Kỹ năng mềm

Luyện Đọc Nhanh

Lời giới thiệu

Với hầu hết tất cả mọi người thì “thời gian là vàng” và “tri thức là sức mạnh”. Tuy nhiên, lại xuất hiện một nghịch lý là chúng ta sẽ mất rất nhiều “vàng” để có được “sức mạnh”. Vậy thì, đâu là câu trả lời cho bài toán làm sao để vẫn có tri thức mà không bị mất quá nhiều thời gian?

Thời đại bùng nổ thông tin đem lại cho bạn những chân trời kiến thức rộng mở. Nhưng chân trời ấy càng rộng mở bao nhiêu thì quỹ thời gian của bạn lại càng bị thu hẹp lại bấy nhiêu. Những câu than vãn kiểu như: “Tôi không còn đủ thời gian đọc sách”, “Tôi không thể nhớ nổi mình vừa đọc cái gì” hay “Đọc sách là trò chán ngắt” ngày càng nhiều. Và đó là chính là dấu hiệu của việc bạn đang dần đuối sức trước cuộc đua với thời gian và tri thức.

Quay trở lại với câu hỏi được đặt ra lúc đầu: “Làm thế nào để vẫn có tri thức mà không bị mất quá nhiều thời gian”. Có hai phương án cho bạn lựa chọn đó là: “Hãy đọc nhanh lên” hoặc “Hãy đọc ít đi”. Cuốn sách chỉ ra cho bạn những thói quen xấu khi đọc sách để từ đó tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất giúp bạn có thể đọc nhanh lên 3 đến 10 lần một cách nhanh chóng nhất. Nghe tưởng chừng như không tưởng, nhưng với những lý thuyết về đọc nhanh, đọc lướt, cách để tìm và tập trung và những đoạn quan trọng để đọc chậm lại và nắm bắt nội dung của cả cuốn sách, bạn đọc sẽ nhận thấy việc đọc nhanh cũng không quá khó khăn như ta tưởng. Hơn thế nữa, bạn đọc còn có một hệ thống các bài luyện tập từ dễ đến khó, từ ngắn đến dài một cách khoa học. Việc của bạn bây giờ chỉ đơn giản là hãy kiên trì luyện tập, luyện tâp và luyện tập.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Bạn có nhớ lần cuối cùng mình được dạy về đọc là khi nào không? Lớp 1, lớp 2 hay đến hết tiểu học? Dù câu  trả lời là hết tiểu học đi chăng nữa, đó vẫn là tin đáng buồn cho bạn. Những kỹ năng bạn đang có ngang bằng với một cậu bé tiểu học, cộng thêm khoảng hơn chục năm gọi là “thâm niên” trong việc đọc. Đó cũng là lý do vì sao bạn không hiểu đúng về đọc nhanh và không có được kỹ năng đọc nhanh đúng đắn.

Đọc nhanh là nhìn

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, đọc nhanh là nhìn. Bước đầu tiên để đọc bất cứ điều gì chính là nhìn thấy các từ. Nhưng làm thế nào để bạn nhìn thấy các từ trên trang giấy khi đọc?

Những năm 1920 và trước đó, các nhà nghiên cứu và giáo dục tin tưởng rằng con người đọc một từ một lần. Bạn phải di chuyển mắt từ trái qua phải theo chiều của trang giấy và bắt lấy từng chữ một. Theo lý thuyết này, người đọc nhanh là người có thể xác định và nhận diện các từ nhanh hơn người khác

Thế nhưng lại xuất hiện những người có thể nhìn và đọc nhiều hơn một chữ mỗi lần. Mắt của họ cũng di chuyển từ lề trái sang lề phải trang giấy, mắt họ đặt vào vị trí thích hợp và thu nhận được từ 1 đến 5 từ trong mỗi lần lướt mắt nhanh. Mỗi lần lướt nhanh, mắt bạn dừng tại những điểm khác nhau trong câu, những điểm này được gọi là điểm định vị mắt. Trong phần sau, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về điều này. Đây là những điểm quan trọng bạn cần biết về đọc nhanh:

  • Bạn đọc được vài từ mỗi lần lướt mắt. Trừ trường hợp bạn gặp phải những từ quá khó, chưa biết hoặc chưa từng gặp, với các từ quen thuộc bạn không đọc một từ một lần.
  • Bạn có thể mở rộng tầm nhìn để đọc và hiểu nhiều từ mỗi lần lướt mắt. Người đọc nhanh tốt có thể đọc và xử lý 10-14 từ mỗi lần định vị mắt.
  • Bạn có thể mở rộng tầm nhìn theo chiều ngang cũng như chiều dọc của trang giấy. Người đọc nhanh có thể đọc và hiểu nhiều từ trên hai hoặc ba dòng khác nhau trong mỗi lần lướt mắt.

