Kỹ năng mềm

Không Có Sông Nào Để Vượt Qua

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ni Daehaeng

Download sách Không Có Sông Nào Để Vượt Qua ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Cuộc sống luôn luôn là dòng sông trôi chảy, chúng ta sống là chảy, là hoạt động không ngừng. Vì luôn đồng hành, luôn tươi mới nên không đứng lại, không ở một bên bờ để ngóng tìm bờ bên kia.

Ni sư Đại Hạnh (Daehaeng) đã thể nhập tính sống trọn vẹn. Những bài pháp mạnh mẽ của Sư giúp chúng ta cảm nhận năng lực vô tận của chính mình và của cả thế giới. Xin trân trọng giới thiệu bản dịch này, như một món quà cho năm 2012.

TN. Như Đức

Viên Chiếu đầu mùa An cư

LỜI ĐẦU SÁCH

Sự cống hiến mà chư ni Đại Hàn đã và đang làm đối với Phật giáo bị bỏ qua một cách không hợp lý. Có rất ít tư liệu về hoạt động của chư ni trong sử liệu Phật giáo Đại Hàn. Chỉ có một vài ghi chép về chư Ni trong triều đại Tân La (năm 57 trước kỷ nguyên đến 935), thêm một vài đại lược về chư Ni trong thời đại hoàng kim của Phật giáo ở vương triều Cao Ly (935-1392), nhưng sau đó lại chẳng có gì trong triều đại Chosun (Nhà Lý, 1392-1910), khi phụ nữ chịu áp bức trong định chế xã hội và Phật giáo thì bị các Nho sĩ đàn áp. Bất chấp sự mờ nhạt này, chư ni Đại Hàn thực sự đã tạo những bước tiến tột bực trong phần tư cuối thế kỷ XX. Và trong thế hệ hiện tại của những vị Ni phi phàm, không ngôi sao nào lại chiếu rực rỡ hơn thiền sư ni Đại Hạnh. Thực ra không có vị Ni nào lại có ảnh hưởng sâu rộng hơn vừa trong tông phái Tào Khê vừa trong toàn diện xã hội Đại Hàn.

Đối với Phật giáo Đại Hàn hiện đại, Thiền sư ni Đại Hạnh là một trong những khuôn mặt nổi tiếng và được kính trọng nhất, chắc chắn cũng là vị Ni có ảnh hưởng sâu rộng và năng nổ nhất trong truyền thống. Với phẩm chất tuyệt hảo của một thiền sư, Sư bà Đại Hạnh đã trải qua nhiều năm dài tu tập sâu trong núi rừng Đại Hàn trước khi ra giảng dạy. Sư nổi danh khắp nơi là một bậc thầy vừa có tuệ giác vừa có lòng từ bi sâu sắc, đã hướng dẫn hàng ngàn tăng ni, Phật tử trong suốt cuộc đời hoằng hóa. Một điều khác thường là đệ tử của Sư cũng gồm những vị tăng, điều chưa từng xảy ra trước đây trong nhà thiền, khi Ni không được xem trọng như Tăng. Trung tâm Thiền Nhất Tâm mà Sư bà sáng lập trên ba mươi năm trước đây, được nổi danh là một trong những cơ sở Phật giáo Đại Hàn có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, với hơn mười lăm chi nhánh trong nước và mười chi nhánh ở ngoại quốc.

Tài năng của Sư bà Đại Hạnh lan tỏa đến một thính chúng rộng lớn vừa xuất gia vừa tại gia đã được ghi lại đầy đủ trong tập sách: No River To Cross – Không Có Sông Nào Để Vượt Qua. Phương pháp giảng dạy của Sư bà thật vô cùng đơn giản mà cũng sâu sắc khác thường. Sư bà nổi tiếng khắp nơi về sự thông tuệ, thấu suốt được bản tính của mọi người, cùng khả năng sử dụng tuệ giác đó sao cho giáo pháp giảng dạy đáp ứng một cách chính xác với nhu cầu người nghe. Được dàn trải y như kinh điển cổ truyền Ấn Độ, cuốn sách đã trình bày lời dạy của Sư bà theo phương cách khiến học giả hay người nghiên cứu đều hiểu được. Trong tuyển tập, Sư bà Đại Hạnh đã nổi bật như một trong những vị Thầy với lối dạy sáng tạo và dễ hiểu nhất của Phật giáo hiện đại Đại Hàn, người có thể sử dụng ngay cả những gì thông tục nhất trong đời thường để biến thành bột trong cối xay của giáo pháp và sự tu tập.

Robert Buswell, Giám đốc Trung tâm

Nghiên cứu Phật giáo, UCLA

ĐỌC THỬ

Phần mộtNHỮNG NGUYÊN TẮC

Chương mộtNHỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU

Ta là ai?

Trên mọi thứ, bạn phải thực sự biết chính mình. “Ta là ai?” và “Ta là gì?” là những câu hỏi quan trọng nhất. Có lẽ bạn nghĩ, “Tôi là tôi. Tôi là gì khác chứ?” Nhưng không đơn giản thế. Làm sao bạn hiện hữu? Nếu nói rằng cha mẹ sanh ra bạn, điều này ngụ ý rằng bạn chỉ là sự kết hợp sinh học của tinh cha và trứng mẹ. Bạn chỉ là thế thôi sao? Không! Có một thứ là bản thể, gốc rễ của bạn, đó là chân tánh của bạn. Bạn phủ nhận gốc rễ này chỉ vì không thể thấy nó sao? Kinh nghiệm về gốc rễ này đối với chính bạn là việc phải làm khi bạn làm người.

Toàn thể vũ trụ hình thành sau khi bạn sinh ra. Thế giới hiện hữu, gia đình bạn hiện hữu, và mỗi một vật mà bạn bắt gặp cũng đang hiện hữu. Nếu không hiện hữu thì chân lý và thế giới này có nghĩa gì với bạn? Cái gì thấy nghe, ngồi, đứng, nói năng, phản ứng với hoàn cảnh vào bất cứ lúc nào, nơi nào? Bạn phải biết rõ ràng chân tánh, nguồn gốc thực sự của bạn.

