Kỹ năng mềm

Nghệ Thuật Thuyết Phục Đỉnh Cao

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Peter Coughter

Download sách Nghệ Thuật Thuyết Phục Đỉnh Cao ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Richmond, Virginia

Tháng 10 năm 1975

John Siddall, Stanley Martus và tôi cùng khởi sự một agency1. Khi đó, tôi 28 tuổi và là người trẻ nhất nhóm. Chúng tôi đều rất thông minh, sáng tạo và mưu cầu thành công. Chúng tôi không hình dung đến việc có quá nhiều điều mình không biết đến thế. Nếu biết mọi sự khó khăn đến vậy, chúng tôi đã chẳng bao giờ lập ra cái agency ấy nhưng đã đâm lao thì phải theo lao.

1Agency: Công ty dịch vụ truyền thông sáng tạo, chuyên cung cấp dịch vụ tiếp thị và quảng cáo (BT).

John và tôi là kiểu người “sáng tạo” và Stanley thì đúng là một anh chàng quản lý khách hàng thực thụ. Anh ấy thậm chí còn có hẳn một bộ comple.

Hầu hết các agency đều bắt đầu khởi nghiệp với một nguồn vốn khách hàng “nhỏ”, dựa trên mối quan hệ của chính những người sáng lập. Chúng tôi không có được những khách hàng ấy. Chúng tôi chỉ có hai khách hàng nhỏ mà tôi đã làm tự do trước đó nhưng chúng tôi còn trẻ và không phải gánh vác trách nhiệm gia đình. Thực tế thì ba bà vợ của chúng tôi mới là trụ cột trong nhà.

Chúng tôi cần một số mối làm ăn thực sự nhưng lại không biết làm thế nào. Các công ty gọi điện chào mời khách hàng qua điện thoại (cold calling) trên Các Trang Vàng (Yellow pages) không mang lại hiệu quả. (Ở thời điểm đó, Sách Đỏ (Red Book) liệt kê danh sách các công ty khách hàng và các agency của họ, với tên, chức danh, số điện thoại, địa chỉ email…. Lúc đó, mọi người còn chưa có chút ý tưởng gì về Internet). Và việc kết nối với những người chúng tôi biết, hay làm việc cùng, hay gặp ở quán bar, đều không hiệu quả.

Nhưng sau đó, Reston, một thị trấn mới được xây dựng ở Hạt Fairfax, bang Virginia, bởi Tập đoàn Dầu khí Gulf, quyết định cân nhắc lại mối quan hệ với các agency của mình. Nhờ có kinh nghiệm kế toán trước đó của John, chúng tôi được mời đến vòng thuyết trình đầu tiên. Chúng tôi phải cạnh tranh với Cargil Wilson & Acree, một agency ở phía Nam đã thiết kế rất nhiều quảng cáo sáng tạo, trước đó đã được Doyle Dane Bernbach (DDB) – một agency cũng vô cùng sáng tạo – mua lại. Chúng tôi đã nhảy vào một cuộc chiến đầy rẫy những ông lớn trong ngành quảng cáo của New York và Washington, D.C… Tất cả đều muốn có được thương vụ kinh doanh này và chúng tôi cũng vậy.

Và đó là lý do vì sao chúng tôi thắng trong cuộc đấu đó. Tất nhiên cần trải qua vài vòng loại, các chiến dịch phức tạp, hàng giờ không ngủ, hàng tháng dài miệt mài làm việc, cầu nguyện không ngừng và vô thiên lủng các bài thuyết trình.

Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã thắng. Chúng tôi đã đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất trong ngành – những người có nguồn lực tốt hơn chúng tôi, những người lẽ ra sẽ là lựa chọn hợp lý hơn hẳn so với ba anh chàng không tiền, không văn phòng, không nhân viên và chỉ có một kẻ mặc comple như chúng tôi.

Đó cũng chính là thời khắc tôi hiểu ra được sức mạnh của thuyết trình. Sức mạnh của việc tạo ra kết nối cảm xúc với khán giả, thuyết phục khán giả rằng chúng tôi muốn có được cơ hội hợp tác, sẵn sàng làm tất cả mọi điều cần thiết để có được cơ hội đó, đủ để khiến họ thuê chúng tôi. Nếu chỉ đơn thuần là làm việc tốt nhất, có ý tưởng tuyệt vời nhất thôi thì chưa đủ.

Phải thừa nhận rằng, họ quả là một khách hàng dũng cảm, nếu không phải nhờ có uy tín của John, chúng tôi chẳng bao giờ được đặt chân đến căn phòng ấy. Nhưng khi cơ hội đến, chúng tôi phải đón nhận. Cạnh tranh thôi không đủ. Chúng tôi còn cần phải hấp dẫn, phải thuyết phục. Chúng tôi cần thuyết phục những con người đầy kinh nghiệm, làm việc cho một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới rằng thay vì một trong những “tên tuổi có thương hiệu” trong ngành quảng cáo Mỹ, họ nên thuê ba anh chàng chưa ai biết mặt đặt tên như chúng tôi.

Và đó chính là điều chúng tôi đã làm được.

Trong những năm sau đó, chúng tôi điều chỉnh một chút phương pháp của mình và càng trở nên giỏi hơn, giỏi hơn nữa trong việc thuyết trình. Chúng tôi biết rằng đó chính là chìa khóa đưa tới thành công. Thực tế, nó là chìa khóa thành công trong mọi cuộc thương lượng kinh doanh. Chúng tôi dần nhận được hàng trăm và hàng trăm giải thưởng sáng tạo, rất nhiều trong số đó là cho thương vụ với Reston nhưng chúng tôi sẽ không thể có được những giải thưởng đó nếu ban đầu không giành được thương vụ và sau đó là học cách bán ý tưởng của mình.

Tôi nhận thức rất rõ sức mạnh của thuyết trình hiệu quả và nhận ra rằng dù mình là người trẻ nhất và ít kinh nghiệm nhất nhóm nhưng lại có thể đóng góp lớn nhất cho nhóm ở khía cạnh này.

Chúng tôi trở thành một cỗ máy kinh doanh mới, giành chiến thắng trước những agency lớn hơn và, có thể là, chất lượng hơn. Chúng tôi không dám hoàn toàn chắc chắn nhưng rất có thể chúng tôi sẽ phát triển thành một trong những agency nổi tiếng nhất ở phía Nam nước Mỹ.

