Kỹ năng mềm

Lối Tư Duy Của Người Thông Minh

Lời giới thiệu

Không ít người có chỉ số IQ cao nhưng không đạt được những thành tựu tương xứng với tiềm năng sẵn có của mình. Thực tế những bài kiểm tra IQ chỉ là một chuỗi những câu hỏi và tình huống không giống với những gì bạn thực hiện ngoài đời. Chỉ số IQ cũng chỉ là những con số mà thôi. Nó không cho thấy người đó có thể tư duy thông minh hay không. Quan trọng là bạn phải sử dụng trí thông minh bẩm sinh của mình để giải quyết những vấn đề mới.

Tư duy một cách thông minh liên quan tới những kiến thức mà bạn sở hữu và cách thức sử dụng chúng. Tư duy thông minh cũng giống như đánh cờ, đó là một dạng kỹ năng chứ không phải là tài năng. Bạn hoàn toàn có thể học nó! Một kỳ thủ giỏi đã phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về mở cờ, kết cờ, thế cờ và những nước đi cụ thể. Tương tự như thế, người tư duy thông minh cũng phải hiểu được cách thức vận hành của bộ não, những thủ thuật và công thức của tư duy thông minh để sử dụng trong từng tình huống trong cuộc sống.

Lối tư duy của người thông minh chính là cuốn cẩm nang cho bạn những hướng dẫn nền tảng để có một tư duy nhạy bén và sáng tạo. Với những hiểu biết trong ngành khoa học nhận thức, Art Markman đã đúc kết nên những nguyên tắc thiết yếu của tư duy thông minh. Nguyên tắc: Thay thế thói quen giới hạn hiện tại bằng thói quen thông minh để tiếp nhận tri thức chất lượng cao và áp dụng những kiến thức đó khi bạn cần xử lý thông tin và giải quyết vấn đề trong cuộc sống tưởng như rất đơn giản nhưng không phải ai cũng hiện thực hóa được. Cuốn sách sẽ giúp bạn đạt được điều đó.

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Tư duy thông minh và trí thông minh không giống nhau.

Học công thức Tư duy thông minh.

Đánh giá hành vi bản thân.

Thời trung học, vào cuối tuần, tôi làm công việc lau dọn vệ sinh cho một toà nhà văn phòng. Tôi đổ gạt tàn, đổ rác, cọ rửa nhà bếp, nhà vệ sinh và hút bụi các tấm thảm. Tôi khởi động một chiếc máy hút bụi công nghiệp ồn ào và đẩy nó quanh sàn nhà khắp các tầng. Chiếc túi vải to đằng sau máy hút bụi cứ phình thêm lên và thỉnh thoảng một luồng bụi trong chiếc túi phun ra ngoài không khí. Tôi thường về nhà sau khi dọn dẹp xong và tắm vòi sen để tẩy sạch lớp bụi mỏng.

Tuy nhiên, tôi không nhận ra cơ hội nào ở đó cả.

Khoảng thời gian đó, James Dyson không hài lòng  chút nào với chiếc máy hút bụi của mình. Ông để ý rằng nó hút bụi từ sàn nhà và lọc qua chiếc túi, lâu dần, bụi sẽ khiến chiếc túi bị tắc và chiếc máy cũng làm việc  kém hiệu quả hơn.

Dyson khăng khăng rằng phải có một chiếc máy làm việc tốt hơn và tái thiết kế chiếc máy hút bụi. Ông làm một chiếc ống bằng giấy bìa cứng để tạo ra một buồng khí xoáy. Buồng khí xoáy tạo ra lực ly tâm. Các hạt bụi bị hút ra khỏi buồng khí xoáy và có thể được thu gom lại trong một hộp chứa. Thiết kế mới này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy hút bụi và giúp cho một công ty đều đặn đạt mức lợi nhuận hơn 100 triệu USD mỗi năm.

Rất thông minh, phải không?

Năm 1999, Fiona Fairhurst, nhà thiết kế và là một cựu vận động viên bơi lội đang cùng nhóm của cô ở Speedo tìm kiếm phương pháp cải tiến hiệu năng của bộ đồ bơi cho các vận động viên bơi lội xuất sắc. Vấn đề trọng tâm của nhóm là khi bơi, nước gây ra một số lực nhất định lên cơ thể con người. Những lực này được gọi chung là lực cản. Nếu bạn rút tay lại đủ nhanh trong bồn tắm, bạn có thể cảm nhận được rõ ràng lực cản này. Bạn rút tay càng nhanh thì lực cản sẽ càng mạnh. Nhóm thiết kế bắt đầu với tiền đề rằng phải có cách nào đó để phát triển một loại vải áo bơi làm giảm lực kéo của nước tác động lên cơ thể.

