Kỹ năng mềm

Nghệ Thuật Thiền Định

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Mathieu Ricard

Download sách Nghệ Thuật Thiền Định ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


LỜI DẪN

Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta muốn thấy trên thế giới.”

GANDHI

Vì sao lại có cuốn sách nhỏ về thiền này? Từ 40 năm nay, tôi đã có cơ may lớn là được sống gần các bậc thầy tâm linh chân chính, những người đã là nguồn cảm hứng cho cuộc đời tôi và làm rạng rỡ con đường tôi đi. Những lời dạy bảo quý báu của các vị đã hướng dẫn cho những nỗ lực của tôi. Tôi không phải là một người thầy, mà bao giờ cũng chỉ là một đệ tử. Song thường xuyên, trong những chuyến công du của mình trên thế giới, tôi đã được nghe nhiều người chia sẻ ham muốn được học thiền; tôi cố gắng hết sức để hướng họ tới với các vị thầy có năng lực. Song điều đó không phải lúc nào cũng có thể làm được. V ì vậy, đối với tất cả những ai thực sự mong muốn thực hành thiền, tôi gom lại những lời dạy được thu lượm từ những nguồn chân thực nhất của đạo Phật. Chuyển hóa nội tâm bằng cách rèn luyện tâm thức là một cuộc phiêu lưu kỳ thú nhất trong các cuộc phiêu lưu. Và đó chính là ý nghĩa đích thực của thiền.

Những bài tập luyện mà các bạn thấy trong cuốn sách này đã có từ 2000 năm nay. Dù ta chỉ thực hành thiền trong 30 phút mỗi ngày, hay ta nỗ lực liên tục trong bầu không khí thanh thản của một khóa tu thì những bài tập này đều có thể được thực hành dần dần và độc lập với nhau.

Bản thân tôi may mắn vô bờ vì gặp được vị thầy tâm linh của mình là ngài Kangouiour Rinpoché vào năm 1967, gần Dajeeling ở Ấn Độ và sau khi Ngài viên tịch vào năm 1975, tôi ẩn tu trong vài năm tại một chiếc chòi nhỏ bằng gỗ ở trong rừng, phía trên tự viện. Từ năm 1981, tôi lại may mắn được sống bên một vị thầy lớn khác của Tây Tạng là ngài Dilgo Khyentsé Rinpoché và được Ngài thọ giáo. Năm 1991, sau khi Ngài mất, tôi thường ẩn cư trong một chiếc cốc nhỏ trên núi tại Nepan, cách Katmandou vài giờ, trong một trung tâm tu học do tự viện Shéchèn lập ra. Tự viện này chính là nơi tôi ở hiện nay. Chắc chắn những năm tháng đó là những thời kỳ lợi lạc nhất trong cuộc đời tôi.

Từ khoảng mười năm nay, tôi cũng tham gia một số chương trình nghiên cứu khoa học nhằm chứng minh cho những hiệu lực của thiền khi được thực hành trong một thời gian dài. Và qua đó, chúng tôi thấy rằng có thể phát triển rất đáng kể các phẩm chất như sự tập trung, giữ thăng bằng trong tình cảm, nghĩ tới tha nhân và có một nội tâm bình yên. Một số nghiên cứu khác cũng đã cho thấy những lợi lạc có được sau 20 phút thiền định hàng ngày, liên tục trong 6-8 tuần: giảm lo âu và khả năng bị tổn thương khi bất hạnh, bớt xu hướng trầm cảm và tức giận, củng cố năng lực tập trung, tăng cường hệ thống miễn dịch và trạng thái an lạc nói chung. Bất cứ ta xem xét thiền dưới góc độ nào – thiền để chuyển hóa bản thân, để phát triển tình yêu thương đồng loại, hoặc vì sức khỏe thể chất – thiền đều tỏ ra là yếu tố cơ bản mang lại một cuộc sống cân bằng và giàu ý nghĩa.

Thật đáng tiếc nếu coi thường khả năng chuyển hóa tâm thức của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có tiềm năng cần thiết để vượt qua những trạng thái của tâm thức, những trạng thái duy trì khổ đau của mình và của người, để tìm thấy sự bình yên nội tâm cũng như góp phần làm lợi lạc cho đồng loại.

ĐỌC THỬ

VÌ SAO CẦN PHẢI THIỀN?

Hãy thành thật nhìn cuộc đời mình mà xem! Chúng ta đang ở chặng nào của cuộc đời? Cho tới bây giờ, những ưu tiên của chúng ta là gì? Và chúng ta dự kiến sẽ làm gì đây cho quãng thời gian còn lại của mình?