Thân xác là một loại vỏ, nhưng có cái gì khác khiến nó chuyển động. Thế mà, nhiều người cảm thấy rằng thân xác thực sự là “tôi”. Thật ra, cái ngã này giống như một bao bố. Khi thân trở nên kiệt quệ và sẵn sàng bị ném bỏ, những vật bạn chất chứa suốt đời như “cái của tôi” còn dùng được gì?

Hãy nhớ rằng xác thịt của bạn không bền lâu mà thoảng qua như quần áo thay đổi. Quan sát tư tưởng cũng vậy. Trong khi quan sát, phải biết rõ cái được gọi là “tôi” chỉ có mặt tạm thời, bất thực. Biết rằng cái “tôi” này không thể thoát khỏi đau khổ, và sẽ bị tan hoại trong đau khổ. Nhưng mọi vật là thế sao? Không! Có chân ngã, chịu trách nhiệm thay y phục cũ và mặc y phục mới.

Phật là gì?

Chữ “Phật” thường để chỉ một người giác ngộ, nhưng Phật không tùy thuộc vào người giác ngộ. Chân lý không tùy thuộc những lời dạy của bậc giác ngộ. Dù những lời dạy đó là cách tốt nhất để tìm chân tâm; chân lý là chân lý bất kể có người giác ngộ hay không. Ngay cả chữ “Phật” cũng chỉ là danh từ, bạn phải tìm ra mình thật sự là gì. Ðó là lý do Phật Thích-ca Mâu-ni nói, “Thắp lên ngọn đèn chánh pháp bằng ánh sáng ngọn đèn bạn sẵn có”.

Phật bao gồm từng vật một mà không có dấu vết nào của “ta” hay “ta đã làm…” Nếu đức Phật, Bồ tát và những vị chứng ngộ ngự ở trên một cõi giới cao, các ngài không bao giờ có thể săn sóc khắp pháp giới. Trí óc và mắt thịt của phàm ngu không bao giờ có thể hiểu thấu được Phật thật. Phật thật không hình tướng, vì thế không gì có thể so sánh. Không thể nương tựa vào những Pháp sư, Tổ sư, Ðại sư, bậc giác ngộ, Bồ tát hay chư Phật nào, vì trong chữ “Phật” không có Phật. Nhưng ai đã giác ngộ thì có thể thấy Phật khắp nơi.

Phật ở trong tâm bạn. Tất cả chúng sanh, Tổ sư, người giác ngộ và đức Phật trùm khắp vũ trụ, quá khứ, hiện tại, vị lai – tất cả đều ở trong tâm bạn. Bạn vất vả tìm gì bên ngoài?

Vì bạn có mặt nên Phật hiện hữu. Hình bóng của Phật là hình bóng của bạn, và tâm Phật là tâm bạn.

Phật tánh là gì?

Phật tánh là đời sống căn bản và vĩnh cửu của bạn, và là bản thể bao trùm toàn thể vũ trụ. Tuy nhiên, hầu hết người ta không nhận ra bản thể này đã có sẵn trong họ. Nếu bạn ngộ được Phật tánh trong bạn, ngay lúc đó bạn thành Phật.

Phật tánh có trước trời đất, bất diệt và bất tử, cả khi vũ trụ sụp đổ và không gian tự biến mất.

Phật tánh bao gồm mọi hiện tượng hữu hình hay vô hình trong vũ trụ, và Phật tánh ở ngay trong mỗi con người. Như thế, trong mỗi chúng ta, có khả năng bẩm sinh săn sóc mọi vật, hữu hình lẫn vô hình.

Có Phật tánh trong mọi sinh vật, và mọi sinh vật là Phật sẵn có. Thường người ta nghĩ rằng, sau khi trèo non vượt suối và trải qua nhiều khó khăn, họ có thể tìm Phật tánh ở một nơi xa lạ nào đó. Nhưng không đúng vậy, kho tàng chân thật ở trong bạn.

Có thể thành Phật ngay dù bạn không biết gì cả. Ai ai cũng có thể thành Phật. Nếu kho tàng chân thật được chôn dấu nơi nào xa xôi khó đến, làm sao chúng ta có thể nói rằng mọi người cùng có Phật tánh như Phật? Chân lý mà Phật dạy ứng dụng cho mọi người mọi vật.

Phật pháp là gì?

Phật pháp là chân lý và nguyên tắc nhờ đó các cõi vận hành, gồm những cõi hữu hình, vô hình, và tất cả chúng sanh trong đó. Ðó là sự thật mà tất cả chư Phật đã giác ngộ và dạy từ ngàn xưa.

Phật pháp chỉ chúng ta mục đích cuộc đời và dạy chúng ta Ðạo. Nếu không biết mình là ai, thì chúng ta không biết dựa vào đâu, hay ngay cả tại sao mình sống. Phật pháp chỉ chúng ta biết mình là ai và cuộc đời là gì.

Phật pháp không bao giờ tàn lụi bao lâu con người vẫn còn có mặt, vì nó vận hành xuyên suốt từng phần nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Phật pháp không bao giờ suy tàn bao lâu mà đời sống vẫn còn hiện hữu, bởi nó vận hành xuyên suốt đời sống thường nhật của từng sinh vật. Phật pháp không bao giờ suy tàn bao lâu mà ba cõi vẫn tồn tại, vì hoạt động của ba cõi chính là Phật pháp. Nhìn theo cách khác, Phật là đời sống vĩnh hằng mà mỗi hình thức tồn sinh đang có, và Pháp là tư tưởng và hành động của những đời sống này.

Thật không dễ gặp được cốt tủy của Phật pháp, ngay cả hằng triệu kiếp, không phải vì Phật pháp khó hiểu, mà vì tâm người làm cho khó. Dù có nhiều bài giảng cao siêu và khó hiểu trên thế giới, nhưng không phải vì cao siêu và khó mà Phật pháp vĩ đại, chính vì nó đơn giản và chỉ chân lý cho mọi người một cách dễ dàng.

Phật giáo là gì?