Tôi hiểu được rằng bất chấp đối thủ cạnh tranh, nếu chúng tôi có thể biến hai giờ đồng hồ trong căn phòng đó thành yếu tố then chốt trong quyết định cuối cùng của đối tác, chúng tôi có thể đánh bại những người lẽ ra đã đánh bật chúng tôi.

Khi đã có khách hàng, chúng tôi làm việc cật lực để thuyết phục họ sử dụng sản phẩm chúng tôi đã sáng tạo.

Tôi đã học được cách thiết kế một bài thuyết trình hiệu quả và cách để trình bày nó. Dần dần, chúng tôi đã sắp xếp quy trình hợp lý đến mức tôi có thể tự mình diễn thuyết trình tất cả các bài thuyết trình trước các doanh nghiệp. Đây không hẳn là cách thức tất cả các bài thuyết trình trên thế giới được thực hiện nhưng cách này rất hiệu quả với chúng tôi.

Trong 20 năm gắn bó với Siddal, Matus & Coughter, tôi đã học được rất nhiều điều. Và cho đến nay, tôi vẫn chưa bao giờ ngừng học hỏi. Hiện tại, tôi đang giảng dạy tại VCU Brandcenter, một chương trình giáo dục về truyền thông tại Đại học Virginia Commonwealth (Virginia Commonwealth University – VCU), đồng thời làm việc với các khách hàng bên ngoài thông qua công ty tư vấn của mình – Coughter & Company. Tôi đã học được nhiều điều từ khách hàng của mình, từ các giám đốc bảo hiểm ở Illinois, các giám đốc sáng tạo ở Toronto cho đến các nhân viên quảng cáo ở Nhật Bản, hay thậm chí cả các sinh viên ở Richmond, Virginia.

Đó có thể là một giám đốc sáng tạo trẻ tuổi đến từ Chicago, tham gia chương trình Đào tạo Giám đốc Điều hành, thể hiện xuất sắc sức mạnh của một slide1 với chỉ vài từ. Đó cũng có thể là một nhóm các giám đốc điều hành người Nhật trình bày chiến dịch thức ăn cho thú cưng và nhận ra rằng hội đồng xét duyệt không biết nói tiếng Nhật và họ thì không nói tiếng Anh, đã chọn nói từ “pet – thú cưng” và thuyết phục được người nghe rằng phương pháp của họ là hiệu quả nhất. Hay một sinh viên trong lớp của tôi, chỉ với một quả bóng bay, đã giải thích được sự phức tạp của biến đổi khí hậu. Hay một giám đốc nghệ thuật người Los Angeles đã vô cùng xúc động cảm ơn tôi bởi “Tôi đã không còn sợ nữa”.

1Slide: là một trang thuyết trình, được tạo ra bởi PowerPoint Office – ứng dụng chuyên hỗ trợ trình chiếu trong thuyết trình (BT).

Tất cả họ đều đã khám phá ra sức mạnh nội tại của mình. Họ hiểu rằng thực ra họ vốn đã biết tất cả những điều cần thiết để giao tiếp hiệu quả, cái họ cần chỉ là mở khóa chúng mà thôi. Và công việc của tôi đơn thuần là giúp họ tìm ra chiếc chìa khóa.

Chúng ta dễ dàng quên những gì được dạy bảo nhưng sẽ nhớ mãi những điều mình tự khám phá ra.

Từ năm 1995, cùng với việc dạy học, đào tạo và tư vấn cho các công ty, tôi đã được tận mắt chứng kiến khoảng 10.000 bài thuyết trình. Có thể là hơn.

Tôi đã hướng dẫn cho khoảng 4.000 người. Nếu tính theo Malcolm Gladwell, thì cùng với 20 năm tôi làm việc cho Siddal, Matus & Coughter, giờ đây tôi đã đạt được “Nguyên tắc 10.000 giờ”. Nhưng như tôi đã nói, tôi vẫn tiếp tục học, bởi đó chính là chìa khóa để có thể chỉ bảo cho người khác.

Tôi đã rất may mắn được làm việc với một số agency và nhân sự giỏi nhất trong lĩnh vực quảng cáo. Khách hàng của tôi bao gồm Barbarian Group, BBDO, Boone/Oakley, Brunner, Butler Shine Stern & Partners, Campbell Ewald, Capstrat, Clear Channel Communications, Cole Weber United, Cramer-Krasselt, Crispin Porter + Bogusky, DDB, Dentsu, Draft FCB, Erwin Penland, Euro RSCG, Goodby, Silverstein & Partners, GSD & M, Hill Holiday, IPG, JWT, Leo Burnett, Modea, McKinney, Ogilvy, Publicis, Royall & Company, SandersWingo, Sid Lee, State Farm Insurance, Stone & Ward, StrawberryFrog, TAXI, The Martin Agency, Y & R và rất nhiều agency khác.

Tôi cũng rất may mắn khi được làm việc cùng những đối tác trong lĩnh vực phát triển kinh tế, tuyển dụng, phát triển bất động sản, luật, ngân hàng đầu tư, quỹ cá nhân, ngân hàng và kiến trúc, thậm chí là cả các huấn luyện viên bóng rổ và các quản lý câu lạc bộ thể thao trong các chiến dịch của Nike.

Bạn thấy không? Mọi người đều cần học cách kết nối. Học cách khiến bản thân trở nên dễ hiểu, khiến mọi người đều hiểu những gì mình nói. Học cách thuyết phục ai đó rằng ý kiến của mình là đúng đắn.

Tôi tin rằng tất cả những ý tưởng tuyệt vời trong cuốn sách này đều xứng đáng được học hỏi và thử nghiệm.

Vì thế, hãy bắt đầu thôi.

ĐỌC THỬ

Chương 1TẤT CẢ ĐỀU LÀ THUYẾT TRÌNH

Thuyết trình| Danh từ

1. Trao hoặc tặng vật gì đó cho ai đó, như một phần của một buổi lễ trọng thể: trao chứng chỉ cho các học viên mới | bài thuyết trình về “chiến lợi phẩm”.

a. Cách thức một vật được trao, tặng hoặc thể hiện: bài thuyết trình về thực phẩm được thiết kế để kích thích vị giác của bạn.

(Trích từ điển New Oxford American)

V

ậy “thuyết trình” là gì? Chúng ta có thể thấy cách từ điển định nghĩa từ này ở trên. Tôi thích cụm từ “trao hoặc tặng vật gì đó cho ai đó…” – như thể thuyết trình là một món quà vậy. Cách nghĩ này quả là rất thú vị.