Chúng ta là một hỗn hợp của những phần sáng và tối, của những phẩm chất và những khiếm khuyết. Đó có thực sự là một thực trạng tối ưu và không thể thay đổi hay không ? Nếu không đúng như thế thì làm cách nào để cải thiện thực trạng này? Những vấn đề trên đáng được nêu ra, nhất là nếu chúng ta cảm thấy muốn thay đổi và điều này hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, ở phương Tây, do bị tiêu hao nhiều năng lượng vào những hoạt động liên tục từ sáng đến tối, chúng ta ít đoái hoài tới những nguyên nhân sâu xa của hạnh phúc. Chúng ta ít nhiều có ý thức khi tưởng rằng càng hoạt động nhiều thì các cảm nhận của mình càng tăng và cảm giác bất mãn sẽ bớt dần đi. Sự thực là ngược lại: nhiều người đã thất vọng và không chấp nhận được lối sống thời nay. Họ cảm thấy bất lực nhưng không tìm ra giải pháp nào khác, bởi lẽ những cách thức dạy chuyển hóa bản thân theo kiểu truyền thống thường cổ hủ. Còn những kỹ thuật của thiền định là nhằm biến đổi tâm thức, chúng ta không cần phải gán thêm cho nó bất kỳ một cái nhãn tôn giáo đặc biệt nào. Và vì mỗi chúng ta đều có một tâm thức, nên ai cũng có thể làm việc với cái tâm của mình.

Chúng ta có cần thay đổi hay không?

Ít người trong chúng ta có thể khẳng định rằng chẳng có gì đáng phải cải thiện trong lối sống và trong cách trải nghiệm của mình về thế giới. Một số người cho rằng những khiếm khuyết và những cảm xúc xung đột của họ góp phần làm cho cuộc sống thêm phong phú và chính chất liệu đặc biệt ấy đã làm nên họ, khiến họ trở thành người duy nhất; họ cho rằng mình phải học cách chấp nhận bản thân như vậy, học cách yêu thích những khiếm khuyết cũng như những phẩm chất của mình. Những người đó dễ có nguy cơ sống triền miên trong trạng thái bất mãn mà không biết rằng họ có thể tự cải thiện mình với một chút cố gắng và một chút suy nghĩ.

Thử tưởng tượng rằng ai đó yêu cầu chúng ta sống trọn một ngày trong tâm trạng ghen tỵ. Trong chúng ta, ai sẽ vui vẻ chấp nhận điều đó? Trái lại, nếu cũng ngày đó, chúng ta được mời sống trong trạng thái ngập tràn tình thương đối với tha nhân thì đa số trong chúng ta sẽ thấy cách này hay hơn hẳn.

Tâm thức của chúng ta thường hay bị đảo lộn. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ đau đớn, bị ngợp trong giận dữ, bị tổn thương vì những lời nói độc địa, nặng nề mà người khác dành cho mình. Trong những lúc ấy, ai mà không ao ước kìm nén, kiểm soát được những cảm xúc của mình để được tự do và làm chủ bản thân? Có thể chúng ta sẵn sàng vượt qua được những khổ đau kia, nhưng do không biết cách làm thế nào nên chúng ta tặc lưỡi mà cho rằng “Đời là như thế!”. Ấy vậy mà, cái được cho là tự nhiên chưa chắc đã là điều người ta mong muốn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng ai chẳng có lúc bị ốm đau, nhưng đó không phải là lý do ngăn cản chúng ta đi khám bác sỹ khi bị ốm.

Chúng ta không muốn đau khổ. Chẳng ai khi thức dậy lại nghĩ: “Mong sao mình được đau khổ suốt ngày, thậm chí suốt đời, nếu có thể được!” Dù làm gì đi nữa: thi hành một nhiệm vụ quan trọng hay thực hiện một công việc thường ngày, dấn thân vào một mối quan hệ lâu dài, hoặc đơn giản chỉ là đi dạo trong rừng, uống tách trà hoặc vô tình có một cuộc gặp gỡ, chúng ta luôn luôn hi vọng rằng mình sẽ rút ra được điều gì đó có lợi cho bản thân hoặc cho người khác. Nếu biết chắc rằng những hành động của mình chỉ đem lại khổ đau, chúng ta sẽ không làm.

Chúng ta đều biết đến những khoảnh khắc bình yên trong tâm, những lúc yêu thương và sáng suốt, song thường chúng chỉ là những cảm xúc thoáng qua, nhanh chóng nhường chỗ cho một trạng thái tâm thức khác. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng hiểu được rằng nếu mình rèn luyện tâm bằng cách nuôi dưỡng những thời khắc tốt lành trên thì điều đó sẽ thay đổi đến tận gốc cuộc đời của mình. Tất cả chúng ta đều biết rằng trở thành người tốt hơn, thay đổi nội tâm của mình bằng cách cố gắng làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của đồng loại và góp phần giúp họ hạnh phúc là điều nên làm.

