Kỹ năng mềm

Giải Mã Tài Năng

Lời giới thiệu

Ai sẵn sàng khép mình vào kỷ luật và đầu tư mồ hôi nước mắt, người đó có thể thành một vận động viên thể thao đỉnh cao hay một nghệ sĩ tài ba. Đừng tin Mozart khi ra đời đã líu lo huýt sáo khúc dạo đầu của công-xéc-tô số 9, Einstein luôn được các thầy cô giáo ở tiểu học xoa đầu khen học giỏi, hay “Tiger“ Woods vừa rời bụng mẹ đã cầm cây gậy đánh golf vào tay.

Không thể phủ nhận là đa số chúng ta, những người trần mắt thịt và không có năng khiếu siêu phàm nào, quá dễ tin vào thiên chức nằm sẵn trong gien của các Mozart, Einstein hay Woods. Vì vậy nên mới choáng váng khi vấp phải một Geoff Colvin – kẻ đốt đền, tên xô đổ tượng thánh, gã bôi bẩn mặt trời!? Geoff Colvin là tổng biên tập của tạp chí “Fortune Magazine“ và được coi là một trong những chuyên gia kinh tế sáng giá nhất mà ĐH Harvard từng đào tạo ra. Là người dẫn chương trình “Wall Street Week with Fortune“, hằng tuần ông diễn thuyết trước số khán giả đông nhất mà một chương trình kinh tế từng đạt được ở Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, chừng ấy chiến tích không nhất thiết là cái tem chất lượng để bảo đảm nói câu nào cũng đúng.

Nhưng cuốn sách bạn đang cầm trong tay là kết quả nghiên cứu nghiêm túc của nhiều nhà khoa học uy tín. Và giờ đây ta có minh chứng cho lời của Thomas Edison bằng giấy trắng mực đen: “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”. Geoff Colvin đã phũ phàng dọn sạch mọi lầm tưởng rằng năng khiếu trời cho là chìa khóa duy nhất dẫn đến thành tựu phi thường.

Bằng lập luận chặt chẽ, ví dụ thực tế và ngôn ngữ sắc bén, tác giả chỉ ra những nhân tố nào tạo thành thiên tài mà ở đó, năng khiếu bẩm sinh chỉ chiếm một vị trí quá đỗi khiêm nhường. Geoff Colvin thuật lại cho ta thấy con đường lên đỉnh cao của các nhân vật siêu việt, nhưng không để ca bài “thân thế và sự nghiệp”, mà cốt khẳng định: một môi trường vừa gây áp lực vừa thúc đẩy phát triển, cộng với tinh thần kỷ luật và ý chí hướng đích, đó là phương trình đơn giản (để hiểu) nhưng khó (thực thi) để đạt thành công phi thường. Một điểm đập vào mắt khi phân tích các thiên tài là khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài. Song nhất thiết cũng phải có một môi trường xã hội và văn hóa nhằm phát hiện sớm mầm mống sẵn có, nhất là thông qua bố mẹ hay người thân, lý tưởng nữa là được giao tiếp với các bậc thầy trong lĩnh vực đó để các mầm mống ấy đừng mai một trong bóng tối. Những điều kiện khung ấy tạo ra tầm nhìn cho trẻ, gợi ý về tương lai, khêu gợi ý thức về chỗ đứng tương lai trong nhóm ưu tú. Người ta cũng manh nha nhận thấy chìa khóa thành công nằm trong các bài tập tốc độ chậm, lặp đi lặp lại để não bộ ghi nhận và “xếp vào bộ nhớ” – các trung tâm thể thao thế giới đang tích hợp loại bài tập không dụng cụ với tốc độ chậm, tập từng ngày cho đến khi thuộc lòng. Thế giới sẽ không bao giờ chen chúc đầy những Mozart, Einstein hay Woods.

Nhưng sẽ tẻ nhạt biết bao khi ra ngõ là chạm mặt thiên tài. Ta hoàn toàn có thể chấp nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên (không hẳn theo định nghĩa bạo liệt của Darwin) là cái sàng khổng lồ để tách thóc khỏi trấu, song tự phung phí tiềm năng của mình bằng cách đổ tội cho “gien xấu” chỉ là một dạng tự dối lòng. Tất nhiên, di sản sinh học do bố mẹ để lại là một cái cần câu, song câu được cá hay không lại là chuyện khác.

