Kỹ năng mềm

Khổng Tử Tâm Đắc

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Yu Dan

Download sách Khổng Tử Tâm Đắc ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Người đời Tống từng có câu rằng: “Trời không sinh Trọng Ni, thiên hạ sẽ mãi chìm đắm trong đêm dài vạn cổ” (Ngư Ẩn tùng thoại tiền tập).

Mạnh Tử, người được tôn là bậc á thánh của Nho gia, từng ca ngợi Khổng Tử là “bậc thánh trong việc nắm bắt chữ thời”. Theo ông, thánh nhân là người luôn không ngừng tu dưỡng về mặt đạo đức, chăm việc thiện, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và không ngừng biến hóa theo thời (Mạnh Tử, Tận tâm hạ).

Chúng ta đều biết, tôn chỉ của Nho gia là “nội thánh ngoại vương”, nghĩa là người quân tử trước tiên cần tu dưỡng để trở thành thánh nhân, sau đó dùng “vương đạo”, tức lòng nhân để trị nước. Mục tiêu cao nhất của Nho gia từ cả hai quá trình này thực ra không ngoài việc mong mỏi tất cả mọi người trong xã hội đều có thể đạt đến cảnh giới của “chí thiện”.

Sống trong cục diện nhiễu nhương của xã hội cuối thời Xuân Thu, trước thực tế con người chỉ biết nháo nhào chạy theo “lợi kỷ” và những dục vọng vật chất thấp hèn, Khổng Tử đã nêu ra mỹ học về chữ “thiện”, về lòng nhân, theo ông chỉ có chữ “nhân” mới có thể cứu vãn xã hội Xuân Thu, cứu vãn nhân loại. Bản thân Khổng Tử cũng từng nói rằng: “Nhân ái có cách xa chúng ta lắm không? Chỉ cần chúng ta muốn đạt đến điều nhân ái, nhân ái sẽ đến bên cạnh chúng ta”.

Đạo nhân ái, nói cho cùng chính là lòng yêu người, là yêu cầu mỗi người phải hòa chung nhịp đập của trái tim mình vào nhịp đập chung của trái tim nhân loại, thế nhưng cũng chính điểm này đã đem đến cho khái niệm một tầm bao quát cực kỳ rộng lớn. Nhìn lại lịch sử, tính từ khi học thuyết của Khổng Tử ra đời cho đến tận ngày nay, người Trung Quốc, thậm chí cả các học giả nước ngoài chưa bao giờ ngừng việc tìm hiểu về chữ nhân.

Tác giả Yu Dan đi từ việc đọc Khổng Tử, nghiền ngẫm Khổng Tử cho đến giảng về Khổng Tử (Luận Ngữ tinh hoa), thế nhưng phải chờ đến khi có tuổi, sau khi đã chuyển hẳn sang nghiên cứu Trang Tử, bà mới ngộ ra rằng, có quá nhiều thứ, bao gồm cả điều quan trọng nhất trong hệ thống mỹ học của Khổng Tử, tức đạo nhân, vẫn chưa từng được đề cập.

Khổng Tử tâm đắc của Yu Dan gồm bảy chương, trong đó đạo nhân ái được xếp sau cùng, các nội dung được xếp giảng trước như hiếu kính, trí tuệ, học tập, thành tín, trị thế, trung thứ đều là những bước cần thiết, tạo cơ sở vững chắc để tác giả giảng về đạo nhân. Thậm chí, hoàn toàn có thể nói, năm chương đầu của sách thực ra chỉ là những biểu hiện cụ thể của đạo nhân.

Từ khi được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc và được xuất bản thành sách, những bài giảng của Yu Dan luôn nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ phía khán thính giả và độc giả, bao gồm cả đối tượng là người nước ngoài. Với phương châm cùng chia sẻ tinh hoa tri thức nhân loại, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam cuốn sách Khổng Tử tâm đắc, hy vọng quý vị sẽ tìm thấy thật nhiều những điều tâm đắc khi đọc xong quyển sách này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Phức

Viết tại Nhàn đường, Sài Gòn

ĐẠO HIẾU KÍNH

Sự mộc mạc, ấm áp của Luận Ngữ là ở chỗ nó không chỉ hàm chứa đạo lớn của thiên hạ, mà quan trọng hơn, nó chưa bao giờ đánh mất khởi điểm mộc mạc của mình.

