Kỹ năng mềm

Nghệ Thuật Phô Diễn

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Đình San

Download sách Nghệ Thuật Phô Diễn ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Phô diễn luôn là điều cần thiết đối với bất cứ ai trong mối quan hệ, tiếp xúc giữa cộng đồng. Nghệ thuật phô diễn bao gồm nhiều yếu tố chứ không chỉ là nói năng, tuy lời ăn tiếng nói luôn là điều được quan tâm nhiều nhất. Phô diễn không phải là thể hiện mình hơn ai, thể hiện nhiều kiến thức, khoe mẽ… mà là thể hiện chính bản thân mình với người khác. Có nhiều cách thể hiện nhưng qua các giao tiếp cử chỉ, nói năng thì người khác cũng đã có thể nhìn nhận bạn là một người như thế nào.

Trong cuộc sống, ai cũng đều mong muốn đạt đến đỉnh cao trong giao tiếp, khát vọng tự nhiên của mỗi người là người nghe hiểu hết mọi thông điệp ta truyền đạt. Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng đạt được điều đó bởi mỗi người chúng ta ai cũng có những khả năng truyền đạt và phô diễn khác nhau.

Có rất nhiều bạn trẻ, kể cả các anh chị đã đi làm có cảm giác rất lúng túng, lo sợ, hồi hộp…khi tiếp xúc với đám đông, điều đó càng khẳng định phần lớn khả năng phô diễn không là năng khiếu thiên bẩm mà đòi hỏi chúng ta có một quá trình phấn đấu nghiên cứu và tập luyện chuyên nghiệp. Đó là các kĩ năng mềm thực sự cần thiết để giúp bạn thể hiện bản thân, chứng tỏ bản thân. Đồng thời, những kĩ năng mềm đó chính là bước đệm qua trọng giúp bạn đi đến thành công. Bạn khao khát trở thành tâm điểm trong đám đông??? Bạn khao khát được thể hiện mình với một phong thái thật tự tin, chuyên nghiệp và lôi cuốn???

Hãy trải nghiệm và học hỏi những kinh nghiệm trong cuốn sách “Nghệ thuật phô diễn” để bạn tự tin khi nói trước bất cứ đám đông nào?

ĐỌC THỬ

Chương 1PHÔ DIỄN LÀ GÌ?

Một quy luật rất tự nhiên là ngay từ thuở ấu thơ, con người đã có nhu cầu giao lưu, nhu cầu bộc lộ mọi cảm xúc. Bằng chứng là những đứa trẻ còn ẵm ngửa trên tay cũng đã biết hóng chuyện biết cười hoặc mếu tuỳ theo sắc thái tình cảm bộc lộ với chúng. Theo năm tháng, đứa trẻ bi bô tập nói, rồi mỗi ngày mỗi khôn, biết thêm nhiều điều, có nhu cầu bộc lộ mọi trạng thái tình cảm. Đối với người lớn, đứa trẻ nào càng bộc lộ phong phú – nghĩa là luôn thể hiện ra bên ngoài những tình cảm tự nhiên – càng đáng yêu. Và ta thường nhận xét đó là những đứa trẻ thông minh, hiếu động. Như vậy, ngay từ thuở nhỏ, con người ta đã biết phô diễn. Tất nhiên, sự phô diễn này là tự nhiên không hề có ý thức.

Con người càng giao tiếp nhiều, càng phải tiếp thu, hấp thụ mọi biểu cảm của người khác và phô diễn những ý tình, cảm xúc của mình. Không ai là không phải đụng chạm đến điều này. Có lẽ chỉ có lúc ngủ say mới không mà thôi. Nhưng đó là khi không mơ, bởi vì ngay cả trong mơ người ta cũng được sống trong tưởng tượng. Và thế là cũng phải phô diễn theo cái giấc mơ tưởng tượng ấy. Nhưng mức độ phô diễn nhiều ít là tuỳ thuộc vào người hướng ngoại hay hướng nội. Người hướng ngoại thì dễ dàng phô diễn mọi trạng thái tâm lý ra bên ngoài, còn người hướng nội thì lại luôn cất giữ ở bên trong, không để người khác dễ dàng nhận biết. Nhưng dẫu có hướng nội thì con người ta cũng không thể vô cảm, trơ như đá, mà vẫn phải luôn phản ứng trước mọi điều diễn ra xung quanh. Và điều quan trọng là phải làm sao để người khác nắm bắt được mọi ý nghĩ, tư tưởng của mình. Như vậy tức là vẫn buộc phải phô diễn.

