Kỹ năng mềm

Những Cấm Kị Khi Giao Tiếp Với Khách Hàng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phạm Ái Minh

Download sách Những Cấm Kị Khi Giao Tiếp Với Khách Hàng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng làm việc

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Chương 1

Những cấm kị khi tiếp đón khách hàng

1. KỊ QUÊN TÊN CỦA KHÁCH HÀNG

Khi giao tiếp với khách hàng, lựa chọn cách xưng hô chính xác, thích hợp, không chỉ có lợi cho việc rút ngắn khoảng cách giữa hai bên, thúc đẩy hoàn thành giao dịch, để lại ấn tượng tốt với đối phương mà còn phản ánh mức độ tôn kính với đối phương, sự tu dưỡng của bản thân và hình tượng của công ty. Vì thế, khi giao tiếp, phải xưng hô với khách hàng một cách thận trọng.

TÌNH HUỐNG

Mấy hôm trước, khi viết thư cho một khách hàng, tôi viết rằng: “Xin chào thầy Vương…”

Không lâu sau, tôi nhận được tin nhắn: “Hải à, cậu không nhớ cả tên tôi sao?”

Tôi cảm thấy bản thân quá thất lễ, lập tức nhắn lại: “Nhớ chứ ạ, xin lỗi, thầy Cương”.

Tuy tên chỉ là một kí hiệu chữ viết, nhưng ai cũng hi vọng người khác có thể nhớ tên của mình. Nếu bạn và khách hàng đã từng có quan hệ làm ăn, lần sau gặp lại, bạn quên tên của khách hàng, hoặc nhớ nhầm, hoặc hỏi lại tên đối phương, điều đó sẽ khiến hai bên vô cùng khó xử, không khí thân thiết vui vẻ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Ngược lại, khi gặp lại người mình đã từng nói chuyện mà bạn có thể gọi ngay tên của đối phương, nhất định họ sẽ cảm thấy vô cùng thân thiết, lòng kính trọng với bạn cũng tăng lên.

Việc nhớ được tên của đối phương tưởng như là chuyện nhỏ, nhưng có làm được hay không, sẽ dẫn tới kết quả hoàn toàn khác. Chi tiết quyết định thành bại, sơ suất nhỏ sẽ tạo thành tổn thất lớn. Vì thế, khi giao tiếp với khách hàng, phải để tâm tới khách hàng, nhớ tên của khách hàng một cách chuẩn xác, nhất định không được nhớ sai và nhầm lẫn cách xưng hô.

TÌNH HUỐNG

Trong đại sảnh của một khách sạn, một khách hàng đã từng ở khách sạn này nửa năm trước đến quầy lễ tân làm thủ tục nhận phòng.

Nhân viên phục vụ: “Ông X X, chào mừng ông quay lại khách sạn của chúng tôi, hi vọng ông sẽ cảm thấy vui vẻ khi ở đây”.

Khách hàng: “Cảm ơn!” (Vô cùng ngạc nhiên, để lộ vẻ vui mừng)

Khách hàng trong tình huống trên chỉ ở khách sạn một lần vào nửa năm trước, không ngờ nhân viên phục vụ bây giờ vẫn nhận ra ông. Vị khách này vì thế mà cảm thấy mình được tôn trọng, từ đó nảy sinh thiện cảm với nhân viên phục vụ này và khách sạn mà cô ta làm việc. Về sau vị khách này trở thành khách hàng thường xuyên của khách sạn. Rõ ràng, khi giao tiếp với khách hàng, nếu có thể thường xuyên lễ phép nói ra tên của khách hàng, thì thiện cảm khách hàng dành cho bạn và công ty của bạn sẽ ngày một tăng lên, họ phần lớn sẽ trở thành khách quen của công ty bạn.

Một lần, chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty điện khí nổi tiếng nọ mời trưởng đại lí và nhà cung cấp của công ty dùng bữa, vì muốn không khí thêm hài hòa, chủ tịch hội đồng quản trị bảo thư kí ghi lại tên của các vị khách theo chỗ ngồi. Như thế, khi nói chuyện với mỗi vị khách trên bàn ăn, chủ tịch có thể gọi đúng tên của họ. Các vị khách đều vô cùng ngạc nhiên và cảm động, cảm thấy công ty rất chú trọng sự hợp tác giữa họ, về sau việc làm ăn cũng được tiến hành thuận lợi.

