Kỹ năng mềm

Gian Nan Chồng Chất Gian Nan

gian-nan-chong-chat-gian-nan-ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ben Horowitz

Download sách Gian Nan Chồng Chất Gian Nan ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

“Chào đón thực tại đi bạn, hết tuổi học trò rồi.
Những giấc mơ bị đánh cắp, mà ta không hay biết gì”.

– Kanye West, “Gorgeous”’

Hễ đọc cuốn sách nào dạy về phương pháp quản lý hay phát triển cá nhân, tôi lại nghĩ thầm: “Nói đúng rồi đấy, nhưng vẫn chưa chạm vào tử huyệt của vấn đề đâu”. Đặt ra một mục tiêu táo bạo không khó, mà cái khó nằm ở chỗ bạn phải cắn răng sa thải nhân viên khi không đạt được mục tiêu đó. Tuyển dụng nhân tài không khó, nhưng cái khó phát sinh khi những “nhân tài” này dần dà vì tự cho mình cái quyền được hưởng đặc quyền đặc lợi mà đòi hỏi những điều vô lý. Thiết lập cơ cấu tổ chức của công ty không khó, mà cái khó là làm sao để mọi người giao tiếp hiệu quả trong cơ cấu đó. Dám mơ không khó, cái khó là khi giấc mơ biến thành cơn ác mộng, khiến bạn nửa đêm choàng tỉnh, thấy mình đầm đìa mồ hôi, chân tay lạnh toát.

Chỗ dở của những cuốn sách này là cứ cố gượng đưa ra một công thức cho những thử thách vốn chẳng hề có công thức nào cả. Làm gì có công thức cho những tình huống phức tạp và biến động không ngừng. Làm gì có công thức thành lập một công ty công nghệ, hay dẫn dắt một nhóm người thoát khỏi tình trạng nước sôi lửa bỏng. Làm gì có công thức sáng tác ra một loạt những ca khúc hit(1). Làm gì có công thức cho người chơi ở vị trí tiền vệ trong giải NF(2) hay cho ai muốn tranh cử tổng thống. Làm gì có công thức động viên tinh thần nhân viên khi việc kinh doanh lâm vào cảnh bê bết. Cái khó của những cái khó nằm ở đấy – không có công thức nào để xử lý chúng cả.

Dẫu vậy, đây đó vẫn có vô vàn những lời khuyên và kinh nghiệm hữu ích cho những tình huống gian nan.

Trong cuốn sách này, tôi không có ý định đưa ra công thức nào cả, nhưng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện của tôi cùng những khó khăn mà tôi đã phải đối mặt. Trên cương vị một doanh nhân, một CEO và hiện giờ là một nhà đầu tư mạo hiểm, tôi vẫn nghiệm thấy giá trị của những bài học này – nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà tôi phải làm việc với một thế hệ nhà sáng lập kiêm CEO mới. Trong quá trình gây dựng một công ty, ai cũng phải trải qua những giây phút ngặt nghèo, những giai đoạn khó khăn. Cá nhân tôi cũng từng kinh qua rồi. Có thể hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, song những mô-típ bề sâu và những bài học mà chúng đưa ra thì đều có nét tương đồng.

Thực ra, những bài học này đã được tôi chắt lọc và giới thiệu trong một loạt các bài đăng trên blog suốt mấy năm qua để phục vụ hàng triệu độc giả. Nhiều người thậm chí còn tò mò đòi tôi chia sẻ câu chuyện hậu trường dẫn đến những bài học ấy. Và cuốn sách này ra đời nhằm kể về câu chuyện hậu trường đó cùng với những bài học đã được đề cập trên blog. Tôi cũng nhận được nhiều sự khích lệ từ bạn bè, các cố vấn và gia đình – những người đã sát cánh bên tôi trong những thăng trầm của sự nghiệp và từ cả nền âm nhạc hip hop/rap nữa. Bởi lẽ các nghệ sĩ hip-hop mang trong mình những hoài bão lớn lao – họ khao khát thành công và sự vĩ đại – và họ tự coi mình là những nghiệp chủ; những chủ đề sáng tác của họ – cạnh tranh, kiếm tiền, bị hiểu lầm – cho ta biết rất nhiều về ngóc ngách của những tình huống éo le.

Tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình với hy vọng sẽ động viên và giúp ích một phần nào đó cho những người đang chật vật xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.

ĐỌC THỬ

CHƯƠNG 1 TỪ NGƯỜI CỘNG SẢN TỚI NHÀ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

“Tôi nguyện cầu
Cho vợ con tôi, cho cuộc sống mà tôi đang sống
Qua đêm trường, tôi vẫn là con chiên của Người
Nhưng tự tôi đã trải qua những thăng trầm, vấp ngã
Những thử nghiệm, những đớn đau
Trái tim tôi, lòng dũng cảm tự tôi”.

Một hôm, tôi tổ chức một bữa tiệc thịt nướng lớn tại nhà và rủ khoảng một trăm người bạn hữu tới. Những buổi tụ tập như thế này không hiếm, mà trái lại đó là thói quen nhiều năm qua của tôi và ông anh rể Cartheu. Kỹ năng nướng thịt của tôi đáng nể tới mức những anh bạn gốc Phi phải dành cho tôi biệt danh “Jackie Robinson(3) của khoa thịt nướng” – tức là tôi đã vượt qua ranh giới về chủng tộc rồi cơ đấy.

Trong buổi tiệc hôm đó, câu chuyện xoay quanh chàng rapper nổi tiếng Nas. Cậu bạn Tristan Walker, một doanh nhân gốc Phi trẻ tuổi, vỗ ngực tự hào khoe rằng Nas cùng gốc gác Queensbridge – một trong những khu nhà ở xã hội(4) lớn nhất nước Mỹ, tọa lạc tại New York – với mình. Bố tôi, một ông lão người Do Thái 73 tuổi, chen ngang: “Bác cũng có thời gian tới Queensbridge đấy”. Không tin chuyện một ông lão da trắng lại đến Queensbridge, Tristan hỏi lại: “Chắc bác định nói là Queens(5) phải không ạ? Chứ Queensbridge là một khu nhà ở xã hội ở một địa điểm rất ư tồi tàn”. Bố tôi cam đoan: “Không, ý bác đúng là Queensbridge đấy”.

