Kỹ năng mềm

Mở Cửa Trái Tim

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ajahn Brahm

Download sách Mở Cửa Trái Tim ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Những câu chuyện trong quyển sách này đã được tôi góp nhặt suốt hơn ba mươi năm sống đời tu sĩ theo truyền thống tu trong rừng của Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Suốt nhiều thế kỷ, Phật giáo Nguyên thủy là cỗ xe tâm linh chính của người dân Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka, Campuchia và Lào. Ngày nay, trường phái Phật giáo này đang phát triển ở phương Tây – và cả phương Nam, như ở nước Úc, nơi tôi đang sống.

Mọi người thường hay hỏi tôi đâu là sự khác nhau giữa những trường phái Phật giáo – như Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), Phật giáo Đại thừa (Mahayana), Kim Cương thừa (Vajrayana) và Thiền tông (Zen). Câu trả lời là, tất cả những trường phái này thật ra cũng giống như cùng một loại bánh với những lớp phủ đường khác nhau: bên ngoài thì có vẻ khác nhau với hương vị khác nhau, nhưng khi đi sâu vào bên trong thì bạn sẽ thấy tất cả đều có chung một vị, đó là vị giải thoát. Từ nguyên thủy, chỉ có một nền Phật giáo mà thôi.

Đức Phật đã giảng dạy tại vùng Đông Bắc Ấn Độ vào khoảng 2.600 năm trước, nghĩa là một thế kỷ trước thời triết gia Socrates. Người không chỉ giảng dạy cho các tăng ni xuất gia, mà còn dạy cho hàng ngàn người bình thường khác, từ những nông phu trồng lúa cho đến người phu quét đường và thậm chí là những kỹ nữ. Trí tuệ của Phật không hề xuất phát hay liên hệ gì đến một đấng siêu nhiên. Nó phát sinh từ những hiểu biết sâu sắc về bản chất cuộc sống. Những bài giảng của Người xuất phát từ trái tim và được khơi mở bằng sự hành thiền thâm sâu. Như Đức Phật từng nói một câu rất nổi tiếng: “Chính từ trong cái thân dài một fathom(*) này, với cái tâm được phú, ta là sự khởi đầu và sự kết thúc của thế giới này“.

Giáo lý trung tâm của Đức Phật chính là Bốn Sự Thật Cao Quý, hay còn gọi là Tứ Diệu Đế. Nếu xếp lại theo trình tự thông thường của nó, chúng ta có thể viết như sau:

1. Hạnh phúc

2. Nguyên nhân của hạnh phúc

3. Bất hạnh

4. Nguyên nhân của bất hạnh

(*) 1 fathom (sải) tương đương 1,83 mét.

Những câu chuyện trong quyển sách này sẽ xoay quanh Diệu Đế thứ hai, đó là nguyên nhân của hạnh phúc.

Đức Phật thường dùng những câu chuyện để giảng. Thầy của tôi, cố thiền sư Ajahn Chah ở vùng Đông Bắc Thái Lan, cũng thường hay giảng dạy bằng những câu chuyện. Mỗi khi nghe những bài thuyết giảng của Ajahn Chah, các câu chuyện ấy là điều mà tôi nhớ nhất, đặc biệt là những câu chuyện hài hước. Hơn nữa, chính những câu chuyện này mang lại cho ta những hướng dẫn sâu sắc nhất về con đường đạo để đi đến hạnh phúc thật sự. Mỗi câu chuyện đều là sứ giả chuyển tải những lời dạy của ngài.

Bản thân tôi cũng dùng những câu chuyện khi giảng về Phật pháp và tu thiền tại Úc, Singapore và Malaysia hơn hai mươi năm nay, và tôi đã ghi lại những câu chuyện hay nhất trong quyển sách này. Những câu chuyện tự chúng đã nói lên tất cả, vì vậy tôi chỉ đưa thêm vào rất ít lời bình. Mỗi câu chuyện đều hàm chứa những mức độ ý nghĩa khác nhau, do vậy, càng đọc bạn sẽ càng nhận ra nhiều chân lý.