Vậy phô diễn là gì? Đến đây chúng ta dễ dàng hiểu được rằng phô diễn là phô bày và diễn tả mọi tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, cảm xúc – nghĩa là mọi trạng thái tâm lý để cho người khác nắm bắt được. Khuynh hướng tự nhiên của bất cứ người nào cũng là luôn muốn người khác hiểu mình, càng nhiều càng tốt. Như vậy, người nào có được khả năng phô diễn tốt – nói cách khác là giỏi phô diễn – người đó sẽ đạt được mong muốn trên. Thế nào là phô diễn giỏi? Phô diễn giỏi là nói một (hoặc một cử chỉ nào đó) khiến người tiếp xúc hiểu được mười. Còn phô diễn kém (hoặc không biết phô diễn) là ngược lại, muốn thể hiện mười, mà người ta chỉ hiểu được một.

Như vậy phô diễn tức là nói năng? Vừa đúng lại vừa không hẳn đúng. Nói cách khác, giữa phô diễn và nói có chung một điều là chuyển tải mọi thông tin về tư tưởng, quan điểm, ý nghĩ, cảm xúc… đến người khác. Nhưng phô diễn cao hơn, rộng hơn. Nói chỉ là sự phát âm thành tiếng, là sự làm việc của cổ họng, thanh quản. Còn phô diễn thì ngoài nói ra còn cần sự hỗ trợ, phụ hoạ của nhiều thứ khác như tay, mắt, cử chỉ… Khi ta nói: “Anh ta đang nói” thì phải hiểu là miệng anh ta đang phát ra những ngôn từ. Còn nếu ta nói: “Anh ta đang phô diễn” thì có thể anh ta đang phát âm, có thể im lặng và thay bằng một ánh mắt nhìn, một điệu bộ như cái nhún vai, gật gù hoặc vuốt tóc, khoát tay… Như vậy phô diễn rộng hơn, cao hơn, nghệ thuật hơn nhiều. Điều này sẽ thú vị hơn nếu ta bàn đến lĩnh vực tình yêu. Một chàng trai muốn tỏ tình, muốn phô diễn trái tim đang rung động mãnh liệt trước một cô gái thì lẽ nào anh ta cứ phải nói ra miệng: “Anh rất yêu em” hoặc “Từ khi biết em, lòng anh không lúc nào nguôi ngoai hình ảnh em. Thiếu em, đời anh kể như là vô nghĩa”v.v… Nhiều lời như vậy, liệu có “hiệu quả”, liệu có khiến cô gái xiêu lòng? Hãy thay vì những lời “có cánh” ấy mà tìm đến cách phô diễn khác: đỏ mặt mỗi khi gặp cô gái, chút lúng túng, bối rối mỗi khi ở bên nàng, hoặc không cần phải nói toẹt, “toạc móng heo” như trên mà thay bằng một câu chuyện đầy ẩn ý (mang tính ẩn dụ) và trong lúc nói hãy nhìn nàng bằng cái nhìn rất đỗi trìu mến, ánh lên niềm tha thiết… ở trường hợp sau, rõ ràng anh chàng không cần phải nhiều lời, có nói cũng là né tránh những từ ngữ quá thật thà, cụ thể. Nhưng chàng vẫn phát ra được tín hiệu tình yêu và cô gái hoàn toàn cảm nhận được hết trái tim chàng. Vậy là cách phô diễn của chàng đã có tác dụng.

Nói chuyện trên mới thấy phô diễn luôn là điều cần thiết đối với bất cứ ai trong mối quan hệ, tiếp xúc giữa cộng đồng. Và nghệ thuật này bao gồm nhiều yếu tố chứ không chỉ là nói năng, tuy lời ăn tiếng nói luôn là điều được quan tâm nhiều nhất.