Fairhurst và nhóm của cô quan sát thế giới động vật để tìm kiếm cảm hứng. Họ để ý thấy cá mập là một trường hợp thú vị. Cá mập bơi rất nhanh cho dù cơ thể của nó lẽ ra phải tạo ra rất nhiều lực kéo. Sau khi phân tích những mẫu da cá mập ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Luân Đôn, Fairhurst nhận ra rằng trên da cá mập có những cấu trúc gọi là “denticles” (răng nhỏ) có nhiệm vụ giữ cho các phân tử nước không bám vào da cá. Cấu trúc đó giúp giảm lực cản của nước lên cá mập.

Nhóm chế tạo ra một loại vải phỏng theo những “răng nhỏ” trên da cá mập, sau đó sản xuất những bộ đồ bơi toàn thân từ chất liệu này. Kiểu áo mới này tạo ra ảnh hưởng to lớn tới môn bơi lội. Rất nhanh sau khi  loại đồ bơi này được tung ra thị trường, những kỷ lục bơi lội thế giới liên tục bị phá vỡ.

Chắc chắn đã có rất nhiều nhóm cố gắng tạo ra những bộ đồ bơi nhẵn hơn và hiệu quả hơn nhưng tại sao Fairhurst lại là người thành công? Làm thế nào Dyson tạo ra được một thiết kế mang tính cách mạng cho máy hút bụi trong khi tôi chấp nhận để bụi bám đầy người? Liệu những ví dụ về Tư duy thông minh này có thể được giải thích bằng cái mà chúng ta thường gọi là Trí thông minh hay không?

Trí thông minh được định nghĩa là một phẩm chất bẩm sinh quyết định việc bạn có thể tư duy tốt như thế nào. Có lẽ bạn đã ít nhất một lần từng làm bài kiểm tra IQ. Bài kiểm tra IQ thường yêu cầu bạn làm các bài toán, yêu cầu bạn xếp những mẫu giấy trong tâm trí để tưởng tượng xem chúng sẽ trông thế nào và suy nghĩ xem hình ảnh nào sẽ xuất hiện tiếp theo trong một chuỗi hình ảnh. Thật ra những bài kiểm tra trí thông minh thường yêu cầu bạn làm những thứ không giống những gì bạn thực hiện ngoài đời. Chúng đưa ra giả định cốt lõi rằng những kết quả thu được độc lập với kiến thức cụ thể của bạn. Và đúng là những bài kiểm tra IQ đó đo lường được một năng lực tâm lý thực sự. Điểm số bài kiểm tra IQ sẽ không thay đổi quá nhiều trong suốt cuộc đời bạn.

Chắc hẳn bạn từng biết đến những người “thi giỏi”. Họ thường đạt điểm cao trong các bài kiểm tra IQ, SAT, GRE và LSAT. Vài người trong số đó khá thành công. Họ vào đời, đạt được các mục tiêu, và thay đổi cách nghĩ của mọi người xung quanh. Những người khác không đạt được thành công như tiềm năng của mình. Họ chưa bao giờ tìm thấy đam mê của mình. Điểm số cao là chỉ những con số trí tuệ.

Hãy xem trường hợp của Bill, tôi biết anh ấy khi còn học đại học. Chúng tôi không quá thân thiết với nhau, nhưng sẽ dừng lại nói chuyện nếu gặp nhau trên đường tới lớp. Anh ấy luôn đạt điểm cao thời trung học. Khi đang chuẩn bị nộp hồ sơ đại học, anh tham dự kỳ thi SAT và đạt điểm tuyệt đối. Anh là một sinh viên xuất sắc ở đại học. Điểm số của anh thật đáng khâm phục. Anh rất dí dỏm và có nhiều bạn bè. Nhưng không lớp học nào khiến anh thực sự cảm thấy hào hứng. Tôi chưa bao giờ thấy anh kể về một lớp học với tia sáng loé lên trong ánh mắt. Khi chúng tôi học năm hai, tôi bắt đầu yêu thích ngành khoa học nhận thức, còn anh vẫn theo các lớp học tổng quát, không lớp nào thực sự khiến anh đam mê. Tôi nhớ đã gặp anh vài tháng trước khi tốt nghiệp. Anh vừa đăng ký làm bài kiểm tra năng khiếu vào năm cuối đại học, bài kiểm tra GRE. Bài kiểm tra này được sử dụng để thi đầu vào cao học và anh lại đạt điểm tuyệt đối. Một điểm số như thế sẽ giúp anh vào bất kỳ chương trình cao học nào mà anh muốn. Dù vậy, vì không thực sự yêu thích một chủ đề cụ thể nào, anh quyết định đi làm. Tôi vẫn thỉnh thoảng nghe tin tức về Bill. Anh có một nghề nghiệp ổn định bằng việc dạy kèm cho học sinh trung học. Hoá ra, năng khiếu thực sự của anh là làm những bài kiểm tra.