Mong rằng bạn, cũng như những người được nghe kể, sẽ thích thú những câu chuyện về hạnh phúc này. Và cầu mong rằng những câu chuyện ấy sẽ giúp thay đổi cuộc đời của bạn theo chiều hướng tốt hơn, như chúng đã làm cho nhiều người khác.

Ajahn Brahm

ĐỌC THỬ

SỰ HOÀN HẢO VÀ TỘI LỖI

HAI VIÊN GẠCH XẤU XÍ

Sau khi mua miếng đất để làm nơi tu tập vào năm 1983, chúng tôi hết sạch tiền và lâm vào cảnh nợ nần. Trên miếng đất đó không có lấy một chỗ để trú thân. Những tuần đầu, chúng tôi ngủ trên mấy thanh cửa cũ mua được với giá rẻ ở một tiệm đồ cũ. Chúng tôi kê gạch dưới mỗi góc để miếng gỗ hổng lên khỏi mặt đất (dĩ nhiên là chẳng có đệm chiếu gì vì chúng tôi là những tu sĩ trong rừng).

Vị sư trưởng được cái cửa tốt nhất vì nó thẳng thớm. Còn cánh cửa của tôi có một cái lỗ to ở giữa, nơi trước đây là cái tay nắm. Tôi lấy làm mừng vì cái tay nắm đó đã không còn, nhưng cũng khổ vì nó để lại một cái lỗ ngay giữa cái giường-cửa của mình. Tôi nói đùa rằng giờ đây mình không cần phải ra khỏi giường để đi vệ sinh nữa! Tuy vậy, những cơn gió lạnh lại cứ nhằm cái lỗ đó mà lùa vào và tôi không tài nào ngủ được trong những đêm đó.

Chúng tôi là những thầy tu nghèo cần có nhà để ở. Chúng tôi không có khả năng để thuê một người thợ xây, hơn nữa vật liệu cũng đắt đỏ. Vậy nên chúng tôi tự học cách xây dựng, từ chuẩn bị móng cho đến đổ xà bần và xây gạch rồi dựng mái, đi đường nước, tất tần tật mọi thứ. Tôi vốn là một nhà vật lý lý thuyết và là thầy giáo trung học nên nào có quen với việc lao động chân tay. Hồi mới bắt đầu mọi thứ đối với tôi rất khó khăn nhưng sau một vài năm, tôi cũng khá thành thục trong việc xây cất, thậm chí còn gọi đùa nhóm của chúng tôi là BBC, nghĩa là Buddhist Building Company – Công ty Xây dựng Phật giáo.

Thoạt nhìn thì việc xây gạch trông cũng dễ dàng lắm, chỉ cần cho một ít hồ bên dưới, rồi đập đập chỗ này chỗ kia là xong thôi. Hồi mới bắt đầu làm, tôi cứ đập một góc xuống cho bằng thì góc kia lại trồi lên. Thế là tôi lại đập góc đó xuống và viên gạch cứ chệch ra khỏi sợi dây dọi căng làm dấu. Sau khi tôi nhét nó trở vào bên trong sợi dây thì cái góc ban đầu lại nhổng lên cao quá. Bạn cứ thử làm mà xem!

Là một thầy tu, tôi có đủ lòng kiên nhẫn lẫn thời gian cần thiết. Tôi đảm bảo sao cho mọi viên gạch đều thật hoàn hảo, cho dẫu có tốn bao nhiêu thời gian cũng mặc. Cuối cùng tôi cũng xây xong bức tường gạch đầu tiên và đứng lùi lại để ngắm nghía. Đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng, ôi không, tôi đã làm hỏng hai viên gạch. Tất cả những viên gạch khác đều thẳng hàng đẹp mắt, chỉ riêng hai viên này là bị xiên và tạo thành một góc hẳn hoi. Trông chúng thật xấu xí. Chúng đã làm hỏng cả bức tường và phá hủy cả công trình của tôi.