Các phân tích khoa học thuần lý tính cho thấy khả năng âm nhạc của Mozart từ tuổi thơ hoàn toàn là kết quả của sự chăm chút sớm bởi tay người bố, nhà soạn nhạc cung đình Leopold Mozart; những sáng tác đầu tay thuở hoa niên chỉ là sự lặp lại các bài tập của thầy giáo, đôi khi được phụ huynh “chỉnh sửa” đôi chút và hầu như luôn được hậu thế thêu dệt thêm nhiều. Mozart thành tài từ lúc rất trẻ, đúng vậy, song so sánh với các học sinh trường năng khiếu nhạc hôm nay thì cũng chẳng có gì vượt trội. Các sáng tác của ông hôm nay được in ra hàng triệu đĩa, song hầu như tất cả đều theo đơn đặt hàng chứ không phải cảm xúc lai láng trên tháp ngà… Nhà phê bình âm nhạc người New York, Alex Ross, đã tổng kết phần lớn các phát hiện gần đây trong cuốn Điều kỳ diệu của Salzburg: ʺCác bậc cha mẹ tham vọng, những người thường bật các đĩa ʹBaby Mozartʹ cho con trẻ của mình xem, hẳn sẽ thất vọng nếu biết rằng Mozart trở thành Mozart chính nhờ vào sự khổ luyện của chính ông.ʺ

Lại quay lại nhìn vào gương, chúng ta, số đông của nhân loại, những người không được đặt vào nôi một vài năng khiếu xuất chúng, nên cảm ơn tác giả đã đem lại một thông điệp tốt lành: ai sẵn sàng khép mình vào kỷ luật và đầu tư mồ hôi nước mắt, người đó có thể thành một vận động viên thể thao đỉnh cao hay một nghệ sĩ tài ba. Chỉ số thông minh (IQ) thời Mozart chưa thành khái niệm, ở nửa sau thế kỷ 20 chợt được đưa lên như thước đo vạn năng cho trí lực, và hôm nay đã bị coi là một công cụ đầy khiếm khuyết để xác định thành công: hầu như các kiện tướng cờ đều không có IQ cao! Vậy thì đừng than vãn, đừng há miệng chờ sung, đừng đổ cho nhà nhiều ruồi mà không gặp được nàng Thơ, đừng bảo không có điện nên không bật được computer – từ hôm nay trở đi, từ khi đọc xong cuốn sách này sẽ không còn nhiều cớ thoái thác nữa!

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Đó là vào giữa năm 1978, trong trụ sở của “người khổng lồ” Procter & Gamble (viết tắt là P&G) ở thành phố Cincinnati, tại phòng ở chung của hai chàng trai hai mươi hai tuổi và mới ra trường. Mặc dù công việc của họ là bán bánh sô cô la hạnh nhân Duncan Hines nhưng họ dành phần lớn thời gian chỉ để viết lại các bản ghi nhớ theo những nội quy nghiêm ngặt của công ty. Rõ ràng họ rất thông minh: một người vừa tốt nghiệp trường Đại học Harvard, và người kia tốt nghiệp trường Dartmouth. Nhưng đây không phải điều để phân biệt họ với một loạt nhân viên mới khác của P&G. Điểm phân biệt họ với nhiều nhân viên trẻ tuổi nhiệt huyết khác được tuyển chọn vào công ty mỗi năm lại ở chỗ cả hai người đều không có chút tham vọng, kế hoạch hay mục tiêu nghề nghiệp đặc biệt gì mà chiều nào họ cũng chơi môn bóng rổ tẻ nhạt. Một trong hai người sau này nhớ lại: “Chúng tôi từng bị coi là hai kẻ ít có khả năng thành công nhất.”

Hiện tại, chúng ta quan tâm tới hai chàng trai trẻ này chỉ vì một lý do duy nhất: họ là Jeffrey Immelt và Steven Ballmer, những người trước 50 tuổi đã trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của hai tập đoàn danh giá nhất trên thế giới – General Electric và Microsoft. Trái ngược với những gì mọi người dự đoán về họ khi còn là nhân viên mới, hiện tại họ đã hoàn toàn vươn tới đỉnh cao của thành công. Vấn đề đặt ra là họ đã làm thế nào để thành công?

Nhờ vào tài năng ư? Nếu vậy, đó quả là thứ tài năng lạ lùng, đã không bộc lộ trong 20 năm đầu tiên của cuộc đời họ. Nhờ vào bộ não ư? Cả hai rõ ràng rất thông minh, nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ họ thông minh hơn hàng ngàn các bạn đồng môn hoặc đồng nghiệp khác. Hay nhờ vào sự chăm chỉ làm việc? Rõ ràng họ chưa đạt đến mức đấy.

