỉ có cô con gái lớn của ông trong phòng. Cô nhẹ nhàng nói rằng ông không cần thiết phải nắm lấy thanh xà nữa. Leo buông tay và nhẹ nhàng ra đi.

Thêm những cái ôm

Khi biết mình bị ung thư giai đoạn bốn, Viv nghĩ chắc sẽ không còn sống được bao lâu. Nhờ những năm tháng dài làm tình nguyện viên tại bệnh viện, bà xem cái chết không phải là điều gì quá xa lạ. Viv trò chuyện với một y tá ở khoa ung thư và ngay lập tức tham gia vào nhóm hỗ trợ, nơi bà cảm thấy được thấu hiểu tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng sống.

Viv tham dự tất cả những buổi thảo luận về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác, ăn uống khoa học, các liệu pháp chữa trị thay thế và các lớp học yoga. Các thành viên trong nhóm cùng nhau chia sẻ những cảm xúc vui buồn khi thấy tóc của mình cứ rụng dần sau mỗi lần hóa trị, cùng nhau ướm thử những bộ tóc giả hay cùng nhau học cách thích nghi với căn bệnh ung thư. Viv cũng cảm thấy khuây khỏa phần nào khi nhóm cùng nhau thảo luận về cái chết – điều mà mọi người trong nhóm cùng nghĩ đến, nhưng không một ai ngoài nhóm tỏ ra muốn đề cập đến chủ đề này.

Ba tuần sau khi phát hiện căn bệnh ung thư, Viv đã viết trong nhật ký của mình: “Hôm nay, tôi cảm thấy có thể chấp nhận mọi việc, nhưng tôi vẫn muốn anh chị em mình đừng hành động như thể không có chuyện gì xảy ra. Tôi nói với Roz và Rena rằng trong ngày sinh nhật sắp tới của mình, tôi không muốn bất kỳ món quà nào khác, ngoại trừ những cái ôm thật chặt”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button