Kỹ năng mềm

Nghệ Thuật Chọn Lựa

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Sheena Iyengar

Download sách Nghệ Thuật Chọn Lựa ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tôi sinh ra ở Toronto. Mẹ tôi sinh non một tháng giữa lúc cơn bão bao phủ thành phố dưới tuyết lạnh và một bầu không khí câm lặng. Sự đột ngột và điều kiện thời tiết nhập nhoạng vào lúc tôi ra đời là những điềm gở dù rằng khi ấy chẳng ai để ý đến chúng. Mẹ tôi vừa mới di cư từ Ấn Độ sang, bà là người thuộc về cả hai thế giới và bà đã truyền sang tôi tính cách của một người thuộc nhiều nền văn hóa  [1]  . Bố tôi đang trên đường sang Canada, nhưng ông không đến kịp; việc ông vắng mặt lúc tôi ra đời là dấu hiệu của sự vắng mặt lâu hơn sau này. Ngẫm lại, tôi nhận ra mọi nẻo đời mình đã được định sẵn ngay thời điểm tôi chào đời. Dù là những vì tinh tú trên trời hay chỉ là hòn đá cuội bên đường, dù do bàn tay của Chúa trời hay bởi thế lực vô hình, thì số mệnh đã được định đoạt và mọi chuyện sau này của tôi chỉ để xác nhận điều này mà thôi.

Đó là một câu chuyện. Còn đây là câu chuyện khác.

Bạn chẳng biết được đâu. Đó là cuộc đời kiểu đồ chơi “chú hề trong hộp” (jack-in-the-box): Bạn thận trọng mở nó, từng hộp một, ấy thế mà mọi thứ vẫn bung xổ ra. Tôi bước vào thế giới này như thế – thật đột ngột – sớm một tháng so với dự tính. Bố tôi thậm chí không kịp có mặt, ông vẫn còn ở Ấn Độ, nơi mẹ tôi vẫn hằng nghĩ rằng bà cũng ở đó. Ấy thế mà không hiểu sao rốt cuộc bà ẵm tôi trên tay ở Toronto, và bên ngoài cửa sổ, bà có thể nhìn thấy tuyết đang bị cuốn đi. Giống những bông tuyết ấy, chúng tôi trôi dạt đến nhiều nơi khác nữa: Flushing, Queens rồi đến Elmwood Park, bang New Jersey. Tôi lớn lên trong cộng đồng dân di cư người Sikh, những người cũng giống như bố mẹ tôi, đã rời hẳn Ấn Độ nhưng vẫn mang nó theo mình. Và thế là tôi được nuôi nấng trên một đất nước trong lòng đất nước khác, bởi vì bố mẹ tôi luôn cố gắng lập lại cuộc sống họ vẫn hằng quen thuộc.

Cứ mỗi tuần ba ngày, bố mẹ dẫn tôi đến  gurudwara  , một đền thờ, tại đó tôi ngồi ở phía bên phải cùng những người đàn bà, trong khi đám đàn ông túm tụm mé bên trái. Theo tín điều của đạo Sikh, tôi để tóc dài và không được cắt tóc, tượng trưng cho sự sáng tạo hoàn hảo của Chúa trời. Ở cổ tay phải tôi đeo  kara  , một loại vòng tay bằng thép, tượng trưng cho sự vững tin và ngoan đạo và đó cũng chính là lời răn đe rằng bất kể tôi làm gì cũng đều diễn ra dưới ánh mắt trông chừng của Chúa trời. Và trong mọi lúc, kể cả khi tắm, tôi phải mặc  kachchha  , một loại đồ lót gần giống như quần lót boxers, biểu hiện của sự kiềm chế dục vọng. Đây chỉ là một trong vô số phép tắc mà tôi phải theo, mọi người theo đạo Sikh đều thế, và những gì mà đạo Sikh không ra lệnh thì do bố mẹ tôi quyết định. Điều này có vẻ như tốt cho bản thân tôi, nhưng cuộc sống luôn có cách chọc thủng các kế hoạch của bạn hay các kế hoạch người khác vạch ra cho bạn.