Nhiều người cho rằng cuộc đời sẽ tẻ nhạt nếu thiếu những xung đột nội tâm. Ai trong chúng ta cũng đã từng khổ đau vì tức giận, vì tham lam hoặc ghen tỵ. Cũng như vậy, chúng ta đều hướng thiện, ưa cảm giác hài lòng và tán thưởng niềm vui khi thấy mọi người hạnh phúc. Rõ ràng cảm giác hài hòa, yêu thương tha nhân tự nó đã là một phẩm chất đầy đủ. Lòng quảng bác, tính kiên nhẫn và nhiều phẩm chất khác cũng vậy. Nếu chúng ta học cách vun bồi tình thương đối với mọi người, nuôi dưỡng trạng thái bình an, đồng thời, giảm bớt dần thói ích kỷ với hàng loạt cảm xúc bất mãn đi kèm, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không mất đi chút nào tính đa dạng và phong phú.

Liệu có thay đổi được không?

Vấn đề thực sự không phải là “Có nên thay đổi hay không ?” mà là “Có thể thay đổi được không ?” Thật vậy, người ta những tưởng rằng các cảm xúc làm đảo lộn tâm trí chúng ta gắn bó mật thiết với tâm đến mức ta không thể dứt bỏ chúng, trừ phi phá hủy một phần thân thể của mình.

Những nét cá tính của chúng ta nhìn chung chắc chắn là ít thay đổi. Trong khoảng thời gian vài năm, hiếm có người nóng nảy nào lại trở nên kiên nhẫn, người đau khổ nào lại tìm thấy sự bình yên trong tâm, hoặc kẻ ngạo mạn nào lại trở thành người khiêm nhường. Tuy nhiên, dù hiếm hoi đi chăng nữa, một số người đang thay đổi và sự thay đổi trong họ cho thấy rằng đó không phải là một điều không thể. Tính nết của chúng ta cứ như vậy chừng nào chúng ta không làm gì cả để cải thiện chúng, chừng nào chúng ta còn để mặc cho các điều kiện và thói quen được duy trì, thậm chí lấn lướt từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác. Nhưng chúng không phải là không thể thay đổi được.

Độc ác, tham lam, ghen tỵ và những độc tố tâm thức khác rõ ràng là một phần bản chất của chúng ta, song có nhiều cách để chúng là một phần của cái gì đó. Chẳng hạn, nước có thể chứa chất cyanure và khiến chúng ta chết ngay tức khắc; tuy nhiên, nếu được hòa vào một loại thuốc giải độc, nó sẽ giúp chúng ta sớm bình phục. Dù vậy, phương thức hóa học của nó không bao giờ thay đổi. Bản thân nó chưa bao giờ trở nên có hại hoặc có lợi. Những trạng thái khác nhau của nước chỉ là tạm thời, cũng hệt như các cảm xúc, tính khí và nhân cách của chúng ta.

Một mặt cơ bản của tâm thức

Chúng ta hiểu được điều đó một khi nắm được phẩm chất đầu tiên của tâm: đó đơn giản chỉ là sự nhận biết, chứ tự nó không tốt cũng không xấu. Nếu chúng ta phóng tầm nhìn ra ngoài những đợt sóng quay cuồng của dòng suy nghĩ (niệm) và những cảm xúc phù du lướt qua tâm trí của ta từ sáng đến tối, bao giờ chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện mặt cơ bản này của tâm thức. Chính nó đã tạo ra và bao hàm mọi nhận biết, bất kể bản chất của sự nhận biết đó là gì. Đạo Phật gọi mặt nhận biết này là “ánh sáng”, bởi vì nó soi rọi cả thế giới bên ngoài (ngoại cảnh) lẫn thế giới bên trong (nội tâm) của các cảm giác, cảm xúc, những lập luận, những kỷ niệm, những hi vọng và những lo âu trong chúng ta, khiến chúng ta nhận biết ra những thứ đó. Mặc dù khả năng này gắn với nhiều sự kiện trong tâm trí, song nó không hề bị ảnh hưởng bởi những sự kiện kia. Một tia sáng có khả năng chiếu rọi vào một gương mặt giận dữ hoặc tươi cười, vào một vật báu hay một đống rác, nhưng tia sáng vẫn là tia sáng, tự nó không sạch cũng không bẩn. Nhận xét này giúp chúng ta hiểu rằng có thể thay đổi được vũ trụ tâm thức của mình, thay đổi được những gì chúng ta suy ngẫm và trải nghiệm. Thật vậy, cái nền trung tính và “trong sáng” của tâm hiến tặng chúng ta khoảng không gian cần thiết để quan sát các sự kiện diễn ra trong tâm, thay vì để chúng hành hạ, để rồi tạo ra những điều kiện nhằm chuyển hóa những sự kiện đó.