Barr Rand đã từng là tổng giám đốc của một công ty con thuộc công ty xe hơi của Mỹ, ông chính là cao thủ nhớ họ tên người khác. Trong một buổi hội nghị giữa các thương nhân xe hơi, Rand đứng ở cửa đón khách. Ông không những có thể gọi họ tên của từng vị khách mà còn biết nick name của họ, nhờ vậy, ông đã chiếm được thiện cảm của mọi người.

VÍ DỤ
Mấy năm trước, phó tổng giám đốc một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đi công tác Australia. Ông ở tại khách sạn Ritz Carlton, ông gọi điện thoại cho bộ phận phục vụ của khách sạn này, yêu cầu đổi sữa rửa mặt trong phòng tắm sang loại sản phẩm với nhãn hiệu dành cho trẻ sơ sinh. Nhân viên phục vụ nhanh chóng thực hiện yêu cầu của ông.

Ba năm sau, vị tổng giám đốc này lại đi công tác và ở tại khách sạn Ritz Carlton thuộc bang New Mexico, Mỹ, ông phát hiện trên giá trong phòng tắm đặt loại sữa rửa mặt nhãn hiệu dành cho trẻ sơ sinh quen thuộc, ông vô cùng xúc động…

Thì ra, trong hồ sơ máy tính trên mạng internet toàn cầu của Ritz Carlton, ghi chép chi tiết tư liệu cá nhân của hơn 240 nghìn vị khách. Đây là bí mật nhỏ giữa khách hàng và nhân viên của Ritz Carlton.

2. KỊ GỌI SAI TÊN CỦA KHÁCH HÀNG HOẶC NHẦM LẪN CHỨC VỤ, ĐỊA VỊ CỦA KHÁCH HÀNG
So với việc không nhớ tên khách hàng, thì việc gọi sai tên hoặc nhầm lẫn chức vụ và địa vị của khách hàng lại càng tệ hơn.

Kị gọi sai hoặc viết sai tên của khách hàng

Đọc sai hoặc viết sai tên của khách hàng tưởng như là chuyện nhỏ nhưng sẽ khiến không khí của buổi giao tiếp trở nên căng thẳng. Muốn tránh phạm phải điều cấm kị này thì phải chuẩn bị đầy đủ thông tin trước đó. Nếu cảm thấy bản thân nhớ không chuẩn, hoặc có nghi vấn về tên gọi của khách hàng, vậy thì tốt nhất nên cẩn thận kiểm tra lại, hoặc tìm cách xác minh, sau khi đã xác định không có sai sót gì mới liên hệ với khách hàng. Nếu không nhớ chắc chắn tên của khách hàng, hãy lễ phép hỏi trực tiếp khách hàng chứ không được tùy tiện xưng hô với khách hàng.

NHẮC NHỞ
Nếu không nhớ ra tên của khách hàng, bạn có thể hỏi khách hàng: “Xin lỗi, tôi nên xưng hô với ông như thế nào ạ?” Hỏi thăm một chút, còn tốt hơn là gọi nhầm.

VÍ DỤ
Yêu cầu của khách sạn Imperial với nhân viên phục vụ là cần ghi nhớ họ tên và khách hàng một cách nhanh nhất, nhưng ở đây một ngày có hàng chục nghìn người ra vào, nhân viên phải làm thế nào để ghi nhớ họ tên và đặc điểm của khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác?

Trước hết, phương pháp ghi nhớ của nhân viên đón tiếp. Đối với nhân viên đón tiếp, quan trọng là vấn đề xe hơi, thứ nhất phải để ý màu sắc và chủng loại của xe đi vào khách sạn, thứ hai là thứ tự. Những nhân viên giàu kinh nghiệm chỉ dựa vào những điểm này là có thể phân biệt một đến hai trăm khách hàng. Nhưng đôi khi có tình huống khách hàng đổi xe, vì thế nhân viên đón tiếp nhất định phải xác nhận khuôn mặt của lái xe, sau đó tới khuôn mặt của khách hàng. Như vậy, nhân viên phải đón tiếp kết hợp ghi nhớ ba yếu tố là xe, mặt của lái xe và khách hàng.

