Kỹ năng mềm

Ngọc Sáng Trong Hoa Sen

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : John Blofeld

Download sách Ngọc Sáng Trong Hoa Sen ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sống đẹp

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn(1) đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts(2) đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó.

  1. Patrick Lafcadio Hearn (1850 – 1904): Tác giả của nhiều sáng tác và khảo cứu về văn hóa phương Đông, đặc biệt là về văn hóa Nhật Bản.
  2. Alan Wilson Watts (1915 – 1973): Nhà văn, nhà triết học Anh. Ông được xem là một trong số những người tiên phong trong việc phổ biến văn hóa phương Đông đến phương Tây.

Khi Trung Hoa Cộng sản thắng thế tại Hoa lục, ông phải rời Trung Hoa nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa bùng nổ, ông là người phương Tây đầu tiên đã viết kháng thư phản đối và gọi hình ảnh Hồng vệ binh đốt sách vở, phá đền miếu là những “hành động phá hoại tồi tệ trong lịch sử nhân loại”. Đau đớn trước thảm trạng hủy diệt văn hóa, ông âm thầm sưu tầm, phiên dịch các tác phẩm lớn của Trung Hoa ra Anh ngữ, không phải chỉ cho độc giả phương Tây mà còn cho cả thế hệ sau của người Trung Hoa lưu vong. Ông là người Tây phương duy nhất mà tôi được biết đã thiết tha làm công việc bảo tồn truyền thống văn hóa Trung Hoa.

Tôi quen John Blofeld trong thời gian ông giảng dạy văn hóa châu Á tại Đại học Syracuse, New York. Tuy là một “quý ông” người Anh nhưng ông còn có tác phong của một kẻ sĩ Trung Hoa, lúc nào cũng khoan thai, nghiêm trang và điềm đạm. Ông sống thanh bạch trong căn phòng nhỏ, trang trí giản dị với bàn thờ Phật, tủ sách và một tấm thảm để ngồi thiền. Ông dành trọn phần đời còn lại để viết sách và dạy học. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là ngoài việc soạn thảo tài liệu giáo khoa, ông còn dành thời gian sáng tác thơ Đường luật, một thể thơ khó mà làm cho thật hay. Không những thế, ông còn mở khóa dạy những người Mỹ trẻ gốc Trung Hoa về niêm luật thơ Đường và luôn luôn khuyên họ đừng bao giờ quên cái gia tài văn hóa quý báu mà cha ông họ đã để lại.

Năm 1987, tuy nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cố gắng soạn thảo một cuốn sách bằng tiếng Trung Hoa, viết cho những người trẻ sống tại Hoa lục. Nội dung cuốn sách tha thiết kêu gọi lớp người này hãy cố gắng tìm về và bảo tồn truyền thống cao đẹp của họ mà thế hệ trước đã có nhiều hành động hủy diệt. Trước khi mất, ông soạn một bài trường thi viết theo thể Đường luật để tặng bằng hữu bốn phương và một lá thư dài viết cho các độc giả. (Ghi chú: lá thư ấy đã được đưa vào phần Phụ lục của quyển sách này).

John Blofeld không những là một học giả uyên bác với rất nhiều tác phẩm giá trị mà còn là một Phật tử tu theo hạnh Bồ Tát. Chỉ nội hai điều này đã bảo đảm giá trị những cuốn sách của ông nhưng hơn thế nữa, ông còn là một người thiết tha với Chân, Thiện, Mỹ, một người đã lĩnh hội được tinh hoa phương Đông rồi trao truyền cho độc giả khắp nơi trên thế giới.

