Kỹ năng mềm

Làm Thế Nào Cho Gia Đình Hạnh Phúc?

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lý Bình Thâu

Download sách Làm Thế Nào Cho Gia Đình Hạnh Phúc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Người ta sống để làm gì? Trước câu hỏi này, những người khác nhau sẽ trả lời khác nhau. Kẻ lắm tham vọng sẽ nói, sống là để hưởng vinh hoa phú quí, quyền cao chức trọng; kẻ thích hưởng lạc sẽ nói, sống là để ăn chơi, ăn ngon mặc đẹp; người nuôi ảo tưởng hão huyền sẽ nói, sống là để hưởng thọ, đắc đạo thành tiên. Thế nhưng lịch sử đã phủ định hoặc giễu cợt một cách không thương tiếc: Vinh hoa phú quí, quyền cao chức trọng như ông hoàng bà chúa, cuối cùng cũng thành mây khói; ăn ngon mặc đẹp cũng chỉ mới thỏa mãn đòi hỏi vật chất, trong khi đại đa số người ta coi trọng đời sống tinh thần; còn chuyện đắc đạo thành tiên thì tất cả những ai có lý trí và tư tưởng đều không tin. Vậy thì người ta sống để làm gì?

Người ta sống chính là để mưu cầu hạnh phúc!

Hạnh phúc là gì? Có người nói khái quát như sau: mọi người hạnh phúc đều giống nhau, còn bất hạnh thì mỗi người một kiểu. Đúng vậy, bất hạnh có rất nhiều kiểu loại, chẳng hạn thân thể tàn tật, sự nghiệp thất bại, mất hết tài sản… Vận may tựa hồ chỉ mỉm cười với một số người này, ngoảnh mặt làm ngơ với một số người khác; cho nên trên thế gian nơi thì đầy nước mắt, chỗ thì đầy ắp tiếng cười. Nhưng dù đau khổ đến mấy, người ta vẫn khao khát và lưu luyến với cuộc sống. Vì sao vậy?

Vì trên thế gian có tình yêu!

*

*  *

Có hai người đàn ông, A và B, họ là hai người bạn rất thân nhau. Một hôm hai người hẹn gặp nhau tại một quán trà. A thấy B mặt mày rầu rĩ, chán chường, bèn hỏi bạn có chuyện gì không vui. B thở dài ngao ngán đáp: “Tớ chẳng thiết sống nữa!”.

A cười châm biếm, nói: “Trời đất, ông bây giờ giàu nứt đố đổ vách, thu nhập mỗi năm một lớn, ông mà chẳng thiết sống nữa, chắc bọn cùng khổ chúng tôi mới ham sống thôi chăng?! Ông còn muốn cái gì kia chứ?”.

B nghe vậy bất giác nói to lên: “Tớ muốn gì ư? Trước kia, tớ thèm muốn có tiền có quyền hơn người khác, nên mới quyết leo lên cho bằng được. Sau hai mươi năm, tớ đã có biệt thự, xe hơi, có địa vị như bây giờ, nhưng cuộc sống của tớ càng ngày càng chán ngán! Giờ đây tớ chỉ mong được sống cùng với một người phụ nữ chân thành yêu thương tớ mà thôi, dù phải đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn như người bình dân, tớ cũng cam lòng”.

*

*  *

Ham muốn của con người là vô cùng. Trên thế gian này có biết bao nhiêu người vì ham muốn tiền tài, quyền lực và các thứ vinh hoa phú quí khác mà sẵn sàng vứt bỏ tình cảm, ruồng rẫy người yêu; nhưng khi họ leo tới đỉnh cao tham vọng vật chất và quyền lực, họ chợt ngoảnh lại và đau đớn nhận ra thứ mà họ vứt bỏ mới chính là cái quí nhất trong đời mỗi người.

*

*  *

Chị Hà là một phụ nữ sắp bước vào tuổi trung niên. Chị làm giám đốc một công ty lớn, có thể nói chị rất thành công về mặt sự nghiệp. Tiếc rằng hai năm trước chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Khi đó chị Hà đau khổ tột cùng, song rồi chị cũng vượt qua được. Về sau nhiều bạn bè người quen khuyên chị tái giá, chị đều từ chối. Chị nói: “Mặc dù tôi đã có sự nghiệp vững vàng, nhưng tôi cảm thấy thời gian sống với chồng tôi là hạnh phúc nhất. Chồng tôi hết mực yêu tôi. Tôi cho rằng cuộc đời của một phụ nữ có được một lần hôn nhân như thế là mãn nguyện lắm rồi. Cho nên tôi biết thế là đủ, tôi không muốn tái giá! Tôi vốn là một người vô thần, song bây giờ tôi chỉ mong có thiên đường thật sự; tôi hi vọng sau khi chết, tôi sẽ được gặp chồng tôi trên thiên đường và chúng tôi lại tiếp tục chung sống hạnh phúc với nhau”.

Câu nói của chị Hà đáng để người ta suy ngẫm. Thử hỏi, một người phụ nữ không có người chồng tử tế, không có tình yêu, chỉ có sự nghiệp thành công, liệu chị ta có cảm thấy mãn nguyện hay không? Không, chị ta không thể mãn nguyện. Hôn nhân và tình cảm đối với phụ nữ là thứ quí giá nhất đời.

*

*  *

Nước Nga có một tiểu thuyết gia nổi tiếng, tác phẩm của ông được đông đảo độc giả hoan nghênh. Ông nói: “Nếu có một người phụ nữ ở đâu đó quan tâm mời tôi về nhà ăn cơm, tôi sẵn sàng từ bỏ quyền sở hữu tất cả các tác phẩm của mình để đến với người ấy”. Dù là nam hay nữ, mong mỏi của người ta cũng đều giống nhau, đó là có được hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân và tình cảm đối với bất cứ ai mà nói, cũng đều là điều quan trọng nhất.

Tình yêu có nhiều loại, có tình yêu vợ chồng, có tình yêu giữa anh chị em ruột thịt, có tình mẫu tử, tình phụ tử; cũng có tình yêu trừu tượng rộng lớn, như lòng yêu nước, tình yêu nhân dân, tình yêu nhân loại. Nhưng suy cho cùng, tìm về cội nguồn của tình yêu, thì chúng ta có thể phát hiện rằng trong tất cả các thứ tình yêu, tình yêu vợ chồng là căn bản nhất, cốt yếu nhất. Có vợ chồng mới hợp thành gia đình, mới có anh chị em ruột thịt, mới có mẹ con, cha con… mới phát sinh tầng tầng lớp lớp quan hệ phức tạp, tạo nên thế giới đạo đức, luân lý rộng lớn của chúng ta.

Trong lịch sử phát triển của xã hội phương Tây, Kinh Thánh chiếm địa vị nổi bật. Chương mở đầu của Kinh Thánh miêu tả cảnh tượng nguyên thủy của xã hội loài người như sau:

Thượng đế sáng tạo ra một con người đầu tiên là chàng Adam, cho chàng ta sống một mình trong vườn Eden. Ít lâu sau, Thượng đế thấy chàng Adam ăn không ngồi rồi, buồn phiền sinh bệnh, bèn nghĩ rằng Adam phải có bạn gái mới không mất đi niềm vui sống; thế là Thượng đế bèn tạo ra nàng Eva làm vợ của Adam. Từ đó niềm vui sướng trở lại với vườn Eden.