Ở quầy lễ tân, nhân viên lễ tân ghi nhớ khách hàng thông qua việc trò chuyện với họ là một điểm rất quan trọng. Khi nhân viên lễ tân gặp khách hàng, thường sẽ bất giác để ý tới đặc điểm chiều cao, khuôn mặt của khách hàng. Nhưng kiểu tóc của con người thường xuyên thay đổi, người đeo kính cũng sẽ đổi sang kính áp tròng, nữ giới có đi giày cao gót hay không, chiều cao cũng khác nhau. Huống hồ có người đặc trưng khuôn mặt cũng khó nắm bắt. Tuy nhiên cho dù chỉ nói chuyện với khách hàng vài câu ngắn ngủi, ấn tượng để lại sẽ không thay đổi. Nhìn thì có vẻ là trò chuyện mang tính nghiệp vụ, nhưng trong đó cũng nhất định sẽ bộc lộ những đặc trưng tương đối ổn định như tính cách, sở thích, môi trường trưởng thành của đối phương. Nhân viên lễ tân kết hợp những đặc trưng này với đặc trưng khuôn mặt, cơ thể để ghi nhớ, cho dù ngoại hình thay đổi cũng không dễ nhận nhầm.

Đôi khi, nhân viên đón tiếp cũng sẽ gặp những vị khách đã đến khách sạn nhiều lần nhưng bản thân chưa bao giờ giáp mặt. Ví dụ nhân viên nghỉ thứ ba, thứ tư sẽ không được gặp vị khách đến khách sạn vào những ngày ấy, dĩ nhiên cũng không biết đặc trưng của khách. Trong trường hợp này, nhân viên đón tiếp, nhân viên lễ tân của khách sạn Imperial sẽ thỉnh giáo đồng nghiệp về chiều cao, đặc trưng khuôn mặt, xu hướng trang phục và tư thái khi nói chuyện của khách hàng, đồng thời ghi chép lại. Người biết vẽ tranh sẽ vẽ lại chân dung của khách hàng.

Đôi khi, cũng xuất hiện tình huống vì không biết tên khách hàng lần đầu đến mà thất lễ. Ví dụ vương công quý tộc của một số nước, người nổi tiếng trong các giới chính trị, tài chính và xã hội. Các nhân viên của khách sạn Imperial sẽ ghi nhớ hình tượng của các nhân vật kể trên thông qua ảnh đăng tải trên báo, tạp chí và trên tivi. Dĩ nhiên họ cũng phải đọc thật kĩ những bài phỏng vấn ấy, qua đó nắm được các thông tin về thói quen sinh hoạt, sở thích của khách hàng…

ĐỌC THỬ

Kị lẫn lộn chức vụ, địa vị của khách hàng

Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ người nào, nếu không thể xác định chức vụ hoặc địa vị của đối phương, bạn có thể thông qua các phương pháp như sự giới thiệu của người khác hoặc chủ động hỏi thăm để làm rõ cách xưng hô với đối phương, nhất định không được xưng hô tùy tiện.

Khi nhân viên bán hàng giới thiệu khách hàng với người khác, hoặc tiến hành giao tiếp với khách hàng, trên cơ sở làm rõ chức vụ, chức danh của khách hàng, còn cần chú ý những vấn đề dưới đây:

Xưng hô chức vụ cao nhất của khách hàng. Đôi khi khách hàng có thể kiêm nhiều chức vụ, cách làm thông minh nhất là sử dụng cách xưng hô khiến đối phương cảm thấy được tôn kính nhất, tức là chọn cách xưng hô chức vụ cao nhất.

Xưng hô khách hàng cấp phó phải khéo léo linh hoạt. Nếu khách hàng giao tiếp với bạn giữ chức vụ cấp phó, trừ phi khách hàng đặc biệt nhấn mạnh, đa phần bạn có thể bỏ từ “phó”.