Và tôi còn đặc biệt thích phần tiếp sau đó “cách thức một vật được trao, tặng hoặc thể hiện: bài thuyết trình về thực phẩm được thiết kế để kích thích vị giác của bạn”. Đó chẳng phải là điều chúng ta muốn mọi người cảm nhận thấy hay sao? Kích thích. Vì thế chúng ta muốn tặng quà cho mọi người. Một thứ gì đó sẽ kích thích vị giác của họ hơn nữa.

Chúng ta có thể cho rằng những ý tưởng của mình chính là những món quà, nhưng tôi thì thích nghĩ về điều này theo một cách khác – chúng ta chính là những món quà. Chúng ta trao tặng bản thân cho khán giả. Chúng ta mang đến cho họ sản phẩm được kết tạo bởi suy nghĩ, nỗ lực và tính cách cá nhân của chính chúng ta.

Chúng ta đang trao cho họ chính con người mình. Chúng ta nói với họ những sự thật. Đó mới chính là những món quà dành cho họ.

Đa phần mọi người không quan tâm đến việc thuyết trình, hay thực hiện một bài thuyết trình, theo cách đó. Nhưng đó lại là cách chúng ta nên hướng tới – bởi xét cho cùng, bất kể cuộc giao tiếp nào cũng chính là cuộc “trao tặng” một bài thuyết trình, phải vậy không?

Hầu hết chúng ta đều coi thuyết trình là việc cỏn con. Khi có việc nào đó rất khó thực hiện và không nhất thiết phải làm, chúng ta sẽ tránh nó bằng mọi giá. Thực tế, một trong những lý do mọi người nghĩ sai về việc thuyết trình như vậy là bởi họ coi thuyết trình là một dạng “diễn thuyết trước đám đông” đáng sợ. Tôi nói đáng sợ, bởi theo như mọi cuộc điều tra về nỗi sợ hãi lớn nhất của người Mỹ từng được thực hiện, chiếm vị trí hàng đầu chính là “diễn thuyết trước đám đông”. Còn đáng sợ hơn cả cái chết. Lúc nào cũng thế.

Nhưng thuyết trình không phải là “diễn thuyết trước đám đông”. Nó không buộc bạn phải bước lên bục diễn thuyết của diễn đàn và cất tiếng oang oang, sang sảng. Nó không phải là một cuộc tranh luận. Cũng không phải một bài diễn văn. Nó là một cuộc trò chuyện. Chỉ đơn thuần là bạn đang làm mọi thứ chủ yếu bằng lời nói. Hãy hiểu rằng bạn đơn giản là đang trò chuyện với khán giả, chia sẻ với họ những suy nghĩ của bản thân. Bạn không tranh cãi. Cũng không bán hàng. Bạn chỉ đang có một cuộc trò chuyện. Và đang trao tặng cho họ một món quà.

BẠN LUÔN LUÔN BỊ ĐÁNH GIÁ

Mọi thứ đều liên quan đến thuyết trình. Ý tôi chính là thế đấy. Ngồi xuống trao đổi một chút với ông chủ cũng là thuyết trình. Hẹn hò bia bọt với đồng nghiệp cũng là thuyết trình. Phỏng vấn rõ ràng là một buổi thuyết trình, và đương nhiên, ra mắt gia đình bạn trai cũng vậy.

Trong mọi trường hợp, bạn đều bị đánh giá. Họ quan sát, kiểm tra bạn. Có thể có một số tình huống khó khăn hơn, chông gai, gập ghềnh hơn, song dù khó hay dễ thì mọi tình huống vẫn đều là một bài thuyết trình. Mọi người đang hình thành quan điểm riêng về bạn – những quan điểm rất khó lòng thay đổi.

Thường thì đó là những quan điểm bạn ít mong đợi nhất.

Trong 11 năm hoạt động đầu tiên, Brandcenter VCU đặt trụ sở tại tầng trệt của một tòa nhà tấp nập người ra vào.

Tôi thường đứng ngoài cửa và trò chuyện với một anh chàng làm việc cho Bộ Giao thông vận tải, có văn phòng đặt ở ngay tầng trên của chúng tôi. Anh chàng đó rất tuyệt, trò chuyện với anh ta rất vui. Một hôm, anh ta nói với tôi: “Lứa sinh viên này có vẻ khá hơn năm ngoái”. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe vậy. Có vẻ như anh ta hơi vô lý khi khẳng định thế bởi có bao giờ anh ta đặt chân vào lớp học của chúng tôi đâu, vì thế tôi đã hỏi sao anh ta lại nói thế. “Bởi chúng không lấn chiếm vỉa hè như bọn nhóc năm ngoái. Nếu có ai đó đi qua, chúng sẽ nhường đường. Chúng rất lịch sự”, anh ta đáp.

Bất kỳ lúc nào cũng có người đánh giá bạn. Mọi thứ đều là thuyết trình.

Bất kể tình huống hay cơ sự như thế nào, hãy luôn suy nghĩ tích cực rằng thuyết trình là một cơ hội. Một cơ hội chia sẻ suy nghĩ của mình với khán giả – trao tặng họ món quà của bạn. Dù khán giả chỉ là một người ngồi đối diện bạn, hay một phòng khiêu vũ đông nghịt những nhà buôn ô tô ở Las Vegas thì đó vẫn là cơ hội để bạn thể hiện bản thân với họ.

Trong hầu hết các tình huống kinh doanh, các buổi thuyết trình đều mang tính đội nhóm, tức là thành quả của một nhóm. Do đó, chúng đòi hỏi một phương thức thực hiện hoàn toàn khác. Nhóm cần thống nhất với nhau về những gì họ muốn khán giả thu nhận được và họ sẽ làm gì để đạt tới mục tiêu đó. Mỗi thành viên cần góp sức vào thỏa thuận chung của nhóm. Mỗi người đều nên được “phân vai” đảm nhiệm một số kỹ năng hoặc phong cách cụ thể. Và để thành công, mỗi diễn giả của nhóm cần phát huy hết vai trò của mình. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ luyện tập. Chúng ta sẽ bàn cụ thể hơn về điều này trong chương sau nhưng vẫn phải nhất quán quan điểm về việc để bài thuyết trình trở thành một món quà trao tặng đến độc giả. Khi tư duy theo cách đó, nghĩa là bạn đang dấn bước trên con đường đến với một bài thuyết trình vĩ đại.