Adam và Eva có thể nói là cặp vợ chồng xuất hiện sớm nhất, họ tạo nên gia đình sớm nhất. Câu chuyện ân ái mỹ mãn của A dam và Eva, vườn Eden thiên đường trải qua mấy ngàn năm vẫn còn được thế gian truyền tụng không nguôi, chứng tỏ loài người khao khát biết mấy hôn nhân hạnh phúc và tình cảm vợ chồng đằm thắm. Có vợ chồng mới có gia đình, có gia đình mới có xã hội loài người. Chỉ có quan hệ vợ chồng hòa hợp, mỹ mãn, mới có hạnh phúc gia đình bền vững. Gia đình là tế bào của xã hội, chỉ khi nhà nhà hòa thuận, xã hội mới có thể trở nên yên ổn và phồn vinh, thế gian mới giòn giã tiếng cười.

Qua đó đủ thấy, quan hệ vợ chồng như thế nào quyết không phải là chuyện nhỏ, mà là một đại sự liên quan đến sự ổn định của xã hội. Mỗi công dân đều sẽ thành gia lập nghiệp, mỗi người đều sẽ làm vợ hoặc làm chồng, làm một công dân có đạo đức của xã hội, đều có nghĩa vụ bảo vệ sự ổn định của xã hội, sáng tạo nên một thế giới ngày càng tốt đẹp.

Biết sáng tạo đời sống vợ chồng hạnh phúc không chỉ có ích cho xã hội, mà còn là điều kiện không thể thiếu cho hạnh phúc suốt đời của mỗi người. Cuộc đời mỗi người hoặc nhiều hoặc ít đều sẽ gặp sự bất hạnh, bấy giờ gia đình sẽ là vùng vịnh an toàn cho chúng ta tránh giông bão, người yêu ta sẽ làm lành mọi vết thương cho ta. Sự nghiệp dù không thành, thân tâm dù mệt mỏi, cũng đừng tuyệt vọng; chỉ cần có người bạn đời thì chúng ta sẽ còn dịp phục hồi. Dẫu không có tiền của, nhưng chỉ cần có người yêu đồng cam cộng khổ với ta, thì ta vẫn còn hạnh phúc hơn hẳn những người lắm tiền nhiều của mà không có tình yêu!

Hôn nhân hạnh phúc chưa phải là toàn bộ cuộc đời, nhưng muôn vàn sự thực từ lâu đã chứng minh rằng, không có hôn nhân mỹ mãn, hạnh phúc, thì đời người ta không thể nào có được hạnh phúc với ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn; kẻ từ bỏ tình yêu vợ chồng thì không thể khoác lác về tình yêu nhân loại. Cùng với sự phát triển của xã hội, loài người ngày càng trân trọng chất lượng của đời sống; quan hệ hôn nhân trong đời sống loài người ngày càng được chú trọng.

Người khắp thiên hạ ai chẳng mong tình yêu trọn vẹn, gia đình hòa thuận? Vậy tại sao rất nhiều người lại từ bỏ tình yêu và gia đình? Tại sao rất nhiều người từng có tình yêu và gia đình, cuối cùng lại đánh mất đi?

Các chuyên gia nghiên cứu hôn nhân và gia đình nhắc nhở chúng ta: hôn nhân là một nghệ thuật, một môn khoa học, muốn làm cho hôn nhân hạnh phúc mỹ mãn, thì cần phải dành rất nhiều tâm trí cho môn học đó. Ai dành tâm huyết cho hôn nhân, sẽ được hạnh phúc; kẻ nào coi hôn nhân như trò đùa, sẽ phải trả giá bằng nước mắt và đau khổ.

Làm thế nào đưa con thuyền hôn nhân vượt qua sóng gió hiểm nghèo, bình an cặp bến cuối cùng của đời người? Dưới đây chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu phương pháp xây dựng tổ ấm gia đình, với những phương án hữu hiệu giải quyết những khó khăn có thể vấp phải trong hôn nhân. Đó không phải là cẩm nang vạn năng, nhưng chắc chắn sẽ là những phương án vô cùng hữu dụng, giúp bạn không bị thất bại trong hôn nhân.

ĐỌC THỬ

Chương thứ nhấtBỐN ĐẠI CẤM KỴ TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

C

ó người ví hôn nhân như một tòa thành được vây kín, người bên ngoài muốn tiến vào thành, mà người bên trong cũng muốn ra khỏi thành. Biết bao nhiêu người khao khát tình yêu, mong sao tìm được người bạn đời đúng như ý muốn, sánh vai nhau đi suốt trăm năm qua mưa gió bão bùng. Khao khát mong mỏi là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác, chúng ta rất buồn khi thấy rằng những người bước vào hôn nhân không phải ai cũng mãn nguyện, bao nhiêu là cuộc hôn nhân tan vỡ; cũng có bấy nhiêu cuộc hôn nhân không tan vỡ, song người trong cuộc thì cứ như bị nhốt trong tòa cấm thành, chỉ muốn thoát ra ngoài.

Vì sao tình yêu từng khiến ta say đắm lại mất hết sức hấp dẫn thuở đầu, vì sao mái nhà ấm cúng từng che chở ta nay lại trở nên ngột ngạt, trói buộc tâm hồn và tự do của ta?

Đường phố và công viên ngày chủ nhật là nơi phản ánh rõ nhất quan hệ hôn nhân gia đình. Hãy nhìn kia, một cặp vợ chồng đi qua, người vợ nói nhỏ điều gì đó, người chồng cúi đầu, thong thả đi bên vợ, hơi nghiêng đầu, dỏng tai nghe vợ nói. Cặp vợ chồng này đã đứng tuổi, lộ rõ mối quan hệ hòa hợp tốt đẹp. Kia là một gia đình đi qua, người nữ gọi to nhắc đứa con chạy cẩn thận kẻo vấp vào gạch đá; người nam đi sau vài mét, nhìn sang hai bên với thái độ hờ hững; rồi người nữ quay lại nói to: “Con nó khát nước, anh mau đưa nước lại đây!”. Bấy giờ người ngoài mới biết đấy là hai vợ chồng.