Chương 2PHÔ DIỄN – MỘT VŨ KHÍ LỢI HẠI

Như đã nói ở phần trước, phô diễn là việc tìm mọi cách bộc lộ mọi tư tưởng, ý nghĩ, cảm xúc của mình, để chuyển tải đến người khác. Càng chuyển được nhiều càng khiến đối tượng tiếp xúc hiểu được nhiều về mình thì càng thành công trong mọi cuộc tiếp xúc. Trong nghệ thuật phô diễn chúng ta đang bàn thì dĩ nhiên việc nói năng đóng vai trò chủ chốt. Thêm vào đó là sự phụ hoạ của những yếu tố khác.

Chúng ta hãy hình dung: phút đầu gặp gỡ một ai đó, điều gì của họ sẽ khiến ta có thiện cảm hoặc ngược lại? Hình thức bên ngoài (diện mạo, đầu tóc, dáng vẻ, áo quần, trang phục) chăng? Yếu tố này không thể xem nhẹ, nhưng chỉ có tác dụng ở cái khoảnh khắc người đó vừa mới xuất hiện. Còn sau đó, khi tiếp xúc, phải là lời ăn tiếng nói của người đó ra sao, cao hơn là người đó phô diễn gì trước ta? Tôi từng gặp không ít trường hợp đã có sự khác biệt giữa cái hình thức bên ngoài với khả năng nói, phô diễn. Một lần có hai cô gái đến gặp tôi, nhờ tư vấn, tháo gỡ những chuyện tình cảm rắc rối đang khiến họ bức xúc. Họ có bề ngoài khác hẳn nhau: một cô có nhan sắc khá hấp dẫn, lại biết cách ăn mặc rất hợp thời trang; còn một cô thì chẳng có gì đáng để ý từ dung nhan – nếu không nói là dưới mức trung bình. Ngay khi ra mở cửa, tôi đã bị hút ngay vào cô gái xinh đẹp kia. Tôi bỗng xuất hiện một ý nghĩ – kể cũng hơi… vô lý: “Giá chỉ có một mình cô này xuất hiện có phải câu chuyện sẽ hứng thú biết bao, ta sẽ thoả sức tự nhiên chuyện trò, có thêm cô kia, lại phải “tế nhị” đây, vì phải giao tiếp với cả hai, không thể thiên lệch”. Nhưng ngay sau đó, bắt đầu từ cử chỉ chào hỏi đầu tiên, tôi đã không thể duy trì ý nghĩ vừa rồi, bởi hai cô đã có hai cách chào khác hẳn nhau. Cô xinh đẹp ngay câu đầu tiên đã nói một hồi: “Xin chào ông anh. Không ngờ Tâm Giao lại là một người như thế này. Gớm! ở nhà giữa ban ngày ban mặt mà cửa đóng then cài kỹ vậy!…”. Còn cô thứ hai khẽ gật đầu, mỉm cười nói nhỏ nhẹ: “Chúng em chào anh!”. Đó là phô diễn đầu tiên của hai cô gái ở thời khắc vừa mới gặp tôi – một người chưa quen biết các cô, lại hơn tuổi và ở vị thế mà họ phải chủ động tìm đến. Hẳn bạn đọc biết là chỉ sau câu nói – lời chào thì đúng hơn – ở phút đầu tiên đó, tôi đã có ấn tượng ra sao về mỗi cô. Và sự thiện cảm cũng theo đó mà xuất phát trong tôi khác nhau.