Đọc nhanh là đọc thầm

Khi đọc, bạn thường nghe thấy tiếng thì thầm bên trong tâm trí, tưởng như của người khác chứ không phải của bạn. Đơn giản bởi bạn chẳng bao giờ đọc một mình. Chính các từ đang “nói chuyện” với bạn đấy!

Khi đọc, bạn đọc các từ cho mình nghe vì ở trường bạn vẫn được dạy đọc bằng phương pháp phát âm. Mỗi chữ cái có một âm thanh, thế nên khi đọc mỗi từ bạn đều có xu hướng kết hợp với một âm thanh.

Nhưng đọc ra âm thanh của các từ chỉ là kỹ năng cần thiết cho người bắt đầu học đọc. Nếu bạn đọc bằng cách phát âm, tốc độ đọc sẽ bị giảm, chỉ còn bằng với tốc độ bạn nói chuyện mà thôi. Đây là những điều bạn cần phải nhớ:

  • Đọc phát ra âm thanh là kiểu đọc bạn được dạy khi mới bắt đầu đọc, bạn cần phải từ bỏ nó nếu muốn trở thành người đọc nhanh.
  • Tự luyện tập để không phát ra âm thanh khi đọc là một trong những kỹ năng đọc nhanh quan trọng nhất mà bạn đạt được.

Đọc nhanh là giải mã các từ

Mục đích của việc đọc là để tìm hiểu một điều mới, tiếp cận cuộc sống từ một góc nhìn khác hoặc để có được kiến thức vượt qua kỳ thi hay thảo luận trong một cuộc họp,… Bạn đạt kết quả tốt nhất khi hiểu được những gì mình đã đọc. Điều này được xác định bởi các yếu tố:

  • Tốc độ đọc: Nếu bạn không đọc đúng tốc độ, khả năng hiểu của bạn sẽ bị giảm sút. Một kỹ năng không kém phần quan trọng là bạn biết khi nào phải đọc chậm, khi nào cần tăng tốc độ. Những người đọc nhanh nhất thế giới có thể điều chỉnh tốc độ đọc của họ như những tay đua ôtô điêu luyện, họ sẽ chậm lại khi gặp đoạn đường trơn hoặc những khúc cua quanh co.
  • Độ rộng của vốn từ: Có vốn từ rộng là yêu cầu bắt buộc cho những người đọc nhanh. Bạn không thể trốn tránh sự thật này.
  • Mức độ quen thuộc của chủ đề: Nếu bạn hiểu sâu về đề tài bạn đang đọc, bạn sẽ nắm được nội dung tài liệu nhanh hơn. Hiển nhiên là bạn sẽ tiến lên rất nhanh nếu bạn đang đi dạo trên lãnh thổ bạn quen thuộc và hiểu những biệt ngữ ở đó.

Với quan điểm đọc nhanh là giải mã các từ, chúng tôi có vài lưu ý cho bạn về đọc nhanh:

  • Đọc nhanh thực sự là tăng tốc độ giải mã. Khi đọc vài từ một lần, bạn có thể hiểu nội dung của từ dựa vào ngữ cảnh. Ngữ cảnh giúp bạn cải thiện khả năng hiểu các từ bởi vì từ đặt trong câu nhất định mang ý nghĩa khác so với khi nó đứng một mình.
  • Tốc độ đọc có hiệu ứng bóng tuyết từ độ rộng của vốn từ và vốn hiểu biết chung của bạn. Càng có vốn từ phong phú và vốn hiểu biết rộng, bạn càng dễ dàng gia tăng tốc độ đọc. Chúng cũng có vai trò khuyến khích bạn đọc nhiều hơn để mở rộng vốn từ và vốn kiến thức hiện tại.
  • Bạn có thể cải thiện khả năng hiểu của mình bằng cách áp dụng những chiến lược cụ thể. Ví dụ, bạn có thể luyện tập xác định phần quan trọng nhất của một tài liệu để chú tâm đọc nó hơn.

Bài kiểm tra số 1

Vào sáng ngày 8-12-1997, chính phủ Thái Lan tuyên bố đóng cửa 56 trong số 58 tổ chức tín dụng của nước này. Trong một thời gian ngắn, các tổ chức tư nhân này đã bị phá sản do đồng tiền của Thái, đồng baht bị suy sụp. Các tổ chức tín dụng đã vay thật nhiều bằng tiền đô-la Mỹ rồi cho doanh nghiệp Thái vay tiền xây khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp và nhà xưởng. Mọi tổ chức tín dụng đều nghĩ họ an toàn vì chính phủ Thái có cam kết giữ giá trị đồng baht theo một tỷ lệ cố định với đồng đô-la.