Nhưng lúc đó hồ đã cứng đến mức tôi không thể nào lấy hai viên gạch ấy ra được, thế là tôi đến hỏi vị sư trưởng xem mình có thể phá bức tường để làm lại không. Tôi đã tạo ra một đống lộn xộn và rất lấy làm bối rối. Vị sư trưởng bảo không, cứ để nguyên bức tường đó.

Khi đưa những vị khách tham quan đầu tiên đi khắp tu viện mới toanh của mình, lúc nào tôi cũng cố tránh đưa họ đi ngang qua bức tường do tôi xây. Tôi không muốn ai nhìn thấy chúng cả. Thế rồi một bữa nọ, khoảng ba hay bốn tháng sau đó, tôi đang đi dạo cùng với một vị khách thì ông này trông thấy bức tường.

– Bức tường đẹp quá! – Ông ta nhận xét.

– Thưa ông, – tôi ngạc nhiên đáp lại, – ông có để quên mắt kính trong xe không? Ông không thấy hai viên gạch xấu xí đó đã làm hỏng bức tường sao?

Nhưng điều ông nói đã làm thay đổi cái nhìn của tôi về bức tường, về bản thân tôi và nhiều khía cạnh khác trong cuộc đời. Ông nói:

– Phải, tôi thấy hai viên gạch xấu xí đó chứ. Nhưng tôi cũng nhìn thấy 998 viên gạch đẹp đẽ kia nữa.

Tôi lặng người. Lần đầu tiên suốt ba tháng qua tôi mới có thể trông thấy những viên gạch còn lại trên bức tường ấy. Phía trên, phía dưới, bên trái và bên phải của hai viên gạch xấu xí là những viên gạch đẹp đẽ, hoàn hảo. Thêm vào đó, số lượng những viên gạch hoàn hảo còn nhiều gấp mấy lần hai viên gạch xấu xí kia. Trước kia, mắt tôi chỉ tập trung vào hai chỗ khiếm khuyết của mình mà mù lòa trước mọi thứ khác. Chính vì thế mà tôi không thể chịu được khi nhìn bức tường đó hoặc để cho ai nhìn nó. Chính vì thế mà tôi muốn đập bỏ nó đi. Giờ đây tôi đã có thể nhìn thấy những viên gạch đẹp đẽ, bức tường không còn xấu tệ nữa. Theo lời người khách thì đó là “một bức tường gạch đẹp“.

Đã hai mươi năm trôi qua và bức tường vẫn còn ở đó nhưng tôi đã quên mất chỗ hai viên gạch xấu xí đó. Tôi hoàn toàn không còn thấy những khuyết điểm đó nữa.

Có bao nhiêu người đã chấm dứt một mối quan hệ hay ly dị nhau chỉ vì tất cả những gì họ thấy ở người kia là “hai viên gạch xấu xí“? Bao nhiêu người trong số chúng ta trở nên tuyệt vọng, đau khổ hoặc thậm chí là có ý định tự tử vì tất cả những gì chúng ta thấy ở bản thân mình chỉ là “hai viên gạch xấu xí“? Sự thật là có rất nhiều những viên gạch đẹp đẽ, hoàn hảo ở xung quanh đó nhưng nhiều lúc chúng ta lại không nhìn ra. Mắt ta chỉ tập trung vào những khuyết điểm, sai lầm và cứ nghĩ đó là tất cả những gì mình có, vì thế chúng ta chỉ muốn phá bỏ nó đi. Và đáng buồn là nhiều lúc chúng ta đã phá hủy “một bức tường rất đẹp“.

Tất cả chúng ta đều có hai viên gạch xấu xí đó, nhưng ngược lại cũng có rất nhiều viên gạch tốt so với khuyết điểm đó. Một khi đã nhìn ra điều này, chúng ta sẽ thấy rằng mọi thứ không đến nỗi quá tệ. Không chỉ chúng ta có thể sống thanh thản, bình an với chính những khiếm khuyết mình có mà còn vui sống với bạn đời. Nghe tin này có thể những luật sư ly hôn không lấy gì làm vui nhưng đây lại là tin vui cho bạn.