Phật giáo vận hành khắp nơi và dung chứa mọi vật không giới hạn. Hãy xem xét chữ Phật giáo bằng tiếng Hàn, Bulgyo. Âm Bul đầu, chỉ cho nguồn căn bản của mỗi cuộc sống, gồm cả ngọn cỏ, và âm thứ hai gyo, chỉ cho sự học hỏi lẫn nhau, chúng ta tương giao với nhau qua tiếng nói, tâm và hành động. Vì thế chữ “Phật giáo” nghĩa là tương giao qua bản thể, nguồn cội căn bản của cuộc sống, và qua đó lắng nghe, học hỏi lẫn nhau. “Phật giáo” là sự mô tả về cách vận hành của toàn thể vũ trụ và cũng giải thích về chính chân lý. Về cơ bản, cho dù tôn giáo như thế nào, cốt tủy của giáo pháp là bản thể của muôn vật hiện hữu bên trong, không ở bên ngoài.

Mục đích học Phật là khám phá ta là ai. Khám phá “ta là ai” nghĩa là trở về bản thể. Tu tập Phật giáo là tin vào chân ngã của mình, không phải cái “tôi” nhãn hiệu, mà chúng ta lầm là bản tánh của mình. Khi chúng ta quên cái “tôi” này, thì chân ngã luôn luôn có mặt của chúng ta, sẽ chiếu sáng.

Chương haiCHÂN LÝ BẤT DIỆT

Hanmaum

Han nghĩa là một, vô hạn, kết hợp và ma-um là tâm. Hanmaum là bản tâm không thể nghĩ bàn, không thể thấy, vượt trên thời gian và không gian, vô thủy vô chung. Nghĩa là tất cả tâm, chúng sanh, thế giới, và vũ trụ được liên kết và đang cùng vận hành như một. Nói cách khác, Hanmaum – nhất tâm – bao gồm toàn thể vũ trụ và tất cả sinh vật trong nó.

Mỗi một sinh vật và sự vật trong vũ trụ có sẵn Phật tánh vô thủy, hiện tiền và sẽ còn mãi mãi vô chung.

Phật tánh là duy nhất, vì thế là nhất tâm.

Nó rộng lớn không thể nghĩ bàn, vì thế là nhất tâm.

Nó không phải là một cá thể, nhưng liên kết toàn thể, trong nó tất cả đang cùng vận hành, vì thế là nhất tâm.

Muôn vật đến từ nó, vì thế là nhất tâm.

Tâm của tất cả sinh vật trong thế giới là một. Cơ bản, không có “bạn” hay “tôi” tách rời. Ðời sống vốn đã là một, đời sống vốn đã là Phật. Tâm của tất cả sinh vật đang hoạt động với nhau như một, vì thế được gọi là nhất tâm. Dù mỗi sinh vật có thân xác riêng, nhưng vốn không phải là hai.

Toàn thể vũ trụ liên hệ trực tiếp đến bản tâm mọi người và mọi sinh vật. Mọi vật hoạt động và di chuyển trong thế giới đã được nối kết với bản tâm. Mọi vật trong vũ trụ, gồm cả cõi hữu hình và vô hình, được nối kết và cộng thông như một. Không vật nào hiện hữu tách rời khỏi vật khác, tâm của tất cả Phật là tâm sẵn có của bạn, và pháp của tất cả Phật là pháp của bản tâm và cuộc sống hằng ngày của bạn. Nhất tâm nối kết mọi vật như một, y như cùng dòng điện thắp sáng đèn này và đèn khác.

Chủ nhân Không

Chủ nhân Không là bản tâm mà mỗi chúng ta có sẵn, và tâm được kết nối trực tiếp đến mỗi sự vật. Qua sự kết nối này, Chủ nhân Không hoạt động cùng với mọi vật như một.

Chủ nhân Không là bản thể thực của ta. Thân và ý của ta giống như cành và lá mọc ra rồi mất. Chủ nhân Không là rễ tạo thành cành lá mới, khi cành lá cũ gãy và rơi rụng. Nếu tôi là trái, Chủ nhân Không là cuống giữ vững trái. Nếu tôi là cuống, Chủ nhân Không là cành để trái đong đưa. Nếu tôi là cành, Chủ nhân Không là thân từ đó cành mọc ra. Nếu tôi là thân, Chủ nhân Không là rễ, rễ là gốc của cây – tất cả thân, cành, lá, và trái đều có từ nó. Cũng thế, tất cả tư tưởng, hành động và công đức của tôi phát sinh từ Chủ nhân Không.

Tại sao lại gọi là Juingong – Chủ nhân Không? Ðó là người tạo tác, vì thế gọi là chủ nhân, và hoàn toàn trống rỗng, luôn thay đổi, không hình dáng cố định, đó là không. Như thế, Chủ nhân Không có nghĩa là bản thể, yếu tính cơ bản của bạn, đang luôn thay đổi và biểu hiện. Yếu tính của bạn dựa trên Chủ nhân Không. Bạn là gì trước khi cha mẹ sanh ra? Một con người không chỉ là sự kết hợp giữa tinh dịch và trứng, mà phải có Chủ nhân Không nữa. Cuộc sống của bạn và Chủ nhân Không giống như một cây sống được nhờ rễ. Tuy nhiên, đừng nghĩ Chủ nhân Không như vật gì cố định và tĩnh tại như rễ cây. Chủ nhân Không là bản thể của bạn và là người tạo tác mọi vật, vì thế còn được gọi là Phật. Như thế nếu bạn nhận ra Chủ nhân Không, bạn cũng sẽ biết Phật thực sự là gì.