Cùng là vợ chồng, sao quan hệ của hai cặp ấy lại khác nhau đến thế? Từng yêu nhau tha thiết không có gì bảo đảm là đến nay vẫn còn yêu nhau. Nguy cơ đã lẻn vào hôn nhân của chúng ta từ khi nào vậy? Có phải sau cái ngày người chồng đánh mất chiếc ví có vài chục ngàn đồng, mà mỗi lần anh đi đâu đều bị người vợ nhắc: Anh đoảng lắm, nhớ đừng để mất ví nữa!… Có phải từ cái hôm người vợ đang vui vẻ kể với chồng một điều rất lý thú, thì bị người chồng gắt lên: “Người ta đang xem tivi, đừng có phá rối!”… Có phải là vì vợ hoặc chồng ăn mặc quá lôi thôi lếch thếch? Có phải là vì người chồng chẳng buồn quan tâm đến vợ?…

Trái tim của người yêu rất nhạy cảm, một lời mỉa mai, một cái nhìn lạnh nhạt đều có thể làm cho nó tổn thương. Những người đang ở trong tòa cấm thành cần nhớ: hôn nhân có những điều cấm kỵ, vi phạm sẽ bị trừng phạt. Mà những điều cấm kỵ cũng chẳng có gì ghê gớm, khó thực hiện cả. Đối với người bạn đời, bạn chỉ cần kiên nhẫn hơn một chút, yêu thương hơn một chút, quan tâm hơn một chút, bớt nóng nảy, chê trách và lạnh nhạt đi một chút là được!

1. Chớ có luôn mồm

Lời nhắc đi nhắc lại ba lần giống như cỏ thối.

Hoàn toàn không phải chỉ nữ giới mới lắm mồm, nam giới cũng dễ mắc cái bệnh đó.

Không ai muốn bị chê trách mãi, không ai muốn nghe đối phương lải nhải những lời vô nghĩa.

Tục ngữ có câu: “Lời nhắc đi nhắc lại ba lần giống như cỏ thối”. Một câu, một việc cứ lải nhải sẽ làm cho người nghe, dù rất kiên nhẫn, cũng không chịu nổi.

Có người nhàn rỗi cả ngày chẳng biết làm gì, chỉ để ý đến mọi chuyện vặt vãnh của các nhà láng giềng, sau đó đem kể lại không biết mệt cho người khác nghe. Có người thấy chồng con hoặc vợ con làm điều gì trái ý mình, thế là cứ “lên lớp” không ngơi miệng, thao thao bất tuyệt phải làm thế này, phải làm thế nọ, nói mười câu may lắm nghe lọt tai được nửa câu, còn toàn là những lời nhai đi nhai lại cũ rích, sáo mòn, đã chẳng ích lợi gì, chỉ tổ làm cho người nghe ngán ngẩm, bực dọc, muốn bỏ ra khỏi nhà cho thoát nợ!

Có người kể chuyện vui như sau:

Nếu vào lúc đêm khuya, bạn gặp trong quán cà phê có một nam giới ngồi nhâm nhi cà phê một mình, bạn hãy thử đoán xem vì sao người đó lại ngồi đây? Chỉ có hai tình huống: Một là anh ta sống độc thân, hai là anh ta đã có vợ! Trường hợp thứ nhất, vì sợ cô đơn nên ra quán ngồi. Trường hợp thứ hai, vì sợ người vợ lải nhải luôn mồm, nên phải tìm một chỗ yên tĩnh cho qua thời gian!

Tuy đó chỉ là chuyện vui, nhưng nó phản ánh một đạo lý: Trong nhà có một người vợ lắm mồm, thì người chồng cũng giống như một anh chàng độc thân, không thể cảm thấy gia đình là nơi hạnh phúc; đối với anh ta, ngôi nhà không phải là nơi nghỉ ngơi yên ổn, mà là một công xưởng phát ra tiếng ồn đáng sợ.

Người viết cần nói thêm, hoàn toàn không chỉ nữ giới mới lắm mồm, ngay cả nam giới cũng dễ mắc cái bệnh đó. Dưới đây đơn cử một ví dụ.

Tiểu Linh rất hạnh phúc vì vừa được làm mẹ. Nhưng chẳng mấy chốc đã có cảm giác mệt, mệt mỏi thật sự. Bé đòi bế luôn tay, chốc chốc đòi ăn, ăn no thì đòi mẹ phải chơi với nó, ngày ngày còn một chậu to quần áo dơ phải giặt, cứ túi bụi suốt từ sáng đến khuya, bảo sao không mệt!

Dạo này xí nghiệp xét cấp nhà ở, đó là một việc lớn, Tiểu Linh phải thêm một phen vất vả, đến khi được cấp căn hộ và dọn nhà xong xuôi, Tiểu Linh mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không lâu sau, Tiểu Linh lại gặp phải chuyện phiền lòng. Ấy là xí nghiệp phân phối nhà ở đợt hai, khu nhà mới so với khu nhà Tiểu Linh được phân phối, có giao thông tiện lợi hơn, môi trường tốt hơn, lại gần trường mẫu giáo và trường tiểu học. Tiểu Linh rất ân hận mình quá nôn nóng, sớm biết thế này, thì chịu khó đợi vài tháng, có phải là bây giờ được chỗ ở rất tốt hay không. Chỉ tại mình nôn nóng, Tiểu Linh bị chồng trách cái tính bộp chộp kể cũng đáng.

Tiểu Linh tính nóng nảy bộp chộp, ở nhà và ở cơ quan gặp việc gì, bất kể lớn nhỏ, nếu không giải quyết ngay, thể nào Tiểu Linh cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Vì cái tính ấy mà hai vợ chồng Tiểu Linh đã không ít phen cãi nhau.

Hôm nay Tiểu Linh mệt mỏi lê bước về nhà, bước vào nhà thấy căn phòng bừa bộn, quần áo dơ của con chưa giặt, bất giác máu nóng bốc lên đầu. Cô vừa đi vào bếp vừa gắt với chồng: “Hôm nay anh tan ca sớm, sao chẳng dọn dẹp nhà cửa gì thế?”.

Người chồng đốp lại: “Tôi về sớm hơn cô có mươi phút. Cô vừa bước vào nhà, chưa hỏi cho rõ, đã gắt gỏng với tôi; cô quên mất lần phân phối nhà ở, vì cái tính nôn nóng của cô mà nhà mình bị thiệt thòi đến mức nào rồi ư?!”.

Tiểu Linh thấy chồng lôi chuyện cũ ra thì cả giận, nói: “Anh lải nhải việc ấy mấy trăm lần rồi, chưa chịu im đi hả? Tôi mệt bã cả người, anh chẳng an ủi lấy một câu, lại lôi chuyện cũ ra trách móc! Anh đâu có thương gì tôi! Tôi thấy càng ngày anh càng lắm mồm như một bà mẹ chồng… Tôi hết chịu nổi rồi…”. Thế là hai vợ chồng Tiểu Linh lại cãi nhau. Một chuyện vốn không đáng kể, đã trở thành sợi dây cháy chậm nối đến ngòi nổ.

Người lắm mồm trong gia đình cuối cùng thường bị người bạn đời khó chịu, chán ngán đã đành, cũng khó lòng giành được sự tôn trọng của các thành viên khác (như con cái). Người lắm mồm lấy làm đau khổ, tủi thân, oán thán: “Tôi chỉ muốn tốt cho họ, sao họ lại oán tôi kia chứ?”. Thực ra, nguyên nhân rất đơn giản, chỉ là vì không ai muốn bị chê trách mãi, không ai muốn nghe đối phương lải nhải những lời vô nghĩa.

