Kỹ năng mềm

Nhật Ký 300 Ngày Ở Harvard: Học Để Thay Đổi Thế Giới

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trương Phạm Hoài Chung

Download sách Nhật Ký 300 Ngày Ở Harvard: Học Để Thay Đổi Thế Giới ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Nhận lời viết giới thiệu cho cuốn sách của thầy Chung đã lâu nhưng mãi hôm nay tôi mới bắt tay vào viết được. Cứ mở ra đọc, đóng vào rồi lại đọc lại. Một việc thật khác với những cuốn sách khác mà tôi từng làm.

Vì sao lại như vậy?

Có một số lí do:

Thứ nhất, tác giả cuốn sách là người mà tôi và Nhật Nam đều yêu quý. Nam ngưỡng mộ con đường học vấn của thầy và luôn dành cho thầy những tình cảm trân trọng. Vì thế, tôi muốn mỗi ngày lại được “tiếp cận” với người thầy ấy qua từng trang sách.

Thứ hai, với tư cách là phụ huynh, tôi đọc chậm để thực sự học được nhiều điều từ cuốn sách. Những ghi chép tưởng chừng vụn vặt, tưởng như không liên quan đến nhau, tưởng như mỗi ngày là một chuyện nhưng thực ra lại nằm trong một tổng thể chung: Đó là, giúp phụ huynh hiểu về các nền giáo dục khác nhau (cụ thể là Việt Nam và Mĩ) và cách thức để một đứa trẻ có thể bước ra thế giới.

Đó cũng là điều mà tôi muốn tích lũy trong hành trình nuôi dạy Nhật Nam. Khi Nam sang Mĩ, tôi đã cố gắng tìm hiểu sách vở nói về việc du học sinh sống ở Mĩ, về nền văn hóa, về cách giáo dục. Đôi lúc tôi bị lạc giữa biển thông tin. Cũng nhiều băn khoăn, nhiều nghi ngại.

Nhưng rồi, khi đọc sách của thầy Chung, tôi thấy lòng mình dường như bình yên trở lại.

Thầy Chung viết như lời tự sự của một du học sinh. Một du học sinh đơn giản, cởi bỏ những “mác” và “danh hiệu”, thầy nhìn nước Mĩ, nhìn về giáo dục Mĩ cũng giản dị. Có điểm khó khăn, có điều cách biệt, có điều cần học hỏi… nhưng tất cả đều dung dị.

Ngoài ra, hầu hết những thông tin thầy cung cấp đều dưới dạng gợi mở. Chỉ là gợi mở thôi, theo một cách “rất Mĩ”. Điều đó khiến người đọc muốn hiểu kĩ, hiểu sâu phải tự mình lên mạng tìm đọc thêm. Đó cũng chính là lý do khiến tôi đọc sách lâu như vậy.

Và như thế, tôi gọi đó là cuốn sách trong nhiều cuốn sách.

Cá nhân tôi, khi đọc cuốn sách, tôi rất thích những nội dung thầy Chung viết về thư viện ở Mĩ, về việc đọc sách. Bởi tôi luôn nghĩ rằng, để phát triển, người ta cần yêu sách, đọc sách và biết cách đọc sách. Tôi tin nhiều bà mẹ như tôi, khi đọc cuốn sách của thầy Chung sẽ thôi thúc điều này.

Tôi cũng thích những kết luận nhẹ nhàng ở cuối mỗi một “status”, như một cách để nhắc nhở bản thân nhưng lại gợi lên nhiều suy nghĩ ở người đọc. Ví dụ: “Mình chợt nhận ra, điểm số không quan trọng mà quan trọng là nâng cao được tư duy để lãnh đạo tốt trong tương lai”.

Tôi cũng thích những mục Chia sẻ ở từng tuần. Mỗi tuần là một nguồn thông tin quý giá. Mỗi tuần là một bài học, mỗi tuần là một cách nhìn nhận về những khía cạnh khác nhau của giáo dục.