Tôi đã bảo với Tristan rằng bố tôi lớn lên ở Queens, nên người nhầm lẫn ở đây chắc chắn không phải anh chàng rồi. Tôi lên tiếng hỏi: “Bố làm gì ở Queensbridge vậy?” Ông trả lời: “Năm 11 tuổi bố đi rải truyền đơn cho Đảng Cộng Sản. Bố còn nhớ là vì lúc đó bà nội rất bực mình khi họ lại bắt một đứa trẻ con đi làm những chuyện nguy hiểm như vậy”.

Ông bà tôi là đảng viên chính thức của Đảng Cộng Sản. Vì tham gia hoạt động phong trào nên vào thời McCarthy(6), ông tôi, Phil Horowitz, bị thôi việc giáo viên ở một trường học. Bố tôi sinh ra và lớn lên với những lời giáo huấn về tư tưởng cánh tả. Năm 1968, ông chuyển gia đình tới phía tây, định cư ở Berkeley, California và trở thành biên tập viên tờ Ramparts, một tạp chí nổi tiếng của phong trào Cánh tả mới(7).

Và như thế, tôi lớn lên ở một thành phố mà cư dân trong đó vẫn thường trìu mến gọi là Cộng hòa Nhân dân Berkeley. Hồi bé, tôi cực kỳ nhút nhát và sợ người. Lần đầu được mẹ đưa đi nhà trẻ, tôi khóc như mưa. Cô giáo bảo bà cứ đi đi, vì trẻ mẫu giáo đứa nào chẳng khóc. Nhưng ba tiếng sau quay lại, mẹ tôi, Elissa Horowitz, thấy tôi vẫn đang khóc mà quần áo thì ướt nhẹp. Lúc đó cô giáo mới cho hay rằng từ lúc bà đi tôi không hề nín, thế nên người ngợm mới ướt sượt như vậy. Và tôi bị tống cổ khỏi trường mẫu giáo ngay ngày hôm đó. Nếu mẹ tôi không phải là bậc đệ nhất kiên nhẫn trên thế giới thì hẳn tôi đã không bao giờ bước chân vào cổng trường. Mọi người khuyên bà đưa tôi đi điều trị tâm lý, song bà kiên trì chờ cho tới khi tôi cảm thấy thoải mái với môi trường xung quanh, dù quá trình đó có kéo dài bao lâu chăng nữa.

Khi tôi 5 tuổi, ngôi nhà chỉ có một phòng ngủ trên Đại lộ Glen đã trở nên quá chật chội đối với một gia đình 6 người, nên gia đình chúng tôi chuyển tới một ngôi nhà khác rộng hơn ở Đại lộ Bonita. Đây là khu vực trung lưu ở Berkeley – tức là nó sẽ khác so với hầu hết các khu trung lưu khác. Nó là một hỗn hợp gồm dân hippy, những kẻ điên rồ, những người ở tầng lớp thấp làm việc như điên để mong có ngày được leo lên địa vị cao hơn và những kẻ ở tầng lớp cao hơn cần mẫn xài ma túy nhằm rủ nhau leo xuống. Một hôm, Roger (không phải tên thật), một người bạn của ông anh trai Jonathan, tới nhà chơi. Roger chỉ vào một đứa trẻ gốc Phi đang lái cái xe cút kít đỏ trên phố rồi thách tôi: “Mày ra đấy, bảo thằng oắt con kia nộp cái xe cho mày. Nếu nó nói gì thì nhổ nước miếng vào mặt nó và bảo nó là đồ mọi đen”.(8)

Có lẽ tôi phải đính chính một chút ở đây. Thứ nhất, chúng tôi sống ở Berkeley, nên những từ miệt thị như đồ mọi đen không được sử dụng phổ biến. Thực ra, trước đó tôi còn chưa từng nghe thấy từ đồ mọi đen, mà tôi cũng không biết nghĩa của nó là gì – nhưng tôi đoán rằng đó không phải là lời khen. Thứ hai, Roger không phải người có tư tưởng phân biệt chủng tộc và gia đình anh ấy cũng không đến nỗi nào. Bố Roger là một giáo sư, bác và bác gái đều là những người tử tế. Nhưng sau này tôi mới biết rằng Roger bị mắc chứng tâm thần phân liệt – anh thích chứng kiến cảnh đánh nhau.

Lời thách thức của Roger đặt tôi vào một tình thế khó khăn. Tôi vốn sợ cậu chàng mà, nên đâm hoảng rằng nếu không làm theo, hẳn cậu ta sẽ choảng tôi một trận nên thân chứ chẳng chơi. Mặt khác, tôi lại sợ phải đi đòi cái xe cút kít ấy. Thật tệ, tôi sợ mọi thứ. Nhưng vì không dám ở gần Roger nên tôi đành đi về phía đứa trẻ. Khoảng cách chắc chỉ tầm 1 mét, thế mà tôi cảm thấy dài dằng dặc như cả một chặng đường vậy. Khi tới nơi, tôi đứng im như phỗng, lúng búng mở miệng: “Cho tớ đi xe của cậu được không?” Thằng bé Joel Clark hồ hởi nói: “Được chứ!” Rồi tôi quay lại xem Roger định làm gì thì thấy cậu ta đã mất hút. Có lẽ lúc này tâm lý Roger lại thay đổi nên anh chàng chuyển sang tập trung vào chuyện khác. Joel và tôi ríu rít bên nhau suốt ngày hôm đó và cũng kể từ đó chúng tôi trở thành bạn thân của nhau. 18 năm sau, cậu ta còn làm chân phù rể trong đám cưới của tôi nữa.

Tôi chưa từng kể cho ai nghe câu chuyện này, nhưng nó đã hình thành nên cuộc sống của tôi. Nó dạy cho tôi thấy rằng sợ hãi không có nghĩa là không can đảm. Điều quan trọng là hành động – nó sẽ quyết định tôi là anh hùng hay kẻ nhát chết. Tôi vẫn thường nhớ lại cái ngày hôm đó để nhận ra rằng nếu làm theo Roger thì có lẽ tôi đã không được gặp người bạn thân nhất của mình.