Để tránh căn bệnh lắm mồm, hãy:

– Mở rộng tầm mắt, nâng cao trình độ thẩm mỹ của mình. Đừng để ý đến những chuyện vặt vãnh, tầm thường dung tục.

– Không ngừng nâng cao mục tiêu cuộc sống của mình, chuyên tâm vào công việc có ý nghĩa thiết thực, sẽ không còn thời gian cho những lời nói vô bổ.

– Hãy coi đối phương như một người trưởng thành, đủ khả năng xử lý tốt vấn đề của họ. Giống như Tiểu Linh trong ví dụ kể trên, cô ta đã biết vì tính nôn nóng bộp chộp của mình mà phạm sai lầm không nhỏ, thì người chồng hãy tin rằng Tiểu Linh sẽ biết rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm đó, đừng có nắm lấy chỗ yếu ấy của Tiểu Linh mà kích động cô ta.

Các bạn thân mến, khi người bạn đời của bạn phiền muộn, canh cánh nỗi lòng vì một vài sai lầm nào đó, xin bạn hãy làm chủ cái lưỡi của bạn, chớ có nhắc đến các sai lầm đó!

Bởi vậy điều đại cấm kỵ thứ nhất để bảo vệ hôn nhân hạnh phúc là: Đừng có lắm mồm!.

2. Đừng đánh mất lòng kiên nhẫn

Chúng ta có thể thông cảm với một số nguyên nhân nổi nóng, nhưng như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thể nhân đó mà đánh mất lòng kiên nhẫn và độ lượng đối với người bạn đời, động một tí lại nổi nóng.

Yêu một người tức là người ấy vốn như thế nào thì mình yêu như thế ấy, chứ không phải là thoát ly thực tế, đòi hỏi đối phương phải thế này thế nọ.

Hôn nhân không phải là chuyện nhất thời, mà nó đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn suốt đời.

Ngày chủ nhật, hai vợ chồng Trần quyết định đi chơi công viên. Chị em ta trước khi ra khỏi nhà thường thường gương lược chải chuốt khá lâu. Trần thì chuẩn bị phần mình rất nhanh, xách túi đồ ra đợi sẵn ngoài cửa. Ai ngờ hai mươi phút sau Trần quay trở vào phòng ngủ, thấy vợ vẫn chưa trang điểm xong, Trần sốt ruột càu nhàu: “Em làm gì mà lề mề đến thế? Có phải để lên sân khấu đâu mà trang điểm kỹ thế! Không nhanh hơn một chút được sao?”.

Vừa nghe Trần nói vậy, vợ Trần ném phắt cái lược xuống bàn, đứng bật dậy, đốp lại: “Anh khó chịu lắm à? Đi chơi sớm hay muộn một chút thì đã chết ai? Hồi anh mới yêu tôi, tôi trang điểm cả nửa ngày, anh vẫn kiên nhẫn ngồi chờ kia mà! Bây giờ xem ra anh sắp mắc bệnh có mới nới cũ rồi đó. Anh chán tôi rồi phải không? Thế thì anh cứ việc đi mà tìm con nào nó nhanh nhẹn hơn tôi!”.

Thấy vợ tái mặt đi, Trần nhận ra mình vừa lỡ lời, vội đấu dịu: “Em thử soi gương xem kìa, anh vừa nói một câu, dẫu chưa đúng, thì em cũng chẳng nên gây căng thẳng như vậy!”.

Vợ Trần vẫn chưa nguôi giận: “Anh tự nghĩ đi, có phải từ sau ngày cưới đến giờ anh ngày càng nôn nóng hay không? Động một tí là anh trợn mắt cau mày! Lòng kiên nhẫn trước kia của anh đâu rồi? Nói thật là tôi nghi rằng sau khi cưới, tình cảm của anh đối với tôi cứ phai nhạt dần”.

Lúc này Trần cảm thấy điều vợ nói có phần đúng, gần đây Trần hay nổi nóng, không còn kiên nhẫn như trước, nhưng bảo Trần phai nhạt tình cảm với vợ thì oan cho Trần quá! Song tại sao Trần lại mất kiên nhẫn như thế nhỉ? Phải giải thích thế nào với vợ đây? Trần lúng túng thật sự.

Thật ra, trường hợp đánh mất lòng kiên nhẫn như Trần là hiện tượng khá phổ biến. Phân tích kỹ, đại thể do mấy nguyên nhân sau đây.

1) Không còn cảm giác mới lạ

Giai đoạn yêu nhau, hai người đang yêu còn nhiều bỡ ngỡ, thời gian ở bên nhau không đáng kể, người yêu như thể có một tấm màn che phủ. Sau khi kết hôn, hai người trở thành vợ chồng, suốt ngày đêm đối diện với nhau, mỗi bên bây giờ có thể nhìn rõ hoặc phát hiện những ưu điểm, khuyết điểm của người kia mà trước đây mình chưa để ý hoặc chưa nhận ra. Đối với ưu điểm, họ thường cho là lẽ đương nhiên; còn đối với khuyết điểm, thì cứ để bụng và tỏ ý khó chịu. Thế là tỏ thái độ nôn nóng, bực dọc thay cho lòng kiên nhẫn và độ lượng ngày trước.

2) Trách nhiệm gia tăng

Một người sau khi kết hôn có nghĩa là đã chấm dứt nếp sinh hoạt nhàn hạ, tự do tự tại của người độc thân. Từ đây, trách nhiệm gia tăng, phải lo chuyện cơm nước dưa cà mắm muối; phải làm việc nhà; còn phải lo việc cơ quan. Thế là người thiếu kiên cường kiên nhẫn sẽ dễ nổi cáu khi gặp điều gì không vừa ý.

Chúng ta có thể thông cảm với một số nguyên nhân nổi nóng, nhưng như thế hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta có thể nhân đó mà đánh mất lòng kiên nhẫn và độ lượng đối với người bạn đời, động một tí lại nổi nóng.

Tâm tư của người yêu rất tinh tế, nhạy cảm, nhất cử nhất động của ta đều bị người bạn đời để ý. Nếu ta động một chút lại nổi nóng, người bạn đời sẽ nghĩ: “Chàng (nàng) không hài lòng về mình, hết yêu mình rồi chăng?”. Câu hỏi nghi ngờ ấy cản trở sự giao lưu tình cảm và sự tin cậy giữa hai vợ chồng, không thể làm cho hôn nhân hạnh phúc!

Làm thế nào để không nổi nóng?

Thứ nhất, hãy chú ý nhiều hơn đến ưu điểm của người bạn đời, đừng để tâm đến khuyết điểm của người bạn đời. Đừng nên chướng tai gai mắt trước khuyết điểm của người bạn đời. Yêu một người tức là người ấy vốn như thế nào thì mình yêu như thế ấy, chứ không phải là thoát ly thực tế, đòi hỏi đối phương phải thế này thế nọ. Giả dụ bạn quả thật cảm thấy người bạn đời có khuyết điểm, thì hãy lựa lời nhẹ nhàng, tế nhị góp ý để người bạn đời vui vẻ tiếp thu.