Đạo hiếu kính chính là khởi điểm của sự mộc mạc này. Chúng ta ngày nay đã thực sự xa rời xã hội tông pháp, bối cảnh nảy sinh đạo hiếu. Trong xã hội hiện đại, giữa cha và con đã không còn tồn tại mối quan hệ kiểu vua tôi đối ứng. Thế thì phải chăng chữ “hiếu” hiện đã quá lỗi thời?

Phải chăng trong xã hội ngày nay, xã hội mà ai cũng được quyền bình đẳng, được hưởng sự công bằng trước pháp luật, “hiếu” không còn là nguyên tắc cơ bản của việc làm người?

Luận Ngữ không chỉ nói cho chúng ta biết cách tu dưỡng nhân tâm, mà còn đem đến một con đường, để mỗi người có thể đi đến lý tưởng của mình.

Khổng Tử và các học trò có rất nhiều những lời hỏi đáp hàng ngày. Ví dụ, một ngày nọ, Nhan Hồi và Tử Lộ nói chuyện cùng thầy. Khổng Tử nói: “Các con mỗi người đều nói về chí hướng của mình đi!”.

Tử Lộ nói: “Mong muốn của con là đem những đồ vật tốt của chính mình như quần áo, ngựa xe cho bạn bè cùng dùng, dùng đến hỏng cũng chẳng sao”.

Nhan Hồi nói: “Nguyện ước của con là làm sao để mỗi người không còn thường xuyên khoe khoang về chính mình, không phóng đại công lao của bản thân, bất cứ lúc nào cũng giữ được hai chữ ‘khiêm tốn’, thế là được”.

Đúng lúc này, các học trò mới phát hiện là thầy mình vẫn chưa nói gì. Tử Lộ bèn nói: “Chúng con rất muốn được nghe chí hướng của thầy!”.

Khổng Tử đã điềm đạm nói về lý tưởng của mình bằng ba câu hết sức đơn giản: “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi” (Luận Ngữ, Công dã tràng).

Chí hướng của Khổng Tử chính là làm sao để người già được yên lòng, bạn bè được tin tưởng lẫn nhau, còn con trẻ thì luôn được yêu mến.

Các bạn nghĩ xem, mỗi người trên thế giới này có ai không bị ràng buộc bởi ba mối quan hệ, đó là: quan hệ với các bậc bề trên, cụ thể là cha mẹ – những người đã sinh thành và nuôi nấng chúng ta nên người; với những người cùng thế hệ, tức bạn bè – những người luôn gắn bó cùng chúng ta hầu như suốt cả cuộc đời; và với những người thuộc thế hệ sau, tức là con cái của chính chúng ta?

Nói về chí hướng, Khổng Tử hoàn toàn không đề cập đến việc phải xây dựng quốc gia, xã tắc ra sao, cần làm thế nào để có thể kiến lập công danh, mà ông chỉ bày tỏ ước nguyện làm sao cho người già có thể yên lòng, bạn bè có thể tin tưởng, cùng giữ chữ tín với mình, và làm sao để mình trong mắt con trẻ luôn được yêu mến, ngưỡng mộ, nhớ nhung. Nếu như sự tồn tại của chúng ta có thể khiến trong lòng ba đối tượng ấy có những trạng thái tình cảm như vậy là đã đủ.

Trong tình huống này, xếp ở vị trí thứ nhất chính là “lão giả an chi”.

Hiếu kính là một đức tính tốt đẹp, nhưng thế nào mới thực sự là “hiếu”, chúng ta đã thực sự hiểu rõ chưa?

ĐỌC THỬ

Chỉ một chữ “an” (yên), phải chăng rất dễ thực hiện? Để cho người già bên ngoài có thể an thân, bên trong có thể an lòng là mong muốn của bất cứ người con nào, và mỗi người con có một cách làm khác nhau, nhưng để làm tốt công việc này thì thật không dễ dàng.

Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, tức là tất cả mọi điều thiện đều bắt đầu từ chữ hiếu, bởi vì đây là thứ tình cảm sâu sắc nhất của nhân sinh, không ai có thể tránh né.

Nói về lòng hiếu thuận, dân gian Trung Quốc còn có câu: “Luận tâm bất luận tích”. Chúng ta đều biết, không phải tất cả những người con có hiếu đều có đủ tiền tài và địa vị, không phải ai cũng có thể thể hiện tình yêu của mình dành cho cha mẹ kèm theo những giá trị vật chất. Đôi khi một tâm nguyện hết sức sâu sắc, cao cả chỉ được thể hiện qua những việc làm vô cùng nhỏ bé, bình thường.

