Kỹ năng mềm

Luyện Lí Trí

Lời giới thiệu

Trong Lời tựa Học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Vậy muốn luyện trí óc, ta phải biết lí luận trên những sự thực có thể kiểm soát được, và một khi tập cho thành được một thói quen thì trực giác của ta cũng phát triển mà ta phán đoán sẽ ít sai. Đó là đại ý của tập này.Tôi không có cao vọng làm một nhà lí luận. Tôi chỉ đọc được một số sách báo về vấn đề đó, rồi ghi lại những lỗi lầm trong lí luận mà chúng ta thường mắc phải, và đưa ra ít nhiều qui tắc để chúng ta thỉnh thoảng coi lại cho nhớ, hầu luyện trí nhớ cho sáng suốt mà phán đoán may ra được vào cái hạn dưới Benjamin Franklin nghĩa là trăm lần thì sai độ tám chục lần thôi, như vậy cũng đã quí lắm rồi. Những qui tắc đó đều giản dị, dễ hiểu. Tiếc thay, chỉ vì không áp dụng nó, nên biết bao lần ta đã có những ý kiến nông nổi, những hành động vô ý thức mà bây giờ nhớ lại, ta không khỏi mắc cỡ”.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Mãi đến hồi bốn chục tuổi tôi mới biết có nhiều nhà bác học kiến văn rộng gấp ngàn lần tôi mà cũng nhận rằng phán đoán trăm lần thì có tới bảy mươi lăm lần sai, như Benjamin Franklin, hoặc suy nghĩ trăm lần thì chỉ được một lần đúng, như Albert Einstein. Phải chi tôi được biết điều đó hai ba chục năm trước thì có lợi cho tôi biết bao! Nhớ lại lúc đó tôi hoang mang trong một thời gian khá lâu. Không dám tin sức phán đoán suy xét của mình nữa, tôi vội vàng tìm đọc các sách báo về môn luyện trí để học. Tự nghĩ biết trễ còn hơn là không biết.

Tôi lựa những sách viết cho người lớn; vì những sách viết cho học sinh và sinh viên như các bộ luân lý học có tính cách trừu tượng hoặc chuyên môn quá, không thực tế, nghĩa là không đem những việc hàng ngày để tập cho sinh viên suy đoán, giải quyết, thành thử ngay trong cái việc trí dục, học đường cũng vẫn chưa đạt được mục đích; mà ở trường ra, trong việc làm ăn cũng như trong việc xử thế, ta ít khi chịu vận dụng bộ óc, mười lần thì có chín lần dùng trực giác chứ không dùng lý luận, nếu có lý luận thì mười lần sai đến bảy, tám. Tôi nói bảy tám là ít đấy.

Bạn thử xét bạn mà xem. Mới trông thoáng vẻ mặt một em bé, bạn bảo ngay: “Thằng nhỏ này thông minh, sau học được”, hoặc mới nghe ai trình bày một kế hoạch, bạn đã ngắt ngay: “Công việc đó khó hoàn thành”. Đấy, trong đời sống hàng ngày ta thường dùng trực giác như vậy.

Trực giác là năng khiếu rất quí, giúp ta lãnh hội được rất mau; có người còn cho nó là một hình thức cao đẳng của tư tưởng nữa. Archimède, Newton, Thích Ca, Giê Su và có vô số vĩ nhân khác đã do trực giác mà tìm được những luật của tạo hóa hoặc dựng được những triết lý siêu việt. Nhiều khi nó cần thiết; nếu chỉ dùng lý luận thôi thì thế nào tới một lúc ta phải ngưng lại trước hai ý mà phân tích cách nào cũng không liên quan gì tới nhau cả, lúc đó phải dùng trực giác để gỡ rối. Chắc bạn còn nhớ định đề Euclide: Trên một mặt phẳng, từ một điểm ta có thể vẽ và chỉ vẽ được mỗi một đường thẳng song song với một đường thẳng khác. Do trực giác ta nhận định đề đó, chứ có cách lý luận nào để chứng minh nó được đâu, mà tất cả các môn hình học của chúng ta ngày nay đều xây dựng trên định đề đó. Vậy không có trực giác thì tri thức của loài người không tiến được.