Đến khi chập chững, tôi luôn va vào mọi thứ, và thoạt đầu bố mẹ cứ nghĩ tôi chỉ là một con bé hết sức vụng về. Nhưng một chiếc đồng hồ tính tiền đỗ xe hẳn phải đủ lớn để né tránh chứ? Và tại sao tôi lại cần người khác nhắc nhở thường xuyên phải cẩn thận mỗi khi đi đứng? Đến khi rõ ra tôi không phải là một con bé vụng về thông thường nữa, tôi được đưa đến một chuyên gia thị lực tại bệnh viện Các tín đồ Columbia. Ông ta nhanh chóng giải đáp điều bí ẩn: tôi bị mắc dạng hiếm gặp của chứng viêm võng mạc sắc tố (retinitis pigmentosa), một chứng bệnh di truyền về thoái hóa võng mạc, và thị lực của tôi chỉ là 20/400. Trước khi vào trung học, tôi đã mù hẳn, chỉ còn nhận biết là có ánh sáng mà thôi.

Tôi cho rằng điều bất ngờ xảy ra hôm nay giúp ta sẵn sàng cho những bất ngờ sắp tới. Đương đầu với mù lòa hẳn đã giúp tôi kiên cường hơn. (Hay tôi có thể đương đầu tốt  do  bẩm sinh tôi đã kiên cường?) Thế nhưng, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu, chúng ta vẫn có thể phải hứng chịu nỗi đau quặn lòng. Bố mất năm tôi 13 tuổi. Sáng đó, ông thả mẹ tôi xuống chỗ làm ở Harlem và hứa sẽ đi gặp bác sĩ để khám cái chân đau và những vấn đề hô hấp mà ông đang mắc phải. Tuy nhiên, tại phòng khám bệnh, do nhầm lịch hẹn nên chẳng ai đến khám cho ông khi đó. Bực bội vì chuyện này – và sẵn đang bị stress từ những chuyện khác – ông hét mắng, lao ra khỏi phòng khám và nện chân thình thịch xuống vỉa hè cho đến khi ông gục xuống trước một quán bar. Nhân viên pha chế của quán đã kéo ông vào bên trong và gọi xe cứu thương. Cuối cùng thì bố tôi cũng được đưa đến bệnh viện, nhưng ông không sống nổi vì lên cơn đau tim nhiều lần trên đường đến đó.

Chuyện này không có ý nói rằng cuộc đời chúng ta chỉ được định hướng bởi những sự kiện ngẫu nhiên, hú họa và chẳng mấy dễ chịu, nhưng có vẻ như, bất chấp kết quả ra sao, “chiếc xe cuộc đời” vẫn tiến vào vùng đất phần lớn chưa có trên bản đồ. Bạn có thể điều khiển chiếc xe đó được đến đâu khi mà tầm nhìn chỉ có chừng ấy và thời tiết lại thay đổi còn nhanh hơn việc bạn có thể kịp thốt lên mấy tiếng “Bất ngờ quá!”?

………………………………….

Hượm đã. Tôi vẫn còn một câu chuyện khác để kể cho bạn. Và mặc dù đây là câu chuyện về tôi, nhưng một lần nữa tôi ngờ rằng lần này bạn cũng sẽ thấy chính mình trong đó.

Năm 1971, bố mẹ tôi di cư từ Ấn Độ sang Mỹ theo ngả Canada. Như nhiều người đi trước, khi đặt chân lên vùng đất mới và cuộc đời mới này, họ đi tìm một “giấc mơ Mỹ”. Họ sớm phát hiện ra rằng việc theo đuổi giấc mơ đó dẫn đến nhiều thách thức gian khổ, nhưng họ vẫn bền chí. Tôi được sinh ra trong giấc mơ đó, và tôi cho rằng mình hiểu rõ nó hơn bố mẹ vì tôi thông thạo văn hóa Mỹ hơn. Cụ thể tôi nhận thức được rằng thứ tuyệt đẹp tỏa sáng ở trung tâm của giấc mơ này chính là sự lựa chọn – sáng đến nỗi bạn vẫn có thể thấy được nó ngay cả khi bạn, cũng giống như tôi, có mù lòa đi nữa.