Việc làm cho người già yên lòng có thể xuất phát từ rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, ví dụ như mua căn hộ rộng bao nhiêu, mua xe hơi hiệu gì, dẫn người già đi du lịch ở đâu, để người già mặc quần áo như thế nào, cho họ ăn gì…, thế nhưng những thứ đó có thực sự làm cho người già có thể yên lòng?

Rất nhiều học trò từng hỏi Khổng Tử về chữ “hiếu”. Trong Luận Ngữ có chép việc Tử Du đến hỏi Khổng Tử thế nào là hiếu. Khổng Tử trả lời rằng: “Cái gọi là hiếu ngày nay chỉ cần nuôi dưỡng người già là đủ”. Thế rồi Khổng Tử tiếp tục hỏi ngược lại Tử Du: “Ngươi xem những loài súc vật như chó, ngựa đều được con người nuôi dưỡng, nếu hằng ngày ngươi chỉ cung cấp cho cha mẹ thức ăn mà không có sự tôn kính phát ra từ trong lòng, thế thì có khác chi việc nuôi loài ngựa, loài chó?”.

Trong Luận Ngữ, thiên Vi chánh, khi Tử Hạ đến hỏi về chữ hiếu, Khổng Tử lại đề cập đến một hiện tượng khác. Ông nói: “Người làm con cần phải giữ cho trọn đạo hiếu, điều khó nhất của việc này chính là làm sao đối với cha mẹ lúc nào cũng giữ được sắc mặt ôn hòa vui vẻ. Cái gọi là hiếu ngày nay chính là khi có một số việc cần phải làm thì những người làm con đều tranh nhau làm; trong điều kiện sinh hoạt vật chất không thực sự lý tưởng, con cái luôn tìm mọi cách để cha mẹ có đủ cái ăn cái mặc”.

Khi được Tử Du, Tử Hạ hỏi về chữ hiếu, Khổng Tử đã nêu ra những sự việc, hành vi mà hầu hết người đời đều cho đó là tiêu chuẩn của lòng hiếu thảo, ví dụ cố gắng làm việc để nuôi dưỡng cha mẹ, khi có thức ngon vật lạ đều mời cha mẹ dùng trước, và chủ động gánh vác thay cho cha mẹ mỗi khi có việc khó khăn, nặng nhọc. Thế nhưng, ở mỗi trường hợp, Khổng Tử đều hỏi ngược lại một câu, và chính những câu hỏi do Khổng Tử đặt ra đã khiến mỗi chúng ta không thể không trăn trở. Người Trung Quốc thường dùng chữ “hiếu” chung với chữ “kính”, trong đó “hiếu” là hành động, còn “kính” là bản tâm. Quan trọng hơn cả việc nuôi dưỡng cha mẹ chính là chúng ta có thực lòng kính trọng sâu sắc đối với cha mẹ hay không?

Nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, làm cho con người luôn ở trong trạng thái hết sức bận rộn.

Phận làm con ngày nay thường xuyên phải chất vấn chính mình: phải làm sao để cha mẹ có thể an lòng, phải làm thế nào để đạt đến chữ hiếu thực sự?

Trên thế giới này, tình yêu giữa các sinh vật đều có chung một quy luật rất đẹp nhưng có phần tàn khốc là tất cả tình yêu đều được thực hiện từ trên xuống, tức là chỉ có cha mẹ mới yêu con cái. Cha mẹ xem con cái là máu thịt của chính mình, nên dù cha mẹ đối với con cái có tận tâm tận lực đến thế nào cũng không bị xem là quá mức.

Chúng ta có thể chứng kiến rất nhiều câu chuyện về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, ví dụ khi con bị bệnh, người làm cha mẹ chờ đợi bên ngoài phòng mổ không ngừng thổn thức ý nguyện muốn đem tim gan mình san sẻ cho con. Thiết nghĩ, một khi kỹ thuật cấy tim hoàn thiện, trong số mười bà mẹ chắc chắn có đến chín người sẵn sàng đem trái tim mình để trao tặng cho con.

Ngược lại, nếu đi tìm những câu chuyện cảm động về tình yêu của con cái đối với cha mẹ, tất nhiên là không thiếu, nhưng số lượng hạn chế hơn rất nhiều lần.