Huston Smith

Giáo sư triết học phương Đông, Đại học Syracuse, New York

Giảng sư Thần học, Đại học Berkeley, California

MỘNG VÀ THỰC

Vầng thái dương từ từ nhô lên khỏi đỉnh Tashiding, ánh sáng rực rỡ tỏa lan khắp sườn núi báo hiệu một ngày vừa bắt đầu. Những tia sáng hồng phản chiếu trên mặt tuyết trắng như muôn ngàn vết chấm phá rực rỡ nhảy múa. Hương thơm của muôn ngàn bông hoa dưới thung lũng theo gió quyện vào không gian, đó đây có tiếng thác nước rì rào, du dương trầm bổng. Trước cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế làm sao người ta có thể dửng dưng cho được? Làm sao người ta còn có thể bận bịu với những tính toán tầm thường mà quên đi sự mầu nhiệm tuyệt vời vẫn xảy ra chung quanh ta? Nhìn tia sáng lấp lánh trên lá cây, nghe tiếng chim ríu rít trên cành, ngửi mùi thơm ngát của hương đồng cỏ nội, người lữ khách sau chuyến hành trình gian nan mệt mỏi bỗng cảm thấy bừng tỉnh, tươi mát, như vừa được tắm trong một dòng nước mầu nhiệm, rửa sách mọi phiền não.

Đã mấy hôm nay, ngày nào cũng thế, khi vầng thái dương vừa ló dạng, tôi đã vội vàng leo lên đỉnh đồi trước am thất của Lạt ma Tangku, ngồi xếp bằng, quay mặt về phương Đông để chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt diệu của thiên nhiên phô diễn trước mắt. Có lẽ các bạn cho rằng cảnh mặt trời mọc thì có gì lạ. Có thể nó không lạ lùng với những người đang bận rộn về sinh kế, lo lắng hàng trăm thứ chuyện, những người đang ưu phiền trước khó khăn của cuộc sống, đang hoài niệm về quá khứ, suy tính cho tương lai. Tuy nhiên một khi đã biết trút bỏ những gánh nặng đó xuống, ý thức rõ rệt rằng quá khứ đã qua mà tương lai chưa đến, có ai ngăn cản chúng ta tận hưởng cảnh đẹp tuyệt vời của hiện tại đâu?

Có lẽ các bạn tự hỏi tại sao một người phương Tây mất công lặn lội qua các thung lũng nhỏ hẹp, đầy độc xà ác thú, vượt bao trở ngại thiên nhiên, để đến ngồi trước am thất nhỏ trên đỉnh Tashiding nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc làm gì? Dĩ nhiên tôi không quản ngại đường sá xa xôi hiểm trở, tìm đến chốn này vì một mục đích rõ rệt. Tuy nhiên trước khi đi xa hơn về chuyến du hành lên Tashiding này, tôi muốn giới thiệu ít dòng về tôi, về những lý do đã đưa đẩy tôi tìm đến chốn này.

Tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu tại Regent’s Park, Luân Đôn. Cha tôi là một thương gia, mẹ tôi qua đời khi tôi vừa lên sáu nên tôi được chị vú Nerp nuôi nấng. Thuở ấu thơ của tôi chỉ quanh quẩn bên cạnh chị vú trong căn nhà rộng tại Regent’s Park. Cha tôi vì bận việc buôn bán nên rất ít khi có mặt ở nhà, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông chểnh mảng việc chăm sóc con cái. Là người Anh, ông không có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài nhưng ông rất quan tâm đến việc giáo dục và tương lai của tôi. Dù bận rộn thế nào chăng nữa, ông không bao giờ quên mua cho tôi những cuốn sách về kiến thức phổ thông mà tôi rất thích. Có lẽ vì thế mà sách vở đã chiếm một địa vị quan trọng trong đời tôi. Khi học mẫu giáo, tôi là đứa bé duy nhất trong trường có thể vẽ trọn bản đồ thế giới với tên các quốc gia, thủ đô, núi non, sông hồ. Tuy nhiên địa lý không phải là môn học sở trường của tôi. Có lẽ tôi chẳng có môn nào gọi là sở trường cả. Tôi chỉ là một đứa bé thường có những ý nghĩ lạ lùng, khác thường, và hay đặt những câu hỏi mà người lớn không sao trả lời được. Tôi còn nhớ một buổi sáng như thường lệ, chị vú Nerp cầm ly sữa nóng bước vào phòng tôi.

ĐỌC THỬ

– Chị Nerp à, em vừa trải qua một giấc mơ lạ lùng. Em không nhớ rõ chi tiết nhưng đó là một giấc chiêm bao hết sức kỳ lạ.

Chị Nerp tủm tỉm cười đưa ly sữa ra trước mặt tôi:

– Lúc nào cậu chẳng mơ với mộng!

– Thực mà, em đã mơ… nhưng tại sao em không nhớ gì hết? Nếu là giấc mơ thì người ta phải nhớ được chứ? Phải chăng đó không phải là một giấc mơ mà hiện nay em mới đang mơ?