Bạn có thể gọi Chủ nhân Không là “cha” hay “mẹ”. Cũng thế, bạn có thể gọi là “chủ nhân của tâm”, “tâm bình thường”, “tịnh thủy”, “nước ban sự sống”, hay “cột trụ của tâm”. Bạn có thể gọi Chủ nhân Không là “Ðấng tạo tác mà không sở hữu”, hay bạn có thể gọi là “Phật A-di-đà” hay “Phật Bổn Tôn”. Bạn có thể gọi là Thượng đế hay “tình yêu của tôi” vì nó là bản thể. Không bao giờ có thể định hình Chủ nhân Không vì nó có thể trở thành mọi thứ. Chủ nhân Không là cha mẹ mà cũng là con cái, người cao cả nhất cũng như người thấp hèn nhất. Chủ nhân Không là chân ngã dẫn dắt bạn, dù gọi là gì đi nữa. Chủ nhân Không là “yếu tính chân thật của tôi” và “tâm của tâm tôi”.

Chủ nhân Không bất sanh bất diệt. Chủ nhân Không là chân ngã vô hạn và vĩnh cửu, không thể trông thấy bằng nhục nhãn và không thể nhận biết bằng tư tưởng. Nó không bao giờ yếu ớt và tiêu diệt vì nó thanh tịnh tuyệt đối và có năng lực vĩ đại của trí tuệ sáng chói. Nó là chân ngã có khả năng vô hạn. Phàm ngu hiện hữu trong những hình thái khác nhau, tên gọi khác nhau, trình độ khác nhau, sanh ra rồi chết đi. Tuy nhiên, Chủ nhân Không cũng gọi là “Phật” hay “Phật sẵn có” chỉ là nó, ngay cả khi biến một trở thành mười ngàn và mười ngàn trở thành một. Qua Chủ nhân Không, phàm ngu và Phật gặp nhau, và không phải là hai.

Chủ nhân Không không hiện hữu nơi nào khác. Người muốn tìm sẽ tìm ra trong chính mình. Khi chúng ta nấu ăn, chúng ta sửa soạn vật liệu, pha trộn, và làm thành bữa ăn ngon lành. Cũng thế, trong cuộc sống khi bạn muốn và cần, chân tánh của Chủ nhân Không sẽ biểu lộ trong đời sống thường nhật của bạn.

Chủ nhân Không là một lò nung khổng lồ, luôn luôn hoạt động với năng lực tinh thần sâu xa và chân thật của tất cả chư Phật, gồm tất cả cõi hữu hình và vô hình. Lò nung này nằm trong bạn. Giống như sắt tan chảy trong lò, lò này biến nước mắt thành lòng đại bi, và tất cả khổ đau hóa thân thành lòng biết ơn. Bất cứ tai họa hay nghiệp đau đớn nào cũng chỉ như bông tuyết trước Chủ nhân Không. Chủ nhân Không là bí nhiệm sâu xa của tâm mà mọi người được phú cho, là năng lực lạ thường của Phật tánh mà mọi sinh vật đều có. Ðây là đức hạnh nhiệm mầu của Chủ nhân Không.

Ðừng nghĩ Chủ nhân Không như cái ngã tách biệt, cá thể chỉ thuộc về mình bạn. Chủ nhân Không là toàn thể. Chủ nhân Không bao gồm và hàm dưỡng mọi vật trong vũ trụ, và chăm sóc mọi thứ trong tất cả cõi hữu hình và vô hình. Chủ nhân Không là thế. Làm sao có thể phân chia Chủ nhân Không của tôi và của bạn?

Chân thực tại của tôi

Một con người là kết quả của ba thứ: bản thể vĩnh cửu kết hợp với thân xác và ý thức. Ba thứ này hoạt động hài hòa với nhau.

Tình trạng trước khi tư tưởng xuất hiện, hành động khiến phát sinh tư tưởng cùng với thân đều làm việc như một. Ðây gọi là “hoạt động như một tâm”.

Yếu tính của Chủ nhân Không là kết hợp hoạt động giữa bản thể vĩnh cửu với ý và thân. Ba thứ này chia sẻ mọi thứ với nhau, hỗ trợ nhau và sống như một. Chủ nhân Không này có khả năng đưa ra và đem vào mọi vật. Cái ngã hữu hình là dụng cụ vật chất của cái ngã vô hình. Chủ nhân Không không hình tướng và không thể nhận biết nhưng nó là yếu tính làm chúng ta hoạt động.

Ở điểm giao thoa của bản thể vĩnh cửu, nhận thức làm phát sinh tư tưởng và thân, cả ba thứ làm việc chung và biểu hiện ra trong thế giới. Khi ba thứ làm việc hài hòa với nhau, chúng biểu hiện như người dẫn đường khôn ngoan, như một vị thầy.

Thân xác và tứ đại

Thân chúng ta chỉ là một tổ hợp tạm thời do đất-nước-gió-lửa kết hợp tạo thành. Chúng duyên hợp theo nghiệp lực và sau đó tan rã theo nghiệp lực. Như thế qua thời gian, bạn đã từng sống và chết. Bất cứ gì lệ thuộc sống và chết chỉ là huyễn hóa, không thể gọi là chân thực tại, bất biến, chưa bao giờ sanh và chưa bao giờ diệt. Thân chúng ta thường được gọi là huyễn hóa vì nó cũng là một kết hợp tạm thời.

Như những đám mây tụ rồi tan và lại tụ thành những đám mây khác nhau, thân người sẽ có ngày tan rã trở về với tứ đại. Và theo hoàn cảnh, tứ đại lại sẽ nhóm họp nhưng mang hình tướng khác. Tuy nhiên đừng cảm thấy mọi sự đều vô ích vì ý tưởng “thân bạn sẽ tan thành tứ đại”. Thay vì thế, bạn nên hiểu nguyên lý tan hợp của mọi vật. Hành giả Phật giáo không thấy sự hiện hữu của mình là vô ích vì họ nhận biết rằng chính lẽ vô thường của thế giới giúp họ ngộ được chân lý.

Nếu chúng sinh chỉ là sự kết hợp tạm bợ thì đâu là chân ngã, Chủ nhân Không? Nó có hiện hữu ngoài sự kết hợp tạm bợ này không? Không! Nó không tách biệt. Chủ nhân Không không tách riêng khỏi cái ngã giả dối. Vậy chân ngã ở đâu? Trong tay? Chân? Tim? Óc? Không ở chỗ nào cả! Bạn không thể tìm ra chân ngã khi quan sát thân, nhưng dù sao, nó hiện hữu trong bạn. Chủ nhân Không, chân ngã là chỗ dựa của ngã hư dối. Chân ngã của bạn hình thành thân xác và tương tác với Phật giới. Trong tất cả điều này, hoạt động của bản tánh, Chủ nhân Không của bạn là sự hiển thị của chính chân lý. Rất mầu nhiệm và sâu sắc!