Thế là từ cái sự nói năng đầu tiên, họ đã khiến tôi thay đổi ngược lại cảm tình: cô xinh đẹp có phần bộp chộp, thiếu tế nhị, từ cách xưng hô đến giọng điệu tỏ sự ít nhiều suồng sã, gây cho tôi ấn tượng một phụ nữ thiếu học hành, sống giữa một môi trường ít văn hoá. Còn cô có nhan sắc… dưới mức trung bình kia thì bây giờ lại khiến tôi có thiện cảm bởi sự dè dặt, chừng mực, vừa đủ sự lễ phép, lịch sự. Rồi sau đó, khi đã vào nhà, ngồi vào ghế, bắt đầu cuộc trò chuyện với nội dung chính thì cô thứ nhất rất hay cắt ngang lời tôi, không ít lời lẽ dông dài, chẳng đâu vào đâu, lại được phụ hoạ bởi những cử chỉ, động tác chỉ phù hợp ở nơi tranh luận với bạn bè cùng trang lứa, trong khi cô thứ hai ít nói, phần lớn chỉ nghe tôi, trước khi hỏi điều gì, cô đều có lời: “Em xin được hỏi anh”. Cô ngồi từ tốn, không bao giờ hoa chân múa tay. Câu chuyện có thật này đã chứng minh rõ một điều: nói năng, phô diễn là cực kỳ quan trọng, nhất là ở những giây phút đầu tiên mới tiếp xúc, khi đối tượng chưa thể hiểu rõ về mình. Trong câu chuyện vừa rồi, có thể cô gái có nhan sắc cũng tốt thôi, cũng nhiệt tình, thiện chí với mọi người, chẳng gây hại cho ai bao giờ.

Để biết được những điều đó, cần phải có thời gian, thậm chí là tiếp xúc, quan hệ nhiều năm tháng. Tuy nhiên trong cuộc sống, liệu ta có thể ngay từ phút đầu huy động được thời gian để chứng minh cho những cái tốt của ta không? Chỉ biết là người ta sẽ ấn tượng ngay với ta từ những phô diễn hay hoặc dở. Và như vậy rõ ràng sẽ lợi, hại hết chừng nào từ sự nói năng, phô diễn ấy.

Qua câu chuyện trên, có thể bạn dễ có ý nghĩ: những người có trình độ học vấn thấp sẽ nói năng phô diễn kém hơn những người có trình độ học vấn cao hơn và những người có địa vị, vai vế trong xã hội hẳn là khá hơn những người khác về lĩnh vực chúng ta đang bàn? Không hẳn như vậy. Câu chuyện có thật sau đây chứng minh rõ điều này.

Lần ấy tôi đang có mặt ở một thành phố nọ, tình cờ được dự một buổi sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ.. Trong phần nội dung sẽ có một nữ tiến sĩ tâm lý học nói chuyện với các chị em về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Tôi không quên nhắc ban tổ chức là cho tôi dự “ké”, xin đừng giới thiệu gì để nữ tiến sĩ kia thoải mái xuất hiện. Sau phần tuyên bố lý do buổi sinh hoạt, đến phần nữ tiến sĩ nói chuyện. Qua phần giới thiệu, tôi biết chị đang làm việc tại một viện nghiên cứu ở thủ đô. Tôi đoán người nữ tiến sĩ này chưa tới 40 tuổi.

Chỉ nửa giờ nói chuyện mà chị phải cầm giấy. Nhưng đã mất tới 10 phút giao đãi, chào hỏi, cảm ơn chẳng liên quan gì đến nội dung chính. Còn lại 20 phút nói về hôn nhân, hạnh phúc thì gần như chị cầm giấy đọc. Mọi người ở dưới tỏ ra uể oải, không tập trung nghe: người nói chuyện riêng, người đọc báo, một số lục tục bỏ ra về. Nói chuyện trước một cử toạ có khoảng 50 người mà chị chẳng nhìn vào ai (vì phải dán mắt vào tờ giấy – chắc là phần đề cương chuẩn bị). Giọng nói của chị mang đậm tính địa phương. Phần nội dung nói chuyện thì sơ sài, đề cập đến những vấn đề chung chung, cũ mòn, vì từng được đăng tải nhiều trên báo chí.. Chị nói rời rạc, không một chút hồn, lại như rao giảng đạo lý, trước những người còn hơn cả tuổi mình. Tôi rất ngạc nhiên là một người có mác “tiến sĩ” mà lại không hề biết nói năng, phô diễn trước đám đông. ấy là chưa kể những kiến thức chị ta trình bày thì chẳng tương xứng với học vị tiến sĩ chút nào. Và tôi lại thấy thú vị khi đến phần mạn đàm, có những chị công nhân mỏ đã bộc bạch tâm tư, đã nói về cuộc sống gia đình còn chí lý, sâu sắc, có nhiều ý tứ đáng nghe hơn người “tiến sĩ” kia nhiều. Lần ấy tôi thực sự rất có cảm tình với các chị công nhân ngành than ở thành phố đó và ít nhiều chạnh lòng, một chút ngượng về một nhà chuyên môn có học vị mà không có được sức thuyết phục đối với những người ít học hơn. Câu chuyện này cho thấy năng lực nói năng, phô diễn không phải lúc nào cũng do sự học nhiều mà có được. Tuy nhiên, tôi luôn muốn nghĩ trường hợp người nữ tiến sĩ trên chỉ là hy hữu.