Thứ hai, hãy giữ vững tinh thần lạc quan. Trước khi kết hôn, phải chuẩn bị tư tưởng tiếp nhận những chuyện phiền toái. Hôn nhân không phải là chuyện nhất thời, mà nó đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn suốt đời. Nếu sợ chuyện phiền toái, thì hãy sống độc thân cho xong. Hình thức thì phải cho trước, sau mới có thể nhận lại.

Làm thế nào khống chế sự nóng giận của mình? Trước khi nổi nóng, hãy ra lệnh cho mình trấn tĩnh, hãy bình tĩnh suy nghĩ, động não một chút thì sẽ ít khi nổi nóng. Nổi nóng không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì. Bạn nên nhớ: Để làm cho người bạn đời bị tổn thương chỉ cần vài giây thôi, nhưng để chữa lành vết thương ấy, có khi phải tốn vài năm! Cho nên, khi bạn không kiểm soát được cơn nóng giận, sắp đánh mất lòng kiên nhẫn, hình thức tự hỏi: “Mình có yêu chàng (nàng) hay không nhỉ? Đã yêu, sao nỡ nổi nóng, làm cho người bạn đời đau lòng kia chứ?”.

Bởi vậy, điều đại cấm kỵ thứ hai để bảo vệ hôn nhân hạnh phúc là hãy tỏ ra kiên nhẫn hơn một chút đối với người bạn đời: Đừng đánh mất lòng kiên nhẫn.

3. Đừng quá xem nhẹ những chuyện vụn vặt

Hôn nhân là do hàng loạt chuyện vụn vặt hợp nên.

Bi kịch của hôn nhân hiếm khi do tai nạn lớn thật sự gây nên; chính một số chuyện tưởng chừng vặt vãnh, dễ bị người ta coi thường, trong sinh hoạt hàng ngày, lại là nguyên nhân dẫn đến ly dị.

Kẻ nói những lời tàn nhẫn, lăng nhục, làm tổn thương tình cảm của ta lại chính là người trong gia đình ta.

Không chấp nhặt chuyện vụn vặt trong sinh hoạt trong một số trường hợp là thể hiện sự độ lượng và hào phóng. Nhưng lại có một số người lợi dụng, xếp những hành vi không xứng đáng của mình vào chuyện vụn vặt để biện hộ cho mình, chứ không chịu sửa sai, không coi trọng đối phương. Họ quên rằng cái lối không chấp nhặt chuyện vụn vặt kiểu đó thường thường dẫn người ta đến sai lầm, trong công tác thì hỏng việc, trong hôn nhân thì có thể làm cho hôn nhân tan vỡ.

Có một chuyên gia nghiên cứu quan hệ hôn nhân nói như sau: “Hôn nhân là do hàng loạt chuyện vụn vặt hợp nên”. Mỗi người trước khi kết hôn đều mang mộng tưởng tốt đẹp, lãng mạn về đời sống hôn nhân, nhưng sau khi bước qua ngưỡng cửa hôn nhân, mới phát hiện đời sống hôn nhân còn có quá nhiều chuyện vụn vặt phiền toái. Cơm canh dầu đèn mắm muối đều phải lo; con cái, công tác càng không cho phép người ta lười nhác, xem nhẹ. Nhưng có một số người sau một ngày làm việc vất vả, mệt mỏi, lại coi thường hoặc quên mất thái độ cần thiết đối với một số chuyện vụn vặt, nhất là những chuyện vụn vặt trong hôn nhân. Nhiều người nghĩ thế này: “Việc kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, quan hệ đối ngoại đã làm cho tôi mệt bã cả người rồi, về đến nhà, trước mặt người bạn đời phải được thoải mái hoàn toàn, muốn làm gì, nói gì tùy ý, khỏi cần giữ kẽ”.

Nhưng chính quan niệm cho rằng gia đình là nơi mình có thể buông thả, trước mặt người bạn đời mình không cần giữ kẽ gì hết ấy đã dẫn đến bao nhiêu chuyện rắc rối trong gia đình, hôn nhân. Thái độ coi thường chuyện vụn vặt, xử lý tùy tiện, cẩu thả lâu dần là mầm đại họa đe dọa hôn nhân. Một vị quan tòa từng giải quyết vô số vụ án ly hôn đã thở dài nói: “Bi kịch của hôn nhân hiếm khi do tai nạn lớn thật sự gây nên; chính một số chuyện tưởng chừng vặt vãnh, dễ bị người ta coi thường, trong sinh hoạt hàng ngày, lại là nguyên nhân dẫn đến ly dị”.

Câu nói trên nhắc nhở chúng ta chớ coi thường những chuyện vụn vặt trong hôn nhân, nếu không một dòng mương nhỏ cũng có thể đánh đắm con thuyền hôn nhân như chơi.

Xem nhẹ chuyện vụn vặt trong hôn nhân thể hiện ở 3 phương diện chủ yếu sau đây:

1) Lôi thôi nhếch nhác

Tại một giảng đường lớn ở bậc đại học, một chuyên gia giảng cho các nữ sinh viên về chủ đề “Hôn nhân – gia đình – luân lý”. Ông nói: “Sau khi các bạn bước vào đời sống hôn nhân, xin các bạn chớ xem nhẹ, đừng quên mất cái thiên tính làm đẹp, yêu cái đẹp của mình. Đừng bao giờ cho rằng chồng đã quen nhìn mặt mình quá rồi, nên không cần chú ý, cứ để đầu bù tóc rối, vẻ mặt mệt mỏi mà lên giường nằm. Sau khi kết hôn, phụ nữ do bận công tác, lại bận việc nhà, thường thường có cảm giác mệt mỏi, lúc ấy dễ coi thường chuyện đầu tóc, ăn mặc. Chị em hãy nhớ: Đừng bao giờ ăn mặc lôi thôi nhếch nhác xuất hiện trước mặt chồng, phải giữ vệ sinh thân thể, đầu tóc cho gọn gàng…”.

Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Hồng lâu mộng” có nhân vật Lâm Đại Ngọc: Trước khi lấy chồng là một cô gái nhanh nhẹn, trắng trẻo, sạch sẽ, khả ái; sau khi lấy chồng thì biến thành một người lờ đờ, luộm thuộm, không còn chút gì đáng yêu thuở trước.

Một số cô gái vốn ưa chải chuốt gọn gàng, giữ lễ phép đâu ra đấy; ai ngờ sau khi lấy chồng vài năm thì làm cho người ta không còn nhận ra được nữa, trước mặt nhiều người cứ tự nhiên vạch vú cho con bú, mặc quần áo dơ, đầu bù tóc rối đi qua đi lại trước mặt chồng và khách; lớn tiếng chửi con, mắng chồng ở ngoài đường, thật không còn chút gì gọi là nữ tính, khả ái nữa.

Thực tế chứng minh rằng một phụ nữ mất đi vẻ sáng sủa khả ái, không đoan trang, thiếu tự tin, cộng thêm khuyết điểm lôi thôi nhếch nhác, thô tục, ỷ lại, thì khó lòng giữ được gia đình và người chồng. May sao nhiều chị em nhận thức được ảnh hưởng to lớn của phong thái, cử chỉ đến chất lượng hôn nhân, đến việc củng cố hạnh phúc gia đình; cho nên sau khi kết hôn càng chú trọng việc trang điểm, làm đẹp cho bản thân, tăng cường lòng tự tin, đạt tới độ đoan trang, chín chắn và khả ái.

