Kỹ năng mềm

Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống

Lời giới thiệu

Nếu bạn đang cảm thấy chán nán hay tức tối vì những ý tưởng, những việc làm vô cùng sáng tạo, đang bị mọi người chê bai và xem thường, thì hãy đọc và làm theo Hugh Macleod, Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống. Quyển sách chứa đựng nguồn năng lượng tiếp thêm can đảm để đương đầu với mọi thử thách, khó khăn trước mắt, để chiến đấu tới cùng cho ước mơ.

39 chìa khóa được diễn đạt theo phong cách vừa nghiêm túc, vừa hài hước như “Nên chết trẻ”, “Cách tốt nhất để được phê duyệt là không cần phê duyệt”, “Không có gì thuộc về khoa học tên lửa”, “Sức mạnh ư, chẳng ai cho đâu. Bạn phải giành lấy nó thôi”… sẽ là bản đồ chỉ hướng cho người đọc. Cuốn sách mở ra cánh cửa ánh sáng, bật tung sáng tạo, khơi mở những giới hạn chưa từng được chạm đến và thoát khỏi những suy nghĩ lề lối cũ kỹ đang làm cho trí óc héo gầy từng ngày. Với quyển sách thú vị này, không cần phải đọc hết một lượt mới có thể hiểu toàn bộ, vì mỗi chương sẽ trình bày một thông điệp hết sức rõ ràng, súc tích. Đằng sau những bức tranh biếm họa hài hước đem đến nụ cười là những bài học đáng suy ngẫm mà tác giả muốn gửi gắm.

Chính tác giả đã từng trải nghiệm và đã thành công. “Tôi vẫn còn nhớ rõ lúc mới bắt đầu vẽ, phản ứng chung khi tôi cho mọi người xem tác phẩm trên lưng danh thiếp toàn là gãi đầu”. Phớt Lờ Tất Cả Và Bơ Đi Mà Sống đã cho thấy rằng việc lắng nghe ý kiến mọi người xung quanh là đúng, nhưng hãy tư duy mới mẻ, thay đổi, không nên sống ràng buộc bản thân, phải hết mình với đam mê và sở thích, để quyết định tương lai.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Hugh MacLeod, nghệ sĩ người Mỹ được biết đến như một tác giả nổi tiếng, một họa sĩ vẽ tranh biếm họa, một blogger và thậm chí còn là một nhân viên tiếp thị.

Ông sáng tạo ra kiểu vẽ tranh biếm họa lên mặt sau tấm danh thiếp để có thể vẽ bất cứ lúc nào. Với những tấm danh thiếp chất đầy trong túi áo, ông có thể vẽ ngay khi ý tưởng vừa xuất hiện mà không phải ba chân bốn cẳng chạy về xưởng vẽ như trước đây.

Như chính ông thú nhận, ban đầu, đây chỉ trò giải trí khi ngồi trong quán bar, xen giữa những câu chuyện vô thưởng vô phạt. Khán giả cũng chỉ là những bạn bè thân thiết, những chiến hữu cùng ngồi nhậu với nhau. Có người lắc đầu, có người thích thú. Nhiều người bảo ông hãy làm gì đó với chúng. Nhưng ông không có ý định làm gì cả, chỉ là một trò tiêu khiển để ông mặc sức sáng tạo – viết, vẽ bất cứ thứ gì mình thích.

Năm 2001, ông lập ra blog gapingvoid.com, đưa lên đó cả tranh biếm họa và các bài viết của mình. Năm 2004, ông viết How to Be Creative (Làm Sao Để Sáng Tạo) với khoảng 13.000 từ, gồm nhiều bài viết được đưa dần lên blog, kết hợp giữa tranh biếm họa và những chỉ dẫn thiết thực về những bí kíp thúc đẩy sáng tạo. Đây là thời kỳ bùng nổ các blog, giống như giai đoạn từ năm 2005 tới 2009 ở Việt Nam. Vì thế, blog của ông đã được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, với số lần tải về lên tới hàng triệu lượt.

Và đây cũng chính là nền tảng cho Ignore Everybody mà các bạn đang cầm trên tay. Mặc dù, Hugh chỉ luôn coi đây là sự kết hợp đầy bất ngờ giữa biếm họa và Internet, nhưng thực chất đây là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi trên con đường sáng tạo của ông.

Với 40 phần, thực ra là 40 bài học ngắn gọn, súc tích, kết hợp với tranh biếm họa và các “châm ngôn” hài hước nhưng ý nghĩa, cuốn sách chính là câu trả lời cho các câu hỏi không ngừng đặt ra trong đầu chúng ta suốt quá trình làm việc.

Làm thế nào để những ý tưởng mới xuất hiện được trong thế giới đầy hoài nghi và e sợ rủi ro này?

Làm thế nào để khơi nguồn cảm hứng?

Làm thế nào để xác định được ranh giới giữa những điều sẵn sàng thực hiện và những gì không?