Phải có thân để biết Phật pháp. Bạn cần biết rằng nếu vứt bỏ thân thì không cách nào biết Phật pháp. Nghĩ rằng thân vô giá trị và phải vứt bỏ vì nó chỉ là một sự kết hợp tạm bợ, là một ý tưởng cực kỳ sai lầm. Không có thân, bạn không thể phát triển, không thể mở mang trí tuệ, và không thể thành Phật. Vì có người con, bạn biết cũng có cha mẹ; vì có người giúp việc, bạn hiểu ông chủ cũng phải có. Nhờ hiểu biết hiện tượng hữu hình, bạn có thể hiểu được lý tánh vô hình, bản thể phi vật chất đã làm biểu hiện và mang lại sinh khí cho tất cả hiện tượng hữu hình, nó luôn hoạt động chung với mọi vật như một.

Vì có cây, bạn có thể biết rễ; vì có trái, bạn có thể biết hạt. Cũng thế, ngay dù thân chỉ là tạm bợ, sự kết hợp của tứ đại theo nghiệp chướng, qua nó bạn có thể biết bản thể, Chủ nhân Không – Nhất Tâm, vốn là nguồn cội của tất cả sự sống và mọi hiện tượng.

Chân tánh của tôi

Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đến từ Chủ nhân Không, chân ngã của chúng ta, vì thế chúng ta phải tìm chân ngã của mình. Khi chúng ta tiến triển qua nhiều đời, chân ngã luôn có mặt với ta. Tuy nhiên ta không biết điều này trừ khi cố gắng tìm nó. Nhận ra rằng mọi vật đến từ chân ngã. Thân xác như lá hay cành đến từ rễ chân ngã. Làm sao bạn có thể quên rễ mà gọi cành lá là “tôi”? Hãy biết rễ!

Sinh là sự kết hợp của xương cha và thịt mẹ với đời sống và tâm của bạn đã qua hằng triệu kiếp. Khi “tôi”, cái ngã hư huyễn bất giác bị quên hoàn toàn, vẫn có cái gì đó vĩnh cửu. Ðó là Chủ nhân Không, cái ngã vĩnh cửu không hề sanh tử. Ðó là cái ngã không bao giờ bị vấy bẩn, vượt thoát mọi khổ đau. Cái ngã quý giá và hạnh phúc vô song, không bao giờ sanh diệt, không hề tăng giảm, và không bao giờ dơ hay sạch. Nhưng người thường không thể gặp cái ngã vĩnh cửu này vì họ không thể thoát khỏi ngục tù ý thức. Ngã vĩnh cửu không thể mô tả bằng lời, và không thể được phát hiện qua bàn luận. Cố gắng hiểu nó bằng ý thức giống như cố biết thế giới trong khi mắc kẹt bên trong một cái thùng.

Từ xa xưa, người ta đã khởi lên những tư tưởng lộn lạo, hão huyền. Những điều này trở thành bóng tối làm mờ nhất tâm vốn sáng chói và thanh tịnh, như mặt trời rạng rỡ và bầu trời trong trẻo bị mây che. Mặt trời và bầu trời bị bóng tối che quá lâu đến nỗi người ta quên nó đã từng hiện hữu. Những gì phàm ngu phải làm là trở lại chân tánh, là vị Phật sẵn có của họ, là mặt trời và bầu trời. Ngay tư tưởng và thân hiện tại của bạn chỉ là một đốm mây xám đã nổi lên từ chân ngã. Không có thực thể về cái “tôi” như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, nói cái “tôi” không có thực thể, không phải vì thực tại đó không hiện hữu mà vì cái được gọi là “tôi” luôn thay đổi từng khoảnh khắc.

Bất nhị

Khi những đợt sóng nổi lên trên biển, tạo thành nhiều giọt nước. Tuy nhiên khi sóng lặng, tất cả chúng trở thành chính nước biển. Trong trường hợp này, những giọt nước có thể so với chúng sanh và biển so với bản thể. Một giọt nước nhỏ được tạo ra giống như một sinh vật được sanh ra. Một giọt nước nhỏ chìm xuống giống như một sinh vật từ bỏ thân và trở về bản thể. Cũng thế, nơi bản thể không có phân chia bạn và tôi. Không có phân chia tổ tiên bạn và tổ tiên của tôi. Cuộc sống bản thể thì mênh mông rộng lớn, nhưng chỉ là một. Nó hiện hữu như nước biển lặng, và theo hoàn cảnh, biểu hiện thành lớn hay nhỏ. Như những giọt nước hình thành và biến mất tùy theo gió, thân chúng ta cũng xuất hiện và biến mất.

Vì mọi vật được nối kết và hoạt động như một. Sự thành lập của vũ trụ là sự thành lập của tâm. Vì chẳng có gì riêng biệt, chúng ta có thể biểu hiện một cách bất nhị, bởi vậy không có gì mà không phải là tôi.

Nhìn theo thế giới hiện tượng, mọi vật hiện hữu một cách riêng rẽ, nhưng nhìn từ bản thể, mọi vật là một. Về lý mọi vật là một, về sự chúng riêng biệt. Như thế núi là núi và nước là nước.

Cả thân này cũng không phải là “của tôi”. Nó là một cộng đồng. Có nhiều loại thú vật khắp mặt đất. Cũng thế, bên trong thân chúng ta có nhiều loại sinh vật khác nhau. Như vậy, dù là thân tôi, nó không phải của tôi, mà là một cộng đồng. Người không giác ngộ thường nghĩ thân xác là của họ, nhưng ngay trong mỗi bộ phận – tim, gan, bao tử,… có hằng trăm triệu sinh mệnh, và chúng tự động vận hành với nhau. Thân này giống như một vũ trụ nhỏ, và giống như một vũ trụ, tất cả thành phần của thân hoạt động chung như một. Tất cả khoa học và triết học đều chứa trong thân này.