– Thôi đi cậu, tôi không biết cậu đã chiêm bao những gì nhưng chắc chắn hiện giờ cậu không mơ chút nào hết. Nếu cậu không uống ngay ly sữa này thì ông sẽ mắng cậu cho mà coi.

– Nhưng… nhưng biết đâu cha em cũng chỉ là một giấc mơ, chị cũng là một giấc mơ, và bây giờ em vẫn đang mơ?

Chị Nerp bật cười dí ly sữa vào miệng tôi:

– Không đâu, đây không phải là một giấc mơ mà là thực.

– Nhưng làm sao chị biết đâu là mơ và đâu là thực? Chị Nerp ấn ly sữa vào miệng tôi và không cho tôi

nói tiếp, tôi vừa uống vừa cự nự nhưng chị vẫn tiếp tục dí sát ly sữa vào miệng tôi và cười rúc rích. Không hiểu sao câu chuyện tầm thường về mộng và thực đó cứ ám ảnh đầu óc của tôi suốt thời thơ ấu. Trong mấy năm tiểu học, tôi luôn luôn tự hỏi phải chăng cuộc đời chỉ là một giấc mộng?

Nhiều năm sau, khi đọc sách của Trang Tử đến đoạn ông mơ mình hóa bướm và băn khoăn không biết có phải ông đã mơ thành bướm hay chính bướm đã mơ thành ông, tôi hết sức xúc động và cảm khái. Cả một dĩ vãng thơ ấu với câu hỏi về mộng và thực một lần nữa lại hiện ra rõ rệt trong tâm trí tôi.

Khi lên trung học, tôi thường bị ám ảnh bởi một cảm giác kỳ lạ rằng cái thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống có thể biến mất trong chớp mắt, tất cả chỉ còn lại một cái gì uyên nguyên rỗng lặng không thể diễn tả, không thể định danh. Hiển nhiên đó là một tư tưởng lạ lùng vì đầu óc những đứa trẻ cùng tuổi với tôi chỉ quanh quẩn với kết quả các trận bóng đá, các trò thể thao, cuộc ẩu đả trong lớp, hoặc việc bị phạt cấm túc trong phòng thầy giám thị.

Tôi còn nhớ một buổi tối đi giữa sân trường, bốn bề yên lặng như tờ, trước mặt tôi là những tòa nhà cao lớn, những giảng đường đồ sộ, tự nhiên như có gì thôi thúc tôi bỗng nhắm mắt lại. Tôi tự hỏi tại sao khi mắt nhắm thì giảng đường, tòa nhà biến mất? Tại sao khi mở mắt thì chúng lại hiện hữu? Phải chăng nếu không có ngũ quan thì cái thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hình thể này sẽ biến mất? Một lần nữa câu hỏi về mộng và thực, về thế giới hiện tượng của giác quan, và cái thế giới “tưởng như có mà dường như không có” kia lại trở lại với tôi. Liệu thế giới của chúng ta có thực sự hiện hữu không? Mặc dù không dám đặt câu hỏi với ai vì sợ bị chế giễu là điên khùng nhưng tôi vẫn nghĩ đó là một câu hỏi đúng đắn.

Mùa hè năm đó cha tôi bị bệnh thương hàn. Để tránh việc tôi bị lây bệnh, cô Jessie của tôi đã đưa tôi về nhà riêng của cô ở gần bờ biển để nghỉ hè ít lâu. Cô Jessie thường đi bộ mỗi ngày vì theo cô “không gì tốt hơn đi bộ” (hiển nhiên cô rất có lý vì khi tôi viết những dòng này thì cô đã trên trăm tuổi và vẫn cố gắng đi bộ mỗi ngày). Hôm đó đang đi dọc theo những cửa hàng ngoài phố, tôi nhìn thấy một pho tượng nhỏ màu xanh bày trong tủ kính. Đó là tượng Phật Thích Ca ngồi thiền. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết đó là tượng gì, tôi chỉ biết nó có một cái gì lạ lùng hấp dẫn với tôi mà thôi:

– Cô Jessie ơi, nhìn kìa… pho tượng đẹp quá!