Kỷ niệm đó cũng dạy tôi biết không nên đánh giá sự việc ở bề ngoài. Nếu không dụng công tìm hiểu ai đó hoặc điều gì đó, bạn sẽ không biết gì cả. Không có con đường tắt nào dẫn tới sự hiểu biết đâu, nhất là những sự hiểu biết đến từ kinh nghiệm cá nhân. Làm theo kinh nghiệm truyền thống và dựa vào những đường ngang ngõ tắt đôi khi lại nguy hại hơn là chẳng biết gì cả.

“BỎ CUỘC ĐI”

Trong nhiều năm, tôi đã nỗ lực rất lớn để tránh bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm đầu đời và lối mòn. Lớn lên ở Berkeley và là học sinh xuất sắc ở một thị trấn coi bóng bầu dục là môn thể thao hung bạo, lẽ ra tôi không nên gia nhập đội bóng bầu dục của trường Trung học Berkeley – thế mà tôi vẫn làm. Và đó là một bước tiến lớn đối với tôi. Tôi chưa từng tham gia vào một giải bóng bầu dục nào, nên đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thể thao, song những bài học ban đầu về cách xử trí nỗi sợ hãi đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Bởi lẽ, khi chơi bóng ở trường trung học, thì việc kiểm soát nỗi sợ chiếm tới 75% khả năng thành công của trận đấu.

Tôi vẫn còn nhớ mãi lần đầu cả đội ra mắt huấn luyện viên trưởng Chico Mendoza, vị thầy giáo già nghiêm khắc từng chơi trong đội bóng Trường Đại học Texas Christian, nơi sản sinh ra Những Chú Ếch Sừng(9) dũng mãnh. Huấn luyện viên Chico bắt đầu bài phát biểu của mình như sau: “Một số anh ở đây sẽ tửng từng tưng ra về, không biết nghiêm túc là gì. Các anh đến đây chỉ để đá vớ đá vẩn, nói nhăng nói cuội, dặt dẹo, không chịu rèn luyện và chỉ muốn trông thật bảnh trong bộ quần áo cầu thủ. Nếu thật thế thì hãy bỏ cuộc luôn đi”. Tiếp đến, thầy nói kỹ hơn về những hành vi không được chấp nhận: “Đi tập trễ hả? Bỏ cuộc đi. Không muốn va chạm hả? Bỏ cuộc đi. Đi dật dờ trên sân hả? Bỏ cuộc đi. Gọi tôi chỏng lỏn bằng cái tên Chico hả? Bỏ cuộc đi”.

Đó là bài phát biểu căng thẳng, hài hước và văn vẻ nhất mà tôi từng nghe. Thích chí quá, về đến nhà là tôi kể ngay cho mẹ. Nghe xong bà hoảng hồn, còn tôi vẫn sướng âm ỉ. Tới giờ ngẫm lại, tôi thấy đó là bài học đầu tiên về nghệ thuật lãnh đạo của mình. Cựu ngoại trưởng Colin Powell từng nói lãnh đạo là khả năng khiến người khác đi theo mình, dù họ chỉ theo vì tò mò. Sau bài phát biểu của thầy Mendoza, hẳn nhiên là tôi rất tò mò muốn nghe xem thầy sẽ nói gì tiếp theo.

Tôi là thành viên duy nhất của đội bóng có tên trong lớp toán tài năng, cho nên ở nhiều môn chúng tôi không học cùng nhau. Rốt cuộc là nhóm nào cũng có mặt tôi và bạn bè tôi cũng có những quan điểm, cách suy nghĩ rất trái chiều nhau. Thật thú vị khi chứng kiến ý nghĩa của mỗi sự kiện lớn diễn ra trên thế giới được thay đổi dưới những góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn, trong khi album Hard Times với tiếng trống bass nện thình thình như đấm vào màng nhĩ của nhóm nhạc hip-hop Run-D.M.C xuất hiện như một cơn cuồng phong giữa đội bóng thì một mảy gió của nó cũng không phe phẩy nổi tới lớp giải tích của tôi. Và khi tới lượt các nhà khoa học trẻ sôi sục lên trước Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược của Ronald Reagan vì cơ sở kỹ thuật lỏng lẻo của nó, thì đời sống ở đội bóng vẫn hết sức bình yên.

Cách nhìn cuộc sống qua những lăng kính khác nhau như vậy đã giúp tôi biết phân biệt giữa dữ kiện và sự diễn giải dữ kiện – về sau, khả năng này còn trở nên đặc biệt hữu dụng khi tôi tham gia thương trường và trở thành CEO. Trong những tình huống nguy nan, khi mà dường như các “dữ kiện” đều trực chỉ một kết quả chắc chắn nào đó, tôi vẫn kiên trì tìm kiếm những câu chuyện khác, những cách lý giải khác xuất phát từ những góc nhìn hoàn toàn khác để bổ sung cho góc nhìn của chính tôi. Trong lúc cả công ty đều đang phấp phỏng lo âu, thì có khi sự tồn tại của một tình huống thay thế khả thi cũng đủ để giúp họ duy trì niềm hy vọng.

HẸN HÒ GIẤU MẶT

Mùa hè năm 1986, tôi học xong năm thứ hai trường Đại học Columbia và đang ở cùng bố, người hiện đang sống tại Los Angeles. Lần đó Claude Shaw, anh bạn cùng tham gia đội bóng bầu dục hồi ở trường trung học với tôi, thu xếp một cuộc hẹn hò kép giữa một bên là anh ấy và cô bạn gái Jackie Williams và một bên là tôi với Felicia Wiley, người mà họ muốn mai mối cho tôi. Hai thằng chuẩn bị một bữa tối cầu kỳ cho buổi hẹn. Chúng tôi lên kế hoạch tỉ mỉ rồi lúi húi nấu nướng suốt cả ngày để bữa tối – trong đó có 4 suất bít tết phi lê được trình bày không thể hoàn hảo hơn – sẵn sàng lúc 7 giờ tối. Nhưng giờ hẹn đã tới mà không thấy ai xuất hiện cả.