***

Mỗi câu hỏi đều có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc độc giả ngấu nghiến cuốn sách này xong là có thể khơi mở được ngay lập tức nguồn lực sáng tạo trong mình và tung trải nó ra ngoài thế giới.

Những bí kíp đó chỉ tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng để làm việc chăm chỉ hơn, sáng tạo hơn, nghiêm túc hơn. Để những bạn trẻ không ảo tưởng rằng nghệ sĩ được phép la cà ở các quán bar suốt cả ngày, mong đợi Nàng Thơ bất ngờ gõ cửa, ban cho một nguồn cảm hứng vô tận, khiến họ viết ngay ra được tác phẩm bất hủ và một bước lên đỉnh vinh quang. Mà sáng tạo là lao động chân chính, nảy sinh trong quá trình làm việc chứ không phải trong lúc ngủ mơ chờ Thần Tài gõ cửa.

Những bí kíp này cũng dạy các bạn có một thái độ sống can đảm, dám đương đầu với dư luận, chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nhất là khi bạn còn trẻ tuổi và sống ở những đô thị lớn đắt đỏ và đầy cạnh tranh.

Đó là phải biết đứng ra ngoài đám đông, tạo dấu ấn của riêng mình thay vì hòa lẫn vào nó.

Đó là chỉ ra những con đường dẫn tới cánh cửa sáng tạo đã được Hugh đã ví von rất hình tượng rằng giống như 6 tỉ cánh cửa dẫn tới cõi Niết Bàn, và nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra được cánh cửa của riêng mình.

Ông cũng là người đặt vấn đề sáng tạo cạnh bản năng sinh tồn, bằng việc đưa ra Lý thuyết Tình và Tiền, muốn thành công chúng ta phải dung hòa được cả hai thứ đó. Chúng ta vẫn phải duy trì nghề kiếm cơm đồng thời vẫn sáng tạo không ngừng nghỉ.

Như tại Việt Nam, nhiều người cũng vẫn đang loay hoay lựa chọn giữa nghệ thuật chân chính và kiếm sống. Chúng tôi cũng từng đứng trước bài toán đau đầu là làm ra những cuốn sách bán chạy hay là những cuốn sách hay.

Nếu chỉ đuổi theo niềm đam mê thì có lẽ nghệ sỹ đã chết đói trước khi đạt được điều gì đó, còn nếu chỉ chạy theo thị trường thì rồi chúng ta sẽ bế tắc bởi cùn mòn trong sáng tạo.

Giống như Hugh đã chỉ ra, chúng tôi theo đuổi giải pháp dung hòa cả hai thứ đó – sách vừa hay vừa bán chạy – đảm bảo nhu cầu cuộc sống bên cạnh tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh”.

***

nguệch ngoạc lên mặt sau danh thiếp cho đỡ buồn mỗi khi ngồi ở quầy bar. Lâu dần thành quen tay.

Trong lần đầu tiên đến New York, toàn bộ gia tài của tôi gồm hai chiếc va li, hai cái thùng các tông đầy đồ đạc, một phiếu đặt chỗ tại khách sạn giá rẻ của YMCA , và một hợp đồng thời vụ viết bài cho một công ty quảng cáo ở Midtown trong mười ngày.

Trong hai tuần sau đó, cuộc sống của tôi sẽ là làm việc, lượn lờ quanh thành phố, rồi loạng choạng quay về YMCA khi các quán bar đã đóng cửa. Rất nhiều quán rượu và cà phê. Rất nhiều người kỳ quái. Mỗi ngày năm lần bị hành hạ bởi cái cảm giác kỳ lạ muốn được cười, hát và khóc cùng một lúc. Những lúc như thế, có rất nhiều điều để nói về một bộ môn nghệ thuật đang nằm lọt thỏm trong túi áo khoác của bạn.

Cái hợp đồng thời vụ đã biến thành công việc ổn định, vì vậy tôi ở lại thành phố này thêm hai năm nữa. Đối với một kẻ vừa chân ướt chân ráo đến New York, tháng đầu tiên có sức lôi cuốn kỳ diệu thật khó tả. Luôn có được tinh thần tỉnh táo đến chói sáng. Bất kể ở New York bao nhiêu lâu, bạn vẫn rất muốn dành phần thời gian còn lại của mình ở đó cố gắng tìm lại cảm giác này. Không hiểu vì sao những hình vẽ be bé ở mặt sau danh thiếp lại lưu giữ được nó – sự căng thẳng, bản chất phù du, bài ca vĩnh cửu của New York.

Đây là mẫu tranh biếm họa chủ đạo của tôi trong suốt hơn mười năm qua. Ban đầu chúng được vẽ trên danh thiếp hoặc giấy cứng có kích thước tương tự, khoảng 9cm x 5cm. Tôi chủ yếu dùng loại bút kỹ thuật Rotring 0.3mm và mực tàu. Thỉnh thoảng tôi cũng sử dụng loại khác – bút chì, màu nước, bút bi, máy tính bảng – nhưng không thường xuyên lắm.