Tôi đã kể đi kể lại giai thoại này rất nhiều lần. Lần nọ, một người thợ xây dựng đã nói cho tôi biết một bí quyết nghề nghiệp rằng: “Thợ xây chúng tôi lúc nào cũng phạm phải sai lầm, nhưng chúng tôi nói với khách hàng rằng đó là ‘nét độc đáo’ mà không nhà nào xung quanh có được. Và thế là sau đó chúng tôi tính họ thêm vài ngàn đô-la tiền công!“.

Như vậy rất có thể cái “nét độc đáo“trong nhà bạn ban đầu chính là một khuyết điểm. Tương tự, những gì mà bạn có thể nghĩ là khuyết điểm hay sai lầm của bản thân, của bạn đời hay trong cuộc sống nói chung đều có thể trở thành “nét độc đáo“ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn một khi bạn thôi không còn quá chú tâm đến nó nữa.

KHU VƯỜN HOÀN HẢO

Các ngôi đền Phật giáo ở Nhật Bản thường nổi tiếng vì những khu vườn xinh đẹp. Mấy năm trước có một ngôi đền đã tự xưng là họ có một khu vườn đẹp nhất. Du khách từ khắp nơi đến tham quan đều trầm trồ trước sự sắp đặt tinh tế của khu vườn và vẻ đẹp giản dị mà phong phú của nó.

Một lần có vị sư già đến thăm ngôi đền ấy. Ông đến nơi rất sớm, trước cả khi mặt trời mọc. Ông muốn khám phá xem tại sao ngôi vườn lại được xem là nơi làm rung động lòng người đến thế. Vì lý do đó, ông ẩn mình sau một bụi cây to để có thể quan sát toàn cảnh khu vườn.

Ông thấy một chú tiểu làm vườn từ trong đền đi ra, tay xách hai cái giỏ làm bằng liễu gai. Suốt ba tiếng đồng hồ sau đó, ông thấy chú tiểu cẩn thận nhặt từng cái lá rụng và nhánh cây gãy bên dưới tàn cây mận ngay giữa vườn. Mỗi khi nhặt từng chiếc lá và nhánh cây, chú tiểu cẩn thận lật nó qua lại trong bàn tay mềm mại của mình, ngắm nghía và trầm tư hồi lâu. Với cái nào ưng ý thì chú đặt nhẹ nhàng vào trong một cái giỏ, cái nào thấy không dùng được thì chú lại bỏ vào cái giỏ kia, coi như là giỏ rác. Sau khi đã thu nhặt và trầm tư về những cái lá và cành cây, sau khi đã đổ giỏ rác ấy thành đống phía sau ngôi đền, chú nghỉ tay uống trà và thư giãn tâm trí trước khi lại tiếp tục phần công việc chính sau đó.

Nghỉ ngơi xong, chú tiểu lại dành thêm ba tiếng đồng hồ để đặt từng chiếc lá, cành cây vào đúng chỗ của nó trong vườn một cách cẩn thận, chăm chú và thành thạo. Nếu chưa hài lòng với vị trí của một cành cây, chú sẽ xoay hoặc đẩy nó tới một chút cho đến khi nào một nụ cười hài lòng nở ra trên môi thì chú mới chuyển sang cái lá tiếp theo và chỉ chọn đúng màu sắc cũng như hình dáng theo vị trí của nó trong vườn. Không ai có thể tỉ mỉ bằng chú. Tài năng sắp đặt về màu sắc lẫn hình dáng của chú thật là tuyệt vời. Ngoài ra, sự hiểu biết của chú về vẻ đẹp thiên nhiên thật là siêu phàm. Khi chú làm xong, cả khu vườn trông thật là hoàn hảo, không chê vào đâu được.

Lúc đó, nhà sư già bèn bước ra khỏi lùm cây. Sau nụ cười đã móm mém vì những chiếc răng rụng, ông khen ngợi chú tiểu làm vườn:

– Giỏi lắm! Làm giỏi lắm, Venerable! Ta đã quan sát con cả buổi sáng nay. Sự chăm chỉ của con thật đáng ca ngợi! Còn khu vườn của con nữa…Chà! Khu vườn của con gần như đã hoàn hảo.