Bố mẹ tôi đã chọn đến đất nước này, nhưng họ cũng đã chọn việc giữ lại càng nhiều càng tốt những điều liên quan đến đất nước Ấn Độ. Họ sống cùng những người Sikh khác, tuân theo giáo lý của đạo và dạy cho tôi ý nghĩa của sự phục tùng. Ăn gì, mặc gì, học gì và sau này là làm việc ở đâu, kết hôn với ai – tôi đều phải theo phép tắc của người Sikh và ý nguyện của gia đình. Thế nhưng tôi được học ở trường rằng tự quyết định mọi việc cho chính mình không chỉ là điều hợp lẽ tự nhiên mà còn là điều đáng khao khát nữa. Đây chẳng phải là vấn đề liên quan đến nền tảng văn hóa, cá tính hay khả năng; đơn giản đó là sự thật và lẽ phải. Nói cách khác, với một cô gái mù người Sikh bị lệ thuộc vào quá nhiều điều cấm đoán, đây là một tư tưởng hết sức mạnh mẽ. Tôi có thể nghĩ đến đời mình kiểu như định mệnh đã an bài, như thế có lẽ đúng ý với bố mẹ hơn. Hay tôi có thể nghĩ đến nó như một chuỗi tai họa ngoài tầm kiểm soát, đó cũng là một cách lý giải cho sự mù lòa của tôi và cái chết của bố. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình sẽ hứa hẹn hơn nếu tôi nghĩ rằng cuộc đời là một chuỗi những lựa chọn, là những điều vẫn còn có thể xảy ra, và là những việc mà tôi có thể biến thành hiện thực.

Nhiều người trong số chúng ta nghĩ đến và kể lại câu chuyện của mình chỉ bằng loại ngôn ngữ mà chúng ta đã lựa chọn. Đó hẳn nhiên là ngôn ngữ chung của nước Mỹ, và việc dùng ngôn ngữ này đã gia tăng nhanh chóng ở phần lớn các nơi khác trên thế giới. Chúng ta có lẽ dễ chấp nhận những câu chuyện của người kia hơn khi chúng được kể bằng loại ngôn ngữ này, và như hy vọng của tôi sẽ được trình bày trong quyển sách, “lựa chọn để nói” (speaking choice) mang lại nhiều lợi ích. Nhưng tôi cũng hy vọng sẽ khám phá ra được nhiều nẻo đường khác mà trong đó chúng ta sống và kể lại câu chuyện của mình, hình thành nên những câu chuyện kể phức tạp và mang nhiều sắc thái hơn những ngả rẽ thô thiển của Số phận và Cơ hội mà tôi trình bày ở trên.

ĐỌC THỬ

………………………………….

Bài học cuộc đời về sự lựa chọn mà tôi có được từ thuở bé dần dần trở thành những kiến thức hàn lâm khi tôi vào đại học. Tại Đại học Pennsylvania, tôi đã nghiên cứu nhiều nhóm tôn giáo khác nhau để tìm hiểu tôn giáo ảnh hưởng đến nhân sinh quan của con người như thế nào. Nghiên cứu này cho thấy các quan điểm về lựa chọn rất khác nhau, rằng các trải nghiệm của tôi trong vai trò là một người Sikh và một người Mỹ cũng chỉ cho phép tôi biết đến một nhóm nhỏ trong số đó. Sau này, khi là nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa tâm lý xã hội tại Đại học Stanford, tôi đã so sánh sự hình thành và thực tiễn của lựa chọn giữa các nền văn hóa. Tôi nghiên cứu sự khác biệt về văn hóa và cả những yếu tố quen thuộc ảnh hưởng đến lựa chọn hàng ngày của chúng ta. Đây chính là trọng tâm của sự nghiệp nghiên cứu của tôi trong 15 năm qua.