Công thức cho Tư duy thông minh

Một ngày nọ, một trong những đứa con của tôi đang giải bài tập về nhà. Thằng bé đang vẽ một biểu đồ mạch điện đơn giản thể hiện một cục pin được kết nối đến một điện trở và một bóng đèn. Câu hỏi gây khó khăn cho nó là chuyện gì sẽ xảy ra cho mạch điện hiện tại nếu điện trở hiện tại được thay bằng một cái có điện trở cao hơn. Hôm đó nó không đi học và chưa từng học về điện, nên nó cứ nhìn chằm chằm vào biểu đồ mà không hiểu gì.

Con trai tôi đã gặp phải thứ mà các nhà tâm lý học gọi là ngõ cụt. Đó chỉ là cách diễn đạt bóng bẩy để nói rằng nó đang bị bế tắc. Một trong những chìa khóa chính trong giải quyết vấn đề là giải quyết thành công những ngõ cụt. Con trai tôi đã không thành công. Nó ngồi ủ rũ trên bàn và đôi mắt bắt đầu đờ đẫn đi. May mắn thay, tôi từng lấy bằng sửa chữa vô tuyến nghiệp dư khi còn nhỏ và có học vài lý thuyết điện, nên tôi biết câu trả lời. Nhưng trong vai trò phụ huynh, tôi không muốn đưa cho con mình câu trả lời, nên tôi ra dáng “hiền triết” và đến gần cùng giải quyết vấn đề với cháu.

Tôi yêu cầu con miêu tả lại vấn đề cho tôi nghe, nhưng tất cả những gì nó có thể làm là đọc lại cho tôi bài tập đó hầu như từng từ một. Tôi hỏi con còn biết gì về điện nữa. Nó mô tả cho tôi cách những electron trong một mạch điện dịch chuyển từ cực âm của nguồn điện qua mạch điện đến cực dương. Tôi hỏi cháu điện trở dùng làm gì và nó nói rằng điện trở khiến những electron khó dịch chuyển qua mạch điện hơn.

Vì thế tôi hỏi con có biết còn thứ gì khác cũng dịch chuyển như vậy không. Nó suy nghĩ một lúc và nói rằng có nước. Tôi bảo con hãy tưởng tượng nước đang chảy trong một cái vòi. Tôi bảo nó thử tưởng tượng rằng cái vòi nước có một điện trở trông sẽ như thế nào. Nó nghĩ đến cái vòi bị bẻ cong như nó và anh trai thỉnh thoảng vẫn làm khi tưới cây hoặc rửa xe. Nó nhanh chóng nhận ra rằng việc làm điện trở lớn hơn, cũng như bẻ chiếc vòi nước, sẽ làm dòng chảy của nước chậm lại. Tâm trạng bế tắc biến mất và nó tiếp tục làm bài tập. Nó giải xong tất cả phần bài tập còn lại của trang đó bằng cách suy nghĩ về những chiếc vòi nước hơn là những mạch điện.

Theo cách riêng của mình, con trai tôi làm giống những gì James Dyson đã làm. Nó sử dụng những hiểu biết sẵn có để giải quyết một vấn đề mới. Cũng như Dyson, nó đã sử dụng kiến thức từ một lĩnh vực chuyên môn khác.

Ví dụ này nhấn mạnh hai yếu tố chính trong công thức tổng quát về Tư duy thông minh. Điều cốt yếu là phải có Kiến thức chất lượng cao và Tìm ra những kiến thức đó khi cần thiết. Con trai tôi rơi vào ngõ cụt vì nó không thể tìm ra bất kỳ kiến thức nào nó biết liên quan đến vấn đề. Bằng cách gợi ý để mô tả lại vấn đề, tôi đã giúp nó nghĩ đến dòng nước chảy qua vòi nước. Vì hiểu cách nước chảy bị ảnh hưởng thế nào bởi một nút thắt trên vòi, nó đã có những hiểu biết mới về ảnh hưởng của điện trở lên một dòng điện.