Vậy nên hiểu về chữ hiếu như thế nào cho đúng? Hãy bắt đầu từ hai câu hỏi Khổng Tử đã nêu. Ta có thể nuôi sống cha mẹ, đó là hiếu chăng? Việc gì ta cũng gắng làm để cha mẹ có cái ăn cái mặc, đó là hiếu chăng? Để hiểu được điều này, trước hết chúng ta cần lý giải xem cha mẹ đóng vai trò gì trong suốt cuộc đời của người làm con.

Có một câu chuyện như thế này: có một đứa bé trai, từ nhỏ đã hay chơi đùa bên cạnh một cây táo lớn. Đứa bé rất thích cây táo, bởi cây táo không chỉ cao, đẹp mà còn cho nhiều quả ngon.

Hàng ngày, đứa bé ở bên cạnh cây táo, lúc trèo lên cây vặt quả ăn, lúc nằm ngủ dưới gốc, lúc nhặt lá, lại có lúc dùng dao hoặc vật sắc nhọn cứa liên tục lên thân cây. Cây táo rất yêu thằng bé, nên chưa bao giờ trách móc, ngày ngày cùng chơi với thằng bé.

Thời gian trôi qua, thằng bé chẳng mấy chốc đã lớn. Nó không còn đến bên cây táo nữa. Cây táo rất nhớ thằng bé. Trải qua một khoảng thời gian khá dài, khi thằng bé quay trở lại thì nó đã là một cậu thiếu niên. Cây táo hỏi cậu bé:”Tại sao cậu không đến chơi với tôi nữa?”. Cậu bé cáu kỉnh trả lời: “Tôi đã lớn rồi, không còn hứng thú gì khi chơi với ông cả. Bây giờ thứ tôi muốn chính là vô số những đồ chơi hiện đại, rồi tôi còn phải đi học, phải nộp cả tiền học phí nữa”.

Cây táo nói:”Cậu xem đấy, bản thân tôi ắt không thể biến thành đồ chơi. Nhưng thế này nhé, cậu có thể hái hết quả của tôi đem đi bán. Chỉ cần có tiền, cậu có thể có đồ chơi, có tiền đóng học phí”. Cậu bé nghe xong cảm thấy rất vui, trèo lên hái hết quả, sau đó vui sướng ra về.

Cứ như thế mỗi năm đến mùa hái quả, cậu bé vội vã tới hái, rồi lại vội vã ra đi, còn bình thường thì không hề đến chơi cùng cây táo. Rồi có một khoảng thời gian rất dài cậu ta không đến, vì bận đi học. Mấy năm sau, cậu thiếu niên xưa kia nay đã lớn bổng thành một chàng trai, khi chàng trở lại gốc táo năm xưa thì cây táo đã già.

Cây táo nói: “Trời ơi, tại sao lâu quá rồi không thấy anh đến, anh không muốn chơi cùng tôi hay sao?”. Chàng trai trả lời: “Tôi bây giờ phải lo cưới vợ, lo xây dựng sự nghiệp, tôi còn tâm trí đâu mà vui đùa cùng ông? Bây giờ ngay cả cái nhà để ở tôi còn chưa có, mà tôi cũng chẳng có tiền để làm nhà nữa”.

Cây táo khuyên chàng trai đừng buồn, và nói: “Anh hãy chặt tất cả những cành trên thân tôi, chắc chắn sẽ đủ để anh làm nhà”. Chàng trai vui sướng nghe theo lời cây táo, chặt hết cành trên cây, dựng thành ngôi nhà.

Trải qua rất nhiều năm, chàng trai lại đến bên thân táo, lúc này tuổi chàng đã bước sang độ trung niên, cây táo cũng không còn cành, quả. Thế nhưng cậu bé ngày xưa vẫn không vui, chàng đứng bên thân táo mà trong lòng tràn đầy tâm sự.

Chàng nói với táo: “Nay tôi đã trưởng thành, đã học xong, cũng đã thành gia thất, thế nhưng tôi còn phải làm một việc lớn trong đời. Ông thấy đấy, đại dương trên thế giới này mới bao la rộng lớn làm sao, tôi muốn đi đến một nơi thật xa, nhưng trong tay tôi ngay cả một con thuyền cũng không có, thế này thì tôi có thể đi đâu được chứ!”.

Cây táo nói: “Này cậu, cậu đừng quá lo buồn, cậu hãy chặt thân tôi xuống mà làm thuyền”. Cậu bé ngày xưa nghe xong rất vui, bèn chặt thân cây, làm thành một con thuyền lớn, giong buồm ra biển.