Nhân và quả

Vũ trụ và thế giới nhân loại liên kết và hoạt động với nhau như một. Trong thân chúng ta, vô số tế bào kết nối như một mạng lưới khổng lồ. Cũng lối này, trái đất và toàn vũ trụ được kết nối mật thiết và có hệ thống như một tấm lưới hoàn chỉnh, hoạt động với nhau như một. Do đó nếu chúng ta biết điều gì, pháp giới và Phật cũng biết nó – toàn vũ trụ cũng biết.

Vì bạn biết những gì bạn làm, nên tất cả chúng sanh trong thân bạn cũng biết những điều đó, nhất tâm, vũ trụ và pháp giới cũng biết. Vì mọi vật và đời sống được nối kết, không gì bạn làm là bí mật.

Khi nói dối chính là bạn đang tự lừa gạt mình. Người lừa gạt và người bị lừa là bạn. Bạn không bao giờ có thể lừa gạt Chủ nhân Không. Chủ nhân Không là bầu trời, vũ trụ, và pháp giới – không có gì có thể che giấu.

Tâm có thể được ví như một siêu máy tính. Bất cứ tư tưởng nào khởi lên, được ghi lại hoàn hảo. Bạn có thể nghĩ một tư tưởng đã kết thúc vì bạn không nhận biết nó nữa, nhưng tư tưởng đó chẳng biến mất. Ðúng hơn, nó được ghi lại hoàn hảo trong tâm bạn. Tư tưởng được chứa trong tiềm thức và lần sau sẽ đưa ra một tư tưởng tương tợ. Hơn thế nữa, tư tưởng thứ hai lại mạnh hơn lần thứ nhất. Ví dụ, nếu tư tưởng thứ nhất xấu, thì tư tưởng thứ hai lại xấu hơn. Theo cách đó, tư tưởng lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ càng lúc càng mạnh. Tâm sẽ nghiêng về những tư tưởng hay khởi lên. Vì thế, nếu bạn không kiểm soát tốt tư tưởng, chúng sẽ lớn mạnh và cuối cùng biến thành hành động.

Nếu một khi tâm dấy động và khởi tưởng, tư tưởng đó sẽ được ghi lại hoàn hảo; chức năng của tâm không chỉ giới hạn vào sự nhận biết của ý thức.

Nghiệp tốt cũng là nghiệp. Một sự việc được ghi lại, sự ghi nhận đó có khuynh hướng đẩy người ta đi và điều khiển họ. Nghiệp xấu khiến sanh những quả xấu, và nghiệp tốt sẽ sanh những quả tốt. Nghiệp dẫn chúng sanh trong vòng sanh tử, vì thế không có gì khác biệt giữa nghiệp tốt và nghiệp xấu. Trong một trường hợp, một người nô lệ đau khổ vì gặp một người chủ xấu. Trong trường hợp khác, người nô lệ sống tương đối thoải mái vì gặp người chủ tốt. Tuy nhiên, cả hai giống nhau, đều là người nô lệ.

Nếu bạn thâu băng, lần thâu trước sẽ bị xóa và sự kiện mới sẽ được thâu. Vì thế thâu nghiệp tốt thì hay hơn thâu nghiệp xấu. Tuy nhiên thay vì chỉ thâu nghiệp tốt, tốt hơn cả là xóa hết mọi thứ đã thâu. Có nghĩa là phó thác mọi việc đối đầu với bạn, cả tốt và xấu, cho tự tánh. Cũng giống như lau sạch tấm gương. Cho dù gương phủ bụi rất lâu, một khi bạn lau nó, lập tức nó trở nên sạch trong.

Luật nhân quả giống như một hạt giống không bao giờ hư: khi đã trồng, nó sẽ luôn luôn mọc. Nếu bạn trồng một hạt giống tốt, kết quả tốt sẽ theo đến. Nếu bạn trồng một hạt giống xấu, kết quả xấu sẽ xảy ra. Nhân và quả giống như hạt giống luôn luôn mọc. Hơn thế, một khi đã trồng chúng sẽ mọc cây, có hạt và rồi lại mọc, mọc nữa.

Có nhiều người sống không quan tâm đến người khác. Họ thỏa mãn khi được sống vui vẻ và có thể đạt được những gì họ muốn. Nhưng ta không thể đạt bình an thật sự khi chỉ sống thoải mái cho mỗi chính mình. Sự thích thú tạm thời không thể tháo gỡ vấn đề căn bản. Bạn phải hiểu đời sống chúng ta không chỉ chấm dứt với cuộc sống hiện tại. Hơn thế nữa, phải biết rằng mọi thứ, ngay cả những việc bạn đã làm một cách bí mật, rồi sẽ trở lại thành nghiệp.

Nghiệp là mớ rối rắm của vô số nhân quả. Một số người cố dùng trí thông minh để giải nghiệp, nhưng cũng giống như cố làm tan một hồ nước đóng băng vào mùa Ðông bằng cách tưới vào một thùng nước nóng. Nó có tan chút ít, nhưng chẳng bao lâu nước tưới sẽ đông lại, và ta chỉ làm tăng thêm băng giá. Vì thế đừng dính vào những vật thế gian mà hãy buông thả vào bản tâm, và để chúng tự động tan biến. Khi mùa Xuân đến, hết cả hồ băng sẽ chảy ra tự nhiên. Trở về bản tâm của bạn cũng giống như mùa Xuân ấm áp đến sau mùa Ðông lạnh lẽo.

Không có định mệnh hay số phận. Mọi vật tùy tâm bạn. Vì bạn không thoát khỏi những dính mắc, những dính mắc này trở thành nghiệp và tác động trên cả gien của bạn. Vì mọi vật do tâm tạo, chìa khóa hạnh phúc hay đau khổ là do cách bạn sử dụng tâm thế nào.