Trong trường hợp này, con tôi không thể tự tiếp cận kiến thức mình cần. Nó cần ai đó giúp đỡ để có thể đi tiếp. Nhìn chung, ngõ cụt mang lại cảm giác chán nản vì bạn không biết phải làm gì tiếp theo. Cảm giác bị bế tắc đó khiến bạn thấy lo lắng. Lo lắng và bị áp lực khi đang cố giải quyết một vấn đề không thường gặp là công thức cho tư duy thành công.

Giải quyết vấn đề có thể gây căng thẳng phần vì thói quen tâm trí hình thành trong nhiều năm thực hành tư duy của bạn. Không may thay, không phải tất cả những thói quen tâm trí đều dẫn đến Tư duy thông minh.

Không phải từ khi sinh ra, bạn đã có được những thói quen tư duy như vậy. Chúng hình thành qua nhiều năm đi học rồi được củng cố bằng tất cả những tư duy bạn thực hiện sau đó. Tư duy thông minh đòi hỏi phát triển những thói quen mới để hoàn thiện những thói quen đã mang lại thành công cho bạn. Nó cũng buộc ta phải thay đổi những thói quen cản đường Tư duy thông minh. Khi gặp phải ngõ cụt, bạn cần có những thói quen khác như những gì tôi đã làm giúp con trai mình. Bạn phải phát triển những thói quen tạo ra Kiến thức chất lượng cao và thói quen tự mình tìm ra chúng khi cần.

Nếu rút ra từ các trường hợp của Dyson, Fairhurst, Edison, các kỳ thủ và thậm chí con trai tôi, chúng ta có được công thức cho Tư duy thông minh:

Tư duy thông minh đòi hỏi phát triển những thói quen thông minh để có được những kiến thức chất lượng cao và để ứng dụng những kiến thức của bạn nhằm đạt được các mục tiêu

Có rất nhiều ví dụ tuyệt vời minh họa cho các thành phần cấu tạo nên công thức Tư duy thông minh.

Một ví dụ hay và nổi tiếng về việc sử dụng Thói quen thông minh để giải quyết một ngõ cụt có thể gặp trong lĩnh vực phát triển sản phẩm. Vào cuối những năm 1960, nhà hóa học của công ty 3M, Spencer Silver, đang tìm kiếm một chất keo dính mạnh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều công thức mà ông thử đều không phát huy tác dụng. Thậm chí có công thức còn thất bại thảm hại. Thay vì tạo ra độ dính mạnh giữa hai bề mặt, nó vón cục và trở nên dính nhớt. Nó cũng dính đôi chút nhưng những vật dính vào nhau có thể được tách ra một cách dễ dàng.

Silver có linh cảm loại keo dính này sẽ hữu dụng với sản phẩm nào đó nhưng ông chưa thể xác định được. Ông rơi vào ngõ cụt. Thay vì bỏ cuộc, Silver tạo ra thói quen nhắc đến hợp chất này mỗi khi có cơ hội nói chuyện với đồng nghiệp.

Một lần Art Fry, đồng nghiệp của Silver tham gia vào câu chuyện. Fry là một trong rất nhiều người Silver kể về loại keo dính yếu ớt của mình. Tình cờ thay, Fry đang cố giải quyết một vấn đề ngoài phạm vi công việc của mình. Nhiệm vụ của ông là đặt những thẻ đánh dấu sách bằng giấy vào quyển sách thánh ca nhưng mỗi khi mở sách ra là chúng lại rơi ra ngoài. Ông không muốn dán các thẻ đánh dấu sách bằng băng dính vì như thế sẽ làm hỏng trang sách. Với thông tin Fry có được từ đồng nghiệp của mình, ông thử bôi một lớp keo lên những miếng giấy dài. Nó phát huy tác dụng hoàn hảo – giữ cho thẻ đánh dấu ở nguyên vị trí mà không làm hỏng trang giấy. Công ty 3M đã giới thiệu sản phẩm giấy ghi chú Post-It này vào năm 1980. Giờ đây chúng ta khó lòng tưởng tượng ra nếu thiếu chúng sẽ thế nào.

Một ví dụ kinh điển nữa về việc sử dụng Kiến thức chất lượng cao đến từ phát minh của George de Mestral, một kỹ sư người Thụy Sỹ. De Mestral không định thực hiện khám phá nào cả nhưng khi đi săn cùng chú chó của mình về, những hạt giống của cây Cocklebur (Cây ké) luôn bám vào lông thú và quần áo. De Mestral phải dành thời gian gỡ những hạt giống lì lợm ra khỏi lông chú chó và chiếc áo khoác của mình. Thay vì bực mình với việc này, de Mestral tò mò muốn biết vì sao các hạt giống lại bám vào lông chó dai như thế.