Thế còn nam giới về phương diện hình thức bên ngoài và phong độ thì sao? Nam giới phần đông chú trọng công tác, ngày ngày trước khi đi làm nói chung đều ăn mặc tươm tất, sạch sẽ. Nhưng về đến nhà là họ cởi quần áo ra quăng khắp nơi; ăn uống no nê thì nằm ngồi ngả ngớn xem tivi. Đến ngày chủ nhật, nam giới phô ra một hình ảnh chẳng đẹp chút nào: Họ ngủ dậy rất trễ, vừa ra khỏi giường (cũng chẳng buồn gấp chăn màn cho tử tế), chưa đánh răng rửa mặt cạo râu, họ đã vớ lấy tờ báo xem tin tức thể thao. Có người kể chuyện về một người chồng lôi thôi lười nhác như sau:

Bình thường anh chàng Lý chẳng quan tâm gì đến việc nhà, chuyện cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa đều là việc của vợ. Một lần vợ Lý đi công tác xa ít hôm. Lý rất lo, nhưng người lười có cách của họ. Ngày ngày Lý đói thì có mì ăn liền, quần áo dơ thì nhúng nước giũ qua loa, phơi khô lại mặc. Nhà cửa mấy hôm không ai dọn, chỗ nào cũng có rác. Mươi hôm sau vợ Lý đi công tác về, khá mệt mỏi, vốn định dịu dàng thân ái với chồng, nhưng bước vào nhà thấy nhà cửa lôi thôi nhếch nhác thì bất giác tức giận, mấy ngày liền không thèm nói với Lý một câu.

Tâm trạng của Lý buồn chán thế nào khỏi nói. Người ta bảo vợ chồng xa nhau ít ngày khi gặp lại còn nồng nàn hơn cả lúc mới cưới, đằng này Lý thấy vợ hoàn toàn dửng dưng lạnh nhạt. Biết trách ai đây? Chỉ trách Lý ỷ lại, lười nhác mà thôi.

Cố nhiên người ta yêu nhau không phải vì hình thức bề ngoài, nhưng người vợ hoặc người chồng không thích người bạn đời lôi thôi nhếch nhác diễu qua trước mặt mình. Nếu muốn người bạn đời thích mình, bạn hãy nhớ xuất hiện trước mặt họ với phong độ tốt nhất, mặt mũi sạch sẽ sáng sủa nhất, quần áo tươm tất nhất.

2) Không để ý đến một số việc có ý nghĩa

Có một phụ nữ đứng tuổi đòi ly dị với chồng sau hai mươi năm chung sống. Người chồng hết sức ngạc nhiên, cũng rất tức giận, kiên quyết phản đối, nói: “Tôi thấy không có lý do gì để ly hôn cả”. Chị vợ nói với vẻ tuyệt vọng: “Anh có bao giờ để ý đâu, tất nhiên không thể biết lý do!”. Vậy tại sao người vợ đòi ly dị?

Trong đơn xin ly hôn, người vợ nêu rõ lý do, rằng anh chồng không hề coi trọng tình cảm giữa hai người. Chị ta viết: “Từ khi cưới nhau, anh ta chưa bao giờ tặng tôi một món quà nào hết, kể cả dịp có ý nghĩa như sinh nhật, sinh con. Tôi cứ trông chờ một ngày nào đó anh ta đột nhiên nhớ ra, mua tặng tôi một bó hoa hay một món quà tuy không đắt tiền nhưng thể hiện tình cảm với tôi. Tiếc rằng việc ấy chưa từng xảy ra. Đó chỉ là việc nhỏ, nhưng tôi cho rằng qua việc nhỏ ấy có thể thấy rõ tình cảm của chồng tôi đối với tôi nhạt nhẽo như thế nào”.

Anh chồng chưa từng tặng quà cho vợ ấy sau khi biết được lý do thì nghĩ mãi cũng không ra, anh ta nói: “Tiền để trong tủ, cô ấy muốn mua thứ gì thì cứ việc mua tùy thích. Mà tôi thấy nhà đầy đủ mọi thứ, có thiếu thứ gì đâu?”.

Trong cuộc sống, những người chồng suy nghĩ kiểu đó không hiếm. Họ cho rằng đấy là chuyện nhỏ nhặt, căn bản không đáng bận tâm, họ không ngờ rằng chính những chuyện tưởng là vụn vặt ấy lại làm cho người bạn đời của họ cho rằng họ không có tình cảm, tích lại lâu dần thành sự bất mãn nặng nề.

Hôn nhân là do hàng loạt những chuyện vụn vặt hợp thành. Coi thường sự thực ấy sẽ gây ra tai họa cho sinh hoạt gia đình. Nghe những lời phàn nàn kể khổ của nhiều chị em phụ nữ, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các cặp vợ chồng ly hôn, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện, tòa nhà hôn nhân của họ đã bị phá hoại bởi toàn là những chuyện vụn vặt.

Cho nên, trong đời sống hôn nhân, nhất thiết không được coi thường những chuyện vụn vặt.

3) Quên lễ giáo

Ngày chủ nhật. La Hồng dậy sớm, vừa thức dậy đã dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, phơi phóng xong xuôi, chị vào phòng khách định ngả người trên ghế sô-pha nghỉ một lát, thì bất giác cả giận, nói giật giọng với chồng đang nửa nằm nửa ngồi trên ghế sô-pha: “Anh có lương tâm hay không đấy? Nhà tôi vừa quét dọn sạch sẽ, thế mà anh ăn quít vứt vỏ và hột bừa bãi thế này à? Người gì mà như vậy?”.

Chồng La Hồng vốn đang cao hứng vừa ăn quít vừa xem tivi, nghe vợ gắt thì cụt hứng, bèn trả miếng: “Mới quét cái nhà chứ công cán nỗi gì? Tôi vứt cái vỏ quít mà cô đã làm ầm ĩ như thế à?”.

Thấy chồng làm sai đã không chịu xin lỗi, còn vặn vẹo, nói những lời khó nghe, La Hồng càng giận thêm. Thế là đôi bên không ai chịu ai, cuộc đấu khẩu cuối cùng diễn biến thành cảnh đập vỡ ấm chén ầm ĩ. Từ tối hôm ấy, hai vợ chồng ngủ riêng.

Sau đó, La Hồng nói: “Khi chúng tôi cãi nhau, chỉ cần anh ấy cúi đầu nhận lỗi, thì sự việc đâu đến nỗi này”. Chồng chị thì nói: “Cô ta nói những lời rất khó nghe, dẫu cô ta có lý, cũng đừng ép người quá đáng như thế!”.