NHỮNG CHỮ KÝ GIÁ TRỊ

Tại sao trở thành diễn giả xuất sắc lại quan trọng đến vậy? Nó mang lại lợi ích to lớn gì?

Tại sao tôi lại nên dành nhiều thời gian và công sức cố làm việc này khi mà giờ đây tôi thấy mình cũng làm đủ tốt rồi?

Bởi đủ tốt nghĩa là chưa tốt. Bởi đủ tốt thì bạn sẽ luôn chỉ ở mức trung bình. Bạn sẽ không thể tiến lên được nữa. Khi đó, tài năng của bạn sẽ không được nhận ra, bạn không được thăng tiến và trả thù lao xứng đáng.

Đúng thế, là thù lao xứng đáng.

Có rất nhiều lý do hiển nhiên để bạn muốn thuyết trình tốt hơn nhưng một trong những lý do mà hầu như không ai đề cập đến khi tôi hỏi họ tại sao chúng ta lại thực hiện việc thuyết trình này, đó là – tiền.

Lần đầu tiên tôi đến Crispin Porter + Bogusky, họ còn chưa mở văn phòng ở Boulder, Colorado. Mọi người vẫn ngồi ở Coconut Grove tại Florida. Sau khoảng 9 giờ sáng một chút, tôi bắt đầu buổi hội thảo của mình với câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại nỗ lực để trở thành những diễn giả giỏi hơn?”.

Jeff Steinhour, khi đó là một trong những đối tác của công ty chúng tôi đồng thời là người đứng đầu bộ phận Quản lý nội dung và giờ là giám đốc, cũng có mặt trong phòng cùng 12 người khác của agency. Đó là lần đầu tiên tôi có hội thảo ở đó và anh ấy muốn xem mình đã thu nhận được những gì cho agency và nhân viên.

Tôi hỏi cả nhóm: “Tại sao các bạn đang làm những việc này? Tại sao chúng ta lại dành ra hai ngày để cố gắng đạt tới một trình độ thuyết trình cao hơn?”.

Tôi nhận được nhiều câu trả lời, tất cả đều “đúng” nhưng không có câu trả lời nào giống như tôi mong đợi. Vì thế, tôi đi đến giữa phòng và vẽ một tờ đô la khổng lồ lên bảng. Tôi cũng có chút lo sợ sẽ tạo ra hình ảnh bản thân hơi quá vụ lợi trước một agency nổi tiếng về tính sáng tạo nhưng tôi đã gạt bỏ ngay suy nghĩ đó.

Đúng lúc đó, Steinhour đứng dậy và hét lên: “Thật tuyệt!”.

Và đây là cách các bài thuyết trình diễn ra.

Nếu chúng ta bán được ý tưởng ngay từ lần đầu tiên, tức là công việc ấy có cơ hội thành công lớn. Tôi không quan tâm việc bạn làm trong ngành quảng cáo, kiến trúc hay ngân hàng đầu tư nhưng nếu công việc của bạn phụ thuộc vào việc khách hàng đánh giá ý tưởng của bạn ra sao, thì ý tưởng đầu tiên bạn giới thiệu đến họ chính là ý tưởng có cơ hội thành công nhất. Đó chính là ý tưởng có cơ hội nâng cao việc kinh doanh và giành được phần thưởng và tôi tin rằng đó là điều tuyệt vời cho tất cả những người có liên quan.

Nhưng nếu chúng ta không bán được nó ngay lần đầu, nếu chúng ta phải quay trở về và làm lại, việc đó sẽ tiêu tốn tiền của hãng. Với những cam kết hoa hồng và ngân sách chặt chẽ ngày nay, rõ ràng khách hàng sẽ không trả tiền cho khoản “làm lại”.

Hơn nữa, nếu chúng ta bán được sản phẩm ngay lần đầu – sản phẩm mà agency tin rằng nó là giải pháp hợp lý cho các vấn đề của khách hàng – thì khả năng cao là sản phẩm cũng sẽ hiệu quả và khách hàng sẽ gặt hái được nhiều lợi nhuận. Tiền cũng sẽ nhiều hơn.

LƯU Ý

Tôi tin rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của người lãnh đạo, nhiệm vụ mà tôi tin là khắc nghiệt nhất tại một agency, đó là thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm tuyệt vời chính là chìa khóa đưa tới thành công. Những sản phẩm tuyệt vời bao giờ cũng tốt hơn sản phẩm tốt. Và họ nên nhấn mạnh vào sản phẩm tuyệt vời mà agency của họ mang đến cho khách hàng.

Cuối cùng, nếu bán được sản phẩm, chúng ta là kẻ thắng. Chúng ta sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn. Cho nhiều khách hàng hơn. Và đạt được nhiều thương vụ kinh doanh hơn. Và đoán xem sau đó là gì? Chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn.

Có một thực tế về các agency, hầu như không có ngoại lệ, đó là những người được trả thù lao cao nhất chính là những diễn giả giỏi nhất. Hãy nhìn lại văn phòng của bạn mà xem. Cũng giống như vậy, phải không?

Bạn cần thuyết trình giỏi hết mức có thể. Sự nghiệp của bạn phụ thuộc vào điều đó. John Adam, Giám đốc điều hành của Martin Agency, một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của ngành này, đồng thời là một diễn giả tuyệt vời, từng nói với tôi: “Tôi nghĩ kỹ năng quan trọng nhất mà mọi người có thể có ở agency này chính là khả năng thuyết trình”.

Mỗi mùa hè, Brandcenter đều gửi học viên vừa hoàn thành năm nhất đến các agency trên toàn thế giới để thực tập. Các em được học hỏi ngay từ chính những nhân vật sáng giá nhất trong ngành. Khi tôi hỏi các em về những trải nghiệm của mình, thật đáng kinh ngạc khi không biết bao nhiêu lần tôi nhận được phản hồi rằng: “Thầy biết đấy, em đã làm việc với người này người kia mùa hè này, tuy anh ấy được cho là một giám đốc sáng tạo tuyệt vời nhưng em thì không nghĩ anh ấy thật sự sáng tạo như vậy”. Tôi nói: “Thầy hiểu, thế thì anh ấy giỏi ở khoản nào?”, chúng thường đáp: “Anh ấy là một diễn giả đáng kinh ngạc”.

QUẢNG CÁO CHO QUẢNG CÁO CỦA BẠN

Lời phàn nàn lớn nhất tôi nghe được từ các giám đốc sáng tạo tại các agency trên toàn nước Mỹ là: “Tôi chẳng làm ra được cái gì cả”.

