Kỹ năng mềm

Mẹ Dắt Con Đi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phoenix Ho

Download sách Mẹ Dắt Con Đi ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi là một người công tác trong ngành giáo dục nên luôn tâm đắc với những câu chuyện dạy dỗ trẻ em thành những NGƯỜI giàu lòng nhân ái, có tinh thần tự lập, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, có trách nhiệm và biết quan tâm đến mọi người.

Cách đây 3 năm, khi tham gia một dự án phi lợi nhuận của Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng – Vương quốc Bỉ (VVOB Việt Nam), tôi tình cờ được làm việc cùng chị – Phoenix. Chị là một Việt kiều Mỹ, có 2 bằng thạc sĩ về giáo dục và tư vấn phát triển hướng nghiệp của Úc và Mỹ. Công việc chính của chị hiện nay là điều phối viên tư vấn hướng nghiệp – Đại học RMIT Việt Nam. Trong quá trình sống và làm việc tại Việt Nam, chị có cơ hội làm việc với một nhóm bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ họ tìm học bổng cũng như rèn luyện thêm những kiến thức và kỹ năng sống mà họ thiếu. Có một thời điểm các em sinh hoạt hàng ngày tại nhà của chị. Chị gọi các em bằng con, mặc dù tuổi đời của chị còn trẻ (chị tuổi Bính Thìn). Hiện nay, các em đều đã đi học nghề, học cao đẳng, đại học hoặc đi làm. Thỉnh thoảng, các em vẫn tập trung về nhà chị, xem chị như người Cô, người Mẹ, xem con trai chị như người em út của họ. Chị làm tất cả những công việc này, bởi: “Từ nhỏ, trong lòng mình luôn có cảm giác thôi thúc được phục vụ tha nhân, đốt lên ngọn nến thắp sáng đêm đen, góp tay giúp cho cuộc đời thêm điều đẹp tươi” (Lời tự sự của Phoenix).

Phoenix có một cậu con trai nhỏ năm nay lên 7 tuổi. Một lần đi tập huấn với chị ở Huế, chị đưa cháu đi theo. Khi gặp cháu, tôi thấy cháu rất ngoan, có tính kỹ luật và tính tự lập cao, từ việc ăn uống cho đến những công việc tự phục vụ cho bản thân, mặc dù khi đó cháu mới gần 4 tuổi. Sau này, khi đã thân thiết với nhau, thỉnh thoảng chị gửi cho tôi những mẩu chuyện kể về cách chị tương tác cùng con trai của chị (mà chị thường âu yếm gọi là Gấu). Tôi đọc và hiểu được phần nào vì sao Gấu của chị lại có được những đức tính như vậy ngay từ khi còn nhỏ. Tôi gửi mail cho Phoenix và nói: “Chuyện của Phoenix rất hay. Nếu Phoenix viết được nhiều mẩu chuyện thế này thì nên in thành truyện để chia sẻ với các bạn trẻ về cách làm bạn cùng con. Hay và bổ ích lắm đấy”. Rồi cách đây 2 tháng, Phoenix đã tập hợp tất cả những mẩu chuyện chị viết dưới dạng nhật ký và gửi cho tôi.

Ngay khi đọc những mẩu chuyện đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi cách viết mộc mạc, giản dị nhưng đầy sâu lắng và cảm động của chị. Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được vì bị “ám ảnh” bởi những câu chuyện mà tôi mới đọc. Cứ nghĩ rằng quen nhau lâu vậy thì mình đã hiểu được Phoenix, nhưng đọc truyện của Phoenix mới khám phá ra nhiều điều thật mới lạ. Những cảm giác khó tả dâng trào trong tôi. Từ những dòng tự sự, những bức thư chị gửi cho con trai, tôi nhận thấy chị là một người mẹ yêu con tuyệt vời nhưng cũng rất nghiêm khắc với con, bởi chị nghĩ: “Cho dù làm mẹ tốt cách nào, lòng vẫn luôn canh cánh mình làm sai và sợ ảnh hưởng không tốt vào cuộc đời con sau này. Quá thông cảm ư? – Sau này nó khó hài lòng với người khác. Quá cứng rắn ư? – Làm tổn thương con thì sao. Quá bảo vệ ư? – Rồi làm sao nó có thể tự lập khi trưởng thành!”. Trong cuộc hành trình cùng con, chị đã luôn lắng nghe con, thấu hiểu con và dạy con từ những điều nhỏ nhất để con “học ăn, học nói, học gói, học mở” từ khi con còn rất nhỏ.