Nhưng khi chính phủ không làm được điều hứa hẹn đó sau một đợt dân đầu cơ toàn cầu tấn công đồng baht – cũng do nhận thấy rằng nền kinh tế Thái Lan không mạnh như người ta từng tưởng – đồng tiền Thái Lan sụt giá 30%. Điều này có nghĩa doanh nghiệp nào từng vay đô-la giờ phải kiếm thêm một phần ba lượng tiền baht nữa mới mong trả được nợ. Nhiều doanh nghiệp không trả nổi khoản vay cho các tổ chức tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng không thể trả nợ cho chủ nợ nước ngoài và cả hệ thống dồn cục lại, chết đứng, làm 20.000 nhân viên mất việc làm. Ngày hôm sau, tình cờ tôi đi xe đến một cuộc hẹn tại Bangkok dưới đường Asoke – khu vực tương đương phố Wall bên Mỹ – nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức tín dụng bị phá sản. Khi từ từ lái qua các ngân hàng đã sụp đổ, người tài xế taxi chỉ mặt, điểm tên từng cái, miệng tuyên án: Chết!…. chết!….chết!… chết!…. chết!”

Lúc đó tôi không biết – mà nào ai biết được – các tổ chức tín dụng Thái Lan này chỉ là những quân cờ đô mi nô đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đầu tiên trong kỷ nguyên toàn cầu hóa – kỷ nguyên tiếp nối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc khủng khoảng Thái Lan đã châm ngòi cho hàng loạt vụ rút vốn ào ạt ra khỏi hầu hết mọi thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, làm giá trị đồng nội tệ của Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia suy sụp. Cả nhà đầu tư toàn cầu và địa phương bắt đầu xem xét các nền kinh tế này cẩn thận hơn, thấy chúng chưa hoàn hảo nên chuyển vốn đến nơi an toàn hay đòi lãi suất cao hơn để bù đắp độ rủi ro cao hơn. Chẳng bao lâu sau, một trong những chiếc áo được ưa chuộng nhất ở Bangkok mang dòng chữ “Từng Rất Giàu”.

Trong một vài tháng, suy thoái ở Đông Nam Á bắt đầu có tác dụng lên giá hàng hóa toàn thế giới. Châu Á từng là một đầu máy quan trọng trong phát triển kinh tế toàn cầu – một đầu máy tiêu thụ nhiều nguyên liệu thô. Khi đầu máy này khục khặc, giá vàng, đồng, nhôm và quan trọng hơn, giá dầu thô bắt đầu giảm. Việc giảm giá hàng hóa toàn cầu này hóa ra là cơ chế lan truyền khủng hoảng Đông Nam Á sang Nga. Lúc này Nga đang lo chuyện của mình, với sự giúp sức của IMF đang cố gắng thoát ra bãi lầy kinh tế tự tạo để đạt tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, vấn đề của Nga là nhiều nhà máy không thể sản xuất ra thứ gì có giá trị cả. Hầu hết những thứ chúng tạo ra được xem là “có giá trị âm”.

Có nghĩa, một máy cày do nhà máy của Nga làm ra tệ hại đến nỗi giá trị của lượng sắt thép hay ngay cả quặng thép thô để làm ra nó còn cao hơn giá chiếc máy cày hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, nhà máy Nga nào làm ra sản phẩm có thể xuất khẩu được lại nộp rất ít thuế hay không nộp đồng nào cho chính phủ nên điện Kremlin luôn luôn thiếu tiền mặt. Không có một nền kinh tế có thể dựa vào trông chờ nguồn thu, chính phủ Nga đã trở nên lệ thuộc vào thuế xuất khẩu dầu thô và các loại sản phẩm khác nhằm có kinh phí hoạt động. Họ cũng lệ thuộc vào các nguồn cho vay nước ngoài mà Nga thu hút nhờ đưa ra mức lãi suất cực kỳ cao cho nhiều loại trái phiếu chính phủ. Khi nền kinh tế Nga tiếp tục suy thoái vào đầu năm 1998, Nga phải nâng lãi suất đồng rúp từ 20 lên 50 lên 70 phần trăm để tiếp tục giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Các quỹ đầu cơ và ngân hàng nước ngoài tiếp tục mua trái phiếu, với toan tính ngay cả nếu chính phủ Nga không trả nợ được thì IMF sẽ nhảy vào cứu Nga và họ sẽ thu hồi được tiền. Có quỹ đầu cơ và ngân hàng nước ngoài không chỉ đổ tiền vào Nga, họ còn vay thêm tiền, lãi suất 5% rồi lấy tiền đó mua trái phiếu Nga lãi suất 20-30%. Ngon ăn quá chứ gì. Nhưng ông bà ta thường nói: “Điều gì tốt đẹp quá không thể tin được thì thực tế là không tồn tại!” Đúng thế. Giá dầu sụt giảm do khủng hoảng châu Á gây ra làm chính phủ Nga ngày càng khó trả vốn và lãi trái phiếu kho bạc.