Như vậy hình như nói năng, phô diễn là một cái gì đó khá thần bí? Không hẳn như vậy mà nhìn nhận như sau sẽ thoả đáng hơn: Chẳng hiểu nội dung, phẩm chất cùng thực lực kiến thức, hiểu biết thế nào nhưng nếu sự nói năng, phô diễn mà bị hạn chế thì rõ ràng đã không thể thuyết phục được đối tượng tiếp xúc. Trong các cơ quan đoàn thể, người cán bộ nào có tài ăn nói rất dễ được tổ chức chú ý đề bạt, cân nhắc. Tất nhiên là họ phải có những tiêu chuẩn khác: năng lực chuyên môn, tư cách đúng mực, cái tâm tốt và khả năng tập hợp quần chúng. Dễ hiểu bởi nếu ai đó có thể có những phẩm chất trên mà “ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì sẽ trở ngại rất nhiều đến bước đường công tác của mình. Nếu làm “sếp” thì hạn chế tư thế, giảm sức thuyết phục, đặc biệt trong những lúc đối ngoại, sẽ vô cùng bất lợi. Khi một người đứng đầu cơ quan bị người ta hạ thấp thì cần hiểu rằng uy tín cả cơ quan đó bị tổn hại, chứ không còn là việc cá nhân ngài “sếp” nữa. Một vị nào đó mới được cấp trên điều về đứng đầu một cơ quan, phút ra mắt đầu tiên, ông ta phát biểu trước toàn thể viên chức. Đó là những phút cực kỳ quan trọng đối với chặng đường công tác mới của ông ta. Nếu nói năng phô diễn giỏi, giàu sức thuyết phục, ông ta rất dễ được mọi người trầm trồ, tán thưởng, vị nể. Ngược lại, nếu dở hoặc là ấp úng, ngắc ngứ, hoặc là thao thao nhưng trống rỗng, dài dòng, tầm phào, gây cho mọi người có cảm giác “thùng rỗng kêu to” thì vô cùng bất lợi. Ngay từ phút đầu họ sẽ nhìn ông ta bằng đôi mắt xem thường và theo một lô-gic tự nhiên sẽ luyến tiếc người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, ở vào trường hợp thứ hai này, người thủ trưởng có thể cải thiện được từng tình hình – nghĩa là sau đó vẫn điều hành được cơ quan – nhưng phải mất một thời gian dài với sự nỗ lực vượt bậc, bằng sự hy sinh quên mình vì quyền lợi mọi người. Một đằng ngay từ phút đầu người ta đã ngưỡng mộ, đã “tâm phục khẩu phục”, một đằng phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể có, đằng nào hơn? Cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều nước tiên tiến trên thế giới, để cắt cử người vào những vị trí quản lý, lãnh đạo, người ta đã tổ chức thi cử, như thi bất cứ một nội dung gì – chứ không chỉ xét rồi bổ nhiệm. Trong cái tiêu chuẩn để xét chọn, cho điểm thì nói năng – nhất là trước đám đông – là một tiêu chuẩn rất được coi trọng.

Nói năng, phô diễn luôn là một vũ khí lợi hại, giúp con người có thể “hạ thủ” bất cứ đối tượng nào. Lẽ nào ta không cố gắng rèn luyện, trau dồi để có được khả năng đó?