Một tiếng trôi qua, song chúng tôi không vì thế mà trở nên quá căng thẳng, bởi lẽ cô nàng Jackie vốn lề mề có tiếng. Hai tiếng trôi qua, Claude đành gọi điện để kiểm tra tình hình. Vừa đưa mắt liếc nhìn bữa tối hấp dẫn lúc này đã nguội ngắt, tôi vừa ngồi nghe cuộc nói chuyện mà không khỏi ngạc nhiên: Felicia, cô nàng hẹn hò giấu mặt với tôi, nói rằng cô ta “quá mệt” nên không đến được. Chao ôi, thế mới bực mình làm sao chứ!

Tôi bảo Claude đưa điện thoại rồi tự giới thiệu: “Chào cậu, tớ là Ben, người có hẹn với cậu tối nay”.

Felicia: “Tớ rất tiếc. Tớ mệt quá, mà cũng muộn rồi nữa”.

Tôi: “Muộn là vì cậu muộn đấy thôi!”

Felicia: “Tớ biết, tại vì tớ mệt quá nên không thể tới được”.

Tới lúc này, tôi quyết định kêu gọi sự đồng cảm ở cô nàng:

Tôi: “Tớ hiểu tình cảnh khó xử của cậu, nhưng lẽ ra cậu phải báo trước một câu chứ. Bọn tớ đã mất cả ngày nấu bữa tối này rồi. Nếu không tới đây ngay lập tức thì cậu quả thực là kẻ thô lỗ và cậu sẽ mãi để lại một ấn tượng xấu đấy”.

Nếu cô nàng là kẻ ích kỷ (như những gì bộc lộ qua hành động của cô), thì lời kêu gọi của tôi sẽ không có ký lô trọng lượng nào cả, mà tốt hơn hết là tôi cũng nên gạt buổi hẹn hò này đi. Mặt khác, nếu cô nàng không muốn đi ra ngoài như thế, thì hẳn cô nàng đã gặp chuyện gì đó.

Felicia: “Thôi được rồi, tớ sẽ đến”.

90 phút sau, cô xuất hiện thật xinh xắn trong chiếc quần soóc trắng. Vì mải tập trung chuẩn bị cho buổi hẹn hò nên tôi đã quên khuấy trận đánh nhau hôm trước. Số là hôm đó, khi một lũ con trai tụ tập chơi bóng rổ ở thung lũng San Fernando, một gã cao to lực lưỡng, tóc húi cua, mặc quần nhà binh ném bóng vào người anh tôi. Anh Jonathan là nhạc sĩ, để tóc dài và hồi đó nặng chừng 70 cân, còn tôi thì đã quen chơi bóng và đánh lộn nên chẳng ngán hành động. Tôi đánh giá tình hình rồi lao vào gã cao bồi đó, thế là cuộc ẩu đả diễn ra. Tôi đấm được vài cú ra trò, nhưng cũng bị thụi một vố đau điếng vào mé mắt trái. Có lẽ gã to con đó chỉ bực mình vì pha bóng hỏng chứ không có ý định bắt nạt anh trai tôi – tôi không biết thực hư ra sao, nhưng đó âu cũng là cái giá phải trả cho cái tội hấp tấp không chịu tìm hiểu vấn đề.

Vậy là khi tôi ra mở cửa đón khách, đôi mắt xanh biếc và đẹp tuyệt vời của Felicia liền chú ý ngay tới vết bầm dưới mắt tôi. Và thế đấy, ấn tượng ban đầu của cô nàng (như lời thú nhận của Felicia nhiều năm sau) là: “Mình gặp phải kẻ côn đồ rồi. Thật sai lầm khi đến đây”.

Thật may là không ai trong hai chúng tôi bị lệ thuộc vào ấn tượng ban đầu. Tới giờ, chúng tôi đã chung sống hạnh phúc bên nhau được gần 25 năm và sinh được ba thiên thần tuyệt vời.

THUNG LŨNG SILICON

Một mùa hè thời còn là sinh viên, tôi được nhận vào làm kỹ sư ở Công ty Đồ họa Silicon (SGI). Thời gian làm việc ở đó khiến tôi thích mê. Họ sáng tạo đồ họa máy tính hiện đại và chạy một loạt các ứng dụng thế hệ mới, từ bộ phim Kẻ hủy diệt 2 cho đến những trình mô phỏng bay kỳ diệu. Mọi người ở đó ai cũng thông minh và những tác phẩm họ tạo ra đều hết sức thú vị. Khi ấy, tôi muốn mình sẽ gắn bó cả đời với SGI.

Sau khi tốt nghiệp đại học và hoàn thành khóa học về khoa học máy tính, tôi chuyển sang làm việc chính thức cho SGI. Vậy là giấc mơ đã thành hiện thực và tôi rất hài lòng. Sau năm đầu tiên ở SGI, tôi gặp cô Roselie Buonauro, người từng phụ trách mảng marketing cho SGI sau đó tự lập công ty riêng. Roselie biết đến tôi qua con gái cô, cũng là đồng nghiệp của tôi ở SGI và cô nhiệt tình mời tôi sang làm việc cho cô ở NetLabs nên cuối cùng tôi cũng đồng ý.

Nhưng hóa ra đây lại là một quyết định sai lầm. NetLabs nằm dưới quyền điều hành của Andre Schwager, cựu Giám đốc Tập đoàn Hewlett-Packard và quan trọng hơn, ông là chồng của Roselie. Hai người được các nhà đầu tư mạo hiểm đưa vào “nhóm quản lý chuyên nghiệp”, nhưng rủi thay, họ lại hầu như không hiểu gì về sản phẩm hay công nghệ và họ đưa công ty đi theo những đường lối điên rồ. Đây là lần đầu tiên tôi nghiệm ra một chân lý là các nhà sáng lập phải tự chèo lái chính công ty của mình.

Cuộc sống trở nên phức tạp hơn khi cháu thứ hai nhà tôi là Mariah bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tôi phải ở nhà nhiều hơn, nên công việc trong một công ty mới thành lập lại thành gánh nặng cho cả gia đình.