Sẽ bổ ích biết bao nếu cách tương tác cùng con, cách quan tâm đến con, cách lắng nghe con để thấu hiểu con, cách tôn trọng con và làm bạn cùng con của Phoenix được các bạn trẻ đón nhận và áp dụng vào gia đình nhỏ bé của mình.

Là một người bạn của chị, tôi có mong muốn cháy bỏng là cuốn sách này của Phoenix được xuất bản và đến tay được tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ đang nuôi dạy con nhỏ. Hy vọng rằng, đây sẽ là món quà nhỏ có ý nghĩa đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống gia đình của mỗi chúng ta.

Một ngày mùa thu năm 2014

ThS. Trần Thị Thu

Nguyên cán bộ nghiên cứu giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo

LỜI TÁC GIẢ

Tôi mang thai Gấu vào lúc bắt đầu học chương trình thạc sĩ tư vấn, chuyên ngành tư vấn hướng nghiệp. Khi tình cờ biết tin vui, ngoài những lời chúc tốt đẹp, các giáo sư thường cho tôi lời khuyên về việc làm mẹ.

Một trong những lời khuyên ấy tôi đã làm theo triệt để, đó là lời của nữ Giáo sư Moretti. Cô nói: “Để làm mẹ tốt, em chỉ cần đọc hai cuốn sách này. Nhớ là đừng đọc quá nhiều sách vì điều ấy có thể làm em loạn.

Cô nghĩ chỉ cần hai cuốn thôi, em ạ”. Tôi đã mua và bắt đầu đọc từ khi Gấu còn trong bụng mẹ cho suốt đến những tháng năm sau này. Đặc biệt, khi mối quan hệ giữa hai mẹ con có những trúc trắc, con bướng hơn, tôi khóc nhiều hơn vì cảm giác hối hận, sau khi con ngủ, tôi lại lôi cuốn thứ hai ra đọc để hiểu mình đã làm sai ở đâu, và có thể làm gì để bổ khuyết.

Hai cuốn sách ấy tên là First feelings(1) của tác giả Stanley Greenspan và Nancy T. Greenspan và Parenting from the inside out(2) của tác giả Daniel J. Siegel MD và Mary Hartzell. Cả hai cuốn đều dựa trên học thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby. Ông cho rằng mối quan hệ gắn bó giữa trẻ và cha mẹ đã bắt đầu ngay từ khi trẻ vừa ra đời và duy trì sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến suốt cuộc đời trẻ. Vì chuyên ngành của tôi là tư vấn hướng nghiệp, nên các học phần về tâm lý của tôi nhẹ hơn so với các bạn bên ngành tư vấn tâm lý, nhưng vì Gấu, tôi đã đọc và nghiên cứu học thuyết này cùng hai cuốn sách ấy thật kỹ. Tôi rút ra những điểm chính sau đây cho vai trò làm mẹ của mình:

• Trong hai năm đầu đời của Gấu, vai trò làm mẹ đối với tôi sẽ là ưu tiên số một. Điều đó có nghĩa là việc học có thể chậm lại, nghề nghiệp thăng tiến sẽ không phải là điều quan trọng nhất, thời gian xã giao cũng tạm thời bỏ qua, v.v…

• Từ khi Gấu sinh ra đến 18 tháng tuổi, tôi phải để ý thật kỹ những cảm xúc của con, theo dõi chặt chẽ, lắng nghe để hiểu con ở những ngôn ngữ cơ thể nhỏ nhất như nhíu mày, quơ tay, cười, khóc,…

• Dĩ nhiên tôi còn phải hoàn thành các vai trò khác như đi học, đi làm, nhưng mỗi khi ở cùng Gấu, thì tất cả sự tập trung của tôi sẽ dành hết cho con một cách trọn vẹn, như khi chơi với con thì chơi hết mình.

