Kỹ năng mềm

Già Sao Cho Sướng?

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đỗ Hồng Ngọc

Download sách Già Sao Cho Sướng ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Được mệnh danh là “người chữa bệnh bằng văn chương”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được biết đến với nhiều ấn phẩm như: Thiền & Sức khoẻ, Ghi chép lang thang, Thư cho bé sơ sinh, Gió heo may đã về, Già ơi, Chào bạn, Như ngàn thang thuốc bổ, Cành mai sân trước, Ăn vóc học hay, Thư gởi người bận rộn, Thấp thoáng lời kinh…

Với tác phẩm mới nhất Già sao cho sướng? – Để có một tuổi già hạnh phúc, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dùng cách viết dí dỏm để “chữa” thân bệnh, tâm bệnh cho các “bệnh nhân” ở tuổi xế chiều, “để có một tuổi già hạnh phúc”. Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử. Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây.

Bác sĩ đã “bắt bệnh” cho người già với ba nỗi khổ thường gặp:

– Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cứ rơi rụng dần…

– Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử…

– Ba là thiếu vận động! Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa!

Giải quyết được ba cái bệnh trên thì có thể nói già mà sướng.

LỜI NGỎ

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo phỏng vấn bí quyết sống lâu mà vui khỏe, cụ cười: Có gì đâu, sáng nào tôi cũng tự hỏi hôm nay mình nên ở Thiên đàng hay Địa ngục đây, rồi ngần ngừ một lúc, tôi chọn Thiên đàng!

Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người khổ sở vì chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách né tránh già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè hoài thì coi hổng được.

Chất lượng cuộc sống (Quality of life) được định nghĩa là “những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”. (WHO, Tổ chức Sức khỏe Thế giới).

Có một bảng chỉ số giúp đo đạc chất lượng cuộc sống gồm các yếu tố như về thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người tự đánh giá và tự điều chỉnh, thích nghi.

Trong hai tuần qua, bạn đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn ở mức độ nào? Rất xấu? Xấu? Không tốt không xấu? Tốt? Rất tốt? Trong hai tuần qua, bạn có hài lòng về sức khỏe của bạn không? Ở mức độ nào? Bạn có cảm thấy vui sống, thấy cuộc sống là có ý nghĩa không? Bạn có chấp nhận ngoại hình của bạn hiện nay không? Bạn có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu hằng ngày không? Bạn có được vui chơi giải trí không? Bạn có đi lại dễ dàng thoải mái không? Bạn có hài lòng về giấc ngủ của mình không? Bạn có hài lòng về mối quan hệ cá nhân của bạn với gia đình và với người chung quanh? Bạn có hài lòng về những điều kiện sống hiện nay? Bạn có thường cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…?

Đó là một vài câu hỏi trong hàng trăm câu hỏi của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống. Thỉnh thoảng ta cũng nên tự hỏi mình những câu như thế, đừng để quá muộn rồi phải kêu lên: “… Nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn)…

Có người hỏi tôi, ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, người ta hay nhắc đến “quỹ thời gian”, bác sĩ có như vậy không? Tôi trả lời không. Tôi không có ý niệm có một quỹ thời gian nào đó, bởi tôi không thể biết trước tôi có được bao nhiêu thời gian, đã xài hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu để… lên kế hoạch.

Lần nọ, tôi có dịp làm MC cho một buổi giao lưu của các vị cao tuổi, có bác sĩ – họa sĩ Dương Cẩm Chương, 103 tuổi, nhạc sĩ Trần Văn Khê, 93 tuổi; nhà giáo Đàm Lê Đức, 83 tuổi, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, 76 tuổi. Hôm đó, tôi bỗng trở thành người “quá trẻ”. Kinh nghiệm rút ra là nên thường xuyên gặp gỡ những người già để mình được trẻ! Nhưng theo tôi, được làm bạn với những người trẻ… dễ thương mới thực sự là hạnh phúc của tuổi già! Trịnh Công Sơn viết trong cuốn Gió heo may đã về của tôi: “Không có già không có trẻ. Nói với một người trẻ tôi già rồi em ạ là vô lễ”.

“Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật” (WHO). Đây là định nghĩa chung về sức khỏe. Riêng với người già thì định nghĩa có khác một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ.

Sự khác biệt ở đây là đã đưa yếu tố “tâm thần” lên hàng đầu. Bởi ở tuổi già, thể chất đã rệu rã, mọi thứ dần quá “date”, nên chất lượng cuộc sống nằm chính ở “tâm thần”!

Nghiên cứu cho thấy tuổi già thường có được hạnh phúc khi: Biết từ bi với mình, chấp nhận mình, hiểu luật vô thường của cuộc sống; có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh xuân; được tự tại sắp xếp cuộc sống theo ý riêng, không bị áp đặt; duy trì tốt các mối quan hệ gia đình, bè bạn…; sức khỏe thể chất tương đối tốt thôi, không mong lúc nào cũng “như xưa” được; tài chánh được tự chủ; gần gũi với thiên nhiên, giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.

Tôi nay đã 76 tuổi – tuổi ta – có lúc thấy mình cũng hơi già nhưng nhớ lại tuổi Tây thì mình mới 75, hãy còn quá trẻ! Tập sách mỏng này dành cho các bạn U80, những người đã có thể gọi nhau là “lão hữu”. Dĩ nhiên, những bạn trẻ dưới tuổi 70 cũng có thể đọc được. Nhưng, thỉnh thoảng mà thấy có bài này bài nọ quen quen thì cũng đừng ngạc nhiên! Già nó lẩm cẩm chút vậy thôi.

Tự tại có lẽ là con đường hạnh phúc nhất của tuổi già. Cho nên “Quán Tự Tại Bồ-tát” khi chiếu kiến “Ngũ uẩn giai không” thì đã vượt thoát mọi khổ đau ách nạn: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate…!

Vậy nhé,

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

(Sài Gòn, 2015)

ĐỌC THỬ

CÓ TUỔI GIÀ KHÔNG?

Cách đây gần 20 năm, khi đến thăm GS. Trần Văn Khê ở Paris về, tôi có viết một bài trên báo tựa là“Đời thường GS. Trần Văn Khê”, đã thân tình gọi ông là “một ông già Nam bộ dễ thương”. Bất ngờ bị ông Khai Trí – chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Sài Gòn mà ai cũng biết – lên tiếng cự nự, trách tôi tại sao dám gọi ông Trần Văn Khê là một “ông già” khi ông mới 77 tuổi, dù là “một ông già dễ thương” bởi theo ông Khai Trí, không có cái tuổi nào gọi là tuổi già cả! Ông dẫn chứng bằng một câu trong sách Tây mà ông đã đọc từ xưa:

“Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ;

30-40 tuổi, đang trẻ;

40-50, hãy còn trẻ;

50-60 trẻ không ngờ;

60-70 trẻ lạ lùng!

và trên 70 người ta trẻ vĩnh viễn!”…

“Thấy chưa? Có cái gì là già đâu?” – ông Khai Trí bảo tôi!

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời bạt cho cuốn Gió heo may đã về của tôi (1997) thì bảo: “… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ… Không có già không có trẻ…”. Nói khác đi ta không bao giờ nên nói với một người trẻ “Tôi già rồi!”, vì nói như vậy là “vô lễ”! Phải nói “em là tôi và tôi cũng là em!” mới đúng. Thế nhưng, chính nhạc sĩ có lúc cũng đã thấy “cát bụi mệt nhoài” của mình mà đành phải “… về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (Trịnh Công Sơn). Cuồng phong cánh mỏi rồi đó thấy chưa?

André Maurois thì khác. Ông nói có già có trẻ. Nhưng, ông lại nói có những người mới 20 mà đã già trong khi có những người ngoài 80 hãy còn trẻ! Và chính ông, khi ngoài tuổi 80, ông đã viết một cuốn sách cho tuổi 20, bày cho họ một lối sống thành công và hạnh phúc!

