Kỹ năng mềm

Luôn Là Cảm Hứng

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tony Schwartz

Download sách Luôn Là Cảm Hứng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

CÀNG ÍT CÀNG NHIỀU

Phương thức làm việc hiện tại của chúng ta không mang lại hiệu quả!

Tiêu chuẩn định hình trong môi trường làm việc ngày nay là “Nhiều hơn, lớn hơn, nhanh hơn.” Ngày càng nhiều thông tin luôn sẵn sàng chờ đón chúng ta và tốc độ giao dịch tăng theo cấp số nhân, tạo cảm giác thúc giục không ngừng, quay cuồng vội vã. Để không bị tụt hậu, chúng ta ngày càng phải làm hài lòng nhiều khách hàng hơn, trả lời nhiều e-mail hơn, hồi đáp nhiều cuộc điện thoại hơn, liên tục giải quyết nhiều công việc hơn, tham dự nhiều cuộc họp hơn, di chuyển nhiều hơn và làm việc nhiều giờ hơn.

Công nghệ phát triển trực tiếp giúp thông tin liên lạc trở nên thuận tiện và dễ dàng, gián tiếp đẩy nhanh việc ra quyết định, gặt hái hiệu quả, và tiếp thêm sinh khí cho nền kinh tế thương mại toàn cầu. Nhưng “lợi bất cập hại”. Do không được quản lý và điều chỉnh kịp thời, công nghệ đang có nguy cơ áp đảo chúng ta. Sự thôi thúc không ngừng định hình văn hóa tại hầu hết các doanh nghiệp, làm suy yếu sức sáng tạo, chất lượng, sự tập trung, khả năng cân nhắc thận trọng, và, cuối cùng là năng suất hoạt động.

Bất kể những giá trị ngày nay chúng ta tạo ra lớn lao đến mức nào, dù được tính theo doanh số, đơn vị hàng hóa hay sản phẩm, vẫn không bao giờ đủ. Chúng ta đua tranh quyết liệt hơn, bành trướng quy mô hơn. Chúng ta bận rộn trong guồng quay đó đến nỗi không nhận ra rằng trong cuộc đua này, mình không có cơ hội giành chiến thắng.

Tất cả hoạt động náo nhiệt này buộc ta phải trả giá thầm lặng: khả năng tập trung kém, thời gian dành cho mọi việc đều ít hơn và cơ hội suy nghĩ thấu đáo giảm đi đáng kể. Khi trở về nhà lúc nửa đêm, chúng ta chẳng còn bao nhiêu tâm trí và sức lực dành cho gia đình, chẳng còn bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và cũng chẳng còn bao nhiêu phút giây để đánh một giấc ngon lành. Rồi sáng ra, chúng ta trở lại công việc với cảm giác uể oải, không đủ sức để cống hiến hết mình và không thể tập trung tối đa. Và vòng quay cứ thế lặp lại. Thậm chí, những ai vẫn duy trì được hiệu suất làm việc cũng sẽ phải trả giá. Tiêu chuẩn “Nhiều hơn, lớn hơn, nhanh hơn” tạo ra những giá trị hẹp, nông cạn và không bền vững. Và có một nghịch lý là tiêu chuẩn ngày càng cao lại dẫn đến kết quả ngày càng thấp.

Hãy dành chút thời gian nghĩ đến kinh nghiệm của chính bạn.

Bạn thực sự cống hiến cho công ty ở mức nào? Cách bạn đang làm đem đến những giá trị gì? Những việc bạn đang làm và những gì bạn yêu thích bị ảnh hưởng ra sao?

Cái giá bạn phải trả trong mười năm tới là gì, nếu bạn vẫn tiếp tục lựa chọn này?

Cách chúng ta đang làm hiện nay không mang lại hiệu quả đối với cuộc sống riêng, đối với những người chúng ta dẫn dắt và quản lý, cũng như đối với tổ chức chúng ta đang làm việc. Chúng ta được định hướng bởi một giả định sai lầm rằng cách tốt nhất để làm được nhiều thứ là làm nhiều hơn và làm không ngừng nghỉ. Nhưng càng làm nhiều mà không được tái tạo năng lượng, chúng ta càng dễ mắc sai sót, dẫn đến mất bình tĩnh, thất vọng, căng thẳng và buông xuôi, kéo theo những hành vi làm giảm năng lực của bản thân và gây thiệt hại cho người khác.