Vậy điều gì đưa họ đến tầm cao của thế giới kinh doanh. Đó quả là một câu hỏi hóc búa nhất, không chỉ dành cho Immelt và Ballmer mà cho tất cả mọi người. Vậy điều gì là gì?

Hãy nhìn xung quanh bạn

Hãy quan sát những người bạn, hàng xóm, đồng nghiệp hay những người bạn gặp khi đi mua hàng hay dự tiệc. Họ dành thời gian hàng ngày để làm gì? Hầu hết họ đều làm việc. Họ còn chơi thể thao, chơi nhạc, theo đuổi sở thích, tham gia các hoạt động công ích. Bây giờ, bạn hãy thành thật tự hỏi: Họ làm những việc đó tốt đến đâu?

Câu trả lời được trông đợi nhất là họ làm tốt. Họ làm đủ tốt để tiếp tục thực hiện công việc đó. Ở công sở, họ không để bị sa thải và vài lần được thăng chức. Họ chơi thể thao hoặc theo đuổi sở thích khác của mình vừa đủ tốt để thưởng thức chúng. Nhưng kỳ lạ là chẳng mấy người xung quanh bạn thực sự thành công với những việc họ làm – hoàn hảo và xuất sắc ở tầm cỡ thế giới.

Tại sao? Tại sao họ không thể điều hành công việc kinh doanh như Jack Welch hay Andy Grove, đánh gôn giỏi như Tiger Woods, chơi đàn vi-ô-lông hay như Itzhak Perlman? Xét cho cùng, hầu hết họ đều là những người tốt, tận tâm và siêng năng làm việc. Một số đã có một thời gian rất dài trải nghiệm trong công việc – hai mươi, ba mươi hay bốn mươi năm. Tại sao chừng đấy vẫn chưa đủ để họ trở thành những người vĩ đại? Sự thật là hầu như không ai trong số họ đến gần hoặc đạt được sự vĩ đại, trừ một số ít người.

Đây là bí ẩn thông thường đến nỗi ít ai để ý, nhưng lại đặc biệt quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của tổ chức nơi ta làm việc, với những sự nghiệp ta theo đuổi, và với cuộc sống của chính chúng ta. Trong vài trường hợp, ta có thể tự lý giải rằng mình không giỏi ở các trò chơi và sở thích riêng do không thật sự chú tâm. Vậy với công việc thì sao? Chúng ta đã học tập nhiều năm để tích lũy kiến thức và dành phần lớn thời gian cho công việc. Hầu hết hẳn sẽ bối rối khi cộng tất cả số giờ dành cho công việc và so sánh với số giờ dành cho những ưu tiên khác mà ta cho là quan trọng hơn, như gia đình. Kết quả thu được sẽ cho thấy công việc mới là ưu tiên thật sự của chúng ta. Và sau thời gian từng đấy năm, hầu hết mọi người chỉ tạm hài lòng với những gì họ đã làm.

Thực tế còn làm chúng ta hoang mang hơn. Các nghiên cứu quy mô trên nhiều lĩnh vực cho thấy nhiều người không những không làm tốt công việc của mình, bất kể đã dành ra bao nhiêu thời gian, mà còn không tiến bộ chút nào so với khi họ khởi sự. Kiểm toán viên giàu kinh nghiệm chưa chắc đã giỏi hơn nhân viên tập sự mới tốt nghiệp trong việc phát hiện gian lận của doanh nghiệp – một kỹ năng rất quan trọng của người kiểm toán. Khi đánh giá những rối loạn nhân cách, một trong những vấn đề nghiên cứu của các nhà tâm lý, thâm niên kinh nghiệm điều trị của họ không nói lên điều gì về kỹ năng, kể cả với một số bác sĩ hàng đầu. Bác sĩ phẫu thuật cũng không giỏi hơn bác sĩ nội trú trong việc tiên lượng thời gian nằm viện sau phẫu thuật của bệnh nhân. Tương tự, ở các lĩnh vực đòi hỏi những kỹ năng tập trung quan trọng như môi giới chứng khoán, dự báo sự tái phạm của tù nhân, đánh giá ứng viên nhập học – thì người giàu kinh nghiệm cũng không giỏi hơn người ít kinh nghiệm.