• Nếu có thể, tôi mong mình có thể làm những điều trên cho đến khi con 5 tuổi.

(1) Tạm dịch: Những cảm xúc đầu tiên: các cột mốc quan trọng trong sự phát triển cảm xúc của con bạn

(2) Tạm dịch: Nuôi dạy con bắt đầu từ bên trong

Vì không có các năng khiếu như chụp hình, quay phim, hội họa như các anh chị mình, tôi ghi dấu những kỷ niệm về con qua các đoản văn ngắn để chia sẻ cho gia đình và bạn bè thân thuộc ở Mỹ. Tôi nhận được rất nhiều lời khen ngợi và khuyến khích duy trì thói quen này để sau khi Gấu trưởng thành, hai mẹ con cùng nhìn lại những chặng đường đã qua. Sau này tôi bắt đầu chia sẻ những bài viết trên trang facebook của mình, nơi mà tôi dành riêng cho việc tương tác với sinh viên, và ngạc nhiên thay các em rất thích những bài viết về Gấu. Họ thường tâm sự rằng sau khi làm mẹ hay làm cha, họ muốn làm theo những chia sẻ của tôi. Tôi thầm cảm ơn gia đình, bạn bè, các bạn sinh viên, những người cùng cảm nhận… từng nhịp bước yêu thương của Mẹ và Gấu. Điều đó cho tôi ý tưởng chia sẻ những trải nghiệm của mình rộng rãi hơn, và đó là lý do quyển sách này ra đời. Tôi chia những bài viết ngắn của mình vào từng nhóm có chung đề tài, với lời dẫn ở đầu và cuối, mỗi nhóm chia sẻ những kiến thức về học thuyết mà tôi đã tham khảo và ứng dụng trong vai trò làm mẹ của mình.

Khi mới viết, tôi viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng dần về sau tôi dùng ngôn ngữ Việt là chính, với mong ước rằng đây sẽ là động lực cho Gấu học thật giỏi tiếng Việt để tự đọc các bài viết của mẹ về bản thân sau khi trưởng thành. Hai năm đầu đời Gấu lớn lên tại Mỹ, và cậu bé theo chương trình giáo dục Mỹ tại trường SSIS nên ngôn ngữ chính vẫn là tiếng Anh. Đó là lý do tại sao ngôn ngữ giao tiếp của hai mẹ con thường chen lẫn cả Anh lẫn Việt, và vì muốn chuyển tải được sự tự nhiên và trung thực, tôi vẫn giữ nguyên đặc điểm này trong các bài viết của mình.

Tôi mong các bạn thích đọc những bài viết này như tôi đã thích viết chúng trong suốt 5 năm qua. Và hy vọng những người mẹ người cha trẻ sẽ tìm được những thông tin và kinh nghiệm hữu ích từ quyển sách này.

Phoenix Ho

ĐỌC THỬ

GẮN BÓ

Như đã tâm sự trong lời giới thiệu, hai cuốn sách dựa trên học thuyết gắn bó của John Bowlby đã trở thành sách gối đầu giường của tôi trong vai trò làm mẹ. Theo John Bowlby thì nếu cha mẹ có thể làm tốt vai trò chăm sóc con trong những năm đầu đời qua hành động lắng nghe, tương tác, yêu thương và thấu hiểu bé, giúp bé phát triển cảm xúc một cách lành mạnh, thì cả cuộc đời còn lại bé sẽ trở thành một công dân vững vàng, độc lập, tự chủ và tràn ngập tự tin.

Bài học tôi tâm đắc nhất từ học thuyết gắn bó là sự hiện diện có chất lượng với con. Không cần biết tôi bận rộn thế nào trong những vai trò khác mà cuộc sống đòi hỏi, khi ở bên Gấu, tôi tập cho bản thân luôn cho con sự chuyên chú cao nhất mình có thể, từ việc lắng nghe con kể chuyện, hòa mình vào những trò chơi với con, không sử dụng bất cứ những thiết bị điện tử nào như máy laptop, điện thoại, v.v… không hẹn ai vào giờ hai mẹ con dành cho nhau. Và tôi nhận ra kết quả của sự cố gắng này, đó là khi con đã có đủ sự hiện diện của mẹ, con sẽ cho tôi không gian và thời gian làm tốt những công việc khác mà trách nhiệm đòi hỏi. Con sẽ không mè nheo khi tôi đi làm, con sẽ không gào khóc không chịu đi ngủ lúc đến giờ, con sẽ vui vẻ ôm chào tôi khi tôi đưa bé đến trường.