Làm sao một phương pháp làm việc phản tác dụng như thế lại tồn tại dai dẳng đến vậy?

Câu trả lời nằm trong một giả định đơn giản, gắn chặt với cuộc sống của tổ chức và trong hệ thống niềm tin của chính chúng ta rằng con người làm việc hiệu quả nhất theo cách thức vận hành một chiều của máy vi tính: tốc độ cao, liên tục trong thời gian dài, cùng lúc chạy nhiều chương trình khác nhau. Nói một cách đơn giản, chúng ta đang cố gắng bắt chước hoạt động của các loại máy móc mà mình điều khiển.

Tuy nhiên, con người không giống máy vi tính ở chỗ có tiềm năng lớn mạnh và phát triển về chiều sâu, sự phức tạp và năng lực theo thời gian. Nhưng để khả thi hóa điều này, chúng ta phải tự quản lý chính mình theo cách khéo léo hơn nhiều so với cách thức đang làm hiện tại.

Nhu cầu tồn tại cơ bản nhất là sử dụng và tái tạo năng lượng. Cơ thể chúng ta hoạt động vào ban ngày, ngơi nghỉ vào ban đêm và có thể làm việc với cường độ cao trong một khoảng thời gian có giới hạn, song cuộc sống của chúng ta ngày càng lặng lẽ và đơn điệu. Do làm việc suốt hàng giờ không nghỉ, chúng ta tiêu tốn quá nhiều năng lượng trí tuệ và cảm xúc mà không có sự tái tạo tương ứng, trong khi điều đó không chỉ giúp chúng ta phục hồi sức lực, mà còn thu được nhiều lợi ích khác, bao gồm khả năng sáng tạo đột phá, tầm nhìn sâu rộng, cơ hội suy nghĩ sâu rộng và có đủ thời gian để thẩm thấu những gì mình trải nghiệm. Ngược lại, khi giữ cuộc sống phẳng lỳ với phần lớn thời gian quanh quẩn sau bàn giấy, chúng ta sẽ chẳng tiêu tốn mấy năng lượng thể chất và dần yếu đi. Tình trạng kém hoạt động không chỉ gây hại đối với cơ thể chúng ta, mà còn tác động xấu đến cách chúng ta cảm nhận và suy nghĩ.

DAO ĐỘNG NĂNG SUẤT

Vào năm 1993, Anders Ericsson, một nhà nghiên cứu hàng đầu về năng lực lao động, giáo sư Đại học Tổng hợp Florida, đã khảo sát những người chơi đàn violon để tìm hiểu ảnh hưởng của việc luyện tập lên hiệu quả công việc. Ông chia 30 học viên môn violon tại Nhạc viện Berlin thành ba nhóm riêng biệt, dựa trên đánh giá của các giảng viên. Nhóm xuất sắc bao gồm những người hướng đến con đường trở thành nghệ sĩ độc tấu violon thực thụ. Nhóm giỏi là những người có khả năng chơi trong dàn nhạc giao hưởng. Và nhóm còn lại là những người muốn trở thành giáo viên dạy nhạc. Tất cả đều bắt đầu chơi violon từ năm tám tuổi.

Hai nhóm đầu thực hành trung bình 3,5 giờ mỗi ngày, trong khi nhóm thứ ba chỉ dành 1,4 giờ. Sự khác biệt rõ nét này là không thể phủ nhận và cho thấy tầm quan trọng của vấn đề luyện tập. Nhưng điều kinh ngạc không kém chính là mối tương quan mà Ericsson tìm thấy giữa việc luyện tập cao độ và sự nghỉ ngơi xen kẽ.

Hai nhóm đầu tập ba bài khác nhau, mỗi bài không quá 90 phút, thường vào buổi sáng, khi mọi người đang tràn đầy năng lượng và ít bị phân tâm nhất. Giữa các bài tập đều có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Còn nhóm thứ ba không có kế hoạch rõ ràng, chủ yếu tập buổi chiều và thường xuyên bỏ tập.