Tôi cũng thích tên gọi của cuốn sách Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới. Tựa đề như một cách trao gửi niềm tin vào thế hệ trẻ. Rằng các con, các học trò rồi sẽ lớn lên, sẽ bước ra cuộc đời dài rộng. Nhưng những gì mình “học” sẽ giúp thế giới ngày càng tốt đẹp lên. Và chữ “học” không chỉ bao gồm nội hàm học kiến thức.

Vì lẽ đó, tôi tin các bạn trẻ đang nuôi khao khát được bước ra khỏi “vùng an toàn” khi đọc cuốn sách sẽ có thêm nhiều kĩ năng, nhiều hiểu biết làm hành trang đi tới.

Còn với các phụ huynh, có thể cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành trong quá trình con của bạn lớn lên.

Nên tôi thành thực mong nhiều người được đọc cuốn sách này – cuốn nhật kí yêu thương của một con người nhiệt thành, luôn muốn truyền trao những giá trị về giáo dục đến với mọi người. Cuốn sách của một thầy giáo không thích là “bò cạp” với học trò mà chỉ muốn là “con hươu cao cổ hiền lành”.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Phan Thị Hồ Điệp

Đôi lời cùng bạn đọc

Em thực sự vui khi nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho cuốn sách của thầy Chung. Lời mời có từ tháng Năm nhưng khi đó, em đang lu bu với các kì thi hết năm nên “để dành” niềm vui cho đến khi về Việt Nam.

Những ngày đi dạy về, mỗi buổi tối em đều lấy sách ra đọc. Và có cảm giác, mình đang gặp lại nước Mĩ, theo một cách rất khác.

Nhật ký 300 ngày ở Havard là 300 trải nghiệm khác nhau.

Có những chuyện vu vơ, có những nỗi nhớ vu vơ nhưng những lời khuyên thì không hề… vu vơ.

Bạn đọc có thể hiểu về việc đi du học, về cách học, cách làm bạn, cách giao tiếp, cách thuyết trình, cách làm việc nhóm, chỉ từ những trang nhật kí ngắn gọn mà giàu thông điệp.

Em đặc biệt thích những góc nhìn mang tên CHIA SẺ trong từng tuần của thầy Chung. Nó là kho tài nguyên mà thầy đã chắt lọc để đưa đến phụ huynh. Nó giúp phụ huynh có thể tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa của việc nuôi dạy con.

Thầy Chung ít nói về niềm đam mê với sách của mình nhưng đọc cả cuốn sách, thấy niềm đam mê đó ngập tràn.

Thầy mong muốn phụ huynh có nhiều nguồn sách tốt. Thầy nói về việc đọc hiểu ở Mĩ. Cá nhân em cực thích điều này. Bởi em nghĩ, mọi đứa trẻ thích sách, thích việc đọc sách và có kĩ năng đọc sách, nếu không thành công trong đời sống thì ít nhất cũng là một đứa trẻ hạnh phúc.

Và thầy Chung là vậy, triết lí giáo dục của thầy, những điều thầy viết đều “dẫn dụ” người đọc vào việc làm nên một đứa trẻ hạnh phúc.

Và nếu đọc kĩ, đọc kĩ, sẽ thấy “những thầy Chung” khác nhau qua 300 ngày trên đất Mĩ. Những ngày đầu là “thầy Chung lãng mạn có chút cô đơn”, những ngày tiếp theo là “thầy Chung quan sát”, mọi điều dưới con mắt của thầy đều ẩn chứa những triết lí giáo dục, ẩn chứa những điều đáng để học hỏi. Không chỉ học trong trường lớp mà học cả từ những cách cư xử với bạn bè. Và gần cuối là “thầy Chung làm bố”. Khi em Angel ra đời, mọi điều đều mềm dịu lại. Có lúc hơi hoang mang vì lần đầu làm bố, khi lại nặng sâu ân tình với cô con gái bé bỏng. Và cả ước vọng của người cha…

“Những thầy Chung” trong cuốn nhật kí cứ trôi qua, trôi qua chân thật và trữ tình.