Gương mặt của chú tiểu trắng bệch. Cả thân người của chú cứng đờ như thể vừa bị bò cạp đốt. Nụ cười hài lòng tuột khỏi môi chú, để lại một khoảng trống trên gương mặt.

– Ý thầy… là gì… ạ…? GẦN NHƯ ĐÃ HOÀN HẢO?” – Chú tiểu sợ hãi lắp bắp và phủ phục dưới chân vị sư già. – Thưa thầy! Ôi thưa thầy! Xin hãy động lòng trắc ẩn… Hẳn thầy đã được đức Phật phái đến để chỉ cho con cách làm cho khu vườn này trở nên hoàn hảo. Xin hãy dạy cho con, thưa Thầy Thông Thái! Hãy chỉ cho con cách ấy!

– Thế con có thật sự muốn ta chỉ cho không? – Vị sư già hỏi, gương mặt già nua của ông nhăn nhúm đầy vẻ hóm hỉnh.

– Có ạ, xin thầy hãy làm ơn, thưa thầy!

Thế là nhà sư già bèn bước ra giữa vườn. Ông choàng đôi cánh tay đã già nhưng vẫn còn mạnh mẽ quanh cái cây mận đầy lá. Rồi với một giọng cười như thánh, ông lắc mạnh cái thân cây! Lá, cành và vỏ cây rơi khắp nơi, nhà sư già vẫn không ngừng lắc. Cho đến khi trên cây không còn chiếc lá nào rơi xuống nữa thì ông mới dừng lại.

Chú tiểu kinh hãi. Cả khu vườn đã bị phá hủy. Cả công trình buổi sáng của chú coi như đã đổ sông đổ biển. Chú muốn giết vị sư già ấy. Nhưng nhà sư nhìn quanh, tâm đắc trước những gì mình vừa làm. Với một nụ cười có thể làm tan biến mọi cơn giận dữ, ông nhẹ nhàng nói với chú tiểu: “Bây giờ thì khu vườn của con hoàn hảo rồi đó!”.

NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM THÌ ĐÃ XONG

Gió mùa ở Thái Lan bắt đầu từ tháng Bảy và kéo dài cho đến tháng Mười. Suốt thời gian này, các nhà sư tạm dừng việc đi lại khắp nơi, gạt sang bên mọi công việc để chú tâm vào việc học và thiền định. Giai đoạn này được gọi là “Vassa” hay “Ẩn dật mùa mưa”.

Vài năm trước ở miền Nam Thái Lan có một vị sư trụ trì nổi tiếng đang xây một khu nhà mới trong tu viện giữa rừng của mình. Khi đến mùa Vassa, ông cho dừng công việc lại và bảo những người thợ xây hãy về nhà. Đó là thời gian tĩnh lặng trong tu viện của ông.

Vài ngày sau, có một vị khách đến và trông thấy cái công trình dang dở nửa chừng ấy bèn hỏi vị sư trụ trì rằng khi nào thì nó mới khánh thành. Không ngần ngừ, nhà sư già đáp ngay: “Nó xong rồi đấy chứ!“.

“Ý thầy là sao cơ? Nó xong rồi đấy sao?”, vị khách ngạc nhiên. “Mái còn chưa xong. Lại không có cửa cái hay cửa sổ. Khắp nơi còn ngổn ngang gỗ và các bao xi măng. Chẳng lẽ thầy cứ để như vậy sao? Thầy có bị làm sao không đấy? Ý thầy là sao khi nói rằng nó xong rồi?”.

Vị sư già mỉm cười và nhẹ nhàng đáp: “Những gì đã làm thì đã xong” rồi bỏ đi thiền.

Đó là cách duy nhất để chúng ta có thể lui về ẩn dật hay nghỉ ngơi. Bằng không, công việc của chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn tất.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button