Theo nghiên cứu của Ericsson, những người đạt hiệu suất cao là những người có cường độ làm việc căng hơn, nhưng cũng dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn. Trong những lĩnh vực khác nhau, từ thể thao đến đánh cờ, các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thời lượng luyện tập chỉ nên kéo dài tối đa bốn giờ mỗi ngày. Con số này có thể đại diện cho “giới hạn chung của mức độ tập luyện tối đa, có thể duy trì lâu dài mà không bị kiệt sức”.

Nếu chúng ta có thể thực hiện theo cách của nhóm người chơi violon xuất sắc, thì rõ ràng việc đạt hiệu quả cao sẽ không còn quá khó.

ĐỌC THỬ

KHÔNG THỂ THAY ĐỔI ĐIỀU CHÚNG TA KHÔNG LƯU TÂM

Thế giới không ngừng phát triển qua những thành tựu và bước tiến nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực. Các vận động viên tiếp tục phá vỡ kỷ lục đã được ghi trước đó. Các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác nhân gây bệnh và tìm ra những phương pháp điều trị mới. Công nghệ có sức mạnh ngày càng to lớn, đa chức năng và sản xuất ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, trong khi đạt được những tiến bộ vượt bậc bên ngoài này thì con người lại thờ ơ trong việc đào sâu tìm hiểu về thế giới nội tâm. Chúng ta tích lũy được vốn kiến thức rộng lớn, nhưng lại nhận thức quá tồi về bản thân.

“Chúng ta là những con người hiểu biết nhiều, nhưng hời hợt nhất trong lịch sử văn minh nhân loại”, Robert Kegan và Lisa Lahey, hai nhà tâm lý học thuộc Trường Harvard, biện luận. “Sự phát triển đúng đắn nằm ở việc biến đổi chính phương thức vận hành của một hệ thống, chứ không chỉ ở việc mở rộng khối lượng kiến thức hoặc các kiểu hành vi”. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho cấp độ tổ chức. Năng lực của chúng ta, theo Kegan và Lahey, “không còn đủ đáp ứng trong một thế giới đòi hỏi những người lãnh đạo không chỉ biết vận hành, mà còn phải biết tái cấu trúc các tổ chức của họ – từ chính sách, sứ mệnh cho đến văn hóa”.

Nhận thức trải rộng về thế giới bên ngoài đưa chúng ta đến bất kỳ đâu. Nhưng nếu không xác định được mình là ai và đang cần gì, chúng ta sẽ mãi không đủ sức đương đầu với những thách thức mà mình gặp phải.

Việc không thể kết nối giữa hành vi với hệ quả tất yếu của nó xuất hiện nhan nhản trong cuộc sống thường nhật. Chúng tôi bắt đầu công việc bằng những câu hỏi “sát hạch năng lượng” khách hàng như sau:

• Anh/chị ăn uống đúng cách, làm việc đều đặn và ngủ đủ giấc đến mức độ nào?

• Anh/chị có hứng khởi làm việc vào buổi sáng không?

• Anh/chị có tập trung cao độ vào những việc ưu tiên và làm việc hết năng suất không?

• Anh/chị có được thúc đẩy bởi mục tiêu rõ ràng trong công việc – một điều gì đó vượt lên trên sở thích cá nhân?

• Anh/chị có tích cực tiếp sức và truyền cảm hứng cho những người dưới quyền?

Hầu hết khách hàng đều không hài lòng với câu trả lời, không phải vì họ phát hiện ra điều mình chưa biết, mà do họ nhận thức được rằng mình đã không chịu kết nối các “điểm” quan trọng nằm rải rác trong cuộc đời lại với nhau, từ đó nhìn nhận một lượt tất cả những gì mình đã trải qua.

Điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp. Trong suốt thập kỷ qua, chúng tôi đã hỏi hàng trăm người những câu như:

“Ông/bà có nghĩ nhân viên của mình sẽ làm việc tốt hơn khi họ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn?”.