Nghiên cứu gần đây nhất về các nhà quản lý doanh nghiệp đã củng cố những kết quả này. Các nhà nghiên cứu từ trường kinh doanh INSEAD của Pháp và trường Hải quân Hoa Kỳ gọi đây là hiện tượng “cái bẫy kinh nghiệm.” Phát hiện chính của họ chỉ ra rằng: mặc dù các công ty thường đánh giá cao người quản lý có kinh nghiệm, nhưng theo các nghiên cứu chính xác thì trung bình, “người quản lý có kinh nghiệm cũng không hề mang lại hiệu quả cao.”

***

Trong một số lĩnh vực, mọi việc có vẻ còn kỳ lạ hơn. Đôi khi người giàu kinh nghiệm lại thể hiện kém hơn. Nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm đạt được số điểm kiểm tra kiến thức y khoa thấp hơn bác sĩ ít kinh nghiệm; qua thời gian, kỹ năng chẩn đoán nhịp tim và X-quang của các bác sĩ đa khoa cũng giảm đi. Nhiều nhân viên kiểm toán cũng không thạo một số loại định giá cơ bản.

Vấn đề đặc biệt của những phát hiện này là cách chúng nhấn mạnh, thay vì giải quyết, bí ẩn của thành công lớn. Khi được yêu cầu giải thích tại sao rất ít người thực hiện xuất sắc những việc họ làm, hầu hết chúng ta đều có hai câu trả lời. Đầu tiên là sự chăm chỉ làm việc. Mọi người sẽ thực hiện xuất sắc một việc gì đó, nếu họ chăm chỉ làm việc. Chúng ta thường bảo với con trẻ rằng nếu chăm chỉ, chúng sẽ làm tốt mọi việc. Điều này hóa ra lại hoàn toàn đúng. Bọn trẻ sẽ làm tốt mọi việc, giống như tất cả những người khác đã làm một số việc trong hầu hết cuộc đời, và đạt tới mức độ hoàn hảo chấp nhận được, nhưng chưa bao giờ thực hiện một cách đặc biệt xuất sắc. Nghiên cứu khẳng định rằng để trở thành một người thành công, không thể chỉ dựa trên thâm niên làm việc.

Vậy câu trả lời bản năng đầu tiên của chúng ta đã không chính xác.

Câu trả lời thứ hai đối nghịch với câu đầu, nhưng cũng không ngăn chúng ta nhiệt thành tin tưởng vào nó. Hãy thử quay lại ít nhất 2.600 năm trước − thời kỳ của Homer:

Mời lại đây người nghệ sĩ tài danh Demodocus. Chúa đã ban cho người năng khiếu hát ca.

Những câu này trích từ trường ca Odyssey; rất nhiều dẫn chứng trong đó và trong trường ca Illiad nói về những năng khiếu mà Chúa Trời ban tặng cho loài người. Kể từ đó, chúng ta đã thay đổi quan niệm về rất nhiều vấn đề quan trọng như vũ trụ chuyển động ra sao, bệnh tật phát sinh từ đâu; nhưng chúng ta lại chưa thay đổi quan điểm về điều gì khiến một vài người thực hiện công việc đặc biệt xuất sắc. Chúng ta vẫn nghĩ như Homer từng nghĩ: những vĩ nhân xuất chúng xung quanh ta, khi đến thế giới này, đều mang trong mình một tài năng thiên bẩm để làm chính xác điều mà họ sẽ thực hiện sau này – như trường hợp của Demodomus là sáng tác và ca hát. Chúng ta sử dụng, hay đơn giản chỉ là dịch lại những từ mà người Hy Lạp cổ đại từng dùng. Chúng ta vẫn nói, như Homer từng nói, rằng Chúa trời hay Nàng thơ đã truyền sự vĩ đại cho các vĩ nhân. Chúng ta vẫn cho rằng họ có năng khiếu – hay chính sự vĩ đại họ được trao tặng – với những lý do không giải thích được.

Chúng ta tin rằng những người như vậy có khả năng sớm phát hiện ra năng khiếu của mình. Mặc dù cách giải thích này mâu thuẫn với cách giải thích chỉ-cần-chăm-chỉ, nhưng chúng đã ăn sâu bén rễ vào lối suy nghĩ của nhiều người và ở một số chiều hướng, đem lại sự thỏa mãn hơn. Nó giải thích tại sao các vĩ nhân dường như dễ dàng thực hiện được một số việc mà hầu hết chúng ta nghĩ rằng mình không thể làm được; từ việc hoạch định chiến lược cho một công ty hàng tỉ đô, chơi bản công-xéc-tô dành cho đàn vi-ô-lông của Tchaikovsky hay đánh một cú bóng gôn xa 330 thước. Cách lý giải về năng khiếu thiên bẩm cũng giải thích tại sao các vĩ nhân lại hiếm hoi như vậy. Dù thế nào thì năng khiếu thiên bẩm có lẽ không được trao cho tất cả mọi người.