3. KỊ ĂN MẶC, DÁNG VẺ QUÁ TÙY TIỆN
Trong ngành bán hàng, năng lực, kinh nghiệm, kĩ xảo của nhân viên bán hàng quyết định thành tích bán hàng. Ngoài ra, còn có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng tới thành công của họ, ví dụ dáng vẻ, cử chỉ…

Theo điều tra, dáng vẻ, cử chỉ chiếm tỉ lệ tới 67% trong kĩ xảo bán hàng. Sở dĩ chiếm tỉ lệ cao như vậy là bởi vì dáng vẻ, cử chỉ có thể kết hợp sản phẩm và người bán hàng lại với nhau một cách hữu cơ. Dáng vẻ, cử chỉ tốt dễ dàng khiến khách hàng tiếp nhận quan niệm và suy nghĩ của người bán hàng, khiến người bán hàng chiếm được sự tin tưởng của khách hàng một cách nhanh chóng, trực tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều nhân viên bán hàng khi đối mặt với khách hàng, thường không chú trọng cách ăn mặc, dáng vẻ và thói quen, điều đó sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến sự giảm sút về thành tích bán hàng. Vì thế, nhân viên bán hàng phải chú ý đến dáng vẻ, nhất định không được thiếu chuyên nghiệp và bất lịch sự.

TÌNH HUỐNG

Tổng giám đốc: “Châu, ngày mai ra ngoài bán sản phẩm, phải chú ý hình tượng cá nhân”.

Châu: “Anh yên tâm, tôi đã chuẩn bị xong rồi”.

Ngày hôm sau, Châu mặc complet sậm màu, tay trái cầm áo khoác, chân đi đôi giày da màu đen và một đôi tất màu trắng, tới trước cửa một hộ gia đình.

Chủ nhà mở cửa, nhìn anh rồi hỏi: “Anh làm gì vậy?”

Châu vội nói: “Tôi là nhân viên bán hàng của công ty XX…”

Chủ nhà ngắm nghía anh một hồi, bán tín bán nghi: “Hiện tại chúng tôi không cần mua bất cứ sản phẩm nào”.

Châu vẫn chưa kịp giải thích, cửa đã đóng sầm lại.

Hôm ấy, Châu bị khách hàng đóng cửa từ chối rất nhiều lần, anh không hiểu tại sao.

Bạn nghĩ rằng nguyên nhân Châu bị từ chối là gì?

Về cách ăn mặc, tất trắng kị kết hợp với complet sẫm màu, càng không được cầm áo vest ở tay, trông rất tùy tiện, không tôn trọng người khác. Chính vì ăn mặc không thích hợp, khiến người khác phản cảm nên Châu mới bị từ chối vô số lần. Như vậy, nếu nhân viên bán hàng ăn mặc không thích hợp, không chuyên nghiệp, vừa sẽ mạo phạm khách hàng, lại làm tổn hại tới hình tượng của bản thân, từ đó ảnh hưởng tới hình tượng của công ty, khiến khách hàng nảy sinh nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và phục vụ, từ đó gặp phải sự từ chối của khách hàng, không thể triển khai bán hàng với khách hàng. Đối với nhân viên bán hàng mà nói, chỉ vì dáng vẻ, cử chỉ mà bị khách hàng từ chối thì quả thực là lợi bất cập hại.

NHẮC NHỞ
Trong giới bán hàng Nhật Bản thịnh hành một câu nói: Nếu muốn trở thành nhân viên bán hàng hạng nhất thì trước tiên nên bắt đầu từ dáng vẻ, cách ăn mặc, hãy dùng trang phục gọn gàng, đúng mực để “thể hiện” bản thân.

Đầu tóc

Dáng vẻ chuyên nghiệp thể hiện trước nhất từ đầu tóc gọn gàng.

Khuôn mặt

Diện mạo khuôn mặt yêu cầu cơ bản gồm có bốn điểm: Không để râu, lông mũi không lộ ra ngoài, mặt sạch sẽ, miệng không có mùi khó chịu.

Không để râu. Trong trường hợp bàn thương vụ, nếu nam giới để râu ria xồm xoàm là rất thất lễ, hơn nữa sẽ trông rất luộm thuộm.

Lông mũi không lộ ra ngoài. Khoang mũi phải giữ sạch sẽ mọi lúc, thường xuyên cắt tỉa những lông mũi mọc trồi ra ngoài, nghiêm cấm để lông mũi lộ ra ngoài.

Khuôn mặt sạch sẽ. Khuôn mặt luôn sạch sẽ, vui tươi, không để cặn mồ hôi và dầu. Sau khi nghỉ trưa, dùng bữa, vận động từ ngoài về… nên lập tức rửa mặt.