Xuyên suốt quá trình nuôi dạy Gấu, nhất là những lúc tôi bối rối, lạc lối, tôi lại đi tìm câu trả lời cho mình từ học thuyết này. Và lần nào cũng vậy, tôi nhận ra vấn đề chính vẫn là việc tôi quên mất tầm quan trọng của sự hiện diện có chất lượng cùng con. Điều này giúp tôi điều chỉnh, làm tốt vai trò người mẹ, cân bằng cuộc sống, và có những giấc ngủ ngon cho bản thân mình.

Trong phần này, tôi tập hợp các mẩu chuyện đậm rõ những đặc điểm về hành động đồng hành, gắn bó và hiện diện bên con. Những mẩu chuyện ấy thường gợi trong tôi sự liên tưởng đến hình ảnh người mẹ nắm tay con trong bài hát ru “Ví dầu cầu ván long đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi; Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Quý độc giả có thể đọc thêm về học thuyết gắn bó ở cuối phần này.

XEM PHIM

Gấu lớn hơn một chút nên Mommy thử tạo thành một thói quen gia đình của hai mẹ con. Tối thứ Sáu, Gấu lên trường chơi với Mommy, xong rồi về nhà, nghỉ ngơi một chút rồi bật một phim trẻ con lên xem với nhau. Hôm nay, Mommy lựa phim “Karate Kid” do Thành Long đạo diễn. Phim nói về cậu bé da đen sang Bắc Kinh sống, học võ như thế nào.

Lần này, suốt tiếng đầu tiên Gấu xem không quấy và hỏi huyên thuyên:

– Mommy ơi, sao có máy bay vậy?

– Mommy ơi, người ta đang nói tiếng Hoa hả?

Đoạn đánh nhau giữa những đứa trẻ, Gấu bắt chước, huơ tay múa chân rồi lại đánh Mommy mấy cái. Mommy oai oái bảo:

– Ui cha, con đừng đánh mà. Trong phim đang nói đánh nhau là xấu lắm, anh bị đau đó con.

Mỗi khi nhạc nổi lên, Mommy nhảy theo, Gấu khoái cười khinh khích và cũng nhảy theo. Vui thật. Sang tiếng thứ 2, Gấu chán, gấp máy bay, đứng che TV không cho Mommy xem và đòi Mommy chú ý tới mình. Mommy cười, dụ khị Gấu cho Mommy coi với, rồi vừa nghe vừa chơi với Gấu.

Lại nhớ đến ba me và cả nhà ở San Jose, nhớ những ngày mới sang Mỹ, tối thứ Bảy anh Bu hay thuê phim về cho xem. Anh Bu bảo phim kinh dị là phim cười, vậy mà đợi mãi không thấy mắc cười gì cả! Những ngày cuối tuần ấy, sau này lớn lên, trưởng thành, đi xa, tôi vẫn nhớ nó vô cùng. Tôi thích không khí ấy đến độ tôi đã nghĩ, khi mình trưởng thành, lập gia đình, mình sẽ có 4 đứa con (lúc đó tôi mới 17, 18 tuổi). Vậy mà bây giờ, mới chỉ một mình Gấu mà tôi đã muốn đứt hơi rồi!

Trong trí nhớ của Gấu, gia đình chúng tôi sẽ chỉ có Mommy và Gấu, có thêm Daddy lâu lâu gặp một lần, có thêm hai nanny(1) thương Gấu vô cùng, có thêm những chuyến về Mỹ gặp bên ngoại. Gia đình, có khác người đến mấy đi nữa, cũng tràn đầy hạnh phúc vì tình yêu của những thành viên dành cho nhau.

Gấu ơi, Mommy thích những tối thứ Sáu như hôm nay lắm.