IMF thì chịu áp lực phải cho vay giải cứu Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia nên chống lại mọi đề nghị đổ thêm tiền vào Nga – trừ phi Nga thực hiện lời hứa cải tổ nền kinh tế, bắt đầu bằng việc buộc các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng nộp thuế. Vào ngày 17-8-1998, nền kinh tế Nga sụp đổ làm thị trường thế giới chao đảo từ hai phía: Nga vừa phá giá đồng tiền vừa đơn phương tuyên bố không trả nợ trái phiếu chính phủ mà không báo trước cho chủ nợ hay dàn xếp bất kỳ thoả thuận nào. Các quỹ đầu cơ, ngân hàng và ngân hàng đầu tư đã rót tiền vào Nga bắt đầu thua lỗ nặng nề và những ai vay tiền để cá cược vào sòng bài Kremlin bị đe dọa phá sản.

Nhìn từ bên ngoài, sự sụp đổ nền kinh tế Nga lẽ ra không có tác động gì vào hệ thống toàn cầu. Nền kinh tế Nga nhỏ hơn nền kinh tế Hà Lan. Nhưng hệ thống mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết và trong khi giá dầu thô là cơ chế lan truyền từ Đông Nam Á sang Nga, quỹ đầu cơ – nơi tập hợp nguồn vốn tư khổng lồ không chịu sự kiểm soát – là cơ chế lan truyền từ Nga sang mọi thị trường mới nổi khác trên thế giới, đặc biệt là Brazil. Quỹ đầu cơ và các hãng giao dịch khác, sau khi thua lỗ nặng nề ở Nga, có quỹ mức lỗ tăng đến 50 chục lần vì dùng tiền đi vay, bỗng phải kiếm tiền trả ngân hàng. Họ phải bán bất kỳ tài sản gì có tính thanh khoản.

Vì thế họ bắt đầu bán tài sản trên những thị trường tài chính đang lành mạnh để bù đắp vào các khoản lỗ tại thị trường suy sụp. Ví dụ Brazil đang thực hiện những điều đúng đắn trong con mắt của thị trường toàn cầu và IMF, bỗng thấy các nhà đầu tư hoảng loạn bán tống các loại cổ phiếu trái phiếu của nước mình. Brazil phải nâng lãi suất lên đến 40% để cố gắng duy trì đồng vốn ở lại. Các kịch bản tương tự xảy ra ở khắp các thị trường mới nổi khi nhà đầu tư bỏ đi tìm nơi an toàn. Họ bán hết mọi cổ phiếu, trái phiếu Brazil, Hàn Quốc, Ai Cập, Israel và Mexico, đem tiền về cất hay quay sang mua trái phiếu Mỹ an toàn nhất. Vì thế việc suy giảm ở các thị trường mới nổi và Brazil lại trở thành cơ chế lan truyền gây nên một đợt tranh nhau mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Đến lượt mình, điều này nâng giá trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao, làm giảm lãi suất trái phiếu và gia tăng mức cách biệt giữa trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và các loại trái phiếu thị trường mới nổi hay trái phiếu doanh nghiệp khác.

Trích Chiếc Lexus và cây Oliu

– Thomas L.Friedman

 

Câu 1: Chủ đề chính của đoạn văn bản là:

  1. Khủng hoảng kinh tế Thái Lan
  2. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu
  3. Khủng hoảng kinh tế Nga
  4. Khủng hoảng kinh tế Mỹ

Câu 2: Có bao nhiêu tổ chức tín dụng tại Thái Lan bị đóng cửa?

  1. 56
  2. 57
  3. 58
  4. 59

Câu 3: Tại sao Thái Lan khủng hoảng tài chính?

  1. Đồng baht bị sụt giá.
  2. Các doanh nghiệp làm ăn khó khăn.
  3.  Chủ nợ nước ngoài rút vốn.
  4. Các ngân hàng lớn bị phá sản.

Câu 4: Khủng hoảng tài chính bắt đầu từ đâu?

  1. Hàn Quốc
  2. Mỹ
  3. Nga
  4. Thái Lan

Câu 5: Giá dầu thô tăng vọt khi xảy ra khủng hoảng?

  1. Đúng
  2. Sai

Câu 6: Các sản phẩm do nhiều nhà máy của Nga sản xuất ra có tình trạng:

  1. Chất lượng cao
  2. Quá đắt đỏ
  3. Chỉ phục vụ cho xuất khẩu
  4. Giá trị âm

Câu 7: Lượng tiền dự trữ của Nga khá dồi dào:

  1. Đúng
  2. Sai

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button