Miệng không có mùi khó chịu. Đánh răng đều đặn mỗi ngày ba lần vào sáng, trưa, tối. Nếu buổi trưa làm việc ở công ty không tiện đánh răng thì phải súc miệng sau khi ăn. Đánh răng sau khi ăn có thể loại bỏ mảng bám, mùi khó chịu. Ngoài ra, trước những buổi tiếp khách quan trọng không được ăn những đồ ăn khiến khoang miệng có mùi khó chịu như tỏi, hành,…

Kiểu tóc

Mái tóc gọn gàng, bóng mượt kết hợp với kiểu tóc phóng khoáng thường có thể để lại ấn tượng tốt đẹp với người khác. Nhất định phải thường xuyên gội đầu, đặc biệt nữ giới sau khi nấu ăn, tóc dễ dính mùi khó chịu. Cũng cần thường xuyên vuốt tóc, chải tóc, nên để tóc ngắn. Đối với nhân viên bán hàng nữ, không được tùy tiện xõa tóc, nếu tóc quá dài, phải buộc tóc lên.

Tay

Trong cuộc sống hàng ngày, tay là bộ phận tiếp xúc với người và vật thể nhiều nhất. Nên rửa tay thường xuyên: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi ra ngoài và tiếp xúc với đồ vật…

Sử dụng sơn móng tay một cách thích hợp có thể làm tăng sức hút của tay. Ví dụ, một số loại sơn móng tay màu sắc gần giống với màu móng tay có thể có tác dụng trang trí rất tốt với móng tay. Nhưng, màu sắc quá chói mắt như màu đỏ, màu tím, thì không thích hợp trong các trường hợp thương vụ.

Móng tay nên được cắt tỉa định kì, độ dài của móng tay không được vượt quá đầu ngón tay. Để móng tay quá dài không chỉ khiến kẽ móng tay dễ dính bụi bẩn, không vệ sinh mà còn mang lại bất tiện cho công việc.

Trang phục

Nam giới mặc complet, hạn chế mặc quá ba màu trên một bộ trang phục. Khi mặc complet, vest trong các trường hợp chính thức, phải tháo bỏ logo trên tay áo. Tất phải cùng màu, đặc biệt không được tùy tiện đi tất trắng.

Váy

Khi mặc váy, có ba điều cấm kị mà nữ giới cần chú ý:

Trong trường hợp thương vụ không được mặc váy da màu đen.

Màu sắc của giày là màu đen hoặc trùng với màu váy.

Tất thông thường là tất sợi nilon, tất lông cừu hoặc quần tất; màu sắc nên là màu đơn, nên chọn màu da, màu đen, xám nhạt, nâu nhạt; ống tất phải nằm trong váy, không được lộ ra ngoài; tất lành lặn, không hư tổn.

Khi mặc váy ngắn, không được để lộ phần đùi giữa tất và váy, mặc như thế dễ khiến chân trông vừa to vừa ngắn.

4. KỊ BẮT TAY KHÔNG ĐÚNG ĐỘ, KHÔNG TỰ NHIÊN
TÌNH HUỐNG

Anh Lâm vừa ra ngoài bán hàng thì gặp giám đốc Quân.

Anh Lâm: “Chào anh Quân!” (Anh Lâm đút tay phải trong túi quần, giơ tay trái)

Anh Quân: “Xin chào!” (Lùi sau một bước, giơ tay phải, rồi lại lập tức đổi sang tay trái)

Anh Lâm: “Tôi nhớ anh quá!” (Ra sức bắt tay anh Quân và không buông ra, lắc mạnh lên xuống)

Anh Quân: “Được rồi, được rồi, không phải cậu vừa từ trường võ ra đấy chứ, nếu không buông tay là tôi báo cảnh sát đấy”.

Khi gặp khách hàng, thường chúng ta sẽ dùng hành động bắt tay để bày tỏ sự chào đón, chúc mừng, cảm ơn, tạm biệt, hợp tác. Bắt tay tuy là một động tác nhỏ nhưng lại có rất nhiều điều cần chú trọng. Nếu bắt tay không đúng, phạm phải điều cấm kị của khách hàng thì sẽ nảy sinh hiệu quả tiêu cực.