Chương 3MỘT THỰC TRẠNG – NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT NÓI

Cuộc sống luôn không dễ chiều theo mong muốn của con người. Ai cũng muốn mình nói hay, phô diễn giỏi để dễ dàng thuyết phục người khác. Nhưng thực tế cho thấy những người đạt được điều này là rất hiếm hoi. Ngay cả những người làm công việc luôn phải nói trước đám đông như các giảng viên, báo cáo viên, cán bộ quản lý hoặc những diễn giả chuyên nghiệp không phải ai cũng dễ dàng có được những phẩm chất nghề nghiệp có thể lôi cuốn người nghe. Sự kém cỏi, hạn chế trong nói năng, phô diễn có thể thấy nó ở mấy dạng sau:

Trước hết, dạng phổ biến nhất là những người có ý, có nội dung trong đầu nhưng không nói được thành lời. Họ dễ “đứng đực” trước đám đông, cố gắng lắm thì ấp a ấp úng, nghĩ mãi không ra một câu. Người ta vẫn nói những người như thế này là “ngậm hạt thị”. Rơi vào trường hợp này thường là những người ít tiếp xúc, hoặc hầu như không có dịp nói trước số đông người; những người tự ti, mặc cảm, trình độ học vấn, hiểu biết thấp, hạn hẹp; người lao động chân tay. Nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên tuy có học nhưng do mới lớn lên, chưa hề nói trước nhiều người nên e dè, nhút nhát, không tự tin cũng rơi vào tình trạng trên.

Dạng thứ hai là nói được nên lời, không đến nỗi ngắc ngứ, ấp úng nhưng lời lẽ lủng củng, ý tứ lộn xộn, “dây cà ra dây muống”. Những người này có thể nói giữa cuộc họp cả giờ đồng hồ nhưng không gây được chú ý cho người nghe, khiến họ mỏi mệt, ức chế, chán nản. Dạng này phổ biến nhất gồm những người đã từng tiếp xúc nhiều, không quá xa lạ với việc nói giữa đám đông, những cán bộ, viên chức trong các cơ quan, đoàn thể không đến nỗi tự ti, nhút nhát. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý non kém trình độ chuyên môn, lý luận cũng ở vào dạng này. Nhiều khi điều hành một cuộc họp, với tư cách người đứng đầu đơn vị, họ không thể không nói để chỉ giáo, huấn thị mọi người, để tỏ cái uy lực, tác dụng của mình. Nhưng vì sự hiểu biết về mọi phương diện – kể cả chuyên môn chính – còn nhiều hạn chế mà cứ lặp đi lặp lại một vài “điệp khúc” nào đó đã từng nói nhiều lần khiến người nghe chán ngấy, vì luôn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Do vốn liếng nội dung ít nhưng lại muốn kéo dài thời gian nói nên sự trùng lặp ý tứ là điều dễ hiểu.

Dạng thứ ba mới nghe thấy có vẻ như nói rất giỏi bởi người nói hùng hồn, thao thao, bất tuyệt, diễn đạt khá lưu loát, trôi chảy, có thể nói liền mạch hàng giờ không cần nhìn giấy, tài liệu gì. Thỉnh thoảng những người dạng này còn trích dẫn câu danh ngôn này, sách báo nọ để phụ hoạ cho nội dung mình nói. Với người nghe có sự hiểu biết hạn chế thì dễ bái phục dạng này, có khi còn há hốc mồm ra nghe và gật đầu ngưỡng mộ. Nhưng đối với những đối tượng có trình độ nhất định thì dễ dàng nhận thấy đó là lối nói khoa trương, khoe mẽ, ít nội dung sâu sắc, ít thông tin mới mẻ, bổ ích, có khuynh hướng ồn ào, huênh hoang, khoe kiến thức không đúng chỗ – mà thực chất là không có kiến thức gì có giá trị. Dạng này tỏ ra thiếu tôn trọng cử toạ. Nếu họ có phát biểu giữa cuộc họp thì luôn lấn giờ, có nói chuyện với cấp dưới thì luôn lên giọng rao giảng, răn dạy. ở vào dạng này thường là những người hoặc là có chút vai vế trong cơ quan đoàn thể, hoặc là làm việc ở một cơ quan được coi là “có máu mặt”, hoặc là có được một danh hiệu, một hàm học vị nhưng không có thực chất.