Bạn nghĩ bạn sẽ trở thành giám đốc sáng tạo bằng cách nào? Là những đề xuất, công việc của bạn được thực hiện. Và cách duy nhất để bạn làm được điều ấy là thuyết phục khách hàng rằng đề xuất của bạn chính là giải pháp thích hợp nhất cho vấn đề của họ.

Dưới đây là một cách khá hữu dụng khi xem xét thuyết phục khách hàng rằng ý tưởng của bạn là phù hợp: Hãy quảng cáo cho quảng cáo của bạn. Cho dù ý tưởng có hay đến đâu cũng sẽ không làm nên chuyện gì trừ khi bạn thuyết phục được đối tác có cùng chung cảm nhận với bạn. Cho dù đó là giám đốc điều hành sáng tạo của bạn, khách hàng, một doanh nghiệp tiềm năng hay bất kỳ ai khác. Bạn cần khiến họ hiểu được điều đó. Cho dù bạn là người viết nội dung, giám đốc nghệ thuật, nhà lập kế hoạch, chuyên viên công nghệ hay một nhân viên kế toán cũng chẳng ảnh hưởng gì, bạn vẫn là một con người sáng tạo trong một lĩnh vực sáng tạo. Bạn và nhóm sẽ phải dành nhiều thời gian nhất có thể cho ý tưởng của mình. Thậm chí, hầu hết các agency còn bàn về cách thuyết trình sản phẩm của họ trong ô tô trên đường đến hội thảo. Điều đó là đúng đấy. Tôi cũng từng được nhắc nhở như vậy vô số lần. Nhưng thực ra còn có một cách khác hay hơn. Đó là hãy chọn ra một lượng thời gian nào đó và tìm cách bán nó. Hãy áp dụng y nguyên nguồn năng lượng và sự sáng tạo đã đầu tư vào việc tạo ra sản phẩm vào việc chào bán nó. Hãy quảng cáo cho quảng cáo của mình. Hãy cho ý tưởng của mình một cơ hội được sống. Nó chính là đứa con tinh thần của bạn. Bạn đã dồn hết tâm và trí cho nó. Bạn không thể cứ nhảy vào một cuộc chiến rồi để mặc cho kết quả đến đâu thì đến, chẳng cần quan tâm đối tác có thích ý tưởng của mình hay không. Tôi không quan tâm đến việc họ có thích ý tưởng của bạn không. Tôi chỉ muốn họ hiểu rằng ý tưởng đó là đúng đắn và phù hợp – và rằng chúng tôi biết cần phải làm thế nào để đạt được mục tiêu của thương hiệu. Bạn cần kiểm soát được tình thế và thuyết phục được họ về điều đó. Vì thế, hãy trích ra một chút trong quỹ thời gian đầu tư sáng tạo sản phẩm để tìm cách chào bán nó. Hãy mang sự sáng tạo đến cho công việc mang tên sáng tạo. Và quảng cáo cho quảng cáo của bạn.

LƯU Ý

Hãy làm những điều tương tự với cả những khán giả bạn đã biết, thậm chí với cả sếp của bạn. Có thể bạn nghĩ rằng mình đã quen biết cô ấy rồi nhưng hãy luôn luôn tiếp tục tìm hiểu về cô ấy. Bạn có thể cho rằng mình đã biết rõ khán giả của mình rồi nhưng chắc chắn sẽ có thứ gì đó có thể tìm hiểu thêm được, ít nhất là bạn không biết được những người ủng hộ mình ở đâu khi bạn đến một buổi hội thảo. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã có được sự ủng hộ của một người nào đó rồi nhưng mọi sự đều có thể thay đổi và người đó hoàn toàn có thể đứng sang bên kia chiến tuyến của bạn. Vì thế hãy luôn luôn tìm hiểu.

MỘT BÀI THUYẾT TRÌNH HIỆU QUẢ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Được rồi, giờ thì chúng ta đã biết tại sao trở thành một diễn giả giỏi lại quan trọng đến vậy nhưng làm thế nào để đạt được điều đó?

Hãy nghĩ về những đặc điểm của một diễn giả xuất chúng và bài thuyết trình mà người đó thực hiện.

1. Đó là một cuộc trò chuyện, mà trong đó bạn nói là chính.

Rất nhiều người phải vật lộn với ý tưởng này. Tôi nhận thấy điều đó khi làm việc với một số người ở một agency. Họ bị dính chặt vào ý niệm cần phải trở nên “khác biệt” thay vì đang “sống thực”, bởi xét cho cùng, đây là công việc. Và vì thế, những gì cuối cùng họ cho ra đời đều chán ngắt. Khi tôi ngồi xuống và xem xét các bài thuyết trình trong những cuộc thảo luận một-đối-một với từng người, họ đều thất kinh trước việc bị đánh giá là chán ngắt như thế nào. Và chán ngắt là từ tồi tệ nhất mà một diễn giả có thể bị gán cho. Đó là một lỗi tày trời trong thuyết trình. Nếu bạn tẻ nhạt, chán ngắt, tức là bạn đang làm lãng phí thời gian của khán giả và họ sẽ ghét bạn vì điều đó. Hãy quên việc trở thành “chuyên gia” đi và bắt đầu là chính mình. Hãy là chính con người bạn. Đừng nên cảm thấy như thể đó là một bài nói chuyện trên bậc thềm của tòa nhà Capitol hay một bài diễn thuyết tại một trung tâm hội nghị chính trị. Cũng đừng nghĩ nó như một bài diễn văn. Hãy coi nó chỉ như một cuộc trò chuyện với một người bạn trong một nhà hàng.

Tất cả chúng ta đều từng ngồi trong một buổi hội thảo, cầu nguyện cho nó mau kết thúc trong khi diễn giả cứ đều đều nói về một thứ gì đó vô cùng quan trọng với họ nhưng lại chẳng có gì thu hút với chúng ta. Có lẽ mọi thứ sẽ ổn thôi nếu như ông ta không quá cứng nhắc, xa cách và “chuyên nghiệp” đến thế. Ông ấy đã thành công trong thế giới của riêng mình. Và diễn thuyết cho chúng ta nghe.

Đừng làm thế. Tôi cực kì nhấn mạnh điều này. Hãy chỉ trò chuyện thôi. Những diễn giả giỏi nhất biết rõ điều này và đó là cách họ thuyết trình.