Khái niệm “lựa chọn” bao hàm quá nhiều ý nghĩa khác nhau và có quá nhiều hướng khác nhau để nghiên cứu về chúng, cho nên tôi không thể nào nêu lên đầy đủ trong một quyển sách được. Tôi chỉ nhắm đến việc khám phá những khía cạnh tôi nhận thấy đáng suy nghĩ và có liên quan nhiều nhất đến cách sống của chúng ta. Quyển sách này được đặt trên cơ sở tâm lý học, nhưng tôi cũng viện đến nhiều lĩnh vực và chuyên môn khác, bao gồm kinh doanh, kinh tế học, sinh học, triết học, nghiên cứu văn hóa, chính sách công và y tế. Với cách làm như vậy, tôi hy vọng thể hiện được hết mức có thể các quan điểm và đem ra bàn luận những quan niệm mà chúng ta đã biết về vai trò và thực tiễn của lựa chọn trong cuộc sống.

Mỗi chương trong bảy chương sau sẽ nhìn nhận lựa chọn ở một lợi điểm khác nhau và giải quyết nhiều câu hỏi khác nhau về cách mà lựa chọn tác động đến cuộc sống của chúng ta. Vì sao lựa chọn lại có sức mạnh như vậy và sức mạnh này đến từ đâu? Có phải tất cả chúng ta đều chọn lựa theo cùng một cách? Mối liên quan giữa cách chúng ta chọn lựa và địa vị của chúng ta là như thế nào? Vì sao chúng ta lại thường xuyên thất vọng bởi những lựa chọn của mình, và chúng ta làm thế nào để tận dụng công cụ lựa chọn một cách hiệu quả nhất? Chúng ta kiểm soát lựa chọn hàng ngày của mình nhiều đến đâu? Chúng ta sẽ chọn lựa ra sao nếu quyền lựa chọn của mình gần như không có giới hạn? Chúng ta có nên để người khác chọn lựa thay mình hay không, và nếu có thì đó là ai và vì sao? Dù bạn có đồng ý với các quan điểm, gợi ý và kết luận của tôi hay không – và tôi dám chắc là không phải lúc nào chúng ta cũng đồng ý với nhau đâu – thì chỉ với quá trình tìm hiểu về những vấn đề này cũng có thể giúp bạn có được những quyết định sâu sắc hơn. Lựa chọn, từ việc nhỏ nhặt cho đến một sự kiện thay đổi cuộc đời, cả lúc hiện hữu lẫn khi vắng mặt, là một phần không thể tách rời của các câu chuyện về cuộc đời của chúng ta. Khi bạn đọc quyển sách này, tôi hy vọng bạn có thể thấu hiểu chính bản thân mình, cuộc đời mình, rằng mọi sự đã bắt đầu như thế nào và nó sẽ hướng về đâu.

Tự do là gì? Tự do là quyền được chọn lựa:

là quyền tự tạo cho mình nhiều phương cách lựa chọn khác nhau.

Nếu mất đi khả năng lựa chọn, con người không còn là con người nữa

mà chỉ là một thành phần, một công cụ, một đồ vật mà thôi.

– Archibald MacLeish,

nhà thơ Mỹ đoạt giải Pulitzer

I. SỐNG SÓT

Bạn sẽ làm gì nào? Nếu bạn bị bỏ rơi ngoài biển trên một chiếc phao nhỏ hay kẹt lại trên núi với chiếc chân gãy hay nói chung gặp trở ngại theo kiểu “bơi ngược dòng không mái chèo” – như mọi người thường nói – thì bạn nghĩ mình sẽ làm gì? Bạn sẽ bơi được trong bao lâu rồi mới xuôi tay? Bạn có thể nuôi hy vọng trong bao lâu? Chúng tôi đưa ra những câu hỏi này, sau khi dùng bữa, trong những lúc tiệc tùng họp mặt, vào những chiều Chủ nhật nhàn rỗi, chẳng phải để tìm vài mẹo vặt hòng sống sót mà vì chúng tôi bị mê hoặc bởi sức chịu đựng tối đa và khả năng ứng phó của chúng ta khi lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn mà lại không hề được chuẩn bị hoặc không lường trước được. Chúng tôi muốn biết trong số chúng ta, ai sẽ còn sống sót để kể lại câu chuyện?