(1) nanny: cô bảo mẫu

TÌNH YÊU CỦA TÔI – XA CÁCH

Về đến nhà, gõ cửa, Gấu ra thấy mẹ thì mừng quá sững ra, rồi nhảy cẫng lên, rồi hai mẹ con ôm nhau thắm thiết. Chị Phượng cảm động nói: “Dễ thương quá à, dễ thương quá đi”.

Lấy quà cho Gấu, không gì nhiều nhặn hay đắt đỏ, chỉ là bốn hộp đất sét dẻo và bộ xe công trình nhỏ xíu. Gấu thích lắm, lên phòng ngủ chơi, thỉnh thoảng nhìn Mommy mỉm cười vui vẻ. Chị Phượng kể, hồi chiều Gấu nghe Mommy về mới chịu cho gội đầu để Mommy ngửi cho thơm. Chàng nhóc nghe kể chuyện mình thì cười ỏn ẻn, vờ như không nghe thấy. Chơi mệt mà vì nhớ mẹ, Gấu không chịu ngủ, nổi chướng. Mommy lấy đàn ra hát cho Gấu nghe. Cu cậu ngủ say, giấc ngủ an lành vì biết Mommy ở bên, không như đêm trước khi Mommy đi, cứ trăn trở có lẽ vì nhớ. Thương làm sao con trai của mẹ.

Sáng ra, Mommy đang sửa soạn trong phòng tắm thì Gấu gọi: “Mommy ơi, lên ngủ với con”. Vậy là Mommy lật đật chạy lên, nằm cạnh hát ê a khi Gấu bú bình, anh chàng thỉnh thoảng cười khanh khách dù Mommy chẳng làm gì hay ho. Auntie(1) Mai chọc: “Gấu vui rồi heng, có Mommy vui rồi heng. Hôm bữa khóc um sùm, to ơi là to”. Mommy phải nói: “Người ta nhớ mẹ mà, auntie Mai đừng chọc Gấu nghen”, nếu không anh chàng sụ mặt vì nghĩ người khác chọc quê. Đừng tưởng 3 tuổi rưỡi người ta không biết hờn dỗi. Gấu không thích khi người khác cười mình chút nào, phải giải thích là người ta cười với Gấu chứ không phải cười chọc Gấu thì cậu chàng mới chịu.

(1) auntie: cô, dì

Chiều đi làm về mệt, ngủ một chút rồi xuống lầu, Gấu mừng lắm, hỏi: “Mommy bệnh hả?” rồi rủ Mommy chơi. Gấu chơi cái gì không vừa ý, hơi cau mày, Mommy lại tỏ ra thích thú cười phá lên, vậy là Gấu cười theo không nhăn nhó nữa. Gấu nói chuyện với xe: “Xe đánh răng nhe”, rồi lấy tay đánh răng cho xe. Mommy lợi dụng tình thế, nói: “Wow hay quá, Gấu đánh răng cho xe hay quá”. Đến phiên Mommy đánh răng cho Gấu, Mommy nhìn xe nói: “Xe xem Gấu đánh nghen, giỏi lắm nè. Xe nhìn nghen, răng anh Gấu không bị sâu ăn, răng Mommy bị nè”. Mommy còn há miệng cho xe nhìn nữa chứ. Vậy là Gấu chăm chú nhìn trong khi Mommy đánh hết hàm răng, không phản đối nhăn nhó, cứ như là sợ xe không làm theo thì phải. Hình như ở tuổi này Gấu không quan tâm người lớn nghĩ gì, chỉ quan tâm thú vật và đồ chơi nghĩ gì mà thôi.

Tối lên phòng ngủ, Gấu để bạn gấu bông nhỏ lên mền, thảy tung lên, cười, rồi ôm bạn hun và nói: “Có sao không, có sao không”, rồi lại chơi tiếp. Xa Gấu có 5 ngày mà thấy dài tận thiên thu. Nếu có thể, chắc Mommy chẳng muốn đi đâu mà không có Gấu nữa đâu. Nghe chị Phượng nói đến 7 tuổi là nhóc nhà chị không thích quanh quẩn với mẹ nữa rồi, đến 14 tuổi thì chẳng muốn tâm sự nữa. Mommy còn 3 năm rưỡi độc quyền tình yêu của Gấu, sao không tận dụng phải không con!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button