Lúc nào cũng vậy, câu trả lời luôn là “Có”. Sau đó, chúng tôi hỏi thêm một câu nữa:

“Tổ chức của ông/bà có thường xuyên chăm lo sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên không?”. Và câu trả lời gần như luôn là “Không”.

Trong cả hai nhóm câu hỏi dành cho cá nhân và lãnh đạo, mục tiêu của chúng tôi đều là gây cho họ cảm giác khó chịu. Khi mọi người nối các điểm lại với nhau, bức tranh hiện lên hiếm khi nào tốt đẹp. Hầu hết chúng ta đều làm việc suốt nhiều giờ liên tục và lúc nào cũng có cảm giác tất bật. Trong nhiều trường hợp, thời lượng 30 phút (hoặc hơn) mà khách hàng của chúng tôi dành để trả lời những câu hỏi ấy lại là lần đầu tiên trong đời họ dừng lại đủ lâu để phân tích những ích lợi và cái giá phải trả cho những lựa chọn của mình.

Chúng tôi kết luận bài vấn đáp bằng một câu hỏi có vẻ chua chát:

Cuộc sống mà bạn hướng tới liệu có xứng đáng với cái giá mà bạn đang phải trả hay không?

PHONG PHÚ HƠN, SÂU SẮC HƠN, Ý NGHĨA HƠN

Vài năm trước, tôi gặp một chuyên gia nhân sự cao cấp khoảng tầm 50 tuổi của một công ty lớn để thảo luận về những yêu cầu ngày càng cao đối với các chuyên gia tư vấn trong tổ chức của ông, đặc biệt là việc đòi hỏi họ phải di chuyển nhiều giờ liền liên tục.

Nhân vật này – chúng tôi gọi là Carl – mở lời một cách nhiệt tình về các chiến lược ông đặt ra để giúp cho việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn: đến sân bay đúng giờ, nghỉ ngơi ở khách sạn sang nhất, ăn ở nhà hàng ngon nhất và cả cách thu xếp để dự họp ở hai thành phố khác nhau trong cùng một ngày. Rõ ràng là ông đầu tư rất nhiều cho công việc.

Carl thuộc dạng thừa cân. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông thú nhận mình hiếm khi tập thể dục, ăn uống thất thường, hầu như không bao giờ ngủ tròn giấc và ít khi ở nhà. Thật tình cờ, trong buổi chiều đặc biệt này, ông chuẩn bị bay về nhà sớm hơn thường lệ để đưa cô con gái duy nhất đến trường đại học, cô bé sẽ nhập học trong tuần này.

“Gia đình nghĩ gì về lịch công tác dày đặc của ông?”, tôi hỏi.

Carl trầm ngâm suy nghĩ rồi ứa nước mắt. Chỉ khi con gái sắp rời khỏi nhà, Carl mới nhận ra cái giá phải trả mà ông chưa nhận ra trước đó.

Hai tuần sau, Tony, Giám đốc điều hành (CEO) công ty của Carl, đứng trong phòng họp lớn để chào đón hàng trăm nhân viên tập trung về đây. Vị CEO này, một người đàn ông có sức lôi cuốn, tự hào đã bay hàng trăm ngàn dặm mỗi năm, mở lời bằng câu chuyện ông trở về nhà lúc 4 giờ sáng sau chuyến công tác nước ngoài dài ngày. Ông hào hứng kể: “Trời còn tối đen, và lẽ ra tôi đã có thể về nhà ngủ tiếp, tắm rửa, thay trang phục. Nhưng tôi thấy đây là cơ hội hiếm hoi để đi thẳng tới văn phòng và có thêm vài giờ đồng hồ chuyên tâm giải quyết nốt công việc trước khi có người đến”.