Cách lý giải này cũng khiến hầu hết chúng ta tự đặt ra giới hạn bi quan cho thành tích của bản thân. Năng khiếu thiên bẩm là một trong hàng triệu điều. Bạn có hoặc không có nó. Nếu bạn không có – và dĩ nhiên, hầu hết chúng ta không có – thì bạn cũng nên quên việc tiến gần sự vĩ đại.

Như vậy, tại sao hầu hết chúng ta không chú tâm vào bí ẩn của thành công lớn. Vì chúng ta không cho đó là một bí ẩn. Chúng ta có hai lý do giải thích việc này trong đầu, và nếu lý do đầu tiên sai thì chúng ta sẽ tin vào lý do thứ hai. Điều thú vị nhất ở cách lý giải thứ hai là nó làm cho thành công lớn nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Nếu thực sự có năng khiếu, hẳn chúng ta sẽ nhận ra ngay. Và nếu không có thì chúng ta nên để tâm đến những việc khác.

Cách giải thích này – nếu nó không rắc rối thì thật tuyệt − là không đúng. Thành công lớn có thể trong tầm tay của chúng ta, nhiều hơn những gì ta từng nghĩ tới.

Những phát hiện mới về thành công lớn

Hóa ra kiến thức của chúng ta về thành công lớn, cũng như về mọi thứ khác, đều được biết đến từ hai thiên niên kỷ trước. Nhưng hầu hết mọi người chưa chú ý đến chúng. Các nhà khoa học chỉ bắt đầu chú ý đến chúng cách đây khoảng 150 năm và liên tục đưa ra những nghiên cứu quan trọng nhất trong 30 năm trở lại đây. Các nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới tập trung vào những người thành công nhất ở nhiều lĩnh vực, bao gồm quản lý, cờ vua, bơi lội, phẫu thuật, hàng không, âm nhạc, bán hàng, viết tiểu thuyết và nhiều lĩnh vực khác. Hàng trăm kết quả nghiên cứu thu được lại mâu thuẫn với hầu hết những gì ta nghĩ về thành công lớn. Cụ thể như sau:

  • Năng khiếu của những người thành công nhất không như chúng ta tưởng. Nó không đủ để giải thích cho những thành công họ đạt được – nếu thực sự có năng khiếu. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng không có năng khiếu thiên bẩm cho từng công việc cụ thể. Nghĩa là, bạn được sinh ra không để trở thành một nghệ sĩ bậc thầy về cla-ri-net, người bán xe ô tô, người giao dịch trái phiếu hay bác sĩ phẫu thuật não. Bởi vì không ai như vậy cả. Nhiều nhà nghiên cứu theo phái ủng hộ vai trò của tài năng không chấp nhận quan điểm này. Nhưng họ cũng khó chứng minh được năng khiếu thiên bẩm có vai trò quan trọng như thế nào trong việc đạt được thành công.
  • Những năng lực đặc trưng được cho là tiêu biểu của người thành công cũng không như ta nghĩ. Ta thường cho rằng những cá nhân xuất chúng trong nhiều lĩnh vực như cờ vua, âm nhạc, kinh doanh, y tế, hẳn phải rất thông minh hoặc có trí nhớ phi thường. Thực tế là một số người có, nhưng phần nhiều lại không. Ví dụ, một số quán quân cờ vua quốc tế lại có chỉ số thông minh (IQ) dưới mức trung bình. Như vậy, năng lực đặc trưng không làm ta trở nên đặc biệt. Ở điểm này, ngạc nhiên thay, rất nhiều người thành công lại chỉ đạt ở mức trung bình.
  • Nhân tố hợp lý nhất lý giải cho việc đạt được thành công lớn là điều các nhà nghiên cứu gọi là “luyện tập một cách có ý thức.” Chính xác điều này là gì hóa ra lại cực kỳ quan trọng. Nó hoàn toàn không phải những gì chúng ta thực hiện trong công việc mỗi ngày. Nó lý giải về điều bí mật nơi công sở. Đó là tại sao rất nhiều người xung quanh ta đã làm việc chăm chỉ trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ đạt được thành công tột bậc. Luyện tập có ý thức, không giống như những gì hầu hết chúng ta thường làm khi tập chơi đánh gôn, thổi kèn ô-boa hay theo đuổi bất kỳ sở thích nào khác. Việc luyện tập có ý thức rất khó khăn. Nó đầy gian khổ nhưng rất hiệu quả. Rèn luyện có ý thức đem lại sự tiến bộ. Còn bền bỉ luyện tập hăng say mang tới thành công vĩ đại.