Năm 2001, lúc đang sống ở Anh, tôi lập một trang blog tại địa chỉ gapingvoid.com và đưa “biếm họa danh thiếp” của mình lên đó. Năm 2004, tôi viết một loạt các bài trên blog theo chủ đề “Làm Sao Để Sáng Tạo”, làm nền tảng cho cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Đồng thời, tôi cũng thực hiện khá nhiều cuộc phiêu lưu với vai trò họa sĩ biếm họa, viết blog, và bán hàng. Hiện nay, tôi định cư ở miền viễn tây Texas, cách xa các thành thị lớn nhiều dặm đường. Để có cái nhìn toàn cảnh về những cuộc thử nghiệm, các chuyến đi, và tất nhiên là cả cuộc đời tôi nữa, mời bạn hãy ghé thăm blog của tôi và đọc chơi.

Tính đến nay, Làm Sao Để Sáng Tạo, tiền thân của Bơ Đi Mà Sống, đã được tải về trên một triệu lượt. Để đáp ứng cả nhu cầu sáng tạo lẫn thương mại, tôi đã thay đổi đôi chút đối với tài liệu gốc trên mạng – thêm chương, thêm hình vẽ, thay những từ khiếm nhã bằng những từ chuẩn mực hơn. Nhưng khi thỏa thuận với nhà xuất bản để xúc tiến in dự án này thành sách, tôi đã cực lực phản đối việc thay đổi tinh thần của các bài viết blog ban đầu. May cho tôi là họ cũng hiểu ra và đồng ý giữ gần như nguyên bản. Tôi vẫn rất biết ơn họ vì điều này.

1. Bơ đi mà sống

Ý tưởng của bạn càng độc đáo, người khác càng khó đưa ra được cho bạn lời khuyên tốt đẹp. Khi tôi mới bắt đầu vẽ biếm-họa-lên-mặt-sau-danh-thiếp, mọi người đều nghĩ tôi điên mất rồi. Tại sao tôi lại không nghĩ cách làm một cái gì đó thị trường dễ tiêu thụ hơn, như thiệp mừng trang trí hình miếng bánh ngộ nghĩnh chẳng hạn?

Ngay khi vừa nảy ra ý tưởng, Bạn Không Biết Là Nó Có Gì Hay Ho Hay Không. Người khác cũng vậy. Điều tốt đẹp nhất bạn có thể hy vọng là trong lòng bạn cảm nhận được rõ ràng cái hay của nó. Có điều, tin ở cảm giác của mình không phải là việc dễ dàng như những người lạc quan vẫn thường nói. Có một lý do trả lời cho câu hỏi tại sao cảm giác lại khiến chúng ta sợ hãi – bởi vì thường thì điều cảm giác mách bảo ta không giống như điều mọi người nói với ta.

Hỏi bạn bè thân hữu cũng chẳng được như kỳ vọng. Chẳng phải là họ cố tình không muốn giúp bạn. Chẳng qua những gì họ biết về thế giới của bạn chỉ bằng một phần triệu so với bạn, bất kể họ có nỗ lực tìm hiểu đến mấy, bất kể bạn có ra sức giải thích đến mấy.

Bên cạnh đó, một ý tưởng lớn sẽ thay đổi chính bạn. Có thể là bạn bè yêu quý bạn, nhưng họ chẳng muốn bạn thay đổi chút nào. Một khi bạn thay đổi, động lực của họ đối với bạn cũng sẽ thay đổi. Có lẽ họ thích mọi thứ phải được nguyên vẹn như vậy, và tình cảm của họ đối với bạn cũng thế – họ yêu quý bạn lúc này, không phải là bạn khi đã thay đổi trong tương lai.

Do đó, có lẽ họ sẽ chẳng hào hứng gì khi chứng kiến bạn thay đổi. Nếu vậy, họ sẽ chống lại bất cứ thứ gì tạo nên sự thay đổi ở bạn. Bản chất con người là thế. Và bạn cũng sẽ hành động giống hệt vậy đối với bạn bè mình.

Tình hình sẽ còn tệ hơn nữa nếu như đấy là đồng nghiệp của bạn. Họ đã quen làm việc với bạn theo cách riêng. Họ đã quen với mức độ kiểm soát trong mối quan hệ với bạn. Và họ thích bất cứ điều gì khiến túi họ đầy thêm. Chắc là họ cũng thích bạn trở nên giàu có, nhưng đấy không phải ưu tiên hàng đầu của họ.

Nếu ý tưởng đó hay đến mức có thể thay đổi động lực của bạn, khiến họ trở nên bớt cần thiết hơn đối với bạn hoặc, trộm vía, đối với thị trường, họ sẽ chớp lấy bất cứ cơ hội nào có được để phản bác ý tưởng của bạn.

Tôi nhắc lại một lần nữa, bản chất con người là thế.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button