De Mestral quan sát vài hạt giống dưới kính hiển vi và khám phá ra rằng chúng có những chiếc móc nhỏ xíu. Lông chó không thẳng, có rất nhiều chỗ rối và xoắn. Khi những cái móc của hạt giống móc vào những cái vòng, chúng mắc ở đó cho đến khi bị gỡ ra.

De Mestral suy luận rằng nếu ông có thể tạo ra một thứ tương tự như những chiếc móc kia thì chúng sẽ dính chặt vào bề mặt có những vòng nhỏ. Làm việc với vài chuyên gia dệt địa phương, ông phát minh ra một cách để tạo thành những chiếc móc nhân tạo (hạt giống) và vòng (lông chó). Đúng như dự đoán, bộ đôi này tạo ra một bề mặt dính có thể dễ dàng tháo ra dán lại và từ đó, loại khoá dán ra đời.

Để thấy được vai trò của Ứng dụng kiến thức từ những lĩnh vực khác nhau, hãy xem ví dụ về Mark McCormack. Thời đại học, McCormack là một tay chơi gôn khá cừ. Ông có may mắn được thi đấu với huyền thoại gôn tương lai Arnold Palmer, người lúc đó là một sinh viên ở trường đối thủ của ông. Sau khi kết thúc đại học, McCormack nhận bằng cử nhân luật và người bạn Palmer tìm đến ông để nhờ tư vấn luật.

Lúc đó, các vận động viên thể thao vẫn chưa xuất hiện nhiều trong văn hoá bình dân và quảng cáo như ngày nay. Nhưng McCormack nhận ra rằng những vận động viên thể thao cũng tương tự như những ngôi sao truyền hình: Họ có những cổ động viên hâm mộ muốn gặp trực tiếp họ và nếu có thể, sử dụng những sản phẩm họ dùng. Vì là luật sư, ông hiểu cách những tay đại diện của các diễn viên giành được sự công nhận và những quyền lợi khác cho khách hàng của mình như thế nào. Sử dụng mô hình đó, McCormack có thể sắp xếp cho Arnold Palmer chơi gôn cùng các viên chức lãnh đạo các công ty với mức phí hậu hĩnh và chấp thuận để đưa hình ảnh của ông vào các sản phẩm giống như các diễn viên thường làm. Thu nhập của Palmer nhanh chóng tăng vọt. Những tay gôn khác nhanh chóng đăng ký tham gia và McCormack thành lập IMG, công ty đại diện quản lý thể thao quy mô lớn đầu tiên.

Câu chuyện của McCormack trở thành hình mẫu trong việc Ứng dụng kiến thức. Triết lý cá nhân của ông là: “Hãy là người giỏi nhất, học cách kinh doanh và mở rộng bằng cách ứng dụng những gì bạn đã biết.” Trong trường hợp của mình, bằng cách nhận ra những tương đồng giữa các vận động viên và diễn viên, McCormack đã phát kiến ra cả một lĩnh vực mới.

Hiểu rõ mình: Bước đầu tiên của Tư duy thông minh

Mục tiêu trọng tâm của cuốn sách này là cung cấp cho bạn công cụ để có tư duy thông minh và hiệu quả hơn. Lần đầu tiên tôi trình bày những hiểu biết này khi giảng dạy tại lớp đào tạo các giám đốc doanh nghiệp về việc nâng cao hiệu suất của nhân viên. Bằng cách áp dụng những bài học này cho nhân viên, các nhà lãnh đạo đã phát triển được cái mà tôi gọi là Văn hoá thông minh.

Để bắt đầu con đường Tư duy thông minh, điều bạn cần làm trước tiên là đánh giá hành vi của chính mình. Trong lớp, tôi thường cho bài kiểm tra dưới đây để tạo cơ hội cho mọi người suy nghĩ về một số hành vi liên quan đến Tư duy thông minh mà họ thường xuyên thực hiện. Bảng câu hỏi dưới đây bao gồm một nhóm hành vi mà bạn đã từng làm hoặc chưa. Hãy đánh dấu vào ô cạnh mỗi mục nếu bạn cho rằng đó là thứ nên làm. Đánh dấu vào ô thứ hai nếu bạn cho rằng đó là thứ bạn thực sự làm. Hãy đánh dấu vào cả hai ô nếu cả hai đều đúng.

Không có ai ngoài bạn biết câu trả lời cả, do đó hãy trung thực với chính mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button