Cuốn sách như trang nhật kí trên Facebook, viết theo đúng phong cách của “văn học mạng” nhưng em lại thích, rất thích.

Em tin những người trẻ như em cũng thích cách tiếp cận này. Nó cũng là nguồn thông tin mở đối với tất cả các bậc phụ huynh quan tâm đến giáo dục. Gọi là “thông tin mở” vì nếu muốn biết sâu hơn, muốn hiểu kĩ hơn, phụ huynh phải thực sự tương tác, tra cứu thông tin, tài liệu.

Vì thế nó không chỉ dừng lại ở “300 ngày” mà sẽ là nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, phụ huynh đồng hành cùng con.

Đỗ Nhật Nam

ĐỌC THỬ

Lời nói đầu

Trước khi tham gia chương trình Thạc sĩ Giáo dục của đại học Harvard, tôi có thời gian năm năm làm việc trực tiếp với phụ huynh và học sinh cấp 3 ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi giúp họ vạch ra kế hoạch để xây dựng bộ hồ sơ du học Mĩ thành công và đào tạo các bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên, tôi tự thấy mình chưa trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Một học sinh điển hình của Mĩ được trang bị những gì trước khi bước vào đại học? Môi trường giáo dục Mĩ hiện đang theo những xu hướng gì? Bài học gì Việt Nam có thể áp dụng ngay để tạo niềm tin cho phụ huynh? Vì thế trong thời gian du học ở Harvard, tôi luôn bị thôi thúc viết ra những suy nghĩ và quan sát của mình khi theo học ở ngôi trường này. Và đó là lý do Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới ra đời.

Quyển sách là tập hợp những câu chuyện nhỏ sau 300 ngày học hỏi và lang thang đến mọi ngóc ngách của Harvard (và MIT, một trường đại học hàng đầu khác của vùng Boston mở rộng). Đây là chia sẻ hằng ngày trên Facebook vì thế nó chỉ là những ý tưởng lóe lên trong đầu của tôi. Ý tưởng đó có thể là những công cụ mới giúp cho học sinh, sinh viên Việt Nam tự học kiến thức và kỹ năng mà một bạn người Mĩ đồng trang lứa đang được trang bị. Ý tưởng đó có thể là những mẹo vặt để phụ huynh định hướng tốt hơn cho con mình để theo kịp xu hướng tuyển sinh đại học Mĩ. Ý tưởng đó có thể là những triết lý hay đột phá trong giáo dục dẫn đến một nền giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em ở một khu vực nào đó. Quyển sách được thiết kế như một trang Facebook của một người bạn mình hay theo dõi: giải trí mà vẫn có những bài học mình cần suy ngẫm thông qua những câu chuyện ngắn từ một trải nghiệm thật 100% ở Harvard. Hy vọng là độc giả sẽ tự trang bị cho mình những công cụ học hỏi mới và có định hướng đúng đắn hội nhập toàn cầu trong thế kỷ 21.

Bên cạnh những bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, tôi còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, về ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ trong thế kỷ 21, và thật tình cờ về một ngày dẫn ca sỹ Mỹ Tâm dạo chơi quanh khuôn viên trường.

Quyển sách không đưa ra câu trả lời cụ thể mà gợi mở những ý tưởng đang thịnh hành ở Mĩ để người đọc tò mò và tìm hiểu thêm bằng cách Google nhiều nguồn khác nhau. Tựa đề quyển sách là khẩu hiệu của trường Giáo dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới.

Trương Phạm Hoài Chung

Ngày 1: KHỞI ĐẦU NÔN NAO

Mười năm trước là lần đầu tiên mình qua Mĩ học đại học, vào lớp mấy bạn người Mĩ nói huyên thuyên liên tục, không thể nào chen vô. Mỗi lần đến lớp phải đọc ít nhất 50 trang sách, và cứ như vậy bì bõm hơn một tháng mới bắt kịp nhịp độ của lớp.