Hai vợ chồng La Hồng vì xem nhẹ vấn đề lễ phép trong nội bộ gia đình, nên phải chịu hậu quả tai hại. Vô lễ, bất lịch sự là cái phá hoại tình yêu. Nhìn chung chúng ta đối xử lịch sự, lễ phép với khách khứa, đồng sự, bạn hữu; còn đối với người trong gia đình, đặc biệt là với người bạn đời, thì chúng ta lại tỏ ra bất lịch sự. Nam giới ở cơ quan ít khi lớn tiếng quát tháo đồng sự, còn ở nhà, đối với người vợ vừa lo công tác, vừa lo trông con, bận bịu bao nhiêu công việc nội trợ, các ông chồng đã chẳng dịu dàng động viên, cám ơn lấy một câu, còn lớn tiếng quát tháo, nói những lời khó nghe.

Số phụ nữ ở gia đình tỏ ra bất lịch sự, vô lễ với chồng cũng khá phổ biến.

Bất kể là vợ hay chồng, tính trầm tĩnh hay nóng nảy, cũng đều không thích, không chịu nổi sự quát tháo, nạt nộ và những lời nói khó nghe của người bạn đời. Có người từng tổng kết: “Kẻ nói những lời tàn nhẫn, lăng nhục, làm tổn thương tình cảm của ta lại chính là người trong gia đình ta”. Đúng vậy, chính những lời nói khó nghe, tệ hại mà chúng ta văng ra với người thân trong lúc tức giận đã phá hoại niềm vui sống của gia đình. Cho nên, mong bạn hãy tỏ ra dịu dàng, lịch sự với người bạn đời, đừng quên rằng trong nội bộ gia đình cũng rất cần có phép lịch sự!

Một người có thân thể khỏe mạnh, sự nghiệp thành công, dĩ nhiên là hạnh phúc; nhưng nếu hôn nhân không mỹ mãn, thì hạnh phúc của người ấy bị giảm đi quá nửa. Có thể nói hạnh phúc hôn nhân là nền tảng của hạnh phúc đời người. Để có được thứ hạnh phúc ấy, mỗi cá nhân tất phải hi sinh một cái gì đó, chẳng hạn phải thay đổi thói quen lôi thôi nhếch nhác, giữ cho hình thức bề ngoài của mình tươm tất sạch sẽ; chú ý đến những chuyện vụn vặt trong hôn nhân; tỏ thái độ lịch sự cần thiết trước mặt người bạn đời.

Bởi vậy, điều đại cấm kỵ thứ ba để bảo vệ hôn nhân hạnh phúc là: Đừng quá xem thường chuyện vụn vặt.

4. Đừng khơi lại nỗi đau thầm kín

Ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người thường thường chôn giấu một vài nỗi đau thầm kín, sở dĩ người ta phải chôn chặt nỗi đau thầm kín, bởi nguyên nhân lớn nhất là nói chung họ không muốn nhớ lại, không muốn kẻ khác khoét vào nỗi đau thầm kín ấy.

Điều gì mình không muốn, thì đừng làm với người khác.

Nước quá trong thì cá không dám sống, vì rất dễ bị đánh bắt; người quá xét nét việc gì cũng truy hỏi, tất nhiên sẽ mất đi rất nhiều niềm vui.

Người ta ai cũng tò mò, muốn biết tiểu sử của người yêu, rất nhiều người cứ phải dò xét để biết đầu đuôi thật rõ ràng mới chịu. Thời gian mới cưới, khi tình cảm còn tươi mát, một số người không cưỡng lại nổi sự khẩn cầu, nài nỉ nhiều lần của người bạn đời, hoặc nghĩ rằng cũng không nên giấu người bạn đời, đã dại dột kể lại đầy đủ mối tình dang dở trước đó của mình. Phần lớn người nghe khi đó cũng không để lộ thái độ khó chịu gì cả, nhưng về sau câu chuyện ấy rất có thể trở thành ngòi nổ bất hòa trong quan hệ vợ chồng.

Cùng với đà tiến bộ của xã hội, rất nhiều người sớm có bạn khác giới hoặc trải qua nhiều mối tình trước khi đi đến kết hôn. Theo số liệu thống kê, số người yêu nhau lần đầu có thể trở thành vợ chồng chiếm một tỉ lệ rất thấp. Người bạn đời của rất nhiều người có thể là đối tượng tìm hiểu hoặc là người yêu thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ N. Như vậy chúng ta có cần dò la, truy hỏi người bạn đời, rằng trước khi kết hôn họ có bao nhiêu mối tình vắt vai hay chăng? Và người bạn đời của ta có nghĩa vụ phải kể đầy đủ mọi chuyện tình cảm trước khi cưới ra hay chăng?

Qua sự việc của nhiều gia đình bất hòa và tan vỡ, chúng ta có thể đi đến kết luận sau đây: Dù là người truy hỏi hay người bị truy hỏi, đều không thu được niềm vui từ lịch sử các mối tình trước ngày cưới. Cho nên, những cặp vợ chồng nào không muốn hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng xấu bởi những mối tình cũ, thì hãy nhớ: đừng quay lại phía sau, hãy nhìn về phía trước, hãy quên tình cảm quá khứ, như thế sẽ chỉ có lợi cho hôn nhân của bạn.

Lưu Lâm và Tào Phương sau ngày cưới sống với nhau rất dễ chịu. Lưu Lâm lấy làm sung sướng vì mình đã tìm được một người vợ thấu tình đạt lý như Tào Phương. Tào Phương thấy chồng vừa dịu dàng vừa quan tâm đến mình thì cũng vạn phần vui sướng. Một hôm hai vợ chồng đang trò chuyện vui vẻ, Tào Phương bỗng nói: “Anh có thể kể cho em nghe mối tình trước ngày cưới của anh được không?”.

Lưu Lâm nói: “Chuyện qua rồi nhắc lại làm gì cơ chứ!”, nhưng Tào Phương cứ một mực nài nỉ, Lưu Lâm nghĩ: Thôi thì kể mấy mối tình cũ ra cho cô ấy khỏi truy hỏi nữa. Bèn nói: “Trước khi lấy em, anh có mấy lần tìm hiểu. Em muốn biết, thì cứ đọc nhật ký ngày trước của anh sẽ biết. Nhật ký anh để ở ngăn dưới cùng trong tủ sách ấy. Lúc nào rỗi, em lấy mà xem!”.

Rồi Lưu Lâm căn bản không để tâm chuyện ấy nữa, anh quên biến đi. Một hôm, anh đi làm về, thấy vợ nằm trên giường, anh cao hứng gọi vợ: “Anh về rồi đây, em yêu”. Nào ngờ Tào Phương mọi lần vẫn vui mừng đón anh về, lần này lại sẵng giọng: “Đừng có gọi tôi như thế, con người trăng hoa không biết xấu! Anh yêu mấy cô rồi, vậy mà còn leo lẻo bảo yêu tôi. Nói dối không biết ngượng mồm!”.

Lưu Lâm bấy giờ mới vỡ lẽ, thì ra tất cả đều do cuốn nhật ký của anh gây họa. Sớm biết thế này, chẳng dại gì nói cho vợ hay!