Lại trải qua rất nhiều năm, cây táo bây giờ chỉ còn trơ lại một gốc cây sắp khô đến chết. Cậu bé ngày xưa trở lại, lúc này tuổi tác của cậu ta cũng đã lớn. Khi cậu ta trở lại bên gốc táo, gốc táo nói: “Này cậu, xin lỗi cậu, cậu thấy đấy, tôi bây giờ chẳng còn quả cho cậu ăn, chẳng còn thân cho cậu leo trèo, tôi nghĩ chắc chắn cậu không còn muốn chơi cùng tôi nữa rồi”.

Cậu bé ngày xưa nói với gốc táo: “Thực ra bây giờ tôi cũng già rồi, quả thì tôi không cắn nổi, thân cây thì tôi không trèo nổi, tôi từ nơi xa xôi trở lại đây chính là muốn tìm một gốc cây để ngồi xuống nghỉ ngơi, tôi cảm thấy mệt rồi. Lần này tôi trở về chính là để vui chơi cùng ông”.

Gốc táo cảm thấy vui biết bao, phải đến lúc này nó mới thực sự gặp lại dáng vẻ của đứa bé ngày xưa.

Ý nghĩa câu chuyện này muốn gợi ra chính là sự hy sinh của cha mẹ và sự trưởng thành của chúng ta. Cây táo chính là hình ảnh của cha mẹ, còn chúng ta là đứa bé hồi nhỏ quẩn quanh chơi đùa bên thân táo. Mỗi chúng ta đều trải qua một quá trình trưởng thành như thế, vui vẻ lớn lên bên cha mẹ, sau đó bước ra xã hội. Thế nhưng tại sao thường phải đến cuối đời con người mới quay trở về bên cha mẹ? Câu trả lời nằm ở điều chúng ta vẫn thường nói mỗi ngày: “Không nuôi con không biết công ơn trời biển của cha mẹ”. Phải đến khi chính mình được làm cha mẹ, ta mới thấy làm cha mẹ quả thật không dễ dàng.

Tại sao thường phải đến cuối đời con người mới quay trở về bên cha mẹ?

Chờ tới khi chúng ta quay trở về bên gốc cây ngày xưa, thì khi ấy trong lòng chúng ta đã có quá nhiều điều tiếc nuối, có rất nhiều việc vốn chúng ta có thể làm được nhưng đã bỏ lỡ. Dù vậy, trong bất kỳ tình huống nào, người làm cha mẹ cũng rất ít khi bắt lỗi con cái.

Câu chuyện này dường như hết sức tàn khốc, nhưng hãy thử nhìn lại một đời con cái, chẳng phải họ đã nhận từ cha mẹ không biết bao nhiêu thứ đó sao? Cha mẹ đã cho con cái trọn vẹn tình yêu, điều quý giá nhất trong cuộc đời họ.

Tại sao hiếu kính được xem là một đức tính đẹp, được xã hội đề cao, chứ hoàn toàn không phải là một thứ bản năng thuộc về cá nhân? Đều là mối quan hệ huyết thống, tại sao tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lại tự giác, nồng đượm đến thế, còn tình yêu của con cái đối với cha mẹ lại có phần khiên cưỡng?

Đều là mối quan hệ huyết thống, tại sao tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lại tự giác, nồng đượm đến thế, còn tình yêu của con cái đối với cha mẹ lại có phần khiên cưỡng?

Tôi thực sự rất thích câu hỏi ngược lại của Khổng Tử. Làm được như thế phải chăng đã thực sự là hiếu? Câu hỏi này đã làm cho chúng ta tỉnh ngộ.

Khổng Tử là người khoan dung, ông không bắt buộc tất cả mọi người đều phải tuân thủ nghi lễ, bao gồm cả những nghi lễ mà ông xem trọng nhất. Một lần kia, học trò Tể Ngã nói với thầy mình rằng: “Để tang cha mẹ liên tục ba năm, e là quá dài. Quân tử ba năm không thực hiện việc lễ nghi, lễ nghi ắt sẽ bại hoại; âm nhạc ba năm không tấu, âm nhạc ắt sẽ hoang phế. Lúa cũ ắt hết, lúa mới ắt phải thay, việc này vừa đúng một năm; việc chà xát gỗ lấy lửa bốn mùa đều cần dùng vật liệu khác nhau, nhưng cũng vừa đúng một năm trải qua một vòng. Thế thì cớ làm sao mà chúng ta phải để tang cha mẹ đến ba năm mà không phải là một năm?”.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button