Nguồn gốc tiến hóa – Luân hồi và tái sanh

Sanh tử là luân hồi, và già đi cũng là luân hồi. Các mùa đến và đi cũng là luân hồi. Một giọt nước luân lưu, nuôi nấng và gìn giữ vô lượng sinh vật cũng là luân hồi. Sự hình thành và biến mất của những vì sao cũng là luân hồi. Mọi vật và mọi sinh mệnh đến và đi vô tận như thế. Chúng không chỉ biến mất sau khi đã sống. Nếu không có vòng luân hồi, làm sao một người có thể học về chân lý?

Ðể được sanh làm người, có lẽ phải tích chứa công đức cả ngàn năm. Rất khó thành người. Tuy nhiên, nếu bạn không từ bỏ tập khí có sẵn trước khi trở thành người, và nếu bạn chỉ nghĩ cho chính mình, sự đau khổ của bạn sẽ bất tận. Nếu bạn sống như thế, bạn có thể phải sống nhiều, nhiều đời, như con chuột đồng bị mắc trong bánh xe, không sao tiến hóa. Hay bạn có thể bị đọa thành thú vật. Một khi tái sanh thành thú vật, bạn sẽ chịu nhiều khốn khổ, phải ăn thịt loài khác hay bị ăn. Sẽ có rất ít cơ hội để phản quán tình trạng của bạn, và nếu bạn tăng trưởng tập khí thú vật, thì càng khó thoát khỏi tình trạng đó hơn, có khi trải qua hàng tỉ kiếp, hàng tỉ niên kỷ.

Có người nghĩ vòng sanh tử là khổ đau không sao thoát được, nhưng nếu ai tỉnh thức thì sẽ biết rằng luân hồi chỉ là quá trình biểu thị. Ðối với những ai không hiểu được là mọi thứ, mọi sinh vật cùng biểu hiện và hoạt động với nhau trong khi luôn thay đổi và không bao giờ đứng yên dù chỉ một giây, thì sẽ bị tái sanh và đau khổ. Tuy nhiên, khi họ thức tỉnh, đó chỉ là sự biểu thị.

Không luân hồi thì không có tiến hóa. Luân hồi là năng lực khiến bạn có thể thành Phật. Như thế luân hồi không phải là đau khổ do nghiệp gây ra, luân hồi là quá trình tiến hóa và tạo cơ hội tu tập. Ngay tại khoảnh khắc này, chúng ta đang chết đi và sanh ra vô tận. Vì bạn đã chết trong quá khứ, hôm nay bạn có thể sống. Sống và chết luôn đi cùng với nhau như thế và cùng xảy ra. Do đó, bên trong cái chết có sự sống, bên trong sự sống có cái chết. Luân hồi, sự thay đổi liên tục và bất tận này của mọi vật, là năng lực định hình và tịnh hóa bạn, giúp bạn thành Phật. Không thể thành Phật nếu không có luân hồi.

Chết là khi bản tâm bất biến, Chủ nhân Không đổi y phục. Khi y phục cũ rách, ta thay y phục mới. Cũng thế, Chủ nhân Không thay cái thân hết xài bằng một thân mới. Thế thì, chết chỉ là chuẩn bị để mặc bộ đồ mới.

Ngay cả khi thân bạn chết đi, ý thức vẫn còn. Người ta thường không hiểu rằng mình không còn thân nữa, và họ không biết là người sống không thể thấy và nghe họ. Vì thế, có khi quá rối loạn và khát khao, họ lại gây đau khổ cho người khác. Nếu bạn chân thành tu tập lúc còn có thân, thì khi bỏ thân chẳng gì vướng mắc. Còn nếu không tu tập, thì dù đã chết, bạn sẽ bị vướng vào những tương quan cũ, và không sao ra đi tự do. Thay vào đó, bạn làm ma vất vưởng và ở trong tình trạng đó một thời gian rất dài. Nếu người ta không bao giờ tu tập thì khi chết ý thức của họ không thể thấy, không thể nghe. Trong bóng tối mờ mịt, ý thức không thể lĩnh hội đúng đắn sự vật, nên những người này thường đi vào tử cung của heo hay chim ác là. Tuy nhiên những ai có tâm đã tu tập, sẽ tỏa ra một ánh sáng lớn chiếu rực rỡ chung quanh họ. Ngay cả gia đình họ cũng hướng về đời sống tươi sáng, dù cá nhân họ có thể không biết gì về tu tập.

Tiến hóa và sáng tạo

Theo cái nhìn của con người, ta có thể nghĩ một số sinh vật dường như nhỏ nhoi và vô nghĩa. Nhưng mọi hiện hữu đều đang trong quá trình tiến hóa. Vì vậy, chúng là hình dạng quá khứ của chúng ta, bạn cũ của ta, và chỉ cho ta biết chỗ từ đó ta tiến hóa. Khi nhìn bốn loại sanh, chúng ta hiểu chúng đã tiến hóa từ những vi khuẩn, và chúng tạo một sự phát triển từ thấp nhất đến cao nhất. Tuy nhiên, trong mỗi đời sống đều có bốn loại sinh vật này, và chúng cũng tiến hóa trong từng hình thái. Vậy, làm sao chúng ta có thể nói sinh vật nào là quan trọng nhất hay cái nào nên làm tiêu chuẩn để so sánh. Hãy nhìn thế giới, không có điểm bắt đầu và chấm dứt – chỉ có đường trung đạo.

Nhìn theo quá trình tiến hóa, mọi đời sống đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh và môi trường, và chúng có thể thích ứng đến một mức nào đó. Tuy nhiên, những thứ cơ bản hơn lại tùy thuộc vào ý thức. Có rất nhiều điều thực sự huyền bí. Nếu chúng ta không bằng lòng với hình dáng hiện tại của mình, và nếu mong ước thay đổi quá mạnh mẽ, thì thân người sẽ bắt đầu thay đổi. Hình dáng của mọi hiện hữu được hình thành bởi tâm. Năng lực nào có thể làm điều này? Ðó là chân tâm, Chủ nhân Không.