Một ngày nóng nực, bố tôi đến nhà chơi. Chúng tôi không đủ tiền mua máy điều hòa, nên dưới cái nóng lên tới 40°C, cả ba đứa trẻ đều thi nhau khóc ngằn ngặt trong khi hai bố con tôi ngồi không mà mồ hôi vã ra như tắm.

Chợt ông cụ quay sang tôi hỏi: “Này con trai, anh có biết cái gì là rẻ không?”

Vì không biết ông cụ định nói gì nên tôi trả lời: “Con không biết. Là cái gì thế bố?”

“Hoa. Thứ đó rẻ lắm. Thế anh có biết cái gì là đắt không?”

Một lần nữa, tôi lại trả lời bằng câu hỏi: “Không ạ. Là cái gì hả bố?”

Ông cụ nói: “Ly dị”.

Có điều gì đó ở trò đùa ấy – mà nó cũng không hẳn là một trò đùa tếu – khiến tôi nhận ra rằng mình đã hết thời gian rồi. Cho tới lúc đó, tôi vẫn chưa thực sự có sự lựa chọn nào nghiêm túc. Tôi cứ nghĩ mình có thời gian dài rộng vô hạn và có thể làm mọi thứ mình thích cùng lúc. Nhưng câu đùa của bố bất chợt khiến tôi thấy rõ ràng rằng nếu cứ tiếp tục sống như thế này, thì sẽ có ngày tôi đánh mất gia đình mình. Nếu ôm đồm mọi việc, tôi sẽ thất bại ở những việc quan trọng nhất. Lần đầu tiên, tôi ép mình phải suy nghĩ theo những ưu tiên không hoàn toàn xuất phát từ lợi ích cá nhân. Tôi cứ nghĩ rằng mình có thể theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi tất cả các sở thích của mình và gây dựng gia đình. Nhưng quan trọng hơn, lúc nào tôi cũng nghĩ về bản thân mình trước tiên. Khi bạn là thành viên trong một gia đình hay một nhóm người, thì lối tư duy đó có thể sẽ khiến bạn gặp rắc rối và tôi thì đang lún sâu vào rắc rối. Trong đầu tôi, tôi tự tin cho rằng mình là người tốt và mình không ích kỷ, nhưng những hành động của tôi lại nói khác hẳn. Đã đến lúc phải trưởng thành rồi. Phải biết đặt những gì quan trọng lên trước. Tôi phải nghĩ đến những người tôi yêu thương trước khi nghĩ đến bản thân.

Ngay ngày hôm sau, tôi quyết định rời khỏi NetLabs. Tôi tìm được một công việc ở Lotus Development và nhờ đó mà đời sống gia đình được ổn định, quy củ hơn. Tôi không còn nghĩ đến bản thân mà tập trung vào những gì tốt nhất cho gia đình. Tôi bắt đầu trở thành con người mà mình mong muốn.

NETSCAPE

Một hôm, khi vẫn còn làm việc ở Lotus, một đồng nghiệp cho tôi xem một sản phẩm tên là Mosaic do một số sinh viên trường Đại học Illinois phát triển. Nói ngắn gọn, Mosaic là giao diện đồ họa Internet, một công nghệ trước đây chỉ được dùng cho giới khoa học và nghiên cứu. Sản phẩm này khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Nó chính là tương lai và sẽ thực là lãng phí thời gian nếu tôi không làm việc gì đó liên quan đến Internet.

Vài tháng sau, tôi đọc trên báo thông tin về một công ty có tên Netscape, đứa con chung của Jim Clark, nhà sáng lập công ty Silicon Graphics và Marc Andreessen, nhà phát minh của Mosaic. Tôi lập tức muốn làm việc ở đó. Tôi gọi điện cho một người bạn làm ở Netscape và nhờ anh ấy thu xếp giúp một cuộc phỏng vấn. Anh ấy đồng ý và thế là tôi lên đường.

Trong vòng phỏng vấn đầu tiên, tôi gặp tất cả các thành viên của nhóm quản lý sản phẩm. Tôi cứ tưởng mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, nhưng tối hôm ấy khi về đến nhà, tôi thấy Felicia ngồi khóc sụt sùi. Hóa ra trước đó, người phụ trách tuyển dụng của Netscape đã gọi điện tới nhà (thời đó điện thoại di động chưa phổ biến) để cho tôi một vài lời khuyên và Felicia đã nghe điện. Người này cho cô ấy biết rằng có thể tôi sẽ không được nhận vào Netscape, vì họ muốn tìm người có bằng MBA của trường Stanford hay Harvard. Felicia nói có thể tôi sẽ đi học. Nhưng nhìn vào cảnh con cái nheo nhóc, cô ấy biết rằng điều đó là không tưởng, nên mới ngồi khóc. Tôi giải thích cho cô ấy rằng đó là nhân viên chứ đâu phải là quản lý tuyển dụng, mà không chừng họ lại đang cân nhắc tôi, dù bằng cấp không phù hợp.

Ngày hôm sau, vị quản lý tuyển dụng gọi lại mời tôi đi phỏng vấn với nhà sáng lập kiêm Giám đốc Kỹ thuật Marc Andreessen, khi đó mới 22 tuổi.

Bây giờ, hẳn ai cũng dễ dàng hình dung rằng trình duyệt web và Internet đều là những xu hướng phát triển tất yếu, song nếu không có Marc, thế giới mà chúng ta đang sống có lẽ sẽ khác đi nhiều. Thời đó, hầu hết mọi người đều cho rằng chỉ có giới khoa học và nghiên cứu mới dùng đến Internet, và rằng Internet là thứ quá khó hiểu, không an toàn và không đáp ứng kịp những nhu cầu kinh doanh thực tế. Thậm chí sau sự ra đời của Mosaic, trình duyệt đầu tiên trên thế giới, hầu như vẫn chưa có ai – đặc biệt là những lãnh đạo trong ngành công nghệ, khi đó vẫn còn đang loay hoay xây dựng những giải pháp riêng – cho rằng Internet sẽ vươn rất xa khỏi cộng đồng khoa học. Những giải pháp được ưa thích nhất trong cuộc đua trở thành cái gọi là Xa lộ Thông tin là công nghệ của các hãng lớn như Oracle hay Microsoft. Những hoạt động của họ thu hút trí tưởng tượng của giới truyền thông kinh doanh. Hiện tượng này không hẳn là phi logic, bởi lẽ phần lớn các công ty thậm chí còn không chạy TCP/IP (nền tảng phần mềm cho Internet) mà chạy các giao thức kết nối riêng như AppleTalk, NetBIOS và SNA. Tới tận tháng 11 năm 1995, Bill Gates viết cuốn Con đường phía trước, trong đó ông vẫn tiên đoán rằng Xa lộ Thông tin – tức mạng lưới kết nối tất cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong một thế giới thương mại không có ma sát(10) – sẽ là kẻ kế nhiệm hợp lý của Internet và sẽ quyết định tương lai. Sau này Gates lật lại vấn đề và nhắc đến Internet thay vì Xa lộ Thông tin – song đó không phải là quan điểm ban đầu của ông.