Đó là ba dạng – ở những mức độ khác nhau- đều hạn chế sức thuyết phục của nghệ thuật nói năng, phô diễn, chưa có thể gọi là “biết nói”. Vậy như thế nào mới là “biết nói”? Vấn đề này là một trong những nội dung chính chúng ta sẽ bàn đến nhiều trong cuốn sách này ở những phần sau. Nhưng trước hết xin được có đôi lời về hai từ “biết nói”. Chẳng lẽ chúng ta đang nói rất nhiều hàng ngày, là người lớn, có khi nhiều tuổi cả rồi mà lại không biết nói sao? Lẽ nào chúng ta lại có thể bị xem như các bé thơ mới bập bẹ chưa biết nói? Vâng, khi dùng từ “chưa biết nói” để chỉ một hiện trạng nói năng thiếu thuyết phục cũng chẳng có gì là quá lời, nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc hơn. Hãy thử làm phép ví von. Con người ta ngay từ lúc sơ sinh đã biết bú mẹ theo một thói quen vô thức thuộc về bản năng tự nhiên để sinh tồn. Rồi dần dần đứa trẻ biết ăn bột, ăn cháo, tiến tới ăn cơm, và lớn lên thì liên hoan, tiệc tùng, ăn nhậu, thưởng thức đủ mọi thứ lương thực, thực phẩm ở trên đời. Vậy mà người ta vẫn có thể nói ai đó là “chưa biết ăn”, “không biết ăn”. Dễ hiểu bởi ở đây ý nói là không biết ăn một cách có văn hoá, không biết đến văn hoá ăn (văn hoá ẩm thực) cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghĩa đen: ăn không sành, không biết kết hợp món nào với món nào, món ăn này thì phải có nước chấm, gia vị tương ứng, thức nào phải ăn nóng, thức nào phải ăn nguội… Còn nghĩa bóng: ăn thế nào chứ không phải ăn cái gì, tức là món ăn đắt tiền, sang, hay bình dân không thành vấn đề mà là ăn với ai, ở đâu, trong hoàn cảnh, không khí ra sao? Còn một khía cạnh nữa của văn hoá ăn: Không phải ai cũng ăn uống một cách sạch sẽ, mà không hiếm kẻ ở trên đời luôn chỉ ăn bẩn. Từ này cũng có hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen: ăn mất vệ sinh, nấu nướng ẩu, thức ăn không được rửa sạch, bát đũa bẩn, trước khi ăn không rửa tay v.v… nghĩa bóng: ăn bẩn tức là ăn không đàng hoàng, ăn thứ không do sức lao động mình làm ra, mà ăn tham, chặn, ăn quịt, ăn gian, ăn của đút, ăn hối lộ v.v… Như vậy rõ ràng là đâu phải ai cũng biết ăn với đúng nghĩa văn hoá của từ này.

Qua điều vừa bàn ở trên, đến đây chúng ta dễ dàng hiểu được rằng: nói năng, phô diễn là cả một nghệ thuật, chứ không còn là một việc bình thường nữa. Lâu nay, chúng ta thường vẫn nghe nói đến các loại nghệ thuật: nghệ thuật hát múa, nghệ thuật tạo hình, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh,…, chứ có mấy khi nghe ai nói nghệ thuật nói, nghệ thuật phô diễn? Có thể ta chưa quen thuộc với thứ nghệ thuật mới mẻ này. Vâng, nghệ thuật nói năng, phô diễn bởi đạt được hiệu quả luôn rất khó khăn, không phải bất cứ ai cũng có thể. Cái gì khó mà khi thực hiện con người ta ngoài huy động trí óc, còn phải có sự can thiệp của trái tim thì cái đó gọi là nghệ thuật (còn nếu chỉ thuần tuý là cái đầu cộng với sức lực hoặc đôi tay khéo léo thì gọi là kỹ thuật). ở những phần sau của cuốn sách chúng ta sẽ làm sáng tỏ thêm điều này.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button