Chỉ muốn thôi thì chưa đủ

Chúng ta không thể lựa chọn số phận cho mình, nhưng lại có thể mong muốn làm cho mình trở thành tốt hơn. Khát vọng này sẽ định hướng cho tâm thức chúng ta. Nhưng chỉ muốn thôi thì chưa đủ mà phải cụ thể hóa nó.

Chúng ta không thấy khác thường khi bỏ ra hàng năm trời để đi học, tập đọc, tập viết và theo khóa đào tạo chuyên ngành. Chúng ta bỏ ra hàng giờ cho việc luyện tập thể lực để được khỏe mạnh, ví dụ như kiên trì đạp xe trong phòng tập mà chẳng đi tới đâu. Làm bất cứ việc gì cũng đòi hỏi phải có chút thích thú hoặc hào hứng tối thiểu, và sự thích thú xuất phát từ chỗ ý thức được những lợi lạc mà việc làm đó mang lại cho mình.

Tâm thức của chúng ta chệch ra khỏi logic này bằng cách nào và liệu nó có thể tự chuyển hóa mà không cần một chút nỗ lực nào ngoài lòng mong muốn hay không ? Điều này cũng vô lý như muốn chơi một bản concerto của thiên tài soạn nhạc Mozart trong khi chỉ họa hoằn mới động tới phím đàn vậy.

Chúng ta bỏ ra biết bao công sức để cải thiện các điều kiện bên ngoài của đời mình, song rốt cuộc, chính tâm thức của chúng ta mới là người trải nghiệm thế giới và thể hiện ra dưới dạng hạnh phúc hay đau khổ. Nếu thay đổi được cách nhìn nhận sự vật thì chúng ta sẽ thay đổi được chất lượng cuộc sống của mình. Và sự thay đổi này là kết quả của một quá trình rèn luyện tâm thức mà người ta gọi là “thiền định”.

Thiền định là gì?

Thiền định là một cách làm giúp ta vun bồi và phát triển một số phẩm chất cơ bản của con người, cũng như một số hình thức tập luyện giúp chúng ta biết đọc, biết chơi một nhạc cụ, hoặc có được bất cứ năng lực nào khác.

Về căn nguyên từ vựng, “thiền định” trong tiếng Pháp được dịch từ tiếng Phạn bhavana có nghĩa là chăm sóc, vun trồng, và tiếng Tây Tạng gom có nghĩa là “tự làm quen”. Từ này có hàm ý là tự làm quen với một cách nhìn sáng suốt và đúng đắn về vạn vật, và vun trồng những phẩm chất mà ai cũng có nhưng còn nằm dưới dạng tiềm năng chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực phát triển chúng.

Một số người cho rằng không cần thiết phải thiền bởi vì những trải nghiệm không ngừng về cuộc đời cũng đủ để tạo nên trí tuệ, và do đó, tạo nên cách sống và hành động của chúng ta. Rõ ràng là nhờ có sự tác động lẫn nhau với thế giới mà phần lớn các khả năng của chúng ta phát triển, như những cảm xúc chẳng hạn. Tuy nhiên, ta có thể làm tốt hơn rất nhiều. Những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tạo hình thần kinh cho thấy rằng mọi hình thức rèn luyện sẽ giúp não bộ tổ chức lại khâu vận hành và cấu trúc.

Như vậy, hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi xem thực sự chúng ta mong muốn điều gì trong cuộc đời. Liệu chúng ta có chấp nhận lối sống ngày nào biết ngày đó hay không ? Tận đáy lòng mình, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy sự bất ổn luôn hiện hữu, trong khi chúng ta đều khát khao được hạnh phúc và viên mãn hay sao?

Vì quen cho rằng những khiếm khuyết của mình là tất yếu, khiến mình thất bại suốt cuộc đời cho nên chúng ta đã coi sự rối loạn trong hoạt động của mình như là việc đương nhiên, mà không ý thức được rằng chúng ta có thể giải phóng mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn chán chường ấy.

Theo quan điểm của đạo Phật, mỗi người đều mang trong mình một tiềm năng Giác ngộ, cũng hệt như mỗi hạt vừng đều có chứa dầu như kinh sách vẫn nói. Mặc dù thế, chúng ta vẫn lang thang trong sự mê muội, tựa như những kẻ ăn mày vừa khốn khó, vừa giàu sang bởi lẽ họ không biết rằng có cả một kho báu được chôn vùi trong túp lều của họ. Mục đích của đạo Phật là sở hữu được gia tài đã bị lãng quên đó, và nhờ thế, mang lại cho cuộc đời chúng ta ý nghĩa sâu sắc nhất có thể.