Quan điểm độc quyền này không có lợi cho doanh nghiệp hay người tiêu dùng. Trong suy nghĩ của những người có tầm nhìn lớn như Bill Gates và Larry Ellison, các tập đoàn sở hữu Xa lộ Thông tin sẽ đánh thuế mọi giao dịch trên đó bằng cách ăn chia “phần trăm”, theo cách nói của Nathan Myhrvold, giám đốc công nghệ khi đó của Microsoft.

Thật khó mà hình dung nổi sức nặng của giải pháp Xa lộ Thông tin độc quyền. Sau Mosaic, ngay cả Marc và nhà đồng sáng lập Jim Clark cũng lên kế hoạch xây dựng một công ty phân phối video để chạy trên Xa lộ Thông tin chứ không phải Internet. Phải đến khi đi sâu vào quá trình lập kế hoạch, họ mới quyết định rằng nếu cải thiện trình duyệt theo hướng an toàn, thiết thực và dễ sử dụng hơn, thì họ sẽ có thể đưa Internet trở thành mạng lưới của tương lai. Và đó chính là sứ mệnh của Netscape, một sứ mệnh mà sau này họ đã hoàn thành một cách đầy vinh quang.

Cuộc phỏng vấn với Marc không giống với bất kỳ cuộc phỏng vấn tuyển dụng nào trước đó của tôi. Không có những câu hỏi về lý lịch, về những bước tiến trong sự nghiệp, hay thói quen làm việc. Thay vào đó, Marc hỏi xoáy vào lịch sử email, phần mềm hợp tác và các tiên kiến về tương lai. Tôi vốn là chuyên gia ở chủ đề này, bởi mấy năm qua tôi làm việc trên những sản phẩm đi đầu trong ngành; dẫu vậy, tôi vẫn hết sức kinh ngạc trước kiến thức về lịch sử ngành máy tính của một cậu nhóc 22 tuổi. Tôi đã gặp nhiều người trẻ thông minh, nhưng chưa từng gặp một nhà sử học trẻ về công nghệ. Kiến thức và tài năng của Marc đã khiến tôi phải tròn mắt thán phục. Nhưng bên cạnh kiến thức lịch sử, những hiểu biết của Marc về các công nghệ như công nghệ sao lưu cũng rất sắc sảo và chính xác. Sau cuộc phỏng vấn, tôi gọi điện cho anh trai nói rằng mình vừa phỏng vấn với Marc Andreessen, con người thông minh nhất tôi từng gặp.

Một tuần sau, tôi được nhận vào làm. Tôi phấn khích tới độ không cần quan tâm xem họ cho mình những lợi ích gì. Tôi chỉ biết rằng Marc và Netscape sẽ làm thay đổi thế giới và tôi muốn được dự phần trong đó. Tôi bồn chồn chờ ngày làm việc đầu tiên.

Ở Netscape, tôi được giao phụ trách dòng sản phẩm máy chủ web dành cho doanh nghiệp. Dòng này có hai sản phẩm là máy chủ web thông thường có giá bán 1.200 đô la và máy chủ web an toàn (tức loại máy chủ có chứa giao thức an ninh mới gọi là SSL (Secure Sockets Layer) do Netscape phát minh) giá bán 5.000 đô la. Vào thời điểm tôi gia nhập, công ty mới chỉ có hai kỹ sư phụ trách máy chủ web là Rob McCool, người phát minh ra máy chủ NCSA và người em trai song sinh Mike McCool.

Tới tháng 8 năm 1995, khi Netscape được cổ phần hóa, nhóm máy chủ web của chúng tôi đã lên tới con số 9 kỹ sư. Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Netscape vừa ấn tượng vừa có một không hai trong lịch sử. Ban đầu, giá cổ phiếu của công ty được ấn định ở mức 14 đô la/cổ phiếu, song vào phút chót con số này được đẩy lên gấp đôi, tức 28 đô la/cổ phiếu. Nó tiếp tục tăng lên đến mốc 75 đô la – gần như là một kỷ lục cho ngày chào bán đầu tiên – và kết thúc với con số 58 đô-la. Như vậy, trong ngày chào bán cổ phiếu đầu tiên, giá trị thị trường của Netscape đã đạt gần 3 tỉ đô la. Đợt IPO này đã khiến cả thế giới kinh doanh rúng động. Theo lời của Frank Quattrone, ông bạn làm trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng của tôi thì: “Không ai muốn sau này lại phải ngậm ngùi thừa nhận với cháu chắt của mình rằng họ đã bỏ lỡ sự kiện này”.

Vụ giao dịch này đã làm thay đổi mọi thứ. Microsoft từng phải lăn lộn thương trường trong hơn một thập kỷ trước khi mở IPO, còn chúng tôi mới tồn tại vẻn vẹn 16 tháng. Người ta bắt đầu phân loại các công ty theo nhóm “nền kinh tế mới” và “nền kinh tế cũ”. Và nền kinh tế mới đang giành chiến thắng vang dội. Tờ New York Times cho rằng đợt IPO của Netscape là một sự kiện “gây chấn động thế giới”.