Cô Jessie quá quen thuộc với sự vòi vĩnh đòi quà của đứa cháu nên đứng ngay lại:

– Vậy ư? Cháu có thích pho tượng đó không?

Người chủ tiệm đã quan sát chúng tôi từ xa, giờ vội vã bước ra, hai tay xoa vào nhau và mỉm cười thân thiện:

– Cậu bé thích pho tượng phải không? Cậu có mắt tinh đời lắm. Đó là pho tượng rất hiếm mà tôi vừa mua được từ Ấn Độ đấy.

– Nhưng pho tượng đó dùng làm gì?

Người chủ tiệm mỉm cười rút ra một miếng gỗ trầm, bật lửa đốt rồi bỏ vào trong lòng pho tượng. Thì ra đó là một pho tượng rỗng ruột dùng để đốt trầm, khói trầm bay ra từ mũi, miệng pho tượng lan ra khắp nơi nhưng tự nhiên tôi thấy khó chịu:

– Tệ quá, pho tượng đẹp như vậy mà lại dùng để đốt hương liệu, trông kỳ cục, khôi hài làm sao.

Nghe vậy cô Jessie nói ngay:

– Phải đấy, pho tượng này xấu xí kỳ cục làm sao. Qua tiệm khác, cô sẽ mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt.

Người chủ tiệm không chịu thua:

– Nếu em không thích pho tượng này thì tôi còn một pho tượng khác nhưng nó chỉ dùng để trưng bày thôi.

Ông lấy ra một tượng Phật tương tự như pho trước nhưng lớn hơn và đẹp hơn. Vừa trông thấy, tôi đã thích ngay. Cô Jessie nhìn ngắm pho tượng rồi lắc đầu:

– Nhưng pho tượng này đâu có chơi được, để cô mua cho cháu mấy thằng lính bằng sắt có hơn không?

– Không. Cháu thích pho tượng này.

Người chủ tiệm mỉm cười, xoa hai tay vào nhau:

– Phải rồi, mấy thằng lính sắt làm sao so với pho tượng này được. Cậu bé giỏi lắm, đây là một pho tượng rất quý làm tại Ấn Độ. Tôi bảo đảm không có mấy tiệm bán nó đâu.

Cô Jessie ngạc nhiên không hiểu tại sao tôi nhất định đòi mua pho tượng “xấu xí” đó:

– Nhưng cháu đâu thể chơi gì với pho tượng này được?

– Nhưng… cháu thích.

Hai chữ “cháu thích” có một ý nghĩa tối hậu mà một bà cô thương cháu như cô Jessie không thể từ chối được.

Khi về Luân Đôn, tôi đặt pho tượng lên bàn học bên cạnh chiếc máy quay dĩa mà cô Jessie mua cho hồi năm ngoái. Tôi rất thích ngắm pho tượng. Mỗi khi nhìn khuôn mặt bình an trầm tĩnh của Đức Phật, tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc kỳ lạ nào đó. Dĩ nhiên lúc đó tôi không biết danh từ “Phật” có nghĩa là gì hay tượng trưng cho cái gì. Tôi chỉ gọi đó là “Chinese God”. Ít lâu sau, trong một buổi đi chơi với cha tôi tại khu Newberry, tôi mua được một cái khám thờ nhỏ bằng gỗ giá tỵ làm tại Miến Điện. Tôi đặt pho tượng vào trong cái khám thờ rồi trịnh trọng bày ở góc phòng. Hằng ngày tôi lựa những bông hoa đẹp nhất trong vườn đặt trước bàn thờ rồi ngồi yên chú tâm vào khuôn mặt đầy an lạc của pho tượng. Tôi còn vặn nhạc khi ngồi tĩnh tâm như vậy, tôi thích chọn bài Praeludium vì tính cách trang nghiêm của nó. Đối với một đứa bé mười một, mười hai tuổi, trò chơi trẻ con này xét ra vô hại, mặc dù hàng tuần đi dự thánh lễ tôi vẫn đọc đi đọc lại các điều răn, trong đó điều thứ ba ghi rõ “không được thờ cúng hình tượng”. Mãi cho đến năm mười ba tuổi, tôi bỗng ý thức được trọng tội này. Trong cơn hốt hoảng, tôi đập tan pho tượng và chiếc khám thờ, quăng vào thùng rác, rồi cảm thấy như có một cái gì “oanh liệt” trong người.