Bây giờ, đã đến lúc không thể không nói đến việc chúng ta cần tăng âm lượng và cường độ cảm xúc dựa trên chủ đề và sự tổ chức. Nếu chúng ta trò chuyện với hơn 5.000 nhà bán lẻ ô tô tại Vegas, chúng ta cần thể hiện to tát hơn so với khi chúng ta thảo luận về kế hoạch truyền thông với hai người ở bàn làm việc. Nhưng dù vậy, đó vẫn chỉ là một cuộc trò chuyện. Chỉ cần tăng tỷ lệ lên thôi.

2. Là chính bạn.

Những diễn giả xuất sắc nhất không đọc các slide trình chiếu. Tôi sẽ nói nhiều hơn về điều này trong phần sau nhưng hãy để tôi khẳng định điều đó ngay lúc này, bởi nói về nó thì không bao giờ là đủ cả.

Những diễn giả tài ba luôn ghi nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm nào đó. Điều đó là bình thường thôi. Thực tế, những diễn giả giỏi thực thụ thừa nhận những sai lầm của mình và hấp dẫn khán giả bằng chính sự trung thực và yếu tố con người.

Thực tế, vì chúng ta luôn cố gắng để có được phong cách “hội nghị” nên mới có những sai lầm. Tôi từng làm việc với một diễn giả tuyệt vời chủ ý xây dựng hình ảnh bản thân là một người khá vụng về trong câu từ và đạo cụ thuyết trình, khiến mình trở nên rất đỗi “bình thường”. Ông ấy tên là Ace. Và khán giả yêu thích ông ấy.

Tôi cũng từng làm việc với nhiều diễn giả rất khéo léo, rất giỏi, rất bóng bẩy và rất chắc chắn về bản thân, họ thường thể hiện một thái độ nào đó, không phải là sự thành thật. Đó chính là một “kẻ sát nhân”, bởi những gì khán giả muốn là sự tin cậy và tính xác thực. Họ không cần một người làm chủ một chương trình game show.

Điều khán giả thật sự muốn, điều họ thật sự hưởng ứng – chính là bạn. Dù đã nói điều này rồi nhưng tôi sẽ nhắc lại một lần nữa. Hãy luôn là chính mình.

Những diễn giả xuất sắc nhất biết rõ rằng không có cách thức nhất định nào để trở thành một người xuất sắc. Trên đời này chỉ có một Alex Bogusky, một Sally Hogshead và một Jeff Goodby. Và cũng chỉ có một người như bạn mà thôi. Hãy tìm ra phong cách của riêng mình và khai thác nó. Sử dụng nó. Phát triển nó. Tìm ra giọng nói của RIÊNG MÌNH. Đừng cố phát âm giống như một ai đó khác.

Có một cách rất dễ để nghĩ về việc này: Hãy là chính mình – mọi người sẽ học theo.

3. Kể chuyện.

Nghe thì hơi sáo rỗng nhưng điều này lại có thể là sự thật – những diễn giả tuyệt vời là những người biết kể chuyện. Tất cả chúng ta đều yêu thích những câu chuyện. Những câu chuyện có mở đầu, nội dung và kết chuyện. Những câu chuyện định hướng cho thái độ của chúng ta đi đúng hướng cho đến tận cuối cuộc đời. Không ai trong chúng ta muốn ngồi nghe hết một sự “nhai lại” chán ngắt những gì chúng ta đã biết về một chủ đề nào đó. Không ai muốn xem và nghe khi bạn cứ đứng trên bục đọc đều đều. Nhưng tất cả đều yêu thích một câu chuyện. Người ta có thể cho rằng kể chuyện là hình thức giải trí cổ xưa nhất của nhân loại. Từ khi con người bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, chúng ta bắt đầu tụ tập bên những đám lửa để cùng nghe những câu chuyện về cuộc sống hằng ngày, từ những điều tầm thường đến những thứ hay ho. Ngày nay, khi gặp bạn bè trong nhà hàng, chúng ta lại cùng nhau chia sẻ những câu chuyện và cùng có những khoảng thời gian tuyệt vời. Khi bạn thuyết trình với khách hàng hay với đối tác kinh doanh mới đầy tiềm năng, hãy nhớ điều này. Hãy tạo ra một câu chuyện. Tạo ra niềm vui. Tạo ra tính nhân văn. Tạo ra sự vui chuyện. Tạo ra sự riêng tư. Và tạo ra ý nghĩa.

4. Hiểu rõ “nghề” của mình.

Các diễn giả xuất sắc luôn hiểu rõ công việc của mình. Không phải ghi nhớ nó, họ chỉ đơn thuần là hiểu rõ nó đến mức họ có thể tiến tới bất cứ phần nào khi bài thuyết trình bắt đầu và biết rõ các phần đó ở đâu. Họ thậm chí có thể lạc đề nếu điều đó có vẻ hay ho, hay phải nói lại một số vấn đề để đảm bảo khán giả hiểu được. Không gì có thể giải quyết được nhiều vấn đề hơn là hiểu rõ nghề của mình.

Bởi khi hiểu rõ công việc của mình, diễn giả được toàn tâm toàn ý tập trung vào khán giả. Các diễn giả xuất sắc hợp nhất hài hòa với khán giả đến mức biết rõ mình đang được hồi đáp như thế nào. Khán giả lắng nghe họ bằng cả đôi tai và cặp mắt. Họ ở đây, ngay lúc này, tập trung hoàn toàn, sẵn sàng đón nhận những ích lợi có được từ căn phòng.

Vì hiểu rõ công việc của mình, các diễn giả tài ba luôn cởi mở trước những điều không mong đợi. Họ đơn giản là để cho mọi việc diễn ra thuận theo tự nhiên. Và những việc không mong đợi thường lại chứa đựng nhiều niềm vui. Khán giả sẽ hỏi những câu hỏi điên rồ, đưa ra những tuyên bố kỳ quái, và thường, sẽ tìm ra những điều thật sự rất hữu ích. Cứ làm tới đi.