Nhưng có một điểm sơ hở mà chúng tôi không ngờ tới: Microsoft tuyên bố họ sẽ cung cấp miễn phí gói trình duyệt Internet Explorer kèm theo hệ điều hành mới mang tính đột phá, Windows 95. Quả là một rắc rối lớn đối với Netscape bởi gần như toàn bộ doanh thu của chúng tôi có được nhờ việc bán trình duyệt, mà Microsoft lại chiếm tới hơn 90% hệ điều hành. Câu trả lời của chúng tôi trước các nhà đầu tư là: Chúng tôi sẽ kiếm tiền trên các máy chủ web.

Hai tháng sau, chúng tôi có trong tay phiên bản máy chủ sắp ra lò Internet Information Server (IIS) của Microsoft. Sau khi mổ xẻ phân tích IIS, chúng tôi thấy rằng nó có tất cả những gì mà chúng tôi có – bao gồm cả tính năng an toàn trong sản phẩm cao cấp – và chạy nhanh hơn tới 5 lần. Chà! Tôi nhẩm tính rằng cho tới ngày Microsoft ra mắt IIS, chúng tôi có khoảng 5 tháng để giải quyết vấn đề, nếu không sẽ lôi thôi to. Trong “nền kinh tế cũ”, chu kỳ sản phẩm thường kéo dài 18 tháng để hoàn thành, vậy nên 5 tháng là một thời gian cực kỳ ngắn ngủi ngay cả đối với “nền kinh tế mới”. Thế là tôi tới gặp người đứng đầu bộ phận của mình, Mike Homer.

Ngoài Marc, Mike Homer là động lực sáng tạo quan trọng nhất của Netscape. Nhưng điều quan trọng hơn là càng ở vào tình thế ngặt nghèo, Mike càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong những đợt tấn công cạnh tranh mang tính quyết tử, đa phần các lãnh đạo đều né tránh giới truyền thông. Mike thì ngược lại, luôn giữ vị trí trung tâm ở tuyến đầu. Khi Microsoft tiết lộ chiến lược “ôm lấy và mở rộng”(11) trứ danh của họ – tức một đợt tấn công tổng lực nhằm vào Netscape – Mike tiếp nhận mọi cuộc điện thoại; có khi anh thậm chí còn hai tay hai máy cùng lúc tiếp chuyện với hai phóng viên. Anh quả đúng là một chiến binh can trường.

Mike và tôi dành mấy tháng sau đó vạch ra một kế hoạch đáp trả toàn diện cho sự đe dọa của Microsoft. Nếu như họ định đánh bật sản phẩm của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ đưa ra một sản phẩm mở giá rẻ thay thế cho dòng sản phẩm Microsoft BackOffice độc quyền và đắt đỏ của họ. Để làm được điều đó, chúng tôi mua hai công ty khác để tạo thế cạnh tranh với Microsoft Exchange. Tiếp theo, chúng tôi có một thỏa thuận quan trọng với công ty cơ sở dữ liệu Informix, theo đó họ sẽ cho chúng tôi quyền truy cập không giới hạn cơ sở dữ liệu quan hệ qua web với giá 50 đô la/sản phẩm, tức là rẻ hơn giá của Microsoft tới hàng trăm lần.

Sau khi hoàn thiện gói sản phẩm này, Mike đặt tên cho nó là Netscape SuiteSpot, và kỳ vọng nó sẽ “hất cẳng” BackOffice của Microsoft. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ chu đáo cho buổi ra mắt sản phẩm vào ngày 5/3/1996 ở New York.

Nhưng rồi, chỉ hai tuần trước ngày ra mắt, chẳng nói trước một câu với Mike hay với tôi, Marc đi tiết lộ toàn bộ chiến lược này cho tờ Computer Reseller News. Tôi tức điên và ngay lập tức gửi một email ngắn cho cậu ta:

Gửi: Marc Andreessen

Đồng kính gửi: Mike Homer

Từ: Ben Horowitz

Tiêu đề email: Buổi ra mắt

Thế này thì chắc là không phải đợi cho đến ngày mồng 5 mới bắt đầu thực hiện chiến lược được rồi.

Ben

15 phút sau, tôi nhận được câu trả lời như sau:

Gửi: Ben Horowitz

Đồng kính gửi: Mike Homer, Jim Barksdale (CEO), Jim Clark (Chủ tịch)

Từ: Marc Andreessen

Tiêu đề email: Buổi ra mắt

Rõ ràng là anh chẳng hiểu được tình hình nguy ngập ra sao. Chúng ta đang bị giết dần giết mòn trên thị trường. Sản phẩm hiện tại thì tồi tệ hơn rất nhiều so với đối thủ. Chúng ta im hơi lặng tiếng hàng tháng trời. Hậu quả là, chúng ta vừa để mất hơn 3 tỉ đô la giá trị vốn hóa thị trường. Hiện nay chúng ta đang đứng trước nguy cơ trắng tay, mà mọi sai lầm đều từ khâu quản lý sản phẩm máy chủ mà ra.

Lần sau anh tự vác xác cho họ phỏng vấn đi.

Đồ chết dẫm,

Marc

Ngày tôi nhận được email này cũng là ngày Marc xuất hiện trên bìa tạp chí Time, đầu đội vương miện, chân để trần. Khi nhìn thấy bìa báo, tôi rùng mình, bởi tôi chưa từng gặp ai ngoài đời mà lại có mặt trên bìa tờ tạp chí Time. Tiếp sau đó là cảm giác muốn ốm. Tôi mang cả tờ tạp chí và email về nhà cho Felicia đọc để hỏi ý kiến cô ấy. Tôi đã 29 tuổi, có vợ và 3 con và tôi cần việc làm. Felicia đọc email, nhìn tờ tạp chí rồi nói: “Anh phải đi kiếm việc khác ngay”.

Nhưng rốt cuộc, tôi không bị sa thải và hai năm sau đó, SuiteSpot nhảy từ con số 0 lên một mảng kinh doanh mang lại 400 triệu đô la mỗi năm. Một tin đáng kinh ngạc hơn là, cuối cùng Marc và tôi lại trở thành bạn bè. Chúng tôi là bạn bè và cũng là đối tác kinh doanh của nhau kể từ đấy.