Kinh nghiệm riêng tôi thì thực ra mình chẳng bao giờ biết mình đã già cả! Bạn bè cùng lứa mình già thì có chứ mình thì không! Cho đến một hôm gặp người bạn cũ kể chuyện nửa thế kỷ trước đã từng đi câu cá, đi hái chùm ruột trộm… ở quê nhà với mình, rồi đột nhiên cười lỏn lẻn bảo bây giờ em đã là… bà cố thì mình mới giật mình đánh thót! Mới vài năm trước đây, ở tuổi 72, khi được mời đi nói chuyện đây đó, tôi tự giới thiệu tuổi mình, thính giả vỗ tay rào rào và nói trẻ quá, tưởng mới 60 thôi chứ. Khoái chí, năm rồi, tôi tự giới thiệu mình 74, ai nấy im re! Thì ra có một cái “cột mốc”! Nhớ lại hồi 15 mà coi, tự dưng ta cao phổng lên, tay chân lòng thòng, tóc râu tua tủa, mắt sáng mày thanh… đó là cái tuổi dậy thì, bây giờ tới một cột mốc khác, mọi thứ quay ngược lại: già tốc hành, già khú đế, “nhìn lại mình đời đã xanh rêu!” (Trịnh Công Sơn). Vậy thì có cái già đó. Vấn đề là làm thế nào để có một tuổi già hạnh phúc, già mà khỏe, mà vui!

Cụ bà Như Không viết lúc ngoài tuổi 80:

Rù rờ đổ vỡ thật là hư!

Chẳng biết mần răng được nữa chừ!

Ăn uống vãi rơi làm họ bực

Vào ra đụng chạm thấy mình dư…

Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn

Để trước quên sau kiếm mệt đừ

Đâu biết ngày nay ra thế ấy

Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

“GIÀ SAO CHO SƯỚNG? – Để có một tuổi già hạnh phúc” viết riêng cho những người đã già, đang già, sắp già, để cùng nhau chia sẻ những tâm tình, những kinh nghiệm riêng tư…

LÀM SAO BIẾT ĐÃ… GIÀ?

Cha mẹ già thường nhìn các con 40, 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con thì luôn thấy cha mẹ của mình như một người… lớn khỏe mạnh, chớ không ngờ cái già nó đã “xồng xộc” đến với họ, đã làm thay đổi bản thân họ mà chính họ cũng không hề hay biết!

Cho nên muốn biết cha mẹ đã… già chưa thì chỉ còn có cách “lén” quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường nào và những vấn đề về sức khỏe của tuổi già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt. Nhưng biết để quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa cả thì rất không hay!

Trước hết hãy quan sát… cái bề ngoài của họ coi ra sao. Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Có “mặc kệ” sao cũng được mọi thứ về chăm sóc bản thân mình không? Trí nhớ họ còn tốt không hay đã bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại hoài một chuyện? Họ có loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt hay toòng teng trên cổ không? Họ có nghễnh ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ hỏi đi hỏi lại hoài một chữ không? Họ có kêu tivi mờ, điều chỉnh tới lui cũng không rõ hoặc kêu sách báo lúc này sao in chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt đất như chân đã mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò gas, quên khóa cửa nhà… không? Chờ đến lúc họ không còn nhớ tên con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường đi lối về và rồi quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã… Alzheimer nặng!
Để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không? Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không hay chỉ thích ngồi im một chỗ lúc nào cũng như “đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? Họ có ôm tivi suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời không?

Để ý coi họ có bắt đầu thở hổn hển nặng nhọc… khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức giấc đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món ăn quen thuộc nào không? Họ có bị bón phải rặn hì hục vất vả toát mồ hôi cả ngày không?…

Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của tuổi già. Và, có một “kế hoạch già” là cần thiết rồi đó!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button