Lưu Lâm lấy làm ân hận vô cùng. Nhưng sự việc mới chỉ là phần mở đầu. Từ đó, cứ mỗi lần vợ của Lưu Lâm nhớ đến cuốn nhật ký lại là chứng cứ tội lỗi của anh. Chẳng hạn có lần hai vợ chồng đang vui vẻ xem bộ phim truyền hình nhiều tập về đề tài tình yêu, Tào Phương đột nhiên lạnh lùng buông ra một câu: “Lưu Lâm, nếu có dịp gặp lại người yêu đầu tiên của anh, chắc anh cũng giống như nhân vật nam trong phim, tình yêu lại trỗi dậy đấy nhỉ?”.

Trước lời mỉa mai của vợ, khỏi phải nói Lưu Lâm tức giận thế nào. Cuối cùng thì hai vợ chồng cãi nhau to. Lưu Lâm nói: “Cô đã không tin vào tình cảm của tôi, thì chúng ta chia tay nhau sớm cho rồi!”.

Ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người thường thường chôn giấu một vài nỗi đau thầm kín, sở dĩ người ta phải chôn chặt nỗi đau thầm kín, bởi nguyên nhân lớn nhất là nói chung họ không muốn nhớ lại, không muốn kẻ khác khoét vào nỗi đau thầm kín ấy. Dẫu là vợ chồng đầu gối tay ấp, ăn cùng mâm ngủ cùng giường, cũng không nên bộc lộ hết thảy mọi điều trong lòng với nhau. Vì sao? Vì hầu như tất cả đều công nhận rằng người bạn đời vị tất sẽ thông cảm cho mọi chuyện trước đây của mình. Nghĩ thế là đúng, thử nghĩ có ai dễ chịu khi nghe kể lại tình yêu đằm thắm mà trước đây người bạn đời của mình dành cho kẻ khác kia chứ? Tình yêu hết sức ích kỷ, chỉ muốn độc chiếm một mình, càng yêu càng không chịu san sẻ cho người thứ ba.

Vậy phải làm thế nào để tránh phát sinh mâu thuẫn loại đó giữa hai vợ chồng?

1) Đừng nên truy hỏi chuyện tình cảm ngày trước của người bạn đời

Bạn nên nhớ rằng việc truy hỏi chuyện tình cảm trong quá khứ không chỉ vô bổ, mà còn làm cho người bạn đời buồn phiền về bạn, cho rằng bạn tự dưng vô cớ gây sự. Nếu bạn không thể nén được sự tò mò của mình về tình cảm quá khứ của vợ (hoặc chồng) bạn, thì hãy thử nghĩ: “Nếu vợ (hoặc chồng) mình truy hỏi mình về nỗi đau thầm kín của mình, thì mình sẽ cảm thấy ra sao nhỉ?”.

Điều gì mình không muốn, thì đừng làm với người khác. Để tránh chính mình sa vào thế bị động, tiến thoái lưỡng nan, xin chớ khơi lại nỗi đau thầm kín của người bạn đời.

2) Khoét vào chỗ yếu không phải là biện pháp hữu hiệu

Khoét vào chỗ yếu của người khác thực ra là một con dao hai lưỡi. Gọi là con dao hai lưỡi, vì nó làm tổn thương vừa người khác vừa chính mình. Trong cuộc đấu khoét vào chỗ yếu, vào nỗi đau thầm kín của người bạn đời, không có bên nào giành thắng lợi cả. Con dao hai lưỡi ấy làm tổn thương lòng tự tôn của người bạn đời, lại phá hoại tâm trạng của chính mình, rốt cục là phá hoại hôn nhân. Người bạn đời không muốn khơi lại chuyện cũ, rất có thể vì cho rằng chuyện đó làm mất thể diện của mình, là khoét vào chỗ yếu của mình. Thực tế chứng minh rằng khoét vào chỗ yếu của người khác cho bõ tức hoàn toàn không phải là biện pháp tốt. Khi bạn càng khoét sâu vào chỗ yếu của người bạn đời, bạn càng nói càng tức; còn người bạn đời cũng bị tổn thương, ngượng quá hóa giận. Hai cái nóng giận cùng bốc lên, hậu quả thế nào khỏi cần nói cũng biết.

Khi bạn dùng biện pháp khoét vào chỗ yếu, vào nỗi đau thầm kín của người bạn đời để buộc họ khuất phục, nhận sai, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng đó là một con dao hai lưỡi, đã chẳng làm nguôi cơn giận của bạn, cũng chẳng thể làm cho người bạn đời “trở nên trong sạch” như bạn hi vọng. Khoét vào chỗ yếu không phải là biện pháp hay.

3) Độ lượng là chất kết dính của niềm vui hôn nhân

Khi tình cờ biết được nỗi đau thầm kín của người bạn đời, điều trước hết bạn cần làm là hãy cố nén sự tò mò, đừng khoét sâu thêm vào chỗ yếu; điều thứ hai cần làm là bạn hãy làm như chuyện ấy không liên quan gì đến mình, hãy lờ đi, coi như không có nó, không thèm để ý đến nó làm gì.

Nước quá trong thì cá không dám sống, vì rất dễ bị đánh bắt; người quá xét nét việc gì cũng truy hỏi, tất nhiên sẽ mất đi rất nhiều niềm vui.

Đối với những chuyện không liên quan đến nguyên tắc, ta cần độ lượng một chút. Người độ lượng mới không xét nét so đo, mới có thể tìm được niềm vui từ những cái rất bình thường. Bạn nên nhớ, trong hôn nhân, sự độ lượng sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn.

4) Hướng sự chú ý sang chuyện khác

Có người châm biếm gọi kẻ cứ khoét vào nỗi đau thầm kín của người bạn đời là vô công rồi nghề, ăn lắm dửng mỡ. Lời tuy khó nghe, nhưng có một phần sự thật. Đừng tốn thời gian cho việc dò hỏi xem người bạn đời từng có bao nhiêu mối tình vắt vai, mà hãy dành thời gian cho việc khác hữu ích, chẳng hạn rủ nhau đi chơi, hoặc bàn luận về một bộ phim, một cuốn sách mà cả hai cùng xem.

Khi thấy người vợ đăm đăm nhìn vầng trăng, một người chồng thông minh sẽ lại gần trò chuyện về thơ phú, hội họa, hoặc cùng vợ gợi lại kỷ niệm chung của hai người. Còn một người chồng cứ muốn khoét vào chỗ yếu của vợ khi ấy sẽ uất ức châm chọc: “Thế nào, nhìn trăng lại nhớ đến thằng bồ cũ phải không?”. Người vợ dẫu hiền lành đến mấy, nghe câu nói khó chịu đó cũng sẽ tức giận, còn gì là vui!

Bạn có muốn hôn nhân hạnh phúc hay không? Hãy quên hết chuyện cũ, hãy nhìn về phía trước, hi vọng khung cảnh huy hoàng tươi sáng trong tương lại, đừng để bóng tối quá khứ xen vào.

Bởi vậy, điều đại cấm kỵ thứ tư để bảo vệ hôn nhân hạnh phúc là: Chớ có khoét vào chỗ yếu, vào nỗi đau thầm kín của người bạn đời!.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button