Nhưng trực giác không luôn luôn đúng. Tôi đã nhiều lần thấy những đứa bé lanh lợi, ai cũng khen là học được, mà rồi học dở hơn anh em, bạn bè. Các ông bạn tôi làm nghề xuất bản, thường nhận rằng có những tác phẩm tưởng in ra chỉ bán được vài trăm cuốn mà nội ba tháng bán hết ba ngàn; cuốn tưởng bán chạy lắm mà lại ế, làm cho những nhà xuất bản bạc đầu trong nghề cũng phải thở dài than rằng: “Mười lần, bắt mạch trúng nhiều lắm là được ba lần”. Tôi lấy ngành xuất bản làm thí dụ, các ngành khác cũng thế.

Bạn thử tưởng tượng như vậy thì trực giác có nguy hiểm hay không chứ! Chả trách, Claude Bernard, ông thủy tổ của khoa y học thực nghiệm đã phải viết những trang sách rất nồng nhiệt đả đảo cái lối dùng trực giác để đoán bệnh. Không thể đoán bệnh được. Phải tìm bệnh, mà muốn tìm, phải nhận xét, phân tích, thí nghiệm tỉ mỉ. Chúng ta thường có cái tật nóng ruột, bực mình khi nằm nhà thương cả nửa tháng mà bác sĩ vẫn chưa cho biết ta mắc bệnh gì. Như vậy là vô lý.

Danh tướng Foch của Pháp trong kỳ thế chiến thế chiến thứ nhất cũng nói: “Tùy theo cái hứng tức là để cho vận mạng sai khiến”. Chữ hứng đó, gần có nghĩa là trực giác. Trong việc cầm quân, quyết định phải mau, mà ông chỉ trích lối dùng trực giác như vậy đó. Ông luôn khuyên các sĩ quan của ông phải lý luận, nghĩa là phải suy nghĩ, tìm nguyên nhân, kết quả rồi từ ý này dẫn đến ý khác, tóm lại phải tổ chức tư tưởng của ta, chứ không thể kết luận hồ đồ được.

Như vậy tuy chậm thật nhưng khi ta đã lập tổ chức tư tưởng, thì lần lần ta lý luận mau, có kinh nghiệm nhiều, phán đoán ít sai, lúc đó ta có thể dùng đến trực giác.

Một y sĩ chuyên trị bệnh thương hàn chẳng hạn, khám một con bệnh biết ngay là mắc bệnh đó không; một người thợ máy lành nghề, nghe tiến xe hơi chạy có thể đoán ngay được máy hư ở đâu; một vị danh tướng trong trận địa, biết ngay nên đặt quân đặt súng ở đâu…; những người đó tuy dùng trực giác, nhưng trực giác của họ chỉ là kết quả của hàng chục năm nhận xét, phân tích, lý luận. Cho nên những lời trên kia của Claude Bernard và của Foch chỉ để khuyên những người mới vào nghề, hoặc gặp một hoàn cảnh mới; và biết nghe những lời đó, nghĩa là chịu khó lập luận, phân tích, thì đồng thời cũng là luyện trực giác nữa. Vậy việc quan trọng nhất vẫn là lý luận. Có quen lý luận rồi trực giác mới dễ đúng.

***

Nhưng khi lý luận, phải dựa vào sự thực, vào kinh nghiệm, nếu không thì nguy, thành ra không tưởng. Descartes đã có công lớn với khoa học khi ông khuyên chúng ta đừng chịu tin bất cứ một điều gì dù điều đó được nhận là chân lý trong các kinh điển, mà phải suy nghĩ, lý luận xem nó có lý hay không đã, có thể chứng nghiệm được hay không đã, rồi mới được phép tin. Nhưng ông quá chú trọng đến lý luận, coi nhẹ phần thực nghiệm, nên người sau hiểu lầm ông, tưởng rằng hễ ý nào sáng sủa, lý luận không sai, thì chắc là đúng rồi; và sau khi ông mất được sáu, bảy chục năm, các triết gia Pháp đua nhau lý luận trên những quan niệm trừu tượng, gây nên một phong trào không tưởng ở thế kỷ 18, mà ảnh hưởng tới nay vẫn còn mạnh.