Rất nhiều lần, trong các buổi hội thảo và tại lớp học của mình, tôi bị mắc kẹt với một số việc không nằm trong kế hoạch thảo luận. Và thường thì đây lại là những điều tuyệt vời nhất được bàn tới trong những buổi đó. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu bạn cứ cố làm mọi cách để nhai đi nhại lại như con vẹt những gì mình đã khắc ghi trong đầu. Và trong thực tế, nếu cứ dựa vào trí nhớ để “triệu gọi” từng từ mà bạn đã ghi nhớ, bạn sẽ nhận lấy quả đắng. Bạn sẽ quên những từ ngữ ấy rồi không biết mình đang nói đến đâu hay làm thế nào để thoát ra khỏi mớ bòng bong ấy. Nhưng nếu bạn hiểu rõ ý tưởng của mình, mọi chuyện sẽ ổn và bạn sẽ không phải cố tìm mọi cách lội ngược dòng tâm trí để lôi ra được từ nào đó. Bạn sẽ chỉ đơn giản là dựa vào những hiểu biết về công việc của mình và truyền đạt lại chúng tới khán giả.

5. Thư giãn và cá nhân hóa.

Bạn đơn giản chỉ là đang trò chuyện mà thôi. Đừng quá lo lắng về bản thân hay tìm cách gây ấn tượng với mọi người bởi bạn hiểu rằng lý do bạn có mặt ở đây là để nhận được lời “đồng ý” của khán giả. Những diễn giả xuất sắc biết rõ rằng khán giả mới là yếu tố quan trọng nhất, vì thế tất cả những gì họ nghĩ tới là tác động của những lời họ nói cũng như hình ảnh của họ đến khán giả của mình.

Hãy vui vẻ. Nhưng đừng chỉ là kể chuyện cười. Những diễn giả xuất sắc biết hài hước – họ tìm ra những điều vui vẻ trong những tình huống thảo luận. Còn nếu bạn thật sự giỏi kể chuyện cười, hãy đầu quân cho chương trình Open Mic Night và ai biết được nhỉ, sau đó có thể là một chương trình đặc biệt của HBO Special.

6. Đề cao làm việc nhóm.

Trong những bài thuyết trình tuyệt vời, nhóm thể hiện như thể họ chỉ là một người. Nếu bạn không làm vậy, hãy tìm cách thể hiện ít nhất như thể bạn đang làm thế. Khán giả có thể đánh hơi thấy điều đó dù xa cả hàng dặm và họ sẽ thải hồi bạn ngay lập tức khi nhận ra điều đó.

Một lần khi còn làm nhân viên tư vấn tìm kiếm, tôi đã giúp một khách hàng tìm ra được agency tốt nhất với mình. Tại một agency, chúng tôi vừa ra khỏi thang máy thì gặp giám đốc điều hành và giám đốc sáng tạo của họ. Họ có vẻ đang tranh nhau nói xin chào với chúng tôi trước. Sau đó lại không thể quyết định được ai sẽ đưa chúng tôi đi tham quan hãng. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được phòng hội thảo, ở đó chúng tôi được các đồng nghiệp của họ “khai nhãn” bằng bài thuyết trình hết sức sáng tạo, thú vị, đầy tập trung và sắc bén, kết thúc bằng những tiếng huýt sáo và hò reo.

Hai anh chàng quản lý cấp cao nhất có vẻ căng thẳng một chút nhưng bài thuyết trình thì hết sức tuyệt vời. Chúng tôi được trao tặng những cuốn sách đẹp có tiếng tăm và được hộ tống tới tận thang máy. Khi xuống dưới, tôi hỏi khách hàng của mình xem họ thấy sao. Đấy chẳng phải là một bài thuyết trình quá tuyệt vời hay sao? “Đúng thế, rất tốt”, họ trả lời.

“Nhưng nếu hai anh chàng quản lý không thể hòa hợp, làm thế nào họ có thể xử lý công việc của chúng ta?”. Rõ ràng, sự thiếu hòa hợp ra mặt của hai anh chàng đó đã trở thành mối quan tâm lớn nhất, hơn bất kỳ điều gì, mà khách hàng của tôi nhận thấy trong hai giờ đồng hồ. Agency đó đã bị loại, ngay lúc đó.

Các nhóm xuất sắc luôn thể hiện sự trơn tru nhuần nhuyễn. Họ luôn sẵn sàng tiến hành các bước chuyển đổi mau lẹ, đó là thiết lập bài thuyết trình tiếp theo.

Thực tế, việc chuyển đổi đó giúp bài thuyết trình có thêm sức ảnh hưởng bằng cách làm rõ với khán giả rằng trước đó một cuộc thảo luận kín trong agency đã được thực hiện.

7. Mang tính cá nhân.

Các diễn giả tài ba luôn biết đưa một chút “thân tình” vào các lời nhận xét, bình luận của mình nhằm tạo ra sự tín nhiệm, đáng tin cũng như tạo sự kết nối với người nghe. Thường thì nếu diễn giả thuật lại chi tiết về một giai thoại của chính mình, khán giả sẽ cảm thấy một sự thân thuộc, tương đồng bởi họ sẽ liên hệ câu chuyện với điều gì đó từng xảy ra trong cuộc sống của họ.

Các diễn giả xuất sắc biết rõ điều đó, giống như quảng cáo, thuyết trình là nghệ thuật quyến rũ chứ không phải tranh cãi. Họ nhận thức rõ rằng con người luôn đưa ra các quyết định một cách cảm tính. Con người hợp lý hóa các quyết định của mình dựa trên những những thông tin chi tiết, sử dụng yếu tố khách quan để đánh giá những quyết định được đưa ra một cách chủ quan của mình. Tóm lại, các diễn giả xuất sắc hiểu rằng việc khiến khán giả CẢM THẤY những gì mình đang trình bày là tốt nhất cho họ vô cùng quan trọng.

Garr Reynolds, tác giả của cuốn sách Prezentation Zen (tạm dịch: Thiền Thuyết trình) và trên trang blog có tên tương tự nói rằng: “Bạn phải có khả năng đứng lên và giãi bày câu chuyện của bạn bằng sự rõ ràng, thuyết phục và uyển chuyển”.

Thông điệp truyền tải của bạn phải rõ ràng như pha lê trong suốt. Khán giả phải hiểu được chính xác những gì bạn muốn họ hiểu hoặc làm. Hãy thuyết trình một cách đầy thuyết phục. Nếu bạn không tin câu chuyện của chính mình thì tại sao khán giả phải tin? Nếu bạn được đề nghị trình bày ý tưởng của mình, hãy khiến khán giả thấy được niềm đam mê mà bạn chất chứa trong những ý tưởng đó. Sẽ chẳng ai quan tâm cho đến khi họ nhận thấy bạn thật sự đam mê, thật sự quan tâm đến những ý tưởng đó như thế nào.