Carl là sản phẩm của văn hóa đó và ông đã theo vết xe đổ từ Tony, vị CEO của mình. Tony đã không nhận ra việc ông phải làm là hồi phục sức lực bằng việc ngủ thêm vài tiếng, thư giãn bên bữa sáng cùng gia đình, chuyện trò với vợ con sau một tuần vắng nhà. Và ông cũng không nhận ra rằng nếu dành chút thời gian thư giãn, thì ông đã có thể trở nên tỉnh táo hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn và thậm chí có thể truyền cảm hứng cho nhân viên nhiều hơn. Cuối cùng, dù vô tình hay hữu ý, câu chuyện của Tony cũng đã gửi một thông điệp đến các nhân viên của mình rằng con đường đi đến thành công trong công ty này là noi theo gương ông, cho dù điều đó có vắt kiệt sức lực và thời gian của họ đi nữa.

Thiếu sót của nhiều người khởi đầu từ sự thiếu nhận thức, không nhìn thấy hậu quả từ lựa chọn sai lầm cho cuộc sống của chính họ và của những người mà họ yêu thương. Gần như đã trở thành chân lý – càng mải mê làm việc, chúng ta càng ít quan tâm đến cảm xúc của mình.

Con người nói chung có khả năng vô tận trong việc tự đánh lừa bản thân và thành thục kỹ năng phủ định, bởi điều đó giúp chúng ta tránh được rắc rối. Trong cuốn sách có tựa rất hay Mistakes Were Made, but Not by Me (Lỗi lầm được tạo ra, nhưng không phải do tôi), hai nhà tâm lý xã hội học Carol Tavris và Elliot Aronson giải thích: “Làm người ai cũng mắc sai lầm. Nhưng sau đó con người biết lựa chọn bao biện hay che giấu. Người ta cứ khuyên phải học hỏi từ những lỗi lầm, nhưng làm sao chúng ta có thể học được khi không thừa nhận lỗi lầm ấy?”.

Thay vì nhìn nhận sai lầm, mọi người lại lãng phí năng lượng vào việc lý giải, lấp liếm, bào chữa cho hành vi của mình. Triết gia Thomas Carlyle từng nói: “Không nhận ra lỗi lầm chính là lỗi lầm lớn nhất”. Ngược lại, thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm về sai phạm và khiếm khuyết sẽ giải phóng năng lượng để chúng ta học hỏi, phát triển và vun đắp giá trị.

CHẤP NHẬN MẶT TRÁI

Mỗi người đều có khuynh hướng chọn lựa đứng về một phía nào đó: đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, đen hoặc trắng, thắng hoặc bại. Sự chắc chắn khiến chúng ta cảm thấy yên tâm hơn, nhất là trong những lúc lo lắng và dao động. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta đã tự dựng lên quanh mình một thế giới hạn hẹp, dù cuộc sống bên ngoài diễn biến phức tạp hơn nhiều.

Khi chấp nhận các mặt trái và thích ứng với các mâu thuẫn của mình, chúng ta sẽ tạo ra cuộc sống phong phú và sâu sắc hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các vị lãnh đạo, những người ở vị trí buộc phải lựa chọn giữa nhiều quan điểm, cân bằng những quyền lợi đối nghịch, làm hài lòng số đông và quyết định các vấn đề nan giải.

Để hiểu rõ hơn về bản thân, bạn hãy đánh dấu đặc tính phù hợp với bạn nhất trong mỗi cặp dưới đây.

Hướng ngoại Hướng nội

Quyết đoán Cởi mở

Tự tin Khiêm nhường

Lý trí Trực giác

Mưu lược Trầm tư

Thực tế Sâu sắc

Sáng suốt Chấp nhận

Trung thực Lòng trắc ẩn

Dũng cảm Cẩn trọng

Kiên định Linh hoạt

Cứng rắn Cảm thông

Rõ ràng, chúng ta có xu hướng lựa chọn thiên về một bên. Nhiều công ty đánh giá cao loạt đặc tính phía trái hơn là phải. Nhưng chính vì việc đặt nặng hoàn toàn bên này và xem nhẹ bên kia mà chúng ta bỏ lỡ cơ hội tiếp cận những giá trị khác của chính mình và của cả người khác.

Nhiều tổ chức xây dựng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo theo các “mô hình năng lực” với một loạt kỹ năng trọng yếu được đặt ra. Trong mô hình này, những đặc tính bên cột trái luôn nhiều hơn cột phải. Không có vị lãnh đạo nào mà chúng tôi biết nhận ra giá trị của việc chuyển đổi tự do và linh hoạt giữa hai đặc tính đối lập để thể hiện bản thân một cách tốt nhất.