Cho đến nay, tôi vẫn không thể giải thích vì sao tôi lại thích pho tượng đó. Tại sao một đứa bé đòi mua tượng Phật thay vì những thằng lính bằng sắt? Hình như có một cái gì từ bên trong thúc giục tôi tôn kính pho tượng mặc dù không biết đó là tượng gì. Tại sao tôi lại đặt nó trong khám thờ đẹp đẽ, hằng ngày mang hoa tươi đến cúng, vặn nhạc trang nghiêm, rồi chăm chú ngồi yên trước pho tượng? Phải chăng lòng tôn kính và các nghi thức dâng hoa, trỗi nhạc đó phát xuất từ một thói quen trong tiền kiếp?

Mãi cho đến năm mười lăm tuổi, tôi mới nghe nói đến danh từ “Phật”. Tôi đã quên hẳn pho tượng, quên hẳn trò chơi trẻ con ngày trước. Tôi đang bận rộn với những việc mà một đứa trẻ mười lăm tuổi cho là quan trọng, cho đến một hôm cùng cha tôi đi xem chiếu bóng. Đó là phim Ánh đạo phương Đông (Light of Asia) dựa theo cuốn sách nổi tiếng của sư Edwin Arnold viết về sự tích Đức Phật Thích Ca. Tôi còn nhớ rõ cảm giác “chấn động” khi bước ra khỏi rạp chiếu phim. Chưa bao giờ tôi lại xúc động nhiều như vậy. Tôi bước đi mà đầu óc vẫn quanh quẩn với những hình ảnh tuyệt vời trong phim. Hình ảnh vị hoàng tử trẻ tuổi, sống sung sướng trong cung vàng điện ngọc, lại từ bỏ tất cả để tìm đường giải thoát. Hình ảnh con người phi thường ngồi thiền dưới cội bồ đề đã nhắc nhở, kêu gọi nơi tôi một cái gì mà tôi chưa ý thức được. Tôi chỉ biết dường như có một niềm vui kỳ lạ, một sự sung sướng rạo rực, một cảm giác như mới “biết yêu lần đầu” dâng lên trong lòng. Hình như tôi vừa tìm được một cái gì thân yêu đã mất, một cái gì thiêng liêng cao quý, và tự nhiên tôi thấy mình niệm thầm danh hiệu Đức Phật Thích Ca.

Khi lên trung học, cha tôi ghi tên cho tôi vào trường Haileybury thay vì Winchester hay Eton. Đối với một đứa bé không thích thể thao thì Haileybury là một nơi không thích hợp. Tuy nhiên ngoài truyền thống về kỷ luật và thể thao, Haileybury còn là nơi đào tạo nhiều chuyên viên kỹ thuật cho công ty East India, một công ty chuyên khai khẩn thuộc địa. Vì lý do đó, thư viện của trường có rất nhiều sách vở, tài liệu về các quốc gia phương Đông. Tôi đã tìm được một kho tàng vô giá trong các kệ sách đầy bụi bặm, ít ai thèm đụng đến. Các sách vở, tài liệu về triết học, tôn giáo Á châu. Chính tại đây tôi đã say mê đọc các cuốn sách của Max Muller như bộ Sacred books of the East cũng như các bộ sách tương tự mà vì lý do nào đó đã tuyệt bản, hoặc không thể tìm thấy trên thị trường. Đối với các bạn trong trường, tôi thuộc hạng “cù lần”, nghĩa là không biết gì về thể thao hay những thú giải trí thịnh hành khác như cưỡi ngựa, săn bắn và khiêu vũ. Hiển nhiên đó không phải là điều xấu mà còn ngược lại, vì tôi có thể ngồi hàng giờ trong thư viện mà không sợ bị ai rủ rê hay quấy rầy. Nếu khi ở tiểu học tôi là đứa bé duy nhất có thể vẽ trọn vẹn bản đồ thế giới thì ở trung học, có lẽ tôi là học sinh duy nhất có thể phân biệt được kinh điển của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Khổng giáo hay Lão giáo. Dĩ nhiên kiến thức của tôi chỉ là một thứ kiến thức “ếch ngồi đáy giếng” nhưng lúc đó tôi hãnh diện về nó biết bao.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button