Tôi xin nhường lời cho bác sĩ Alexis Carrel, một nhà tư tưởng nổi tiếng hiện nay của Pháp, tác giả cuốn L’homme cet inconnu, mà cả thế giới nhận là rất có giá trị. Trong cuốn Réflexionx sur la conduite de la vie (Plon, 1958) ông viết:

“Nhưng chúng ta thích những trò suy tưởng triết lý của thế kỷ 18 hơn là những khái niệm sáng sủa và bình dị của khoa học. Sự thực cụ thể vẫn khó nắm hơn mà óc chúng ta lại ghét sự gắng sức.

(…) Nhận xét không dễ như lý luận. Ai cũng biết nhận xét ít mà lý luận nhiều thì đưa tới sự lầm lẫn, còn nhận xét nhiều mà lý luận ít thì mới đưa tới chân lý (…) Một điều đúng về lý luận có thể sai về thực tế. Vũ trụ luận của Aristote và của thánh Thomas D’Aquin chẳng hoàn toàn sai đấy ư? Hình học của Rieman[2] có kém hình học của Euclide về phần hữu lý đâu, vậy mà nó áp dụng vào thế giới chúng ta không được. Trong việc tìm sự thực muốn khỏi lầm lẫn thì phải dựa vào kết quả của nhận xét và kinh nghiệm chứ không phải vào những kiến giải của trí óc.”
Và kết quả là như vầy:

“Những quốc gia dân chủ không biết khái niệm những giá trị khoa học trong sự tổ chức đời sống công cộng. Họ tin quan niệm tự do và quan niệm Mác-xít, cả hai đều là con sinh đôi của chủ nghĩa duy lý của thế kỷ ánh sáng[3]. Cả hai đều không xây dựng trên sự nhận xét triệt để sự thực (…)”

Vậy muốn luyện trí óc, ta phải biết lý luận trên những sự thực có thể kiểm soát được, và một khi tập cho thành được một thói quen thì trực giác của chúng ta cũng phát triển mà ta phán đoán sẽ ít sai. Đó là đại ý của tập này.

Tôi không có cao vọng làm một nhà lí luận. Tôi chỉ đọc được một số sách báo về vấn đề đó, rồi ghi lại những lỗi lầm trong lý luận mà chúng ta thường mắc phải, và đưa ra ít nhiều qui tắc để chúng ta thỉnh thoảng coi lại cho nhớ, hầu luyện trí cho sáng suốt mà phán đoán may ra được vào cái hạng dưới Benjamin Franklin nghĩa là trăm lần thì sai độ tám chục lần thôi, như vậy cũng đã quí lắm rồi. Những qui tắc đó đều giản dị, dễ hiểu. Tiếc thay, chỉ vì không áp dụng nó, nên biết bao lần ta đã có những ý kiến nông nổi, những hành động vô ý thức mà bây giờ nhớ lại, ta không khỏi mắc cỡ.

Sài Gòn, ngày 29-9-1960
NGUYỄN HIẾN LÊ

TẠI SAO CHÚNG TA LÝ LUẬN SAI?

1. Nguyên nhân thứ nhất là dụng ngữ của loài người thiếu thốn

Bạn có bao giờ nghĩ tới cái tạp đa trong vũ trụ không? Nó làm cho ta ngộp. Nội một màu xanh lá cây, nếu ta để ý xét kỹ thì trên trái đất này, có hàng mấy ức, mấy triệu thứ vì có hai màu lá cây nào giống hệt nhau bao giờ đâu? Nhiều lắm là một hai chục tiếng: Xanh non, xanh nhạt, xanh đậm, xanh lá mạ, xanh hoa lý… Âm thanh cũng như vậy, rất tạp đa mà tiếng để diễn rất ít. Bước vào khu vực trừu tượng, ta còn thấy hoang mang hơn. Tôi thí dụ quan niệm dân chủ hoặc tự do. Mỗi thời đại, mỗi dân tộc có một quan niệm, tôi có thể nói mỗi người có một quan niệm nữa, mà ta có được bao nhiêu tiếng để phân biệt? Chả trách người ta cãi nhau hơn một thế kỷ nay, viết hàng ngàn hàng vạn pho sách về chúng, rốt cuộc cũng chẳng ai chịu nghe ai cả.