Cuối cùng, hãy truyền đi thông điệp bằng sự uyển chuyển, thanh nhã vô cùng. Hãy nhận thức rằng đó là một buổi trình diễn. Nghĩa là để thực sự giao tiếp hiệu quả, bạn sẽ phải bất chấp những quy định, lệ thường để làm những điều mà BẠN cho là đúng đắn. Nhưng hãy làm việc đó một cách giản dị và thanh lịch hết sức có thể.

Hãy nhớ: Quyến rũ chứ không phải tranh cãi.

8. Hiểu rõ khán giả của mình.

Bạn càng hiểu rõ khán giả của mình bao nhiêu, cơ hội thuyết phục họ tin vào câu chuyện của bạn càng nhiều bấy nhiêu.

Vì thế, hãy biết rõ họ là ai, họ thích và không thích những gì, những gì họ quan tâm, những gì họ tin tưởng, những gì họ kỳ vọng nơi bạn, nhóm của bạn và năng lực dũng khí của họ.

Tôi không nói rằng bạn phải mang đến cho họ những gì họ thích. Không hẳn là như thế. Tôi chỉ đang nói rằng bạn phải biết họ thích gì để mang đến cho họ những gì họ cần.

9. Thể hiện sự dũng cảm.

Mọi người đều sẽ có lúc lo lắng. Ai cũng thế cả. Nếu ai đó nói rằng họ không bao giờ lo lắng thì hoặc là họ nói dối hoặc là họ bất bình thường. Mánh lới ở đây là chúng ta hãy sử dụng nỗi lo lắng để kích thích adrenaline. Hãy để chúng nâng bạn lên một tầm cao hơn, một bạn giỏi giang hơn.

Tôi biết rằng khán giả sẽ không bao giờ cảm nhận được nỗi lo lắng ở cùng một mức độ như ta cảm nhận. Trong các buổi hội thảo của tôi, mọi người thường nói rằng trong lúc thuyết trình họ thấy lo chết đi được nhưng khi khán giả được hỏi liệu diễn giả có vẻ gì lo lắng không, hầu hết đám đông dường như luôn luôn ngạc nhiên và nói “Không”. Những nhà chuyên môn nói với tôi rằng đúng là khi con người thực sự phấn khích và thật sự sợ hãi, những thay đổi sinh lý sẽ xuất hiện trong cơ thể họ. Vậy thì bạn hãy thật sự phấn khích tới cùng đi. Hãy sử dụng adrenaline.

Hãy quên hết những lo lắng và làm quen với nó. Đa số khán giả đều không biết chuyện gì sẽ diễn ra. Nếu bạn xuất hiện thật tự tin và thoải mái để gợi ý một điều gì đó, khán giả có thể sẽ có cùng cảm nhận tương tự như bạn.

Hãy nhớ rằng : Khán giả có xu hướng phản ánh lại những cảm xúc mà chúng ta thể hiện.

10. Diễn tập.

Bạn đã nắm rõ những tài liệu mà mình cần và biết được chúng hiệu quả ra sao. Nhưng không chỉ phần của bạn, hãy nắm rõ từng phần của tất cả mọi người. Đừng ghi nhớ chúng mà hãy hiểu rõ chúng.

Là một nhóm, các bạn phải diễn tập cùng nhau. Hãy trình bày thành lời rõ ràng. Tất cả mọi thành viên trong nhóm phải được nghe và biết những gì các thành viên khác sẽ trình bày tại hội thảo. Diễn tập cùng nhau sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Mỗi thành viên sẽ có ý kiến riêng về cấu trúc của bài thuyết trình và phần trình bày của từng cá nhân. Và điều tuyệt vời đó sẽ không xuất hiện nếu các bạn không cùng nhau diễn tập.

Đến ngày thuyết trình, sẽ không có ai phải kinh ngạc vì lần đầu nghe thấy một điều gì đó. Điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra.

Mỗi thành viên trong nhóm, và ý tôi là tất cả mọi thành viên, đều phải đứng lên trình bày trong tất cả các lần diễn tập. Đừng để trưởng nhóm hay các thành viên kì cựu đứng ngoài cuộc chỉ vì họ đã thực hiện rất nhiều bài thuyết trình từ năm nay qua năm khác hay vì họ đã có chút danh hiệu. Nếu đã tham gia buổi thuyết trình, họ cũng sẽ phải diễn tập.

Bạn sẽ dành được nhiều thắng lợi hơn nếu chịu khó diễn tập.

Hãy nhớ, sự chủ động chính là thành quả của sự chuẩn bị.

“Chúng ta phải luyện tập thật nhiều, đến mức thuần thục tự nhiên. Thế mới thật mỉa mai”. Peter Ignazi, đồng Giám đốc điều hành sáng tạo tại BBDO Toronto đã nói như vậy.

11. Biết rõ lý do bạn ở đây.

Là một nhóm, các bạn phải thống nhất trước về mục tiêu muốn đạt được qua bài thuyết trình. Do vậy, ở mỗi bước của quá trình, khi mỗi thành viên trình bày, cả nhóm có thể hỗ trợ nhằm củng cố mục đích đó. Bất cứ điều gì trong mỗi phần của bài thuyết trình đều sẽ dẫn bạn đến chính xác lý do tại sao bạn lại ở đây. Trong suốt quá trình lập đề cương, thiết kế và trình bày, hãy luôn ghi nhớ điều này. Nó là phần quan trọng nhất, không chỉ với phần trình bày của từng thành viên trong nhóm, mà còn với cả tầm ảnh hưởng của bài thuyết trình. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bài thuyết trình trong đó các thành viên của nhóm, thậm chí đôi khi là cả nhóm, đến thuyết trình chỉ để cho có. Họ hoàn toàn đánh mất tầm nhìn về việc tại sao mình lại đến đây. Đừng bao giờ để điều đó xảy ra. Hãy biết rõ lý do bạn đến buổi thuyết trình và luôn ghi nhớ điều này trước nhất khi trình bày phần thuyết trình của bạn, điều đó sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng. Ngay cả khi nếu chẳng may trong giây lát, bạn chệch hướng, chỉ cần trở lại với ý tưởng chủ đạo mà bạn phải có mặt ở đó để trình bày. Vì không học vẹt các tư liệu sẵn có, nên bạn sẽ không bị phụ thuộc vào từ ngữ mà chỉ đơn giản là thảo luận về ý tưởng.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button