Không đồng tình với mô hình năng lực trên, cách đây một thập kỷ, Viện Gallup bắt đầu tập trung vào cái gọi là khả năng lãnh đạo “dựa trên ưu điểm”. Giả thuyết của Gallup là con người sẽ làm việc hiệu quả nhờ nâng cao ưu điểm hơn là cố gắng sửa chữa nhược điểm. Đây là một khái niệm thuyết phục, song cũng có mặt hạn chế.

Mặt hạn chế tiềm ẩn của Gallup khi đề cao ưu điểm là sự chọn lựa các đặc tính để trau dồi. Cách này tạo ra lựa chọn sai lầm còn nhiều hơn theo “mô hình năng lực”. Chúng ta không thể phủ nhận mong muốn cải thiện nhược điểm sẽ tốt hơn phát huy ưu điểm hiện có. Một thực tế nữa là người ta dường như chỉ đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc mà họ yêu thích, đam mê và nỗ lực hết mình. Việc chỉ chú trọng vào ưu điểm cũng nảy sinh vấn đề. Triết gia Gregory Bateson lý giải: “Luôn tồn tại một giá trị tối ưu, mà nếu vượt ra khỏi giá trị đó thì cũng trở thành độc chất, bất kể đó là thứ gì – khí oxy, giấc ngủ, liệu pháp tâm lý hay triết học”.

Thiền sư Trung Quốc, Tăng Xán, nói không có đối lập – các mặt vẫn thường được xem là đối lập luôn gặp gỡ, bao giờ cũng gặp gỡ. Đây là một trong những chân lý nền tảng nhất cần phải hiểu, rằng các mặt đối lập là không đối lập. Chính bạn là người nói chúng đối lập, bằng không thì chúng không đối lập. Trong bài thơ Tín Tâm Minh, Thiền sư Tăng Xán có nói:

Sai lạc nửa đường tơ

Đất trời liền phân cách

Chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

Đạo hiện liền trước mắt

Đem thuận nghịch chọi nhau

Đấy chính là tâm bệnh

Những ưu điểm tốt đẹp nhất cũng đi liền với hạn chế. Tự tin mà thiếu tính khiêm nhường thì trở thành ngạo mạn. Dũng cảm mà thiếu tính cẩn trọng thì trở thành liều lĩnh. Bởi vì tất cả các ưu điểm được gắn kết với nhau, cho nên bất kỳ ưu điểm nào bị lạm dụng quá mức đều trở nên nguy hại. Việc hít sâu chỉ có ích khi thở mạnh ra. Thúc đẩy bản thân vượt ra khỏi vùng thoải mái sẽ trở nên khó chịu, nhưng đó là phương cách duy nhất để học hỏi và phát triển. Theo triết lý Trung Hoa, âm và dương đại diện cho hai sức mạnh đối nghịch, nhưng phụ thuộc lẫn nhau trong một thể hoàn chỉnh.

Chúng ta tạo ra giá trị tối ưu không đơn thuần dựa trên ưu điểm hay lờ đi nhược điểm, mà phải lưu tâm đến cả hai. Điều này thể hiện rõ nhất khi chúng ta tự nhìn vào chính mình. Nhà tâm lý học James Hillman viết: “Yêu thương bản thân thật không dễ dàng gì… bởi điều đó có nghĩa là chúng ta phải yêu thương mọi mặt trong con người mình, kể cả những mặt tối, thấp kém và xấu xa.

Cách khắc phục nhược điểm này nằm ở sự lưu tâm đúng mực. Về phạm trù đạo đức, chúng ta thừa nhận những mặt này là tệ hại, không thể dung thứ và phải thay đổi, nhưng đồng thời vẫn yêu mến, chấp nhận một cách vui vẻ những gì mình vốn có”. Khi đã chấp nhận bản thân, chúng ta sẽ nhận biết những trở ngại phải đối mặt để bồi đắp năng lực như mong muốn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button