Mọi người vẫn thường hỏi tôi làm sao chúng tôi có thể làm việc hiệu quả ở cả 3 công ty trong suốt 18 năm ròng. Đa phần các mối quan hệ kinh doanh dần dà đều trở nên hoặc quá căng thẳng tới mức không thể chịu đựng nổi, hoặc không đủ căng thẳng để mang lại hiệu quả. Người ta hoặc là thách thức lẫn nhau rồi đâm ra ghét bỏ nhau, hoặc là quá tự mãn trước những phản hồi của đối tác để rồi không còn đạt được lợi ích gì từ mối quan hệ đó. Nhưng đối với Marc và tôi, ngay cả sau 18 năm, anh ấy giờ đây vẫn cần mẫn làm tôi nổi khùng qua việc bới lông tìm vết ở tôi, còn tôi cũng làm ngược lại với anh ấy. Đó là một phương pháp hiệu quả.

KHỞI NGHIỆP

Cuối năm 1998, dưới áp lực gắt gao của Microsoft, khi đó dồn toàn lực sử dụng thế độc quyền về hệ điều hành để bao cấp cho các sản phẩm miễn phí trên tất cả những dòng sản phẩm có sự cạnh tranh của Netscape, chúng tôi bán công ty cho America Online (AOL). Ở tầm nhìn ngắn hạn, đây là một chiến thắng lớn đối với Microsoft bởi họ đã đẩy được mối đe dọa nguy hiểm nhất của mình vào tay một đối thủ không lấy gì làm đáng sợ. Nhưng xét về lâu dài, Netscape đã khoét một lỗ hổng không thể gắn liền trên pháo đài của Microsoft trong ngành công nghiệp máy tính: những gì chúng tôi làm đã chuyển các nhà phát triển(12) từ Win32 API, nền tảng công nghệ độc quyền của Microsoft, sang Internet. Khi thiết kế tính năng mới cho máy tính, họ sẽ không còn phải viết cho nền tảng độc quyền của Microsoft nữa mà viết lên các giao diện chuẩn của Internet và World Wide Web. Một khi đã để mất quyền kiểm soát đối với các nhà phát triển, chẳng sớm thì muộn Microsoft cũng sẽ để mất thế độc tôn về hệ điều hành. Cũng trong suốt thời gian tồn tại của mình, Netscape đã phát minh ra vô số công nghệ “lát đường” cho Internet hiện đại như JavaScript, SSL và cookies.

Sau khi công ty sát nhập vào AOL, tôi được giao nhiệm vụ vận hành nền tảng thương mại điện tử, còn Marc là giám đốc công nghệ. Sau một vài tháng, cả hai chúng tôi dần nhận ra rằng AOL là một công ty thiên về truyền thông hơn là công nghệ. Đúng là công nghệ đã giúp thực hiện những dự án truyền thông lớn, song chiến lược của họ là chiến lược truyền thông và người đứng đầu công ty này, Bob Pittman, cũng là một thiên tài về truyền thông. Công ty truyền thông thì tập trung vào việc tạo ra những câu chuyện hay, trong khi công ty công nghệ lại đặt mục tiêu sáng tạo ra cách làm việc tốt hơn. Vậy là chúng tôi lại bắt đầu nghĩ đến những ý tưởng mới, về cả việc thành lập một công ty mới.

Trong quá trình trao đổi, chúng tôi còn có thêm hai người nữa (sau này cả hai đều là những nhà đồng sáng lập với chúng tôi). Tiến sĩ Timothy Howes là đồng tác giả của LDAP(13), một phiên bản đơn giản hóa tài tình của giao thức X.500 cồng kềnh trước đó. Tim được tuyển dụng vào Netscape năm 1996 và chúng tôi đã thành công trong việc đưa LDAP trở thành chuẩn thư mục trên Internet. Tới bây giờ, nếu một chương trình muốn tìm hiểu thông tin về một người, thì nó sẽ truy cập thông tin đó thông qua LDAP. Thành viên thứ tư trong nhóm là In Sik Rhee, nhà đồng sáng lập của Kiva Systems, một công ty máy chủ ứng dụng được Netscape mua lại. In Sik là Giám đốc Công nghệ của Ban Thương mại điện tử do tôi phụ trách và anh làm việc chặt chẽ với các công ty đối tác nhằm giúp họ thích nghi với quy mô của AOL.

Khi trao đổi ý tưởng, In Sik than phiền rằng cứ hễ tìm cách kết nối với một đối tác của AOL trên nền tảng thương mại điện tử của AOL là y như rằng website của bên đối tác lại bị sập, bởi vì họ không chịu nổi lưu lượng dữ liệu ở đây. Phát triển phần mềm cho hàng triệu người sử dụng là một công việc khác hẳn so với khi phát triển phần mềm cho vài nghìn người và nó cực kỳ phức tạp.

Vậy là… cần phải có một công ty đảm trách tất cả những công việc đó cho họ.

Và trong quá trình mở rộng ý tưởng, chúng tôi nghĩ đến khái niệm về điện toán đám mây. Thực ra, thuật ngữ đám mây đã được ngành viễn thông sử dụng từ trước đó để chỉ đám mây thông minh, có thể xử lý tất cả những thông tin rắc rối, từ định tuyến cuộc gọi cho tới tính toán hóa đơn; và người dùng chỉ cần kết nối một thiết bị không thông minh với đám mây thông minh để được miễn phí sử dụng tất cả các tính năng thông minh. Chúng tôi nghĩ rằng ngành máy tính cũng cần có ý tưởng tương tự để giải tỏa mối lo của các nhà phát triển phần mềm về tính an ninh, quy mô và phục hồi tai nạn máy tính. Mà nếu bạn đã định xây dựng một đám mây, thì tốt hơn hết phải xây hẳn một đám mây to và ầm ĩ – và thế là Loudcloud(14) ra đời. Cái thú vị nằm ở chỗ, phần “sống dai” nhất của Loudcloud lại là bản thân cái tên đó, bởi thuật ngữ đám mây chưa từng được dùng để miêu tả một nền tảng máy tính.

Chúng tôi chung tay thành lập công ty và huy động vốn. Thời điểm đó là năm 1999.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button