Ví dụ như trường hợp của Steven Callahan. Vào ngày 5 tháng 2 năm 1982, khoảng 800 dặm phía Tây quần đảo Canaria [3] , thuyền của ông, chiếc Napoleon Solo, bị bão đánh lật úp. Callahan, khi đó 30 tuổi, nhận ra chỉ còn mình ông trơ trọi lênh đênh trên biển với một chiếc phao rò rỉ cùng vài nguồn dự trữ ít ỏi. Ông hứng nước mưa để uống và tự làm lao đâm cá. Ông ăn hàu và thỉnh thoảng bắt được những con chim sà xuống ăn phần thịt hàu thừa. Để giữ mình tỉnh táo, ông ghi lại những gì đã trải qua và tập yoga mỗi khi cơ thể yếu ớt của ông cho phép. Còn lại là, chờ đợi và trôi dạt về phía Tây. Bảy mươi sáu ngày sau, ngày 21 tháng 4, một chiếc tàu đã phát hiện ra Callahan ở ngoài khơi miền duyên hải quần đảo Guadeloupe [4] . Thậm chí cho đến ngày nay, ông là một trong số ít ỏi những người cầm cự được trên biển một mình trong hơn một tháng.

Không chút nghi ngờ rằng Callahan – một con sói biển – đã nắm vững những kỹ năng đi biển hết sức quan trọng để sống sót, nhưng liệu chỉ với những kỹ năng này thì có đủ để cứu sống ông hay không? Trong cuốn sách của mình, Lênh đênh: Bảy mươi sáu Ngày Lưu lạc trên Biển (Adrift: Seventy-six Days Lost at Sea) ông miêu tả tâm trạng của mình không lâu sau khi xảy ra thảm họa như sau:

Quanh tôi lởn vởn mảnh vụn của chiếc Solo . Các thiết bị của tôi được tuyệt đối an toàn, những hệ thống quan trọng nhất vẫn đang hoạt động, công việc ưu tiên trong ngày đã định ra, thứ tự ưu tiên không có gì phải bàn cãi. Dù thế nào chăng nữa, tôi vẫn phải nén lại những nỗi lo lắng, đau đớn, sợ hãi đang trỗi dậy. Tôi là thuyền trưởng của chiếc tàu bé xíu giữa những cơn sóng đầy phản trắc. Tôi đã thoát được trạng thái bấn loạn sau khi mất chiếc Solo và sau cùng cũng đã có nước uống và thức ăn. Tôi vượt qua được cái chết mười mươi và giờ đây tôi đứng trước một lựa chọn: tự mình hướng đến một cuộc sống mới hoặc là đầu hàng và tự nhìn mình chết dần. Tôi chọn cách chiến đấu đến cùng.

Callahan đã hình dung lại tình cảnh của mình, dẫu rằng cực kỳ tồi tệ, qua những lựa chọn. Đại dương mênh mông, bốn bề thăm thẳm. Ông chẳng thấy gì khác ngoài một mặt biển xanh bất tận, ẩn chứa bên dưới nhiều nỗi lo sợ và hiểm họa bất chợt. Tuy nhiên, trong tiếng sóng vỗ bập bềnh và tiếng gió rít ông không nghe thấy lời phán quyết phải chết mà thay vào đó là câu hỏi: “Có muốn sống hay không?” Khả năng nghe được câu hỏi đó và trả lời bằng một câu khẳng định – để đòi lại cho mình sự lựa chọn mà dường như hoàn cảnh đã tước bỏ trước đó – có thể là thứ đã giúp ông sống sót. Lần tới, nếu ai đó hỏi rằng “Bạn sẽ làm gì nào?”, bạn có thể trích một trang từ quyển sách của Callahan và trả lời, “Tôi sẽ chọn lựa.”