Khi bắt tay khách hàng cần tránh những cấm kị dưới đây:

Bắt tay quá chủ động. Khi gặp khách hàng, nên chuẩn bị bắt tay bất cứ lúc nào, nhưng tốt nhất không được tùy tiện chủ động bắt tay. Khi bắt tay với người khác giới, cần để nữ giới đưa tay trước, nam giới mới được đưa tay, như vậy mới bày tỏ sự tôn trọng với nữ giới.

Phương thức bắt tay không đúng. Khi bắt tay, khoảng cách tốt nhất giữa hai bên là khoảng gần một mét. Khoảng cách quá xa sẽ có cảm giác lạnh nhạt; khoảng cách quá gần sẽ khiến cánh tay khó duỗi thẳng. Khi bắt tay, thân trên nên đổ về trước một chút, đưa tay phải, bốn ngón tay khép lại, ngón cái mở ra bắt tay đối phương.

Khi bắt tay mà chỉ cầm đầu ngón tay của đối phương, sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn có ý giữ khoảng cách với họ. Cách làm đúng đắn là phải cầm cả bàn tay, cho dù với người khác giới, cũng phải làm như vậy.

Khi bắt tay, không nên dùng lực quá mạnh hoặc quá yếu. Khi bắt tay lực quá yếu sẽ khiến đối phương cảm thấy bạn thiếu nhiệt tình và tinh thần. Để bày tỏ sự thân thiện với đối tượng giao tiếp, nên dùng lực vừa phải để bắt tay đối phương, không nên dùng lực quá mạnh vì điều này thể hiện bạn có ý thị uy, thách thức. Đặc biệt khi bắt tay với người khác giới, càng không được dùng lực quá mạnh.

Sử dụng tay trái để bắt tay người khác. Cần đặc biệt chú ý điều cấm kị này khi giao thiệp với người Ả Rập, Ấn Độ, bởi vì với họ, tay trái là không sạch.

Tranh nhau bắt tay. Khi bắt tay nên tuân thủ thứ tự, tiến hành lần lượt. Khi giao thiệp với tín đồ Cơ Đốc giáo, phải tránh hai người bắt tay chéo với hai người khác đang bắt tay. Hình dáng này giống như chữ thập, trong mắt tín đồ Cơ Đốc giáo, điều đó không được chào đón.

Đeo găng tay khi bắt tay. Nam giới trước khi bắt tay phải bỏ mũ, tháo găng tay. Nữ giới trong trường hợp xã giao được phép đeo găng tay ren mỏng bắt tay với người khác.

Đeo kính râm khi bắt tay. Người mắc bệnh về mắt hoặc có khiếm khuyết ở mắt có thể được ngoại lệ.

Đút một tay vào túi áo khi bắt tay. Khi bắt tay người khác nên đứng dậy, để bày tỏ sự tôn trọng với đối phương.

Khi bắt tay, tay còn lại cầm đồ không chịu đặt xuống. Ví dụ vẫn cầm thuốc lá, báo, ca táp, hành lí… như vậy là không lịch sự.

Khi bắt tay, khuôn mặt thờ ơ, không chút biểu cảm. Chậm trễ không bắt tay người khác hoặc vừa bắt tay vừa ngó nghiêng, hoặc bận rộn chào hỏi người khác, đó đều là biểu hiện không lịch sự, là biểu hiện coi thường đối phương. Cách làm đúng đắn là mỉm cười, nhìn vào mắt đối phương, thần thái chăm chú, nhiệt tình, thân thiện và tự nhiên, cộng thêm với một vài lời hỏi han.

Khi bắt tay, nói tràng giang đại hải, gật đầu cúi lưng, lạm dụng nhiệt tình, tỏ ra quá khách sáo. Khách sáo quá mức sẽ không khiến đối phương vui vẻ, chỉ khiến đối phương không tự tại, không thoải mái.

Khi bắt tay, kéo tay đối phương lại, đẩy tay đối phương qua hoặc lắc lên xuống trái phải không ngớt, hoặc sau khi bắt tay giữ tay đối phương rất lâu không bỏ ra.

Từ chối bắt tay người khác. Trong bất cứ tình huống nào, đều không cho phép làm như vậy.

Sau khi bắt tay xong lập tức lau tay. Không được lập tức lau tay sau khi bắt tay người khác.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button