Chuyển hóa bản thân để thay đổi thế giới tốt hơn

Bằng cách phát triển các phẩm chất bên trong, chúng ta có thể giúp mọi người một cách tốt nhất. Lúc đầu, chúng ta chỉ biết trông đợi vào trải nghiệm của cá nhân mình, nhưng sau này, trải nghiệm đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về tất thảy mọi người. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau và không ai mong muốn đau khổ. Được “hạnh phúc” giữa muôn vàn người khổ đau là điều phi lý, nếu điều đó có thể xảy ra. Đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình thôi chắc chắn sẽ thất bại, bởi lẽ ích kỷ chính là nguồn gốc của bất hạnh. Romain Rolland đã viết: “Khi hạnh phúc vị ngã là mục đích duy nhất của cuộc sống thì chẳng mấy chốc, cuộc sống sẽ không còn một mục đích nào nữa”1. Mặc dù nhìn bề ngoài có đầy đủ mọi thứ để hạnh phúc, người ta cũng không thể thực sự hạnh phúc khi không đoái hoài tới phúc lợi của người khác. Trái lại, tình thương đồng loại và lòng cảm thông là những nền tảng tạo nên chân hạnh phúc.

Những lời nói trên không xuất phát từ ý định dạy đời, chúng chỉ phản ánh thực tại mà thôi. Đi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình chắc chắn sẽ làm cho mình và mọi người đều bất hạnh.

Người ta cứ tưởng rằng lo cho hạnh phúc của riêng mình thì sẽ dễ dàng hơn, rằng ai cũng ra sức làm như vậy thì tất cả mọi người sẽ sung sướng, song kết quả đạt được lại trái ngược với điều họ ao ước. Bị giằng xé giữa hi vọng và lo âu, người ta khiến cuộc sống của mình thành ra khốn khổ và cũng sẽ làm hỏng cuộc sống của tất cả những ai ở quanh mình. Cuối cùng, ai cũng là người thua cuộc.

Một trong những lý do cơ bản của thất bại này là ở chỗ thế giới không phải được hình thành từ những thực thể riêng biệt với những tính chất tự có, khiến cho về bản chất, chúng là xấu hay đẹp, thân thiện hay thù địch: sự vật và con người chủ yếu có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và liên tục phát triển. Hơn nữa, chính những yếu tố cấu thành nên chúng cũng chỉ tồn tại trong mối quan hệ giữa cái này với cái kia. Chủ nghĩa cá nhân không ngừng vấp phải thực tại đó và chỉ làm nảy sinh ra những bất mãn.

Theo đạo Phật, tình thương tha nhân, lòng mong ước cho những người khác được hạnh phúc, cũng như thái độ cảm thông – được định nghĩa là ước muốn làm mọi người bớt khổ và cải thiện những nguyên nhân gây khổ – không phải chỉ đơn thuần là những tình cảm cao thượng : chúng có bản chất hài hòa với thực tại của vạn vật. Vô số chúng sinh đều muốn tránh khổ đau, cũng hệt như chúng ta. Vả lại, bởi vì chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau nên hạnh phúc và bất hạnh của người này đều gắn bó mật thiết với hạnh phúc và khổ đau của người khác. Vun bồi tình thương và lòng cảm thông chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta về hai mặt: kinh nghiệm đã chứng minh rằng những tình cảm đem lại nhiều sung mãn nhất và những hành vi nảy sinh từ những tình cảm đó đều được coi là tốt lành, thánh thiện.

Khi hạnh phúc và khổ đau của người khác thực sự liên quan tới chúng ta, lúc đó, đương nhiên chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn và sáng suốt. Để những hành động của chúng ta với mục đích giúp đỡ người khác mang lại kết quả tốt đẹp, chúng cần được trí tuệ hướng dẫn, một trí tuệ chỉ có khi ta thiền. Ý nghĩa của thiền là chuyển hóa tự thân để biến đổi thế giới một cách tốt lành hơn, hoặc trở thành một con người hay hơn để phục vụ những người khác tốt hơn. Thiền giúp ta mang lại cho cuộc đời ý nghĩa cao cả nhất.