Một người sống sót nổi tiếng khác, Joe Simpson, suýt chết khi leo xuống từ một ngọn núi trong số những đỉnh núi băng nằm trên lãnh thổ Peru của dãy Andes [5] . Sau khi bị ngã gãy chân, ông không thể bước đi được, vì thế người bạn cùng leo núi, Simon Yates đã cố gắng dùng dây thừng để hạ ông xuống nơi an toàn. Do không thể nhìn và nghe thấy Simpson nên khi Yates vô tình hạ ông xuống một gờ đá, Simpson không thể giữ chắc được và ông cũng không thể leo ngược lên được. Giờ đây, Yates phải gánh chịu toàn bộ trọng lượng của Simpson; sớm muộn gì, ông (Yates) cũng không chịu nổi và cả hai sẽ rơi xuống chết. Sau cùng, nhận thấy không còn cách nào khác, Yate cắt sợi thừng, và đinh ninh rằng ông đã kết án tử hình bạn mình. Những gì xảy ra sau đó thật lạ thường: Simpson đã rơi xuống ngay trên rìa của một khe băng, trong vài ngày kế tiếp ông đã bò năm dặm xuyên qua một con sông băng và đến được nơi cắm trại ngay trước khi Yates chuẩn bị bỏ đi. Trong cuốn “Chạm cõi hư không” (Touching the Void) kể về tai nạn này, Simpson viết:

Thôi thúc từ bỏ không leo xuống nữa là một điều nhục nhã, không thể chịu đựng được. Tôi không mường tượng được có gì bên dưới nhưng tôi chắc chắn hai điều: Simon đã bỏ đi và sẽ không quay lại. Nghĩa là cứ nằm trên mỏm băng này thì đời tôi thế là chấm dứt. Phía trên không còn lối thoát, và buông mình sang mé bên kia thì chẳng khác nào là một lời mời mọc chấm dứt nhanh chóng mọi chuyện này. Tôi đã bị cám dỗ bởi điều đó, nhưng thậm chí ngay trong cơn tuyệt vọng, tôi thấy rằng mình không đủ can đảm để tự kết liễu cuộc đời. Còn rất lâu mới đến lúc giá rét và sự kiệt sức đánh quỵ tôi trên mỏm băng này, và nghĩ đến việc phải một mình nằm chờ điều đó đến và sẽ loạn trí bởi thời gian quá lâu như vậy đã buộc tôi có lựa chọn này: tụt xuống cho đến khi có thể tìm lối thoát hoặc là chết giữa đường. Tôi thà đi gặp cái chết còn hơn để nó tìm đến mình. Giờ thì chẳng còn đường lùi, dù trong tôi đang gào lên là hãy từ bỏ đi.

Với những người có ý chí sắt đá như Callahan và Simpson, việc họ có sống sót hay không chỉ phụ thuộc vào lựa chọn của họ mà thôi. Và như Simpson đã trình bày cụ thể, lựa chọn là một mệnh lệnh chứ không phải là cơ hội; bạn có thể lãng phí cơ hội, nhưng gần như không thể chống lại mệnh lệnh.

Dù phần lớn chúng ta sẽ chẳng bao giờ trải qua những hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt như trên (hy vọng là vậy), thế nhưng hàng ngày chúng ta vẫn phải đối diện với những mệnh lệnh của bản thân, buộc mình phải chọn lựa. Chúng ta nên hành động hay nên dừng lại và quan sát? Bình tĩnh chấp nhận bất kể việc gì xảy ra với mình, hay gan lì theo đuổi những mục tiêu mà mình tự đặt ra? Chúng ta đo cuộc đời mình bằng nhiều thước đo khác nhau: là tháng năm, là những sự kiện lớn, là những thành tựu. Chúng ta cũng có thể đo cuộc đời bằng những lựa chọn mà chúng ta đã thực hiện. Tổng hợp toàn bộ những lựa chọn này mang lại cho chúng ta nơi sinh sống và địa vị xã hội hiện tại, bất kể ta là ai, ta ở đâu. Khi nhìn cuộc đời qua lăng kính này, rõ ràng sự lựa chọn là một nguồn lực vô cùng mạnh mẽ, một yếu tố đóng vai trò quyết định cách sống của chúng ta. Nhưng sức mạnh của sự lựa chọn bắt nguồn từ đâu, và khả năng chúng ta có thể tận dụng triệt để nó ra sao?

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button