Có rất nhiều điều để nói về luyện tập có ý thức, nhưng có một số nét chính sau:

  • Đây là một khái niệm rộng, cho thấy mọi thứ thật giản dị và có thể thay đổi. Câu hỏi then chốt đặt ra ở đây là: Chính xác cần luyện tập cái gì, và như thế nào? Nó đòi hỏi kỹ năng đặc biệt hay tài sản nào khác không? Tổng quát hóa trên nhiều lĩnh vực, các nghiên cứu đã tìm ra câu trả lời. Nghiên cứu không chỉ ra sự lý giải chung về sự thành công tột bậc trong lĩnh vực múa ba lê, chẩn đoán bệnh, bán bảo hiểm hay đánh bóng chày. Nhưng cho thấy một số nhân tố chính làm nên sự thành công trong các lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác nữa.
  • Hầu hết các tổ chức ứng dụng không hiệu quả các nguyên tắc đạt được thành công. Nhiều công ty dường như sắp đặt một cách hoàn hảo nhất để cản trở nhân viên ứng dụng các nguyên tắc này cho bản thân hay nhóm làm việc của họ. Nếu thấu hiểu và ứng dụng rộng rãi, chúng sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp.
  • Một trong những câu hỏi quan trọng nhất về sự vĩ đại xoay quanh những khó khăn của việc luyện tập có ý thức. Khó khăn chủ yếu là ý thức – trong bất kể lĩnh vực nào cũng vậy – ngay cả trong thể thao, lĩnh vực ta thường cho rằng yêu cầu thể lực là khắc nghiệt nhất. Lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ đến kiệt sức. Nếu việc luyện tập quá vất vả − nếu trong phần lớn trường hợp, nó “vốn không hề thú vị tẹo nào,” như một số nhà nghiên cứu hàng đầu từng nói – thì tại sao một số người lại tự mình hàng ngày kiên gan khổ luyện trong hàng thập kỷ trong khi hầu hết người khác lại không? Sự đam mê này có từ đâu? Đây quả là một câu hỏi khó, nhưng câu trả lời cũng dần hé lộ.

Những hiểu biết mới về thành công lớn, dựa trên cơ sở tổng quát hóa có tác động đặc biệt. Các nhà nghiên cứu tiếp tục mở rộng thử nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác. Các kết luận tiếp tục được củng cố, mở ra khả năng ứng dụng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, và thật sự trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.

Có thể nói rằng những hiểu biết mới mẻ này được đưa ra đúng lúc vì nhu cầu về chúng trong mọi lĩnh vực mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có rất nhiều lý do cho việc này. Lý do rõ ràng nhất là xu hướng nâng cao nhanh chóng các tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực. Con người ở mọi nơi đang làm mọi thứ tốt hơn trước rất nhiều. Bạn có thể thấy các ví dụ ở bất kỳ đâu, ngay trong nhà mình. Hằng năm, các đời máy tính mới đưa ra nhiều tính năng tiết kiệm chi phí hơn. Các ngành khác cũng vậy. Xe ô tô của bố mẹ bạn đã đi được bao lâu? Có được 50.000 dặm không? Trong khi, chiếc xe Toyota đời mới của bạn có thể đi được 200.000 dặm là điều không phải bàn cãi. Chất lượng lốp ô tô cũng vậy. So với 5 năm trước, chiếc máy giặt hiệu Whirlpool (hay bất cứ một nhãn hiệu lớn nào) có nhiều chức năng hơn, tốn ít nước, ít tiêu hao điện và ít tốn kém hơn. Trong mọi ngành nghề trên toàn thế giới, để có thể cạnh tranh, việc kinh doanh phải được thực hiện ở tiêu chuẩn cao nhất và liên tục phát triển tốt hơn. Thành công lớn cũng trở nên có giá trị hơn.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button