Một sự tác động đến mọi mặt

Nếu mục đích đầu tiên của thiền là thay đổi cách chúng ta kinh nghiệm về thế giới thì thực hành thiền cũng tác động tốt tới sức khỏe. Từ 10 năm nay, những trường đại học lớn của Mỹ như Đại học Madison ở bang Winsconsin, Đại học Princeton, Đại học Harvard và Đại học Beckeley cũng như các trung tâm tại Zurich và Maastricht ở châu Âu đang tích cực nghiên cứu về thiền và về tác động trước mắt cũng như lâu dài của nó đối với não bộ. Những thiền gia dày kinh nghiệm, thực hành thiền từ 10.000-60.000 giờ đã chứng minh được rằng họ đạt được những khả năng tập trung (định) tuyệt đối mà người ta không thể tìm thấy ở những thiền sinh mới tập. Chẳng hạn, họ có thể duy trì trạng thái tỉnh thức gần như hoàn hảo trong 45 phút về một đề mục đặc biệt, trong khi số đông mọi người không làm được quá 5-10 phút và sau đó liên tục bị nhầm lẫn. Những thiền gia giàu kinh nghiệm có khả năng làm phát sinh những tâm trạng chính xác, rõ ràng, mạnh mẽ và lâu dài. Các thử nghiệm đã cho thấy ở những người thực hành thiền lâu năm, đặc biệt là vùng gắn với các cảm xúc của não, như tình thương yêu chẳng hạn, có hoạt động mạnh hơn hẳn. Những khám phá đó cho thấy rằng con người hoàn toàn có thể nuôi dưỡng được các phẩm chất của mình, thông qua quá trình rèn luyện tâm thức.

Trong cuốn sách này, chúng tôi không đi vào chi tiết của những khám phá ấy, nhưng xin thông báo rằng : càng ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh rằng thực hành thiền trong một thời gian ngắn sẽ làm giảm đi đáng kể trạng thái căng thẳng (hậu quả có hại của nó đối với sức khỏe đã được khẳng định)2, sự lo âu, nguy cơ nổi nóng (làm giảm đi cơ may sống sót sau phẫu thuật tim) và những nguy cơ tái phát bệnh ở những người ít ra đã hai lần bị trầm cảm nặng3. Tám tuần thực hành thiền (theo kiểu MBSR)4, mỗi ngày 30 phút sẽ làm tăng đáng kể hệ thống miễn dịch, những cảm xúc tích cực5 và các năng lực tập trung6, cũng như làm giảm huyết áp ở những người bị chứng cao huyết áp7 và giúp những người bị bệnh vảy nến chóng khỏi hơn8. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các trạng thái của tâm đối với sức khỏe, trước đây bị coi là viển vông, giờ đây đã ngày càng được giới khoa học quan tâm9.

Ở đây, chúng tôi không hề có ý muốn phóng đại, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng thiền và việc “rèn luyện tâm thức” có khả năng thay đổi cuộc sống biết nhường nào. Chúng ta có khuynh hướng coi thường năng lực chuyển hóa tâm thức của chính mình, coi thường những âm hưởng mà cuộc “cách mạng bên trong”, nhẹ nhàng và sâu xa, gây ra đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Một cuộc đời viên mãn không phải được tạo thành bởi một chuỗi không dứt các cảm xúc thích thú; đó là sự thay đổi cách chúng ta hiểu và trải nghiệm những thăng trầm của cuộc đời. Rèn luyện tâm thức không những giúp chúng ta chữa lành độc tố trong tâm, như lòng thù hận và sự ám ảnh đầu độc hoàn toàn cuộc sống, mà còn cho phép chúng ta có một sự hiểu biết tốt hơn về cách thức vận hành của tâm và cách nhìn đúng đắn hơn về thực tại. Chính cái nhìn đúng đắn hơn này sẽ giúp ta đương đầu với những thăng trầm của cuộc đời, không những chúng ta không bị xao nhãng hay bị hủy hoại, mà còn biết cách rút ra từ đó một bài học sâu sắc.

ĐỐI TƯỢNG CỦA THIỀN LÀ GÌ?

Đối tượng của thiền là Tâm. Lúc này, tâm thức vừa lẫn lộn, bất an, ngỗ nghịch vừa bị biết bao nhiêu điều kiện và thói quen ngự trị. Mục đích của thiền không phải là làm cho tâm bị tan nát hoặc tê liệt, mà khiến tâm trở nên tự do, sáng suốt và cân bằng.

Theo đạo Phật, tâm thức không phải là một thực thể mà là một dòng năng động những trải nghiệm, một chuỗi liên tục những khoảnh khắc của ý thức. Những trải nghiệm này thường mang dấu ấn của sự lầm lẫn và khổ đau, nhưng chúng cũng có thể được sống trong một trạng thái thênh thang của sáng suốt và tự do nội tâm.