Ngôn ngữ nào giàu lắm là được bốn năm trăm ngàn tiếng mà sự vật của vũ trụ, tình cảm, ý tưởng của con người thì vô cùng. Có cách nào diễn cho đúng được đâu. Như vậy loài người lý luận sai rồi phán đoán sai là lẽ tất nhiên.
Tôi lấy làm thí dụ. Một đứa nhỏ học không có kết quả. Ta bảo nó làm biếng. Thực ra, sự học dở đó có rất nhiều nguyên nhân. Bác sĩ Gilbert Robin trong cuốn La Guérison des défaults et vices chez l’enfant đã kể ra được hơn hai chục nguyên nhân: thiếu thông minh, thể chất yếu, sinh lý không phát triển điều hòa, phương pháp dạy dỗ không thích hợp, không yêu ông thầy, noi gương xấu của gia đình, bướng bỉnh muốn chống lại cha mẹ… Đáng lẽ ta nên đặt một tên để chỉ mỗi trường hợp, phải xét xem đứa nhỏ ở trong trường hợp nào mà gọi đúng cái tên đó; nhưng ta chỉ có mỗi một tên chung là làm biếng. Bảo nó làm biếng, thế là ta trút hết cả trách nhiệm lên đầu nó, và tự cho ta cái quyền trừng trị nó. Kết quả là nó có thể hóa đau yếu thêm, hoặc bướng bỉnh thêm, ghét ông giáo thêm, sinh ra sợ sệt, dối trá mà học mỗi ngày càng kém, hòa khí trong gia đình càng mất.

Những danh từ như tiểu tư sản, cộng sản… đã là nguyên do của biết bao sự phán đoán sai, gây biết bao tai họa cho nhân loại cũng chỉ vì nó mơ hồ quá, bao trùm quá, mỗi người hiểu một khác, mà do đó bất kỳ ai cũng có thể bị vu là tiểu tư sản mặc dầu chẳng có chút tư sản nào cả, hoặc bị kết tội là cộng sản mặc dầu tư tưởng hoàn toàn tư bản. Tôi nói đây là nói ở khắp thế giới, chứ không riêng một xứ nào.

Ngay trong khu vực khoa học mà danh từ phải có một nghĩa rất chính xác, ta cũng thấy cái tai hại của sự thiếu dụng ngữ. Chẳng hạn từ “tốc độ của ánh sáng” làm cho ra nghĩ rằng ánh sáng như một chiếc xe chuyển động trên một con đường; do đó, mà mấy thế hệ vật lý gia đã lúng túng cho mãi đến khi thuyết tương đối của Einstein xuất hiện để dắt họ ra khỏi chỗ bí.

Nghĩ như vậy ta mới thấy thuyết chính danh của Khổng Tử vô cùng xác đáng và sâu sắc. Các từ ngữ bất kỳ trong môn nào, cứ lâu lâu phải định nghĩa lại mới được, nhất là các tiếng trừu tượng; nếu không thì loạn hết, nói ra chẳng ai hiểu mà cũng chẳng ai nghe. Chẳng những phải định nghĩa lại mà còn phải ghi hết thảy những sai biệt nghĩa từ trước tới nay nữa. André Lalande, nổi danh vì ông đã làm công việc đó cho những danh từ triết học của phương Tây[5], về triết học phương Đông thì chưa có ai làm, nếu làm thì chắc bớt được nhiều cuộc tranh biện vô ích về tính thiện tính ác trong đạo Khổng, về từ bi, về hữu, vô trong đạo Phật, về đạo và đức trong đạo Lão…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button