Bây giờ, sau mười năm, đi học thạc sĩ cùng với toàn thầy cô dạy giỏi ở Mĩ, vẫn thấy khớp quá. Nhưng có lẽ mình và họ có một điểm chung là đều hừng hực đam mê dùng giáo dục để “thay đổi thế giới”. Vì là ngày đầu tiên nên mình đang phân vân không biết nên chọn các môn dễ để có thời gian giao lưu, hay chọn các môn khó để thực sự lao đầu vào nghiên cứu. Ngoài học năm khóa bắt buộc, trường Giáo dục Harvard còn được học ở HKS, HBS, Graduate School, MIT, Tufts… Mình bắt đầu thấy choáng ngợp rồi, có một năm làm sao học cho hết!

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mình thấy khởi đầu nôn nao như thế này là rất tốt! Mình phải ngẩng cao đầu tự hào rằng mình là người Việt Nam (đến từ Việt Nam) để chia sẻ những hiểu biết và suy nghĩ của mình về giáo dục. Cũng như mười năm trước, nếu mình chịu khó lắng nghe học hỏi thì mình sẽ không thua kém ai cả.

Ngày 2: THIÊN ĐƯỜNG HỌC THUẬT?

Nơi này thật lạ. Người ăn xin (cả da trắng và da đen) ngồi rải rác ở khu Harvard Square. Hôm trước thấy một ông lục thùng rác để thu lượm ve chai giống ở Việt Nam. Hôm nay thấy một cô trẻ măng ghi dòng chữ lên mảnh giấy “Vô gia cư và đang mang bầu”.

Thiên đường học thuật, nơi cứ vào lớp là nghe đến trách nhiệm chúng ta phải thay đổi thế giới mà sao lại vẫn để những việc này xảy ra. Hay là trường cố tình để như vậy để “giáo dục” sinh viên điều gì chăng?

Ngày 3 + 4: SHOPPING

Shopping là hoạt động diễn ra trong hai ngày. Trong hai ngày này, sinh viên đến từng khóa mình muốn học nghe giáo sư quảng cáo xem khóa học này có phù hợp không.

Vấn đề là những lớp mình thích thì người khác cũng thích, vì thế mà ở những lớp này lượng người đăng kí khá đông. Để lựa chọn, giáo sư bắt viết bài luận hoặc quay xổ số ngẫu nhiên.

Vậy là có khả năng mình sẽ không được học tất cả khóa mình đã chọn với giáo sư mình thích. Lo quá!

Ngày 7: NHỮNG NGƯỜI BẠN

Sáng gặp hai đồng môn đang học thạc sĩ và tiến sĩ về giáo dục nói chuyện rất hợp gu. Bọn mình nghĩ rằng học sinh phổ thông Việt Nam thiếu người có vai trò định hướng theo kiểu advisor/ counselor bên Mĩ. Ở Mĩ, hai tuần một lần các bé thường gặp người có vai trò định hướng như thế này để bàn về điểm mạnh, điểm yếu và kế hoạch cho tương lai sau khi tham khảo nhận xét của các thầy cô giáo dạy từng môn học trong trường. Chiều gặp thằng em khóa sau mình ở Singapore, bây giờ khá vững vàng ở New York. Hai anh em bàn luận về cơ hội tương lai, nên ở đâu, làm gì. Mình vẫn còn nhớ như in khuôn mặt lầm lì 10-tuổi-từ-chối-hòa-nhập của nó khi mình pha trò cách đây 14 năm. Bây giờ mình càng không ngờ được sự lịch lãm, tự tin trong từng lời nói, cử chỉ của nó. Hai anh em đồng ý là học bổng ASEAN ngày xưa thực sự đã chắp cánh cho ước mơ của những học trò nghèo như tụi mình.

Tối được sư huynh đẹp trai chiêu đãi ở rooftop của Harvard Club of New York. Không biết sao bạn bè tốt với mình thế dù mình chỉ biết cười hồn nhiên chứ không giúp gì được cho họ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button