Jigmé Khyentsé Rinpoché, một vị thầy Tây Tạng đương thời vẫn nhắc chúng ta một điều mà ai cũng biết: “Chúng ta hoàn toàn không cần luyện tâm để khiến nó dễ bực bội hoặc ghen tức. Chúng ta thực sự không cần tới một cơ chế làm tăng cơn giận hoặc thổi phồng bản ngã”1. Ngược lại, rèn luyện tâm là cực kỳ quan trọng nếu chúng ta muốn làm sâu sắc sự tập trung của mình, muốn phát triển trạng thái cân bằng trong cảm xúc của chúng ta và bình yên nội tâm, cũng như vun bồi lòng tận tụy vì lợi lạc của mọi người. Chúng ta đều mang trong mình tiềm năng cần thiết để làm nở rộ những phẩm chất ấy, song chúng sẽ không thể tự phát triển được nếu chỉ dừng ở ý muốn. Vậy mà, như chúng ta đã biết, mọi rèn luyện đều đòi hỏi phải kiên trì và có nhiệt huyết. Người ta không thể biết trượt tuyết nếu trong một tháng chỉ dành một, hai phút cho tập luyện.

Làm sự tập trung trở nên sâu sắc và trạng thái tỉnh thức

Nhà bác học Galilée đã khám phá ra những quỹ đạo của Sao Thổ sau khi chế tạo được một kính thiên văn đủ sáng và mạnh, đặt nó trên một bệ đỡ chắc chắn. Sẽ không thể có phát minh này nếu phương tiện nghiên cứu của ông tồi tàn hoặc tay ông bị run khi đỡ ống kính. Cũng như vậy, nếu muốn quan sát những cơ chế vi tế nhất trong sự vận hành của tâm và tác động vào chúng thì chúng ta bắt buộc phải mài dũa năng lực nhìn vào bên trong nội tâm (nội quán). Để làm được, chúng ta phải rèn luyện sự tập trung của mình sao cho nó trở nên ổn định và rõ ràng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể theo dõi quá trình vận hành của tâm thức mình, cách thức mà nó nhìn nhận thế giới và hiểu ra được chuỗi liên tục của dòng suy nghĩ (niệm). Cuối cùng, chúng ta sẽ có khả năng làm cho nhận biết của mình trở nên sắc bén hơn để phân định được mặt cơ bản nhất của tâm thức: đó là một trạng thái hoàn toàn minh mẫn và tỉnh thức, lúc nào cũng hiện diện, ngay cả khi không có những tạo tác của tâm.

Cái không phải là thiền

Đôi khi, người ta trách các thiền sinh là quá tập trung vào chính họ, là bằng lòng với việc nội quán trong khi lẽ ra phải quan tâm tới những người khác. Tuy nhiên, ta không thể cho một phương pháp có mục đích tẩy trừ thói ám ảnh cá nhân và vun bồi tình thương đối với tha nhân là biểu hiện của sự ích kỷ. Điều đó cũng giống như trách cứ một thầy thuốc tương lai đã bỏ ra nhiều năm để học ngành y vậy.

Có nhiều mặt liên quan đến thiền. Có thể nói luôn rằng thiền không làm cho đầu óc rỗng tuếch bằng cách chặn đứng dòng suy nghĩ – vả lại, cũng không làm thế được – cũng không phải buộc tâm liên tục nghĩ ngợi để phân tích quá khứ hay tưởng tượng tương lai. Thiền cũng không đơn giản là một tiến trình thư giãn trong đó những xung đột nội tâm có lúc bị dừng lại trong một tâm thái thờ ơ, lãnh đạm.

Chắc chắn có yếu tố thư giãn trong thiền, nhưng nói đúng hơn, đó là trạng thái nhẹ nhõm đi kèm với thái độ “buông xả” những hi vọng và lo âu, buông xả thái độ bám chấp và thói đỏng đảnh của “cái tôi”, những thứ không ngừng nuôi dưỡng các xung đột nội tâm của chúng ta.

Một sự làm chủ có công năng giải phóng

Rồi chúng ta sẽ thấy rằng cách làm chủ những suy nghĩ không phải là chặn đứng chúng lại, cũng không phải là liên tục nuôi dưỡng chúng, mà là để chúng khởi lên và tự biến đi trong sự tỉnh thức hoàn toàn, sao cho chúng không choán hết tâm trí chúng ta.

Thiền chính là kiểm soát được tâm thức của mình, là làm quen với cách tiếp cận mới về thế giới và xây dựng một lối sống vượt lên trên những ràng buộc của nếp tư duy cũ. Thiền thường khởi đầu bằng sự phân tích, kế tiếp là suy ngẫm và chuyển hóa nội tâm.