Dù những sinh vật hiện hữu ở nhiều tầng bậc khác nhau, tất cả đều có tâm. Tâm là chủ của thân, giống như người lái xe. Thân chỉ làm theo lời tâm. Tâm mong ngày hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay, và làm việc để hoàn mãn điều này. Sinh vật tiếp tục tiến hóa nhờ đức hạnh khởi lên từ nỗ lực đó.

Sự tiến hóa hoàn tất là đạt được giải thoát lớn lao và thành Phật với công đức vô tận. Tất cả mọi sinh vật đang trong quá trình tiến hóa này, họ đều là anh chị em của chúng ta và cùng đi về một hướng. Thế thì, mọi cõi đều là trường học lớn, đầy những chúng sinh đang hành đạo.

Tiến hóa và sáng tạo đều là những biểu hiện của nhất tâm. Tiến hóa là nâng cao trình độ của tâm. Một khi trình độ tâm thay đổi, thân cũng thay đổi theo. Tiến hóa là quá trình của tâm trở nên trong sáng hơn, trong khi sáng tạo là biểu hiện bên ngoài do sự phác thảo của tâm. Như thế, trong khi quá trình này là để tiến hóa, nó cũng sáng tạo; và trong khi sáng tạo, cũng tiến hóa.

Sáng tạo là biểu hiện bên ngoài do sự phác thảo của tâm. Tuy nhiên, ngay khi được sáng tạo, nó cũng luôn thay đổi. Nó không giữ y nguyên, với những ý tưởng cố định và hành xử bất biến. Như thế, sáng tạo là biểu hiện. Tâm là bản thể của tiến hóa và sáng tạo, chúng không phải hai. Sự thoái hóa cũng do tâm. Tất cả đều là biểu hiện của tâm.

Yếu tính của chân lý: Biểu hiện của Không

Chân lý là một dòng trôi chảy không bao giờ ngừng dù một thoáng chốc. Nó trôi chảy, ngấm vào mọi vật, và sống động. Không có gì trên thế giới mà không chuyển động; tất cả trôi chảy. Vô thủy vô chung, không sanh không tử, chỉ có trôi chảy, đúng như nó là. Sự trôi chảy này luôn luôn tươi mới và sống động. Ngăn không cho trôi chảy là hủy diệt nó.

Chúng ta sống trong chân lý. Như cá sống trong nước, chân lý tràn đầy đời sống thường nhật của ta. Cố gắng tìm chân lý ở xa xôi giống như cá kiếm một điều gì ngoài nước. Chân lý vượt quá thời gian và không gian, và không bao giờ đứng yên dù một giây. Nó hoạt động không ngừng, như người thở ra thở vào liên tục. Có thể gọi là “nhiễu quanh ngôi chùa không ngừng”.

Chân thực tại vốn không phải đã bị che giấu. Nó chỉ có vẻ như thế đối với những con mắt vô minh. Chân thực tại vốn hoàn toàn trong suốt như vật dưới ánh mặt trời, nhưng chúng sanh vô minh không thấy được. Thật ra, bạn có thể nói rằng yếu tính của Phật pháp là thấy được chân thực tại của mọi vật một cách đúng đắn. Khi Phật dạy Bát chánh đạo, trước hết ngài nói “chánh kiến”. Nếu bạn thấy đúng, thì đạt được trí tuệ. Nếu có trí tuệ, thì bạn được giải thoát. Như thế nếu chúng sanh vô minh có thể thấy biết đúng, thì tất cả muộn phiền và đau khổ, phi lý và xung đột mà họ phải đối mặt sẽ biến mất. Ðây là vì họ hiểu được mọi vật vốn rỗng không, không căn để, trong khi bản tánh của họ là vĩnh viễn sáng chói và sâu thẳm.

Thay đổi từng khoảnh khắc là chết từng khoảnh khắc. Nói cách khác, nó cũng có nghĩa là tái sanh từng khoảnh khắc. Người ngu bám vào những khoảnh khắc qua mau và sống đời vô nghĩa, trong khi người trí tuệ hiểu rằng mọi vật thay đổi từng giây phút. Hãy áp dụng nguyên tắc này vào cuộc sống hằng ngày, và sống tự do.

Không gì trong vũ trụ vẫn còn mãi, dù trong tích tắc. Chỉ có thay đổi và biểu hiện, vì thế không có gì ta có thể mang theo. Vậy thì khi không có những tư tưởng cố định về “tôi”, đau khổ sẽ không tồn tại. Dù không thể mang theo gì cả, bạn vẫn nghĩ rằng mình đang mang gánh nặng, và vì thế tự ràng buộc với ý tưởng cố định này. Nếu biết rằng mọi việc thay đổi trong khoảnh khắc, rằng mọi vật là rỗng không, thì không còn gì để bạn bám víu. Hình hài trống rỗng, tư tưởng trống rỗng, ngôn từ trống rỗng, tên tuổi và địa vị trống rỗng – mọi vật đều trống rỗng.

Cái tôi nào là chính bạn? Khi bạn đứng, ngồi, động, tịnh, cái tôi nào thực sự là bạn? Cái tôi gặp gỡ bạn bè và cái tôi gặp anh em là hai thứ khác nhau. Vậy cái nào thực sự là tôi? Cái “tôi” trẻ hay cái “tôi” già? Cũng vậy, không có cái tôi bất biến; không thể dán nhãn hiệu lên bất cứ gì khác trong vũ trụ và nói “đây là…”. Như thế, nói rằng mọi vật trống rỗng không phải vì không có gì, nhưng vì nó thay đổi liên tục và chuyển biến.

“Không” không có nghĩa là không có gì. Không sanh sắc, và không khác sắc. “Không” biểu hiện liên tục như sắc. Trong khi sống, nó chết; trong khi chết, nó sống – nó trôi chảy và thay đổi – không đứng lại dù chỉ phút giây. “Không” là không chết – nó sống động. Không nghĩa là tràn đầy. Vì những biểu hiện và hoạt động của “không” là vô bờ bến, những thiền sư thường chỉ nói “Không!” Ðôi khi nói vậy cũng không đủ, nên các ngài lại lặp lại “Không!”


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button