Tự do có nghĩa là làm chủ được chính mình. Điều đó không phải là làm tất cả những gì ta hứng lên muốn làm, mà là thoát được ra khỏi sự trói buộc của những điều bực bội choán hết tâm trí và làm cho tâm trí tối tăm đi. Tự do là nắm cuộc đời mình trong tay, thay vì bỏ mặc nó cho những thói quen cố hữu và cho sự lẫn lộn của tâm thức. Thiền không phải là phó mặc bánh lái, kệ cho buồm bay theo gió để con tàu phiêu dạt… mà ngược lại, lái con tàu đến bến bờ đã chọn: đó chính là cái đích mà ta mong muốn nhất cho bản thân và cho những người khác.

Giữa lòng thực tại

Sự hiểu biết mà chúng ta nói ở đây là một cái nhìn sáng rõ hơn về thực tại. Thiền không phải là một cách để thoát ra khỏi thực tại như đôi khi người ta vẫn trách cứ nó: trái lại, mục đích của thiền là giúp chúng ta nhìn nhận thực tại đúng như bản chất của nó – gần nhất với cách mà chúng ta trải nghiệm, làm lộ rõ những nguyên nhân sâu xa của khổ đau và làm tan biến trạng thái lẫn lộn của tâm (vô minh), trạng thái này khiến chúng ta đi tìm kiếm hạnh phúc ở nơi không thể có. Để đạt tới cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) về vạn vật, người ta có thể suy ngẫm về quan hệ phụ thuộc lẫn nhau của mọi hiện tượng, về tính chất nhất thời của chúng và về sự không tồn tại của “cái tôi” (bản ngã), như một thực thể chắc cứng và độc lập, mà ta vẫn cho là mình.

Những cách thiền kia cũng dựa trên kinh nghiệm thu được của nhiều thế hệ thiền sư, những người đã dành cuộc đời mình để quan sát những cơ chế của tâm và bản chất của nó, và sau đó, họ truyền lại rất nhiều phương pháp mang tính trải nghiệm, cho phép phát triển trạng thái minh mẫn, tỉnh giác, tự do nội tâm, hoặc phát triển tình thương và lòng cảm thông. Ít ra, cũng cần phải tự mình nhận ra giá trị của các phương pháp đó và kiểm tra hiệu lực của những kết luận mà các bậc minh triết đã đạt được. Việc kiểm định này không đơn giản là việc trí óc: cần phải phát hiện lại những kết luận trên, rồi đưa chúng vào nơi sâu nhất của tâm khảm mình bằng một tiến trình làm quen lâu dài. Cách làm này đòi hỏi phải có quyết tâm, nhiệt huyết và kiên trì, cái mà ngài Tịch Thiên (Shantidéva)2 gọi là “niềm hoan hỉ được làm những điều lợi lạc.” Như vậy, ta bắt đầu bằng việc quan sát và hiểu xem các suy nghĩ liên tiếp khởi lên và sinh ra một thế giới những cảm xúc, những niềm vui, những nỗi khổ đau ra sao. Sau đó, ta đi sâu vào phía sau bức màn của những suy nghĩ để đánh giá thành phần cơ bản của tâm thức, khả năng thấy biết đầu tiên mà từ đó khởi lên mọi ý niệm và hiện tượng tâm thức khác.

Giải phóng con khỉ ra khỏi tâm thức

Để làm tốt việc này, cần phải bắt đầu bằng việc trấn an cái tâm ngỗ nghịch của mình. Tâm được ví như một con khỉ bị bắt, hoảng hốt và luống cuống đến mức tự trói buộc chính mình và rốt cuộc không thể gỡ ra được.

Từ luồng suy nghĩ, xuất hiện đầu tiên là các cảm xúc, sau đó tới tính khí và cách ứng xử, rồi dần dần là các thói quen và tính cách. Tất cả những biểu hiện đột nhiên xuất hiện như vậy tự chúng không tạo ra những kết quả tốt, cũng như gieo hạt tùy tiện không thể mang lại vụ mùa bội thu. V ì vậy, trước hết cần phải làm chủ được tâm thức, như người nông dân phải làm đất trước khi gieo hạt vậy.

Nếu ta thực sự coi trọng lợi ích có được mỗi lần trải nghiệm thế giới trong từng khoảnh khắc của cuộc đời thì bỏ ra 20 phút mỗi ngày để hiểu rõ hơn tâm thức của mình và rèn rũa nó đâu phải là quá đáng!

Thành quả của thiền có thể được coi là trạng thái tối ưu, hoặc là chân hạnh phúc. Chân hạnh phúc không thể được làm bằng một chuỗi cảm giác và cảm xúc khoái lạc. Chân hạnh phúc là cảm nhận sâu sắc rằng đã thực hiện một cách tốt nhất tiềm năng hiểu biết và hoàn thiện nằm ngay trong bản thân mình. Cuộc phiêu lưu này xứng đáng để chúng ta dấn thân vào đấy chứ!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button